Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

Đức Thánh Cha động viên tín hữu hãy trở về với điều trọng yếu trong Mùa Chay

Đức Thánh Cha động viên tín hữu hãy trở về với điều trọng yếu trong Mùa Chay

Đức Thánh Cha động viên tín hữu hãy trở về với điều trọng yếu trong Mùa Chay

Bài giảng Lễ Tro của Đức Thánh Cha

06 tháng Ba, 2019 17:15

Ngày 6 tháng Ba, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico gửi một thông điệp đơn giản và thẳng thắn vào đầu Mùa Chay: hãy trở về với điều trọng yếu.

Đức Thánh Cha nói: “Trở về. Nếu chúng ta phải trở về, thì có nghĩa là chúng ta đã đi lang thang rất nhiều. Mùa Chay là thời gian để tái khám phá hướng đi của cuộc đời. Vì trong hành trình của cuộc sống, cũng như trong mọi chuyến đi, điều thật sự quan trọng là không để lạc mất đích đến.”

Lời của ngài đưa ra trong bài giảng Thứ Tư Lễ Tro trong Vương cung Thánh đường Thánh Sabina ở Roma. Trước Thánh Lễ, một giờ cầu nguyện được tổ chức trong nhà thờ Sant’Anselmo all’Aventino, tiếp theo là cuộc rước thống hối tiến về Vương cung Thánh đường Thánh Sabina để dâng Lễ và nghi thức xức tro. Các Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, các Thầy Dòng Benedictine Sant’Anselmo, các Cha Dòng Đa-minh Santa Sabina và một số tín hữu tham dự buổi rước.

Đức Thánh Cha nói tiếp, “Tuy nhiên, khi chúng ta đi du lịch, nếu điều chúng ta quan tâm là ngắm cảnh hoặc dừng lại để ăn uống thì chúng ta sẽ không đi xa được. Chúng ta hãy tự hỏi mình: trên hành trình cuộc sống, tôi có tìm kiếm con đường tiến bước? Hay tôi thỏa mãn với cách sống hiện tại và chỉ quan tâm đến cảm giác hài lòng, giải quyết đôi ba vấn đề và giải trí? Con đường là gì? Đó có phải là việc tìm kiếm sức khỏe, là điều mà nhiều người ngày nay nói phải ưu tiên hàng đầu nhưng cuối cùng nó vẫn đi qua? Đó có phải là sở hữu nhiều thứ và dư dật? Nhưng chúng ta không sinh ra trên trần gian vì điều này. Chúa nói, Trở về với Ta, về với Ta. Thiên Chúa là đích đến cho hành trình của chúng ta trên trần gian này. Lối đi phải hướng về Ngài.”

Đức Thánh Cha trích dẫn Tin mừng, chỉ ra ba bước cho tín hữu thực hiện trong Mùa Chay “để không trở thành đạo đức giả hoặc giả hình: làm phúc, cầu nguyện, ăn chay.” Đức Thánh Cha giải thích:

“Làm phúc, ăn chay, và cầu nguyện đưa chúng ta trở lại với ba thực tại không bao giờ bị phai mờ. Cầu nguyện kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa; bác ái với anh em của chúng ta; ăn chay là cho chính bản thân chúng ta. Thiên Chúa, anh em, chính bản thân tôi: đây là ba thực tại không bao giờ phai mờ và là ba thực tại chúng ta phải đầu tư vào.

“Vì vậy, Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy tập trung, trước hết vào Đấng Toàn Năng, trong việc cầu nguyện, nó giải thoát chúng ta khỏi cuộc sống chỉ hướng ngang và theo thế gian trong đó chúng ta tìm được thời gian cho bản thân nhưng lại quên Thiên Chúa. Sau đó nó mời gọi chúng ta chú ý đến người khác, với việc bác ái giải thoát chúng ta khỏi tính hư ảo muốn chiếm hữu và cho rằng mọi thứ chỉ tốt khi nó tốt đối với tôi. Cuối cùng, Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy nhìn vào trong tâm hồn của mình, bằng việc ăn chay, nó giải thoát chúng ta khỏi sự gắn chặt vào vật chất và vào tính thế gian làm tê liệt tâm hồn. Cầu nguyện, bác ái, ăn chay: ba sự đầu tư cho một gia tài trường tồn.”


