Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Vị tân hồng y, người đã phải đấu tranh với đoàn chiên để trở thành giám mục

Vị tân hồng y, người đã phải đấu tranh với đoàn chiên để trở thành giám mục

Vị tân hồng y, người đã phải đấu tranh với đoàn chiên để trở thành giám mục

Catholic Diocese of Ekwulobia - CADEK

I.Media for Aleteia 

03/06/22


Tiểu sử Đức Hồng Y Peter Okpaleke của Nigeria.

Đức cha Peter Okpaleke, một giám chức người Nigeria với một lai lịch khác thường, là một trong những vị tân hồng sẽ được tấn phong vào cuối mùa hè.

Ngài đã trải qua thời gian khó khăn khi trở thành giám mục, chưa nói đến việc trở thành hồng y.

Khi ngài được Đức Benedict XVI tấn phong vào năm 2012, đoàn chiên giáo phận đã hắt hủi ngài. Cuối cùng, ngài phải từ chức và được bổ nhiệm làm giám mục của một giáo phận được thành lập cho ngài hai năm sau đó.

I.MEDIA sẽ đưa bạn lướt qua hành trình của vị giám mục này, người đã bị đàn chiên của mình làm nhục và giờ đây được Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng thưởng.

Vào Chúa nhật, ngày 29 tháng Năm, khi tên của Đức Giám mục Peter Okpaleke được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố từ cửa sổ của Điện Tông Tòa Vatican – đứng thứ 5 trong 21 vị – một số tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô hiểu rằng Đức Giáo hoàng người Argentina đang gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ đến Giáo hội Nigeria. Câu chuyện về Đức Giám mục Okpaleke có thể là rất độc đáo, nhưng công chúng lại không được biết câu chuyện đó. Và có lẽ đó là lý do tại sao vị Giáo hoàng 85 tuổi đã chọn tấn phong ngài làm hồng y: để hướng sự chú ý đến tai họa của chủ nghĩa bộ tộc là hình thức “bài ngoại trong nước” mà ngài đã lên án từ khi được bầu lên Ngai tòa Phêrô năm 2013.

Đức Cha Peter Ebere Okpaleke sinh ngày 1 tháng Ba năm 1963, cùng với người anh em song sinh – đã qua đời – tại một ngôi làng ở bang Anambra, miền nam Nigeria. Ngài và bốn anh chị em của ngài được bà ngoại nuôi dưỡng. Nguồn gốc ơn gọi của ngài bắt đầu vào một ngày Chúa nhật năm 1972, khi ngài được chọn để phục vụ Thánh lễ thay thế cho các lễ sinh khác vắng mặt do trời mưa. Sự phục vụ tại bàn thờ lần đầu tiên này đã ghi dấu trong cha.

Mười năm sau, cha vào chủng viện và thụ phong linh mục năm 1992. Cha tiếp tục việc học sau khi thụ phong, đặc biệt là ở Rôma (1999-2002), tại đây cha lấy bằng tiến sĩ giáo luật hạng ưu tại Đại học Thánh Giá. Cha cũng có bằng quản trị giáo hội.

Là Thư ký Phụ tá cho Giám mục Giáo phận Awka (1992-1995) và sau đó là Quản trị Tài chính, cuối cùng trở Chưởng ấn của Giáo phận từ năm 2002 đến năm 2011.

Ngày 7 tháng Mười Hai năm 2012, Đức Benedict XVI phong ngài làm giám mục giáo phận Ahiara. Giáo phận này chỉ cách Awka là giáo phận quê nhà của đức cha một trăm cây số về phía nam, nhưng xã hội của khu vực này khá khác biệt, và các vấn đề của vị giám mục 49 tuổi bắt đầu nảy sinh.

Đàn chiên chống đối

Ngay sau khi sự bổ nhiệm được công bố, người dân trong giáo phận – các linh mục và giáo dân – ở Ahiara đã chống đối. Một số người cho rằng lý do vì Đức Cha Peter Ebere Okpaleke không được tấn phong ở giáo phận Ahiara. Đây là một cách khéo léo để không đề cập đến nguồn gốc sắc tộc của vị giám mục trẻ tuổi. Không giống như vị tiền nhiệm là người sắc tộc Mbai, sắc tộc chiếm đa số trong giáo phận, Đức Cha Okpaleke là người sắc tộc Ibo – giống như Đức Hồng y Francis Arinze người Nigeria – chiếm đa số ở miền đông nam Nigeria.

