Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Đức Hồng y Parolin bình luận về Thỏa thuận giữa Tòa Thánh – nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa

Đức Hồng y Parolin bình luận về Hiệp định giữa Tòa Thánh – nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa
Vatican Media Screenshot

Đức Hồng y Parolin bình luận về Thỏa thuận giữa Tòa Thánh – nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa

‘Mục tiêu của Tòa Thánh là mục tiêu mục vụ.’

22 tháng Chín, 2018 16:21

Ngày 22 tháng Chín, 2018, Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đăng một video bình luận về Thỏa thuận Tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục được ký kết giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa.


Bình luận của Đức Hồng y Parolin về việc ký kết Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa liên quan đến việc bổ nhiệm Giám mục

Việc ký kết Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa liên quan đến việc bổ nhiệm Giám mục là vô cùng quan trọng, đặc biệt cho đời sống Giáo hội ở Trung quốc, cho sự đối thoại giữa Tòa Thánh và các Giới chức của quốc gia này, và cho việc thúc đẩy một chân trời hòa bình trong thời gian hiện tại khi mà chúng ta đang trải qua quá nhiều căng thẳng ở tầm mức quốc tế.

Mục tiêu của Tòa Thánh là mục tiêu mục vụ: Tòa Thánh chỉ nhắm tạo ra điều kiện, hoặc giúp tạo ra điều kiện, để có nhiều tự do hơn, nhiều quyền tự quyết và tổ chức hơn, để Giáo hội Công giáo có thể cống hiến mình cho sứ mạng công bố Tin mừng và cũng là đóng góp cho sự hạnh phúc và sự thịnh vượng về tinh thần và vật chất cũng như sự hòa hợp của đất nước, của mỗi con người và của toàn thế giới nói chung.

Và hôm nay, lần đầu tiên tất cả các Giám mục ở Trung quốc được hiệp nhất với Giám mục Roma, với Đấng Kế vị Thánh Phê-rô. Và Đức Thánh Cha Phanxico, cũng như những vị tiền nhiệm của ngài, đặc biệt quan tâm đến dân tộc Trung quốc. Điều đang cần bây giờ là sự hiệp nhất, sự tin tưởng và một sức đẩy mới; để có những mục tử tốt lành, được công nhận bởi Đấng Kế vị Thánh Phê-rô – bởi Đức Giáo hoàng – và bởi các Giới chức nhà nước. Và chúng tôi tin – chúng tôi hy vọng, chúng tôi hy vọng – rằng Hiệp định sẽ là một khí cụ cho những mục tiêu này, cho những mục đích này, với sự hợp tác của tất cả.

Với Cộng đoàn Công giáo ở Trung quốc – các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân – trước hết Đức Thánh Cha cam kết có những hành động huynh đệ cụ thể cho sự hòa giải giữa họ, và từ đó vượt qua được những hiểu lầm trong quá khứ, những căng thẳng đã qua, thậm chí cả những căng thẳng gần đây. Bằng cách này họ có thể đóng góp thật sự, và họ sẽ có thể thực hiện được trách vụ của Giáo hội đó là công bố Tin mừng, đồng thời đóng góp cho sự phát triển, sự phát triển tinh thần và vật chất, của đất nước và cho nền hòa bình và sự hòa giải trên thế giới.





[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/9/2018]


Estonia: Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ đại kết với giới trẻ

Estonia: Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ đại kết với giới trẻ
© Vatican Media

Estonia: Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ đại kết với giới trẻ

‘Chúng ta hãy cầu xin có sức mạnh tông đồ để mang Tin mừng đến cho anh em.’

25 tháng Chín, 2018 17:23

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Buổi Gặp gỡ Đại kết với giới trẻ ngày 25 tháng Chín, 2018, trong Nhà thờ Tin lành Kaarli, ở Tallinn.