*******

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

“Hãy rúc tù và […] ra lệnh giữ chay thánh” (Ge 2:15), lời ngôn sứ nói trong bài đọc một. Mùa Chay mở ra với một âm thanh chói tai, âm thanh của tù và không làm êm tai nhưng là để công bố một sự chay tịnh. Nó là một âm thanh vang khắp nhằm làm chậm lại cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống với tốc độ quá nhanh, nhưng thường lại không định hướng. Nó là một lời hiệu triệu hãy dừng lại, để tập trung vào điều gì là quan trọng, để bỏ bớt những thứ không cần thiết làm chúng ta sao lãng. Nó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho linh hồn.

Hồi chuông cảnh tỉnh này được đi kèm với thông điệp mà Chúa công bố qua môi miệng của ngôn sứ, một thông điệp ngắn và chân thành: “Trở về với Ta” (c. 12). Trở về. Nếu chúng ta phải trở về, thì có nghĩa là chúng ta đã đi lang thang rất nhiều. Mùa Chay là thời gian để tái khám phá hướng đi của cuộc đời. Vì trong hành trình của cuộc sống, cũng như trong mọi chuyến đi, điều thật sự quan trọng là không để lạc mất đích đến. Tuy nhiên, khi chúng ta đi du lịch, nếu điều chúng ta quan tâm là ngắm cảnh hoặc dừng lại để ăn uống thì chúng ta sẽ không đi xa được. Chúng ta hãy tự hỏi mình: trên hành trình cuộc sống, tôi có tìm kiếm con đường tiến bước? Hay tôi thỏa mãn với cách sống hiện tại và chỉ quan tâm đến cảm giác hài lòng, giải quyết đôi ba vấn đề và giải trí? Con đường là gì? Đó có phải là việc tìm kiếm sức khỏe, là điều mà nhiều người ngày nay nói phải ưu tiên hàng đầu nhưng cuối cùng nó vẫn đi qua? Nó có phải là sở hữu nhiều thứ và dư dật? Nhưng chúng ta không sinh ra trên trần gian vì điều này. Chúa nói, Trở về với Ta, về với Ta. Thiên Chúa là đích đến cho hành trình của chúng ta trên trần gian này. Lối đi phải hướng về Ngài.

Hôm nay chúng ta lãnh nhận một dấu chỉ giúp chúng ta tìm được phương hướng cho mình: chúng ta được xức tro trên đầu. Nó là một dấu chỉ khiến chúng ta phải suy xét đến những gì chứa đựng trong tâm trí chúng ta. Suy nghĩ của chúng ta thường tập trung vào những thứ chóng qua, nó đến rồi đi. Dấu tro nhỏ bé mà chúng ta sẽ nhận, là một lời nhắc nhở ý nhị nhưng lại rất thật về nhiều điều đang chế ngự suy nghĩ của chúng ta, những điều chúng ta lao theo và phải lo lắng về nó mỗi ngày, chẳng có gì tồn tại mãi. Cho dù chúng ta có làm việc chăm chỉ đến mấy, chúng ta cũng sẽ chẳng mang theo được tài sản nào ra khỏi cuộc đời này. Những thực tại của thế gian phai mờ dần giống như bụi đất và cơn gió thoảng. Của cải sở hữu chỉ là tạm thời, quyền lực rồi cũng qua đi, sự thành công cũng phai mờ dần. Văn hóa hình thức đang thịnh hành ngày nay thuyết phục chúng ta sống vì những điều chóng qua, là một sự lừa gạt lớn. Nó giống như một ngọn lửa bùng phát: khi bị dập tắt chỉ còn lại tro tàn. Mùa Chay là một thời gian giải thoát chúng ta khỏi ảo tưởng chạy theo tro bụi. Mùa Chay là để tái khám phá rằng chúng ta được tạo dựng vì ngọn lửa bất diệt, không phải vì tro tàn tiêu tan nhanh chóng; vì Thiên Chúa, không phải vì thế gian; vì sự trường tồn của thiên đàng, không phải vì sự lừa dối của thế gian; vì sự tự do của con cái Thiên Chúa, không phải vì sự nô lệ vật chất. Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi đứng ở đâu? Tôi sống vì ngọn lửa hay vì tro tàn?