Đối mặt với sự chống đối, Đức cha Okpaleke đã yêu cầu hoãn ngày tấn phong trong giáo phận lùi sau một vài tuần, hy vọng rằng tình hình sẽ lắng dịu. Vô ích. Cuối cùng, ngài được tấn phong bên ngoài giáo phận Ahiara, tại chủng viện “Seat of Wisdom” ở Ulakwo, thuộc tổng giáo phận Owerri.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghĩ đến việc giải tán giáo phận

Nhiều tháng trôi qua với tình hình không có chuyển biến, bất kể có sự can thiệp của các giám mục khác của Nigeria và Roma. Giữa lúc này thì Đức Benedict nghỉ hưu, và cuối cùng chính Đức Thánh Cha Phanxicô là người giải quyết vấn đề. Ngày 8 tháng Sáu năm 2017, tức là hơn bốn năm sau khi được bổ nhiệm, trước một phái đoàn từ giáo phận chống đối, Đức Phanxicô đã so sánh những người tín hữu ngoan cố với “những người làm vườn nho sát nhân” trong Tin Mừng. “Những người chống đối việc tiếp nhận giám mục, là Đức Giám mục Okpaleke, muốn phá hủy Giáo hội.”

Khẳng định rằng đã theo dõi tình hình trong nhiều năm, ngài cảm ơn vị giám mục về “sự kiên nhẫn thánh thiện” và sau đó trình bày ý định của ngài: “Tôi đã lắng nghe và suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là về ý tưởng giải tán giáo phận; nhưng sau đó tôi nghĩ rằng Giáo hội là mẹ và Giáo hội không thể bỏ rơi quá nhiều người con như đức cha. Tôi cảm thấy rất đau khổ đối với những linh mục đang bị thao túng, rõ ràng là từ nước ngoài và cả bên ngoài giáo phận.”

Sau đó, ngài yêu cầu mỗi linh mục hoặc giáo sĩ của Giáo phận Ahiara viết một lá thư nêu rõ ý định của mình, trong đó ngài xin sự tha thứ; tất cả đều viết thư riêng và mang tính cá nhân. Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đã cho họ 30 ngày để lặp lại sự vâng phục đối với Giáo hoàng và chấp nhận vị giám mục của họ. “Bất cứ ai không làm như vậy sẽ bị phạt treo chén và mất chức vị”, ngài cảnh báo và cho rằng vụ bê bối đã diễn ra quá lâu.

Sự cảnh báo là rất mạnh, tuy nhiên tình hình vẫn tiếp diễn. Theo cơ quan thông tấn Fides, 200 linh mục đã viết thư riêng cho Đức Giáo hoàng, hứa sẽ vâng phục và trung thành. Nhưng một số người nhấn mạnh trong thư của họ sự khó khăn trong việc cộng tác với Đức Giám mục Okpaleke sau nhiều năm xung khắc. Một vài ngày sau yêu cầu của Giáo hoàng, một cuộc biểu tình của gần 3.000 người đã được tổ chức trước nhà thờ chánh tòa Ahiara để từ chối vị giám mục một lần nữa.

Một tình huống “đe dọa ơn cứu độ của các linh hồn”

Đứng trước tình trạng tê liệt, “vị giám mục không có giáo phận” cuối cùng đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo hoàng người Argentina vào đầu năm 2018. Đức Cha viết, “Thật không may, tình hình ở Giáo phận Ahiara, theo hiểu biết của con, đã không được cải thiện. Quan trọng hơn, nó đe dọa đến đời sống thiêng liêng của con.”

Tin chắc rằng duy trì chức vụ giám mục của Ahiara “không còn có lợi cho Giáo hội”, vị giám mục cho biết ngài cảm thấy đã đến lúc phải từ chức. “Làm thừa tác vụ trong một giáo phận nơi các linh mục đáng ra phải là những người cộng tác trực tiếp và thân cận nhất của con, là anh em của con, là bạn bè con và là những người con của con, lại gây chiến với nhau, với giáo dân và với con là người mục tử của họ, sẽ là một thảm họa, và đe dọa ơn cứu độ của các linh hồn – kể cả linh hồn của con”.

Đức Cha Okpaleke coi việc từ chức của mình “là lựa chọn duy nhất thích hợp để tạo điều kiện cho việc tái truyền bá phúc âm cho các tín hữu trong giáo phận, đặc biệt là các linh mục”.

