Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29.09.2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29.09.2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29.09.2021


Buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Sống trong niềm tin” (Bài đọc Kinh Thánh Gl 2:19-20).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi cho các nạn nhân của những vụ tấn công vũ trang ở miền bắc Nigeria.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát: 9. Sống trong niềm tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình hiểu rõ hơn về giáo huấn của Thánh Phaolô, hôm nay chúng ta sẽ gặp một chủ đề khó nhưng quan trọng: ơn công chính hóa. Ơn công chính hóa là gì? Chúng ta, những người từng là tội nhân, đã được nên công chính. Ai đã làm cho chúng ta được nên công chính? Quá trình thay đổi này là sự công chính hóa. Trước mặt Chúa, chúng ta là người công chính. Sự thật là chúng ta có tội lỗi riêng của mình. Nhưng về nền tảng, chúng ta được công chính hóa. Đây là sự công chính hóa. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này, để tìm ra cách giải thích phù hợp nhất với tư tưởng của Thánh Tông đồ, và như thường lệ, những cuộc thảo luận này thậm chí dẫn đến những lập trường mâu thuẫn. Trong Thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nhấn mạnh vào sự thật rằng sự công chính đến nhờ đức tin vào Đức Kitô. “Nhưng, thưa Cha, con được nên công chính vì con tuân giữ tất cả các điều răn!” Vâng, nhưng sự công chính không đến từ việc đó. Có Đấng đã làm cho bạn được nên công chính, có Đấng đã làm cho bạn được nên công chính trước mặt Chúa. “Vâng, nhưng tôi là một tội nhân!” Đúng, bạn được nên công chính, nhưng là một tội nhân. Nhưng về nền tảng, bạn được nên công chính. Ai làm cho bạn nên công chính? Chúa Giêsu Kitô. Đây là ơn công chính hóa.

Điều gì ẩn chứa sau cụm từ “công chính hóa” có ý nghĩa quyết định đối với đức tin? Không dễ để đi đến một định nghĩa thấu đáo, nhưng xét tổng thể tư tưởng của Thánh Phaolô, có thể đơn giản nói rằng ơn công chính hóa là kết quả của “sáng kiến của Thiên Chúa giàu lòng thƣơng xót và hằng tha thứ” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1990). Và đây là Thiên Chúa của chúng ta, vô cùng tốt lành, vô cùng nhân từ, vô cùng nhẫn nại, đầy lòng thương xót, Đấng liên tục ban ơn tha thứ, liên tục. Người tha thứ. Lòng thương xót của Chúa ban ơn tha thứ. Thật vậy, qua cái chết của Chúa Giêsu – và chúng ta cần nhấn mạnh điều này: qua cái chết của Chúa Giêsu – Thiên Chúa đã tiêu diệt tội lỗi và ban cho chúng ta ơn tha thứ và ơn cứu rỗi của Người. Nhờ vậy, tội nhân được Thiên Chúa tiếp đón và hòa giải với Người. Dường như mối tương quan ban đầu giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo trước khi tội bất tuân chen vào đã được khôi phục. Do đó, sự công chính hóa do Thiên Chúa ban tặng cho phép chúng ta phục hồi sự vô tội đã bị mất do tội lỗi. Sự công chính hóa xảy ra như thế nào? Trả lời câu hỏi này có nghĩa là khám phá thêm một điểm mới lạ trong giáo huấn của Thánh Phaolô: rằng ơn công chính hóa đến từ ân sủng. Chỉ nhờ ân sủng: chúng ta được nên công chính nhờ ân sủng. “Nhưng tôi không thể, tôi không thể, một người, đến gặp thẩm phán và trả tiền để ông ta có thể biện hộ cho tôi?” Không. Bạn không thể trả tiền cho việc này. Có Đấng đã trả giá cho tất cả chúng ta: Đức Kitô. Và từ Đức Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta, ân sủng mà Chúa Cha ban cho mọi người tuôn đổ: ơn công chính hóa đến nhờ ân sủng.

Thánh Tông đồ luôn tâm niệm về kinh nghiệm đã làm thay đổi cuộc đời của ngài: cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường đến Đamát. Phaolô đã từng là một con người kiêu hãnh, sùng đạo và nhiệt thành, tin chắc rằng sự công chính gồm có trong việc tuân giữ thật tỷ mỷ các giới răn của Lề luật. Tuy nhiên, giờ đây, ngài đã bị chinh phục bởi Đức Kitô, và đức tin vào Đức Kitô đã hoàn toàn biến đổi ngài, cho phép ngài khám phá ra một sự thật đã bị che giấu: chúng ta không trở nên công chính nhờ vào nỗ lực của bản thân, không, không phải là chúng ta, mà chính là Đức Kitô, với ân sủng của Người, Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính. Vì vậy, Thánh Phaolô sẵn sàng từ bỏ mọi thứ trước đây đã làm cho ngài trở nên giàu có, để nhận thức đầy đủ về mầu nhiệm của Chúa Giêsu (xem Pl 3: 7), vì ngài đã khám phá ra rằng chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới cứu được ngài. Chúng ta đã được nên công chính, chúng ta đã được cứu thoát, tất cả nhờ ân sủng, không nhờ công trạng của chúng ta. Và điều này mang lại cho chúng ta sự tin tưởng lớn lao. Chúng ta là tội nhân, vâng; nhưng chúng ta sống cuộc đời của mình với ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được nên công chính mỗi khi chúng ta cầu xin sự tha thứ. Nhưng không phải chỉ trong lúc đó chúng ta mới được nên công chính: chúng ta đã được nên công chính rồi, nhưng Ngài lại đến để tha thứ cho chúng ta.

Với Thánh Tông đồ, đức tin có một giá trị toàn diện. Nó chạm đến mọi khoảnh khắc và mọi khía cạnh trong cuộc sống của một người tín hữu: từ Bí tích Rửa tội cho đến khi chúng ta rời khỏi thế giới này, mọi việc đều được thấm đẫm niềm tin vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng ban sự cứu độ. Sự công chính hóa nhờ đức tin nhấn mạnh sự ưu tiên của ân sủng mà Chúa ban tặng không phân biệt cho những ai tin vào Con của Người.

Tuy nhiên, chúng ta không được kết luận rằng đối với Thánh Phaolô, Luật Môsê đã mất giá trị; đúng hơn, nó vẫn là một món quà không thể hủy bỏ của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ viết, lề luật là “thánh” (Rm 7:12). Ngay cả với đời sống thiêng liêng của chúng ta, việc tuân theo các điều răn là rất cần thiết – chúng ta đã nói điều này nhiều lần. Nhưng ngay cả ở đây, chúng ta cũng không thể trông cậy vào nỗ lực của riêng mình: ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được qua Đức Kitô là nền tảng. Ân sủng đó đến từ sự công chính hóa do Đức Kitô ban cho chúng ta, Đấng đã trả giá cho chúng ta. Từ Người, chúng ta đón nhận được tình yêu nhưng không cho phép chúng ta biết yêu thương theo những cách cụ thể.

Trong bối cảnh này, thật tốt khi nhớ lại lời dạy của Thánh Tông đồ Giacôbê đã viết: “Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.” Điều này tưởng như là trái ngược, nhưng nó không phải như vậy. Vì “một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:24,26). Sự công chính hóa, nếu nó không trổ sinh hoa trái bằng những công việc của chúng ta, thì nó có thể đã bị chôn vùi, đã chết. Ơn có ở đó, nhưng chúng ta phải kích hoạt nó bằng việc làm của mình. Đây là cách thức những lời của Giacôbê bổ sung cho lời dạy của Thánh Phaolô. Vì vậy, đối với hai Thánh Tông đồ, sự đáp lời của đức tin đòi hỏi chúng ta phải tích cực trong tình yêu mến đối với Thiên Chúa và trong tình yêu thương đối với người lân cận. Tại sao phải “tích cực trong tình yêu đó?” Bởi vì tình yêu đó đã cứu tất cả chúng ta, nó làm chúng ta nên công chính cách nhưng không, ân sủng!

