Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Đức Thánh Cha với các ngân hàng lương thực: chống đói cũng có nghĩa là chống lãng phí

Đức Thánh Cha với các ngân hàng lương thực: chống đói cũng có nghĩa là chống lãng phí
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nói với các ngân hàng lương thực: chống đói cũng có nghĩa là chống lãng phí

‘Tôi xin cảm ơn về về tất cả những gì các bạn làm: cung cấp lương thực cho những người đang đói.’

20 tháng Năm, 2019 16:15

Ngày 18 Tháng Năm, 2019, trong Khán phòng Mật nghị thuộc Điện Tông tòa của Vatican Đức Thánh Cha tiếp các thành viên của Liên hiệp các Ngân hàng Lương thực Châu Âu, vào cuối buổi họp thường niên của họ ở Roma, năm nay là kỷ niệm năm thứ ba mươi ngày thành lập của Ngân hàng Lương thực Ý.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha với những người hiện diện:


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến,

Sau khi nghe những gì ông Chủ tịch nói, tôi bị cám dỗ thôi không nói nữa, vì ông nói giống như một Giáo hoàng rồi! Cảm ơn ông, vì tôi hiểu rằng những gì ông nói là những lời xuất phát từ trái tim. Cảm ơn ông!

Tôi xin gửi lời chào nồng ấm đến các bạn, và qua các bạn, tôi xin gửi lời chào đến tất cả các thành viên và những tình nguyện viên của các Ngân hàng Lương thực Châu Âu. Tôi rất vui được chào đón các bạn tại buổi kết thúc của cuộc họp thường niên của các bạn được tổ chức ở Roma đây nhân kỷ niệm năm thứ ba mươi ngày thành lập Ngân hàng Lương thực Ý: xin chúc mừng nhân ngày kỷ niệm của các bạn!

Tôi xin cảm ơn về về tất cả những gì các bạn làm: cung cấp lương thực cho những người đang đói. Điều này không chỉ đơn thuần có nghĩa là cung cấp những sự ích lợi nhưng còn hơn thế là đưa ra một hành động cụ thể ban đầu của sự đồng hành trên con đường giải phóng. Khi tôi nhìn đến các bạn, tôi có thể hình dung cam kết của rất nhiều người đang âm thầm làm việc mà không mong chờ được tưởng thưởng, cung cấp quá nhiều sự giúp đỡ. Nói về người khác thì luôn luôn dễ dàng; nhưng trao tặng cho người khác thì khó hơn nhiều, nhưng đây mới là vấn đề chính. Các bạn can dự không phải bằng lời nói, nhưng bằng đời sống thật, vì các bạn đang chiến đấu chống lại sự lãng phí lương thực, cứu lại những gì có thể đã bị lãng phí. Các bạn đã lấy lại những gì bị ném vào trong vòng xoáy rất xấu của sự lãng phí và đưa nó trở lại vào “vòng xoay tốt lành” của cách sử dụng tốt đẹp. Công việc của các bạn giống như công việc của một cây xanh – đây là một hình ảnh hiện lên trong trí tôi – nó hít thở sự ô nhiễm nhưng lại thải ra chất ô-xi. Và cũng giống như cây xanh, các bạn không giữ lại ô-xi: các bạn phân phối số lượng cần thiết cho sự sống để nó đến được với những người đang cần.

Cuộc chiến chống lại tai họa kinh khủng của nạn đói cũng có nghĩa là cuộc chiến chống lại sự lãng phí. Sự lãng phí cho thấy tính thờ ơ đối với mọi vật và đối với những người thiếu thốn. Tính lãng phí là hình thức gạt bỏ thô bạo nhất. Tôi nghĩ đến giây phút khi Chúa Giê-su yêu cầu thu gom lại những mẩu bánh vụn sau khi phân phát bánh cho các đám đông, để không thứ gì bị lãng phí (x. Ga 6:12). Thu gom lại để tái phân phát; không phải sản lượng dẫn đến sự lãng phí. Vứt bỏ thức ăn cũng có nghĩa là vứt bỏ con người. Ngày nay thật đáng hổ thẹn khi người ta không chú ý rằng lương thực là một nguồn lợi ích quý báu biết bao, nhưng lại không biết bao điều lợi ích lại có một kết cục xấu.

