Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 14 tháng Hai, 2021



Anh chị em thân mến, buongiorno!

Quảng trường thật đẹp với ánh nắng! Thật đẹp!

Tin mừng hôm nay (xem Mc 1:40-45) trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người đàn ông bị bệnh phong. Những người bệnh phong hủi bị coi là không sạch, và theo quy định của Luật, họ phải ở bên ngoài các trung tâm dân cư. Họ bị loại khỏi mọi mối tương quan của con người, xã hội và tôn giáo: tỷ như, họ không thể vào hội đường, họ không thể vào đền thờ, đây là những hạn chế tôn giáo. Thay vì vậy, Chúa Giêsu cho phép người đàn ông này đến gần Ngài, Ngài cảm động đến mức đưa tay ra và chạm vào người anh ta. Điều này là không thể tưởng tượng được vào thời điểm đó. Đây là cách Ngài kiện toàn Tin Vui mà Ngài loan báo: Thiên Chúa đến gần đời sống chúng ta, Ngài động lòng thương vì số phận của nhân loại bị tổn thương, và đến để phá bỏ mọi rào cản ngăn cách chúng ta trong mối tương quan với Ngài, với những người khác và với chính bản thân chúng ta. Ngài đã đến gần… Sự gần gũi. Lòng từ bi. Phúc Âm kể rằng Chúa Giêsu, khi nhìn thấy người bệnh phong, đã động lòng thương xót, lòng từ bi. Ba từ chỉ phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi, dịu dàng. Trong chương này, chúng ta có thể thấy hai “sự vi phạm” đan chéo nhau: sự vi phạm của người bệnh phong đến gần Chúa Giêsu, mà đáng lẽ không được làm như vậy; và Chúa Giêsu, Đấng động lòng thương, đã thương xót chạm đến anh ta để chữa lành cho anh. Đáng lẽ Ngài không nên làm điều đó. Cả hai người đều là những người vi phạm. Có hai sự vi phạm.

Sự vi phạm thứ nhất là của người bệnh phong: bất chấp những quy định của Luật, anh ta vượt ra khỏi tình trạng cách ly của mình và đến với Chúa Giêsu. Căn bệnh của anh ta bị coi là một hình phạt của Chúa, nhưng với Chúa Giêsu, Ngài nhìn thấy một khía cạnh khác của Thiên Chúa: không phải Thiên Chúa là Đấng trừng phạt, nhưng là Chúa Cha đầy lòng thương xót và yêu thương, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và không bao giờ gạt bỏ chúng ta ra khỏi lòng thương xót của Người. Nhờ đó, con người có thể thoát ra khỏi tình trạng cách ly của mình, vì con người tìm thấy Thiên Chúa là Đấng chia sẻ nỗi đau khổ của mình trong Chúa Giêsu. Thái độ của Chúa Giêsu thu hút anh ta, thúc đẩy anh ta thoát ra khỏi bản thân và phó thác cho Ngài câu chuyện đau đớn của mình. Và đến đây cho phép cha nghĩ đến nhiều linh mục giải tội tốt lành, những người có được thái độ này để thu hút mọi người, và nhiều người cảm nhận rằng họ không là gì cả, những người cảm thấy họ gục ngã trên mặt đất vì tội lỗi của mình, những người với sự dịu dàng, với lòng thương… Người giải tội tốt lành là người không cầm cái roi trên tay, nhưng chào đón, lắng nghe và nói rằng Thiên Chúa thì tốt lành và rằng Chúa luôn tha thứ, rằng Chúa không mệt mỏi với việc tha thứ. Cha xin tất cả anh chị em ở đây hôm nay trong Quảng trường, hãy dành một tràng pháo tay cho những người giải tội đầy lòng thương xót này.

Lần vi phạm thứ hai là của Chúa Giêsu: dù Luật cấm đụng chạm đến người phong hủi, nhưng Người động lòng thương, đưa tay và chạm vào người ấy để chữa lành anh ta. Có thể có người đã lên tiếng: Ông ta đã phạm tội. Ông ta đã làm điều mà luật pháp nghiêm cấm. Ông ta là một kẻ phạm luật. Điều đó là đúng: Ngài là người phạm luật. Ngài không giới hạn bản thân trong lời nói, nhưng đụng chạm đến anh ta. Đụng chạm đến với tình yêu thương có nghĩa là thiết lập một mối tương quan, đi vào sự hiệp thông, can dự vào đời sống của người khác đến mức độ chia sẻ những vết thương của họ. Với cử chỉ đó, Chúa Giêsu tỏ lộ rằng Thiên Chúa là Đấng không thờ ơ, không giữ mình ở một “khoảng cách an toàn”. Thay vào đó, Người đến gần vì lòng thương và chạm vào đời sống của chúng ta để chữa lành nó bằng sự dịu dàng. Đó là phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng. Sự vi phạm của Chúa. Ngài là một người phạm luật lớn theo nghĩa này.

Huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thưa anh chị em, ngay cả trong thế giới ngày nay, nhiều anh chị em của chúng ta vẫn mắc căn bệnh này, bệnh Hansen, hoặc những căn bệnh và tình trạng khác mang theo sự kỳ thị của xã hội với họ. “Người này là một kẻ tội lỗi”. Hãy suy nghĩ một chút về thời điểm khi người phụ nữ đó bước vào bữa tiệc và đổ dầu thơm lên chân Chúa Giêsu… Những người khác liền nói: “Nhưng nếu ông ta là một tiên tri, thì ông ta phải biết người phụ nữ này là ai: là một kẻ tội lỗi”. Khinh bỉ. Thay vào đó, Chúa Giêsu chào đón, phần nào đó cảm ơn chị ta: “Tội của con đã được tha”. Sự dịu dàng của Chúa Giêsu. Định kiến ​​xã hội ngăn cách những người này qua những từ ngữ: “Người này không trong sạch, người kia là tội nhân, người này là kẻ gian, người đó…” Vâng, có những lúc điều đó là đúng. Nhưng không xét đoán thông qua định kiến. Mỗi người chúng ta đều có thể đã trải qua những vết thương, thất bại, đau khổ, ích kỷ khiến chúng ta khép mình lại trước Chúa và tha nhân, vì tội lỗi khiến chúng ta co cụm vào bản thân vì xấu hổ, vì sự bẽ mặt, nhưng Chúa muốn mở cửa tâm hồn chúng ta. Đứng trước tất cả những điều này, Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không phải là một ý tưởng hay một giáo lý trừu tượng, nhưng Thiên Chúa là Đấng “tự mình làm nhiễm” những vết thương của con người chúng ta và không e ngại tiếp xúc với vết thương của chúng ta. “Nhưng thưa Cha, Cha đang nói gì vậy? Chúa tự mình làm nhiễm điều gì?” Cha không nói điều này, Thánh Phaolô đã nói như vậy: Ngài tự biến mình thành hiện thân của tội lỗi. Người là Đấng không phải là tội nhân, là Đấng chẳng biết tội là gì, đã biến mình trở thành hiện thân của tội lỗi. Hãy nhìn cách Thiên Chúa tự làm mình bị nhiễm để đến gần chúng ta, để tỏ lòng thương xót và làm cho chúng ta hiểu được sự dịu dàng của Ngài. Gần gũi, từ bi và dịu dàng.

Để tôn trọng các nguyên tắc liên quan đến tiếng tốt và những tập tục của xã hội, chúng ta thường bắt nỗi đau câm nín hoặc chúng ta đeo mặt nạ để ngụy trang nó. Để cân bằng giữa những toan tính của lòng ích kỷ của chúng ta và quy luật nội tại của nỗi sợ hãi, chúng ta không để mình bị liên quan đến những đau khổ của người khác. Thay vào đó, chúng ta hãy xin Chúa ban ơn để chúng ta sống hai “sự vi phạm” này, hai “sự vi phạm” trong bài Tin Mừng hôm nay: sự vi phạm của người bệnh phong, để chúng ta có thể can đảm thoát ra khỏi tình trạng cô lập của mình, và thay vì ở yên một chỗ và cảm thấy tiếc nuối cho bản thân hoặc khóc lóc vì những thất bại của mình, phàn nàn, và thay vì như vậy, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu với chính con người của mình; “Lạy Chúa Giêsu, con đang như thế này.” Chúng ta sẽ cảm thấy cái ôm đó, cái ôm của Chúa Giêsu thật đẹp. Và sau đó là sự phạm luật của Chúa Giêsu, một tình yêu vượt ra ngoài các quy ước, vượt qua những định kiến và nỗi sợ phải can dự vào cuộc sống của người khác. Chúng ta hãy học cách để trở thành những người phạm luật như hai người: như người bệnh phong và như Chúa Giêsu.

Xin Đức Maria Đồng Trinh đồng hành với chúng ta trên hành trình này và giờ đây chúng ta khẩn cầu Mẹ trong Kinh Truyền tin.