Sự công chính hóa đưa chúng ta vào lịch sử cứu độ lâu dài và cho thấy sự công bằng của Thiên Chúa: trước những sa ngã và bất xứng liên tục của chúng ta, Người đã không bỏ cuộc, nhưng Người muốn làm cho chúng ta trở nên công chính và Người làm điều đó qua ân sủng, qua món quà của Chúa Giêsu Kitô, cái chết và sự sống lại của Người. Đôi khi cha đã nói, Chúa hành động như thế nào? Phong cách của Chúa là gì? Và cha đã đưa ra ba từ ngữ: phong cách của Chúa là gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Ngài luôn đến gần chúng ta, từ bi và dịu dàng. Và sự công chính hóa chính là sự gần gũi nhất của Chúa với chúng ta, những người nam và nữ, lòng trắc ẩn lớn nhất của Chúa đối với chúng ta, sự dịu dàng lớn nhất của Chúa Cha. Sự công chính hóa chính là món quà này của Chúa Kitô, nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đã làm cho chúng ta được tự do. “Nhưng thưa Cha, con là một tội nhân… Con đã cướp… Con đã…” Đúng, đúng. Nhưng về cơ bản, bạn được công chính hóa. Hãy cho phép Đức Kitô thực hiện sự công chính hóa đó. Chúng ta hãy để cho ân sủng của Đức Kitô đến và sự công chính hóa này sẽ cho chúng ta sức mạnh để phát triển. Từ đó, ánh sáng của đức tin cho phép chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa là vô biên, ân sủng của Ngài là ích lợi cho chúng ta. Nhưng chính ánh sáng đó cũng làm cho chúng ta thấy được trách nhiệm đã được trao phó cho chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ của Người. Sức mạnh của ân sủng cần được kết hợp song song với các công việc của lòng thương xót mà chúng ta được kêu gọi sống để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu vĩ đại biết bao. Chúng ta hãy tiến bước với sự tín thác này: tất cả chúng ta đã được nên công chính hóa, chúng ta được nên công chính trong Đức Kitô. Chúng ta phải thực hiện sự công chính hóa đó bằng các công việc của mình. Cảm ơn anh chị em.


Lời chào bằng Tiếng Anh

Cha chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh và du khách tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Đan Mạch và Hoa Kỳ. Cha gửi lời chào đặc biệt đến các chủng sinh của Trường Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ và gia đình của các chủng sinh tập trung tham dự lễ phong Phó tế. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên tất cả các anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Tôi vô cùng đau buồn khi nghe biết tin tức về các cuộc tấn công vũ trang vào Chủ nhật tuần trước nhằm vào các làng Madamai và Abun, ở miền bắc Nigeria. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, những người bị thương, và cho toàn thể dân tộc Nigeria. Tôi hy vọng rằng sự an toàn của mọi người dân được đảm bảo trong đất nước.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/9/2021]


Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

SerFeo | Shutterstock

Bret Thoman, OFS

08/09/21


Vương cung thánh đường Santa Maria di Collemaggio được thành lập bởi Đức Giáo hoàng Celestine V, người được nhớ đến vì Sắc lệnh Đại xá của Giáo hoàng và đã thiết lập tiến trình để các giáo hoàng từ chức.

Thành phố L'Aquila, nằm ở vùng Abruzzo, miền trung nước Ý, đã bị tàn phá bởi trận động đất năm 2009. Ngoài việc hơn 300 người đã thiệt mạng trong trận động đất, một thẩm phán sau đó kết án tù một số nhà địa chấn học vì đã không dự đoán được.

L’Aquila còn được biết đến với một loại “động đất” khác. Nhà thờ nổi tiếng nhất của thành phố – Vương cung thánh đường Santa Maria di Collemaggio – đại diện cho một thời điểm lịch sử trong lịch sử của các triều đại giáo hoàng.


Một ẩn sĩ tên Pietro trở thành giáo hoàng

Vào năm 1274, một ẩn sĩ từ Morrone tên là Pietro (người sáng lập Dòng ẩn tu Celestine) đi ngang qua L’Aquila trên đường đến Pháp để tham dự Công đồng Lyons. Theo truyền thống, ngài có một giấc mơ, trong đó Đức Trinh Nữ Maria yêu cầu ngài xây dựng một nhà thờ để tôn vinh Mẹ. Năm 1287, ngài Celestines mua đất và bắt đầu xây dựng vương cung thánh đường trên một ngọn đồi ở ngoại ô L’Aquila.

Sau cái chết của Đức Giáo hoàng Nicholas IV, một mật nghị kéo dài hai năm đã diễn ra. Vào ngày 5 tháng Bảy năm 1294, ngài Pietro da Morrone – khi đó đã 80 tuổi – được bầu lên ngôi Giáo hoàng. Ban đầu, ngài từ chối nhận trách nhiệm vì ngài là một ẩn sĩ cao tuổi, giản dị. Tuy nhiên, ngài đã xuôi lòng do sự vâng lời.

Ngài Pietro được đội vương miện giáo hoàng lấy tên hiệu là Celestine V trong vương cung thánh đường mà ngài đã xây dựng ở L’Aquila, bấy giờ được đổi thành Santa Maria di Collemaggio.


Ban ơn toàn xá cho những người hành hương đến vương cung thánh đường của ngài

Mặc dù nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài rất ngắn ngủi, một trong những hành động đầu tiên là ngài là tạo ra một việc hoàn toàn mới: công bố Sắc lệnh Perdonanza (Sự tha thứ) của giáo hoàng. Sắc lệnh này ban ơn toàn xá cho tất cả những ai hành hương đến Vương cung Thánh đường Santa Maria di Collemaggio ở L’Aquila, đã xưng tội và Rước Lễ vào ngày 28 hoặc 29 tháng Tám.

Đức Giáo hoàng Boniface kế vị ngài đã “mượn” ơn đại xá hành hương này như một tiêu chuẩn của Năm Thánh chính thức đầu tiên năm 1300 sau Chúa Giáng sinh mà ngài thiết lập sáu năm sau cho những người hành hương đến Roma.


Mở đường cho những sự thoái vị trong tương lai

Mặc dù Đức Giáo hoàng Celestine là thánh thiện và mộ đạo, nhưng ngài sớm nhận thấy mình không thể đảm trách các nhiệm vụ của cương vị giáo hoàng, chưa nói đến việc phải đối phó với các âm mưu chính trị và kinh tế cả ở bên trong và bên ngoài Giáo hội. Chỉ sau bốn tháng tại vị, ngài đã thoái vị.

Nhưng trước khi từ bỏ tước hiệu Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Celestine đã tạo ra một quy trình chính thức để làm việc đó. Mặc dù cũng có các giáo hoàng trước đó từ chức, nhưng tiến trình ngài thiết lập là lần đầu tiên trong lịch sử của chức vị giáo hoàng.


Viếng vương cung thánh đường

Vương cung thánh đường ở L’Aquila là một tiểu vương cung thánh đường và là nơi chôn cất Đức Giáo hoàng Celestine từ năm 1327, được xem là sự thể hiện cao nhất của kiến trúc Abruzzo. Khi bước vào gian giữa rộng lớn, du khách sẽ sững sờ trước kích thước khổng lồ nhưng đơn giản của nó.

Cho đến gần đây nhà thờ vẫn là địa điểm diễn ra thánh niên hàng năm, được gọi là Celestinian Perdonanza vào ngày 28-29 tháng Tám. Khi đó, một Cửa Thánh tương tự như những cửa thánh ở Roma trong Những năm Thánh đã được gắn thêm vào tường phía bắc vào thế kỷ 14.

Sự nổi tiếng của vị giáo hoàng ẩn tu thánh thiện (được Đức Giáo hoàng Clement V phong hiển thánh vào năm 1313), tính chất đặc biệt của “Sự từ chối cao cả” của ngài khi thoái vị giáo hoàng, và sự đặc điểm của Năm Thánh L'Aquila tất cả dẫn đến sự gia tăng lượng người hành hương đến viếng thăm Vương cung Thánh đường.

