Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ – Thánh lễ tại sân vận động Steppe Arena, 03.09.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ – Thánh lễ tại sân vận động Steppe Arena, 03.09.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ (31 tháng Tám đến 4 tháng Chín năm 2023) – Thánh lễ tại sân vận động Steppe Arena, 03.09.2023

*******

Sáng nay, sau khi rời Phủ Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã di chuyển bằng xe hơi đến sân vận động Steppe Arena để cử hành Thánh lễ.

Khi đến nơi, sau khi đổi xe, Đức Thánh Cha chạy nhiều vòng trên xe golf giữa hơn 2000 tín hữu hiện diện, và vào lúc 16 giờ (10 giờ Roma), ngài chủ tế Thánh Lễ bằng tiếng Anh, vào Chúa Nhật 22 Thường niên.

Trong thánh lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha giảng lễ.

Cuối lễ, sau bài phát biểu bày tỏ lòng tôn kính của Đức Hồng Y Giorgio Marengo, I.M.C., Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, và trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào cuối cùng và lời cảm ơn đến các tín hữu và những người hành hương hiện diện. Sau đó, ngài lên xe trở về Phủ Tông tòa, và ngài dùng bữa tối riêng tại đây.

Sau đây là bài giảng và lời chào cuối lễ của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ:

________________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Với những lời của Thánh vịnh Đáp ca, chúng ta cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, … Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63:2). Lời khẩn cầu tuyệt vời này đồng hành với hành trình cuộc sống của chúng ta, giữa tất cả những sa mạc mà chúng ta được mời gọi vượt qua. Chính tại những sa mạc đó nơi chúng ta nghe thấy tin vui rằng chúng ta không đơn độc trong hành trình của mình; những lúc khô hạn đó không thể khiến cuộc sống của chúng ta trở nên cằn cỗi mãi mãi; tiếng kêu khát của chúng ta không rơi vào hư không. Thiên Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến ban cho chúng ta nước hằng sống của Chúa Thánh Thần để thỏa mãn tâm hồn chúng ta (x. Ga 4:10). Chúa Giêsu, như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, chỉ cho chúng ta con đường làm dịu cơn khát của chúng ta. Đó là con đường tình yêu mà Chúa đã đi thậm chí đến thập giá, và trên thập giá Chúa mời gọi chúng ta hãy theo Ngài, hy sinh mạng sống để tìm được chúng (x. Mt 16:24-25).

Chúng ta cùng suy ngẫm về hai điều này: cơn khát trong chúng ta và tình yêu làm dịu đi cơn khát đó.

Trước hết, chúng ta được mời gọi biết thừa nhận cơn khát trong chúng ta. Tác giả Thánh vịnh kêu lên Thiên Chúa trong sự khô cằn của mình, vì cuộc đời ông đã trở nên như một sa mạc. Những lời của ông có âm vang vọng đặc biệt ở một vùng đất như Mông Cổ: rộng lớn, giàu lịch sử và văn hóa, nhưng cũng là một vùng đất cũng bị đánh dấu bởi sự khô cằn của thảo nguyên và sa mạc. Nhiều người trong anh chị em thấu biết sự hài lòng lẫn sự nhọc mệt của cuộc hành trình, điều này gợi lên một khía cạnh nền tảng của linh đạo Kinh thánh được đại diện bởi Abraham và, theo nghĩa rộng hơn, bởi dân tộc Israel và tất cả mọi người môn đệ của Chúa. Vì tất cả chúng ta đều là “dân du mục của Thiên Chúa”, những người hành hương tìm kiếm hạnh phúc, những lữ khách khao khát tình yêu. Sa mạc mà tác giả Thánh vịnh nói tới chính là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta là mảnh đất khô cằn khát nước ngọt, thứ nước có thể làm dịu đi cơn khát sâu thẳm nhất của chúng ta. Tâm hồn chúng ta khao khát khám phá được bí mật của niềm vui đích thực, một niềm vui mà ngay cả giữa sự cằn cỗi của cuộc sống, vẫn có thể đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Sâu thẳm trong chúng ta, chúng ta khao khát niềm hạnh phúc vô bờ; chúng ta tìm kiếm ý nghĩa và hướng đi trong cuộc sống của mình, tìm kiếm lý do cho tất cả những việc chúng ta làm mỗi ngày. Chúng ta khao khát tình yêu hơn bất cứ điều gì, vì chỉ có tình yêu mới thực sự làm chúng ta thỏa mãn, mang đến cho chúng ta sự viên mãn; chỉ có tình yêu mới có thể khiến chúng ta hạnh phúc, thôi thúc sự vững lòng và cho phép chúng ta thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Anh chị em thân mến, đức tin Kitô giáo là câu trả lời cho cơn khát này; nó đón nhận cơn khát cách nghiêm túc, không loại bỏ hoặc cố gắng thay thế cơn khát đó bằng những liều thuốc an thần hoặc chất thay thế. Vì trong cơn khát này ẩn chứa mầu nhiệm cao cả của nhân loại chúng ta: nó mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa tình yêu, Đấng đến gặp gỡ chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con cái của Người, và là anh chị em với nhau.

