Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

“Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh Thiên Chúa được khắc in trong cuộc đời chúng ta”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: “Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh Thiên Chúa được khắc in trong cuộc đời chúng ta”

Vatican Media


*******

Người công dân có trách nhiệm đóng góp cho xã hội, dấn thân vì ích chung, nhưng luôn ý thức rằng mọi sự đều thuộc về Chúa: đó là đời sống của người Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại điều này trong giờ Truyền tin Chúa nhật tuần này, trong đó phụng vụ nhắc lại lời của Chúa Giêsu: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Phải hiểu chính xác những lời này.

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.
______________________________________


Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh Kính Đức Mẹ:

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng Phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về một số người Pharisêu hợp sức với phe Hêrôđê để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ luôn cố gài bẫy Ngài. Họ đến gặp Chúa và hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22:17). Đó là một cái bẫy: nếu Chúa Giêsu hợp pháp hóa việc nộp thuế có nghĩa là Ngài đứng về phía một thế lực chính trị không được người dân ủng hộ, trong khi nếu Ngài bảo không nộp thuế, Ngài có thể bị buộc tội nổi loạn chống lại đế quốc. Một cái bẫy thực sự. Tuy nhiên, Chúa thoát ra khỏi cạm bẫy này. Chúa yêu cầu họ cho Người xem một đồng tiền có in hình của Xêda và nói với họ: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (c. 21). Điều đó có nghĩa là gì?

Những lời này của Chúa Giêsu đã trở thành câu nói phổ biến, nhưng có nhiều khi chúng không được sử dụng chính xác – hoặc ít nhất là bị giảm bớt – để nói về các mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, giữa người Kitô hữu và chính trị; những lời này thường được giải thích như thể Chúa Giêsu muốn tách “Xêda” khỏi “Thiên Chúa”, nghĩa là tách thực tại trần thế khỏi thực tại tâm linh. Đôi khi chúng ta cũng suy nghĩ theo cách này: đức tin với những cách thực hành đức tin là một chuyện, còn cuộc sống hàng ngày lại là chuyện khác. Và điều này không phải như vậy. Không. Đây là một dạng “tâm thần phân liệt”, như thể đức tin không liên quan gì đến đời sống thực tế, không liên quan đến những thách đố của xã hội, đến công bằng xã hội, đến chính trị, v.v..

Trên thực tế, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta đặt “Xêda” và “Thiên Chúa” vào đúng vị trí. Việc chăm sóc trật tự thế gian thuộc về Xêda – nghĩa là thuộc về chính trị, thuộc về các tổ chức dân sự, các tiến trình kinh tế và xã hội, và chúng ta là những người ở trong thực tại này phải trả lại cho xã hội những gì nó mang đến cho chúng ta, qua sự đóng góp của chúng ta với tư cách là những công dân có trách nhiệm, chăm sóc những gì được giao phó cho chúng ta, thúc đẩy luật pháp và công lý trong thế giới việc làm, đóng thuế cách trung thực, cam kết vì ích chung, v.v.. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu khẳng định thực tại nền tảng: con người thuộc về Thiên Chúa: trọn vẹn con người và tất cả mọi người. Và điều này có nghĩa là chúng ta không thuộc về bất kỳ thực tại trần thế nào, bất kỳ “Xêda” nào. Chúng ta thuộc về Chúa và chúng ta không làm nô lệ cho bất kỳ quyền lực trần thế nào. Như vậy, trên đồng tiền có hình hoàng đế, nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng sự sống của chúng ta được khắc ghi hình ảnh của Thiên Chúa, không có điều gì và không ai có thể che khuất được hình ảnh này. Mọi sự ở thế gian này thuộc về Xêda, nhưng con người và thế giới thuộc về Thiên Chúa: xin đừng quên điều này!