Sau trận động đất năm 2009, nhà thờ trải qua một đợt trùng tu kết thúc vào năm 2017. Sau đó, nhà thờ nhận được giải thưởng di sản văn hóa của Liên minh Châu Âu và cũng được Unesco của Liên Hợp quốc xếp hạng là di sản thế giới về di sản phi vật thể cho nhân loại.

Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã đến thăm L’Aquila vào tháng Tư năm 2009 sau trận động đất để bày tỏ sự gần gũi của ngài với người dân địa phương. Nhiều người biết rằng ngài đã đến viếng Vương cung thánh đường Santa Maria di Collemaggio và đặt dây Pallium (biểu tượng của triều đại giáo hoàng) trên mộ của Thánh Giáo hoàng Celestine V và để lại ở đó.

Thật vậy, Đức Giáo hoàng Benedict XVI từ chức giáo hoàng chỉ bốn năm sau đó, và nhiều người giải thích cử chỉ của ngài ở nhà thờ như một dấu hiệu của điều sắp xảy ra. Quả thật, Đức Giáo hoàng Benedict đã dùng các thủ tục do Đức Giáo hoàng Celestine thiết lập.


Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Ẩn viện Sant'Onofrio ở Morrone, nơi Thánh Giáo hoàng tương lai Celestine sống như một ẩn sĩ.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Lễ đăng quang của Đức Giáo hoàng Celestine V tại Vương cung thánh đường Santa Maria di Collemaggio ở L'Aquila.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Mặt ngoài của Vương cung Thánh đường Santa Maria di Collemaggio.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường, nhìn từ bên trong nhà thờ.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Ảnh chụp bên ngoài Cửa Thánh của vương cung thánh đường, cổng phụ.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Gian chính giữa của Vương cung thánh đường Santa Maria di Collemaggio.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Nhà nguyện có mộ của Đức Giáo hoàng Celestine V trong Vương cung thánh đường Santa Maria di Collemaggio ở L'Aquila.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Hài cốt của Đức Giáo hoàng Celestine V trong Vương cung thánh đường Santa Maria di Collemaggio, L'Aquila.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Hài cốt của Đức Giáo hoàng Celestine, chụp từ phía sau bàn thờ.

Hành hương đến Vương cung Thánh đường được xây dựng bởi một ẩn sĩ trở thành giáo hoàng

Bảng mô tả về việc tu sửa Vương cung thánh đường Santa Maria di Collemaggio sau trận động đất năm 2010.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/9/2021]


Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

ROLF HAID | DPA Picture-Alliance | AFP

Bret Thoman, OFS

23/09/21


Nội vi của tu viện ở San Giovanni Rotondo không mở cửa cho công chúng.

Thánh Pio of Pietrelcina, được gọi cách trìu mến hơn là Padre Pio, là một trong những vị thánh được biết đến nhiều nhất ở Ý – đúng hơn là trong toàn thể Giáo hội Công giáo.

Sinh năm 1887 trong một gia đình nông dân chân chất ở thị trấn Pietrelcina nhỏ bé thuộc vùng Campania gần Benevento, ngài được thân mẫu đặt tên là Francesco lấy theo tên Thánh Phanxicô Assisi.

Khi còn bé, Francesco muốn trở thành một linh mục, nhưng cha mẹ không đủ khả năng chi trả cho việc học của cậu – một hoàn cảnh không mấy hiếm ở vùng nông thôn nước Ý vào thời đó. Thân phụ của ngài sống nhờ vào đất đai và dù họ không quá thiếu thốn, nhưng cũng không có thêm tiền để mua sách và thuê gia sư riêng. Vì vậy, phụ thân của ngài đã di cư đến Hoa Kỳ tìm việc làm để có thể có đủ điều kiện học tập cho Francesco vào chủng viện.

Ngày 6 tháng Một năm 1903, ở tuổi 15, Francesco gia nhập Dòng Capuchin, và khi kết thúc tập viện được đặt tên trong dòng là Pio (Piô).

Ngay sau đó, Fra’ Pio bắt đầu trải nghiệm những ơn ngoại thường và những hiện tượng siêu nhiên.

Sau khi thụ phong linh mục vào năm 1910, ngài thường xuyên bị ốm khiến ngài phải trở về nhà.

Trở lại Pietrelcina năm 21 tuổi, lần đầu tiên ngài nhận được năm dấu thánh – những vết thương của Chúa Kitô –, tuy nhiên các dấu thánh không còn lưu lại.


Không khí tốt hơn

Khi sức khỏe được cải thiện, ngài trở lại cộng đoàn gần Benevento. Tuy nhiên, sức khỏe của ngài vẫn còn yếu và ngài bị nhiều chứng bệnh ảnh hưởng đến phổi. Cuối cùng, vị linh hướng của ngài đề nghị ngài đến thị trấn San Giovanni Rotondo trên đồi. Ở độ cao 623 mét trên mực nước biển, hy vọng không khí có thể tốt cho sức khỏe của ngài.

Khi ngài đến vào năm 1916 ở tuổi 29, Thánh Padre Pio biết rằng ngài sẽ ở đó cho đến cuối đời. Thật vậy, ngài không bao giờ rời đi, và ở lại San Giovanni Rotondo trong 52 năm cho đến khi qua đời.

Trong thời gian ở San Giovanni Rotondo, những hiện tượng thần bí là đặc trưng cho cuộc đời của ngài tiếp tục. Vào năm 1918, ngài trải qua những gì được gọi là transverberation, hay là sự đâm thấu trái tim.

Mọi người đến gặp ngài để xưng tội và kể lại rằng Thánh Padre Pio có thể “đọc được linh hồn của họ” và ngài biết được tội của họ trước khi họ xưng thú. Chúa ban cho ngài những ân tứ ngoại thường: Ngài thường nói tiên tri và có thể báo trước tương lai. Có những câu chuyện kể về việc ở hai nơi cùng lúc khi Thánh Padre Pio xuất hiện đồng thời tại hai địa điểm. Ngài cũng có khả năng chữa lành bệnh. Có những lời kể về việc ngài đụng độ trực tiếp với ma quỷ.

Hiện tượng có lẽ được biết đến nhiều nhất diễn ra vào ngày 20 tháng Chín năm 1918, khi Thánh Padre Pio nhận được năm dấu thương của Chúa Kitô. Trong khi cầu nguyện trước một cây thánh giá trong khu vực cho ca đoàn ở phía trên nhà thờ cổ, ngài không những cảm thấy đau nhói ở bàn tay, bàn chân và bên cạnh sườn — nhưng chúng còn để lại những vết thương hở và có thể nhìn thấy được.

Các bề trên yêu cầu Thánh Padre Pio kiểm tra y tế vết thương. Các bác sĩ nghiên cứu các vết thương kết luận rằng vết thương không thể giải thích được vì chúng không lành hoặc trở nên nặng hơn theo thời gian.


Một sự thần bí với chính thánh nhân

Khi được hỏi về tất cả những hiện tượng này, Thánh Padre Pio thường trả lời rằng chính ngài cũng không hiểu chúng, và chúng cũng là một điều bí ẩn đối với ngài.

Chẳng bao lâu, danh tiếng của Thánh Padre Pio như một nhà thần bí và người chữa bệnh bắt đầu lan rộng. Các linh mục và giới quý tộc cũng như những giáo dân mộc mạc từ khắp nơi bắt đầu hành trình đến San Giovanni Rotondo để tìm kiếm sự chữa lành hoặc ơn ích. Một số người tìm kiếm phép lạ cho những căn bệnh không còn cách cứu chữa, đồng thời có những người khác lại mong mỏi được chữa lành thiêng liêng.

Vì lòng sùng bái Thánh Padre Pio có lúc gần đến ranh giới của sự cuồng tín, các vị hữu trách Giáo hội đã phản ứng một cách thận trọng. Trong một thời gian, Thánh Padre Pio bị cấm không được giải tội, cử hành Thánh lễ với cộng đoàn, và không được tiếp xúc với những người con thiêng liêng của ngài. Điều này khiến ngài vô cùng đau khổ, mặc dù ngài hoàn toàn vâng lời. Sau đó, lệnh này được chính giáo hoàng tháo cởi.

