Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Toàn văn Tiếp Kiến chung: ‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình’

Toàn văn Tiếp Kiến chung: ‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình’
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến chung: ‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình’

Hai định nghĩa của hòa bình


15 tháng Tư, 2020 15:24

Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục loạt giáo lý về các Mối Phúc, trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư về mối Phúc thứ bảy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các tín hữu.

Tiếp Kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.


* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài giáo lý hôm nay tập trung vào Mối Phúc thứ Bảy, mối phúc nói về “người xây dựng hòa bình,” những người được gọi là con Thiên Chúa. Cha rất vui vì mối phúc này đến ngay sau Phục sinh, vì sự bình an của Đức Kitô là kết quả của cái Chết và sự Phục sinh của Ngài, như chúng ta đã nghe trong Thư của Thánh Phaolô.

Để hiểu được Mối Phúc này, cần phải giải thích ý nghĩa của từ “bình an”, nó có thể bị hiểu lầm hoặc đôi khi bị biến thành ý nghĩa tầm thường. Chúng ta phải hướng đến hai ý nghĩa của hòa bình: ý thứ nhất thuộc kinh thánh, trong đó có chữ shalom (bình an) rất đẹp xuất hiện, nó bày tỏ sự sung túc, sự thịnh vượng, và hạnh phúc. Trong tiếng Hêbrơ khi người ta chúc shalom là họ chúc một đời sống tốt lành, dư đầy, thịnh vượng nhưng luôn đi theo sự thật và công bằng, là điều sẽ được kiện toàn trong Đấng Mêxia, là Hoàng tử Hòa bình (x. Is 9:6; Mk 5:4-5).

Rồi có một nghĩa khác phổ biến hơn của chữ “bình an,” nó được hiểu như một trạng thái yên bình của tâm hồn: tôi rất bình yên. Đây là một ý tưởng hiện đại, thuộc tâm lý và có tính gợi mở hơn. Người ta thường nghĩ rằng bình an là sự yên tĩnh, hài hòa và cân bằng nội tâm. Ý nghĩa này của chữ “bình an” thì không trọn vẹn, và không thể trở nên tuyệt đối hóa, vì trong đời sống tình trạng thao thức có thể là một giây phút quan trọng của sự phát triển. Thường thường chính Thiên Chúa là người gieo sự thao thức trong chúng ta, để tiến đến gặp Ngài, để tiếp kiến Ngài. Theo ý nghĩa này, nó là một giây phút quan trọng của sự phát triển; trong khi, vấn đề có thể xảy ra là trạng thái bình yên nội tâm tương ứng với một lương tâm được thuần hóa, và không phải là một ơn cứu chuộc thiêng liêng thật sự. Nhiều khi Thiên Chúa phải trở thành một “dấu chỉ của sự mâu thuẫn” (x. Lc 2:43-35), làm rúng động những sự an toàn giả tạo của chúng ta, để dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu độ. Và trong thời khắc đó dường như không có sự bình an, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng đặt chúng ta đi trên con đường này, để tiến đến sự bình an mà chính Ngài sẽ ban tặng cho chúng ta.

Ở đây chúng ta phải nhớ rằng Thiên Chúa cho biết sự bình an của Ngài thì khác với của con người, khác với sự bình an của thế gian, khi Ngài nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14:27). Sự bình an của Chúa Giêsu là một sự bình an khác, khác với sự bình an thế gian. Chúng ta tự hỏi mình: thế gian này trao tặng sự bình an như thế nào? Nếu chúng ta nghĩ đến những cuộc xung đột chiến tranh — chiến tranh thường kết thúc theo hai cách: hoặc là đánh bại một bên, hoặc là có những hiệp ước hòa bình. Chúng ta chỉ có thể hy vọng và cầu xin rằng cách thứ hai này luôn luôn được áp dụng; tuy nhiên, chúng ta phải xét rằng lịch sử là một loạt vô vàn những hiệp ước hòa bình do những cuộc chiến tranh liên miên, hoặc bởi sự thay đổi bản chất của cùng những cuộc chiến đi theo hướng khác hoặc ở những nơi khác. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, một cuộc chiến theo từng vùng đang nổ ra theo những kịch bản và những cách thức khác nhau.[1] Ít nhất chúng ta phải nghi ngờ rằng trong cơ cấu của sự toàn cầu hóa được xây dựng đặc biệt cho những lợi ích kinh tế và tài chính, “sự bình an” của một số người lại tương ứng với “chiến tranh” của những người khác. Và đây không phải là sự bình an của Đức Kitô!

