Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 9, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 9, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 19 tháng Chín, 2021

____________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 9:30-37) thuật lại rằng, trên đường đến Giêrusalem, các môn đệ của Chúa Giêsu bàn tán “với nhau xem ai là người lớn hơn cả” (c. 34). Vì vậy, Chúa Giêsu đã dạy bảo các ông bằng những lời gay gắt mà vẫn rất giá trị cho ngày nay: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (c. 35). Nếu bạn muốn đứng đầu, bạn cần phải xếp vào hàng, đứng cuối cùng và phục vụ mọi người. Qua cách nói gây sốc này, Chúa mở đầu cho một sự đảo ngược: Ngài lật ngược các tiêu chuẩn về những gì thực sự quan trọng. Giá trị của một người không còn phụ thuộc vào vai trò của họ, công việc họ làm, số tiền họ có trong ngân hàng. Không, không, không, nó không phụ thuộc vào điều này. Sự vĩ đại và thành công trong mắt Thiên Chúa được đánh giá khác: chúng được đo lường bằng sự phục vụ. Không dựa trên những gì một người , mà dựa trên những gì người đó cho đi. Anh chị em có muốn là người đứng đầu không? Phục vụ. Đây là con đường.

Ngày nay, từ “phục vụ” có vẻ hơi sáo mòn, đã lỗi thời về cách sử dụng. Nhưng nó có một ý nghĩa chính xác và cụ thể trong Tin Mừng. Phục vụ không phải là một cách diễn đạt hoa mỹ: nó có nghĩa là hành động giống như Chúa Giêsu, Đấng đã tóm tắt cuộc đời mình bằng một vài từ, nói rằng Ngài đến “không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ” (Mc 10,45). Đây là những lời Chúa nói. Vì vậy, nếu muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải đi theo con đường mà chính Ngài đã vạch ra, con đường phục vụ. Sự trung thành của chúng ta với Chúa tùy thuộc vào sự sẵn lòng phục vụ của chúng ta. Và chúng ta biết điều này thường phải trả giá, bởi vì “nó có sự nếm trải như một thập giá”. Tuy nhiên, khi sự quan tâm và sẵn sàng của chúng ta đối với tha nhân ngày càng tăng, chúng ta trở nên tự do trong lòng, trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Càng phục vụ, chúng ta càng ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa. Trên hết, khi chúng ta phục vụ những người không có gì để đáp lại, là những người nghèo, ôm lấy những khó khăn và nhu cầu của họ với lòng trắc ẩn dịu dàng: và về phần chúng ta lại khám phá ra tình yêu và cái ôm của Chúa ở đó.

Sau khi nói về sự ưu tiên cho việc phục vụ, Chúa Giêsu làm một cử chỉ để minh họa điều này. Chúng ta thấy rằng những hành động của Chúa Giêsu còn mạnh mẽ hơn lời Ngài sử dụng. Và hành động đó là gì? Ngài đem một em nhỏ và đặt nó ở giữa các môn đệ, ở trung tâm, ở vị trí quan trọng nhất (xem câu 36). Trong Tin Mừng, trẻ em không tượng trưng cho sự trong trắng nhiều cho bằng sự nhỏ bé. Vì trở nên như đứa trẻ, những đứa trẻ phải phụ thuộc vào người khác, vào người lớn, chúng cần được tiếp nhận. Chúa Giêsu ôm những đứa trẻ đó và nói rằng những ai tiếp đón một em nhỏ, một đứa trẻ, là tiếp đón chính Ngài (xem câu 37). Những người cần được phục vụ trước hết là: những người cần được đón nhận và không có bất cứ thứ gì để đáp lại. Phục vụ những người cần được đón nhận và không có bất cứ thứ gì để đáp lại. Khi tiếp đón những người bị gạt ra bên lề, những người bị bỏ rơi, là chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu vì Ngài ở đó. Và nơi những người bé nhỏ, nơi những người nghèo mà chúng ta phục vụ, chúng ta cũng đón nhận được vòng tay âu yếm của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, trước thách đố của Tin Mừng, chúng ta tự hỏi: Tôi, một người theo Chúa Giêsu, có quan tâm đến người bị bỏ rơi không? Hay tôi thích tìm kiếm sự ban thưởng cá nhân, giống như các môn đệ ngày đó? Có phải tôi hiểu cuộc sống là sự ganh đua để tìm không gian cho bản thân với cái giá phải trả là người khác, hay tôi tin rằng trở thành người đứng đầu có nghĩa là phục vụ? Và nói một cách cụ thể: tôi có dành thời gian cho “một người bé nhỏ”, cho một người không có cách nào để trả lại cho tôi không? Tôi có quan tâm đến người không thể đáp lại cho tôi bất cứ thứ gì, hay chỉ quan tâm tới người thân và bạn bè của tôi? Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần phải đặt ra cho bản thân.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, người nữ tỳ khiêm nhường của Chúa, giúp chúng ta hiểu rằng phục vụ không có nghĩa là hạ thấp giá trị chúng ta, nhưng giúp chúng ta trưởng thành. Và rằng cho đi thì vui hơn khi nhận (xem Cv 20:35).