Cho dù được ơn đặc biệt và những phép lạ trong cuộc sống, Thánh Padre Pio tin rằng công cuộc lớn nhất của ngài là xây dựng bệnh viện mà ngài thực hiện được hoàn toàn nhờ các khoản quyên góp bắt đầu từ năm 1940. Được đặt tên là Casa Sollievo della Sofferenza (Nhà nghỉ ngơi cho người đau khổ), nó phản ánh sự làm việc không mệt mỏi của Thánh Padre Pio để giúp đỡ người bệnh. Cho đến ngày nay, bệnh viện được coi là một trong những bệnh viện tốt nhất ở miền Nam nước Ý.


Một quà tặng cho Giáo hội

Thánh Padre Pio qua đời ngày 23 tháng Chín năm 1968, (một ngày mà ngài đã báo trước) tay nắm chặt chuỗi mân côi của mình và kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Các vết thương của ngài được chữa lành một cách bí nhiệm sau khi ngài qua đời, có lẽ là một dấu hiệu thiêng liêng cho thấy những đau khổ và thừa tác vụ trên dương thế của ngài đã hoàn tất.

Vào ngày 2 tháng Năm năm 1999, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố Cha Padre Pio là “Chân phước”, và ngài được phong hiển thánh vào ngày 16 tháng Sáu năm 2002. Năm trăm ngàn người đã tham dự Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong khi những người khác theo dõi qua một màn hình khổng lồ đặt trong quảng trường ở Thánh Gioan Lateran, và những người khác vẫn ở San Giovanni Rotondo.

Trước khi qua đời, Thánh Padre Pio nói: “Sau khi chết, tôi sẽ còn gây náo động hơn nữa: sứ vụ thực sự của tôi sẽ bắt đầu sau khi tôi chết”. Thật vậy, ngày nay nhiều người làm chứng cho việc nhận được các ơn qua sự chuyển cầu của Thánh Padre Pio, dù là qua những giấc mơ, hương thơm của hoa hồng, hay những hiện tượng khác.

Xin Thánh Pio of Pietrelcina cầu nguyện cho chúng con.

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Giường của Thánh Padre Pio trong phòng số 5, nơi ngài sống trong hầu hết các năm ở San Giovanni Rotondo.


Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Áo phụ phó tế của Thánh Padre Pio, với vết máu trên vai.

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Nhà nguyện bên kia hành lang Phòng số 5 nơi Thánh Padre Pio cầu nguyện hàng ngày.

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Chiếc ghế thánh nhân ngồi, đặt trong nhà nguyện phía trước bàn thờ.

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Lò sưởi và phòng khách nơi Thánh Padre Pio ngồi với các tu huynh trong cộng đoàn.

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Cầu thang dẫn lên các phòng riêng.

Những tấm ảnh đặc biệt: Gặp gỡ Thánh Padre Pio và nơi ngài sống

Thân xác Thánh Padre Pio trong ngôi nhà thờ mới ở San Giovanni Rotondo.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2021]


Phỏng vấn: Taliban đã giết cha mẹ của người Kitô hữu Afghanistan này

Phỏng vấn: Taliban đã giết cha mẹ của người Kitô hữu Afghanistan này

Phỏng vấn: Taliban đã giết cha mẹ của người Kitô hữu Afghanistan này

Wandel Guides | Shutterstock

Aid to the Church in Need

19/09/21


Aid to the Church in Need phỏng vấn Ali Ehsani, người đã chạy trốn khỏi Afghanistan sau khi cha mẹ theo Kitô giáo của anh bị giết vì đức tin của họ.

Ali Ehsani năm nay 38 tuổi và là một luật sư trong nghề. Sau một hành trình rất dài và khó khăn, anh đến Ý năm 13 tuổi; anh chỉ có một mình. Anh đã trốn khỏi Afghanistan sau khi cha mẹ theo Kitô giáo của anh bị giết vì đức tin của họ. Người anh trai duy nhất của anh đã chết trên đường đi. Ở Afghanistan, anh đã sống đức tin của mình hoàn toàn trong bí mật.

Khi còn nhỏ, Ali xem mình là “bình thường” và không khác gì những bạn bè khác, tất cả các bạn đều lớn lên trong những gia đình Hồi giáo. Nhưng đây không phải là vấn đề. Cho dù cậu bé không nhận thức được điều đó, nhưng Ali là một người Kitô giáo. Cha mẹ của cậu không bao giờ công khai nói về tôn giáo của họ vì họ sợ rằng cậu sẽ vô tình phản bội họ. Cậu nhớ mẹ cậu luôn để một chỗ trống trên bàn ăn ở nhà để phòng trường hợp có ai đó có khó khăn đến xin ăn.

Raquel Martín của Aid to the Church in Need (ACN) đã phỏng vấn người Kitô hữu Afghanistan này, người với cuộc đời được định hình bởi khao khát theo Chúa Kitô và bị bắt bớ vì điều đó.


Bằng cách nào anh khám phá ra rằng gia đình anh theo Kitô giáo?

Khi 8 tuổi, tôi đến trường và các bạn cùng lớp hỏi tôi tại sao bố tôi không đến đền thờ Hồi giáo để cầu nguyện. Tôi về nhà và hỏi cha tôi và ông ấy hỏi, “Ai đã nói vậy?” Cha tôi căn dặn thật kỹ với tôi rằng tôi không được nói với ai chúng tôi là người Kitô hữu. Cha tôi giải thích rằng người Kitô giáo đến nhà thờ. Tuy nhiên, ông dừng ở đó vì sợ tôi ra ngoài nói về đức tin của chúng tôi và mọi người sẽ biết về chúng tôi.


Rồi chuyện gì xảy ra?

Cuối cùng mọi người cũng phát hiện ra chúng tôi là người Kitô giáo. Một ngày nọ, tôi đi học về và nhìn thấy Taliban đã phá hủy ngôi nhà của chúng tôi và giết chết cha mẹ tôi. Anh trai tôi và tôi buộc phải trốn khỏi Afghanistan. Anh ấy 16 tuổi và tôi 8 tuổi. Hành trình kéo dài 5 năm. Tôi đã mô tả cuộc phiêu lưu của chúng tôi trong quyển sách Tối nay chúng ta cùng ngắm sao (Tonight we look at the stars). Đó là một chuyến đi đầy gian khổ đưa chúng tôi đi qua Afghanistan, Pakistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, cho đến khi chúng tôi đến Ý. Anh trai tôi đã chết trên đường đi.

Cùng với anh trai, anh đã chèo một chiếc xuồng để đến bờ biển Hy Lạp. Người anh trai Mohammed của anh không vượt qua được. Ali đã thoát được bằng cách ôm lấy một thùng đựng xăng. Anh nói với ACN rằng vào lúc đó anh nghĩ, “Nếu có Chúa Giêsu, Ngài sẽ cứu tôi khỏi chết đuối.” Cậu bé hoàn toàn cô đơn ở tuổi 11. Khi đến Ý, cậu biết chính xác mình muốn làm gì: cậu học luật để có thể bênh vực những người yếu thế và giúp đỡ những người chịu đau khổ như chính bản thân mình đã trải qua.

Anh chưa bao giờ quên nguồn gốc Afghanistan của mình. Anh liên lạc với một gia đình Kitô giáo đang bí mật sống đạo tại quê hương của anh và hỗ trợ niềm tin của họ.


Họ sống đức tin trong bí mật như thế nào?

Tôi biết gia đình này qua một người bạn và chúng tôi thường nói chuyện với nhau. Tôi đã gửi cho họ các video Thánh Lễ hoặc phát trực tiếp các buổi Lễ cho họ trên điện thoại di động của tôi. Điều đó thật phức tạp với họ vì họ chưa bao giờ tham dự Thánh lễ, tuy nhiên, khi xem video, họ vô cùng xúc động đến mức bật khóc… cho dù họ không hiểu những gì đang được nói vì rào cản ngôn ngữ.


