Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 30 tháng 5, 2021

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 30 tháng 5, 2021

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi, 30 tháng Năm, 2021



Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Trong ngày lễ này, chúng ta ca tụng Thiên Chúa: mầu nhiệm về một Thiên Chúa duy nhất. Và Thiên Chúa này là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba ngôi vị, nhưng Thiên Chúa là một! Chúa Cha là Thiên Chúa; Chúa Con là Thiên Chúa; Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Nhưng không phải là ba vị chúa: đó là một Thiên Chúa trong ba Ngôi vị. Đó là một mầu nhiệm mà Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải cho chúng ta: Thiên Chúa Ba Ngôi. Hôm nay chúng ta dừng lại để cử hành mầu nhiệm này, bởi vì các Ngôi vị không phải là tính từ của Thiên Chúa, không. Đó là các Ngôi vị thật, khác nhau, riêng biệt; các Ngôi vị không phải là ‘sự phát tỏa’ của Thiên Chúa – như nhà triết gia kia nói, không, không phải! Đó là các Ngôi vị. Có Chúa Cha là Đấng mà tôi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha; có Chúa Con, Đấng đã ban cho tôi ơn cứu độ, ơn công chính hóa; có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và cư ngụ trong Giáo hội. Và điều này nói với tâm hồn của chúng ta bởi vì chúng ta thấy nó được bao hàm trong cách diễn đạt của Thánh Gioan tóm tắt tất cả sự mạc khải: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8,16). Chúa Cha là tình yêu; Chúa Con là tình yêu; Chúa Thánh Thần là tình yêu. Và vì Người là tình yêu, nên Thiên Chúa, tuy là một, nhưng không đơn độc mà là hiệp thông, giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bởi vì tình yêu về bản chất là một món quà cho đi, và trong thực tại nguyên thủy và vô hạn của mình, chính Chúa Cha là Đấng tự trao ban sinh ra Chúa Con, Đấng đến lượt mình đã tự hiến cho Chúa Cha, và tình yêu lẫn nhau của Cha và Con là Chúa Thánh Thần, mối dây hiệp nhất của Cha và Con. Điều này không dễ hiểu, nhưng chúng ta có thể sống mầu nhiệm này, tất cả chúng ta, chúng ta có thể sống rất nhiều.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi này được chính Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta. Ngài đã cho chúng ta thấy dung nhan của Thiên Chúa là Cha nhân từ; Ngài đã tự giới thiệu chính Ngài, là con người thật, là Con Thiên Chúa và là Lời của Chúa Cha, là Đấng Cứu Thế đã hiến mạng sống cho chúng ta; và Ngài nói về Chúa Thánh Thần, Đấng xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, là Thần Chân lý, là Đấng Bào chữa – chúng ta đã nói về từ ‘Paraclete’ (Đấng Bào chữa) này vào Chúa nhật tuần trước, – có nghĩa là Đấng An ủi và Đấng Bênh vực. Và khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ sau Phục sinh, Chúa Giêsu mời gọi các ông đi rao giảng cho “muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).

Do đó, ngày lễ hôm nay giúp chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm tuyệt vời này của tình yêu và của ánh sáng, là nguồn cội của chúng ta và là hướng đạt tới cho hành trình trần thế của chúng ta.

Trong thông điệp của Tin Mừng và trong mọi hình thức của sứ vụ Kitô giáo, chúng ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này mà Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta noi theo sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: chúng ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này. Vẻ đẹp của Tin Mừng đòi hỏi phải được sống – hiệp nhất – và được chứng minh trong sự hòa hợp giữa chúng ta, những con người rất đa dạng! Và cha dám nói rằng sự hiệp nhất này là điều thiết yếu đối với người Kitô hữu: nó không phải là một thái độ, một cách nói, không; nó là điều thiết yếu, bởi vì nó là sự hiệp nhất được sinh ra từ tình yêu, từ lòng thương xót của Thiên Chúa, từ sự công chính hóa của Chúa Giêsu Kitô, và từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta.

Trong sự đơn sơ và khiêm nhường, Mẹ Maria đã phản ánh Vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu vào trong cuộc đời mình một cách trọn vẹn. Xin Mẹ nâng đỡ đức tin của chúng ta; Xin Mẹ giúp chúng ta trở thành những người thờ phượng Thiên Chúa và là người phục vụ anh chị em chúng ta.


_________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến! Hôm qua tại Astorga, Tây Ban Nha, chị María Pilar Gullón Yturriaga, chị Octavia Iglesias Blanco và chị Olga Pérez-Monteserín Núñez đã được tuyên phong chân phước. Ba người nữ giáo dân dũng cảm này, noi gương Người Samari nhân hậu, đã tận tâm chăm sóc những người bị thương trong chiến tranh, không bỏ rơi họ trong lúc nguy hiểm; họ đã chấp nhận rủi ro, và họ bị giết vì sự thù ghét đức tin. Chúng ta hãy ngợi khen Chúa về chứng tá Tin Mừng của họ. Một tràng pháo tay dành cho các vị tân Chân phước.

Ngày 1 tháng Bảy tới đây, cha sẽ gặp gỡ tại Vatican các nhà lãnh đạo đứng đầu những cộng đồng Kitô giáo hiện diện tại Li Băng, trong một ngày phản ánh về tình hình bất ổn của đất nước và cùng nhau cầu xin ơn hòa bình và ổn định.

Cha phó thác ý định này cho sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, được tôn kính tại Đền thờ Harissa, và kể từ giờ phút này, cha xin anh chị em cùng đồng hành với việc chuẩn bị cho sự kiện bằng lời cầu nguyện, khẩn xin một tương lai hòa bình hơn cho đất nước thân yêu đó.

Hôm nay Ngày Thế giới Đa xơ cứng đang được tổ chức, và tại nước Ý là Ngày Cứu trợ Quốc gia. Tôi xin bày tỏ lòng cảm kích về những sáng kiến này; chúng ta hãy nhớ rằng sự gần gũi “là một loại dầu quý giá cung cấp sự hỗ trợ và an ủi cho những người bệnh trong cơn đau khổ của họ” (Sứ điệp Ngày Quốc tế Bệnh nhân 2021).

Sáng hôm nay, cha tiếp một nhóm nhỏ các tín hữu mang đến cho cha bản dịch toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng địa phương của họ. Một người đàn ông đã làm việc đó: tám năm làm việc! Viết tay, có tám quyển, hoàn toàn bằng tiếng địa phương. Và người đàn ông đó có mặt, và nói với cha rằng anh ấy đã đọc, cầu nguyện và dịch. Cha xin bày tỏ lời cảm ơn về nghĩa cử này, và một lần nữa nói với anh chị em hãy đọc Lời Chúa, để tìm thấy trong đó sức mạnh cho cuộc đời chúng ta. Và cha cũng nhắc lại điều này, hãy luôn mang theo bên mình một quyển Tân Ước, một quyển Phúc Âm bỏ túi: trong túi xách, trong túi áo, để có thể đọc bất cứ lúc nào trong ngày. Bằng cách này, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu trong Sách Thánh. Chúng ta hãy học từ tấm gương của người đàn ông đã làm việc trong tám năm để hiểu điều này. Và anh ấy nói với cha: “Con đã cầu nguyện rất nhiều”.

Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, người Rôma, người đến từ nước Ý và các quốc gia khác. Cha nhìn thấy ở đằng kia người Canada, người Colombia…. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Colombia! Đặc biệt là những người vừa lãnh nhận Bí tích Thêm sức của giáo xứ Holy Roman Protomartyrs. Cha gửi lời chào anh chị em hành hương người Ba Lan và anh chị em tham gia cuộc hành hương đến Đền thờ Đức Mẹ Piekary Śląskie. Và như thường lệ cha gửi lời chào các bạn trẻ của Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/5/2021]


Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chiếc xe giáo hoàng đầu tiên bằng điện

Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chiếc xe giáo hoàng đầu tiên bằng điện

Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chiếc xe giáo hoàng đầu tiên bằng điện

Photo Courtesy of Fisker Inc. – www.FiskerInc.com

Cerith Gardiner

28/05/21


Đức Giáo hoàng đang góp phần giảm thiểu lượng khí thải carbon của mình.

