Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 8, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 8, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 1 tháng Tám, 2021

_________________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Khung cảnh đầu trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (xem Ga 6,24-35) cho chúng ta thấy một số con thuyền tiến về Caphácnaum: đám đông đang đi tìm Chúa Giêsu. Có thể chúng ta nghĩ rằng đây là một điều rất tốt, nhưng Tin Mừng dạy chúng ta rằng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa là chưa đủ; nhưng chúng ta cũng phải đặt câu hỏi tại sao chúng ta tìm kiếm Người. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (câu 26). Thật ra, người ta đã chứng kiến phép lạ của việc hóa bánh ra nhiều, nhưng họ không hiểu thấu được ý nghĩa của cử chỉ đó: họ chỉ dừng lại ở phần bên ngoài của phép lạ, họ dừng lại ở chiếc bánh vật chất: chỉ dừng ở đó, không đi xa hơn, để tìm đến ý nghĩa của việc này.

Vậy đây là câu hỏi đầu tiên chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tại sao chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa? Tại sao tôi tìm kiếm Thiên Chúa? Những động lực cho niềm tin của tôi, cho niềm tin của chúng ta là gì? Chúng ta phải phân định rõ điều này, bởi vì giữa nhiều cám dỗ mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống, trong số rất nhiều cám dỗ, có một thứ cám dỗ mà chúng ta có thể gọi là cám dỗ sùng bái thần tượng. Đó là cám dỗ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa để sử dụng cho riêng bản thân, để giải quyết các vấn đề, để cảm tạ Ngài về những gì chúng ta không thể tự mình đạt được, cho lợi ích của chúng ta. Nhưng theo cách này, đức tin sẽ rất hời hợt và thậm chí đức tin chỉ chạy theo phép lạ, nếu tôi có thể nói như vậy: chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa để nuôi sống chúng ta, và sau đó quên Ngài khi chúng ta đã no nê. Trung tâm của đức tin non yếu này không phải là Thiên Chúa, mà là những nhu cầu của riêng chúng ta. Cha suy nghĩ đến những lợi ích của chúng ta, nhiều lắm… Việc dâng lên Thánh tâm Chúa những nhu cầu của chúng ta là đúng, nhưng Thiên Chúa, Đấng hành động vượt xa những mong đợi của chúng ta, trước hết muốn sống với chúng ta trong mối tương quan của tình yêu. Và tình yêu đích thực là không vụ lợi, nó là nhưng không: người ta yêu không phải là để nhận lại một ân huệ! Đây là sự tư lợi; và trong cuộc sống, chúng ta rất thường xuyên bị thúc đẩy bởi tư lợi.

Câu hỏi thứ hai mà đám đông hỏi Chúa Giêsu có thể giúp ích chúng ta: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (câu 28). Dường như những người được Chúa Giêsu thúc đẩy nói rằng: “Làm sao chúng tôi có thể thanh tẩy việc tìm kiếm Thiên Chúa của chúng tôi? Làm thế nào để chúng tôi đi từ một đức tin chạy theo phép lạ, là đức tin chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân, trở thành một đức tin làm đẹp lòng Thiên Chúa?” Và Chúa Giêsu chỉ ra con đường: Ngài trả lời rằng công việc của Thiên Chúa là tiếp đón Đấng mà Chúa Cha đã sai đến, tức là đón tiếp chính Ngài, chính Chúa Giêsu. Đó không phải là việc thêm vào những cách thực hành tôn giáo hoặc tuân theo các giới luật riêng biệt; đó chính là việc đón tiếp Chúa Giêsu, đó là việc chào đón Ngài đi vào cuộc sống của chúng ta, sống một câu chuyện tình yêu với Chúa Giêsu. Chính Ngài sẽ thanh tẩy đức tin của chúng ta. Chúng ta không thể làm việc này bằng sức riêng của mình. Nhưng Chúa muốn một mối tương quan yêu thương với chúng ta: luôn có Thiên Chúa để yêu mến trước tất cả những gì chúng ta đón nhận và làm. Mối tương quan với Ngài vượt ngoài luận lý của những tư lợi và tính toán.

Điều này áp dụng cho mối tương quan với Thiên Chúa, nhưng nó cũng áp dụng cho các mối tương quan giữa con người và xã hội của chúng ta: khi chúng ta tìm kiếm trên hết và trước hết là sự thỏa mãn nhu cầu của mình, thì chúng ta có nguy cơ sẽ lợi dụng con người và khai thác những hoàn cảnh cho mục đích riêng của chúng ta. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói về một người nào đó; “Nhưng anh ta sử dụng mọi người và sau đó quên họ đi”? Lợi dụng mọi người để đạt lợi ích riêng của một người: điều này thật tệ. Và một xã hội chỉ đặt lợi ích làm trung tâm của nó thay vì con người là một xã hội không tạo sinh sự sống. Lời mời gọi của Tin mừng như sau: thay vì chỉ quan tâm đến lương thực vật chất nuôi sống chúng ta, chúng ta hãy đón tiếp Chúa Giêsu như lương thực của sự sống, và khởi đầu từ tình bằng hữu của chúng ta với Ngài, chúng ta học cách yêu thương nhau. Nhưng không và không tính toán. Tình yêu trao tặng nhưng không và không tính toán, không lợi dụng con người, quảng đại không tính toán, độ lượng.

