Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha

‘Phương thuốc hữu hiệu nhất là hãy nhìn vào Thập giá của Đức Ki-tô và để cho bản thân chúng ta được thách đố bởi tiếng kêu cuối cùng của Người’

25 tháng Ba, 2018
Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha
Vatican Media Screenshot
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha Phanxico trong Quảng trường Thánh Phê-rô:

***

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha
“Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Phụng vụ mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui và sự tán dương của người dân hô vang lời ngợi khen Thiên Chúa; một niềm vui sẽ phai nhạt dần và để lại một vị đắng và đau thương vào cuối trình thuật của Cuộc Thương Khó. Sự tung hô này dường như là sự kết hợp những câu chuyện của niềm vui và đau khổ, của sai lầm và thành công, mà chúng là một phần trong đời sống hàng ngày của chúng ta là những môn đệ của Người. Bằng cách này cách khác nó diễn tả những xảm xúc mâu thuẫn mà cả chúng ta nữa, những con người của ngày hôm nay, đang trải qua: khả năng yêu thương rất lớn … nhưng đồng thời cũng là sự thù hận rất lớn; khả năng hy sinh anh dũng, nhưng đồng thời cũng là khả năng “rửa tay của chúng ta” đúng lúc; khả năng trung thành, nhưng cũng là sự chối bỏ và phản bội.

Qua trình thuật Tin mừng chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ rằng niềm vui mà Chúa Giê-su khơi lên lại trở thành nguyên nhân của sự tức tối và bực dọc cho một số người.

Chúa Giê-su đi vào thành và được những đám đông dân chúng vây quanh cùng những sự ồn ào trộn lẫn giữa tiếng ca và tiếng hoan hô. Chúng ta có thể hình dung ra giữa những tiếng kêu mà chúng ta nghe thấy đó là giọng của đứa con được tha thứ, của người phong hủi được chữa lành, hoặc là tiếng kêu của con chiên bị lạc. Rồi cũng có cả bài ca của người thu thuế và người đàn ông được sạch; tiếng kêu của những người đang sống bên lề của thành phố. Và tiếng kêu của những con người đã đi theo Chúa giê-su vì họ cảm nhận được lòng thương xót của Người trước sự đau đớn và sầu khổ của họ … Tiếng kêu đó là một bài ca và đồng thời là niềm vui của tất cả những người bị bỏ rơi và bị khinh miệt, những người đã được Chúa Giê-su động chạm đến, bây giờ có thể hô lớn: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.” Làm sao họ lại không vang tiếng ngợi khen Đấng đã lấy lại cho họ phẩm giá và niềm hy vọng? Niềm vui của họ là niềm vui của quá nhiều tội nhân đã được tha thứ, họ có thể tín thác và hy vọng trở lại.

Tất cả niềm vui và sự ca khen này là nguyên nhân làm lo lắng, làm xấu hổ và bấn loạn cho những người tự coi họ là công chính và “trung thành” với lề luật và những quy định về nghi thức.[1] Một niềm vui không thể gánh được đối với những người cương quyết chống lại sự đau đớn, sự đau khổ và phiền muộn. Một niềm vui vượt ngoài khả năng chịu đựng cho những người đã quên đi nhiều cơ hội mà bản thân họ đã được trao tặng. Thật quá khó khăn cho những người phong lưu và người tự cho mình là công chính hiểu được niềm vui và sự tán tụng lòng thương xót của Chúa! Thật vô cùng khó khăn cho những người tự tin vào bản thân họ, khinh miệt người khác, biết chia sẻ niềm vui này.[2]

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha


Và ở đây lại nghe thấy một loại tiếng kêu khác, tiếng kêu hung tợn của những người hét lên: “Đóng đinh nó đi!” Nó không phải là tiếng kêu tự phát nhưng đã được kích động bởi những sự gièm pha, những lời vu khống và những lời chứng giả. Nó là tiếng hô của những kẻ bóp méo thực tại và tạo dựng ra những màn kịch vì lợi ích cá nhân của họ, không cần quan tâm đến danh tiếng của người khác. Nó là tiếng hô của những người dùng bất kỳ thủ đoạn nào để tìm kiếm quyền lực và dập tắt những tiếng nói nghịch lại. Đó là tiếng hô đến từ những sự thật “méo mó” và thêu dệt đến mức làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Giê-su và biến người thành một “tên tội phạm.” Đó là tiếng hô của những kẻ muốn bảo vệ cho vị trí của họ bằng cách bôi nhọ những người không có khả năng tự vệ. Nó là tiếng hô xuất phát từ những người muốn thể hiện sự tự mãn, tự đắc và kiêu ngạo, họ không ngần ngại hét lên: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi.”

