Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Bảy: ‘Chớ lấy của người’ (TOÀN VĂN)

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Bảy: ‘Chớ lấy của người’ (TOÀN VĂN)

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Bảy: ‘Chớ lấy của người’ (TOÀN VĂN)

‘Thật xứng đáng để chúng ta mở lòng mình rộng hơn khi đọc Điều Răn này, tập trung vào chủ điểm của cải dưới ánh sáng của sự khôn ngoan Ki-tô giáo’

07 tháng Mười Một, 2018 10:51

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Các Điều Răn, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Chớ lấy của người”; (trích đoạn sách Thánh: thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Ti-mô-thê 6:7-10).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục giải thích về Mười Điều Răn, hôm nay chúng ta đến với Điều Răn thứ Bảy: “Chớ lấy của người.”

Khi nghe Điều Răn này, chúng ta liền nghĩ ngay đến vấn đề trộm cắp và tôn trọng tài sản của người khác. Chẳng có văn hóa nào lại cho việc ăn trộm ăn cắp và xâm phạm tài sản là hợp pháp. Thật vậy, con người trở nên vô cùng nhạy cảm khi xét đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu. Tuy nhiên, thật xứng đáng để chúng ta mở lòng mình rộng hơn khi đọc Điều Răn này, tập trung vào chủ điểm của cải dưới ánh sáng của sự khôn ngoan Ki-tô giáo.

Giáo huấn Xã hội Công giáo nói về mục đích chung của tài sản. Nó có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy nghe Giáo lý trình bày: “Ngay từ đầu Thiên Chúa đã trao phó trái đất và những tài nguyên của nó cho sự quản lý chung của con người để chăm sóc chúng, làm chủ chúng bằng sự lao động và hưởng hoa trái của nó. Của cải của tạo vật là dành cho toàn thể nhân loại” (s. 2402). Và lại nói: “Mục tiêu chung của của cải là có từ thuở ban đầu, cho dù ích chung đòi hỏi sự tôn trọng quyền sở hữu tư và sự thi hành nó” (s. 2403).[1]

Tuy nhiên, Đấng Quan phòng không quy định một thế giới “các xê-ri,” nhưng có những sự khác biệt, những điều kiện đa dạng, những văn hóa đa dạng, để từ đó chúng ta có thể sống cho nhau. Trái Đất rất giàu có về các nguồn tài nguyên và bảo đảm những sản vật căn bản cho tất cả mọi người. Nhưng nhiều người lại phải sống trong cảnh cùng khổ, và các nguồn tài nguyên bị sử dụng không theo các quy chuẩn đang bị cạn kiệt dần. Nhưng thế giới thì chỉ có một! Nhân loại cũng chỉ có một![2] Ngày nay tài sản của thế giới nằm trong tay của nhóm thiểu số, rất ít người, và sự nghèo đói, còn hơn thế đó là sự khốn khổ và đau đớn lại thuộc về nhóm số đông, đại đa số.

Nếu có nạn đói trên trái đất, đó không phải vì thiếu lương thực! Nhưng vì những đòi hỏi của thị trường, mà có khi nó bị hủy; nó bị đổ bỏ. Điều đang thiếu ở đây là một sự quản lý doanh nghiệp mang ý chí tự do và có tầm nhìn xa, bảo đảm cho sản lượng phù hợp, và kế hoạch liên kết để bảo đảm một sự phân phối công bằng. Giáo lý nói: “Trong cách sử dụng sản vật của mình, con người cần phải xem những tài sản bên ngoài mà người đó sở hữu hợp pháp không đơn thuần chỉ dành riêng cho người đó nhưng cũng là phổ biến đối với người khác, với ý thức rằng chúng có thể tạo ích lợi cho người khác cũng như cho chính mình” (s. 2404). Tất cả của cải muốn trở nên hữu ích phải có chiều kích xã hội.

Trên cách nhìn này, ý nghĩa tích cực và rộng lớn xuất hiện trong Điều Răn “chớ lấy của người.” “Sự sở hữu bất kỳ của cải nào làm cho người chủ sở hữu trở thành một người phục vụ của Đấng Quan Phòng” (nt.). Không ai là người chủ sở hữu tuyệt đối mọi của cải: người đó là một người quản lý những của cải đó. Sự sở hữu là một trách nhiệm: “Nhưng tôi giàu có về mọi thứ …” Đấy chính là trách nhiệm mà bạn phải mang. Và mọi của cải bị gạt ra ngoài luận lý theo sự quan phòng của Thiên Chúa là sự phản bội, nó bị phản bội theo ý nghĩa sâu xa nhất. Những gì tôi sở hữu thật ra là những gì tôi biết rằng tôi có thể cho đi, tôi mở rộng tấm lòng, vì vậy tôi giàu có không chỉ với những gì tôi sở hữu, nhưng còn với lòng quảng đại, lòng quảng đại cũng là một trách vụ để trao tặng của cải, để tất cả đều có thể được phần chia sẻ trong nó. Tôi không thể cho đi một thứ gì đó, thật ra vì thứ đó nó sở hữu tôi, nó có quyền lực trên tôi và tôi làm nô lệ cho nó. Sự sở hữu của cải là một cơ hội để làm chúng thêm sinh sôi bằng sự sáng tạo và sử dụng chúng với lòng quảng đại, và từ đó phát triển trong đức ái và sự tự do.

