Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (tiếp theo …)

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (tiếp theo …)
Copyright: Vatican Media

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (tiếp theo …)

Đức Thánh Cha phân tích về ý nghĩa của tâm hồn nghèo khó

05 tháng Hai, 2020 20:43

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:15 trong Khán phòng Phaolo VI, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý mới về Tám Mối Phúc, trong bài huấn từ bằng tiếng ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về Mối Phúc thứ nhất: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó (Trích đoạn Kinh Thánh: Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 5:3-12).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta suy tư về mối phúc đầu tiên trong Tám Mối Phúc trong Tin mừng Mát-thêu. Chúa Giê-su bắt đầu loan báo con đường của Ngài để được hạnh phúc bằng một công bố ngược đời: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ,” một con đường ngạc nhiên và một mục tiêu kỳ lạ của mối phúc: nghèo khó.

Chúng ta hãy tự hỏi mình, ở đây chúng ta hiểu như thế nào về “nghèo khó”? Nếu Mát-thêu chỉ sử dụng một từ này duy nhất, thì ý nghĩa của nó sẽ thuần túy là về kinh tế, nghĩa là nó chỉ về những người có ít hoặc chẳng có chút phương tiện sinh sống và cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Tuy nhiên, khác với Lu-ca, Tin mừng Mát-thêu nói cụm từ “tâm hồn nghèo khó.” Như vậy nghĩa là gì? Theo Kinh Thánh, tâm hồn là hơi thở của sự sống mà Thiên Chúa truyền cho A-đam. Nó là chiều kích mật thiết nhất của chúng ta — chúng ta hãy nói đến chiều kích tinh thần, sự mật thiết nhất, là điều làm cho chúng ta có nhân vị, trung tâm sâu thẳm nhất của hữu thể chúng ta. Như vậy “tâm hồn nghèo khó” là những người sống và cảm thấy bản thân nghèo, là những người hành khất, trong tận sâu thẳm hữu thể của họ. Chúa Giê-su công bố rằng họ có phúc, vì Nước Trời thuộc về họ.

Người ta lại luôn nói những điều ngược lại! Cần phải là gì đó trong cuộc sống, là một ai đó … Cần phải tạo được tên tuổi của mình … Chính từ điều này mà sự cô đơn và bất hạnh sinh ra: nếu tôi phải là “một ai đó,” tức là tôi phải cạnh tranh với người khác và tôi sống với sự lo lắng quá mức cho bản ngã của tôi. Nếu tôi không chấp nhận nghèo khó, tôi sẽ ghét tất cả những gì nhắc nhở về sự mong manh của tôi, vì sự mong manh này cản trở việc tôi trở thành một người quan trọng, một người giàu có không chỉ về tiền bạc nhưng cả danh tiếng, về mọi thứ.

Đối diện với bản thân mình, mỗi người đều biết rõ rằng dù anh ta bận rộn đến đâu, anh ta vẫn luôn bất toàn và mỏng giòn. Chẳng có loại son phấn nào che phủ được sự mỏng giòn này. Mỗi chúng ta đều rất mỏng giòn trong lòng, chúng ta phải nhìn thấy nó ở đâu. Tuy nhiên, thật tệ khi một người sống mà từ chối những giới hạn của mình! Người đó sống rất tệ. Sự giới hạn này không tiêu hóa được; nó vẫn ở đó. Những người tự cao không bao giờ nhờ giúp đỡ, họ không thể xin giúp đỡ, chuyện không thể xảy ra với họ là xin sự giúp đỡ vì họ phải thể hiện bản thân mình là toàn vẹn. Và không biết bao nhiêu người như vậy lại đang rất cần giúp đỡ, nhưng sự tự cao ngăn cản họ xin trợ giúp. Và thật quá khó khăn khi phải thừa nhận sai lỗi và xin tha thứ! Khi cha khuyên những đôi hôn phối mới, họ hỏi cha về cách sống đời sống hôn nhân tốt đẹp, cha liền nói với họ: “Có ba từ ngữ như phép màu: xin phép, cám ơn, xin lỗi.” Đó là những từ ngữ xuất phát từ tâm hồn nghèo khó. Không cần phải gây khó chịu, nhưng hãy xin phép: “Anh/Em nghĩ làm như vầy được không?” Như vậy, có sự đối thoại trong gia đình; vợ chồng trao đổi với nhau. “Anh/Em đã làm điều này cho em/anh, cảm ơn, anh/em rất cần nó.” Rồi, sai lỗi là điều luôn xảy ra, khi một người vấp ngã: “Xin lỗi.” Và thường thường những cặp vợ chồng, những đôi tân uyên ương, những đôi có mặt ở đây và rất nhiều đôi khác, nói với cha: “Điều thứ ba là khó nhất,” xin lỗi, xin tha thứ, vì người tự kiêu là không thể. Người đó không thể nói xin lỗi: anh ta luôn luôn đúng. Anh ta không nghèo khó trong tâm hồn. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi với việc tha thứ. Thật đáng buồn, chính chúng ta là người mệt mỏi với việc xin tha thứ (x. Kinh Truyền tin, 17 tháng Ba, 2013). Mệt mỏi với việc xin tha thứ: đây là một căn bệnh dễ sợ!

Tại sao thấy khó khăn để xin tha thứ? Nó khó vì nó hạ thấp hình ảnh đạo đức giả của chúng ta. Tuy nhiên, sống mà cố gắng che giấu những khiếm khuyết của chúng ta là rất mệt mỏi và đau khổ. Đức Giê-su Ki-tô nói với chúng ta: hãy trở nên nghèo khó là một cơ hội ân sủng, và Người chỉ cho chúng ta thấy con đường thoát ra khỏi sự khó khăn này. Chúng ta được tặng ban quyền nghèo khó trong tâm hồn, vì đây là con đường lên Nước Trời.