Điều này đưa chúng ta đến điểm thứ hai: tình yêu làm dịu cơn khát của chúng ta. Trước hết là cơn khát cuộc sống sâu thẳm của chúng ta, và bây giờ chúng ta suy ngẫm về tình yêu làm dịu cơn khát của chúng ta. Đây là tâm điểm của đức tin Kitô giáo: Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu, đã đến gần anh chị em, đến gần tôi, đến gần tất cả mọi người, trong Chúa Giêsu Con của Người, và muốn chia sẻ cuộc sống, công việc, những ước mơ và niềm khao khát hạnh phúc của anh chị em. Sự thật là có những lúc chúng ta cảm thấy mình như “mảnh đất khô cằn, không có nước”, nhưng chính Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta và ban cho chúng ta nước trong lành, sảng khoái, nước hằng sống của Thánh Thần, tuôn trào trong chúng ta để đổi mới và giải thoát chúng ta khỏi mối nguy bị khô hạn. Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước đó. Như Thánh Augustinô nói với chúng ta, “…nếu chúng ta nhận ra mình nơi những người khát, chúng ta cũng nhận ra mình nơi những người làm dịu cơn khát đó” (On the Psalms, 63:1). Thật vậy, nếu trong cuộc sống này chúng ta thường trải qua sa mạc với sự cô đơn, mệt mỏi và trống rỗng, thì chúng ta cũng hãy nhớ rằng, như lời Thánh Augustinô, “vì sợ rằng chúng ta mệt lả trong sa mạc này, Thiên Chúa làm tươi mới chúng ta bằng làn sương của lời Người… Đúng vậy, Người làm cho chúng ta cảm thấy khát, nhưng rồi lại đến để thỏa mãn cơn khát đó… Thiên Chúa luôn thương xót chúng ta; Ngài đã mở cho chúng ta một con đường trong sa mạc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Và đó là con đường xuyên qua sa mạc của cuộc đời chúng ta. “Người ban cho chúng ta nguồn an ủi trong sa mạc đó: là những người rao giảng lời Chúa. Người ban cho chúng ta nước trong sa mạc đó, bằng cách đổ đầy Chúa Thánh Thần vào những nhà rao giảng này, để tạo ra nơi họ một nguồn nước tuôn trào cho sự sống đời đời” (nt. 1, 6). Các bạn thân mến, những lời này nói với các bạn về lịch sử của chính các bạn. Giữa những sa mạc của cuộc sống và trong những khó khăn liên quan đến tình trạng là một cộng đoàn nhỏ bé, Chúa bảo đảm rằng các bạn không thiếu nước lời Người, đặc biệt nhờ các nhà rao giảng và các nhà truyền giáo, những người được Chúa Thánh Thần xức dầu, gieo những hạt giống về vẻ đẹp của nó giữa các bạn. Lời đó luôn đưa chúng ta trở lại điều trọng yếu, về với điểm cốt lõi đức tin của chúng ta: đó là cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và từ đó biến cuộc sống của chúng ta thành một lễ vật tình yêu. Vì chỉ có tình yêu mới thực sự làm dịu cơn khát của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên: chỉ có tình yêu mới thực sự làm dịu cơn khát của chúng ta.

Đó chính là những gì Chúa Giêsu nói với Thánh Tông đồ Phêrô trong Tin Mừng hôm nay. Phêrô không thể chấp nhận sự thật rằng Chúa Giêsu phải chịu đau khổ, bị các nhà lãnh đạo dân chúng kết án, chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá. Phêrô phản ứng, ông phản kháng, ông cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu rằng Ngài đã sai, vì trong suy nghĩ của Phêrô – và chúng ta cũng thường có cùng một ý tưởng – thì Đấng Mêsia không thể có kết cục trong thất bại, chết trên thập giá như một tội nhân bị Thiên Chúa bỏ rơi. Sau đó, Chúa quở trách Phêrô vì tư tưởng của ông là “tư tưởng của loài người”, chứ không phải như Thiên Chúa (x. Mt 16:21-23). Nếu chúng ta nghĩ rằng sự thành công, quyền lực hay của cải vật chất đủ để thỏa mãn cơn khát trong cuộc sống thì chúng ta đang suy nghĩ như thế gian. Tính thế gian đó chẳng dẫn tới đâu; quả thực, nó khiến chúng ta còn khát hơn trước. Ngược lại, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:24-25).