Và vì thế sự tung hô của người dân cuối cùng bị dập tắt. Niềm hy vọng bị sụp đổ, những ước mơ bị giết chết, niềm vui bị ngăn lại; tâm hồn trở nên băng giá và đức ái trở nên nguội lạnh. Nó là tiếng hô “cứ thoải mái đi,” nó làm u mê ý thức về tình đoàn kết, làm nhụt lại những lý tưởng của chúng ta, và làm lu mờ tầm nhìn của chúng ta … nó là tiếng hô muốn xóa sạch lòng trắc ẩn.

Khi đối mặt với những người như vậy, phương thuốc hữu hiệu nhất là nhìn lên thập giá của Đức Ki-tô và để cho bản thân chúng ta được thách đố bởi tiếng kêu cuối cùng của Người. Người hy sinh và kêu lên tiếng kêu tình yêu đối với mỗi người chúng ta: trẻ và già, thánh nhân và tội nhân, mọi người trong thời đại của Người và thời đại của chúng ta. Chúng ta đã được cứu thoát bởi thập giá của Người, và không ai có thể ngăn cản được niềm vui của Tin mừng; không người nào, trong bất kỳ tình huống nào, lại cách xa khỏi ánh mắt đầy thương xót của Chúa Cha. Nhìn lên thập giá có nghĩa là cho phép những ưu tiên của chúng ta, những lựa chọn và những hành động của chúng ta được thách đố. Nó có nghĩa là chất vấn bản thân chúng ta về sự nhạy cảm của chúng ta đối với những người đang trải qua khó khăn. Tâm hồn của chúng ta đang tập trung vào đâu? Chúa Giê-su có còn tiếp tục là nguồn mạch niềm vui và ca khen trong tâm hồn của chúng ta không, hay những ưu tiên và quan tâm làm cho chúng ta thấy xấu hổ khi nhìn vào những tội nhân, những người bé mọn nhất và bị lãng quên?

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui mà Chúa Giê-su khơi dậy trong chúng con là nguyên nhân của sự tức giận và phẫn uất đối với một số người, vì một người trẻ tuổi đầy lòng hân hoan rất khó bị lợi dụng.

Nhưng ngày nay, có thể đang có một tiếng kêu khác: “Trong đám đông, có một vài người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su, “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ của thầy đi chứ.” Người trả lời, “Tôi bảo các ông, họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19: 39-40).

Luôn luôn tồn tại một sức ám dỗ muốn dập tắt tiếng nói của giới trẻ. Chính người Pha-ri-sêu đã khiển trách Chúa Giê-su và yêu cầu Ngài bắt họ phải im lặng.

Có rất nhiều cách để dập tắt tiếng nói của giới trẻ và làm cho họ trở nên vô hình. Có nhiều cách để làm cho họ bị tê liệt, làm cho họ phải im lặng, không chất vấn điều gì, không đặt vấn đề về bất kỳ điều gì. Có nhiều cách để ru ngủ họ, để làm cho họ tránh không can dự vào, để làm cho những ước mơ của họ trở nên tẻ nhạt và u ám, thiển cận và buồn chán.

Trong Chúa nhật Lễ Lá này, khi chúng ta mừng Ngày Giới trẻ Thế giới thì chúng ta cũng nghe rõ câu trả lời của Chúa Giê-su cho những người Pha-ri-sêu kia trong quá khứ và hiện tại: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19:40).

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha
Các bạn trẻ thân mến, chúng con phải ghi nhớ nó trong lòng để hô vang lên. Việc lựa chọn lời “Hoan hô!” của Chúa nhật này là tùy thuộc vào chúng con, làm sao để đừng dẫn đến câu “Hãy đóng đinh nó!” của ngày thứ Sáu … Giữ im lặng hay không là tùy thuộc vào chúng con. Thậm chí nếu người khác im lặng, nếu chúng ta là những người lớn và người lãnh đạo giữ im lặng, nếu toàn thế giới giữ im lặng và đánh mất niềm vui, thì cha hỏi chúng con: Chúng con có lên tiếng kêu không?

Hãy lựa chọn, trước khi chính những tảng đá sẽ kêu lên.”

[Văn bản chính: tiếng Ý]

© Copyright – Libreria Editrice Vaticana


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2018]


Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người

Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người

“Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc.”

24 tháng Ba, 2018
Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người
Wikimedia Commons
“Tòa Thánh luôn luôn nhấn mạnh rằng chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng,” theo Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc. “Nước sinh hoạt không an toàn là nguyên nhân của nhiều cái chết mỗi ngày, và làm lây lan những căn bệnh liên quan đến nước, trong đó có những bệnh do vi sinh vật và các chất hóa học.”

Bài trình bày của đức tổng giám mục ngày 23 tháng Ba, 2018, trong Sự kiện Cấp cao của “Thập niên Hành động Quốc tế: ‘Nước cho Sự Phát triển Bền vững’” tại Liên Hợp quốc ở New York.

