Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Tại sao các chuông nhà thờ được “rửa tội”

Tại sao các chuông nhà thờ được “rửa tội”

Tại sao các chuông nhà thờ được “rửa tội”
Godong Robert Harding Heritage | AFP

08 tháng Một, 2020

Việc “rửa tội” mang tính tượng trưng theo tự nhiên, nhưng hướng đến sức mạnh thiêng liêng được ban xuống cho những quả chuông.

Chuông giữ một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo hội suốt nhiều thế kỷ, trở thành một phương cách giao tiếp chính yếu cho các linh mục và tu sĩ kêu gọi các tín hữu Ki-tô giáo cầu nguyện. Thật vậy, tầm quan trọng của các chuông quá lớn đến mức Giáo hội đã soạn ra một nghi thức tỷ mỷ để làm phép chuông, mà nhiều người gọi đó là một “phép rửa tội.”

Bách khoa toàn thư Công giáo cho biết lịch sử tóm tắt về nghi thức này.

Tên này đã được đặt cho việc làm phép chuông, ít nhất là ở Pháp, kể từ thế kỷ thứ mười một. Nó bắt đầu từ việc thanh tẩy quả chuông bằng nước thánh bởi đức giám mục, trước khi ngài xức dầu nó bằng dầu bệnh nhân có hoặc không có dầu thánh trong đó. Một bình xông hương tỏa hương trầm được đặt phía dưới. Đức Giám mục đọc lời nguyện rằng những á bí tích này của Giáo hội có thể xua đuổi ma quỷ, bảo vệ khỏi những cơn phong ba, và kêu gọi tín hữu cầu nguyện, nhờ vào tiếng chuông.

Gọi việc làm phép chuông là một “phép rửa tội” không phải là cách diễn đạt chính thức của Giáo hội, nhưng đơn giản là một cách phổ biến để mô tả nghi thức đặc biệt được sử dụng suốt nhiều thế kỷ. Ngay cả ngày nay các giám mục vẫn dùng nước thánh để làm phép một quả chuông mới, mặc dù nói chung không còn trịnh trọng như trước đây.

Nghi thức làm nổi bật sức mạnh á bí tích của quả chuông. Các á bí tích được làm phép bởi Giáo hội với mục đích thánh hóa đời sống của chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến với các bí tích. Chúng là những dấu chỉ thánh thiêng và ban cho chúng ta ân sủng (sự trợ giúp thiêng liêng) qua sự can thiệp của Giáo hội.

Một cách khác để miêu tả các á bí tích đó là sự mở rộng của các bí tích. Bản thân chúng không phải là bí tích, nhưng có mối liên hệ với bảy bí tích và tuôn đổ từ các bí tích đó, cuối cùng lại dẫn đưa chúng ta trở về với những bí tích.

Thật dễ dàng nhìn thấy được lý do tại sao các quả chuông được xem là một á bí tích, vì chúng dẫn đưa chúng ta trực tiếp đến với việc cử hành Thánh Thể, kêu gọi chúng ta tôn thờ Thiên Chúa vào ngày Chúa nhật, cũng như trong suốt tuần lễ.

Việc làm phép trọng thể cho các quả chuông nhắm đến mục tiêu xa hơn nữa là xua trừ các tà thần và thậm chí bảo vệ người tín hữu Ki-tô giáo khỏi những cơn phong ba.

Dưới đây là trích dẫn ngắn từ sách Roman Ritual làm nổi bật hai sức mạnh thiêng liêng này được ban tặng cho các quả chuông.

(Tạm dịch) Hãy để cho niềm tin và lòng sùng tín của con người mạnh mẽ hơn khi nghe thấy những hồi chuông du dương của nó. Khi nghe thấy tiếng chuông hãy làm cho mọi tà thần bị quét sạch; hãy làm cho sấm sét, mưa giông và bão tố bị xua tan; để cho sức mạnh của bàn tay Người dập tắt những sức mạnh tà ác của gió, khiến chúng phải run sợ khi nghe tiếng chuông này, và bỏ chạy khi nhìn thấy thánh giá được khắc trên đó … khi tiếng ngân của chuông này vang lên trên các tầng mây xin đạo binh các thiên thần canh giữ cho cộng đoàn Giáo hội Người, những hoa trái đầu mùa của các tín hữu, và nhận được sự bảo vệ thân xác và tâm hồn cho họ mãi mãi.