Lãng phí những sự ích lợi là một thói quen rất xấu có thể len lỏi vào khắp nơi, thậm chí cả trong những công cuộc bác ái. Có những lúc, các sáng kiến hữu ích được soi dẫn bởi những mục đích tốt nhất có thể rơi vào sự tuyệt vọng bởi tính quan liêu tràn lan, bởi những chi phí quản lý quá mức, hoặc trở thành những hình thức phúc lợi không dẫn đến sự phát triển đích thực. Trong thế giới phức tạp ngày nay điều quan trọng là sự ích lợi phải được thực hiện một cách tốt đẹp, và nó không phải là kết quả của sự ứng biến; nó đòi hỏi trình độ hiểu biết, khả năng lập kế hoạch và tính liên tục. Nó cần một tầm nhìn tổng hợp của những con người cùng chung mục đích: thật khó làm được điều ích lợi khi không biết quan tâm đến nhau. Theo ý nghĩa này, những kinh nghiệm của các bạn, thậm chí cả những kinh nghiệm gần đây, đưa chúng ta trở lại với những cội nguồn của tình đoàn kết ở Châu Âu; vì họ tìm kiếm sự hiệp nhất trong những điều ích lợi cụ thể. Thật vô cùng tốt đẹp khi nhìn thấy các ngôn ngữ, các niềm tin, các truyền thống và những bước tiếp cận khác nhau cùng hội tụ lại, không vì ích riêng, nhưng là để trao tặng phẩm giá cho người khác. Công việc của các bạn làm đưa ra một thông điệp rõ ràng mà không cần nhiều lời nói: chúng ta không xây dựng tương lai bằng việc tìm kiếm những mối lợi cho riêng mình; sự phát triển của tất cả mọi người nâng cao lên mỗi khi chúng ta cùng bước đi với những người bị bỏ rơi đằng sau.

Nền kinh tế rất cần điều này. Ngày nay mọi việc đều được kết nối và trôi qua rất nhanh, nhưng sự tranh giành tiền bạc một cách điên cuồng đi kèm với sự bạc nhược nội tâm trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, với việc đánh mất phương hướng và đánh mất ý nghĩa rõ ràng. Điều tôi quan tâm đó là một nền kinh tế nhân văn hơn, một nền kinh tế có linh hồn chứ không phải là một cỗ máy liều lĩnh nghiền nát con người. Quá nhiều người ngày nay không có việc làm, không có phẩm giá hay niềm hy vọng; và vẫn còn những người bị đàn áp bởi những đòi hỏi về sản lượng phi nhân làm trống rỗng những mối quan hệ của con người và có một tác động tiêu cực đến cả gia đình và đời sống cá nhân. Đôi lúc, khi tôi thi hành thừa tác vụ Giải tội, có những người trẻ có con cái đến, và tôi hỏi họ: “Con có chơi đùa với con cái của con không?” Và rất nhiều lần nhận được câu trả lời là: “Thưa cha, con không có thời gian … Khi con ra khỏi nhà để đi làm thì chúng vẫn còn đang ngủ, và khi con trở về thì chúng đã lên giường.” Điều này là phi nhân: sự quay cuồng của công việc không còn tình người này. Nền kinh tế được thiết lập “để chăm sóc cho gia đình,” đã trở nên vô nhân đạo; thay vì phục vụ con người, nó lại bắt chúng ta làm nô lệ, nô dịch hóa chúng ta cho những cơ chế của đồng tiền trở nên xa rời khỏi đời sống thực tế hơn bao giờ hết và ngày càng trở nên khó kiểm soát. Những cơ chế tài chính là “chất lỏng,” chúng là “thể khí”, chúng không bao giờ có sự chắc chắn. Làm sao chúng ta sống một cách dễ chịu khi con người chỉ còn là những con số và khi những con số thống kê thay thế cho những khuôn mặt con người, khi đời sống chịu lệ thuộc vào thị trường chứng khoán?