Tuy nhiên, có một điều cốt lõi phải nhắc lại: chúng ta không phải biến đổi bản thân để trở nên nghèo khó trong lòng, chúng ta không cần phải thực hiện một sự thay đổi vì chúng ta đã là như vậy! Chúng ta rất nghèo nàn … hay nói rõ hơn là: chúng ta “nghèo mọi điều” trong tâm hồn! Chúng ta cần mọi thứ. Tất cả chúng ta đều nghèo trong tâm hồn; chúng ta là những người hành khất. Đó là tình trạng của con người.

Nước Trời là của người nghèo khó trong tâm hồn. Có những người có được các vương quốc trên trần gian này: họ có của cải và họ có sự thoải mái, nhưng đó là những vương quốc sẽ qua đi; quyền lực của con người, ngay cả người vĩ đại nhất của các vương quốc rồi cũng qua đi và biến mất. Chúng ta thường xuyên xem thấy bản tin trên TV hoặc trong báo chí rằng một người lãnh tụ nào đó rất mạnh, đầy quyền lực hoặc một chính phủ nào đó của ngày hôm qua, hôm nay không còn nữa, nó đã sụp đổ. Của cải của thế gian này cũng qua đi như tiền bạc. Người khôn ngoan già dặn dạy chúng ta rằng tấm vải liệm không có túi. Đúng vậy. Cha chưa bao giờ nhìn thấy một xe tải chở đồ đằng sau một đám đưa ma: chẳng ai mang theo được thứ gì. Của cải còn lại ở đây.

Nước Thiên Chúa là của người nghèo khó trong tâm hồn. Có những người có được các vương quốc trên trần gian này: họ có của cải và họ có sự thoải mái, nhưng chúng ta biết họ đã kết thúc như thế nào. Người thực sự biết cai trị là người có khả năng yêu quý điều thiện hơn chính bản thân mình. Và đây là sức mạnh của Chúa. Chúa Giê-su thể hiện sức mạnh của Ngài qua điều gì? Đó là khả năng làm những việc mà các vua chúa của thế gian không làm: hy sinh mạng sống cho con người. Và đây là sức mạnh thật, sức mạnh của tình huynh đệ, sức mạnh của đức ái, sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của sự khiêm tốn. Đức Ki-tô đã làm như vậy.

Sự tự do thật sự xuất phát từ điều này: người có sức mạnh của sự khiêm tốn, phục vụ, tình huynh đệ là người tự do. Phục vụ sự tự do này là sự nghèo khó được khen ngợi trong Tám Mối Phúc.

Vì có một sự nghèo khó mà chúng ta phải chấp nhận, đó là hữu thể chúng ta, và một sự nghèo khó chúng ta phải tìm kiếm, đó là sự nghèo khó cụ thể của những điều thuộc thế gian này, trở nên tự do và có khả năng yêu thương. Chúng ta phải luôn tìm kiếm sự tự do của con tim, bắt nguồn từ sự nghèo khó của chính bản thân chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/2/2020]


Giám mục Philippines: Sự an toàn cộng đồng là trên hết, không phải chính trị

Giám mục Philippines: Sự an toàn cộng đồng là trên hết, không phải chính trị
Một nữ tu đeo khẩu trang trong Thánh Lễ tại một Nhà nguyện trong Chủng viện San Carlos ở thành phố Makati hôm 2 tháng Hai. CBCPNEWS

Giám mục Philippines: Sự an toàn cộng đồng là trên hết, không phải chính trị

Quan trọng là sự phản ứng với dịch Coronavirus

04 tháng Hai, 2020 16:10

Giữa cơn tai ương của dịch corona, sự an toàn của cộng đồng phải được đặt trên hết chứ không phải động cơ chính trị, một giám mục Công giáo nói, theo bản tin CBCP News.

Đức Giám mục Broderick Pabillo, giám mục phụ tá của Manila, cho biết ngài hy vọng rằng những hành động được đưa ra phải đặt ích chung lên trên tất cả mọi việc khác.

Ngài nói, “Ích chung và sự an toàn của dân chúng phải là cân nhắc hàng đầu của các chính phủ và cơ quan, không phải là những động cơ chính trị, lại càng không phải là những quan tâm đến lợi nhuận.”

Cộng thêm với điều này, ngài nói rằng công chúng cũng xứng đáng được biết thông tin “thật và kịp thời” về dịch bệnh.

Theo ngài, điều này bao gồm không chỉ là mức độ lan rộng và số người tử vong do dịch, nhưng cũng phải bao gồm những người đã phục hồi và những phương pháp điều trị đang được khám phá.

Đức GM Pabillo nói, “Chúng ta không chỉ cần biết những tin xấu nhưng cả những tin tốt, và tin tốt là rất nhiều.”

Ngài nói, “Điều quan trọng là thông tin đưa ra về những sáng kiến được thể hiện tình đoàn kết và quan tâm đến tất cả mọi người.”

Đức giám mục cũng nói rằng tình hình đòi hỏi việc cầu nguyện và bác ái, không phải là hành động kỳ thị vì sự hoảng loạn do virus corona lây lan.

“Xuyên suốt lịch sử, chúng ta đã thấy rằng các cơn đại dịch bị chặn đứng không chỉ nhờ những biện pháp y tế nhưng còn qua việc cầu nguyện và những hành động bác ái lớn,” ngài nói thêm.

Philippines báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc do virus corona hôm Chúa nhật và cũng xác định trường hợp lây nhiễm thứ hai trong nước.

Giáo hội Công giáo cũng đã phát hành một “oratio imperata” về mối đe dọa của dịch virus corona chủng mới 2019 (2019-nCoV) ở Philippines.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/2/2020]