Đức Cha nói với Đức Giáo hoàng rằng Đức Thánh Cha và Giáo triều giờ đây có thể đếm “những linh mục đã thật sự khẳng định lòng trung thành của họ với Đức Thánh Cha và những người đã quyết định rút khỏi Giáo hội Công giáo vì sự không vâng phục.” Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức vào ngày 19 tháng Hai năm 2018.

Hai năm trôi qua trước khi tên của Đức Tổng Giám mục Okpaleke lại đứng ở hàng đầu. Vào ngày 5 tháng Ba năm 2020, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Ekwulobia, một giáo phận được thiết lập cách đặc biệt cho vị giám mục 57 tuổi. Vị giám mục người Nigeria đã nhậm chức trong nhà thờ chánh tòa của ngài vào ngày 29 tháng Tư. Sau đó ngài tiếp quản giáo phận có một triệu cư dân (61% là người Công giáo) với 250 linh mục.

Khi Đức Giáo Hoàng công bố danh sách các tân hồng y tại Roma ngày 29 tháng Năm, vị giám mục Nigeria vừa bước kết thúc một thánh lễ ban bí tích thêm sức cho 138 tín hữu. Khi nghe tin, Đức Cha nghĩ rằng đó là sự đùa vui của người thư ký của ngài.

Nói với Vatican News, vị hồng y được chọn cho chúng tôi biết rằng những năm tháng khó khăn của ngài cho phép ngài chạm đến sự bình an của Thiên Chúa, một sự bình an mà ngài rút ra từ mối tương quan đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và từ Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Cha đã chọn khẩu hiệu giám mục của mình: “Veni sancte Spiritus.”

Giáo hoàng chống chủ nghĩa bộ lạc

Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô thật sự xúc động trước thử thách cá nhân mà vị giám mục người Nigeria phải chịu đựng, thì chắc chắn thông qua việc bổ nhiệm này, ngài muốn một lần nữa quở trách chủ nghĩa bộ tộc, một tai họa đang ảnh hưởng đến Châu Phi. Khi được hỏi về vấn đề này trên chuyến bay trở về sau chuyến tông du năm 2019 tới Mozambique, Madagascar và Mauritius, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rất rõ về “vấn đề văn hóa” mà lục địa này phải giải quyết.

“Chúng ta đã tưởng niệm 25 năm thảm kịch ở Rwanda cách đây không lâu: Nó là hậu quả của chủ nghĩa bộ tộc,” ngài nhấn mạnh và nhớ lại chuyến đi đến Kenya bốn năm trước đó. “Tôi nhớ tại sân vận động ở Kenya tôi đã kêu gọi mọi người đứng dậy, đan tay nhau và nói ‘không với chủ nghĩa bộ tộc, không với chủ nghĩa bộ tộc’.”

Kể từ bây giờ, Đức Hồng y Okpaleke được chọn sẽ là biểu tượng của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bộ tộc, đây một phần trong lời kêu gọi không mệt mỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho tình huynh đệ và vẫn là một thách thức phức tạp trong chính Giáo hội.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/6/2022]


ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô 5.6.2022

ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô 5.6.2022

ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 5 tháng Sáu, 2022

_________________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Và hôm nay cũng là ngày lễ hạnh phúc, vì hôm nay chúng ta mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúng ta cử hành việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ, xảy ra năm mươi ngày sau Phục sinh. Chúa Giêsu đã hứa điều đó nhiều lần. Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng thuật lại một trong những lời hứa này, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26). Đây là những gì Thánh Thần làm: Ngài dạy và nhắc nhở chúng ta về những gì Chúa Giêsu Kitô đã nói. Chúng ta hãy suy ngẫm về hai hành động này, dạy và nhắc nhở, bởi vì chính bằng cách này, Người đã làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu đi vào lòng chúng ta.

Trước hết, Chúa Thánh Thần dạy bảo. Bằng cách này, Người giúp chúng ta vượt qua trở ngại xuất hiện trong kinh nghiệm của đức tin: đó là khoảng cách. Người dạy chúng ta vượt qua trở ngại của khoảng cách trong kinh nghiệm của đức tin. Thật vậy, có thể nảy sinh sự hoài nghi cho rằng giữa Tin Mừng và cuộc sống đời thường luôn có một khoảng cách rất lớn: Chúa Giêsu đã sống cách đây hai ngàn năm, đó là thời điểm khác, hoàn cảnh khác, và do đó Tin Mừng dường như đã lỗi thời, dường như không thể nói với thời điểm hiện tại của chúng ta, với những đòi hỏi và vấn đề của nó. Câu hỏi cũng đến với chúng ta: Tin Mừng phải nói điều gì trong thời đại internet, trong thời đại toàn cầu hóa? Lời của Tin mừng có thể có tác động gì?