Anh chị em thân mến, đây chắc chắn là cách tốt nhất: ôm lấy thập giá của Đức Kitô. Trọng tâm của Kitô giáo là một thông điệp tuyệt vời và phi thường. Nếu bạn mất mạng sống mình, nếu bạn biến nó thành của lễ phục vụ dâng lên cách hào phóng, nếu bạn mạo hiểm nó qua việc chọn yêu thương, nếu bạn biến nó thành một món quà miễn phí cho người khác, thì nó sẽ trở lại với bạn cách dồi dào, và bạn sẽ bị choáng ngợp bởi niềm vui bất tận, sự bình an trong lòng, sức mạnh và sự hỗ trợ bên trong; và chúng ta cần sự bình an nội tâm.

Đây là sự thật mà Chúa Giêsu muốn chúng ta khám phá, sự thật mà Ngài muốn mặc khải cho tất cả các bạn và cho vùng đất Mông Cổ này. Bạn không cần phải nổi tiếng, giàu có hay quyền lực để được hạnh phúc. Không! Chỉ có tình yêu mới làm thỏa mãn cơn khát của tâm hồn chúng ta, chỉ có tình yêu mới chữa lành những vết thương của chúng ta, chỉ có tình yêu mới mang đến cho chúng ta niềm vui đích thực. Đây là con đường Chúa Giêsu đã dạy chúng ta; đây là con đường mà Ngài đã mở ra trước mặt chúng ta.

Anh chị em thân mến, ước mong chúng ta cũng hãy chú ý đến những gì Chúa đã nói với Phêrô trong câu đáp lại: “Lui lại đằng sau Thầy” (Mt 16:23). Nói cách khác, hãy là môn đệ của Thầy, đi theo những bước chân của Thầy và đừng suy nghĩ như thế gian. Nếu chúng ta thực hiện điều này, nhờ ân sủng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ có thể hành trình trên con đường của tình yêu. Ngay cả khi tình yêu đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ bản thân, chống lại các hình thức ích kỷ cá nhân và thế gian, và chấp nhận mạo hiểm sống một cuộc đời huynh đệ đích thực. Vì chắc chắn tất cả những điều này đòi hỏi cố gắng và hy sinh, và đôi khi phải vác thập giá, nhưng điều còn chắc chắn hơn nữa là, khi chúng ta mất mạng sống vì Tin Mừng, Chúa sẽ ban lại cho chúng ta cách dồi dào, trong tình yêu và niềm vui trọn vẹn đến muôn đời.

______________________________________

Lời chào của Đức Thánh Cha cuối lễ

Tôi muốn nhân cơ hội này, trước sự hiện diện của hai anh em giám mục – Đức Giám mục danh dự của Hồng Kông và Đức Giám mục đương nhiệm của Hồng Kông – để gửi lời chào chân thành đến người dân Trung Quốc cao quý. Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp tới tất cả bạn: hãy luôn tiến về phía trước, luôn tiến lên! Và với người Công giáo Trung Quốc: cha mong anh chị em hãy là những Kitô hữu tốt và những công dân tốt. Cảm ơn tất cả anh chị em.

Xin cảm ơn Đức Hồng y vì những lời tốt đẹp và cảm ơn vì món quà của ngài! Đức Hồng y đã đề cập rằng trong những ngày này, ngài cảm nhận được sự thân thương của dân Chúa ở Mông Cổ trong trái tim tôi như thế nào. Đúng vậy: tôi bắt đầu cuộc hành hương này với lòng háo hức mong chờ được gặp gỡ tất cả các bạn và làm quen với các bạn. Bây giờ tôi cảm tạ Chúa vì các bạn, vì qua các bạn, Chúa thích sử dụng những gì nhỏ bé để đạt được những điều lớn lao. Cảm ơn các bạn vì các bạn là những Kitô hữu tốt và những công dân lương thiện. Hãy tiến bước một cách nhẹ nhàng và không sợ hãi, ý thức về sự gần gũi và sự khích lệ của toàn thể Giáo hội, và trên hết là ánh mắt dịu dàng của Chúa, Đấng không quên ai và trìu mến nhìn đến từng đứa con của Người.