Trên hành trình Mùa Chay này, trở lại với điều gì là quan trọng, Tin mừng đề nghị ba bước đi mà Chúa mời gọi chúng ta thực hiện để không trở thành đạo đức giả hoặc giả hình: làm phúc, cầu nguyện, ăn chay. Làm những việc này để làm gì? Làm phúc, ăn chay, và cầu nguyện đưa chúng ta trở lại với ba thực tại không bao giờ bị phai mờ. Cầu nguyện kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa; bác ái với anh em của chúng ta; ăn chay là cho chính bản thân chúng ta. Thiên Chúa, anh em, chính bản thân tôi: đây là ba thực tại không bao giờ phai mờ và là ba thực tại chúng ta phải đầu tư vào. Vì vậy, Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy tập trung, trước hết vào Đấng Toàn Năng, trong việc cầu nguyện, nó giải thoát chúng ta khỏi cuộc sống chỉ hướng ngang và theo thế gian trong đó chúng ta tìm được thời gian cho bản thân nhưng lại quên Thiên Chúa. Sau đó nó mời gọi chúng ta chú ý đến người khác, với việc bác ái giải thoát chúng ta khỏi tính hư ảo muốn chiếm hữu và cho rằng mọi thứ chỉ tốt khi nó tốt đối với tôi. Cuối cùng, Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy nhìn vào trong tâm hồn của mình, bằng việc ăn chay, nó giải thoát chúng ta khỏi sự gắn chặt vào vật chất và vào tính thế gian làm tê liệt tâm hồn. Cầu nguyện, bác ái, ăn chay: ba sự đầu tư cho một gia tài trường tồn.”

Chúa Giê-su nói: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6:21). Tâm hồn chúng ta luôn tập trung về một hướng nào đó: nó giống như một la bàn xác định phương hướng. Chúng ta cũng có thể ví nó như một nam châm: nó cần phải hút dính một thứ gì đó. Nhưng nếu nó chỉ gắn chặt vào những thứ thuộc về thế gian, chẳng sớm thì muộn nó sẽ trở thành một nô lệ cho những thứ kia: những thứ với mục đích để sử dụng lại trở thành những thứ chúng ta phục vụ. Những hình thức bên ngoài, tiền bạc, sự nghiệp hoặc sở thích: nếu chúng ta sống vì chúng thì chúng sẽ trở thành ngẫu thần biến chúng ta thành nô lệ, trở thành sự quyến rũ lôi cuốn chúng ta và rồi để chúng ta bơ vơ trôi giạt. Nhưng nếu tâm hồn chúng ta gắn chặt vào điều không hư mất, chúng ta sẽ tái khám phá được bản thân và được tự do. Mùa Chay là một thời gian của ơn sủng giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi sự hư ảo. Nó là một thời gian chữa lành những căn bệnh nghiện quyến rũ chúng ta. Nó là thời gian để hướng ánh mắt về sự trường tồn.