____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi luôn biết ơn sự cống hiến của những người cộng tác vì người di cư. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em vì những gì anh chị em đã làm cho người di cư. Đặc biệt hôm nay, tôi cùng với các Giám mục Columbia bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà chức trách Colombia đã thực hiện quy chế bảo vệ tạm thời đối với người di cư Venezuela có mặt trong đất nước đó, thúc đẩy việc chào đón, bảo vệ và hội nhập. Đó không phải một quốc gia siêu giàu, một quốc gia phát triển đang làm điều này… Không: nó đang được thực hiện bởi một quốc gia có nhiều vấn đề về phát triển, về đói nghèo và về hòa bình… Gần 70 năm chiến tranh du kích. Nhưng trước vấn đề này, họ đã có đủ can đảm để nhìn đến những người di cư và lập ra quy chế này. Cảm ơn đất nước Columbia. Cảm ơn các bạn!

Hôm nay là Lễ Thánh Cyril và Thánh Methodius, những nhà rao giảng Phúc âm của các dân tộc Slav, được Thánh Gioan Phaolô II công bố là các Thánh Đồng Bổn mạng của Châu Âu. Cha thân ái chào tất cả các cộng đoàn sống trong các vùng lãnh thổ được rao giảng Phúc âm bởi những người anh thánh thiện này. Xin lời cầu bầu của các ngài giúp chúng ta tìm ra các cách thức mới để truyền đạt Tin Mừng. Hai vị đã không ngại tìm những cách thức mới để truyền đạt Tin Mừng. Và nhờ sự chuyển cầu của các ngài, ước mong các Giáo hội Kitô giáo phát triển ước muốn tiến tới sự hiệp nhất trọn vẹn trong khi vẫn tôn trọng những khác biệt.

Và hôm nay cha cũng không thể quên ngày Thánh Valentine, để gửi đến một suy nghĩ và lời chào đến các đôi đã đính ước, những người đang yêu. Cha đồng hành với các bạn trong lời cầu nguyện và cha chúc phúc cho tất cả các bạn.

Và bây giờ cha gửi lời chào đến anh chị em tín hữu Roma và khách hành hương. Cha cũng nhìn thấy những người Pháp, người Mexico, người Tây Ban Nha, người Ba Lan. Chào mừng tất cả anh chị em! Rất nhiều lời chào!

Chúng ta bắt đầu Mùa Chay vào Thứ Tư này. Nó sẽ là thời gian thích hợp để trao ý nghĩa của đức tin và niềm hy vọng cho cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang sống. Và trước khi, cha không quên: ba từ ngữ giúp chúng ta hiểu được phong cách của Thiên Chúa. Đừng quên: sự gần gũi, từ bi, dịu dàng. Chúng ta cùng đồng thanh nói lên.

Gần gũi, từ bi, dịu dàng.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/2/2021]


Đức Giám mục Công giáo: Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 là một ‘cơ hội để làm mới niềm hy vọng’ sau đại dịch


Đức Giám mục Công giáo: Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 là một ‘cơ hội để làm mới niềm hy vọng’ sau đại dịch

Đức Giám mục Công giáo: Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 là một ‘cơ hội để làm mới niềm hy vọng’ sau đại dịch

Giới trẻ mặc áo thun in logo chính thức của WYD Lisbon 2023. Credit: JMJ Lisboa 2023.

CNA Staff, 9 tháng Hai, 2021 / 07:00 sáng MT (CNA). - Vị Giám mục Công giáo giám sát việc chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 (WYD) ở Lisbon, Bồ Đào Nha, nói rằng sự kiện này sẽ là cơ hội để làm mới niềm hy vọng trước đại dịch coronavirus.

Đức Giám mục Américo Manuel Alves Aguiar, chủ tịch của Tổ chức WYD Lisbon 2023, nói với CNA rằng ngài hy vọng cuộc họp mặt sẽ chạm đến tâm hồn thật nhiều bạn trẻ theo mức có thể.

Đề cập đến chủ đề chính thức của cuộc họp mặt - “Đức Maria đứng dậy vội vã lên đường,” trong Tin Mừng Thánh Luca - ngài nói: “Tôi mong ước rằng Chúa chạm đến tâm hồn của thật nhiều bạn trẻ, và họ có thể để cho lời thông báo vang vọng trong lòng họ, đứng dậy và vội vã ra đi để gặp gỡ người khác.”

“Tôi mong ước WYD Lisbon 2023 sẽ dành cho tất cả mọi người và nó có thể mang ý nghĩa là một cơ hội để làm mới niềm hy vọng trong thời kỳ hậu đại dịch”.