Tôi xin chào các anh em giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ và tất cả bạn bè đến đây từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt từ các vùng khác nhau thuộc lục địa Châu Á rộng lớn, nơi tôi thấy rất vinh dự được đến đây. Tôi ôm lấy tất cả các bạn với tình cảm sâu sắc. Tôi đặc biệt biết ơn tất cả những người đã hỗ trợ Giáo hội địa phương về tinh thần và vật chất.

Trong những ngày này, các phái đoàn quan trọng của Chính phủ đều có mặt tại mọi sự kiện. Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống và các nhà chức trách vì sự chào đón và lòng hiếu khách của họ cũng như về tất cả những công việc chuẩn bị đã được thực hiện. Tôi cảm nhận được sự thân thiện truyền thống của các bạn; xin cảm ơn!

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các anh chị em thuộc các hệ phái Kitô giáo khác và các tôn giáo khác. Ước mong chúng ta tiếp tục xích lại gần nhau hơn trong tình huynh đệ, như những hạt giống hòa bình trong một thế giới bị tàn phá kinh hoàng bởi quá nhiều cuộc chiến tranh và xung đột.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người đã làm việc thật vất vả và trong thời gian dài để làm cho Cuộc hành trình của tôi có thể thực hiện được và thành công, cũng như lời cảm ơn tất cả những người đã chuẩn bị cho cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện.

Thưa Đức Hồng y, ngài đã nhắc nhở chúng tôi rằng trong tiếng Mông Cổ, từ “Cảm ơn” xuất phát từ động từ “vui mừng”. Lời “Cảm ơn” của tôi hoàn toàn phù hợp với cái nhìn sâu sắc tuyệt vời này của ngôn ngữ địa phương, vì nó tràn ngập niềm vui. Đó là lời “Cảm ơn” thật nhiều gửi đến người dân Mông Cổ, vì món quà tình bạn mà tôi đã nhận được trong những ngày này, vì khả năng thật sự của các bạn trong việc trân trọng ngay cả những khía cạnh đơn giản nhất của cuộc sống, để gìn giữ một cách khôn ngoan các mối tương quan và truyền thống cũng như vun đắp cuộc sống hàng ngày với sự quan tâm và chăm sóc.

Thánh lễ tự nó là một lời tạ ơn: “Eucharistía”. Khi cử hành Thánh lễ tại miền đất này, tôi nhớ đến lời cầu nguyện mà Cha Pierre Teilhard de Chardin Dòng Tên đã dâng lên Thiên Chúa đúng một trăm năm trước, trong sa mạc Ordos, cách đây không xa. Ngài cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con xin phủ phục trước sự hiện diện của Chúa trong vũ trụ bây giờ đã trở thành ngọn lửa sống: bên dưới nét đặc trưng của tất cả những gì con sẽ gặp ngày nay, tất cả những gì xảy ra với con, tất cả những gì con đạt được, đó là Chúa mà lòng con khao khát, con đợi trông”. Cha Teilhard de Chardin tham gia nghiên cứu địa chất. Ngài tha thiết muốn cử hành Thánh Lễ, nhưng lại thiếu bánh và rượu. Vì vậy, ngài đã viết quyển “Mass on the World”, diễn tả hy lễ của ngài bằng những lời này: “Lạy Chúa, xin nhận lấy bánh thánh này, mà toàn thể tạo vật của Người, được thúc đẩy bởi sự cuốn hút của Người, dâng lên Chúa vào buổi bình minh của ngày mới này”. Một lời cầu nguyện tương tự đã hình thành trong Cha khi ngài làm người khiêng cáng ở tiền tuyến trong Thế chiến thứ nhất. Vị linh mục này, thường bị hiểu lầm, đã cảm nhận trực giác được rằng “Bí tích Thánh Thể luôn được cử hành một cách nào đó trên bàn thờ của thế giới” và là “trung tâm sống động của vũ trụ, cốt lõi tràn ngập tình yêu và sự sống vô tận” (Tông huấn Laudato Sì, 236 ), ngay cả trong thời đại như thời đại chúng ta, ghi đậm dấu của những cuộc xung đột và chiến tranh. Vậy hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện theo lời của Cha Teilhard de Chardin: “Lời rạng ngời, Quyền năng rực sáng, Đấng nhào nặn sự đa dạng để thổi sự sống vào đó, con cầu xin Chúa, hãy đặt trên chúng con đôi bàn tay của Người – quyền năng, ân cần, ở muôn nơi”.