________________________________________


Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân của trận lụt xảy ra ở Bang Hidalgo của Mexico, đặc biệt là những người bệnh đã chết trong bệnh viện Tula và gia đình của họ.

Tôi dâng lời cầu nguyện cho những người bị giam giữ một cách bất công ở nước ngoài: thật đáng buồn là có một số trường hợp, vì những nguyên nhân khác nhau, và đôi khi là phức tạp. Tôi hy vọng rằng, khi công lý được thực thi đầy đủ, những người này có thể trở về quê hương càng sớm càng tốt.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người dân Rôma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau – người Ba Lan, người Slovakia, anh chị em đến từ Honduras – anh chị em thật tuyệt vời! – các gia đình, các nhóm, các hội đoàn và tín hữu. Đặc biệt, cha chào mừng các ứng sinh Thêm Sức đến từ Scandicci và Hiệp hội Allievi (Hiệp hội Sinh viên) được thành lập bởi Tôi tớ Chúa là Cha Gianfranco Maria Chiti, một tu huynh dòng Capuchin, nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của ngài.

Suy nghĩ của tôi hướng về anh chị em đang tập trung tại Đền thờ La Salette ở Pháp, nhân kỷ niệm 175 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã khóc với hai trẻ. Những giọt nước mắt của Mẹ Maria khiến chúng ta liên tưởng đến những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đối với Giêrusalem và sự thống khổ của ngài ở vườn Cây Dầu: chúng phản ánh sự đau khổ của Chúa Giêsu vì tội lỗi của chúng ta và là lời kêu gọi luôn mang tính thời đại, hãy phó thác cho lòng thương xót của Chúa.

Cha mong tất cả anh chị em tận hưởng ngày Chúa nhật vui, và đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

Thiếu nhi của nhà thờ Immacolata thật tuyệt vời!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/9/2021]


Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest, Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, Gặp gỡ giới trẻ - Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest, Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, Gặp gỡ giới trẻ - Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, và đến Slovakia

(12-15 tháng Chín, 2021)

Gặp gỡ giới trẻ
Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sân vận động Lokomotiva (Košice)

Thứ Ba, 14 tháng Chín, 2021

______________________________________


Các con thân yêu, anh chị em thân mến, dobrý večer! [Chào buổi tối!]

Cha rất vui khi nghe những lời của Đức ông Bernard, những chứng ngôn của các con và những câu hỏi của các con. Các con có ba câu hỏi và cha cố gắng tìm câu trả lời cho các con.