Sắp tới Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi chiếc xe giáo hoàng mới không chỉ vận hành bằng điện, mà còn được sản xuất bằng những vật liệu tôn trọng môi trường.

Chiếc xe sẽ được chế tạo tại Hoa Kỳ, bởi nhà sản xuất xe Fisker Inc. có trụ sở tại Los Angeles. Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, ông Henrik Fisker, CEO của Fisker, chia sẻ: “Tôi được truyền cảm hứng khi đọc thấy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô rất quan tâm đến môi trường và tác động của biến đổi khí hậu đối với các thế hệ tương lai.”

Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chiếc xe giáo hoàng đầu tiên bằng điện


Để phù hợp với mong muốn của Đức Giáo hoàng là khuyến khích tất cả chúng ta trở thành những người quản lý có trách nhiệm đối với tạo vật của Thiên Chúa, chiếc xe sẽ bao gồm nhiều tính năng bền vững khác nhau.

Phiên bản sửa đổi của chiếc Fisker Ocean SUV sẽ có vòm kính có thể thu vào hoàn toàn, thảm nội thất sẽ được làm từ những chai lọ tìm thấy trong đại dương và được tái chế sau đó, và nó cũng sẽ được tăng cường với một mui xe năng lượng mặt trời.

Theo Hinhustan Times cho biết, đây không phải là chiếc xe đầu tiên thuộc loại này được sử dụng bởi Giáo hoàng. Năm 2020, nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản, Toyota, đã gửi cho ngài một chiếc sedan Toyota Mirai chạy bằng điện.

Tuy nhiên, những người muốn được nhìn thấy Đức Thánh Cha Phanxicô trong chiếc xe giáo hoàng mới của ngài sẽ phải đợi cho đến khi nó được giao hàng dự kiến vào năm 2022.

Hy vọng tấm gương của vị đứng đầu Giáo hội Công giáo sẽ khuyến khích những người khác quan tâm hơn đến môi trường khi chọn một chiếc xe mới, và trong các quyết định hàng ngày của họ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/5/2021]


Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Tại sao một số nhà thờ thời trung cổ để một lỗ thông trên mái

Tại sao một số nhà thờ thời trung cổ để một lỗ thông trên mái

Tại sao một số nhà thờ thời trung cổ để một lỗ thông trên mái

Wolfgang Sauber | CC BY-SA 3.0

Philip Kosloski

22/05/21


“Chúa Thánh Thần” được kết hợp vào trong kiến trúc nhà thờ để nhắc nhở các tín hữu về việc Chúa Thánh Thần ngự đến.

Một chi tiết thú vị trong kiến trúc nhà thờ được biết đến là “Cửa Chúa Thánh Thần.” Nó là một lỗ mở lớn được chủ đích để lại trên trần nhà thờ.

Chi tiết này được thực hiện phổ biến nhất trong các nhà thờ thời trung cổ trên khắp Châu Âu, nhưng rồi nó được lặp lại ở những nơi khác trên khắp thế giới.

Truyền thống này có ngụ ý nhắc nhở các tín hữu về việc Chúa Thánh Thần ngự đến trong ngày Lễ Ngũ Tuần và là một sự nhắc nhở hữu hình rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục ngự xuống trên các môn đệ của Chúa Kitô.

Tính biểu tượng thiêng liêng được mở rộng thêm vào ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi đó một người leo lên mái và thả các biểu tượng khác nhau của Chúa Thánh Thần xuống.

Cha Francis Weiser giải thích trong quyển sách Holyday Book (Sách ngày thánh) rằng đôi khi chim bồ câu được sử dụng, cũng như những mẩu rơm đang cháy.

Tại một số thị trấn vùng Trung Âu, người ta thậm chí còn đi xa đến mức thả những mẩu bấc hoặc rơm đang cháy xuống từ Cửa Chúa Thánh Thần, để tượng trưng cho những chiếc lưỡi lửa của Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên, các thực hành này cuối cùng đã bị dừng lại vì nó có thể làm người ta bị bén lửa bên ngoài, thay vì thắp lửa trong lòng như Chúa Thánh Thần đã làm tại Giêrusalem. Vào thế kỷ thứ mười ba, ở nhiều nhà thờ chính tòa của Pháp, những con chim bồ câu trắng đã được thả khi hát ca tiếp liên xung quanh nhà thờ, trong khi hoa hồng được thả xuống từ cửa Chúa Thánh Thần.

“Cửa Chúa Thánh Thần” là một truyền thống rất thú vị thời trung cổ, và những biểu tượng được thả xuống qua cửa đó giữ cho con người ý thức rằng niềm tin của chúng ta là một sự kết hiệp giữa phạm vi thể lý và thiêng liêng.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2021]


Tiếp kiến các thành viên Hiệp hội “Meter” ngày 15 tháng Năm, 2021

Tiếp kiến các thành viên Hiệp hội “Meter” ngày 15 tháng Năm, 2021

Tiếp kiến các thành viên Hiệp hội “Meter” ngày 15 tháng Năm, 2021


Hôm nay, trong Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Hiệp hội “Meter”.

Sau đây là diễn từ của ngài trước những người có mặt:

*****

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Tôi rất vui được gặp anh chị em là những người đại diện của Hiệp hội “Meter”, là hiệp hội đã dấn thân vào cuộc chiến chống nạn ấu dâm tại nước Ý và ở các quốc gia khác từ năm 1989 - khi ít người nói đến tai họa này. Tôi xin chào và cảm ơn Đức ông Antonio Staglianò và ngài Don Fortunato Di Noto, những người đã thành lập tổ chức quan quan trọng này. Và tôi xin gửi lời chào và cảm ơn Đức Hồng Y Paolo Lojudice, và tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau đã hỗ trợ Hiệp hội, tổ chức bảo vệ và bênh vực trẻ em bị lạm dụng và bị ngược đãi.

Trong những năm vừa qua, với công việc quảng đại của mình, anh chị em đã góp phần thể hiện tình yêu thương của Giáo hội dành cho những người nhỏ bé nhất và cần sự bảo vệ nhất. Giống như người Samari nhân hậu trong Tin Mừng, anh chị em đã tiếp cận để chào đón, an ủi và bảo vệ với sự tôn trọng và lòng trắc ẩn! Gần gũi, từ bi và dịu dàng: đó là phong cách của Chúa. Anh chị em đã băng bó biết bao vết thương tinh thần! Cộng đoàn hội thánh tri ân anh chị em vì tất cả những điều này.

Chúng ta có thể ví Hiệp hội của anh chị em như một ngôi nhà. Khi tôi nói “ngôi nhà”, là tôi suy nghĩ đến một nơi chào đón, nơi nương tựa, nơi che chở. Từ “ngôi nhà” mang hương vị đặc trưng của gia đình, gợi lên sự ấm áp, tình cảm và sự dịu dàng mà người ta thực sự có thể trải nghiệm trong một gia đình, đặc biệt là trong những thời khắc thống khổ và đau đớn. Và anh chị em đã, và đang là mái ấm của bao trẻ em bị xâm phạm sự trong trắng và bị bắt làm nô lệ bởi sự ích kỷ của người lớn. Anh chị em đã và đang là ngôi nhà hy vọng, thúc đẩy con đường giải phóng và cứu chuộc ở nhiều nạn nhân. Do đó, tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục hoạt động xã hội và nhân văn đầy giá trị này, tiếp tục cống hiến những đóng góp quý báu của mình trong việc bảo vệ tuổi thơ.

Công việc của anh chị em trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, vì thật đáng buồn, sự xâm hại trẻ em vẫn tiếp diễn. Tôi đang đề cập đặc biệt đến sự chải chuốt diễn ra trên internet và các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, với các trang và cổng dành riêng cho nội dung khiêu dâm trẻ em. Đây là một tai họa, về một mặt, nó phải bị xử lý bằng quyết tâm mới của các cơ quan công và giới chức chính quyền, mặt khác, nó đòi hỏi sự nhận thức sâu sắc hơn nữa từ phía gia đình và các tổ chức giáo dục khác nhau. Ngay cả ngày nay, phản ứng đầu tiên chúng ta thường thấy trong các gia đình là che giấu mọi thứ, nó cũng là một phản ứng đầu tiên cũng luôn luôn có trong các cơ sở khác, và trong cả Giáo hội. Chúng ta phải đấu tranh chống lại thói quen che giấu cũ kỹ này. Tôi biết rằng anh chị em luôn cảnh giác trong việc bảo vệ trẻ em ngay cả trong bối cảnh các phương tiện truyền thông hiện đại nhất.