Anh chị em Mông Cổ thân mến, cảm ơn vì chứng tá của anh chị em. Bayarlalaa! [Cảm ơn!]. Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em. Anh chị em ở trong trái tim tôi, và anh chị em sẽ mãi ở lại trong trái tim tôi. Xin hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện và trong suy nghĩ của anh chị em. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2023]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mông Cổ – Gặp gỡ đại kết và liên tôn tại Nhà hát Hun, 03.09.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mông Cổ – Gặp gỡ đại kết và liên tôn tại Nhà hát Hun, 03.09.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mông Cổ (31 tháng Tám đến 4 tháng Chín năm 2023) – Gặp gỡ đại kết và liên tôn tại Nhà hát Hun, 03.09.2023

*******

Gặp gỡ đại kết và liên tôn tại Nhà hát Hun

Sáng nay, sau khi rời Phủ Tông Tòa, Đức Thánh Cha đã lên xe đến Nhà hát Hun, nơi diễn ra Cuộc Gặp gỡ Đại kết và Liên tôn vào lúc 10:10 (04:10 giờ Roma).

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Đức Hồng y Giorgio Marengo, I.M.C., phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar, và một vị lãnh đạo tôn giáo đón tiếp. Sau đó, sau bài phát biểu chào mừng của Đức Khamba Lama Gabju Demberel Choijamts, viện trưởng Tu viện Gandan Tegchenling, và đọc các thông điệp từ 11 nhà lãnh đạo của nhiều tôn giáo khác nhau, Đức Thánh Cha Phanxicô đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, sau khi chụp ảnh chung, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi trở về Phủ Tông Tòa để dùng bữa riêng.

Sau đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha trong Cuộc gặp gỡ Đại kết và Liên tôn:

____________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Chào (buổi sáng) tất cả quý vị, anh chị em thân mến!

Cho phép tôi ngỏ lời với anh chị em theo cách này, với tư cách là một người anh em trong đức tin với những ai tin vào Đức Kitô, và như một người anh em với tất cả anh chị em nhân danh sứ mệnh tôn giáo chung của chúng ta và với tư cách thành viên của chúng ta trong một gia đình nhân loại. Về sứ mệnh tôn giáo đó, nhân loại có thể được so sánh như một nhóm lữ khách bước đi trên trái đất với đôi mắt hướng nhìn lên trời. Một lữ khách phương xa từng nhận xét rằng ở đất nước Mông Cổ này ông “chẳng thấy gì ngoài trời và đất”. (cf. WILLIAM OF RUBRUK, Viaggio in Mongolia, XIII/3, Milan 2014, 63). Quả vậy ở đây, bầu trời thật trong xanh ôm lấy những vùng đất mênh mông và hùng vĩ này, như thể nhắc nhở chúng ta về hai khía cạnh quan trọng của cuộc sống con người: nơi trần thế, được tạo thành từ các mối tương quan của chúng ta với người khác, và nơi thiên đàng, trong sự tìm kiếm Đấng siêu việt. Do đó, Mông Cổ nhắc nhở tất cả chúng ta, là những người hành hương và lữ khách, hãy ngước mắt nhìn lên cao để nhận ra con đường nào phải đi trong hành trình của chúng ta nơi dương thế này.

Tôi rất vui được ở bên anh chị em trong giây phút gặp gỡ quan trọng này. Tôi chân thành cảm ơn từng người trong anh chị em vì sự hiện diện của anh chị em và vì mỗi cuộc nói chuyện đã làm phong phú thêm suy tư chung của chúng ta. Việc chúng ta gặp nhau ở một nơi đã gửi đi một thông điệp: nó cho thấy rằng các truyền thống tôn giáo, với tất cả sự khác biệt và đa dạng, đều có khả năng rất lớn vì lợi ích của toàn xã hội. Nếu các nhà lãnh đạo các quốc gia chọn con đường gặp gỡ và đối thoại với người khác, thì chắc chắn đó sẽ là một đóng góp mang tính quyết định để chấm dứt các cuộc xung đột đang tiếp tục gây đau khổ cho rất nhiều dân tộc trên thế giới.

Dân tộc Mông Cổ yêu quý đã tạo điều kiện cho chúng ta đến với nhau để làm phong phú lẫn nhau, vì họ có thể tự hào về một lịch sử chung sống giữa những tín đồ theo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Thật ấn tượng khi nghĩ đến Kharakorum, cố đô xưa của đế quốc, nơi tọa lạc bên trong các bức tường của nó những nơi thờ phượng của các tín ngưỡng khác nhau một cách đáng ngưỡng mộ, từ đó minh họa cho một sự hòa hợp đáng tán dương. Hòa hợp. Tôi muốn nhấn mạnh từ này bằng giọng Châu Á đặc trưng của nó. Sự hòa hợp là mối quan hệ đặc biệt sinh ra từ sự tương tác sáng tạo của các thực tại khác nhau, không áp đặt hay trộn lẫn, nhưng hoàn toàn tôn trọng những khác biệt, hướng tới một cuộc sống chung thanh bình. Tôi tự hỏi: Ai được kêu gọi làm việc cho sự hòa hợp giữa tất cả mọi người, nếu không phải những tín đồ?