Vậy, chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu phục hồi cho từng người chúng ta trở về với căn tính riêng của mình: trên đồng tiền của thế gian này có hình ảnh của Xêda, nhưng chúng ta – mỗi người chúng ta – chúng ta mang hình ảnh nào trong mình? Chúng ta tự hỏi bản thân câu hỏi này: tôi mang trong mình hình ảnh nào? Hình ảnh cuộc đời của tôi thuộc về ai? Chúng ta có nhớ rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, hay chúng ta cho phép bản thân được định hình bởi luận lý của thế gian và biến công việc, chính trị và tiền bạc thành những thần tượng để chúng ta tôn thờ?

Xin Đức Trinh nữ Rất Thánh giúp chúng ta nhận ra và tôn vinh phẩm giá của chúng ta và của mỗi người.

_______________________________________________


Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:


Anh chị em thân mến,

Một lần nữa suy nghĩ của tôi hướng về những biến cố đang xảy ra ở Israel và Palestine. Tôi rất lo lắng, đau buồn. Tôi cầu nguyện và gần gũi với tất cả những người đang chịu đau khổ: các con tin, những người bị thương, các nạn nhân và người thân của họ. Tôi nghĩ đến tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza và tôi thật sự đau buồn khi bệnh viện của Anh giáo và giáo xứ Chính thống Hy Lạp cũng bị tấn công trong những ngày gần đây. Tôi lặp lại lời kêu gọi mở ra các không gian, để viện trợ nhân đạo được tiếp tục chuyển đến, và để các con tin được trả tự do.

Chiến tranh, bất kỳ cuộc chiến tranh nào xảy ra trên thế giới – tôi cũng nghĩ đến Ukraine đang bị hành hạ – đều là một thất bại. Chiến tranh luôn là sự thất bại; nó là sự hủy hoại tình huynh đệ của con người. Thưa các anh em, xin dừng lại! Xin dừng lại!

Tôi nhắc anh chị em nhớ rằng Thứ Sáu tới, ngày 27 tháng Mười, tôi đã công bố ngày ăn chay, cầu nguyện và sám hối, và tối hôm đó lúc 18 giờ tại Quảng trường Thánh Phêrô, chúng ta sẽ dành một giờ cầu nguyện để cầu xin hòa bình cho thế giới.

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo với chủ đề: “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh”. Hai hình ảnh nói lên tất cả! Tôi thúc giục tất cả anh chị em, trong các giáo phận và giáo xứ, hãy tích cực tham gia.

Cha xin chào tất cả anh chị em, người dân Roma và anh chị em hành hương, đặc biệt là các nữ tu Siervas de los Pobres hijas del Sagrado Corazón de Jesús, đến từ Granada; các thành viên của tổ chức Centro Académico Romano Fundación, Hiệp hội Señor de los Milagros của người Peru ở Roma; và cảm ơn anh chị em, cảm ơn vì chứng tá của anh chị em! Hãy tiếp tục công việc tốt đẹp với lòng đạo đức cao đẹp như vậy.

Cha chào các thành viên của phong trào truyền giáo giáo dân “All custodians of humanity”; ban hợp xướng “Sant’Antonio Abate” của Cordenons, và các hiệp hội tín hữu đến từ Naples và Casagiove.

Cha cũng gửi lời chào các bạn trẻ “Casa Giardino”, “Ngôi nhà vườn” của Casalmaggiore; nhóm bạn trẻ thuộc Cộng đoàn Emmanuel; các giám đốc và thầy cô giáo của Trường Công giáo “Jean XXIII” của Toulon, và các học sinh của Trường Trung học “Saint Croix” của Neuilly.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Cả các bạn giới trẻ của Immaculata. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2023]


Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Tổng Giám đốc FAO: “Nước, nhân quyền căn bản cho cuộc sống”

“Nước, nhân quyền căn bản cho cuộc sống”

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Tổng Giám đốc FAO

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Tổng Giám đốc FAO: “Nước, nhân quyền căn bản cho cuộc sống”

Archive photos


*******

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Lương thực Thế giới 2023 là lời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm chấm dứt nạn đói và khát trên thế giới. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng những vấn đề này là hậu quả của một số yếu tố, bao gồm sự bất bình đẳng, văn hóa vứt bỏ và biến đổi khí hậu.