Cha bắt đầu với Peter và Zuzka, với câu hỏi của các con về tình yêu đôi lứa. Tình yêu là ước mơ lớn nhất trong đời, nhưng không phải là một ước mơ rẻ tiền. Nó rất đẹp, nhưng không hề dễ dàng, cũng giống như tất cả những điều lớn lao trong cuộc sống. Nó là giấc mơ, nhưng không phải là một giấc mơ dễ giải thích. Cha mượn câu nói của con: “Chúng con đã bắt đầu nhìn nhận món quà này bằng con mắt hoàn toàn mới.” Đúng vậy, như con đã nói, cần phải có đôi mắt mới không bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài. Các con ơi, chúng ta đừng làm cho tình yêu trở nên tầm thường, vì tình yêu không chỉ là cảm xúc và cảm giác, nếu có thì đây chỉ là sự khởi đầu. Tình yêu không phải là có tất cả mọi thứ ngay lập tức, tình yêu không đi theo luận lý dùng một lần. Tình yêu là sự thủy chung, là món quà, là trách nhiệm.

Tính căn nguyên thật sự ngày nay, cuộc cách mạng đích thực, là nổi dậy chống lại văn hóa tạm thời, nó chính là vượt ra ngoài bản năng, vượt ra ngoài tính tức thời, đó chính là tình yêu trọn đời và yêu bằng tất cả con người mình. Chúng ta ở đây không phải chỉ để tồn tại, mà để biến cuộc sống trở thành một công việc sinh lợi. Tất cả các con đều thuộc lòng những câu chuyện tuyệt vời mà các con đã từng đọc trong tiểu thuyết, từng xem trong một số bộ phim không thể nào quên, được nghe kể trong một số câu chuyện xúc động. Các con hãy nghĩ xem, trong những câu chuyện tuyệt vời đó luôn có hai thành phần: một là tình yêu, hai là sự phiêu lưu, túc là tính anh hùng. Hai thành phần luôn đi cùng nhau. Để làm cho cuộc sống trở nên tuyệt vời, cần có cả hai thành phần: tình yêu và tính anh hùng. Chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu, chúng ta nhìn lên Thập giá, có cả hai: tình yêu thương vô bờ bến và lòng dũng cảm hiến mạng sống cho đến cùng, không có biện pháp nửa vời. Ở đây trước mặt chúng ta là Chân phước Anna, một nữ anh hùng của tình yêu. Ảnh cho chúng ta biết để hướng tới những mục tiêu cao cả.

Do đó, khi các con mơ về tình yêu, các con đừng tin vào những hiệu ứng đặc biệt, mà tin rằng mỗi người các con là đặc biệt, từng người trong các con. Mỗi người đều là một món quà và có thể xây dựng cuộc sống, cuộc sống của mình là một món quà. Những người khác, xã hội, người nghèo đang chờ đợi các con. Các con mơ ước về vẻ đẹp vượt trên ngoại hình, vượt ra ngoài sự trang điểm, vượt ra ngoài những xu hướng thời trang. Các con có mơ ước mà không sợ việc thành lập một gia đình, sinh con và giáo dục con cái, không sợ dành cả cuộc đời để chia sẻ mọi thứ với người khác, mà không xấu hổ về những khiếm khuyết của mình, bởi vì có người ấy chào đón và yêu thương chúng, người yêu các con với chính con người của các con? Đó là tình yêu: yêu người khác với chính con người của họ, và điều này thật đẹp! Những giấc mơ của chúng ta nói cho chúng ta biết cuộc sống mà chúng ta mong muốn. Những giấc mơ lớn không phải là một chiếc xe hơi mạnh mẽ, một bộ váy thời trang hay một kỳ nghỉ sang trọng. Đừng lắng nghe những người nói với các con về những ước mơ và rồi lại bán cho các con những ảo tưởng.

Một đàng là ước mơ, mơ ước, và đàng khác là ảo tưởng. Những người bán ảo tưởng bằng cách nói về những giấc mơ là những người thao túng hạnh phúc. Chúng ta được tạo dựng cho niềm vui lớn lao hơn: mỗi người chúng ta là duy nhất và có mặt trên thế giới để cảm thấy được yêu thương trong sự độc nhất của mình, và yêu thương người khác mà không ai có thể làm ở vị trí của mình. Bạn không sống bắng cách ngồi trên băng ghế dự bị của người khác. Không, mỗi người là duy nhất trong mắt Chúa. Đừng cho phép mình được “chứng thực”; chúng ta không được tạo dựng theo “xê-ri”, chúng ta là duy nhất, chúng ta tự do, và chúng ta đến trong thế giới để sống một câu chuyện tình yêu, tình yêu với Chúa, để táo bạo ôm lấy những lựa chọn mạnh mẽ, để dấn bước vào cuộc phiêu lưu tuyệt vời của tình yêu. Cha hỏi các con: các con có tin vào điều này không? Cha hỏi các con: các con có mơ về những điều này không? [giới trẻ trả lời: “Có!”] Các con có chắc không? [“Vâng!”] Chắc chắn!