Thưa anh chị em, ý nghĩa xã hội của các truyền thống tôn giáo của chúng ta có thể được đánh giá bằng mức độ mà chúng ta có thể sống hòa hợp với những người hành hương khác trên mặt đất này và có khả năng nuôi dưỡng sự hòa hợp đó ở những nơi chúng ta sống. Mỗi cá nhân con người, và hơn thế nữa là mỗi tôn giáo, đều phải được đo lường bằng tiêu chuẩn của lòng vị tha. Không phải lòng vị tha trừu tượng mà là cụ thể: lòng vị tha chuyển thành sự quan tâm đến người khác và hợp tác quảng đại với họ. Bởi vì “người trí vui mừng trong việc cho đi, và chỉ nhờ điều đó mà người ấy trở nên hạnh phúc” (The Dharmapada: The Buddha’s Path of Wisdom, Sri Lanka 1985, n. 177; cp. câu nói của Chúa Giêsu được tìm thấy trong Sách Công vụ 20:35). Như lời cầu nguyện được truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxicô Assisi, “Để con đem yêu thương đến nơi có hận thù, để con đem tha thứ đến nơi có sự xúc phạm, để con đem sự hiệp nhất đến nơi có bất hòa.” Lòng vị tha xây dựng sự hòa hợp và ở đâu có sự hòa hợp, chúng ta tìm thấy sự hiểu biết, thịnh vượng và cái đẹp. Sự hài hòa có thể là từ đồng nghĩa tốt nhất của vẻ đẹp. Trong khi sự hẹp hòi, sự áp đặt đơn phương, chủ nghĩa cơ yếu và sự ràng buộc về ý thức hệ phá hủy tình huynh đệ, châm ngòi cho những căng thẳng và làm tổn hại nền hòa bình, thì vẻ đẹp của cuộc sống được sinh ra từ sự hòa hợp, vốn mang tính cộng đồng: nó phát triển qua sự tử tế, lắng nghe và khiêm nhường. Và những ai có trái tim trong sáng thì đón nhận sự hài hòa, vì vẻ đẹp thực sự, như ngài Gandhi nói, nằm ở sự trong sáng của tâm hồn.

Các tôn giáo được mời gọi cống hiến cho thế giới sự hòa hợp này, điều mà một mình sự tiến bộ công nghệ không thể ban tặng được, vì khi quan tâm đến phương diện trần gian và chân trời của nhân loại, nó có nguy cơ quên mất thiên đàng, mà chúng ta được tạo dựng cho nơi đó. Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta gặp nhau với tư cách là những người thừa kế khiêm nhường của các trường phái khôn ngoan cổ xưa. Trong cuộc gặp gỡ với nhau, chúng ta muốn chia sẻ kho tàng vĩ đại mà chúng ta đã nhận được, nhằm làm phong phú thêm một nhân loại thường bị lạc lối trên hành trình vì theo đuổi lợi nhuận và tiện nghi vật chất thiển cận. Con người trong thời đại chúng ta thường không thể tìm ra con đường đúng đắn: chỉ quan tâm đến lợi ích trần gian, cuối cùng loài người hủy diệt trái đất và nhầm lẫn sự tiến bộ với sự thoái trào, như đã được chứng thực bởi rất nhiều bất công, xung đột, đàn áp, thảm họa môi trường và sự coi thường mạng sống con người.