Lạm dụng tính dục trẻ em là một hình thức “sát nhân tâm lý” và trong nhiều trường hợp nó là sự tẩy xóa mất tuổi thơ. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em chống lại nạn bóc lột tình dục là nghĩa vụ của tất cả các Chính phủ, họ phải xác định được cả những kẻ buôn bán người và những kẻ lạm dụng. Đồng thời, nó là trách nhiệm phải tố cáo và ngăn chặn hành vi lạm dụng trẻ em trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội: trường học, thể thao, cơ sở văn hóa và giải trí, cộng đoàn tôn giáo và các cá nhân. Ngoài ra, trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và cuộc chiến chống lại nạn ấu dâm, cần phải thực thi những biện pháp cụ thể để cung cấp sự hỗ trợ hiệu quả cho các nạn nhân.

Trên tất cả các mặt trận này, Meter tích cực hợp tác với các cơ quan tổ chức và với các thành phần khác nhau của xã hội dân sự, cũng như thông qua các giao thức hiểu biết phù hợp. Hãy tiếp tục công việc của anh chị em và đừng do dự, đặc biệt chú ý đến khía cạnh giáo dục, để xây dựng lương tâm mạnh mẽ trong con người và tẩy xóa văn hóa lạm dụng và bóc lột.

Biểu tượng Hiệp hội của anh chị em được tạo thành từ chữ “M” lớn gợi lên ý tưởng về cung lòng người mẹ, chào đón, bảo vệ và ôm lấy những sinh linh bé nhỏ. Bên trong chữ ‘M’ là mười hai ngôi sao, biểu tượng trên vương miện của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là mẹ của tất cả trẻ em. Mẹ là một người mẹ tận tụy, hết lòng yêu thương Con của Mẹ là Chúa Giêsu, là mẫu gương và là sự hướng dẫn cho toàn thể Hiệp hội, động viên chúng ta yêu thương những trẻ em là nạn nhân của nô lệ và bạo lực bằng đức ái của phúc âm. Lòng bác ái đối với người lân cận không thể tách rời khỏi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và chúng ta dành cho Ngài. Đây là lý do tại sao tôi thúc giục bạn luôn luôn đặt nguồn cội cho hoạt động hàng ngày trong mối tương quan thường nhật của anh chị em với Thiên Chúa: trong lời cầu nguyện riêng và cộng đoàn, khi lắng nghe Lời Người và trên hết là trong Bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiệp nhất và mối ràng buộc của đức ái.

Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi xin tỏ lòng cảm phục và cảm ơn các vị lãnh đạo, các thành viên, anh chị em thiện nguyện và tất cả những người cộng tác với Hiệp hội. Đừng sợ hãi khi đối mặt với những hiểu lầm và khó khăn; chúng có rất nhiều, nhưng đừng sợ. Hãy tiến bước với lòng dũng cảm và sự kiên trì. Tôi đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện và cũng bằng lời chúc phúc của tôi. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/5/2021]


Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 26 tháng Năm, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 26.05.2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 26.05.2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức trong sân San Damaso của Điện Tông tòa Vatican.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tiếp tục các bài giáo lý về cầu nguyện, tập trung vào chủ đề: “Chắc chắn được lắng nghe” (Bài trích Phúc âm: Mc 5: 22-24, 35-36).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

_________________________________________


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Có một sự phản đối quyết liệt đối với việc cầu nguyện, xuất phát từ một nhận xét mà tất cả chúng ta đều đưa ra: chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu xin, nhưng đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta dường như không được lắng nghe: những gì chúng ta đã xin - cho bản thân hoặc cho người khác - không được đáp lời. Chúng ta có kinh nghiệm này, rất thường xuyên… Nếu lý do mà chúng ta cầu nguyện là cao đẹp (chẳng hạn như cầu cho sức khỏe của một người bệnh, hoặc cầu xin chấm dứt chiến tranh), thì việc không được ứng nghiệm có thể làm thất vọng. Chẳng hạn, đối với các cuộc chiến tranh: chúng ta đang cầu nguyện cho các cuộc chiến tranh kết thúc, những cuộc chiến ở rất nhiều nơi trên thế giới hiện nay. Hãy nghĩ đến Yemen, hãy nghĩ đến Syria, những quốc gia đã trải qua nhiều năm chiến tranh, suốt nhiều năm, bị tàn phá bởi chiến tranh, và chúng ta cầu nguyện, nhưng chúng vẫn không đi đến hồi kết. Nhưng làm sao lại có thể như vậy? “Có người thôi không cầu nguyện nữa, vì nghĩ rằng Thiên Chúa không nhận lời mình cầu xin” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2734). Nhưng nếu Thiên Chúa là Cha, tại sao Người lại không lắng nghe chúng ta? Người đã bảo đảm với chúng ta rằng Người ban những điều tốt lành cho những đứa con cầu xin với Người (xem Mt 7,10), tại sao Người không đáp lại lời cầu xin của chúng ta? Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này: chúng ta đã cầu nguyện, và cầu nguyện, cho căn bệnh của một người bạn, của cha, của mẹ, và mọi việc vẫn chẳng thay đổi. Nhưng Chúa đã không ban ơn như chúng ta cầu xin! Đó là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều có.

Sách Giáo lý cung cấp cho chúng ta một bản tóm tắt về vấn đề này. Nó giúp chúng ta biết đề phòng nguy cơ không sống kinh nghiệm thật sự về đức tin, mà biến mối tương quan với Thiên Chúa thành một điều gì đó như pháp thuật. Cầu nguyện không phải là một cây đũa thần: nó là cuộc đối thoại với Chúa. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta có thể buông xuôi và nguy cơ không trở thành những người phụng sự Thiên Chúa, nhưng mong chờ Người phục vụ chúng ta (xem 2735). Do đó, đây là lời cầu nguyện luôn luôn đòi hỏi, muốn hướng các sự việc theo bản thiết kế riêng của chúng ta, không chấp nhận bất kỳ chương trình nào khác ngoài những mong muốn của riêng chúng ta. Mặt khác, Chúa Giêsu vô cùng khôn ngoan khi dạy chúng ta Kinh Lạy Cha. Như chúng ta biết, đó là lời kinh chỉ gồm những câu cầu xin, nhưng những câu đầu tiên chúng ta thốt lên đều thuộc về phía Thiên Chúa. Chúng không xin sự hoàn thành cho kế hoạch của chúng ta, nhưng là cho ý của Người đối với thế giới. Tốt hơn là phó thác cho Người: “Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện” (Mt 6, 9-10).

Và Thánh Tông đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thậm chí không biết mình phải cầu nguyện thế nào cho phải (xem Rm 8, 26). Chúng ta xin những thứ cần thiết, những nhu cầu của chúng ta, những thứ mà chúng ta muốn: “Nhưng điều này có tiện hơn hay không?” Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng, chúng ta thậm chí không biết phải cầu xin điều gì cho phải. Khi cầu nguyện, chúng ta cần phải khiêm tốn: đây là thái độ đầu tiên khi đi cầu nguyện. Cũng giống như thái độ ở nhiều nơi khi đi cầu nguyện trong nhà thờ: phụ nữ đội khăn che mặt hoặc lấy nước thánh để bắt đầu cầu nguyện, theo cách này, chúng ta phải tự nhủ trước khi cầu nguyện rằng đó là cách phải phép; rằng Chúa sẽ ban cho tôi những gì là cần. Người biết rõ. Khi cầu nguyện, chúng ta phải khiêm tốn, để những lời của chúng ta thực sự là lời cầu nguyện chứ không phải chỉ là lời nói vu vơ mà Thiên Chúa không chấp thuận. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho những lý do sai lầm: chẳng hạn như xin để đánh bại kẻ thù trong chiến tranh, mà không tự hỏi bản thân rằng Thiên Chúa nghĩ thế nào về một cuộc chiến như vậy. Thật dễ dàng để viết câu “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trên một biểu ngữ; nhiều người hăng hái đảm bảo rằng Chúa ở với họ, nhưng ít người bận tâm đến việc kiểm tra xem họ có thực sự ở với Chúa hay không. Trong cầu nguyện, chính Thiên Chúa là Đấng hoán cải chúng ta, chứ không phải chúng ta là người hoán cải Thiên Chúa. Đó là sự khiêm tốn. Con đi cầu nguyện nhưng lạy Chúa, xin Người hãy hoán cải tâm hồn con để nó biết cầu xin điều gì phải phép, điều gì là tốt nhất cho sức khỏe thiêng liêng của con.

