Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Phụng vụ Lời Chúa (TOÀN VĂN)

TIẾP KIẾN CHUNG: Phụng vụ Lời Chúa (TOÀN VĂN)

‘Chúng ta biết rằng Lời Chúa là một sự trợ giúp không thể thiếu được để chúng ta không lạc lối’

31 tháng Một, 2018
TIẾP KIẾN CHUNG: Phụng vụ Lời Chúa (TOÀN VĂN)
© Vatican Media
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:40 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Thánh Lễ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư về Phụng vụ Lời Chúa: 1. Đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người (Thư gửi tín hữu Do thái 1:1-2). Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các tín hữu có mặt. Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta tiếp tục loạt giáo lý về Thánh Lễ. Sau khi suy tư về những nghi thức Nhập Lễ, bây giờ chúng ta xét đến phần Phụng vụ Lời Chúa, đây là phần căn bản, vì thật ra chúng ta tập trung để lắng nghe những gì Thiên Chúa đã thực hiện và vẫn muốn tiếp tục thực hiện cho chúng ta. Đó là một kinh nghiệp xảy ra “trực tiếp” chứ không chỉ là nghe, vì “khi Kinh Thánh được đọc trong Thánh Lễ, đó là chính Thiên Chúa nói với dân Người và Đức Ki-tô, hiện diện trong Ngôi Lời loan báo Tin mừng” (Ordinamento Generale del Messale Romano, 29; x. Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 7; 33). Và không biết bao nhiêu lần, khi Lời Chúa đang được đọc, có người ngồi bàn tán: “Nhìn anh ta kìa …, nhìn cô ta kìa …, nhìn cái mũ cô ta đang đội kìa: thật kỳ cục … “Và người ta bắt đầu nói chuyện. Có đúng như vậy không? Chúng ta có nên tán chuyện khi Lời Chúa đang được đọc không? [Mọi người trả lời: “Không!”] Không được, vì nếu anh chị em tán chuyện với người khác thì anh chị em không lắng nghe Lời Chúa. Khi Lời Chúa trong Kinh Thánh được đọc — Bài đọc Một, Bài đọc Hai, Thánh vịnh Đáp ca và Tin mừng – chúng ta phải lắng nghe, mở lòng mình ra, vì chính Thiên Chúa đang nói chuyện với chúng ta, và chúng ta không được nghĩ về những điều khác hay nói về vấn đề khác. Anh chị em hiểu chứ? … Cha sẽ giải thích cho anh chị em những gì diễn ra trong phần Phụng vụ Lời Chúa này.

Các trang Kinh Thánh không còn là một trang giấy in nữa nhưng trở thành lời hằng sống được Thiên Chúa công bố. Chính Thiên Chúa, qua người đọc sách, nói với chúng ta và hỏi chúng ta, là những người lắng nghe với niềm tin. Thần Khí “Đấng nói qua các ngôn sứ” và đã soi sáng cho các tác giả sách thánh, hoạt động để “Lời Chúa thực sự hoạt động trong tâm hồn như những gì đã lắng nghe” (Sách Bài đọc, Giới thiệu, 9). Tuy nhiên, lắng nghe Lời Chúa cần phải có một tâm hồn rộng mở để đón nhận Lời trong lòng. Chúa nói chuyện và chúng ta lắng nghe Ngài, và rồi đem ra thực hành những gì chúng ta đã nghe. Lắng nghe là vô cùng quan trọng. Có thể, đôi khi chúng ta không hiểu rõ vì có một số Bài đọc hơi khó hiểu. Tuy nhiên, Chúa nói những điều tương tự với chúng ta theo cách khác. Cần phải giữ thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa. Đừng quên điều này. Trong Thánh Lễ, khi các Bài đọc bắt đầu, chúng ta lắng nghe Lời Chúa.

Chúng ta cần phải lắng nghe Người! Quả thật, đó là một vấn đề của sự sống, như câu nói vô cùng sắc bén nhắc nhở chúng ta rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4) — sự sống mà Lời của Chúa ban tặng cho chúng ta. Trong mạch nối kết này, chúng ta nói về Phụng vụ Lời Chúa như là “bàn ăn” mà Thiên Chúa chuẩn bị để nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng của chúng ta. Phụng vụ là một bàn ăn đầy ắp lấy từ những gia tài của Kinh Thánh (Cf. SC , 51) bất kể đó là Cựu ước hay Tân ước, vì trong đó Giáo hội loan báo cùng một mầu nhiệm duy nhất của Đức Ki-tô (x. Sách Bài đọc, Giới thiệu, 5). Chúng ta nghĩ đến sự phong phú của các Bài đọc Kinh Thánh được sắp xếp theo ba chu kỳ Chúa nhật, dưới ánh sáng của các Tin mừng Nhất lãm, đồng hành với chúng ta trong suốt Năm Phụng vụ: một sự giàu có rất lớn. Ở đây cha muốn nhắc đến tầm quan trọng của Thánh vịnh Đáp ca có chức năng thúc đẩy suy niệm về tất cả những gì đã được nghe trong Bài đọc trước đó. Thật tuyệt vời nếu Thánh vịnh được chuyển thành bài hát, ít nhất trong phần điệp khúc (Cf. OGMR, 61; Sách Bài đọc, Giới thiệu, 19-22).

