Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Các vị thánh được công bố là Đấng Công chính giữa các dân tộc

Các vị thánh được công bố là Đấng Công chính giữa các dân tộc

Các vị thánh được công bố là Đấng Công chính giữa các quốc gia

Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

30/01/21

Những người nam nữ thánh thiện này được dân tộc Israel công nhận vì đã liều thân (hoặc hiến mạng) để cứu những người Do Thái thoát khỏi Đức quốc xã.

Trong những năm sau nạn tàn sát thảm khốc hơn sáu triệu người Do Thái trong Holocaust, dân tộc Israel tôn vinh hàng nghìn người không phải là người Do Thái đã liều mạng để bảo vệ người Do Thái thoát khỏi Đức Quốc xã và những kẻ bắt tay với họ. Những người nam nữ thánh thiện này được tôn vinh với tước hiệu Công chính giữa các các dân tộc, và họ có lai lịch từ hoàng thân cho đến những người làm lao động công nhật. Trong số các vị đó có một vị thánh và sáu chân phước (một đấng đáng kính và bốn tôi tớ của Chúa), tất cả những người này truyền cảm hứng cho chúng ta khi chúng ta chiến đấu với sự dữ của nạn bài Do Thái đang tiếp diễn trong thế giới của chúng ta ngày nay.

Thánh Elizabeth Hesselblad (1870-1957) sinh tại Thụy Điển trong một gia đình theo Tin lành Luther. Thánh nhân gặp gỡ đức tin Công giáo khi làm y tá ở thành phố New York và trở lại. Kể từ đó, thánh nhân quan tâm sâu sắc đến công việc đại kết và phục vụ những người Kitô hữu không theo Công giáo và những người ngoại đạo. Thánh nhân trở thành người sáng lập thứ hai của dòng Bridgettinev và trong Đệ Nhị Thế Chiến thánh nhân và các nữ tu trong dòng của chị đã tiếp đón một số người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm hàng chục người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái. Mặc dù ban đầu không biết về tôn giáo của họ, nhưng khi Mẹ Elizabeth biết họ là người Do Thái, thánh nhân và các nữ tu đã hết sức chào đón và yêu mến, thậm chí còn khuyến khích các em cầu nguyện bằng tiếng Do Thái. Tất cả 12 người đều sống sót sau cuộc chiến.

Chân phước Odoardo Focherini (1907-1944) là một nhà báo người Ý và là cha của bảy người con. Năm 1942, ngài được thông báo về sự có mặt của một số người Ba Lan gốc Do Thái bị thương mới đến đất nước này, và bắt đầu đưa họ đến nơi an toàn. Ít lâu sau, ngài đã mua được những giấy tờ giả cho bất kỳ người Do Thái nào mà ngài gặp được và giúp họ tìm đường đến đất nước Thụy Sĩ trung lập. Cuối cùng ngài bị bắt và bị đưa đến một trại tập trung và chết tại đó, nhưng trước đó ngài đã giúp hơn 100 người Do Thái trốn thoát Đức Quốc xã.

Chân phước Giuseppe Girotti (1905-1945) là một linh mục dòng Đa Minh người Ý, một học giả Kinh thánh, và một giáo sư thần học. Từng học ở Giêrusalem, Cha Giuseppe có một tình yêu sâu đậm đối với dân tộc Do Thái, gọi họ là “những người chuyển tải Lời Chúa” và “những người anh cả”. Khi cuộc sống của họ gặp nguy hiểm, Cha Giuseppe đã thiết lập những nơi ẩn náu và các lối thoát hiểm và cứu sống nhiều người trước khi bị bắt và đưa đến Dachau. Ở đó, ngài thấy mình bị giam cùng với hàng nghìn linh mục khác trong một doanh trại được xây dựng cho 180 người. Ngài chết ở đó vào ngày Chúa nhật Phục sinh, có thể là do bị tiêm thuốc độc.

Chân phước Pavel Peter Gojdič (1888-1960) là một tu sĩ và giám mục Công giáo người Ukraine, phục vụ tại Slovakia. Ngài đã thẳng thắn bảo vệ người Do Thái, đặc biệt là sau khi họ bị ra lệnh trục xuất khỏi Slovakia. Lệnh này được ban hành bởi tổng thống Fr. Jozef Tiso của Cộng hòa Slovakia bắt tay với địch, người có tội ác chống lại loài người đã khiến Giám mục Gojdič tranh cãi rằng ông ta nên bị buộc phải trở thành thường dân hoặc bị Roma buộc phải từ chức tổng thống. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Giám mục Gojdič đối với người Do Thái Slovakia đã khiến nhiều linh mục của ngài kêu gọi ngài từ chức giám mục; khi ngài nghe theo, ngài lại được chỉ định đến giáo phận khác. Ở đó, ngài tiếp tục hoạt động để cứu người Do Thái, kể cả việc tiếp nhận họ vào Giáo hội. Ngài được ghi nhận là đã cứu sống ít nhất 17 người Do Thái. Mặc dù ngài thoát khỏi Đức Quốc xã, thừa tác vụ của Đức Giám mục Gojdič đã dẫn đến bản án chung thân dưới thời Cộng sản; nhiều lá thư do người Do Thái viết lên lòng biết ơn công lao của ngài đã chẳng có tác dụng gì đối với bản án này và ngài đã chết trong tù.