Tuy nhiên, sự thất vọng vẫn còn đó: khi con người cầu nguyện với tấm lòng chân thành, khi họ cầu xin những điều phù hợp với Nước Thiên Chúa, khi một người mẹ cầu nguyện cho đứa con bị bệnh của mình, tại sao có lúc dường như Thiên Chúa không lắng nghe họ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tĩnh tâm suy gẫm các Tin Mừng. Các trình thuật về cuộc đời của Chúa Giêsu đầy những lời cầu xin: nhiều người bị những thương tích về thể xác và tinh thần cầu xin Ngài để được chữa lành; có những người cầu nguyện cho một người bạn không còn đi được; có những người cha, người mẹ mang đến những đứa con trai, con gái bệnh tật … Tất cả đều là những lời cầu nguyện thấm đẫm đau khổ. Đó là một dàn hợp xướng đông đảo cất lên tiếng: “Xin thương xót chúng con!”

Chúng ta thấy đôi khi phản ứng của Chúa Giêsu đến ngay lập tức, trong khi ở một số trường hợp khác, nó bị trì hoãn: dường như Chúa không trả lời. Hãy nghĩ đến người đàn bà Canaan van xin Chúa Giêsu cho đứa con gái của bà: người phụ nữ này phải nài xin rất lâu để được lắng nghe (xem Mt 15,21-28). Bà ấy thậm chí còn khiêm tốn khi nghe thấy một lời từ Chúa Giêsu có vẻ hơi xúc phạm đối với bà: chúng ta không được ném bánh cho những chó con, cho những con chó. Nhưng sự sỉ nhục này không quan trọng đối với người phụ nữ: sức khỏe con gái của bà mới là điều quan trọng. Và bà ấy tiếp tục: “Đúng vậy, nhưng ngay cả những con chó cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ chúng”, và Chúa Giêsu thích điều đó. Hãy can cảm trong lời cầu nguyện. Hoặc hãy nghĩ đến người bại liệt được bốn người bạn của anh ta khiêng đến: Chúa Giêsu ban đầu tha tội cho anh ta và về sau mới chữa lành thân xác anh ta (xem Mc 2: 1-12). Vì thế, trong một số trường hợp không có ngay giải pháp cho vấn đề. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm này. Chúng ta hãy nhìn lại một chút: không biết bao nhiêu lần chúng ta cầu xin một ơn, một phép lạ, và rồi chúng ta nói rằng chẳng có chuyện gì linh nghiệm. Nhưng sau đó, theo thời gian, mọi thứ được thực hiện theo cách của Thiên Chúa, theo cách của Chúa, không theo những gì chúng ta muốn trong thời điểm đó. Thời gian của Chúa không phải là thời gian của chúng ta.

Theo quan điểm này, việc chữa lành cho con gái của ông Giaia đáng được chú ý một cách đặc biệt (xem Mc 5: 21-33). Có một người cha đang hối hả: con gái ông bị bệnh và do đó ông cầu xin sự cứu giúp của Chúa Giêsu. Thầy ngay lập tức nhận lời, nhưng trên đường về nhà của họ lại diễn ra một sự chữa lành khác, và sau đó có tin đến cho biết rằng người con gái đã chết. Tưởng chừng như thế là chấm hết, nhưng ngược lại, Chúa Giêsu nói với người cha: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36). “Hãy tiếp tục có lòng tin”: vì chính lòng tin duy trì sự cầu nguyện. Và quả thật, Chúa Giêsu đã đánh thức đứa trẻ đó khỏi giấc ngủ của thần chết. Nhưng có lúc, ông Giaia phải bước đi trong bóng tối, với duy nhất ngọn lửa của niềm tin. Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin! Xin cho lòng tin của con ngày càng phát triển! Hãy cầu xin ơn này để có được lòng tin. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nói rằng đức tin di chuyển cả núi non. Nhưng, phải có niềm tin thật sự. Đứng trước lòng tin của người nghèo, của dân Ngài, Chúa Giêsu đã bị thuyết phục; Ngài cảm thấy lòng từ bi vô cùng trước niềm tin đó. Và Ngài nhận lời.

Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên với Chúa Cha trong vườn Giếtsêmani dường như cũng không được lắng nghe. “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Dường như Chúa Cha không lắng nghe Ngài. Chúa Con đã phải uống cạn chén thương khó. Nhưng Thứ Bảy Tuần Thánh không phải là chương cuối cùng, vì vào ngày thứ ba, ngày Chúa Nhật, là ngày Phục sinh. Ác thần là chúa tể của ngày áp chót: xin hãy ghi nhớ điều này. Ác thần không bao giờ là chúa tể của ngày cuối cùng, không: là ngày áp chót là thời điểm khi màn đêm trở nên đen tối nhất, ngay trước bình minh. Rồi vào ngày áp chót có cơn cám dỗ, khi đó ma quỷ khiến chúng ta nghĩ rằng nó đã chiến thắng: “Bạn đã thấy chưa? Tôi đã chiến thắng!”. Ác thần là chúa tể của ngày áp chót: ngày cuối cùng là ngày Phục sinh. Và ác thần không bao giờ là chúa tể của ngày sau hết: Thiên Chúa là Chúa của ngày sau hết. Bởi vì điều đó chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, và đó là ngày khi mọi khao khát ơn cứu độ của con người sẽ được thực hiện. Chúng ta hãy học lấy tính kiên nhẫn khiêm nhường này, để chờ đợi ân sủng của Chúa, để chờ đợi ngày cuối cùng. Thường thường ngày áp chót là rất gian khổ, bởi vì những sự đau khổ của con người là rất lớn. Nhưng Thiên Chúa ở đó. Và vào ngày cuối cùng, Người giải quyết mọi việc. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________________


Lời chào bằng tiếng Anh

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Cùng hiệp nhất trong tháng Năm với Đức Mẹ, ước mong rằng chúng ta phát triển sự vững tin rằng Chúa Cha trên trời luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa ban xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/5/2021]


Đức Thánh Cha Phanxicô thúc đẩy án phong thánh cho nhà truyền giáo ở Trung Quốc, Nữ tu bị du kích Mao giết

Đức Thánh Cha Phanxicô thúc đẩy các án phong thánh cho nhà truyền giáo ở Trung Quốc, Nữ tu bị du kích Mao giết

Theo trang web của Dòng Augustinô Cải tổ, Cha Gazpio nổi tiếng về lòng sùng kính Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa, và Đức Maria Trinh Nữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô thúc đẩy án phong thánh cho nhà truyền giáo ở Trung Quốc, Nữ tu bị du kích Mao giếtĐức Thánh Cha Phanxicô cử hành Đại Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (photo: Daniel Ibanez / CNA/EWTN)

Catholic News Agency

Vatican 24 tháng Năm, 2021



THÀNH VATICAN — Hôm thứ Bảy Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở án phong thánh cho bảy người, bao gồm một nhà thừa sai tại Trung Quốc và một nữ tu bị quân du kích của Mao Trạch Đông giết.

Đức giáo hoàng đã ủy quyền cho Bộ Phong Thánh của Vatican công bố bảy sắc lệnh mới trong cuộc họp ngày 22 tháng Năm với Đức Hồng y Marcello Semeraro, tổng trưởng của bộ.

Đức Thánh Cha công nhận nhân đức anh hùng của Cha Mariano Gazpio, một thành viên người Tây Ban nha của Dòng Thánh Augustinô Chiêm niệm. Bước đi này có nghĩa là Cha Gazpio bây giờ có thể được xem là “Đấng Đáng kính.”