Trong bài tham luận, Đức Tổng Giám mục Auza tập trung sự chú ý vào chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo, vì nguồn nước không an toàn gây tử vong và lây lan những căn bệnh liên quan đến nước. Ngài nói, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh rằng sự tiếp cận được với nguồn nước an toàn, có thể uống được là một quyền căn bản và phổ quát của con người, và là một điều kiện để thực hành nhân quyền. Vì thế, phải gia tăng cấp vốn để bảo đảm cho sự tiếp cận với nước và sự vệ sinh trên toàn cầu, những nỗ lực giảm bớt lãng phí và sử dụng bất phù hợp, và nâng cao việc giáo dục và ý thức.

Đức Tổng Giám mục Auza nói đến những dự án được Tòa Thánh hỗ trợ, chẳng hạn Quỹ Gioan Phaolo II cho khu vực Sahel, cung cấp nước uống sạch cho người nghèo, chống lại tình trạng sa mạc hóa, bơm nước, huấn luyện nhân sự về chuyên môn, và phát triển các đơn vị nông nghiệp. Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc, đòi hỏi điều mà Đức Thánh Cha Phanxico gọi là một “sự chuyển biến sinh thái” sang một văn hóa chăm sóc và đoàn kết.


Dưới đây là bài phát biểu của ngài.

Thưa ông Chủ tịch,

Phái đoàn của tôi mong muốn gửi lời cảm ơn ông đã triệu tập sự kiện cấp cao này và có được cơ hội để chia sẻ quan điểm của chúng tôi về những vấn đề liên quan đến nước trước Thập niên Hành động Quốc tế 2018-2028, với chủ đề “Nước cho sự Phát triển Bền vững,” được khởi động từ hôm nay.

Tòa Thánh luôn luôn nhấn mạnh rằng chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Nước sinh hoạt không an toàn là nguyên nhân của nhiều cái chết mỗi ngày, và làm lây lan những căn bệnh liên quan đến nước, trong đó có những bệnh do vi sinh vật và các chất hóa học.

Trong những năm vừa qua, những chứng bệnh có thể ngăn ngừa được như bệnh lỵ và bệnh tả, do thiếu vệ sinh và những nguồn cấp nước, đã gây ra hàng ngàn cái chết và là một nguyên nhân đáng kể về tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.

Trong Tông huấn Chúc tụng Chúa, Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh rằng “sự tiếp cận được với nguồn nước an toàn, có thể uống được là một quyền căn bản và phổ quát của con người, vì nó vô cùng thiết yếu đối với sự tồn tại của con người, và là một điều kiện để thực hành nhân quyền. Thế giới mắc một món nợ xã hội rất lớn đối với người nghèo là những người không có đủ sự tiếp cận được với nước uống vì họ bị từ chối quyền có được một cuộc sống phù hợp với phẩm giá bất biến của họ.”[1]

Thưa ông Chủ tịch,

Nước là một tài nguyên khan hiếm và không thể thiếu được và là một quyền căn bản ảnh hưởng đến việc thi hành những quyền con người khác. Sự thật hiển nhiên này phải được đặt lên đầu khi cân nhắc những ưu tiên phân phối và sử dụng nước. Nó cũng lên tiếng kêu gọi phải giảm bớt sự lãng phí và sự tiêu thụ bất hợp lý, gia tăng cấp quỹ để bảo đảm việc tiếp cận phổ quát đối với nước và vệ sinh cơ bản, và nâng cao ý thức và hiểu biết về sự tương quan giữa sự sống và nước.

Tòa thánh tích cực thúc đẩy những dự án cung cấp nước uống an toàn cho người nghèo. Chẳng hạn Quỹ Gioan Phaolo II cho vùng Sahel, hàng năm cung cấp những nguồn tài nguyên thiết yếu để hỗ trợ những cộng đồng trong các vùng khan hiếm hoặc không có nguồn nước. Quỹ thực hiện những dự án chống sa mạc hóa, bơm nước, phát triển những đơn vị nông nghiệp và huấn luyện nhân sự có chuyên môn để phục vụ cộng đồng của họ. Tòa Thánh cũng thúc đẩy sự kết nối xã hội và sự hòa hợp tôn giáo giữa những cá nhân và cộng đồng được hưởng lợi từ những dự án về nước.

Thưa ông Chủ tịch,

Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc. Vì lý do này, sự khủng hoảng về nước cũng là một mệnh lệnh phải tiến đến với “sự chuyển biến sinh thái” sâu sắc, [2] được thể hiện qua một văn hóa chăm sóc và đoàn kết, làm cho ngôi nhà chung của chúng ta trở thành một nơi đáng sống hơn và huynh đệ hơn, một nơi không ai bị bỏ rơi và tất cả mọi người có được cuộc sống khỏe mạnh và đúng phẩm giá.

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.


1. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Chúc tụng Chúa, 30.

2. Nt. 216.

Copyright © 2018 Phái bộ Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, All rights reserved.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2018]