Cha muốn cho các con một lời khuyên khác. Để tình yêu đơm hoa kết trái, đừng quên cội nguồn. Và cội nguồn của các con là gì? Là cha mẹ và đặc biệt là ông bà. Hãy chú ý: ông bà. Họ đã chuẩn bị vùng đất cho các con. Hãy tưới mát cho gốc rễ, hãy đến với ông bà của các con, điều đó sẽ tốt cho các con: hãy hỏi họ những câu hỏi, dành thời gian để lắng nghe những câu chuyện của họ. Ngày nay, có nguy cơ ngày càng bị mất đi cội nguồn, bởi vì chúng ta có khuynh hướng chạy thật nhanh, làm mọi thứ một cách vội vàng: những gì chúng ta thấy trên internet đến với chúng ta ngay lập tức tại nhà; chỉ một cú nhấp chuột thì mọi người và mọi thứ xuất hiện trên màn hình. Và rồi chuyện xảy ra là họ trở nên quen thuộc hơn những gương mặt đã sinh ra chúng ta. Bị bội thực với những thông điệp ảo, chúng ta có nguy cơ đánh mất nguồn cội thực sự của mình. Ngắt kết nối với đời sống, mơ mộng viển vông, đó là điều không tốt, đó là một cám dỗ của tà thần. Chúa muốn chúng ta được bén rễ sâu trong lòng đất, được kết nối với sự sống; không bao giờ khép kín, nhưng luôn mở ra cho tất cả mọi người! Có nguồn cội và rộng mở. Các con hiểu chứ? Có nguồn cội và rộng mở.

Đúng, đó là sự thật, nhưng các con sẽ nói với cha rằng thế giới họ nghĩ khác. Người ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng thực tế lại có một nguyên tắc khác: mỗi người hãy nghĩ cho bản thân mình. Các con giới trẻ thân yêu, đừng cho phép mình bị ảnh hưởng bởi điều này, bởi điều sai trái, bởi sự dữ đang hoành hành. Đừng để bản thân bị giam hãm trong nỗi buồn, bởi sự nản lòng buông xuôi của những người nói rằng sẽ không bao giờ thay đổi được điều gì. Nếu các con tin vào điều này, các con sẽ mắc bệnh bi quan. Và các con đã nhìn thấy khuôn mặt của một người thanh niên, của một người trẻ tuổi bi quan chưa? Các con có thấy anh bạn đó mang khuôn mặt gì chưa? Đó là một khuôn mặt cay đắng, một khuôn mặt cay đắng. Sự bi quan khiến chúng ta ngã bệnh với sự cay đắng, nó khiến chúng ta già đi trong tâm hồn. Và bạn sẽ trở thành người già trước tuổi. Ngày nay có quá nhiều sức mạnh tàn phá, quá nhiều kẻ đổ lỗi cho mọi người và mọi thứ, những kẻ thổi phồng tính tiêu cực, những chuyên gia kêu ca càm ràm. Đừng nghe họ! Đừng, bởi vì kêu ca phàn nàn và bi quan không phải là người Kitô hữu, Chúa ghét sự buồn bã và [...]. Chúng ta không được tạo dựng để cúi mặt nhìn xuống đất, nhưng để ngước mắt nhìn lên Thiên đàng, nhìn đến tha nhân, nhìn đến xã hội.