Nhân đức anh hùng là một trong những yêu cầu để được phong chân phước trong Giáo hội Công giáo. Một phép lạ được xác minh qua sự chuyển cầu của ứng viên cũng thường là một yêu cầu phải có.

Sinh tại thành phố Puente la Reina thuộc tỉnh Navarre ngày 18 tháng Mười Hai năm 1899, Cha Gazpio bắt đầu công cuộc truyền giáo ở Trung Quốc năm 1924 tại Shangqiu, một thành phố ở phía đông tỉnh Hà Nam. Trong suốt 28 năm tiếp theo, ngài nổi tiếng về lòng nhiệt thành tông đồ, lòng sùng mộ, và tình yêu thương đối với người nghèo.

Sau Cách mạng Cộng sản Trung Quốc, ngài vẫn ở lại giáo điểm của ngài bất chấp sự đàn áp tôn giáo ngày càng mạnh. Năm 1952, ngài bị trục xuất khỏi đất nước cùng với các nhà thừa sai nước ngoài khác.

Theo trang web của Dòng Thánh Augustinô Cải tổ, cha Gazpio nổi tiếng về lòng sùng kính Thánh Thể, Thánh Tâm, và Đức Trinh nữ Maria.

Website cho biết, “Ngoài những giờ cầu nguyện cộng đoàn, ngài dành thêm nhiều giờ khác trong nhà nguyện hoặc chỗ ca đoàn để cầu nguyện riêng. Sự [đối thoại] với Chúa của ngài vẫn tiếp tục.”

“Ngài rất thường xuyên đọc Kinh Thánh, quá thường xuyên đến mức bất kỳ lúc nào cũng có thể bắt gặp ngài với quyển Kinh Thánh đang mở trên bàn. Trong linh hướng, ngài liên tục tham khảo Kinh Thánh.”

Ngài qua đời ở Pamplona ngày 22 tháng Chín năm 1989. Án chân phước của ngài được mở năm 2000.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng công nhận phúc tử đạo của Sơ Agustina Rivas Lopez, còn được gọi là “Aguchita.”

Sinh tại Coracora, miền trung Peru, ngày 13 tháng Sáu năm 1920, Sơ gia nhập Dòng Nữ tu Đức Bà Bác ái Mục tử Nhân lành năm 1942. Sơ cảm nhận được tiếng gọi phục vụ giữa người Asháninka, một dân tộc bản địa sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới của Peru.

Website của cộng đoàn miêu tả Sơ là “một người phụ nữ tự do, mạnh mẽ, đầy lòng bác ái với một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa.”

Ngày 27 tháng Chín năm 1990, Sơ bị giết bởi Shining Path, một phong trào du kích theo Mao Trạch Đông. Sơ bị hành quyết cùng với sáu người khác trong làng La Florida.

Sắc lệnh được Bộ Phong Thánh công bố nói rằng Sơ bị giết vì “sự thù ghét đức tin,” một yêu cầu theo truyền thống để được công nhận là người tử vì đạo.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng công nhận các nhân đức anh hùng của năm ứng viên khác cho việc phong thánh:

• Cha Felice Canelli, linh mục triều sinh tại San Severo, Ý, ngày 14 tháng Mười năm 1880. Nổi tiếng về công cuộc phục vụ người nghèo nổi bật, ngài chết tại cùng thành phố miền đông nam nước Ý đó vào ngày 23 tháng Mười Một năm 1977.

• Cha Bernard Kryszkiewicz Linh mục Dòng Thương Khó, sinh tại thị trấn Mława, Ba Lan, vào ngày 2 tháng Năm, 1915. Ngài chăm sóc cho những người bị thương trong Đệ Nhị Thế chiến, nhiễm sốt và qua đời ngày 7 tháng Bảy năm 1945, ở độ tuổi 30.

• Mẹ Colomba di Gesù Ostia, nữ viện trưởng Dòng Camêlô Chân đất ở Marcianise, miền nam nước Ý. Mẹ sinh tại thị trấn này ngày 15 tháng Sáu năm 1914, và qua đời ở đó ngày 13 tháng Tám năm 1969.

• Antonia Lesino, một thành viên của tu hội Piccola Famiglia Francescana, một tu hội đời của Ý. Chị sinh tại Milan ngày 11 tháng Mười năm 1897, và qua đời ở Brescia ngày 24 tháng Hai năm 1962.

• Alexander Bálint, là một giáo dân và là người cha của một gia đình, sinh tại thành phố Szeged Alsóváros, Hungary, vào ngày 1 tháng Tám năm 1904. Ngài qua đời ở Budapest ngày 10 tháng Năm, 1980.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2021]


Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 23 tháng Năm, 2021




Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Sách Công Vụ Tông đồ (xem 2: 1-11) kể lại những gì xảy ra tại Giêrusalem 50 ngày sau Lễ Vượt qua của Chúa Giêsu. Các môn đệ tập trung trong Phòng Tiệc Ly, và Đức Trinh Nữ Maria cùng ở với họ. Chúa Phục Sinh đã bảo các ông hãy ở lại trong thành cho đến khi các ông nhận được ơn Thần Khí từ Trời. Và điều này được mạc khải với một “âm thanh” mà các ông bất ngờ nghe thấy từ trời, giống như “như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp” (xem câu 2). Do đó, nó liên quan đến một kinh nghiệm thực tế nhưng cũng mang tính biểu tượng. Điều đã xảy ra nhưng cũng trao cho chúng ta một thông điệp tượng trưng cho cả cuộc đời của chúng ta.

Kinh nghiệm này cho thấy rằng Chúa Thánh Thần giống như một cơn gió mạnh và thổi tự do; nghĩa là Ngài mang đến cho chúng ta sức mạnh và mang lại cho chúng ta sự tự do: một cơn gió mạnh và thổi tự do. Không thể điều khiển, chặn đứng, cũng không thể đo lường được Ngài; cũng không thể nhìn thấy trước được hướng đi của Ngài. Không thể hiểu Ngài theo các đòi hỏi của con người chúng ta – chúng ta luôn cố gắng đóng khung mọi thứ – Ngài không để cho bản thân Ngài bị đóng khung trong các phương pháp và định kiến của chúng ta. Thần Khí xuất phát từ Thiên Chúa Cha và từ Chúa Giêsu Kitô Con của Người và tuôn đổ trên Giáo Hội; Ngài tuôn đổ trên mỗi người chúng ta, mang đến sự sống cho tâm trí và tâm hồn của chúng ta. Như Kinh Tin Kính nói: Ngài là “Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Ngài có quyền năng vì Ngài là Thiên Chúa, và Ngài ban sự sống.

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn còn mất phương hướng và sợ hãi. Họ vẫn chưa có đủ can đảm để bước ra ngoài công khai. Chúng ta cũng vậy, có lúc chúng ta cũng thích ở bên trong những bức tường bảo vệ của môi trường xung quanh. Nhưng Chúa biết cách tiếp cận chúng ta và mở rộng cửa cho tâm hồn chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng bao phủ chúng ta và khuất phục mọi sự do dự của chúng ta, phá đổ những phòng thủ của chúng ta, phá bỏ những sự chắc chắn giả tạo của chúng ta. Thần Khí làm cho chúng ta trở thành những con người mới, giống như Ngài đã làm ngày hôm đó với các Tông đồ: Ngài đổi mới chúng ta, những con người mới.

Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông không còn như trước nữa – Ngài đã thay đổi các ông, và các ông ra ngoài và bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu, rao giảng rằng Chúa Giêsu đã sống lại, rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, theo cách để mỗi người hiểu được bằng ngôn ngữ của họ. Bởi vì Thần Khí là phổ quát; Ngài không xóa bỏ những khác biệt về văn hóa, những khác biệt về tư tưởng, không. Ngài là cho tất cả mọi người, nhưng mỗi người hiểu Ngài trong nền văn hóa của riêng mình, bằng ngôn ngữ của riêng mình. Thần Khí thay đổi tâm hồn, mở rộng tầm nhìn cho các môn đệ. Ngài cho phép họ truyền đạt cho mọi người những công trình vĩ đại, vô hạn của Thiên Chúa, vượt qua giới hạn văn hóa và giới hạn tôn giáo mà họ đã quen trong suy nghĩ và lối sống. Với các Tông đồ, Ngài cho phép họ tiếp cận với những người khác, tôn trọng khả năng lắng nghe và hiểu biết của họ, bằng văn hóa và ngôn ngữ của mỗi người (các câu 5-11). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần đưa những con người khác nhau vào sự giao tiếp, đạt được sự hiệp nhất và phổ quát của Giáo hội.