Vậy chúng ta hướng ánh mắt của chúng ta về đâu trong suốt hành trình Mùa Chay này? Hãy nhìn lên Đấng Bị Đóng Đinh. Đức Giê-su trên thập giá là la bàn cho cuộc sống hướng chúng ta về thiên đàng. Sự nghèo nàn của thân gỗ, sự thinh lặng của Chúa, sự tự trút bỏ mình vì yêu của Người cho chúng ta thấy sự cần thiết của một đời sống đơn giản hơn, thoát khỏi những lo toan về vật chất. Trên thập giá, Chúa Giê-su dạy chúng ta lòng can đảm dám buông bỏ. Chúng ta sẽ không bao giờ tiến tới được nếu chúng ta bị gánh nặng đè lên mình. Chúng ta cần phải giải thoát mình khỏi sự điều khiển của chủ nghĩa hưởng thụ và những mưu chước của tính ích kỷ, thoát khỏi lòng ham muốn có thêm, không bao giờ thỏa mãn, và thoát khỏi một tâm hồn khóa chặt trước những thiếu thốn của người nghèo. Chúa Giê-su trên gỗ thập giá cháy bỏng vì yêu và kêu gọi chúng ta đến với một đời sống biết say mê Ngài, một đời sống không bị lạc lối giữa những tro bụi của thế gian; đến với một đời sống cháy bỏng với lòng bác ái và không bị dập tắt bởi những sự tầm thường. Để sống theo như Ngài yêu cầu có khó không? Có, nhưng nó dẫn chúng ta về đích. Mùa Chay cho chúng ta thấy điều này. Nó bắt đầu bằng tro nhưng cuối cùng dẫn đưa chúng ta đến với lửa của đêm Phục sinh; để khám phá được điều đó, trong ngôi mộ, thân xác Chúa Giê-su không biến thành tro bụi, nhưng trỗi dậy vinh quang. Điều này cũng đúng đối với chúng ta là thân phận tro bụi. Với những yếu đuối của mình, nếu chúng ta trở về với Chúa, nếu chúng ta đi theo con đường yêu thương, thì chúng ta sẽ tìm được đời sống không bao giờ kết thúc. Và chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui.

[00395-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/3/2019]


Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 2 (số 5-20)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng 2 (Số 5 - 20):



PHẦN I

“NGƯỜI CÙNG ĐI VỚI HỌ”

5. “Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ” (Lc 24:13-15).

Trong trích đoạn này tác giả tin mừng chuyển tải nhu cầu của hai người lữ khách đi tìm ý nghĩa của những biến cố mà họ đã trải qua. Ngài tập trung đặc biệt vào thái độ của Chúa Giê-su cùng đi với họ trên hành trình. Chúa Phục Sinh muốn cùng sánh bước bên cạnh tất cả mọi người trẻ, lắng nghe những mong chờ của họ, cho dù đó là những điều không đạt được, và những hy vọng của họ, dù đó là những hy vọng nhỏ bé. Chúa Giê-su cùng đi, lắng nghe và chia sẻ.


Chương 1

Một Giáo hội lắng nghe

Lắng nghe và nhìn với lòng cảm thông

Giá trị của sự lắng nghe

6. Lắng nghe là một sự gặp gỡ trong tự do, nó đòi hỏi sự khiêm nhường, kiên nhẫn, sẵn sàng thấu hiểu, và một cam kết sẵn sàng trình bày những câu trả lời theo một cách mới. Lắng nghe biến đổi tâm hồn của những người thực hiện nó, đặc biệt khi nó diễn ra trong tâm tình hòa hợp và vâng nghe Thần Khí. Vì vậy nó không chỉ là sự thu thập thông tin, cũng không phải là một sách lược để đạt được một mục tiêu, nhưng nó là một cách thức mà chính Thiên Chúa liên hệ với dân của Người. Thiên Chúa nhìn thấy sự khốn khổ của dân Người và nghe thấy tiếng khóc của họ, Người thực sự mủi lòng và Người xuống để giải thoát họ (x. Xh 3:7-8). Qua việc lắng nghe, Giáo hội đi vào chuyển động của Thiên Chúa, Đấng qua Con của Người, đã xuống thế để đến gần với từng con người.

Người trẻ muốn được lắng nghe

7. Người trẻ được kêu gọi phải đưa ra những lựa chọn kiên định tạo hướng đi cho cuộc sống của họ; họ bày tỏ khát khao được lắng nghe, được công nhận, và được đồng hành. Nhiều bạn trẻ thấy rằng tiếng nói của họ không được xem là đáng quan tâm hay hữu ích trong phạm vi xã hội và giáo hội. Trong một số tình huống tiếng kêu của họ rất ít được chú ý, đặc biệt là tiếng kêu của những bạn trẻ nghèo và bị bóc lột – rất ít người lớn sẵn sàng và có thể lắng nghe họ.