Chúng ta có thể làm gì? Đứng trước một tình hình kinh tế đang đau ốm, chúng ta không thể can thiệp bằng sức mạnh vũ phu và liều lĩnh. Nhưng chúng ta phải tìm ra một phương thuốc điều trị: không phải bằng cách tạo ra sự bất ổn hoặc mơ ước về quá khứ, nhưng là ủng hộ cho những điều tốt lành và tiếp nối những con đường đoàn kết, mang tính xây dựng. Chúng ta phải cùng đến với nhau để tái khởi động lại những điều lợi ích, hiểu thật rõ rằng cho dù cái ác có tràn lan trên thế giới, thì với sự trợ giúp của Thiên Chúa và thiện chí của rất nhiều người như các bạn, thế giới có thể trở nên một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta cần phải ủng hộ những người mong muốn thay đổi mọi điều để tốt hơn; chúng ta cần phải khuyến khích những mô hình phát triển dựa trên sự bình đẳng xã hội, trên phẩm giá con người, trên gia đình, trên tương lai của người trẻ, trên sự tôn trọng môi trường. Một nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) không còn là việc chúng ta có thể trì hoãn. Sự lãng phí không thể là lời nói cuối cùng để lại cho hậu thế bởi một số ít người giàu có, trong khi phần lớn nhân loại vẫn chìm trong im lặng.

Với những lời bày tỏ sự lo lắng và hy vọng này mà tôi muốn chia sẻ với các bạn, một lần nữa tôi xin gửi lòng tri ân đến các bạn và động viên các bạn hãy tiến bước, thu hút mọi người mà các bạn gặp, đặc biệt là người trẻ, để họ có thể cùng tham gia với các bạn trong việc thúc đẩy điều thiện, để tạo ích lợi cho tất cả mọi người.

Cảm ơn các bạn!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/5/2019]


Đức Thánh Cha nói với Hội Truyền Giáo Châu Phi: ‘Anh em là một gia đình đầy niềm vui và phát triển,’ là những người thậm chí có lúc liều mạng sống để rao giảng phúc âm

Đức Thánh Cha nói với Hội Truyền Giáo Châu Phi: ‘Anh em là một gia đình đầy niềm vui và phát triển,’ là những người thậm chí có lúc liều mạng sống để rao giảng phúc âm
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nói với Hội Truyền Giáo Châu Phi: ‘Anh em là một gia đình đầy niềm vui và phát triển,’ là những người thậm chí có lúc liều mạng sống để rao giảng phúc âm

‘Trung thành với cội nguồn, anh em được kêu gọi để làm chứng cho Đức Ki-tô Sống lại,’ Đức Thánh Cha nhắc nhở các nhà truyền giáo

17 tháng Năm, 2019 13:12

Trung thành với cội nguồn, anh em được kêu gọi để làm chứng cho Đức Ki-tô Sống lại, Đức Thánh Cha Phanxico động viên các nhà truyền giáo Châu Phi.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này với những người tham dự trong Tổng Công hội của Hội Truyền Giáo Châu Phi, ở Roma từ ngày 30 tháng Tư đến 24 tháng Năm, về chủ đề: “Một gia đình trung thành với đặc sủng truyền giáo trong bối cảnh phức tạp và thay đổi ngày nay.” Hôm nay ngày 17 tháng Năm, Đức Thánh Cha đón tiếp họ trong Thính phòng Mật hội của Điện Tông tòa.

Đức Thánh Cha nói với Hội Truyền Giáo Châu Phi: ‘Anh em là một gia đình đầy niềm vui và phát triển,’ là những người thậm chí có lúc liều mạng sống để rao giảng phúc âm

Đức Thánh Cha dâng lời cảm tạ Thiên Chúa “vì công cuộc vĩ đại của việc rao giảng phúc âm mà anh em mang đến cho Châu Phi, đặc biệt cho những người ở các vùng hẻo lánh xa xôi nhất, nơi cộng đồng Ki-tô giáo rất mong manh hoặc không tồn tại.”