Nhưng họ bị Taliban phát hiện …

Trong khi xem một chương trình phát sóng Thánh Lễ, họ đã bật tivi lên để cả gia đình có thể nghe thấy. Vì việc này, một người hàng xóm đã phát hiện ra họ là người Kitô giáo và phản bội họ.


Chuyện gì xảy ra với họ?

Người cha bị bắt và đó là lần cuối cùng họ nghe tin về ông. Gia đình buộc phải chạy trốn và ẩn náu trong một cái hầm, trả tiền cho một người canh gác để bảo vệ họ. Nhờ chính quyền Ý và Vatican, chúng tôi đã có thể đưa họ ra khỏi đất nước. Hiện họ đang sống ở Ý.


Gia đình đã làm gì trong những ngày đầu tiên họ sống trong tự do?

Lần đầu tiên được tham dự thánh lễ, họ đã nghẹn ngào xúc động đến mức bật khóc. Thật quá xúc động khi có quyền tự do công khai thể hiện đức tin của họ. Và họ nói, “Sau quá nhiều năm sống là những người Kitô hữu bí mật trong bóng tối, nó giống như được tái sinh.”

Khi gia đình phải chạy trốn để cứu lấy mạng sống, họ không mang theo được gì. Một cậu con trai mặc chiếc áo sơ mi thiết kế riêng theo phong cách đặc trưng của người Afghanistan mà cậu đã không cởi ra trong nhiều ngày cho đến khi đến Ý. Chiếc áo này đã được tặng cho Đức Giáo hoàng Phanxicô như một món quà của một nhà báo đi cùng với ngài trên chuyến bay từ Hungary đến Slovakia.

Không còn những dấu hiệu của sự đau đớn trên khuôn mặt của Ali và anh ấy đang mỉm cười. Vì không biết cha mẹ đã rửa tội cho anh ở quê nhà hay chưa, nên anh quyết định lãnh nhận Bí tích tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran ở Rôma. Cuối cuộc phỏng vấn, anh xin ACN cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Để biết thêm thông tin về tình hình người Kitô giáo tại Afghanistan, đọc giả xem báo cáo của Religious Freedom Report: 


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2021]


Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 26 tháng 9, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 26 tháng 9, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 26 tháng Chín, 2021

____________________________

 


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay thuật lại cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và Thánh Tông đồ Gioan, người nói thay cho toàn thể nhóm các môn đệ. Họ nhìn thấy một người đang nhân danh Chúa để trừ quỷ, nhưng họ đã ngăn anh ta lại vì anh ta không thuộc nhóm của họ. Ở điểm này, Chúa Giêsu mời gọi họ đừng cản trở những người làm việc tốt, vì họ góp phần thực hiện chương trình của Thiên Chúa (xem Mc 9:38-41). Sau đó, Ngài khuyên họ: thay vì phân chia con người thành người tốt và người xấu, tất cả chúng ta được kêu gọi hãy cảnh giác với chính tâm hồn của mình, kẻo chúng ta chịu khuất phục trước sự dữ và mang đến gương mù gương xấu cho người khác (xem các câu 42-45, 47-48).

Tóm lại, những lời của Chúa Giêsu cho thấy một cám dỗ, và đưa ra một lời khuyên dạy. Sự cám dỗ đó là khép kín. Các môn đệ muốn cản trở một việc tốt lành chỉ vì nó được thực hiện bởi một người không thuộc nhóm của họ. Họ nghĩ rằng họ có “độc quyền đối với Chúa Giêsu”, và rằng họ là những người duy nhất được phép làm việc cho Nước Thiên Chúa. Nhưng theo cách này, kết cục họ sẽ cảm thấy bản thân họ được đặc ân và xem người khác là người ngoài, đến mức trở thành thù địch với những người đó. Thưa anh chị em, quả thật mọi sự khép kín có xu hướng làm cho chúng ta giữ khoảng cách với những người không nghĩ như chúng ta, và chúng ta biết điều này là căn nguyên của rất nhiều sự dữ trong lịch sử: chủ nghĩa chuyên chế thường tạo ra các chế độ độc tài, và có rất nhiều bạo lực đối với những người khác biệt.

Nhưng chúng ta cũng cần phải cảnh giác về việc khép kín trong Giáo hội. Bởi vì ma quỷ, kẻ gây chia rẽ – đây chính là nghĩa của chữ “ma quỷ”, kẻ gây chia rẽ – luôn lén lút tạo ra những nghi ngờ nhằm chia rẽ và loại trừ con người. Hắn cám dỗ bằng cách sử dụng mưu mô xảo quyệt, và nó có thể đã xảy ra như vậy với những người môn đệ kia, họ đã đi xa đến mức loại trừ ngay cả những người đã tự mình trừ quỷ! Đôi khi, chúng ta cũng vậy, thay vì trở thành những cộng đoàn khiêm tốn và rộng mở, thì lại tạo ra ấn tượng là “người đứng đầu lớp” và giữ khoảng cách với người khác; thay vì cố gắng cùng tiến bước với mọi người, chúng ta có thể phô trương “giấy phép tín hữu” của mình: “Tôi là một người tín hữu”, “Tôi là người Công giáo”, “Tôi thuộc hội đoàn này, hội đoàn kia”, thật tội nghiệp, những người khác thì không. Đây là một tội. Phô trương ra cái “giấy phép tín hữu” để phán xét và loại trừ. Chúng ta hãy cầu xin ơn để vượt qua được cám dỗ phán xét và phân loại, và xin Chúa gìn giữ chúng ta thoát khỏi tâm lý “làm tổ”, phòng vệ bản thân một cách ghen tuông trong một nhóm nhỏ gồm những người cho mình là tốt: linh mục với những người tín hữu trung thành của mình, các nhân viên mục vụ khép kín với nhau để không ai có thể xâm nhập, các phong trào và hội đoàn trong đặc sủng riêng của họ, v.v. Khép kín. Tất cả những điều này có nguy cơ biến các cộng đoàn Kitô giáo thành những nơi ngăn cách và không hiệp thông. Chúa Thánh Thần không muốn sự khép kín; Người muốn sự rộng mở và các cộng đồng chào đón, nơi có không gian cho tất cả mọi người.

Và sau đó trong Tin Mừng có lời khuyên dạy của Chúa Giêsu: thay vì phán xét mọi điều và mọi người, chúng ta phải thận trọng với chính bản thân chúng ta! Thật vậy, nguy cơ là trở nên cứng rắn với người khác nhưng lại buông thả với chính mình. Và Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta không được giao kết với sự dữ, với những hình ảnh xấu: “Nếu có thứ gì trong bạn khiến bạn phạm tội, hãy cắt bỏ nó đi!” (xem câu 43-48). Nếu điều gì đó làm hại bạn, hãy cắt bỏ nó! Ngài không nói, “Nếu điều gì đó là nguyên cớ gây gương xấu, hãy dừng lại, suy nghĩ về nó, cải thiện một chút…”. Không: “Cắt bỏ nó đi! Ngay lập tức!” Chúa Giêsu rất quyết liệt trong việc này, rất dứt khoát, nhưng vì lợi ích của chúng ta, giống như một bác sĩ giỏi. Mọi sự cắt bỏ, mọi sự gọt tỉa, là để chúng ta có thể phát triển tốt hơn và đơm hoa kết trái trong tình yêu thương.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: có điều gì trong tôi đối nghịch lại với Tin mừng? Nói cách cụ thể, Chúa Giêsu muốn tôi cắt bỏ thứ gì khỏi cuộc sống của tôi?

Chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria Vô Nhiễm, xin Mẹ giúp chúng ta cởi mở chào đón tha nhân và thận trọng với chính bản thân mình.

________________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Di dân và Người Tị nạn, năm nay có chủ đề: “Hướng tới một chúng ta ngày càng rộng lớn hơn”. Cần phải cùng nhau tiến bước, không mang định kiến và không sợ hãi, bên cạnh những người dễ bị tổn thương nhất: người di cư, người tị nạn, người di tản, những nạn nhân của nạn buôn người, và những người bị bỏ rơi. Chúng ta được kêu gọi xây dựng một thế giới ngày càng hòa nhập hơn, không loại trừ ai.