Đức Thánh Cha kêu gọi các chính phủ, các doanh nghiệp, xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác để giải quyết những thách thức này. Ngài cũng kêu gọi các cá nhân thay đổi thói quen tiêu dùng và áp dụng lối sống bền vững hơn.

Thông điệp của Đức Thánh Cha là một lời nhắc nhở rằng nạn đói và khát là những vấn đề thực tế ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Đó là một lời kêu gọi hành động để tất cả chúng ta cùng nhau chung sức tạo ra một thế giới nơi mọi người đều có thể tiếp cận được lương thực và nước uống cần có cho sự sống.

__________________________________________


Thông điệp của Đức Thánh Cha

Thưa ngài Qu Dongyu
Tổng Giám đốc FAO

Thưa ngài,

Ngày Lương thực Thế giới được kỷ niệm tại thời điểm khi nhiều anh chị em chúng ta đang phải chịu cảnh nghèo đói và chán nản. Thật vậy, tiếng kêu đau khổ và tuyệt vọng của người nghèo phải đánh thức chúng ta thoát khỏi tình trạng u mê đang giam hãm chúng ta và kêu gọi lương tâm chúng ta. Tình trạng đói khát và suy dinh dưỡng gây tổn thương nghiêm trọng cho rất nhiều người là hậu quả của sự chồng chất những bất công và bất bình đẳng khiến nhiều người bị chìm trong vũng bùn của cuộc sống, và cho phép một số ít người định cư trong tình trạng phô trương và xa hoa. Vấn đề này không chỉ xảy ra đối với lương thực, mà còn đối với tất cả các nguồn tài nguyên căn bản, tình trạng không thể tiếp cận được của nhiều người là một sự sỉ nhục đối với phẩm giá nội tại do Thiên Chúa ban cho họ. Đó thực sự là một sự xúc phạm khiến toàn nhân loại phải xấu hổ, và là động lực thúc đẩy cộng đồng quốc tế.

Theo nghĩa này, chủ đề trọng tâm của Ngày Nước Thế giới năm nay là: “Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không để ai bị bỏ lại phía sau”, mời gọi chúng ta làm nổi bật giá trị không thể thay thế của nguồn tài nguyên này đối với mọi sinh vật trên hành tinh của chúng ta, từ đó dẫn đến nhu cầu cấp thiết là phải lập kế hoạch và thực hiện việc quản lý nước cách khôn ngoan, cẩn trọng và bền vững để mọi người đều có thể tận hưởng nó nhằm thỏa mãn nhu cầu thực sự của họ, đồng thời có thể duy trì và thúc đẩy sự phát triển thỏa đáng cho con người, không loại trừ ai.

Nước là sự sống vì nó đảm bảo sự sinh tồn; tuy nhiên, ngày nay nguồn tài nguyên này đang bị đe dọa bởi những thách thức nghiêm trọng về số lượng và chất lượng. Ở nhiều nơi trên thế giới, các anh chị em của chúng ta mắc những căn bệnh hoặc chết chỉ vì thiếu hoặc khan hiếm nước uống. Hạn hán do biến đổi khí hậu đang khiến nhiều khu vực rộng lớn trở nên cằn cỗi và dẫn đến sự tàn phá nặng nề đối với hệ sinh thái và người dân. Việc quản lý tài nguyên nước cách tùy tiện, sự biến dạng và ô nhiễm những vùng này, đặc biệt gây tổn hại cho người nghèo và là một sự sỉ nhục đáng hổ thẹn mà chúng ta không thể giữa thái độ thờ ơ. Ngược lại, chúng ta phải cấp bách thừa nhận rằng “việc tiếp cận được nguồn nước uống an toàn là một quyền căn bản và phổ quát của con người, vì nó thiết yếu đối với sự sống còn của con người, và do đó là điều kiện để thực thi các quyền khác của con người” (Tông huấn Laudato si’, số 30). Do đó, việc cần thiết là phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, mạng lưới nước thải, hệ thống vệ sinh và xử lý nước thải, đặc biệt ở những vùng nông thôn xa xôi và khó khăn nhất. Một điều quan trọng nữa là phải phát triển các mô hình giáo dục và văn hóa nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết phải tôn trọng và bảo tồn tài sản căn bản này. Không bao giờ được coi nước thuần túy là một loại hàng hóa, một sản phẩm để trao đổi hoặc một loại hàng hóa để đầu cơ.