Phụng vụ với các Bài đọc, với những bài hát được lấy ý từ Kinh thánh, diễn tả và thúc đẩy sự hiệp thông của hội thánh, đồng hành trên hành trình của mỗi người và tất cả mọi người. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng tại sao những lựa chọn theo chủ điểm chẳng hạn như bỏ các Bài đọc hoặc thay bằng những văn bản không phải kinh thánh, đều bị cấm. Cha có nghe nói, nếu đó là tin thật, rằng có nơi đọc báo, vì đó là bản tin trong ngày. Không được! Lời Chúa là Lời Chúa! Chúng ta có thể đọc báo sau, nhưng lúc đó phải đọc Lời Chúa. Chính Thiên Chúa nói chuyện với chúng ta. Thay thế Lời Người bằng những thứ khác, làm mất tác dụng và mất giá trị cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người trong lời cầu nguyện. Ngược lại, cần phải có giá trị của người đọc sách và việc sử dụng Sách Bài đọc,[1] tìm những người đọc sách tốt. Cần phải tìm những người đọc sách tốt! – những người có khả năng đọc thật hay, không phải những người đọc không rõ chữ và chẳng ai hiểu gì cả. Như vậy người đọc rõ ràng là rất cần. Họ phải tự chuẩn bị và thử đọc trước Thánh Lễ cho thật tốt. Và điều này tạo ra một không khí đón nhận trong thinh lặng [2].

Chúng ta biết rằng Lời Chúa là một sự trợ giúp không thể thiếu được để chúng ta không lạc lối, như tác giả Thánh vịnh hiểu rõ điều đó, đã thú nhận cùng Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105). Làm sao chúng ta có thể đương đầu được với cuộc lữ hành trần thế, với tất cả những lao nhọc và thử thách của nó, mà không thường xuyên được nuôi dưỡng và soi sáng bởi Lời Chúa vang lên trong Phụng vụ?

Chắc chắn chỉ lắng nghe bằng tai là không đủ, nếu không đón nhận hạt giống của Lời Chúa vào tâm hồn, để cho nó trổ sinh hoa trái. Chúng ta hãy nhớ đến dụ ngôn người gieo hạt và những kết quả khác nhau tùy theo từng loại đất (x. Mc 4:14-20). Hoạt động của Thần Khí tạo ra hiệu quả đáp lời rất cần những tâm hồn cho phép bản thân họ được hoạt động và gieo cấy, để những gì lắng nghe trong Thánh Lễ chuyển sang đời sống thường ngày, như lời khuyên nhủ của Thánh Tông đồ Gia-cô-bê: “Anh em hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1:22). Lời Chúa tạo thành một lối đi trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta lắng nghe bằng tai và nó truyền đến tâm hồn. Nó không dừng lại ở đôi tai; nó phải đi vào tâm hồn, và từ tâm hồn nó truyền xuống đôi tay, thành những hành động tốt lành. Chúng ta hãy học những điều này. Cảm ơn anh chị em!


[1] Những tiêu chuẩn và thứ tự của các Bài đọc trong Thánh Lễ theo Nghi Lễ Roma được trình bày trong phần Giới thiệu sách Bài đọc.

[2] “Phụng vụ Lời Chúa phải được cử hành theo cách thúc đẩy sự suy niệm. Vì thế, phải tránh tất cả những hình thức vội vàng làm cản trở việc suy niệm. Trong đó có những thời gian thinh lặng ngắn, tập trung cầm trí cộng đoàn, qua đó với sự trợ giúp của Thánh Thần, Lời Chúa được lắng nghe trong tâm hồn và câu đáp được chuẩn bị bằng lời cầu nguyện” (OGMR, 56).


[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/2/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16 đến 28 tháng Một, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16 đến 28 tháng Một, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16 đến 28 tháng Một, 2018

16 tháng Một: Chúng ta cầu xin Chúa ban cho lòng can đảm biết xin sự tha thứ và biết học cách lắng nghe những gì Người đang nói với chúng ta.

17 tháng Một: Lắng nghe giáo huấn đạo hoặc học giáo lý là chưa đủ. Điều chúng ta cần là phải sống theo con đường Chúa Giê-su đã sống.

18 tháng Một: Thông điệp Tin mừng là một nguồn niềm vui: một niềm vui truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và chúng ta được thừa hưởng.

19 tháng Một: Mọi sự sống đều xứng đáng: từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, từ lúc thụ thai đến khi chết tự nhiên.

20 tháng Một: Không có phương thuốc nào điều trị nhiều vết thương tốt hơn một trái tim thương xót.

21 tháng Một: Đừng phí thời gian che giấu tâm hồn. Hãy làm đầy cuộc sống bằng Thần Khí!

22 tháng Một: Cha tri ân tất cả những người đã đồng hành với cha trên chuyến hành hương đến Chile và Peru bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt bằng lời cầu nguyện.

23 tháng Một: Cầu nguyện thanh tẩy, làm tăng sức mạnh và soi sáng hành trình chúng ta giống như nguồn năng lượng cho chuyến đi hướng đến sự hiệp nhất Ki-tô hữu trọn vẹn.

24 tháng Một: Không có thông tin giả nào là vô hại; tin tưởng vào sự giả dối có thể có những hậu quả kinh khủng.

25 tháng Một: Cầu nguyện cho phép chúng ta nhìn người khác theo cách Thiên Chúa Cha nhìn chúng ta, và nhận ra rằng chúng ta là anh chị em của nhau.

26 tháng Một: Niềm vui của người Ki-tô hữu không thể mua bán. Nó đến từ đức tin và từ sự gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là lý do cho sự hạnh phúc của chúng ta.

27 tháng Một: Lạy Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Người, chúng con đây xấu hổ vì những gì nhân loại làm. Xin nhớ đến chúng con với lòng thương xót của Người.

28 tháng Một: Cha cầu nguyện cho những người bị căn bệnh Hansen và cha động viên những người cam kết trong việc chăm sóc và tái hội nhập họ vào xã hội.


[Nguồn: twitter]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/1/2018]