Chân phước Bernhard Lichtenberg (1875-1943) là một linh mục người Đức, người đã chiến đấu với Đức Quốc xã trên mọi nẻo đường. Năm 1933, ngài khuyến khích giáo dân của mình xem một bộ phim phản chiến; kết quả là Goebbels bắt đầu tấn công ngài trên báo chí và Gestapo được cử đến khám xét nhà của ngài. Năm 1935, ngài gặp Göring để phản đối các trại tập trung là phi nhân đối với các tù nhân trên khắp nước Đức. Ngài là nhà lãnh đạo Kitô giáo duy nhất lên tiếng chống lại Kristallnacht. Mỗi ngày ngài cầu nguyện công khai xin bảo vệ người Do Thái. Ngài giảng rằng người Kitô hữu phải yêu thương những người lân cận Do Thái của họ, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô. Ngài phản đối việc giết người Do Thái cũng như những người bệnh và tâm thần. Ngài thậm chí còn tổ chức các cuộc biểu tình hàng loạt bên ngoài các trại tập trung. Bị quăng vào tù vì những cố gắng của mình, Cha Lichtenberg vẫn không thay đổi. Mặc dù được hứa trả tự do nếu ngài đồng ý từ chối rao giảng, nhưng ngài tuyên bố rằng ngài muốn đồng hành với người Do Thái cho đến chết. Bị chỉ định chuyển đến trại tập trung Dachau, ngài đã chết trước khi đến trại.

Chân phước Sara Salkahazi (1899-1944) là một nữ tu người Hungary, từng là một nhà báo nghiện thuốc lá nặng và là một người theo xã hội chủ nghĩa trước khi bước vào đời sống tu trì. Mặc dù phải chiến đấu để sống phù hợp theo dòng, nhưng cuối cùng chị vẫn được phép khấn và trở thành một người lao công đắc lực trong vườn nho, xuất bản tạp chí dành cho phụ nữ Công giáo, thành lập một trường cao đẳng dành cho giới lao động nữ và điều hành một hiệu sách Công giáo cùng với tất cả công cuộc bác ái của chị. Chị đổi tên thành Salkahazi để nghe giống tiếng Hungary hơn nhằm châm chích Đức Quốc xã, và bắt đầu hoạt động để che giấu người Do Thái và đưa họ đến nơi an toàn. Chị được ghi nhận đã một tay cứu sống ít nhất một trăm người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến và giúp các Nữ tu của mình cứu được 900 người khác. Năm 1944, Sơ Sara đang trên đường trở về ngôi nhà nơi chị che giấu người Do Thái thì chị nhìn thấy các lính Đức Quốc xã. Thay vì tự cứu lấy mình, chị đã chọn cái chết với những người chị yêu thương. Chị tiến đến gần và bị bắt, bị lột trần quần áo và bị bắn trên bờ sông Danube.

Chân phước Kliment Sheptytsky (1869-1951) là một tu viện trưởng Công giáo người Ukraine. Trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ukraine, ngài đã làm việc với anh trai mình (Đấng Đáng kính Andrey Sheptytsky, Tổng giám mục Chính tòa Thủ đô Lviv) và Chân phước Emilian Kovch để che giấu người Do Thái trong các tu viện khác nhau và giúp họ trốn thoát đến các vùng lãnh thổ tự do. Sau chiến tranh, ngài Archimandrite Sheptytsky bị Cộng sản bắt vì từ chối ly khai khỏi Roma; ngài đã chết trong tù.

(Những đấng công chính khác giữa số các quốc gia đang mở án phong thánh bao gồm Đấng Đáng kính Elia dalla Costa, Tôi tớ Chúa Jacques de Jésus, Tôi tớ Chúa Giovanni Palatucci, các Tôi tớ Chúa Jozef và Wiktoria Ulma.)


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/2/2021]


Nghe tiếng Chúa, nhìn thấy dung nhan của Chúa: Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa của Đức Thánh Cha

Nghe tiếng Chúa, nhìn thấy dung nhan của Chúa: Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa của Đức Thánh Cha

Nghe tiếng Chúa, nhìn thấy dung nhan của Chúa: Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa của Đức Thánh Cha

Antoine Mekary | ALETEIA | i.Media

Kathleen N. Hattrup

24/01/21

Chúng ta hãy xin Chúa ban sức mạnh để tắt tivi mà mở Thánh Kinh, tắt điện thoại mở mở Tin mừng.