Chúng ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là một chuyên gia trong việc kết nối những khoảng cách, Người biết cách kết nối những khoảng cách; Người dạy chúng ta cách vượt qua chúng. Chính Ngài kết nối các giáo huấn của Chúa Giêsu với mọi thời đại và mọi người. Với Người, Lời của Đức Kitô không phải là một ký ức, không: Lời của Đức Kitô trở nên sống động hôm nay nhờ Chúa Thánh Thần! Thần Khí làm cho Lời sống động cho chúng ta: Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh, và hướng dẫn chúng ta trong hiện tại. Chúa Thánh Thần không sợ những thế kỷ trôi qua; Người làm cho các tín hữu chú ý đến các vấn đề và biến cố thời đại của họ. Thật vậy, khi Chúa Thánh Thần dạy bảo, Người làm cho nó trở nên hiện thực: Người giữ cho đức tin luôn mãi trẻ trung. Chúng ta có nguy cơ biến đức tin thành một tác phẩm của viện bảo tàng: đó là một nguy cơ! Ngược lại, Người luôn làm nó phù hợp thời đại, luôn cập nhật, niềm tin cập nhật: đó là công việc của Người. Vì Chúa Thánh Thần không ràng buộc mình vào các thời đại hay cái mốt chóng qua, nhưng mang đến cho hôm nay Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống.

Và Thần Khí làm điều này như thế nào? Bằng cách làm cho chúng ta ghi nhớ. Đây là động từ thứ hai, nhắc nhở, ri-cordare. Nhắc nhở nghĩa là gì? Nhắc nhở có nghĩa là phục hồi cho tâm hồi, ri-cordare: Thánh Thần phục hồi lại Tin mừng cho tâm hồn chúng ta. Điều đó cũng xảy ra cho các Tông đồ: trước đó họ đã lắng nghe Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng họ hiểu rất ít. Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta. Nhưng từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, với Chúa Thánh Thần, họ nhớ và họ hiểu. Họ chào đón Lời của Ngài như được chuẩn bị đặc biệt cho họ, và họ chuyển từ kiến thức bề ngoài là một nhận thức của trí nhớ, thành một mối quan hệ sống động, một mối quan hệ xác tín và hân hoan với Chúa. Chính Thánh Thần làm việc này, Đấng chuyển từ “lời truyền miệng” sang sự hiểu biết riêng về Chúa Giêsu là Đấng đi vào tâm hồn. Do đó, Thần Khí thay đổi đời sống của chúng ta: Người làm cho tư tưởng của Chúa Giêsu trở thành tư tưởng của chúng ta. Và Người làm việc đó bằng cách nhắc chúng ta nhớ về những lời của Chúa, khắc ghi những lời của Chúa Giêsu trong lòng chúng ta hôm nay.

Thưa anh chị em, nếu không có Thánh Thần nhắc nhở chúng ta về Chúa Giêsu, thì đức tin trở nên lãng quên. Rất thường xuyên, đức tin trở thành một hồi tưởng mà không có sự ghi nhớ; thay vào đó, sự ghi nhớ là sống động và sự ghi nhớ sống động là bởi Thần Khí mang lại.

Và chúng ta – chúng ta hãy thử tự hỏi mình – chúng ta có phải là những người Kitô hữu thường lãng quên không? Có thể tất cả chỉ là một bước đi lùi, một cuộc đấu tranh, một cuộc khủng hoảng để quên đi tình yêu của Chúa Giêsu và rơi vào sự hoài nghi và sợ hãi? Khốn cho chúng ta, nếu chúng ta trở thành những Kitô hữu dễ lãng quên! Phương thuốc chữa trị là cầu khẩn với Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy thường xuyên làm việc này, đặc biệt trong những thời khắc quan trọng, trước những quyết định khó khăn và trong những tình huống khó khăn. Chúng ta hãy cầm lấy quyển Tin mừng trên tay và khẩn xin Thần Khí. Chúng ta có thể thưa, “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin nhắc nhở con về Chúa Giêsu, xin soi sáng tâm hồn con”. Đây là một lời cầu nguyện rất đẹp: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin nhắc nhở con về Chúa Giêsu, xin soi sáng tâm hồn con”. Chúng ta cùng đồng thanh lặp lại nhé. “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin nhắc nhở con về Chúa Giêsu, xin soi sáng tâm hồn con”. Rồi chúng ta mở Phúc Âm và đọc một đoạn ngắn cách chậm rãi. Và Thánh Thần sẽ làm cho Lời nói với cuộc sống của chúng ta.