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Các bạn trẻ thân mến,

Cha cảm ơn chúng con rất nhiều về sự chào đón nồng hậu, về những bài hát của chúng con và các chứng ngôn của Lisbel, Tauri và Mirko. Tôi chân thành cảm ơn Đức Tổng Giám mục Urmas Viilma thuộc Giáo hội Tin lành Phúc Âm của Estonia về những lời chào đón thật đẹp của ngài, và sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Andres Põder, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Estonia, Đức Giám mục Philippe Jourdan, Giám quản Tông tòa ở Estonia, và các vị đại diện từ các nền tảng đức tin Ki-tô khác hiện diện trong đất nước. Tôi cũng vô cùng tri ân sự hiện diện của Bà Tổng thống nước Cộng hòa.

Sự gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện đời sống, và chia sẻ với nhau những suy nghĩ và hy vọng luôn luôn là một điều rất đẹp; và cũng thật tuyệt vời cho chúng ta đến với nhau như là những người tín hữu trong Đức Giê-su Ki-tô. Những sự gặp gỡ như hôm nay làm trọn vẹn ước mơ của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly: “Để tất cả nên một ... , […] để thế gian sẽ tin” (Ga 17:21). Nếu chúng ta cố gắng xem mình là những người hành hương đang cùng chung bước hành trình, thì chúng ta sẽ học được cách tin tưởng người bạn đồng hành và không hề e ngại hay ngờ vực, chỉ nhìn đến những gì tất cả chúng ta đang thực sự đi tìm: đó là nền hòa bình trong sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất. Việc kiến tạo hòa bình là một nghệ thuật như thế nào, thì học cách tin tưởng lẫn nhau cũng là một nghệ thuật và là một nguồn mạch của hạnh phúc như vậy: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình” (Mt 5:9). Và chúng ta không chỉ đi trên con đường này, đi trên hành trình này với những người có đức tin, nhưng cùng với tất cả mọi người. Tất cả mọi người đều có điều gì đó để nói với chúng ta. Và chúng ta cũng có điều gì đó để nói với tất cả mọi người.

Bức họa tuyệt đẹp trên gian cung thánh của nhà thờ này có viết một câu trích trong Tin mừng theo Thánh Mát-thêu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Chúng con là những Ki-tô hữu trẻ có thể tìm thấy một số yếu tố trùng hợp trong trích đoạn này của Tin mừng.

Trong các trích đoạn trước đó, Mát-thêu kể cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su gặp nhiều sự phiền muộn. Trước hết Ngài than phiền vì dường như những người nghe Ngài nói không hiểu những điều Ngài đang nói (x. Mt 11:16-19). Giới trẻ chúng con thường cũng như vậy, chúng con có thể cảm thấy rằng người lớn chung quanh chúng con không trân trọng những hy vọng và khát khao của chúng con; đôi khi, họ lại hoài nghi khi họ thấy chúng con quá vui; và nếu họ nhìn thấy chúng con đang lo âu về một điều gì đó, họ liền xem nhẹ nó. Trong tài liệu tham khảo trước Thượng Hội đồng sắp tới, chúng ta sẽ nói về giới trẻ, rất nhiều người trong chúng con bày tỏ khát khao có một người bạn đồng hành trên đường, một người có thể hiểu chúng con mà không kết án, một người có thể lắng nghe chúng con cũng như trả lời cho những câu hỏi của chúng con (x. Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Instrumentum Laboris, 132). Các Giáo hội Ki-tô của chúng ta – và cha dám nói điều này về mọi quy trình tôn giáo theo cơ cấu tổ chức – có những lúc đem đến những thái độ làm cho chúng ta thấy dễ dàng để nói, để đưa ra những lời khuyên, để nói về những kinh nghiệm của riêng chúng ta, hơn là lắng nghe, hơn là để bản thân được thách đố và rút ra bài học từ những gì chúng con đang trải nghiệm. Rất nhiều lúc các cộng đoàn Ki-tô hữu đóng chặt cửa, mà không nhận ra được, và không lắng nghe những lo âu của chúng con. Chúng ta biết rằng chúng con muốn và mong chờ “được đồng hành không phải bởi một quan tòa cứng rắn, hoặc bởi một người cha người mẹ đầy lo sợ và bảo bọc quá mức tạo ra sự ỷ lại, nhưng được đồng hành bởi một người không e sợ sự yếu đuối của mình và có thể làm cho gia tài tỏa sáng, giống như một chiếc bình sành, mà nó chứa đựng trong đó (x. 2 Cr 4:7)” (nt., 142). Hôm nay, cha đến đây để nói với chúng con rằng chúng ta cùng than khóc khi chúng con than khóc, cùng chia sẻ những niềm vui của chúng con bằng những tràng vỗ tay và tiếng cười, và giúp chúng con trở thành những người môn đệ của Chúa. Chúng con, những người con trai và con gái, những người trẻ tuổi, nên biết điều này: khi một cộng đoàn Ki-tô hữu thật sự là Ki-tô giáo, thì nó không đi theo chủ nghĩa chiêu dụ tín đồ. Nó chỉ lắng nghe, chào đón, đồng hành và cùng chung bước, nhưng nó không áp đặt một điều gì.