Và khi chúng ta thất vọng - bởi vì trong cuộc sống mọi người đều có những lúc mang một chút thất vọng, chúng ta đều có kinh nghiệm này - và khi chúng ta thất vọng, chúng ta nên làm gì? Có một phương thuốc rất tốt để giúp vực chúng ta dậy. Đó là những gì bạn Petra đã nói với chúng ta: Xưng tội. Các con đều nghe Petra nói phải không? [“Có!”] Phương thuốc Xưng tội. Các con hỏi cha: “Làm thế nào một người trẻ có thể vượt qua những trở ngại trên con đường đến với lòng thương xót của Chúa?” Đây cũng là một câu hỏi để nhìn đến, để tìm đến điều gì là quan trọng. Nếu cha hỏi các con: “Các con suy nghĩ về điều gì khi đi xưng tội?” - đừng nói lớn -, cha gần như chắc chắn về câu trả lời: “Nghĩ về tội”. Nhưng - cha lại hỏi các con, và các con hãy trả lời - tội có thực sự là trung tâm của Tòa cáo giải không? [“Không!”] Cha không nghe thấy ... [“Không!”] Tốt lắm! Chúa muốn các con đến gần với Người để nghĩ về các con, về tội lỗi của các con, hay về Người? Thiên Chúa muốn điều gì? Các con đến gần với Người hay với tội lỗi của các con? Người muốn điều gì? Hãy trả lời [“Với Người!”] Lớn hơn nữa, tai cha bị lãng rồi ... [“Với Chúa!”] Đâu là trung tâm, là tội hay là Chúa Cha, Đấng tha thứ mọi tội lỗi? Là Chúa Cha. Chúng ta không đi xưng tội như những người bị trừng phạt phải khúm núm, nhưng như những người con chạy đến để đón nhận vòng tay của Chúa Cha. Và Chúa Cha nâng chúng ta lên trong mọi hoàn cảnh, tha thứ cho chúng ta mọi tội lỗi. Hãy nghe điều này thật kỹ: Chúa luôn tha thứ! Các con rõ rồi chứ? Chúa luôn tha thứ!

Cha cho các con một lời khuyên nhỏ: sau mỗi lần Xưng tội, hãy dành chút thời gian ở lại để nhớ đến sự tha thứ mà các con đã đón nhận. Hãy giữ sự bình an đó trong lòng các con, sự tự do mà các con cảm nhận trong lòng. Không phải tội, chúng không còn nữa, nhưng là sự tha thứ mà Thiên Chúa đã ban cho các con, sự âu yếm của Thiên Chúa Cha. Hãy giữ điều đó, đừng để mất nó. Và lần tới khi các con đi xưng tội, hãy nhớ điều này: một lần nữa tôi sẽ đón nhận được vòng tay đã làm cho tôi quá nhiều sự tốt lành. Tôi không đi đến với một vị thẩm phán để giải trình, tôi đến với Chúa Giêsu là Đấng thương yêu tôi và chữa lành cho tôi. Bây giờ cha lại cảm thấy muốn đưa ra một số lời khuyên cho các linh mục: cha muốn nói với các linh mục rằng họ hãy cảm nhận thấy mình trong vị trí của Thiên Chúa Cha, Đấng luôn luôn tha thứ và bao dung và chào đón. Chúng ta dành cho Chúa vị trí đầu tiên trong Tòa Cáo giải. Nếu Thiên Chúa, nếu Người là vai chính, mọi thứ đều trở nên tốt đẹp và việc xưng tội [trở thành] bí tích của niềm vui. Đúng vậy, của niềm vui: không phải là sợ hãi và phán xét, nhưng là niềm vui. Và điều quan trọng là các linh mục phải đầy lòng thương xót. Xin đừng bao giờ tò mò, đừng bao giờ tra vấn, nhưng hãy để họ là những anh em với sự tha thứ của Chúa Cha, hãy để họ là những anh em đồng hành trong vòng tay của Chúa Cha.