Ở đây, Châu Á có nhiều điều để cống hiến và Mông Cổ, nằm ở trung tâm lục địa này, sở hữu một di sản khôn ngoan lớn lao mà các tôn giáo của đất nước đã giúp tạo ra, và tôi muốn thúc giục tất cả mọi người hãy khám phá và trân quý. Tôi sẽ đề cập cách giới hạn, ngắn gọn, mười khía cạnh của di sản này: một mối tương quan lành mạnh với truyền thống, bất chấp những cám dỗ của chủ nghĩa tiêu dùng; tôn trọng người cao tuổi và tổ tiên – ngày nay chúng ta rất cần giao ước thế hệ giữa người già và người trẻ, một cuộc đối thoại giữa ông bà và con cháu! Thêm nữa, quan tâm đến môi trường, ngôi nhà chung của chúng ta, một nhu cầu to lớn và cấp thiết khác, vì chúng ta đang gặp nguy hiểm. Rồi giá trị của sự thinh lặng và đời sống nội tâm, như một liều thuốc giải độc tinh thần cho biết bao căn bệnh trong thế giới ngày nay. Và ý thức về sự tiết kiệm lành mạnh; giá trị của lòng hiếu khách; khả năng chống lại sự ràng buộc với vật chất; tình liên đới được sinh ra từ văn hóa liên kết giữa các cá nhân; và tôn trọng sự đơn giản. Cuối cùng, một chủ nghĩa thực dụng của cuộc sống kiên trì theo đuổi lợi ích của cá nhân và cộng đồng. Mười khía cạnh này là một số yếu tố của di sản của sự khôn ngoan mà đất nước này có thể trao cho cho thế giới.

Nói về những yếu tố đó, khi chuẩn bị cho cuộc hành trình này tôi đề cập đến việc tôi đã bị cuốn hút bởi những ngôi nhà truyền thống thể hiện sự khôn ngoan của người dân Mông Cổ được tích lũy qua hàng thiên niên kỷ lịch sử. Ngôi lều ger tạo ra một không gian nhân văn: đó là nơi dành cho cuộc sống gia đình, niềm vui thân mật, gặp gỡ và đối thoại, có thể có không gian cho mỗi cá nhân, ngay cả trong đám đông. Ngoài ra, nó còn là một cột mốc cụ thể, dễ dàng nhận biết trên lãnh thổ Mông Cổ rộng lớn, và là nguồn hy vọng cho những người lạc đường, vì nơi nào có lều ger, nơi đó có sự sống. Nó luôn rộng mở, sẵn sàng chào đón bạn bè, kể cả du khách và thậm chí cả những người xa lạ, và mời một ly trà nóng để phục hồi sức lực trong cái lạnh của mùa đông, hoặc một ngụm sữa tươi để giải khát trong những ngày hè oi bức. Đây là kinh nghiệm của các nhà truyền giáo Công giáo đến từ các quốc gia khác, những người đã được chào đón ở đây với tư cách là những người hành hương và khách, và nhẹ nhàng đi vào nền văn hóa này, mang đến chứng tá khiêm nhường của họ về Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Cùng với không gian cho con người, lều ger còn thể hiện sự rộng mở quan trọng đối với tâm linh. Chiều kích tâm linh này được thể hiện bằng lỗ mở trên nóc, đón nhận chùm ánh sáng khiến bên trong trở thành một đồng hồ mặt trời tuyệt vời đánh dấu giờ cả ngày lẫn đêm, thông qua sự tương tác giữa ánh sáng và bóng râm. Có một bài học tuyệt vời về điều này: ý thức về thời gian trôi qua đến từ bên trên, không chỉ đơn giản từ dòng hoạt động của trần gian. Vào những thời điểm nhất định trong năm, chùm ánh sáng chiếu rọi từ trên cao soi sáng bàn thờ trong nhà, nhắc nhở chúng ta về tính ưu việt của đời sống tâm linh. Bằng cách này, ý thức về sự gắn kết con người được trải nghiệm trong không gian hình tròn này liên tục quy hướng về ơn gọi hướng thượng của nó, về ơn gọi siêu việt và tâm linh của nó.

Do đó, nhân loại hòa giải và thịnh vượng mà chúng ta tìm cách thúc đẩy, với tư cách là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, được tượng trưng bằng sự hòa hợp, gắn kết và cởi mở với tính siêu việt này. Và điều đó truyền cảm hứng cho cam kết vì công lý và hòa bình, đặt trên mối tương quan của chúng ta với Thượng đế. Anh chị em thân mến, theo ý nghĩa này, chúng ta có chung một trách nhiệm lớn lao, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử này, vì chúng ta được mời gọi làm chứng cho những giáo huấn mà chúng ta tuyên xưng bằng đường lối hành động của chúng ta; chúng ta không được mâu thuẫn với những giáo huấn đó và rồi trở thành nguyên nhân dẫn đến gương mù gương xấu. Vì vậy, không thể có sự pha trộn giữa niềm tin tôn giáo và bạo lực, giữa sự thánh thiện và áp bức, giữa truyền thống tôn giáo và chủ nghĩa bè phái. Ước mong ký ức về đau khổ trong quá khứ – ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến các cộng đồng Phật giáo – ban cho sức mạnh cần thiết để biến những vết thương đen tối thành nguồn ánh sáng, biến bạo lực vô nghĩa thành sự khôn ngoan của cuộc sống, biến sự dữ gây hại trở thành điều tốt lành mang tính xây dựng. Ước mong được như vậy đối với chúng ta, trong vai trò là những người tín đồ tận tâm của các bậc thầy tâm linh của các tôn giáo và những người quản lý trung thành với giáo lý của họ, luôn sẵn sàng cống hiến vẻ đẹp của những lời dạy đó cho những người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày như những người bạn và người đồng hành trên hành trình của chúng ta. Ước mong được như vậy, vì trong một xã hội đa nguyên cam kết với các giá trị dân chủ, chẳng hạn như Mông Cổ, mọi tổ chức tôn giáo được chính quyền dân sự công nhận hợp pháp, đều có nghĩa vụ, và trên hết là quyền, tự do thể hiện những gì thuộc bản chất của mình và những gì mình tin tưởng, theo cách tôn trọng lương tâm của người khác và vì lợi ích lớn lao hơn cho tất cả mọi người.