Chính Đức Ki-tô, cho dù Người là Thiên Chúa, “mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Phl 2:6-7) và Người làm cho chúng ta giàu có bằng sự nghèo khó của Người (x. 2 Cr 8:9). Trong khi nhân loại khát khao muốn có thêm, thì Thiên Chúa cứu độ bằng cách hạ mình xuống với thân phận nghèo: Con Người Chịu Đóng Đinh đó đã trả cho tất cả mọi người một cái giá cứu chuộc cao nhất thay mặt cho Chúa Cha, “Đấng giàu lòng thương xót” (Eph 2:4; x. Gc 5:11). Điều làm cho chúng ta trở nên giàu có không phải là của cải nhưng là tình yêu. Chúng ta đã nghe không biết bao nhiêu lần Dân Chúa nói rằng: “Quỷ đi vào con người qua túi quần túi áo.” Nó bắt đầu bằng sự yêu quý đồng tiền, thèm khát sở hữu; rồi tiếp đến là lòng kiêu căng: “À, bây giờ ta giàu có rồi và ta có quyền huênh hoang về nó”; và cuối cùng là lòng kiêu ngạo và tự phụ. Đây là con đường của quỷ hoạt động trong chúng ta. Và cánh cửa để nó đi vào chính là túi quần túi áo của chúng ta.

Anh chị em thân mến, một lần nữa Chúa Giê-su Ki-tô mặc khải cho chúng ta trọn vẹn ý nghĩa của Kinh Thánh. “Chớ lấy của người” có nghĩa là: thể hiện sự yêu thương bằng của cải của mình, hãy tận dụng những phương tiện anh chị em có để yêu thương theo khả năng. Rồi cuộc sống của anh chị em sẽ nên tốt lành và sự sở hữu sẽ thật sự trở thành một món quà, vì cuộc sống không phải là thời gian để sở hữu nhưng là thời gian để yêu thương. Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

_________________________

[1] X. Tông huấn Laudato Si’, 67: “Từ sự rộng lượng của trái đất mỗi cộng đồng có thể lấy bất cứ điều gì cộng đồng ấy cần cho sự tồn tại của mình, nhưng cộng đồng ấy cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ trái đất và đảm bảo sự sinh hoa trái dồi dào của trái đất cho các thế hệ kế tiếp. “Chúa làm chủ trái đất” (Tv 24,1); “cõi đất và muôn loài trong đó” (Đnl 10,4) đều thuộc về Ngài. Do đó Thiên Chúa khước từ hết mọi tuyên bố đối với quyền sở hữu tuyệt đối: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25:23).

[2] X. Thánh Phaolô VI, Tông huấn Populorum Progressio, 17: “Nhưng mỗi con người là một thành viên của xã hội: người ấy thuộc về toàn thể nhân loại. Không phải chỉ có người này hay người kia, nhưng là tất cả mọi người đều được kêu gọi đạt đến sự phát triển trọn vẹn đó. [. . . ] Những gia tài thừa kế của các thế hệ đã qua và những lợi ích được thụ hưởng từ những người đương thời với chúng ta, chúng ta có bổn phận với tất cả, và chúng ta không được giữ thái độ thờ ơ đối với các thế hệ đến sau chúng ta để mở rộng thêm quỹ đạo của gia đình nhân loại. Tình đoàn kết toàn cầu là một sự thật và là một ích lợi cho chúng ta, cũng là một mệnh lệnh.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/11/2018]


Video công bố ý cầu nguyện tháng Mười Một của Đức Thánh Cha

Video công bố ý cầu nguyện tháng Mười Một của Đức Thánh Cha
Vatican Media Screenshot

Video công bố ý cầu nguyện tháng Mười Một của Đức Thánh Cha

‘Phục vụ cho hòa bình: cầu cho ngôn ngữ của tình yêu và đối thoại luôn chiến thắng ngôn ngữ gây xung đột.’

06 tháng Mười Một, 2018 18:00

Ý cầu nguyện tháng Mười Một 2018 của Đức Thánh Cha Phanxico là “Phục vụ cho Hòa bình: cầu cho ngôn ngữ của tình yêu và đối thoại luôn chiến thắng ngôn ngữ gây xung đột.” Một video trình bày ý cầu nguyện được phát hành ngày 6 tháng Mười Một, 2018.

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxico được công bố trên khắp thế giới qua Pope’s Worldwide Prayer Network (Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Thánh Cha. 


Toàn văn:

Tất cả chúng ta đều mong muốn hòa bình. Nó là sự khát khao trên hết của những người chịu đau khổ vì thiếu vắng nó.

Chúng ta có thể nói bằng những từ ngữ hoa mỹ, nhưng nếu tâm hồn chúng ta không có hòa bình, thì sẽ không có hòa bình trên thế giới.

Nói không tuyệt đối với bạo lực và 100 phần trăm đối với sự nhân hậu, chúng ta cùng xây dựng nền hòa bình theo phúc âm không loại trừ một ai.

Chúng ta cùng nhau cầu nguyện để ngôn ngữ của tình yêu và đối thoại sẽ chiến thắng ngôn ngữ gây xung đột.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2018]