Ngài tiếp tục: “Tôi rất vui mừng với ý chí của anh em phát triển những hình thức hiện diện mới, nơi những vùng dân Châu Phi gốc đang ở các nơi khác trên thế giới, với sự chú ý đặc biệt đến người di cư.”

Đức Thánh Cha nói, “những chân trời mục vụ mới này cho thấy sức sống của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ngự trị trong họ và thúc đẩy họ đáp lời lại cho những thách đố luôn mới đối với sứ mạng rao giảng phúc âm của Giáo hội và để “tiến đến các vùng ngoại vi cần có ánh sáng của Tin mừng.”

Đức Phanxico cảm ơn họ vì “nhiệt huyết truyền giáo, được tỏa lan với lòng dũng cảm, nó dẫn đưa anh em tiến bước để trao tặng toàn bộ sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô, đôi khi liều cả mạng sống của chính mình,” theo những bước chân của các Cha sáng lập, Tôi tớ Chúa Melchior de Marion Bresillac và Cha Augustin Planque.

Cha Pierluigi Maccalli, bị bắt cóc ở Niger

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho người anh em của họ là Cha Pierluigi Maccalli, bị bắt cóc đã nhiều tháng ở Niger, bảo đảm với họ về “sự quan tâm và ân cần của Tòa Thánh liên quan đến tình hình đáng lo ngại.”

Thể hiện sự đánh giá cao rằng cộng đoàn hội thánh của họ tạo thành một gia đình, với các Nữ tu Truyền giáo và các giáo dân, Đức Thánh Cha nói thêm: “Đó là một gia đình đầy niềm vui và phát triển, nhờ vào rất nhiều ơn gọi ở Châu Phi và Châu Á.”

Ngài nói: “Đặc tính gia đình chắc chắn là một sự phong phú mà anh chị em làm rất tốt để củng cố và phát triển,” ngài nói.

Đức Thánh Cha kết luận bằng sự phó thác gia đình truyền giáo của họ cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria Đồng trinh, xin Mẹ duy trì vững vàng những nỗ lực của họ, ban phép lành cho họ và nhắc họ cầu nguyện cho ngài.

Dưới đây là bản dịch huấn từ (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ với những người có mặt tại buổi tiếp kiến.


* * *

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chào mừng anh chị em là những thành viên của Hội Truyền giáo Châu Phi nhân dịp Tổng Công hội của anh chị em đang được tổ chức tại Roma. Sự gặp gỡ này cho phép tôi cảm tạ Chúa vì công cuộc rao giảng phúc âm vĩ đại mà anh chị em đang tiến hành ở Châu Phi, đặc biệt giữa những cư dân vùng quê xa xôi nhất nơi cộng đồng Ki-tô giáo rất mong manh hoặc không tồn tại. Tôi rất vui mừng với ý chí của anh em phát triển những hình thức hiện diện mới, nơi những vùng dân Châu Phi gốc đang ở các nơi khác trên thế giới, với sự chú ý đặc biệt đến người di cư.

Những chân trời mục vụ mới này cho thấy sức sống của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ngự trị trong họ và thúc đẩy họ đáp lời lại cho những thách đố luôn mới đối với sứ mạng rao giảng phúc âm của Giáo hội và để “tiến đến các vùng ngoại vi cần có ánh sáng của Tin mừng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 20). Tôi cảm ơn anh chị em vì nhiệt huyết truyền giáo, được tỏa lan với lòng dũng cảm, nó dẫn đưa anh em tiến bước để trao tặng toàn bộ sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô, đôi khi liều cả mạng sống của chính mình, theo những bước chân của các Cha sáng lập, Tôi tớ Chúa Melchior de Marion Bresillac và Cha Augustin Planque. Trong mối liên hệ này, tôi cùng hiệp lời cầu nguyện với anh chị em cho người anh em là Cha Pierluigi Maccalli, đã bị bắt cóc nhiều tháng nay tại Niger, và bảo đảm với anh chị em về sự quan tâm và ân cần của Tòa Thánh liên quan đến tình hình đáng lo ngại.