Về vấn đề này, tôi cam kết với anh chị em rằng Giáo hội Công giáo mong muốn đi theo con đường này, vững tin vào tầm quan trọng của cuộc đối thoại đại kết, liên tôn và văn hóa. Đức tin của Giáo hội đặt nền tảng trên cuộc đối thoại vô tận giữa Thiên Chúa, đã nhập thể nơi con người Đức Giêsu Kitô, và nhân loại. Với lòng khiêm nhường và tinh thần phục vụ được truyền cảm hứng bởi cuộc đời của Thầy mình, Đấng đã đến thế gian không phải “để được phục vụ mà để phục vụ” (Mc 10:45), Giáo Hội ngày nay trao tặng kho tàng mình đã đón nhận cho mọi người và mọi nền văn hóa, với tinh thần cởi mở và tôn trọng những gì các truyền thống tôn giáo khác mang đến. Quả thật, đối thoại không đối nghịch với việc loan báo: nó không che đậy những khác biệt, nhưng giúp chúng ta hiểu được chúng, giữ gìn chúng với tính chất riêng biệt của chúng và thảo luận chúng một cách cởi mở nhằm làm phong phú lẫn nhau. Bằng cách này, chúng ta có thể khám phá ra trong nhân loại chúng ta chìa khóa, được trời ban phúc, cho cuộc hành trình của chúng ta trên mặt đất này. Thưa anh chị em, chúng ta có chung một nguồn cội mang lại phẩm giá bình đẳng cho mọi người và có chung một con đường mà chúng ta chỉ có thể đi cùng nhau, vì chúng ta cùng cư ngụ dưới một bầu trời bao quanh và soi sáng chúng ta.

Thưa anh chị em, việc chúng ta cùng nhau đến đây hôm nay là một dấu hiệu cho thấy niềm hy vọng là có thể. Có hy vọng. Trong một thế giới bị chia cắt bởi xung đột và bất hòa, điều này có vẻ là không tưởng, tuy nhiên những quyết tâm lớn nhất còn ẩn giấu và gần như không thể nhận ra ngay từ đầu. Trong khi “hương thơm của hoa chỉ tỏa lan theo hướng gió, thì hương của người sống đức hạnh lan tỏa khắp mọi phương” (x. The Dhammapada, số 54). Chúng ta hãy làm cho niềm tin này được thăng hoa, để những nỗ lực chung của chúng ta nhằm thúc đẩy đối thoại và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sẽ không trở nên vô ích. Chúng ta hãy vun đắp hy vọng. Như một triết gia từng nói: “Mỗi người đều vĩ đại ứng với mục tiêu mà người đó hy vọng. Người này vĩ đại khi hy vọng vào điều có thể; người khác vĩ đại khi hy vọng vào sự vĩnh cửu; nhưng người hy vọng vào điều không thể lại là người vĩ đại nhất” (SOREN KIERKEGAARD, Fear and Trembling). Xin cho những lời cầu nguyện chúng ta dâng lên trời cao và tình huynh đệ mà chúng ta trải nghiệm ở đây trên trái đất sẽ gieo rắc những hạt giống hy vọng. Ước mong chúng ta trở thành chứng tá đơn sơ và khả tín cho tôn giáo của chúng ta, cho việc chúng ta cùng nhau tiến bước với đôi mắt hướng lên trời, cho cuộc sống của chúng ta trong thế giới này trong sự hòa hợp – chúng ta đừng bao giờ quên từ “hòa hợp” – như những người hành hương được kêu gọi gìn giữ bầu khí của một ngôi nhà mở ra cho tất cả mọi người. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/9/2023]