Sự lắng nghe trong Giáo hội

8. Trong Giáo hội có rất nhiều sáng kiến và những trải nghiệm củng cố có thể cung cấp cho người trẻ một trải nghiệm được chấp nhận, được lắng nghe và biết cách làm cho họ được lắng nghe. Tuy vậy, Thượng Hội đồng nhận thấy rằng cộng đoàn hội thánh không phải luôn luôn thành công trong việc chuyển tải thái độ của Chúa Giê-su đối với các môn đệ đi làng Ê-mau, khi Người hỏi họ, trước khi soi sáng cho họ bằng Lời, “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24:17). Đôi khi có thể theo khuynh hướng đưa ra những câu hỏi được đóng gói trước và những giải pháp đã được chuẩn bị sẵn, mà không cho phép những câu hỏi của người trẻ được trổi lên theo tính trẻ trung của họ và gắn liền với những thách đố mà họ đưa ra.

Lắng nghe có thể tạo ra sự trao đổi các ơn sủng trong một bối cảnh cảm thông. Nó cho phép họ cống hiến những đóng góp riêng của họ cho cộng đoàn, giúp cộng đoàn nắm bắt những sự nhạy bén mới và cân nhắc những câu hỏi mới, đồng thời cộng đoàn thiết lập những điều kiện cho sự loan báo Tin mừng có thể thật sự chạm đến được tâm hồn, một cách sâu sắc và hiệu quả.


Lắng nghe như những mục tử và những người giáo dân có đủ trình độ chuyên môn


9. Lắng nghe là một yếu tố then chốt trong thừa tác vụ của các mục tử, trên hết đó là thừa tác vụ của các giám mục, mặc dù các giám mục thường xuyên mang những gánh nặng của nhiều trách vụ và các ngài phải cố gắng tìm thời gian đủ cho sự phục vụ đặc biệt này. Nhiều vị chỉ ra sự thiếu vắng những người đủ khả năng cống hiến cho sự đồng hành này. Tin tưởng vào giá trị thần học và mục vụ của việc lắng nghe dẫn đến nhu cầu phải cân nhắc lại và canh tân những con đường mà thừa tác vụ linh mục được thực hiện theo cách thông thường và cân nhắc đến những tính ưu tiên của nó. Ngoài ra, Thượng Hội đồng nhận thấy sự cần thiết phải đào tạo những người tận hiến và những giáo dân, nam và nữ, đủ trình độ chuyên môn để đồng hành với người trẻ. Đặc sủng của việc lắng nghe mà Thánh Thần kêu gọi trong các cộng đoàn cũng có thể nhận được sự công nhận về mặt thể chế như một hình thức phục vụ hội thánh.



Sự đa dạng của các bối cảnh và văn hóa

Một thế giới đông đảo


10. Cấu trúc chính của Thượng Hội đồng mang đến sự hiện diện và đóng góp của nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới, làm nổi bật lên vẻ đẹp của một Giáo hội hoàn vũ. Cho dù trong một bối cảnh toàn cầu hóa đang phát triển, nhưng các Nghị Phụ yêu cầu rằng những sự khác biệt giữa các bối cảnh và các nền văn hóa, thậm chí ngay trong một quốc gia, đều phải được ghi chú đầy đủ. Tính đa dạng của các thế giới của người trẻ quá lớn đến mức trong một số quốc gia có khuynh hướng sử dụng thuật ngữ “giới trẻ” (youth) ở số nhiều. Ngoài ra độ tuổi được quy định bởi Thượng Hội đồng hiện tại (16-29 tuổi) không đại diện cho một nhóm duy nhất, nhưng bao gồm nhiều nhóm khác nhau và mỗi nhóm có kinh nghiệm cuộc sống riêng của họ.

