Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Câu hỏi nhanh về Đức Giáo hoàng: Đức Giáo hoàng nào đã bắt đầu Kinh Truyền tin ngày Chúa nhật?

Câu hỏi nhanh về Đức Giáo hoàng: Đức Giáo hoàng nào đã bắt đầu Kinh Truyền tin ngày Chúa nhật?

30 tháng Bảy, 2017
Câu hỏi nhanh về Đức Giáo hoàng: Đức Giáo hoàng nào đã bắt đầu Kinh Truyền tin ngày Chúa nhật?
Vincenzo PINTO | AFP

Mỗi Chúa nhật và Ngày Thánh, Đức Thánh Cha có thói quen chào tất cả những khách hành hương trong Quảng trường Thánh Phê-rô từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nói một vài lời động viên, và đọc kinh Truyền tin (hoặc Regina Caeli, trong mùa Phục sinh) với những người có mặt.
Đó là một bài huấn từ không chính thức không cần phải có vé mới được vào tham dự và thường rất ngắn. Điều lý thú là lời chào ngắn này bắt đầu như thế nào và Đức Giáo hoàng nào đã bắt đầu nó.
Thực ra, Kinh Truyền tin “Chúa nhật” đã bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro năm 1959. Ngày này được bắt đầu bởi “Đức Giáo hoàng nhân lành” Gio-an XXIII, người chịu trách nhiệm khai mạc Công đồng Vatican Hai.
Ngày này  được chọn cho bài huấn từ Kinh Truyền tin đầu tiên là 11 tháng Hai, vì nó không những là ngày bắt đầu mùa Chay, mà còn là kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ-đức. Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII tạo điểm nhấn rất đặc biệt cho ngày đó, đặc biệt vì nó cũng là ngày bế mạc kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ-đức.
Ngài đã liên kết hai sự kiện, ngài nói, “Do đó bắt đầu mùa Chay là một sự nhắc nhở về Lộ-đức: vì Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên vào ngày cuối cùng của Mùa Lễ hội trước Mùa Chay, và trong những lần hiện ra tiếp theo thì việc sám hối được lặp lại … Trong lần Hiện ra thứ Tám ngày 27 tháng Hai, Mẹ đã lặp lại ba lần trong nước mắt: Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy sám hối … Đây là một lời dạy lớn lao luôn đi theo chúng ta.”
Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII cũng nhắc nhở những khách hành hương người Ý trước mặt ngài rằng đó là ngày kỷ niệm lần thứ 30 Hiệp ước Lateran, một hiệp ước với nước Ý công nhận Vatican là một nhà nước độc lập.
Sau bài huấn từ Kinh Truyền tin đầu tiên này Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII chỉ xuất hiện rải rác một vài Chúa nhật trong suốt triều đại của ngài. Mãi đến đời Đức Giáo hoàng Phao-lô VI thì Kinh Truyền tin Chúa nhật mới trở thành một phần trong chương trình hoạt động của Đức Thánh Cha. Từ đó mỗi Đức Giáo hoàng đều tiếp tục truyền thống, mở rộng với những bài huấn từ đặc biệt cho nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau. Thường thường Đức Giáo hoàng sẽ kéo sự chú ý của thế giới đến một vấn đề ngài đặc biệt quan tâm và kêu gọi thế giới thêm lời cầu nguyện.
Ban đầu bài huấn từ nhắm trực tiếp đến những người có mặt trong Quảng trường Thánh Phê-rô, nhưng bây giờ trong thời đại kỹ thuật số, nó được gửi đến mọi người trên khắp thế giới và nó trở thành một diễn đàn cho đức giáo hoàng nói với đoàn chiên đông đảo của ngài.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/07/2017]


Chuyên gia phá thai thuộc chế độ Cộng sản trở thành một người chống phá thai sau khi gặp một vị Thánh trong giấc mơ

Chuyên gia phá thai thuộc chế độ Cộng sản trở thành một người chống phá thai sau khi gặp một vị Thánh trong giấc mơ

11 tháng Chín, 2015
Chuyên gia phá thai thuộc chế độ Cộng sản trở thành một người bảo vệ sự sống sau khi gặp một vị Thánh trong giấc mơCatholicRadioTVNet, YouTube / Lawrence OP, Flickr / ChurchPOP