Nước là lương thực vì nó thực sự cần thiết để đạt được an ninh lương thực, là phương tiện sản xuất và là thành phần không thể thiếu của nông nghiệp. Trong trồng cấy, cần đẩy mạnh các chương trình hiệu quả chống sự thất thoát trong các đường ống tưới tiêu nông nghiệp; sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ, vô cơ không gây ô nhiễm nguồn nước; và khuyến khích các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước sẵn có nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nước trầm trọng trở thành nguyên nhân xung đột giữa các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia. Hơn nữa, đổi mới khoa học công nghệ và kỹ thuật số phải phục vụ sự cân bằng bền vững giữa tiêu dùng và các nguồn tài nguyên sẵn có, tránh những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và những thiệt hại không thể khắc phục được đối với môi trường. Vì lý do này, các tổ chức quốc tế, các chính phủ, xã hội dân sự, doanh nghiệp, các tổ chức học thuật và nghiên cứu cũng như những thực thể khác phải chung sức và thống nhất ý tưởng để nước phải là di sản của mọi người, được phân chia tốt hơn và được quản lý cách bền vững và hợp lý.

Cuối cùng, việc cử hành Ngày Lương thực Thế giới cũng là một lời nhắc nhở phải quyết liệt chống lại văn hóa vứt bỏ bằng những hành động dựa trên sự hợp tác có trách nhiệm và trung thành của mọi người. Thế giới của chúng ta quá phụ thuộc lẫn nhau và không thể chia rẽ thành các khối gồm những quốc gia thúc đẩy lợi ích của họ một cách sai lệch và thiên vị. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi suy nghĩ và hành động theo tinh thần cộng đồng, liên đới, tìm cách dành ưu tiên cho cuộc sống của mọi người hơn là sự chiếm đoạt tài sản của một số ít người.

Thưa ông Tổng Giám đốc, thật đáng tiếc là ngày nay chúng ta đang chứng kiến sự phân cực đáng xấu hổ trong quan hệ quốc tế do những cuộc khủng hoảng và đối đầu hiện hữu. Nguồn tài chính khổng lồ và công nghệ tiên tiến có thể được sử dụng để biến nước thành nguồn sống và tiến bộ cho tất cả mọi người đang được chuyển hướng sang sản xuất và buôn bán vũ khí. Chưa bao giờ việc trở thành những người thúc đẩy đối thoại và kiến tạo hòa bình lại cấp bách hơn lúc này. Giáo hội không bao giờ mệt mỏi trong việc gieo trồng những giá trị nhằm xây dựng một nền văn minh tìm sự tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau trong tình yêu thương như một chiếc la bàn để hướng dẫn các bước đi của mình, trên hết là hướng đến những anh chị em đau khổ nhất, chẳng hạn như những người đói khát.

Với những mong muốn này, tôi cảm ơn Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc vì tất cả những gì tổ chức làm để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, dinh dưỡng tốt và đầy đủ cho mọi người, và việc sử dụng nước bền vững. Tôi khẩn xin muôn vàn phúc lành từ trời ban xuống cho tất cả những ai nỗ lực vì một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn.

Từ Vatican, 16 tháng Mười, 2023

PHANXICÔ

_____________________________________




[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2023]