Mỗi khi bạn nghe thấy một tiếng chuông nhà thờ, hãy tạm dừng lại giây lát để nâng tâm hồn lên tới Chúa. Bạn sẽ hiểu tại sao chuông lại đóng một vai trò quan trọng như vậy trong đời sống thiêng liêng của chúng ta, cắt ngang cuộc sống bận rộn của chúng ta để kêu gọi chúng ta cầu nguyện và dẫn đưa chúng ta trở về với Chúa.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/1/2020]


Thúc đẩy đối thoại và hòa bình ở Đất Thánh

Thúc đẩy đối thoại và hòa bình ở Đất Thánh
Photo - Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và Wales

Thúc đẩy đối thoại và hòa bình ở Đất Thánh

Tập trung thừa tác vụ cho người Ki-tô hữu ở Gaza, Đông Giê-ru-sa-lem, và Ramallah

07 tháng Một, 2020 10:21

Theo bản tin của Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và Wales, các giám mục trên khắp Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ gặp gỡ ở Đất Thánh trong những ngày sắp tới để thúc đẩy đối thoại và hòa bình, với sự tập trung vào thừa tác vụ cho người Ki-tô hữu ở Gaza, Đông Giê-ru-sa-lem, và Ramallah.

Chuyến thăm thường niên này đã được thiết lập hơn 20 năm trước theo lời mời của Tòa Thánh với mục đích đến thăm và hỗ trợ các cộng đồng Ki-tô giáo địa phương khi họ trải nghiệm những thực tế chính trị và kinh tế xã hội của cuộc sống ở Israel và Palestine.

Các giám mục sẽ đóng trụ sở tại Ramallah với chuyến thăm qua đêm đến Gaza. Năm nay, HLC20 sẽ cử hành Thánh lễ Chúa nhật vào ngày 12 tháng Một với cộng đoàn Ki-tô giáo nhỏ bé ở Gaza. Mùa Giáng sinh năm nay, chính phủ Israel đã ngăn cản các Ki-tô hữu Gaza đến thăm viếng Bê-lem hoặc gia đình và thân nhân của họ ở Bờ Tây, vì vậy các giám mục quyết tâm đến Gaza và nhắc nhở cộng đồng Ki-tô giáo nhỏ bé rằng họ không bị lãng quên vì người Ki-tô hữu ở những quốc gia của các giám mục tiếp tục cầu nguyện cho tất cả người dân Gaza và cho sự chấm dứt xung đột. Hành động đoàn kết cụ thể này sẽ được tiếp nối bằng chuyến viếng thăm Ngôi nhà Hòa bình được điều hành bởi Dòng Thừa sai Bác ái; gặp gỡ giới trẻ, thăm các giáo dân Ki-tô hữu và một chuyến thăm mục vụ đến những bệnh nhân trong cộng đồng.

Các giám mục cũng sẽ gặp gỡ giới trẻ của Giê-ru-sa-lem và Ramallah để lắng nghe những hy vọng và kinh nghiệm của họ khi họ lớn lên trong xã hội bị chia rẽ này. Đức Tổng Giám mục Pizzaballa, Giám quản Tông tòa cho Thượng phụ La-tinh, và Đức Tổng Giám mục Sứ thần Girelli sẽ gặp gỡ các giám mục để thảo luận về tình hình hiện tại.

Ngoài những cuộc họp theo chương trình với các quan chức Palestine và Israel, cũng sẽ có các chuyến thăm tới Đông Giê-ru-sa-lem và các nữ tu Comboni ở Bethany, cũng như trường học và giáo xứ ở Ramallah.

Một thông cáo báo chí sẽ được phát hành tại buổi bế mạc Phiên họp Đất Thánh năm nay vào ngày 16 tháng Một.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/1/2020]