Giờ đây chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Đức Nữ Đồng Trinh, Đấng đã sống câu chuyện tình yêu đẹp nhất với Chúa, để Mẹ ban cho chúng ta ơn biết mở rộng lòng để gặp gỡ với Con của Mẹ.

______________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Cha thân ái chào tất cả anh chị em tín hữu của Rôma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia.

Đặc biệt Chúa nhật này cha rất vui được gửi lời chào đến nhiều nhóm bạn trẻ: các bạn trẻ đến từ Zoppola, thuộc giáo phận Concordia-Pordenone; các bạn trẻ đến từ Bologna, các bạn từ Orvieto đến Rôma bằng xe đạp theo đường Via Francigena; và các bạn trẻ đang cắm trại do các Nữ tu dòng Disciples of the Divine Master tổ chức tại Rôma. Cha cũng gửi lời chào thân thương đến các bạn trẻ và các nhà giáo của nhóm “After Us” đến từ Villa Iris di Gradiscutta di Varmo, thuộc tỉnh Udine.

Cha nhìn thấy một số lá cờ của Peru và cha chào anh chị em, những người Peru vừa có vị tân Tổng thống. Xin Chúa luôn ban phúc lành cho đất nước của anh chị em!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc và tháng Tám bình an … Quá nóng, nhưng ước mong được bình an! Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/8/2021]


3 “bí mật” không bí mật một tí nào của Vatican

3 “bí mật” không bí mật một tí nào của Vatican

3 “bí mật” không bí mật một tí nào của Vatican

Antoine Mekary | ALETEIA

Daniel Esparza

29/07/21


Chữ ‘secretum’ nguyên gốc trong tiếng Latinh không có nghĩa là “ẩn giấu”, chỉ đơn giản có nghĩa là “riêng biệt.”

Thật khó để nói tên “Vatican” ban đầu xuất phát từ đâu. Chắc chắn, nó là tên của một trong bảy ngọn đồi của Rôma, tất cả đều nằm ở bờ đông của con sông Tiber, trong nội vi tường thành. Nhưng có một số giả thiết khác nhau liên quan đến tên gọi Colle Vaticano — nghĩa đen là “Đồi Vatican” — có nguồn gốc như thế nào.

Ngay từ thế kỷ thứ nhất, nhà hùng biện và triết học gia nổi tiếng người Rôma, Marcus Terentius Varro, đã tuyên bố rằng chữ này có nguồn gốc từ một vị thần thành hoàng địa phương được tin là ban cho trẻ sơ sinh khả năng nói. Vị thần đó tên là “Vaticanus” sẽ “chịu trách nhiệm về các nguyên tắc của tiếng nói con người; đối với trẻ sơ sinh, ngay khi chúng được chào đời, phát ra âm thanh tạo thành âm tiết đầu tiên trong từ Vaticanus, và do đó được gọi là vagire (khóc) là từ diễn tả âm thanh mà trẻ sơ sinh lần đầu tiên tạo ra.” Quả thật Thánh Augustinô, rất rõ về tác phẩm của Varro, đã đề cập đến vị thần này ba lần trong tác phẩm City of God (Thành trì của Chúa) của ngài, và đề cập một cách rõ ràng đến niềm tin phổ biến của người Rôma. (Xem Augustine, Thành trì của Chúa, 4, 8). Tuy nhiên, nhiều khả năng chữ này bắt nguồn từ tên của một khu định cư thời Etruscan cổ đại, có lẽ được gọi là Vatica hoặc Vaticum. Nhưng chưa có dấu tích của nó đã được phát hiện.

Vatican không phải liên tục là nơi ở của giáo hoàng. Trên thực tế, cho đến giữa thế kỷ 19, các giáo hoàng chủ yếu sống ở Cung điện Lateran, ở phía bên kia thành phố. Nhưng thực tế lịch sử này đã không ngăn cản được trí tưởng tượng của mọi người để gán cho Vatican tất cả các câu chuyện liên quan đến tính thần thoại và “những bí mật” của Giáo hoàng — hầu hết chúng đều dễ bị phá vỡ và phơi bày sự thật. Dưới đây là ba ví dụ ngắn.