Vậy, Chúa Giêsu ban bình an của Ngài như thế nào? Chúng ta nghe Thánh Phaolô nói rằng sự bình an của Đức Kitô “đã liên kết đôi bên, thành một” (x. Êp 2:14), để xóa bỏ sự thù ghét, và hòa giải. Và con đường để kiện toàn công cuộc bình an này là chính thân xác của Ngài. Thật vậy, Ngài hòa giải mọi sự và đem bình an với Máu Ngài trên Thập giá, như Thánh Tông đồ đã nói ở một chỗ khác (x. Cl 1:20). Và đến đây tôi tự hỏi, chúng ta có thể tự hỏi mình: vậy ai là “những người xây dựng hòa bình”? Mối Phúc thứ bảy là mối phúc chủ động nhất, mang tính hoạt động dứt khoát. Cách diễn đạt bằng lời đó tương tự như cách diễn đạt đã được dùng trong câu thứ nhất của Kinh Thánh về sự tạo dựng và nó hàm ý sáng kiến và tính siêng năng. Về bản chất tình yêu là sự sáng tạo — tình yêu luôn sáng tạo — và tìm kiếm sự hòa giải bằng mọi giá. Những người được gọi là con Thiên Chúa là những người đã học được nghệ thuật của hòa bình và thực hành nó; họ biết rằng sẽ không có sự hòa giải nếu không hy sinh cuộc sống, và hòa bình luôn luôn được tìm kiếm bằng bất cứ giá nào. Đừng quên điều này! Nó được tìm kiếm theo cách đó. Đây không phải là công việc độc lập, không là kết quả của những khả năng của riêng một người; nó là sự biểu lộ của ân huệ đón nhận từ Đức Kitô, Đấng là sự bình an, Đấng đã làm cho chúng ta trở thành con Thiên Chúa.

Shalom (sự bình an) thật sự và sự cân bằng nội tâm tuôn đổ từ sự bình an của Đức Kitô, điều đó đến từ Thập giá của Ngài và sinh ra một nhân loại mới, được thể hiện trong hàng ngũ vô tận các Thánh nam nữ, đầy sáng tạo, là những người luôn luôn nghĩ ra những cách thức mới để yêu thương –, những vị Thánh nam nữ xây dựng hòa bình. Đời sống của những người con Thiên Chúa, nhờ Máu của Đức Kitô mà những người anh em chúng ta tìm kiếm và khám phá, là niềm hạnh phúc thật. Phúc thay những ai đi trên con đường này.

Và một lần nữa, cha chúc Phục sinh hạnh phúc đến tất cả anh chị em, trong sự bình an của Đức Kitô!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[1] X. Bài giảng trong Đền thờ Quân sự của Redipuglia, ngày 13 tháng Chín năm 2014; Bài giảng tại Sarajevo, ngày 6 tháng Sáu năm 2015; Huấn từ trước Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích Văn bản Giáo luật, ngày 21 tháng Hai năm 2020.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/4/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/4/2020


11 tháng Tư: Dung nhan bị biến dạng vì những vết thương truyền tải sự bình an vô cùng lớn lao. Ánh mắt của Ngài không nhìn vào mắt chúng ta nhưng nhìn thẳng vào tâm hồn chúng ta, dường như Ngài nói rằng: Hãy vững tin, đừng đánh mất hy vọng. Sức mạnh của tình yêu của Thiên Chúa, sức mạnh của Đấng Phục sinh vượt qua tất cả. #HolyShroud


12 tháng Tư: Đừng sợ hãi, đừng đầu hàng nỗi sợ hãi: Đây là thông điệp của hy vọng. Nó được gửi đến cho chúng ta hôm nay. Đó là những lời Thiên Chúa lặp lại với chúng ta trong đêm nay.