Xin Đức Trinh nữ Maria, tràn đầy Chúa Thánh Thần, nhóm lên trong chúng ta khát khao cầu nguyện với Người và đón nhận Lời Chúa.

_______________________________

Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, ước mơ của Thiên Chúa cho nhân loại trở thành hiện thực; năm mươi ngày sau Phục sinh, các dân tộc nói ngôn ngữ khác nhau đã gặp gỡ và hiểu nhau. Nhưng bây giờ, một trăm ngày sau khi bắt đầu cuộc xâm lược vũ trang vào Ukraine, cơn ác mộng chiến tranh, là điều trái ngược với giấc mơ của Chúa, lại một lần nữa ập đến với nhân loại: các dân tộc xung đột với nhau, các dân tộc tàn sát lẫn nhau, con người bị đuổi ra khỏi nhà cửa của họ thay vì được đưa đến gần nhau hơn. Và trong khi cơn thịnh nộ của sự hủy diệt và chết chóc hoành hành và các cuộc xung đột đang bùng phát, thúc đẩy sự leo thang ngày càng nguy hiểm cho tất cả mọi người, tôi xin tiếp tục lời kêu gọi gửi đến các nhà lãnh đạo các Quốc gia: xin đừng đưa nhân loại vào chỗ diệt vong! Xin đừng đưa nhân loại vào chỗ diệt vong! Hãy để các cuộc đàm phán thực sự diễn ra, những cuộc đàm phán thực sự cho việc ngừng bắn và cho một giải pháp bền vững. Hãy để cho tiếng kêu tuyệt vọng của những người đau khổ được nghe thấy – chúng ta nhìn thấy điều này hàng ngày trên các phương tiện truyền thông – xin hãy tôn trọng sự sống con người và dừng lại sự tàn phá kinh hoàng đối với các thành phố và làng mạc ở miền đông Ukraine. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và cố gắng không ngừng cho hòa bình.

Hôm qua tại Beirut, hai Tu huynh Dòng các Tiểu đệ Capuchin đã được phong chân phước: cha Leonardo Melki và Thomas George Saleh là các linh mục tử đạo, lần lượt bị giết vì sự thù ghét đức tin ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915 và 1917. Hai nhà truyền giáo người Li Băng này đã chứng tỏ niềm tin trung kiên vào Thiên Chúa và sự hy sinh quên mình cho người lân cận trong bối cảnh thù ghét. Xin cho tấm gương của họ củng cố chứng tá Kitô hữu của chúng ta. Hai vị còn trẻ – thậm chí chưa đến 35 tuổi. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô các tân Chân phước!

Tôi thật hài lòng khi biết rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen đã được gia hạn thêm hai tháng nữa. Tạ ơn Chúa, và cảm ơn các bạn. Tôi hy vọng rằng tín hiệu đầy hy vọng này có thể là một bước tiến thêm nữa để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong thời đại chúng ta. Xin đừng quên dành một ý nghĩ cho trẻ em Yemen: đói kém, tàn phá, thiếu học hành, thiếu thốn mọi thứ. Chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ!

Tôi xin dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân của trận lở đất do lượng mưa xối xả ở vùng đô thị Recife của Brazil.

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em người Roma và những người hành hương! Cha xin chào Hiệp hội “Advocacy in Mission”; các thành viên của Phong trào Hòa giải Quốc tế và Phong trào Bất bạo động; nhóm hướng đạo “Saint Louis” của Pháp, Dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô và hội huynh đệ Evangelii Gaudium. Cha chào các tín hữu của Piacenza d'Adige, Ca đoàn Castelfidardo, các bạn trẻ của Pollone và Cassina de 'Pecchi – cha nhớ thời điểm cha đến thăm những nơi này nhiều năm trước –, những anh chị em hành hương từ các Thánh địa Camposampiero và những anh chị em đi xe đạp của Sarcedo, và cha cũng gửi lời chào các bạn trẻ của Immacolata.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với các ngư dân: chúng ta hãy nghĩ đến những ngư dân, do chi phí xăng dầu tăng cao, họ có nguy cơ phải ngừng việc làm và tôi cũng xin bày tỏ sự gần gũi với anh chị em công nhân các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.

Cha cầu nguyện cho anh chị em; anh chị em hãy cầu nguyện cho cha. Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật phúc lành. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/6/2022]