Ở tuổi 47, Đức Cha Aguiar là một trong những giám mục Công giáo trẻ nhất thế giới. Năm 2019, Đức Cha được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Tòa Thượng phụ Lisbon, tổng giáo phận đặt trụ sở tại thủ đô Bồ Đào Nha. Hiện ngài chịu trách nhiệm về tổ chức Fundação JMJ Lisboa 2023, pháp nhân được thành lập bởi các nhà tổ chức cuộc họp quốc tế.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, vị giám mục giải thích cách những nhà tổ chức sự kiện đã vượt qua các trở ngại do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, khiến Đức Thánh Cha Phanxicô phải dời Ngày Giới trẻ Thế giới từ tháng Tám năm 2022 sang tháng Tám năm 2023.

Ngày Giới trẻ Thế giới được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập năm 1985. Cuộc họp mặt kéo dài một tuần thường thu hút hàng trăm ngàn bạn trẻ.

Đức Cha Aguiar nói: “Việc chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới đã bắt đầu từ hơn một năm trước sau khi có thông báo rằng Lisbon sẽ là thành phố đăng cai tiếp theo cho sự kiện này.”

“Các nhóm làm việc, sau sự đối thoại liên tục với Tòa Thánh, đang tiến hành việc chuẩn bị cho cuộc họp này, là tín hiệu của niềm hy vọng, sự hiệp nhất và tình huynh đệ”.

“Có 10 nhóm chính đã được thành lập, thuộc các lĩnh vực như hậu cần, mục vụ, truyền thông, kỹ thuật số, v.v.., và 300 tình nguyện viên hiện đang làm việc. Chúng tôi cảm ơn tất cả vì lòng quảng đại của họ ”.

Đức Cha tiếp tục: “Đại dịch do coronavirus gây ra đã mang lại rất nhiều thách thức cho mọi người.”

Đức Cha Aguiar nói rằng virus đã buộc các nhà tổ chức phải lên lịch lại một số hoạt động và tập trung vào không gian họp trực tuyến, thường được tổ chức ở một châu lục khác ba năm một lần.

Đức Cha giải thích, “Chúng tôi yêu cầu các bạn trẻ nhận thức được những nhu cầu của cộng đồng của họ và tạo ra sự khác biệt từ đó.”

Tháng Mười Một năm ngoái các nhà tổ chức đã mời giới trẻ Công giáo Bồ Đào Nha chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới bằng cách tham gia một sứ mệnh kéo dài hai ngày.

Trước tình hình đại dịch, họ yêu cầu các bạn trẻ hãy tham gia vào sứ mệnh bằng cách gọi điện thoại cho những người sống một mình, nói chuyện với các thành viên gia đình ở xa qua internet, tình nguyện tham gia các tổ chức bác ái địa phương, hoặc thực hiện các hoạt động phục vụ tại giáo xứ của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng Lisbon sẽ tổ chức cuộc họp mặt của giới trẻ Công giáo toàn cầu tại Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới quốc tế cuối cùng tại Thành phố Panama vào tháng Một năm 2019.

Thành phố với 505.000 dân cách Fatima khoảng 75 dặm (hơn 120km), một trong những địa điểm hành hương Đức Mẹ nổi tiếng nhất thế giới.

Đức Giám mục Công giáo: Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 là một ‘cơ hội để làm mới niềm hy vọng’ sau đại dịch

Các nhà tổ chức đã ra mắt website WYD Lisbon 2023 và logo chính thức vào tháng Mười năm ngoái. Logo có hình Đức Trinh Nữ Maria đứng trước thánh giá, với các màu của quốc kỳ Bồ Đào Nha, đã được chọn trong một cuộc thi quốc tế.

Vào tháng Một, các nhà tổ chức đã công bố bài hát chủ đề chính thức của sự kiện. Bài hát có tựa đề “Há Pressa no Ar” bằng tiếng Bồ Đào Nha, mời gọi các bạn trẻ bắt chước như Đức Trinh Nữ Maria.

Đối với giới trẻ Hoa Kỳ đang băn khoăn liệu có an toàn khi đến Bồ Đào Nha vào năm 2023 hay không, Đức Giám mục Aguiar nói: “Nếu đến Lisbon vào năm 2023 mà không an toàn, chúng tôi sẽ không mời các bạn trẻ đến. Tính mạng và an ninh là quan trọng nhất”.

Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha tạm ngưng việc thờ phượng cộng đoàn từ tháng trước do “tính nghiêm trọng cực độ” của cuộc khủng hoảng coronavirus ở nước này.

Được hỏi liệu Đức Cha có muốn thêm điều gì không, Đức Cha nói: “Xin Chúa chúc lành cho Châu Mỹ!”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/2/2021]