Nhưng có thể có bạn nói: “Dù sao thì con cũng rất xấu hổ, con không thể vượt qua được sự xấu hổ khi đi xưng tội”. Đó không phải là vấn đề, nó là một điều tốt! Trong cuộc sống biết xấu hổ đôi khi lại tốt cho các con. Nếu các con xấu hổ, nó có nghĩa là các con không chấp nhận những gì các con đã làm. Xấu hổ là một tín hiệu tốt, nhưng cũng như bất kỳ tín hiệu nào, nó cần phải tiến xa hơn. Đừng trở thành tù nhân của sự xấu hổ, bởi vì Chúa không bao giờ xấu hổ về các con. Người yêu thương các con chính ở đó, ở nơi các con đang thấy xấu hổ về bản thân. Và Người luôn luôn yêu thương các con. Cha nói với các con một điều không có trên màn ảnh lớn. Ở quê của cha, những người chai mặt làm mọi điều sai trái thì được gọi là “vô liêm sỉ”.

Và một điều nghi ngờ cuối cùng: “Nhưng thưa Cha, con không thể tha thứ cho chính mình, như vậy làm sao Chúa có thể tha thứ cho con, vì con sẽ luôn phạm vào những tội tương tự”. Nhưng - nghe này - Thiên Chúa, Người bị xúc phạm khi nào? Khi nào thì con định cầu xin sự tha thứ? Không bao giờ. Chúa đau khổ khi chúng ta nghĩ rằng Người không thể tha thứ cho chúng ta, bởi vì điều đó giống như nói với Chúa rằng: “Chúa còn nhỏ bé trong tình yêu!” Cha nói rằng với Chúa điều này thật là tệ! Khi nói với Người rằng “Chúa nhỏ bé trong tình yêu”. Nhưng Chúa vui mừng tha thứ cho chúng ta, mọi lúc. Khi nâng chúng ta dậy, Người tin tưởng chúng ta như lần đầu tiên, Người không nản lòng. Chính chúng ta là người nản lòng, Chúa thì không. Người không nhìn thấy những tội nhân để mà dán nhãn, nhưng Người nhìn thấy những đứa con để yêu thương. Người không nhìn thấy những con người sai lỗi, nhưng là những đứa con yêu quý; có thể là bị thương tổn, thì Người thậm chí còn dành nhiều lòng trắc ẩn và sự dịu dàng hơn. Và mỗi khi chúng ta đi xưng tội - đừng bao giờ quên điều này - là có một sự mừng vui trên Thiên đàng. Ước mong trên mặt đất cũng như vậy!

Cuối cùng, Peter và Lenka, các con đã trải qua thập giá trong cuộc đời. Cảm ơn lời chứng của các con. Các con hỏi làm cách nào để “động viên người trẻ không sợ hãi khi ôm lấy thập giá”. Ôm: đó là một động từ rất đẹp! Ôm giúp vượt qua nỗi sợ hãi. Khi được ôm, chúng ta lấy lại được niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Vì vậy, chúng ta hãy cho phép mình được Chúa Giêsu ôm lấy. Bởi vì khi chúng ta ôm lấy Chúa Giêsu là chúng ta lại ôm lấy hy vọng. Không thể ôm thập giá một mình; nỗi đau đớn không cứu được ai. Chính tình yêu đã biến đổi nỗi đau. Vì vậy, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta ôm lấy thập giá, không bao giờ là một mình! Nếu các con ôm lấy Chúa Giêsu, niềm vui được tái sinh. Và niềm vui của Chúa Giêsu, trong đau đớn, được biến đổi thành bình an. Các bạn trẻ thân yêu, các con thân yêu, cha cầu chúc cho các con có được niềm vui này, mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì. Cha mong ước các con mang nó đến cho bạn bè. Không phải là những bài giảng thuyết, mà là niềm vui. Mang lại niềm vui! Không phải những lời nói, mà là những nụ cười, sự gần gũi của tình huynh đệ. Cha cảm ơn các con đã lắng nghe cha và cha xin các con một điều cuối cùng: đừng quên cầu nguyện cho cha nhé. Ďakujem! [Cảm ơn các con!]

Bây giờ chúng ta đứng dậy, tất cả mọi người, và cầu nguyện với Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con …” [bằng tiếng Slovakia]

[Phép lành]



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/9/2021]