Tôi cùng hiệp thông với những anh chị em đang kỷ niệm Ngày này ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới; Tôi gửi lời chào các tín hữu tập trung tại Loreto theo sáng kiến của Hội đồng Giám mục Ý để trợ giúp người di cư và tị nạn. Tôi gửi lời chào và cảm ơn cộng đồng các sắc tộc khác nhau có mặt tại Quảng trường với những lá cờ của họ; và tôi chào các vị đại diện của dự án Caritas Ý “APRI”, cũng như Phòng Di dân của giáo phận Roma và Centro Astalli. Cảm ơn tất cả anh chị em vì những nỗ lực quảng đại của anh chị em!

Và trước khi rời Quảng trường, tôi mời anh chị em đến tượng đài đằng kia – chỗ Đức Hồng Y Czerny đang đứng – chiếc thuyền chở những người di cư, và nhìn kỹ cách biểu hiện của những người đó và hiểu được niềm hy vọng mà mọi người di cư có trong cách thể hiện đó, để bắt đầu sống lại. Anh chị em hãy qua đó và ngắm nhìn tượng đài đó. Đừng khép lại những cánh cửa hy vọng của họ.

Tôi xin bày tỏ sự gần gũi và tình liên đới với anh chị em đã bị ảnh hưởng bởi sự phun trào của núi lửa trên đảo La Palma, thuộc quần đảo Canaries. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Chúng ta cùng cầu xin với Đức Mẹ, Đấng được tôn kính trên đảo đó với tước hiệu Nuestra Señora de las Nieves, cho những người bị thử thách nặng nề, và cho những người cứu hộ.

Hôm nay, Cha Don Giovanni Fornasini, linh mục tử đạo, sẽ được tuyên phong chân phước. Là một linh mục quản xứ nhiệt thành trong việc bác ái, ngài đã không bỏ rơi đoàn chiên của mình trong thời kỳ bi thảm của Đệ nhị Thế chiến, nhưng ngài đã bảo vệ đoàn chiên đến mức đổ máu mình. Xin cho chứng tá anh dũng của ngài giúp chúng ta kiên cường đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước!

Và cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Rôma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt, cha xin chào phong trào giáo dân Opera Don Orione và đại diện của các bậc cha mẹ và thanh thiếu niên tham gia vào cuộc chiến chống ung thư.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật phúc lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2021]


6 tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Mosul, một quả chuông ngân vang giờ hy vọng

6 tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Mosul, một quả chuông ngân vang giờ hy vọng

6 tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Mosul, một quả chuông ngân vang giờ hy vọng

Zaid AL-OBEIDI | AFP

I.Media for Aleteia

21/09/21


Trong phỏng vấn dưới đây, cha xứ Mar Thomas cho biết lý do tại sao quả chuông mới của giáo xứ là dấu hiệu của một khởi đầu mới.

Ngày 18 tháng Chín, tiếng chuông của giáo xứ Công giáo Syria Thánh Tôma ở Mosul, Iraq, đã vang lên lần đầu tiên kể từ năm 2014. Đó là một thời khắc mới của niềm hân hoan và hy vọng lớn cho tất cả người dân, sáu tháng sau chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thành phố tử đạo.

Cha Pios Affas, Linh mục xứ đã nói chuyện với I.MEDIA về hoạt động của cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé ngày nay đang làm việc để xây dựng lại những gì đã bị phá hủy.


Quả chuông mới của nhà thờ của cha đã được khánh thành cuối tuần này. Một thời khắc trọng đại cho cộng đoàn của cha!

Cha Pios: Đó là một buổi cử hành tuyệt vời, một khoảnh khắc hân hoan cho tất cả chúng tôi. Để anh hiểu được, tiếng chuông này là dấu hiệu của một sự khởi đầu mới. Daesh đã phá hủy mọi thứ, các công trình kiến trúc, bàn thờ, đập phá các tượng, đốt ảnh tượng thánh và sách của chúng tôi… Vì vậy, vào ngày 3 tháng Bảy năm 2018, khi trở lại, tôi bắt đầu sắp đặt lại mọi thứ trên nền móng cũ của chúng, để chỉnh trang, để nhà thờ của chúng tôi thực sự sẽ trở lại như trước đây. Ước mơ của chúng tôi là một ngày nào đó sẽ được nghe lại tiếng chuông của chúng tôi. Tất cả công việc trùng tu này được hỗ trợ bởi hiệp hội Fraternité en Irak — một tổ chức được thành lập cách đây 10 năm và đã làm được rất nhiều điều cho người Kitô giáo và người Yazidis. Nhờ họ mà chúng tôi đã có thể đặt làm chiếc chuông này ở Li Băng và mang nó về nhà của chúng tôi. Nó có giá 12.000 Mỹ kim.


Cảm xúc của cha thế nào khi tiếng chuông lần đầu tiên cất lên, vang khắp thành phố?

Cha Pios: Đó là một niềm vui trọng đại vì nó thực sự là một tín hiệu cho thấy sự hiện diện của người Kitô giáo, những người đã sống ở Mosul trong suốt 2.000 năm. Ở đây đã có người Kitô giáo từ rất lâu trước người Hồi giáo. Và họ bị lưu vong khỏi thành phố của họ. Sự trở lại của quả chuông cũng đem đến hy vọng về sự trở lại của những người Kitô hữu. Đây là quả chuông đầu tiên ngân vang trong thành phố. Bây giờ không có lý do gì mà các nhà thờ khác không được trùng tu. Tôi tin rằng chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đã thúc đẩy mong muốn tái thiết này. Trong chuyến thăm mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hứa sẽ xây dựng lại các nhà thờ (ND: Công giáo) và đền thờ (ND: Hồi giáo).

Hôm qua, trong bài chia sẻ ngắn mà tôi đã trình bày, tôi nói rằng thật là đẹp khi nghe thấy tiếng chuông nhà thờ và tiếng gọi cầu nguyện của người báo giờ cầu nguyện (ND: Hồi giáo); khi những lời cầu nguyện của hai cộng đồng hiệp nhất để thành tâm cầu xin Chúa phù hộ và gìn giữ cho người dân Mosul, người Kitô giáo và người Hồi giáo.


Cha có mời các nhà chức trách đến trong buổi lễ, đặc biệt là các nhà chức trách Hồi giáo?

Cha Pios: Vẫn chưa, vì tôi đang chờ hoàn thành dứt điểm tất cả các công việc trùng tu nhà thờ. Bây giờ chúng tôi đang làm để khôi phục lại sàn nhà thờ để gia cố nền móng và làm lại phần đá lát đã bị Daesh phá vỡ. Mọi sự lục soát cướp phá đều được thực hiện trên những tảng đá cuội này, chúng vẫn còn mang dấu ấn của bạo lực. Đó là một dự án rất lớn: Fraternity hỗ trợ chúng tôi chi trả một nửa ngân sách. Chúng tôi đang nói về chi phí 60.000 Mỹ kim, trong đó 30.000 Mỹ kim đã được chi trả bởi Fraternity ở Iraq. Về phần chúng tôi, chúng tôi kêu gọi kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ dự án này.

Nói cụ thể, mặt đất phải được đào sâu xuống nửa mét. Một đợt trùng tu vào năm 1959 đã chôn lấp các chân cột. Sau đó sẽ cần phải đổ xi măng để gia cố, và cuối cùng là làm lại mặt đường bằng những viên đá lát cũ bằng đá cẩm thạch của Mosul — một loại đá cẩm thạch nổi tiếng và rất đẹp! — chúng tôi đã thật cẩn thận gỡ lên và chúng tôi sẽ trải lát chúng trở lại. Nó vừa là một công trình nghệ thuật vừa là khảo cổ.


Sáu tháng sau, chuyến thăm của Đức Thánh Cha có còn là một thời khắc quan trọng đối với giáo xứ của cha không?