Và ngày nay sự thật này nói cho chúng ta biết rất nhiều, thực tại này của Chúa Thánh Thần, trong Giáo Hội có những nhóm nhỏ luôn tìm cách chia rẽ, để tách mình ra khỏi những người khác. Đây không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Thần Khí của Thiên Chúa là sự hòa hợp, là sự hiệp nhất, hợp nhất những khác biệt. Một vị Hồng y giỏi, ngài từng là Tổng Giám mục Genoa, đã nói rằng Giáo hội giống như một dòng sông: điều quan trọng là ở bên trong; nếu bạn có ở một chút bên đó và ở một chút bên kia cũng không quan trọng; Chúa Thánh Thần tạo ra sự hiệp nhất. Ngài đã sử dụng hình ảnh của một dòng sông. Điều quan trọng là ở trong con sông, trong sự hiệp nhất của Thần Khí, và không nhìn vào tiểu tiết vụn vặt rằng bạn ở bên này một chút và bên kia một chút, rằng bạn phải cầu nguyện theo cách này hay cách khác….. Giáo hội là cho mọi người, cho mọi người, như Chúa Thánh Thần đã tỏ ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

Hôm nay, chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ Giáo hội, cầu bầu để Chúa Thánh Thần ngự xuống dồi dào, đổ đầy tâm hồn các tín hữu và thắp lên ngọn lửa tình yêu của Ngài trong mọi người.

________________________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến! Xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tình hình ở Colombia, nơi tiếp tục đáng lo ngại. Trong ngày đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống này, tôi cầu nguyện rằng người dân Colombia thân yêu có thể đón nhận các ân tứ của Chúa Thánh Thần để họ có thể tìm ra những giải pháp cho nhiều vấn đề thông qua sự đối thoại nghiêm túc, và đặc biệt là những người nghèo nhất phải gánh chịu do đại dịch. Tôi chân thành kêu gọi mọi người, vì lý do nhân đạo, hãy tránh những hành vi gây tổn hại cho người dân khi thực hiện quyền phản đối ôn hòa.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người dân ở thành phố Goma, thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Congo, buộc phải tháo chạy do sự phun trào của núi lửa lớn, Núi Nyiragongo.

Ngày mai, các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc cử hành Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Đấng phù hộ các giáo hữu và là Đấng Bảo trợ của đất nước rộng lớn đó. Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội được tôn kính với lòng sùng kính đặc biệt tại Đền thờ Sheshan ở Thượng Hải, và được các gia đình Kitô giáo khẩn thiết kêu cầu, trong những thử thách và hy vọng của cuộc sống hàng ngày. Thật đẹp biết bao và cần thiết biết bao khi các thành viên của một gia đình và của một cộng đồng Kitô hữu ngày càng hiệp nhất hơn trong tình yêu và đức tin! Bằng cách này, cha mẹ và con cái, ông bà và các cháu, các mục tử và các tín hữu có thể noi gương các môn đệ đầu tiên, những người đã hiệp nhất cầu nguyện cùng với Mẹ Maria khi họ trông đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống, trong ngày đại lễ Ngũ Tuần. Vì thế, cha mời gọi anh chị em đồng hành với các tín hữu Kitô giáo ở Trung Quốc bằng lời cầu nguyện sốt sắng, là những người anh chị em thân yêu nhất của chúng ta, những người mà cha luôn ghi nhớ trong sâu thẳm tâm hồn. Xin Chúa Thánh Thần, là vai chính trong sứ mệnh của Giáo hội trên thế giới, hướng dẫn họ và giúp họ trở thành những người mang thông điệp hạnh phúc, là những chứng nhân của thiện tính và lòng bác ái, và là những người xây dựng công bằng và hòa bình trên đất nước của họ.

Và về lễ cử hành ngày mai, Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, ý nghĩ của cha hướng về những tu sĩ nam nữ Dòng Salêdiêng, những người làm việc rất nhiều trong Giáo hội cho những người ở xa xôi nhất, cho những người bị thiệt thòi nhất, cho người trẻ. Xin Chúa chúc lành và dẫn dắt anh chị em tiến bước với nhiều ơn gọi thánh thiện!

Ngày mai, “Năm Laudato Si’”sẽ kết thúc. Tôi cảm ơn những người đã tham gia với nhiều sáng kiến trên khắp thế giới. Nó là một hành trình mà chúng ta phải cùng nhau tiếp tục lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và của người nghèo. Vì lý do này, “Nền tảng Laudato Si’”, một tiến trình hoạt động kéo dài 7 năm, sẽ ngay lập tức bắt đầu để hướng dẫn các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận, trường học và đại học, các bệnh viện, các doanh nghiệp, các nhóm, những phong trào, tổ chức, học viện tôn giáo áp dụng một lối sống bền vững. Và xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những người hôm nay nhận được sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Tạo vật và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em đến từ Roma, từ nước Ý và các quốc gia khác. Cha nhìn thấy ở đây cờ của Ba Lan, Mexico, Chile, Panama và rất nhiều nước khác…. Cha nhìn thấy những lá cờ ở đằng kia: Colombia. Cảm ơn anh chị em đã đến đây! Đặc biệt cha xin chào các bạn trẻ của Phong trào Focolare…. Họ đang huyên náo, đúng là những người Focolare!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng! Arrivederci! Gửi lời chào đến anh chị em!

________________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/5/2021]


Đây là 10 bức tượng lớn nhất thế giới của Kitô Giáo

Đây là 10 bức tượng lớn nhất thế giới của Kitô Giáo

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Johannes M. Graf | Shutterstock

J-P Mauro

05/05/21


Mỗi tượng đài này củng cố cộng đoàn trong Đức Kitô.

Có điều gì đó về một tượng đài cao vút lôi cuốn các tín hữu tề tựu về và truyền cảm hứng cho những người không có đức tin. Con người luôn tỏ sự thán phục trước một bức tượng khổng lồ, từ xa xưa như Bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, đó là một truyền thống mà các người Kitô giáo đã mang theo vào thế kỷ 21 và hoàn thiện.

Ngày nay, người tín hữu Kitô giáo đã xây dựng những bức tượng sừng sững như vậy trên khắp thế giới. Mỗi khi một bức tượng mới phá kỷ lục về chiều cao, thì một tượng khác lại được lên kế hoạch để đạt độ cao hơn nữa. Ngay cả tượng Chúa Cứu Thế của Rio de Janeiro, có thể là tượng Chúa Kitô nổi tiếng nhất, cũng đã trở nên thấp so với các công trình hiện đại hơn.

Sự cạnh tranh thân thiện này giữa những người anh chị em trong Đức Kitô thúc đẩy mối liên kết bền chặt hơn giữa các cộng đoàn Kitô giáo. Vượt ra ngoài những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, những tượng đài này tự chúng nói lên. Mặc dù các điểm tham quan thường khiến người xem không thốt nên lời, nhưng thông điệp về niềm tin luôn rõ ràng.

Chúng ta cùng xem một số bức tượng Kitô giáo lớn nhất trên thế giới. Xin lưu ý, danh sách này không tính đến các bệ tượng, thường cộng thêm chiều cao đáng kể cho một bức tượng. Ở đây, chúng tôi chỉ xem xét kích thước của chính các bức tượng.