Dưới đây là bản dịch của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 24 tháng Một, Chúa nhật Lời Chúa. Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella đọc bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô soạn cho ngày lễ, do sự tái phát của cơn đau thần kinh tọa của đức giáo hoàng.


*****

Trong Chúa nhật Lời Chúa này, chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu khi Ngài công bố Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ về những điều Ngài nói và Ngài nói điều đó với những ai.

Ngài nói điều gì? Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng bằng những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1:15). Chúa ở gần, đó là thông điệp đầu tiên. Vương quốc của Ngài đã đi xuống thế gian. Thiên Chúa không như chúng ta thường nghĩ, là xa cách, ở trên trời, tách biệt khỏi thân phận con người. Không, Ngài đang ở giữa chúng ta. Thời kỳ xa cách của Ngài đã kết thúc khi Ngài trở thành con người trong Chúa Giêsu. Kể từ đó, Chúa rất gần gũi với chúng ta; Người sẽ không bao giờ từ bỏ tình trạng con người của chúng ta hoặc mệt mỏi với nó. Sự gần gũi này là thông điệp đầu tiên của Tin mừng; bài đọc hôm nay kể cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu “đang nói” (câu 15) những lời đó: Ngài lặp đi lặp lại những lời đó. “Thiên Chúa đã đến gần” là nội dung chính trong lời rao giảng của Ngài, là trung tâm thông điệp của Ngài. Nếu đây là chủ đề mở đầu và là điệp khúc của mọi lời rao giảng của Chúa Giêsu, thì đó chắc chắn phải là chủ đề duy nhất cho đời sống và thông điệp của người Kitô hữu. Trước hết, chúng ta phải tin và công bố rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, rằng chúng ta đã được tha thứ và được cho thấy lòng thương xót. Trước mỗi lời của chúng ta nói về Thiên Chúa, thì đã có lời của Ngài nói với chúng ta, Lời Ngài tiếp tục nói với chúng ta: “Đừng sợ, ta ở cùng các con. Ta ở bên cạnh các con và Ta sẽ luôn ở đó”.

Lời Chúa giúp chúng ta chạm đến sự gần gũi này, vì – như Sách Đệ Nhị luật đã nói với chúng ta – lời không ở xa chúng ta, lời ở gần tâm hồn chúng ta (xem 30:14). Nó là liều thuốc giải cho nỗi sợ hãi của chúng ta khi phải đối mặt với cuộc sống một mình. Thật vậy, bằng lời của Người, Chúa an ủi chúng ta, nghĩa là, Người đứng “với” những ai “cô độc”. Khi nói với chúng ta, Người nhắc chúng ta nhớ rằng Người đã đặt chúng ta vào lòng Người, rằng chúng ta là rất quý giá trong mắt Người, và Người che chở chúng ta trong bàn tay Người. Lời Chúa truyền cho chúng ta sự bình an, nhưng nó không để chúng ta được bình an. Đó là lời an ủi nhưng cũng là một lời kêu gọi sám hối. Chúa Giêsu nói: “Hãy sám hối” ngay sau khi công bố sự gần gũi của Thiên Chúa. Vì nhờ sự gần gũi của Người, chúng ta không còn xa cách với Chúa và tha nhân nữa. Thời gian mà chúng ta sống chỉ nghĩ về bản thân giờ đã qua. Sống như vậy không phải là người Kitô hữu, với những người cảm nghiệm sự gần gũi của Chúa thì không thể ngoảnh mặt trước những người lân cận hoặc cư xử với họ bằng sự thờ ơ. Những ai nghe lời Chúa luôn được nhắc nhở rằng cuộc sống không phải là tạo lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi người khác, mà là để gặp gỡ họ nhân danh Thiên Chúa Đấng ở gần. Lời được gieo vào thửa đất là tâm hồn chúng ta, đến lượt mình chúng ta gieo hy vọng qua sự gần gũi với người khác. Thậm chí như Chúa đã làm với chúng ta.