Tờ nhật báo “La Razon” tiếng Tây ban nha đã đăng một bài về một bác sĩ trước đây là cựu “vô địch phá thai” trở thành người lãnh đạo chống phá thai. Stojan Adasevic, người đã thực hiện 48.000 ca phá thai, có những lúc thực hiện tới 35 ca một ngày, bây giờ trở thành một người dẫn đầu quan trọng nhất của việc chống phá thai ở Serbia, sau 26 năm làm một bác sĩ phá thai lừng danh nhất của đất nước này.
“Các sách về y khoa của chính thể Cộng sản viết rằng việc phá thai chỉ đơn giản là bỏ đi một khối mô tròn,” tờ báo tường thuật. “Mãi đến thập niên 80 thì việc siêu âm cho phép nhìn thấy bào thai mới ra đời, nhưng việc đó cũng không thay đổi ý kiến của ông. Tuy nhiên, ông đã bắt đầu có những cơn ác mộng.”
Khi miêu tả sự hoán cải của mình, ông Adasevic “mơ thấy một cánh đồng rất đẹp có rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đang chơi đùa và cười vui, từ 4 đến 24 tuổi, nhưng tất cả đều chạy tránh xa ông vì khiếp sợ. Một người đàn ông mặc áo đen và trắng nhìn chằm chằm vào ông trong im lặng. Giấc mơ trở đi trở lại hàng đêm và làm ông giật mình dậy toát mồ hôi lạnh.
Một đêm ông hỏi người đàn ông mặc áo đen trắng là ai. ‘Tên ta là Tô-ma A-qui-nô,’ người đàn ông trong giấc mơ trả lời. Adasevic, được học trong các trường của cộng sản, chưa bao giờ nghe đến tên của vị thánh kiệt xuất này của Dòng Đa-minh. Ông ta không nhận biết tên này.”





“Tại sao anh không hỏi ta những đứa trẻ này là ai? Thánh Tô-ma hỏi Adasevic trong giấc mơ.
“Chúng là những đứa trẻ anh đã giết trong những lần phá thai,” Thánh Tô-ma bảo ông.
Bài báo viết, “Adasevic chợt bừng tỉnh giấc trong kinh hoàng và quyết định không thực hiện thêm bất kỳ một ca phá thai nào nữa.”
“Cùng ngày hôm đó một người em họ của ông đến với người bạn gái mang thai 4 tháng, người này muốn phá thai lần thứ chín — một điều khá thường thấy trong những quốc gia thuộc khối Xô-viết. Bác sĩ đồng ý. Nhưng thay vì lấy từng phần của bào thai ra, ông quyết định cắt và lấy ra nguyên khối. Tuy nhiên, trái tim của thai nhi rơi ra vẫn còn đập. Adasevic nhận ra rằng ông đã giết một con người.”
Sau lần này, Adasevic “nói với bệnh viện rằng ông không thực hiện việc phá thai nữa. Trước đây chưa bao giờ có một bác sĩ trong Nam tư thuộc Cộng sản lại từ chối làm việc này. Họ cắt lương của ông xuống một nửa, sa thải con gái ông khỏi chỗ làm, và không cho phép con trai của ông vào đại học.”
Sau nhiều năm chịu áp lực và đang trên bờ vực đầu hàng, ông có một giấc mơ khác về Thánh Tô-ma.
“Ông là bạn tốt của tôi, hãy cứ tiếp tục như vậy,” người đàn ông mặc áo đen trắng nói với ông. Adasevic bắt đầu tham gia vào phong trào bảo vệ sự sống và đã tìm cách yêu cầu đài truyền hình Nam tư chiếu bộ phim ‘Tiếng kêu thầm lặng,’ của Bác sĩ Bernard Nathanson, hai lần.”
Adasevic đã kể câu chuyện của ông trên các tạp chí và báo ở khắp Đông Âu. Ông trở lại với đức tin Chính thống giáo của ông khi còn bé và nghiên cứu những bài viết của Thánh Tô-ma A-qui-nô.
“Ảnh hưởng của triết gia Aristotle, Thánh Tô-ma viết rằng sự sống con người bắt đầu 40 ngày sau khi thụ thai,” Adasevic viết trong một bài báo. Tờ La Razon bình luận rằng Adasevic “đề nghị rằng hình như thánh nhân muốn sửa lại cái lỗi đó.” Ngày nay bác sĩ người Serbia này tiếp tục chiến đấu cho sự sống của những bào thai chưa ra đời.



Được đăng lần đầu tiên trên Catholic News Agency

[Nguồn: churchpop]

[Chuyển ngữ: 30/07/2017]