Cristo Resucitado - Mexico

Cristo Resucitado, còn gọi là Chúa Kitô Phục sinh, được hoàn thành vào năm 1981. Với độ cao 98,5 bộ Anh (hơn 30 mét), tượng được cho là có được màu sắc sống động từ các khối màu đỏ được sử dụng trong xây dựng.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Chúa Kitô ban phép lành - Indonesia

Mặc dù phần đế của tượng khiến chiều cao của nó còn lớn hơn nhiều, chính bức tượng chỉ cao 98,5 bộ Anh (hơn 30 mét). Nó sử dụng những trụ chống bằng kim loại để giữ cho bức tượng được nâng cao khỏi bệ nhằm tạo ấn tượng rằng Chúa Giêsu đang bay trên không trung.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Cristo del Otero - Tây Ban Nha

Cũng bằng với hai tượng trước, tượng Cristo del Otero vươn tới độ cao 98,5 bộ Anh. Được hoàn thành vào năm 1931, phong cách của tượng dựa theo trường phái Art Deco và Cubism. Tượng được thiết kế bởi nhà điêu khắc Victorio Macho, ông cũng được chôn trong đền thờ bên dưới.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Chúa Cứu thế - Brazil

Rất có thể là bức tượng nổi tiếng nhất trong danh sách này, Tượng Chúa Cứu Thế là niềm tự hào của Rio de Janiero. Tác phẩm này cũng được hoàn thành vào năm 1931 và cũng được vẽ theo phong cách của trường phái Art Deco. Mặc dù không phải là cao nhất, nhưng tượng trở nên hùng vĩ hơn bởi vị trí của nó trên đỉnh núi Corcovado, ở độ cao 700 mét.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Chúa Kitô Vũng Tàu - Việt Nam

Được hoàn thành vào năm 1993, tượng Chúa Kitô này cao 105 bộ Anh (hơn 32 mét). Hiện tại đây là tượng chúa Giêsu lớn nhất Châu Á và là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất Việt Nam.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Chúa Kitô Vua - Ba Lan

Đây là bức tượng Chúa Giêsu cao thứ hai trên thế giới, cao 108 bộ Anh (gần 33 mét). Được hoàn thành vào năm 2010, chi phí xây dựng mất hơn 1,5 triệu đô la, với kinh phí được huy động từ 21.000 công dân của thị trấn Świebodzin. Bức tượng được quyết định chiều cao là 33 mét, vì Chúa Giêsu được cho là 33 tuổi vào thời điểm Ngài chịu Khổ nạn.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Cristo de la Concordia - Bolivia

Tượng Chúa Kitô Hòa bình ở Bolivia là bức tượng Chúa Giêsu cao nhất thế giới. Với độ cao hơn 112 bộ Anh (34,13 mét), bạn chỉ có thể đến địa điểm này bằng cáp treo hoặc leo 2.000 bậc thang.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Tượng Đức Mẹ Đồng trinh Socavón - Bolivia

Còn được gọi là Đức Mẹ Mineshaft, tác phẩm điêu khắc Đức Mẹ và Chúa Con này cao hơn bất kỳ tượng Chúa Giêsu nào, hơn 120 bộ Anh (hơn 36,5 mét). Vương miện của Đức Trinh Nữ được rèn từ các tấm nhôm.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Monumento a la Virgen de la Paz - Venezuela

Với chiều cao 153,3 bộ Anh (hơn 46,72 mét), đây không chỉ là tượng Đức Mẹ lớn thứ hai mà còn là tượng lớn thứ 48 trên thế giới. Được hoàn thành vào năm 1983, bức tượng được xây hoàn toàn bằng bê tông. Đức Mẹ Hòa bình là bổn mạng của Trujillo từ năm 1568.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Đức Mẹ Toàn Châu Á - Tháp Hòa bình - Philippines

Tuy chưa mở cửa tham quan nhưng bức tượng mới này của Philippines sẽ trở thành bức tượng Kitô giáo lớn nhất thế giới. Đứng ở độ cao ấn tượng 315 bộ Anh (hơn 96 mét), Đức Mẹ Toàn Châu Á được hy vọng sẽ trở thành điểm hành hương lớn nhất Châu Á khi mở cửa. Nó được lên kế hoạch mở cửa vào năm 2021, trong dịp kỷ niệm 500 năm Kitô giáo ở Philippines, nhưng việc mở cửa đã bị trì hoãn do đại dịch COVID.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/5/2021]


Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 23 tháng Năm, 2021

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 23 tháng Năm, 2021

Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện xuống- Chúa nhật, 23 tháng Năm, 2021




“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha…” (Ga 15,26). Với những lời này, Chúa Giêsu hứa sẽ sai Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ, ơn tối thượng, ơn của các ơn. Ngài sử dụng một từ khác thường và bí ẩn để miêu tả về Thần Khí: Paraclete (Đấng Bảo trợ). Hôm nay chúng ta cùng suy tư về từ ngữ này, một từ không dễ dịch nghĩa, vì nó có một số nghĩa. Về cơ bản, nó mang hai ý nghĩa: Người An ủi Người Bênh Vực.

Đấng Bảo Trợ là Người An ủi. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự an ủi, đặc biệt là vào những thời điểm khó khăn như những gì chúng ta đang trải qua hiện nay do đại dịch. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta chỉ hướng tới những nguồn an ủi của thế gian, những sự an ủi phù du nhanh chóng phai nhạt. Hôm nay, Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự an ủi của nước trời, Chúa Thánh Thần, Đấng là “Đấng an ủi tuyệt vời” (Ca Tiếp liên Lễ Hiện xuống). Sự khác biệt đó là gì? Những sự an ủi của thế gian giống như một liều thuốc giảm đau: chúng có thể giúp giảm đau tạm thời, nhưng không chữa khỏi căn bệnh mà chúng ta mang sâu trong lòng. Chúng có thể xoa dịu chúng ta, nhưng không thể chữa lành chúng ta về cốt lõi. Chúng hoạt động trên bề mặt, ở mức độ của các giác quan, nhưng hầu như không chạm đến tâm hồn của chúng ta. Chỉ người làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương với chính con người của chúng ta mới có thể mang lại sự bình an cho tâm hồn chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần là tình yêu của Thiên Chúa thực hiện điều đó. Ngài ngự xuống trong chúng ta; với tư cách là Thần Khí, Ngài hoạt động trong tinh thần của chúng ta. Ngài ngự xuống “trong tâm hồn”, là “khách trọ hiền lương của linh hồn” (sđd). Ngài là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta; vì sự hiện diện với những người cô đơn tự nó đã là một nguồn an ủi.

Anh chị em thân mến, nếu anh chị em cảm thấy bóng tối của sự cô độc, nếu anh chị em cảm thấy một chướng ngại trong mình cản trở đường hy vọng, nếu tâm hồn anh chị em có vết thương đang sưng tấy, nếu anh chị em không thấy được lối thoát, thì hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần. Thánh Bonaventura nói với chúng ta rằng, “nơi nào những thử thách lớn hơn, thì Ngài mang đến sự an ủi lớn hơn, không phải như thế gian, họ an ủi và tâng bốc chúng ta khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng lại chê bai và lên án chúng ta khi chúng không được như ý” (Bài giảng trong Tuần Bát nhật Thăng thiên). Đó là những gì thế gian làm, đặc biệt là những điều mà kẻ thù địch, là ma quỷ, làm. Đầu tiên, hắn tâng bốc chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy là vô địch (vì những lời nịnh hót của ma quỷ vỗ về thói kiêu căng của chúng ta); sau đó hắn hạ gục chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta chỉ là những kẻ thất bại. Hắn đùa bỡn chúng ta. Hắn làm mọi cách để quật ngã chúng ta, trong khi Thần Khí của Thiên Chúa Phục sinh muốn nâng chúng ta lên. Hãy nhìn vào các tông đồ: họ cô đơn vào buổi sáng hôm đó, cô đơn và hoang mang, thu mình sau những cánh cửa đóng kín, sống trong sợ hãi và bị bủa vây bởi những yếu đuối, những thất bại và tội lỗi của họ, vì họ đã chối Đức Kitô. Những năm tháng họ đã trải qua cùng với Chúa Giêsu không làm họ thay đổi: họ không khác gì so với trước đó. Rồi khi họ đón nhận được Thần Khí và mọi sự thay đổi: các vấn đề và những thất bại vẫn còn, nhưng họ không còn sợ hãi những điều, cũng như những kẻ thù địch với họ. Họ cảm nhận được sự an ủi trong lòng và họ muốn ngập tràn sự an ủi của Thiên Chúa. Trước đây, họ đầy sợ hãi; giờ đây nỗi sợ hãi duy nhất của họ là không làm chứng cho tình yêu mà họ đã đón nhận. Chúa Giêsu đã báo trước điều này: “[Thần Khí] sẽ làm chứng về Thầy, cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng” (Ga 15: 26-27).

Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Chúng ta cũng được kêu gọi để làm chứng trong Chúa Thánh Thần, để trở thành những người bảo trợ, những người an ủi. Thần Khí đang yêu cầu chúng ta hãy là hiện thân của sự an ủi mà Ngài mang đến. Chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Không phải bằng cách tạo ra những bài diễn thuyết tuyệt vời, nhưng bằng cách đến gần người khác. Không phải bằng những lời sáo rỗng, mà bằng lời cầu nguyện và sự gần gũi. Chúng ta hãy nhớ rằng sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng luôn là “nhãn hiệu” của Thiên Chúa. Đấng Bảo trợ đang nói với Giáo hội rằng hôm nay là thời gian để an ủi. Đây là thời gian để hân hoan loan báo Tin Mừng hơn là chống lại chủ nghĩa ngoại giáo. Đây là thời gian để mang đến niềm vui của Chúa Phục Sinh, không phải để ta thán về những tấn kịch của sự tục hóa. Đây là thời gian để rót đổ tình yêu thương trên thế giới, không phải để ôm lấy sự trần tục. Đây là thời gian để làm chứng cho lòng thương xót hơn là khắc sâu các quy tắc và quy định. Đây là thời gian của Đấng Bảo trợ! Nó là thời gian giải phóng tâm hồn, trong Đấng Bảo trợ.

Đấng Bảo trợ cũng là Người Bênh vực. Vào thời Chúa Giêsu, những người biện hộ không làm những gì như họ làm ngày nay: thay vì lên tiếng thay cho bị cáo, họ chỉ đứng bên cạnh bị cáo và gợi ý những lý lẽ mà bị cáo có thể sử dụng để bào chữa cho mình. Đó là những gì Đấng Bảo trợ làm, vì Ngài là “Thần Khí sự thật” (câu 26). Ngài không thay thế vị trí của chúng ta, nhưng bảo vệ chúng ta khỏi sự lừa gạt của sự dữ bằng cách khơi gợi những suy nghĩ và cảm xúc. Ngài làm như vậy một cách kín đáo, không ép buộc chúng ta: Ngài đề xuất nhưng không áp đặt. Thần lừa gạt là ma quỷ làm điều ngược lại: hắn cố ép buộc chúng ta; hắn muốn làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải luôn luôn chấp nhận những quyến rũ và những mời gọi của trụy lạc. Chúng ta hãy cố gắng chấp nhận ba đề nghị điển hình của Đấng Bảo trợ, là Đấng Bênh vực chúng ta. Chúng là ba liều thuốc giải độc cơ bản cho ba cám dỗ rất phổ biến ngày nay.

Lời khuyên đầu tiên mà Chúa Thánh Thần đưa ra là, “Hãy sống trong hiện tại”. Hiện tại, không phải quá khứ hoặc tương lai. Đấng Bảo trợ khẳng định tính ưu việt của ngày hôm nay, chống lại sự cám dỗ để bản thân bị tê liệt bởi những hiềm thù hoặc ký ức của quá khứ, hoặc bởi sự bấp bênh hay sợ hãi về tương lai. Thần Khí nhắc nhở chúng ta về ân sủng của giây phút hiện tại. Không có thời gian nào tốt hơn cho chúng ta: bây giờ, ở đây và ngay lúc này là thời điểm duy nhất để làm việc thiện, để làm cho cuộc sống chúng ta trở thành một món quà. Chúng ta sống trong hiện tại!

Thần Khí cũng nói với chúng ta, “Hãy nhìn đến toàn thể”. Toàn thể, không phải là một phần. Thần Khí không đúc rèn những cá nhân riêng biệt, nhưng uốn nắn chúng ta thành một Hội thánh với muôn vàn đặc sủng khác nhau của chúng ta, trở nên hiệp nhất nhưng không bao giờ là đồng nhất. Đấng Bảo trợ khẳng định tính ưu việt của toàn thể. Ở đó, trong toàn thể, trong cộng đoàn, Thần Khí hoạt động và mang lại sự mới mẻ. Chúng ta hãy nhìn vào các tông đồ. Tất cả các ông đều hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, các ông bao gồm Mátthêu, một người thu thuế đã cộng tác với người La Mã, và Simon được gọi là người nhiệt thành, người đã chống lại các ông. Họ có những ý tưởng chính trị trái ngược, những tầm nhìn khác nhau về thế giới. Tuy nhiên, khi nhận được Thần Khí, họ học được cách chọn sự ưu tiên không phải cho những quan điểm của con người mà cho “toàn thể” đó là chương trình của Thiên Chúa. Hôm nay, nếu chúng ta lắng nghe Thần Khí, chúng ta sẽ không quan tâm đến những người bảo thủ và những người tiến bộ, những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người cải cách, cánh hữu và cánh tả. Khi những điều đó trở thành tiêu chuẩn của chúng ta, thì Giáo hội đã quên đi Thần Khí. Đấng Bảo trợ thúc đẩy chúng ta đến sự hiệp nhất, sự hòa hợp, đến sự hài hòa của đa dạng. Ngài làm cho chúng ta nhìn thấy mình là những chi thể của cùng một thân thể, là anh chị em của nhau. Chúng ta hãy nhìn vào tính toàn thể! Kẻ thù muốn sự đa dạng trở thành đối nghịch, và từ đó hắn làm cho chúng trở thành những hệ tư tưởng. Hãy nói Không với các hệ tư tưởng, nói Có với toàn thể.

Lời khuyên thứ ba của Thần Khí là, “Hãy đặt Thiên Chúa lên trước”. Đây là bước quyết định trong đời sống thiêng liêng, không phải nhờ tất cả những công trạng và thành tựu của chúng ta, nhưng là sự khiêm nhường rộng mở cho Thiên Chúa. Đấng Bảo trợ khẳng định tính ưu việt của ân sủng. Chỉ bằng cách từ bỏ bản thân, chúng ta mới dành không gian cho Thiên Chúa; chỉ bằng cách dâng mình cho Người, chúng ta mới tìm thấy chính mình; chỉ bằng cách trở nên nghèo khó về tinh thần, chúng ta mới trở nên giàu có trong Chúa Thánh Thần. Điều này cũng đúng với Giáo hội. Chúng ta không cứu được ai bằng chính nỗ lực của chúng ta, kể cả chính bản thân mình. Nếu chúng ta dành ưu tiên cho các dự án của bản thân, cho các cơ cấu của chúng ta, cho các kế hoạch cải cách của chúng ta, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến tính hiệu lực, hiệu quả, chúng ta sẽ chỉ nghĩ theo chiều ngang và kết quả là chúng ta sẽ không sinh hoa trái. Hậu tố “-ism” (chủ nghĩa) là một hệ tư tưởng chia rẽ và tách biệt. Giáo hội là con người, nhưng không chỉ đơn thuần là một tổ chức của con người, mà còn là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mang lửa của Thần Khí đến thế gian và Giáo hội được canh tân bằng việc xức dầu của ân sủng, ân huệ của việc xức dầu ân sủng, sức mạnh cầu nguyện, niềm vui sứ mệnh và vẻ đẹp của sự nghèo khó. Chúng ta hãy đặt Chúa ở vị trí thứ nhất!

Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí Bảo trợ, xin hãy an ủi tâm hồn chúng con. Hãy biến chúng con trở thành những người thừa sai cho sự an ủi của Người, thành những người biện hộ cho lòng thương xót của Người trước thế giới. Lạy Đấng Bảo trợ chúng con, vị cố vấn ngọt ngào của linh hồn chúng con, hãy làm cho chúng con trở thành các chứng nhân cho “ngày hôm nay” của Thiên Chúa, những tiên tri của sự hiệp nhất cho Giáo hội và nhân loại, và là các tông đồ cậy dựa vào ân sủng của Người, Đấng sáng tạo và đổi mới mọi sự. Amen.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/5/2021]