Cha Pios: Tôi nghĩ rằng chuyến thăm trên hết là một tín hiệu cho những người Hồi giáo trong thành phố, những người phải thật sự sẵn sàng đón nhận và chào đón người Kitô giáo theo đúng phẩm giá. Chúng ta phải hợp nhất để sửa chữa lại mọi thứ đã bị phá hủy bởi Daesh. Ước mong họ mở rộng vòng tay chào đón các Kitô hữu để chúng tôi có thể trở lại thời kỳ của tình huynh đệ và cộng tác, để bắt đầu cùng nhau xây dựng lại thành phố rất lâu đời và rất quan trọng này.


Chuyến thăm của Đức Thánh Cha có tác động gì?

Cha Pios: Ngài đã giúp đánh động mọi thứ. Tôi phải thừa nhận rằng trong chuyến thăm của ngài đến Mosul, tôi đã vô cùng mong được nhìn thấy ngài đến nhà của chúng tôi ở Mar Thomas. Ngài đã chọn đi đến những đống đổ nát của các nhà thờ bị phá hủy, như chúng ta đã thấy. Nhưng ở đây ngài có thể nhìn thấy một nhà thờ đã mở cửa, nơi Thánh Lễ đã được cử hành trở lại trong suốt gần hai năm. Đó sẽ là một tín hiệu quan trọng, một dấu hiệu của hy vọng nhìn thấy thành phố được xây dựng lại và người Kitô hữu định cư trở lại một lần nữa. Tôi đã bù đắp bằng một bức ảnh giáo hoàng thật lớn đặt trong nhà thờ để tưởng nhớ chuyến thăm mang tính biểu tượng này đến Mosul. Cuối cùng, việc đặt chân đến Mosul, đến thăm các khu đổ nát là rất quan trọng. Đức giáo hoàng đã rất xúc động, ngài đã khóc, ngài đã có một bài chia sẻ tuyệt vời và rất quan trọng đối với người nghe là Hồi giáo cũng như Kitô giáo có mặt.


Ngày nay, chúng ta đang ở đâu với sự trở lại của người Kitô hữu? Giáo xứ của cha có bao nhiêu người?

Cha Pios: Hôm nay hầu như không có ai ở đây, chỉ có 30 gia đình đã trở về. Chắc chắn, có những người đến để khánh thành chuông, nhưng ngày nay họ sống ở Kurdistan. Chúng tôi đã tổ chức chuyến đi cho họ; họ rất vui. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại cho họ hy vọng và sự can đảm để trở lại một ngày nào đó. Trước đây có ít nhất 300 gia đình Kitô giáo. Số lượng của họ bắt đầu giảm trước thời Daesh, từ năm 2000, với một cuộc nhập cư đầu tiên từ Mosul đến các làng mạc xung quanh, sau đó đến Kurdistan hoặc ra nước ngoài.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2021]


Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 22.09.2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 22.09.2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 22.09.2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung vào chuyến Tông Du gần đây của ngài đến Budapest và Slovakia (Bài đọc Kinh Thánh: Cv 13: 46-49, 52).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 22.09.2021 


Giáo lý: Chuyến Tông du đến Budapest và Slovakia

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay cha muốn nói với anh chị em về chuyến Tông du của cha ở Budapest và Slovakia, đã kết thúc cách đây đúng một tuần, vào thứ Tư tuần trước. Cha tóm tắt nó như sau: đó là một cuộc hành hương cầu nguyện, một cuộc hành hương về cội nguồn, một cuộc hành hương hy vọng. Cầu nguyện, cội nguồn và hy vọng.

1. Điểm dừng chân đầu tiên là ở Budapest, cho Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, bị hoãn lại đúng một năm do đại dịch. Sự tham gia buổi cử hành này thật sống động. Trong Ngày của Chúa, Dân thánh Chúa đã quy tụ trước mầu nhiệm Thánh Thể, nhờ đó họ liên tục được sinh ra và tái sinh. Họ được ôm lấy Thánh giá đứng phía trên bàn thờ, cùng hướng về một hướng của Bí tích Thánh Thể chỉ ra, đó là con đường của tình yêu khiêm nhường và vị tha, của tình yêu quảng đại và tôn trọng đối với tất cả mọi người, con đường của đức tin thanh tẩy khỏi tính thế gian và dẫn đến điều trọng yếu. Đức tin này thanh tẩy chúng ta và ngăn chúng ta khỏi tính thế gian đã hủy hoại tất cả chúng ta: nó là một con mọt hủy hoại chúng ta từ bên trong.

Và cuộc hành hương cầu nguyện đã kết thúc tại Slovakia vào ngày Lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Ở Šaštín cũng vậy, tại Đền thờ Đức Nữ Đồng trinh Bảy Sự Thương Khó, ngày Lễ của Mẹ, cũng là ngày lễ tôn giáo quốc gia, đã có rất nhiều con cái của Mẹ tham dự. Do đó, chuyến hành hương của cha là một cuộc hành hương cầu nguyện ở trung tâm Châu Âu, bắt đầu bằng việc tôn thờ và kết thúc bằng lòng sùng mộ bình dân. Cầu nguyện, vì đây là điều mà Dân Chúa được mời gọi, trên hết: thờ phượng, cầu nguyện, hành trình, hành hương, sám hối, và nhờ đó mà cảm nhận được sự bình an và niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta. Cuộc sống của chúng ta cần phải đi theo hướng này: thờ phượng, cầu nguyện, hành trình, hành hương, để sám hối. Và điều này có tầm quan trọng đặc biệt ở lục địa Châu Âu, nơi mà sự hiện diện của Chúa bị làm mờ nhạt – chúng ta thấy điều này hàng ngày - sự hiện diện của Chúa bị làm mờ nhạt bởi chủ nghĩa tiêu dùng, và bởi “làn sương mờ” của một lối suy nghĩ đồng nhất – một điều kỳ lạ nhưng có thật – đó là kết quả của sự pha trộn giữa những hệ tư tưởng cũ và mới. Và điều này dẫn chúng ta xa rời khỏi sự mật thiết với Chúa, khỏi sự mật thiết với Chúa. Trong bối cảnh này, câu trả lời chữa lành đến từ việc cầu nguyện, chứng tá và tình yêu thương khiêm nhường. Tình yêu khiêm nhường phục vụ. Chúng ta hãy nhắc nhớ lại ý tưởng này: người Kitô hữu là phục vụ.

Đây là những gì cha nhìn thấy trong cuộc gặp gỡ với dân thánh Chúa. Cha đã nhìn thấy gì? Một dân tộc trung thành, bị áp bức theo chủ nghĩa vô thần. Cha cũng nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt của những anh chị em Do Thái của chúng ta, những người mà chúng ta đã tưởng nhớ trong cuộc diệt chủng Holocaust. Bởi vì không có lời cầu nguyện nào mà không có sự ghi nhớ. Không có lời cầu nguyện nào mà không có ký ức. Điều đó có nghĩa là gì? Rằng khi cầu nguyện, chúng ta phải nhớ đến cuộc sống của mình, cuộc sống của dân tộc chúng ta, cuộc sống của bao người đồng hành với chúng ta trong thành phố, nghĩ đến những câu chuyện của họ. Một trong các vị giám mục của Slovakia, đã lớn tuổi, khi ngài chào tôi, nói với tôi: “Con làm người soát vé trên xe điện, để trốn tránh những người cộng sản”. Ngài rất giỏi, vị giám mục đó: trong thời kỳ độc tài, đàn áp, ngài làm người soát vé trên xe điện, sau đó ngài thi hành “nghề” giám mục của mình một cách bí mật, và không ai biết. Đây là những gì diễn ra dưới sự đàn áp. Không có lời cầu nguyện nào mà không có sự ghi nhớ. Cầu nguyện, ký ức về cuộc sống của một người, về cuộc sống của dân tộc, lịch sử của họ: cam kết ghi nhớ và nhớ lại. Điều này tốt cho chúng ta, và giúp chúng ta cầu nguyện.