Tất cả những khác biệt này có một tác động sâu sắc đến kinh nghiệm thực tế của người trẻ: chúng ảnh hưởng đến những giai đoạn trưởng thành khác nhau, những hình thái kinh nghiệm về tôn giáo, cấu trúc gia đình và tầm quan trọng của nó cho sự truyền đạt đức tin, những mối quan hệ giữa các thế hệ – chẳng hạn như vai trò của người lớn tuổi và sự tôn trọng dành cho họ – những cách thức tham gia vào đời sống xã hội, những thái độ hướng đến tương lai, những câu hỏi về đại kết và liên tôn. Thượng Hội đồng ghi nhận và chấp nhận sự dồi dào trong tính đa dạng của các nền văn hóa và và lấy chính nó để phục vụ cho sự hiệp thông của Thần Khí.

Những thay đổi đang diễn ra
11. Điều đặc biệt quan trọng là sự khác biệt về động lực nhân khẩu học giữa các quốc gia có tỷ lệ sinh cao, trong đó những người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ đáng kể và ngày càng tăng về dân số, và những quốc gia mà sự ảnh hưởng của giới trẻ đang mất dần đi tầm quan trọng. Một yếu tố khác biệt hơn nữa là do kết quả của lịch sử: có những quốc gia và lục địa với truyền thống Kitô giáo từ xa xưa, với nền văn hóa được in đậm nét trong ký ức và không thể dễ dàng bị gạt bỏ, nhưng cũng có những quốc gia và lục địa được in dấu bởi các truyền thống tôn giáo khác, trong đó Ki-tô giáo là một nhóm thiểu số - thường là nhóm thiểu số mới đến. Một lần nữa ở các lãnh thổ khác, các cộng đồng Ki-tô giáo và những người trẻ thuộc về những cộng đồng đó phải gánh chịu sự bắt bớ.


Sự loại trừ và gạt ra bên lề

12. Tiếp đến là những sự khác biệt giữa các quốc gia - và trong lãnh thổ các quốc gia - do cấu trúc xã hội và sức mạnh kinh tế phân chia, đôi khi rất gay gắt, giữa những người tiếp cận được với các cơ hội ngày càng tăng của sự toàn cầu hóa và những người sống bên lề xã hội hoặc trong những vùng nông thôn và những người bị loại trừ hoặc gạt bỏ. Một số biện pháp can thiệp cho thấy Giáo hội cần phải can đảm đứng về phía họ và giúp xây dựng các giải pháp thay thế để tháo bỏ tình trạng loại trừ và gạt ra bên lề, củng cố sự chấp nhận, đồng hành và hội nhập. Điều này cho thấy rõ sự cần thiết phải nhận thức được sự thờ ơ cũng tác động đến nhiều Kitô hữu, để có thể vượt qua nó bằng cách đào sâu chiều kích xã hội của đức tin.


Nam giới và nữ giới


13. Chúng ta cũng không được bỏ qua sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới với những ơn đặc biệt, những sự nhạy cảm đặc trưng và kinh nghiệm sống của họ. Sự khác biệt này có thể làm nảy sinh các hình thức thống trị, loại trừ và phân biệt đối xử, là những điều mà tất cả các xã hội, kể cả Giáo hội, cần được giải phóng.

Kinh thánh trình bày người đàn ông và đàn bà là những cộng sự bình đẳng trước Thiên Chúa (x. St 5: 2): mọi sự thống trị và phân biệt đối xử căn cứ trên giới tính là một sự xúc phạm đến phẩm giá con người. Kinh thánh cũng trình bày sự khác biệt giữa hai giới tính là một mầu nhiệm cấu thành nên con người và không được thu hẹp thành những khuôn mẫu. Mối quan hệ giữa nam và nữ được hiểu theo nghĩa là một ơn gọi sống với nhau trong sự tương quan và đối thoại, trong tình hiệp thông và sinh hoa trái (x. St 1: 27-29; 2: 21-25) trong mọi lĩnh vực kinh nghiệm của con người: đời sống vợ chồng, công việc, giáo dục và v.v.. Thiên Chúa đã giao phó trái đất theo như giao ước với họ.