Bây giờ chúng ta hãy suy xét đến việc Chúa Giêsu nói với những ai. Những lời đầu tiên của Ngài là nói với những người đánh cá Galilê, những người dân dã sống bằng công việc lao động chân tay nặng nhọc, cả ngày lẫn đêm. Họ không phải là những chuyên gia về Kinh thánh hay những người có kiến ​​thức và văn hóa rộng lớn. Họ sống trong một vùng gồm nhiều dân tộc, sắc tộc và tôn giáo khác nhau: một khu vực không thể tiến xa hơn với sự tinh ròng tôn giáo của Giêrusalem, trung tâm của đất nước. Tuy nhiên, đó là nơi Chúa Giêsu bắt đầu, không phải từ trung tâm mà từ vùng ngoại vi, và Ngài làm như vậy để nói với chúng ta rằng không một ai xa cách trái tim của Chúa. Mọi người đều có thể đón nhận lời Người và trực tiếp gặp gỡ Ngài. Tin Mừng đưa ra một chi tiết đẹp về việc này, khi cho chúng ta biết rằng lời rao giảng của Chúa Giêsu đến “sau” lời của Gioan (Mc 1,14). Chữ sau đó mang tính quyết định: nó chỉ ra một sự khác biệt. Gioan đã đón nhận mọi người trong sa mạc, là nơi chỉ những ai có khả năng rời khỏi nhà của họ mới có thể đến. Trái lại, Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa ở giữa lòng xã hội, với tất cả mọi người, dù họ ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngài không nói vào những thời điểm hoặc địa điểm cố định, nhưng “đi dọc theo biển hồ”, nói với những người đánh cá đang “quăng lưới” (câu 16). Ngài nói với mọi người vào những thời điểm và địa điểm bình thường nhất. Ở đây chúng ta nhìn thấy sức mạnh phổ quát của lời Chúa đến với mọi người và mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tuy nhiên, lời của Chúa cũng có sức mạnh đặc biệt, đó là nó có thể chạm trực tiếp đến mỗi người. Các môn đệ không bao giờ quên những lời họ đã nghe ngày hôm đó trên bờ hồ, bên thuyền của họ, trong nhóm các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp của họ: những lời đã ghi dấu cuộc đời họ mãi mãi. Chúa Giêsu nói với họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (câu 17). Ngài không dùng những lời lẽ và ý tưởng cao siêu để kêu gọi họ, mà nói bằng chính cuộc đời của họ. Ngài nói với các ngư dân rằng họ sẽ trở thành người chài lưới người. Nếu Ngài nói với họ: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành Tông đồ, các anh sẽ được sai đi vào thế gian để rao giảng Tin Mừng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần; các anh sẽ bị giết, nhưng các anh sẽ trở thành thánh”, chúng ta có thể chắc chắn rằng Phêrô và Anrê sẽ trả lời: “Cảm ơn, nhưng chúng tôi phải gắn chặt với những tấm lưới và thuyền của chúng tôi!” Nhưng Chúa Giêsu nói với họ bằng cách nói của công việc của họ: “Các anh là ngư phủ, và các anh sẽ trở thành những ngư phủ chài lưới người”. Được đánh động bởi những lời đó, họ nhận ra rằng việc hạ lưới để tìm cá là quá ít, trong khi đưa mình ra biển sâu để đáp lại lời gọi của Chúa Giêsu là bí quyết của niềm vui đích thực. Chúa cũng làm như vậy với chúng ta: Ngài tìm kiếm chúng ta trong thực tại của chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta với chính con người chúng ta, và Ngài kiên nhẫn đi bên cạnh chúng ta. Như Ngài đã làm với những người ngư phủ đó, Ngài đợi chúng ta trên bến bờ của cuộc đời mình. Bằng lời nói của Ngài, Ngài muốn biến đổi chúng ta, mời gọi chúng ta sống một cuộc sống trọn vẹn hơn và cùng ra biển sâu với Ngài.

Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta đừng bỏ qua lời Chúa. Đó là một bức thư tình, được viết cho chúng ta bởi Đấng hiểu rõ chúng ta nhất. Khi đọc lời, chúng ta một lần nữa nghe thấy tiếng nói của Ngài, nhìn thấy dung nhan của Ngài và đón nhận được Thần Khí của Ngài. Lời đó đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa. Chúng ta đừng giữ lời xa quá tầm tay với, nhưng hãy luôn mang bên mình, trong túi, trên điện thoại của chúng ta. Chúng tôi hãy dành cho lời một vị trí xứng đáng trong ngôi nhà của mình. Chúng ta hãy đặt Tin Mừng ở một nơi mà chúng ta có thể nhớ để mở ra hàng ngày, có thể là vào đầu và cuối ngày, để giữa tất cả những lời ồn ào bên tai chúng ta, có thể có một vài câu của Lời Chúa có thể chạm đến trái tim chúng ta. Để có thể làm được điều này, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho sức mạnh để tắt tivi và mở Thánh Kinh, tắt điện thoại di động và mở Tin mừng. Trong năm phụng vụ này, chúng ta đang đọc Thánh Máccô, cuốn sách đơn giản nhất và ngắn nhất trong các Tin Mừng. Tại sao không đọc Phúc âm ở nhà, thậm chí một đoạn ngắn mỗi ngày. Nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa đối với chúng ta và làm chúng ta đầy sự can đảm khi chúng ta vượt hành trình cuộc sống.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]