2. Khía cạnh thứ hai: hành trình này là một cuộc hành hương về cội nguồn. Khi gặp gỡ các anh em giám mục, cả ở Budapest và Bratislava, cha đã có thể trực tiếp trải nghiệm sự tưởng nhớ tri ân về những cội nguồn của đức tin và đời sống Kitô giáo, sống động trong gương sáng của những nhân chứng đức tin như Đức Hồng y Mindszenty và Đức Hồng y Korec, và Chân phước Giám mục Pavel Peter Gojdič. Những cội nguồn tiến ngược trở lại thế kỷ thứ chín xa xưa, trở lại với công việc rao giảng Tin mừng của hai anh em Thánh Cyril và Methodius, những vị đã đồng hành với hành trình này bằng sự hiện diện liên tục của các ngài. Cha nhận thấy sức mạnh của những cội nguồn này trong việc cử hành Phụng vụ Thánh theo nghi thức Byzantine, ở Prešov, trong Lễ Suy tôn Thánh giá. Trong các bài thánh ca, cha cảm nhận được sự rung động của trái tim dân thánh Chúa, được trui rèn bởi rất nhiều đau khổ vì đức tin của họ.

Trong một vài trường hợp, cha nhấn mạnh vào thực tế rằng những cội nguồn này luôn sống động, tràn đầy nhựa sống quan trọng đó là Chúa Thánh Thần, và vì thế chúng phải được bảo tồn: không phải giống như các cuộc triển lãm trong bảo tàng, không bị tư tưởng hóa và khai thác vì uy thế và quyền lực, để củng cố một bản sắc khép kín. Không. Điều này có nghĩa là phản bội lại truyền thống và khiến truyền thống trở nên khô cằn! Với chúng ta, Thánh Cyril và Methodius không phải là những nhân vật để tưởng nhớ, mà là những mẫu gương để bắt chước, những bậc thầy mà chúng ta luôn có thể học được tinh thần và phương pháp truyền giáo, cũng như cam kết dân sự - trong hành trình đến trung tâm Châu Âu này, cha thường nghĩ về những người cha của Liên minh Châu Âu, về cách họ mơ ước rằng nó không phải là một cơ quan truyền bá các hình thức thực dân hóa ý thức hệ thời thượng, không, nhưng như những gì họ ước mơ.

Hiểu và sống theo cách này, cội nguồn sẽ là sự đảm bảo cho tương lai: từ chúng, những nhánh hy vọng sum suê trổ sinh. Chúng ta cũng có cội nguồn: mỗi người chúng ta đều có cội nguồn của riêng mình. Chúng ta có nhớ cội nguồn của mình không? Đó là của cha mẹ, là ông bà của chúng ta? Và chúng ta có kết nối với ông bà, là báu của chúng ta không? “Nhưng họ già rồi …”. Không, không: họ cung cấp cho bạn nhựa sống, bạn phải đến với họ để được phát triển và tiến về phía trước. Chúng ta không nói, “Hãy đến và ẩn náu nơi cội nguồn”: không, không. “Hãy trở về cội nguồn, đón lấy nhựa sống từ họ và tiến bước. Hãy đi đến vị trí của bạn”. Đừng quên điều này. Và cha nhắc lại với anh chị em, điều mà tôi đã nói nhiều lần, một câu thơ thật hay: “Mọi thứ làm cho cây trổ hoa đều bắt nguồn từ những gì có dưới lòng đất”. Anh chị em có thể phát triển đến mức hợp nhất với cội nguồn của mình: sức mạnh của anh chị em đến từ đó. Nếu anh chị em cắt bỏ gốc rễ, để mọi thứ đều mới, với những ý thức hệ mới, điều này sẽ không đưa anh chị em đến đâu, nó sẽ không làm cho anh chị em phát triển: anh chị em sẽ có kết cục xấu.

3. Khía cạnh thứ ba của hành trình này: nó là một cuộc hành hương của hy vọng. Cầu nguyện, cội rễ và hy vọng, ba đặc điểm. Cha nhìn thấy niềm hy vọng lớn lao trong đôi mắt của những người trẻ, trong cuộc gặp gỡ khó quên trên sân vận động ở Košice. Điều này cũng cho cha niềm hy vọng khi nhìn thấy rất nhiều cặp vợ chồng trẻ và rất nhiều trẻ em. Và cha nghĩ về mùa đông nhân khẩu mà chúng ta đang trải qua, và những quốc gia đó đang nở rộ với những đôi vợ chồng trẻ và trẻ em: một tín hiệu của hy vọng. Đặc biệt trong thời điểm đại dịch, thời khắc cử hành này là một tín hiệu mạnh mẽ và đáng khích lệ, cũng nhờ sự hiện diện của nhiều đôi vợ chồng trẻ cùng con cái của họ. Không kém phần mạnh mẽ và lời tiên tri là chứng tá của Chân phước Anna Kolesárová, một cô gái người Slovakia đã phải trả giá bằng mạng sống để bảo vệ phẩm giá của mình trước bạo lực: một chứng tá phù hợp hơn bao giờ hết, vì bạo lực đối với phụ nữ vẫn là một vết thương mở ở khắp nơi.

Cha nhìn thấy hy vọng nơi nhiều người âm thầm quan tâm và lo lắng cho người lân cận của họ. Cha nghĩ đến các Nữ tu Thừa sai Bác ái của Trung tâm Bêlem ở Bratislava, các chị em thật giỏi, họ đón nhận những người bị xã hội từ chối: họ cầu nguyện và phục vụ, cầu nguyện và giúp đỡ. Và họ cầu nguyện rất nhiều, và giúp đỡ rất nhiều, không giả tạo. Họ là những anh hùng của nền văn minh này. Cha muốn tất cả chúng ta tri ân Mẹ Teresa và những nữ tu của Mẹ: tất cả cùng nhau, chúng ta hãy tưởng thưởng những nữ tu rất giỏi này! Những nữ tu cho người vô gia cư trú ngụ. Cha nghĩ đến cộng đồng Rôma và tất cả những người làm việc với họ trên con đường của tình huynh đệ và sự hòa nhập. Thật xúc động khi được chia sẻ trong ngày lễ của cộng đồng Rôma: một buổi lễ đơn giản với hương thơm của Tin Mừng. Người Roma là anh chị em của chúng ta: chúng ta phải chào đón họ, chúng ta phải gần gũi với họ như các giáo phụ Salêdiêng ở Bratislava, những người rất gần gũi với người Roma.

Anh chị em thân mến, niềm hy vọng này, niềm hy vọng của Tin Mừng mà cha đã có thể nhìn thấy trong chuyến đi, chỉ có thể trở nên hiện thực và cụ thể nếu nó được diễn tả bằng một từ ngữ khác: cùng nhau. Hy vọng không bao giờ làm thất vọng, hy vọng không đứng một mình, mà cùng nhau. Ở Budapest và Slovakia, chúng ta thấy mình cùng với những nghi lễ khác nhau của Giáo hội Công giáo, cùng với các anh chị em của những tông phái Kitô khác, cùng với các anh chị em Do Thái của chúng ta, cùng với tín đồ của các tôn giáo khác, cùng với những người yếu đuối nhất. Đây là con đường, bởi vì tương lai sẽ là hy vọng nếu chúng ta cùng với nhau, không đơn độc: điều này rất quan trọng.

Và sau hành trình này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành. Cảm ơn các giám mục, cảm ơn các nhà hữu trách dân sự, cảm ơn ngài Tổng thống Hungary và Bà Tổng thống Slovakia, cảm ơn tất cả những người đã cộng tác trong việc tổ chức [hành trình]; cảm ơn rất nhiều tình nguyện viên; cảm ơn đến từng anh chị em đã dâng lời cầu nguyện. Xin hãy thêm lời cầu nguyện nữa, để những hạt giống được gieo trong chuyến Tông du có thể sinh hoa kết trái tốt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này.


Lời chào bằng tiếng Anh

Cha gửi lời chào anh chị em hành hương và các du khách nói tiếng Anh tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt các nhóm đến từ nước Anh và Hoa Kỳ. Cha gửi lời chào một cách đặc biệt đến các tân chủng sinh của chủng viện Venerable English College khi họ bắt đầu việc đào tạo linh mục ở đây tại Rôma. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/9/2021]