Thuộc địa văn hóa

14. Nhiều Nghị Phụ Thượng Hội đồng đến từ các bối cảnh không thuộc phương Tây chỉ ra rằng ở đất nước của các ngài sự toàn cầu hóa mang theo những hình thức thuộc địa văn hóa, nó đánh bật những nguồn cội văn hóa và tôn giáo ra khỏi người trẻ. Giáo hội cần phải cam kết đồng hành cùng họ trong tiến trình này để họ không bị mất đi những đặc tính quý giá nhất thuộc bản sắc của họ.

Có những cách hiểu trái ngược nhau về tiến trình thế tục hóa. Một số người coi đó là một cơ hội đáng hoan nghênh để được thanh luyện khỏi một tôn giáo tính chỉ thuần túy dựa trên tập quán hoặc dựa trên những bản sắc sắc tộc và dân tộc, trong khi những người khác coi đó là một trở ngại cho việc truyền đạt đức tin. Trong các xã hội thế tục, chúng ta cũng đang chứng kiến sự tái khám phá về Thiên Chúa và đời sống thiêng liêng. Với Giáo hội nên xem đây như một tác nhân để phục hồi tầm quan trọng của sự năng động của đức tin, rao truyền và sự đồng hành mục vụ.

Cái nhìn đầu tiên về Giáo hội ngày nay
Sự tham gia của Giáo hội trong giáo dục


15. Trong nhiều khu vực những người trẻ tuổi nhìn đến Giáo hội như một lực lượng sống động và dễ lôi cuốn, như một lực lượng quan trọng ngay cả với những người trẻ đương thời không tin hoặc thuộc về các tôn giáo khác. Các tổ chức giáo dục của Giáo hội chào đón tất cả những người trẻ tuổi, bất kể những lựa chọn tôn giáo, nguồn gốc văn hóa của họ, và hoàn cảnh cá nhân, gia đình hoặc xã hội của họ. Theo cách này, Giáo hội có sự đóng góp nền tảng cho công cuộc giáo dục toàn diện cho giới trẻ ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Việc này diễn ra thông qua sự giáo dục trong các trường học với mọi hình dạng và quy mô, trong các trung tâm đào tạo chuyên, trong các trường cao đẳng và đại học, và cả trong các trung tâm tuổi trẻ và các nhà nguyện; cam kết này cũng được thể hiện thông qua sự chào đón dành cho người tị nạn cùng rất nhiều hình thức tham gia xã hội. Qua tất cả các cách này, Giáo hội hợp nhất chứng tá và việc loan báo Tin Mừng của mình vào công cuộc giáo dục và thăng tiến con người. Khi được truyền cảm hứng bởi sự đối thoại liên văn hóa và liên tôn, hoạt động giáo dục của Giáo hội được đánh giá cao như một hình thức thăng tiến con người đích thực ngay cả bởi những người ngoài Kitô giáo.

Các hoạt động trong thừa tác vụ giới trẻ

16. Khi Thượng hội đồng diễn ra, rõ ràng thừa tác vụ giới trẻ cần một ý hướng về ơn gọi, và sự chăm sóc mục vụ ơn gọi đó nên hướng đến tất cả những người trẻ. Điểm được nhấn mạnh là các chương trình mục vụ cần phải giải quyết toàn bộ mọi giai đoạn từ giai đoạn khai tâm cho đến cuộc sống trưởng thành, giúp giới trẻ tìm thấy vị trí của họ trong cộng đồng Kitô giáo. Cũng lưu ý rằng nhiều nhóm giáo xứ, các phong trào và những nhóm giới trẻ đã đưa ra một tiến trình đồng hành và đào tạo hiệu quả cho giới trẻ trong đời sống đức tin của họ.