1. Văn khố Vatican

Văn khố Vatican không phải là một công viên giải trí cho những nhà lý luận thuyết âm mưu. Trên thực tế, hầu như mọi người sẽ thấy chúng khá nhàm chán. Không khí “huyền bí” bao trùm xung quanh Archivum Secretum Apostolicum Vaticanum — tên đầy đủ chính thức của khu văn khố — có thể do cách dịch sai từ nguyên ngữ Latinh: secretum chỉ đơn giản có nghĩa là “riêng biệt”, như trong cụm từ “sử dụng cá nhân”. Nếu bạn đã từng có một secretaire (bàn thư ký, một bàn làm việc có những ngăn kéo), bạn sẽ có một ít khái niệm điều này có nghĩa là gì: “Văn khố mật” của Vatican chỉ là một kho lưu trữ các tài liệu cá nhân, chủ yếu là thư riêng, biên niên sử và hồ sơ lịch sử của các giáo hoàng trong quá khứ.

Trong bất cứ trường hợp nào, điều này không làm cho Văn khố Vatican trở nên nhàm chán. Một số học giả có thể coi đây là Vườn Địa đàng riêng của họ. Trên các kệ của văn khố, có thể tìm thấy sắc chỉ vạ tuyệt thông của Giáo hoàng đối với Martin Luther bên cạnh cuộn giấy dài 60 mét hoàn chỉnh với biên bản các phiên tòa của Hiệp sĩ Đền Thánh, các bức thư của Michelangelo gửi Đức Giáo hoàng Julius II, những ghi chú về phiên tòa chống lại Galileo, và thậm chí là một lá thư của Đức Giáo hoàng Clement XII gửi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy xin bảo vệ các tu huynh Dòng Phanxicô ở Tây Tạng.


2. “Đường hầm bí mật”

Có một hành lang ẩn mình trong bức tường thời trung cổ duy nhất của Rôma còn lại. Nó kết nối Điện Tông tòa Vatican với Lâu đài Castel Sant’Angelo.

“Lối thoát cuối cùng của các giáo hoàng”, là một lối đi ngầm từ thế kỷ 13. Nó đã thu hút trí tưởng tượng của nhiều nhà văn. Chuyến thăm của văn sĩ Dan Brown đến hành lang đó đã cho ông ý tưởng để viết cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của ông Thiên thần và Ác quỷ — một tác phẩm hư cấu huyền bí miêu tả Vatican là sân khấu cho tất cả các loại âm mưu.

Ông Brown khẳng định lối đi dài khoảng 400m và nối đến thư viện riêng của giáo hoàng. Nhưng trong thực tế, nó dài gấp đôi. Điểm kết của nó gần nơi ở của Giáo hoàng, phía trên trụ sở hiện tại của phòng chuyển thư tín Vatican.

Mặc dù nhiều người thường nghĩ về lối đi này là nơi “thoát hiểm”, nhưng hành lang này chỉ được sử dụng trong những trường hợp vô cùng khẩn cấp. Ví dụ, Đức Alexander VI (Giáo hoàng tai tiếng của Borgia) đã sử dụng nó vào năm 1494 để trú ẩn tại lâu đài Castel Sant’Angelo khi quân đội Pháp của Vua Charles VIII xâm lăng Rôma. Nó cũng được sử dụng vào ngày 6 tháng 5 năm 1527, khi các phe phái Tin lành của vua Charles V cướp phá Rôma. Ngày hôm đó, 147 hiến binh Thụy Sĩ đã hy sinh khi cố gắng bảo vệ mộ Thánh Phêrô, trong khi 42 người khác bảo vệ Giáo hoàng Clement VII vượt qua lối đi khẩn cấp, đến trú ẩn trong lâu đài.


3. Thư viện Vatican

Thư viện Tông tòa Vatican chính thức được thành lập năm 1475, mặc dù nó lâu đời hơn nhiều. Các nhà sử học giải thích Thư viện Tông tòa Vatican có nguồn gốc từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo. Thật vậy, một số bản viết tay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo (vốn dĩ) được lưu giữ ở đây. Được thành lập trong Điện Lateran cho đến cuối thế kỷ 13, nó đã phát triển theo cấp số nhân dưới giáo triều của Đức Boniface VIII, người sở hữu một trong những bộ sưu tập bản thảo lớn nhất ở Châu Âu. Tuy nhiên, mãi đến năm 1451 khi Đức Giáo hoàng Nicholas V, một người nổi tiếng đam mê sưu tầm sách, cố gắng tái thiết lại Rôma thành một trung tâm học thuật có tầm quan trọng toàn cầu, xây dựng một thư viện khá khiêm tốn với hơn 1.200 cuốn, bao gồm cả bộ sưu tập riêng của ngài về các tác phẩm kinh điển của Hy Lạp và La Mã, và một loạt các văn bản được mang đến từ Constantinople.

Ngày nay, kho tàng của Thư viện Vatican bao gồm khoảng 75.000 bản sách chép tay 85.000 cổ tịch (tức là các ấn bản được tạo ra trong khoảng thời gian từ khi phát minh ra máy in và thế kỷ 16), với tổng số hơn một triệu cuốn sách. Chẳng có gì là bí mật, tất cả những kho báu này đều có sẵn trên mạng. Bạn có thể tìm kiếm trong thư viện và tải xuống văn khố của thư viện bằng cách nhấp vào đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/7/2021]