12 tháng Tư: Chúng ta hãy làm câm nín những tiếng khóc của sự chết, đừng thêm chiến tranh nữa! Vì chúng ta cần bánh ăn, không phải là súng. Hãy chấm dứt việc phá thai và giết hại những sinh linh vô tội. Cầu xin cho những tâm hồn no đủ rộng mở để làm đầy những bàn tay trống không của những người không có được những nhu cầu tối thiểu.

12 tháng Tư: Tối nay chúng ta có được một quyền căn bản: quyền hy vọng. Nó là một niềm hy vọng mới và sống động đến từ Thiên Chúa. Nó không phải là tính lạc quan đơn thuần; nó là một món quà từ trời, điều mà chúng ta không thể tự mình tìm được.

12 tháng Tư: Trong đêm nay, tiếng nói của Giáo hội vang lên: “Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh! Đây là một “sự lây truyền” khác biệt, một thông điệp được truyền từ tâm hồn đến tâm hồn – vì tất cả mọi tâm hồn con người đều chờ đợi Tin Vui này. Nó là sự lây truyền của hy vọng: “Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh!”

12 tháng Tư: Anh chị em thân mến, thờ ơ, quy ngã, chia rẽ và lãng quên không phải là những từ ngữ chúng ta muốn nghe thấy trong thời gian này. Chúng ta muốn loại bỏ những từ ngữ này mãi mãi!

13 tháng Tư: Chúng ta #cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính quyền, các nhà khoa học và các chính trị gia, là những người đang bắt đầu tìm ra một con đường để thoát khỏi đại dịch, cho dù “hậu quả” của nó đã bắt đầu. Ước mong rằng họ tìm được con đường đúng đắn, luôn luôn vì sự tốt lành cho dân tộc của họ.

13 tháng Tư: Trong #Tin mừng trong ngày chúng ta nghe biết những người phụ nữ đã loan báo sự Phục sinh của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Hôm nay cha nhớ đến những cố gắng mà không biết bao nhiêu phụ nữ dành ra để chăm sóc cho người khác, ngay cả trong cuộc khủng hoảng sức khỏe này.

14 tháng Tư: Chúng ta #cùng cầu xin để Chúa ban cho chúng ta ơn hiệp nhất. Trong những thời gian khó khăn này, xin Ngài cho phép chúng ta khám phá mối dây ràng buộc giữa chúng ta và sự hiệp nhất thì lớn lao hơn chia rẽ.

14 tháng Tư: Sám hối có nghĩa là trở về với lòng trung thành. Hôm nay chúng ta hãy xin ơn biết nhìn vượt ra ngoài sự an toàn của riêng mình, và trở nên trung tín ngay cả khi đứng trước ngôi mộ và trước sự sụp đổ của quá nhiều ảo tưởng. Giữ lòng trung thành thì không dễ dàng. Xin Chúa gìn giữ sự trung thành của chúng ta. #HomilySantaMarta

14 tháng Tư: Sự phục sinh của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng cái chết không có lời nói sau cùng; sự sống có lời nói sau cùng. Đức Kitô đã được nâng dậy, từ đó chúng ta có thể có cái nhìn tích cực vào mọi biến cố trong cuộc sống của mình, ngay cả những biến cố khó khăn nhất và những biến cố đau thương và bấp bênh.

15 tháng Tư: Chúng ta #cùng cầu nguyện cho người cao niên, đặc biệt những người bị cách ly hoặc trong nhà dưỡng lão, và sợ bị chết trong cô đơn. Họ là cội rễ của chúng ta. Họ cho chúng ta niềm tin, truyền thống, và ý thức hệ thuộc. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ở bên họ.

15 tháng Tư: Sự trung tín của Thiên Chúa là một sự trung tín kiên nhẫn với dân Người. Thiên Chúa lắng nghe, dẫn dắt, giải thích từ từ, và thắp lên ánh lửa trong tâm hồn như Ngài đã làm với hai môn đệ đi xa khỏi Giêrusalem: Người làm cho tâm hồn họ rực cháy để họ quay trở lại nhà. #HomilySantaMarta

15 tháng Tư: Họ được gọi là con Thiên Chúa là những người đã học được nghệ thuật của bình an và thực hành nó, biết rằng không có sự hòa giải nếu không có món quà sự sống của một người, và sự bình an đó phải luôn được tìm kiếm trong mọi hoàn cảnh. #Beatitudes #GeneralAudience




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/4/2020]