Ngày Giới trẻ Thế giới - hoa trái của một tầm nhìn ngôn sứ của Thánh Gioan Phaolô II, người vẫn là một điểm tham khảo cho giới trẻ trong thiên niên kỷ thứ ba - cùng với các cuộc họp cấp quốc gia và giáo phận, đóng một phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều người trẻ vì nó mang lại một kinh nghiệm sống động về đức tin và sự hiệp thông giúp họ giải quyết những thách thức lớn trong cuộc sống và gánh vác công việc của họ với tinh thần trách nhiệm trong xã hội và trong cộng đoàn Giáo hội. Những cuộc họp này có thể áp dụng vào việc đồng hành mục vụ của các cộng đoàn riêng, là nơi việc đón nhận Tin Mừng phải được đào sâu và chuyển thành các lựa chọn cho cuộc sống.

Gánh nặng quản trị
17. Nhiều Nghị Phụ đã chỉ ra rằng gánh nặng của các trách nhiệm hành chính tiêu hao sức lực của nhiều mục tử một cách quá mức và đôi khi mất quá nhiều thời gian; đây là một trong những lý do tại sao rất khó để gặp gỡ và đồng hành với người trẻ. Để làm nổi bật sự ưu tiên dành cho các trách vụ mục vụ và tinh thần, các Nghị Phụ Thượng Hội đồng đề nghị cần phải cân nhắc lại những cách thức cụ thể để thi hành thừa tác vụ này.


Tình hình của các giáo xứ


18. Trong khi các giáo xứ vẫn còn là một cách thức đầu tiên và chính yếu của Giáo hội trong một địa hạt riêng, có nhiều dấu hiệu từ một số khu vực cho thấy giáo xứ đang phải phấn đấu để trở nên phù hợp cho người trẻ và ơn gọi thừa sai của giáo xứ cần phải được xem xét lại. Hình bóng của giáo xứ trở nên nhỏ bé đi trong các khu vực thành thị, sự thiếu năng động trong các hoạt động của giáo xứ, cùng với những thay đổi theo không gian và thời gian trong lối sống tất cả đều đòi hỏi sự đổi mới. Ngay cả khi đã có nhiều nỗ lực đổi mới, dòng chảy của đời sống tuổi trẻ thường chảy dọc hai bên lề của cộng đoàn, mà không gặp gỡ được cộng đoàn.

Khai tâm vào đời sống Ki-tô giáo
19. Nhiều người lưu ý rằng các chương trình khai tâm Ki-tô giáo không phải lúc nào cũng thành công trong cách giới thiệu cho thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên về vẻ đẹp của sự trải nghiệm đức tin. Khi cộng đoàn là nơi hiệp thông và là một gia đình thực sự của con cái Thiên Chúa, nó thể hiện sức mạnh sống động truyền tải đức tin; mặt khác, khi nó nhường chỗ cho luận lý của sự ủy thác và khi tổ chức quan liêu chiếm ưu thế, sự khai tâm Ki-tô giáo bị hiểu sai như là một khóa học kiến thức tôn giáo và kết thúc bằng Bí tích Thêm sức. Vì vậy, chúng ta cần phải cấp bách tái suy nghĩ thật sâu sắc về cách giảng dạy giáo lý và mối liên hệ giữa việc truyền đạt đức tin trong gia đình và trong cộng đoàn, tạo ra không gian cho các tiến trình đồng hành cá nhân.


Đào tạo chủng sinh và người sống đời tận hiến


20. Các chủng viện và nhà đào tạo là những nơi quan trọng nhất, trong đó người trẻ được kêu gọi tiến đến chức tư tế và đời sống thánh hiến, có thể đào sâu sự lựa chọn ơn gọi của họ và trưởng thành trong cương vị người môn đệ. Đôi khi những nền tảng này không được cân nhắc đủ cho kinh nghiệm bước đầu của ứng viên, đánh giá thấp tầm quan trọng của nó. Điều này ngăn cản sự phát triển của con người và có nguy cơ dẫn đến việc chấp nhận những thái độ theo hình thức hơn là phát triển những ơn sủng của Thiên Chúa và sự hoán cải sâu thẳm của tâm hồn.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/1/2019]