Năm nay anh chị em mong muốn làm nổi bật lên sự thật rằng cộng đoàn hội thánh mới của anh chị em tạo thành một gia đình, với các Nữ tu Truyền giáo và các giáo dân. Đó là một gia đình đầy niềm vui và phát triển, nhờ vào rất nhiều ơn gọi ở Châu Phi và Châu Á. Đặc tính gia đình chắc chắn là một là một sự phong phú mà anh chị em làm rất tốt để củng cố và phát triển.

Thật vậy, việc rao giảng phúc âm luôn luôn được thực hiện bởi một cộng đoàn hoạt động “qua những công cuộc và hành động trong cuộc sống hàng ngày với người khác, làm ngắn lại những khoảng cách, hạ mình xuống mức nhịn nhục nếu cần thiết, và gánh lấy đời sống con người, chạm đến da thịt đau khổ của Đức Ki-tô trong những con người” (Nt., 24). Tôi động viên anh chị em hãy bền chí trong cam kết của mình, trong sự cộng tác với các thành viên của các tôn giáo và tổ chức khác, để phục vụ trẻ em và những người yếu đuối nhất, những nạn nhân của chiến tranh, bệnh tật, nạn buôn người, vì chọn những người hèn mọn nhất, những người mà xã hội từ chối và gạt bỏ, là một dấu chỉ tỏ lộ một cách cụ thể sự hiện hữu và sự ân cần của Đức Ki-tô đầy lòng thương xót. Từ đó, nhờ sự thúc đẩy của Thần Khí, anh chị em trở thành những người phục vụ cho một văn hóa đối thoại và gặp gỡ là văn hóa chăm sóc những người bé mọn và người nghèo, để góp phần vào con đường tiến đến tình huynh đệ con người thật sự.

Trung thành với những nguồn cội của minh, anh chị em được kêu gọi như một gia đình để làm chứng cho Đức Ki-tô Sống lại qua sự yêu thương gắn kết anh chị em với nhau, và với niềm vui tỏa rạng của một đời sống huynh đệ đích thực. Vì vậy, tôi mời gọi anh chị em miệt mài tìm kiếm — qua việc lắng nghe Lời Chúa, trong sự sống của bí tích và trong việc phục vụ anh em –, phương thế để làm mới lại trong mỗi người anh chị em sự gặp gỡ riêng tư với Đức Ki-tô. Quả thật, “động lực đầu tiên để rao giảng phúc âm là tình yêu của Chúa Giê-su mà chúng ta đã đón nhận, kinh nghiệm được cứu thoát bởi Người, điều khiến cho chúng ta yêu mến Người hơn bao giờ hết. [...] Vì thế, điều cấp bách là hãy tái khám phá tinh thần chiêm niệm, nó làm cho anh chị em tái khám phá mỗi ngày rằng chúng ta là những người thụ hưởng một sự tốt lành làm chúng ta có nhân tính, giúp dẫn đưa đến một đời sống mới” (Nt., 264).

Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi xin cảm ơn chuyến thăm của anh chị em, cũng như chứng tá anh chị em trao tặng. Tôi động viên anh chị em hãy kiên trì, với nhiệt huyết và động lực luôn được đổi mới, trên con đường đi theo Hội Truyền giáo Châu Phi, là hội đã làm trổ sinh quá nhiều hoa trái là sự trở về với Đức Ki-tô. Khi lắng nghe Thần Khí, anh chị em đừng e sợ mở ra những con đường mới, để bày tỏ rằng “Thiên Chúa luôn là sự mới mẻ, sự mới mẻ đó thúc đẩy chúng ta liên tục khởi đầu trở lại và để thay đổi những địa điểm vượt ra ngoài những gì đã trở nên quen thuộc, hướng về những vùng ngoại vi và những biên giới” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 135). Với sự hy vọng này, tôi dâng gia đình truyền giáo của anh chị em cho sự cầu bầu của Mẹ Maria Đồng Trinh, xin mẹ giữ vững những nỗ lực của anh chị em. Tôi chúc lành và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/5/2019]