Chúa Giê-su cũng phải than phiền về những thành trì nơi Ngài đã đến thăm, nơi Ngài đã thực hiện những phép lạ vĩ đại và thể hiện những dấu chỉ của lòng nhân hậu bao la và sự gần gũi, và Ngài xót xa vì họ không thể nhận ra rằng sự mới mẻ mà Ngài mang đến là vô cùng khẩn thiết và không thể trì hoãn. Ngài thậm chí nói rằng họ còn cứng đầu và ngoan cố hơn cả thành Xơ-đôm (x. Mt 11:20-24). Khi người lớn chúng ta từ chối không thừa nhận một thực tại hiển nhiên nào đó, chúng con hãy nói thẳng với chúng ta: “Ông bà không nhìn thấy sao?” Một số trong chúng con trực tính hơn thậm chí có thể nói với chúng ta: “Ông bà không thấy rằng chẳng còn ai đang lắng nghe ông bà nữa sao, hay tin ông bà nữa sao?” Bản thân chúng ta cần thay đổi thật sự; chúng ta phải thừa nhận rằng để có thể cùng đứng bên cạnh chúng con thì chúng ta cần phải thay đổi nhiều hoàn cảnh, mà cuối cùng chúng làm cho chúng con thoái chí.

Như chúng con đã nói với chúng ta, cha và những người lớn biết rằng nhiều bạn trẻ không đến với chúng ta để xin điều gì nữa vì họ không cảm thấy người lớn có điều gì đó đầy ý nghĩa để nói cho họ về cuộc sống của họ. Điều này thật tệ, khi trong một Giáo hội, trong một cộng đoàn, lại cư xử theo một cách làm cho giới trẻ phải nghĩ: “Họ sẽ chẳng nói cho tôi điều gì hữu ích cho tôi trong cuộc sống.” Thật vậy, một số bạn trẻ tỏ thái độ như muốn nói với chúng ta là hãy để cho họ một mình, vì họ cảm thấy sự hiện diện của Giáo hội là một sự phiền toái hay thậm chí chỉ làm bực mình. Và điều này là đúng. Họ cảm thấy lo lắng thất vọng vì những vụ bê bối về kinh tế và tình dục mà họ không tìm thấy việc kết án rõ ràng, vì sự vô tình của chúng ta hoặc vì vai trò thụ động mà chúng ta trao cho họ (x. Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Instrumentum Laboris, 66). Đây chỉ là một vài ví dụ trong những điều chúng con than phiền. Chúng ta muốn trả lời cho họ, như chính chúng con đã đưa ra, chúng ta muốn trở thành một “cộng đoàn minh bạch, chào đón, trung thực, mời gọi, cởi mở, nhạy cảm, vui mừng và có tình liên đới” (nt. 67), cụ thể là một cộng đoàn không e sợ. Những e sợ làm chúng ta đóng cửa lòng. Sự e sợ khiến chúng ta trở thành những người chiêu dụ tín đồ. Và tình huynh đệ thì hoàn toàn khác: nó là một trái tim rộng mở và một cái ôm của tình anh em.

Trước khi đến với những lời phúc âm tỏa rạng trong nhà thờ này, Chúa Giê-su đã ca khen Chúa Cha. Ngài làm như vậy vì Ngài biết rằng những người thật sự hiểu, những người thật sự nắm bắt được ý nghĩa thông điệp và ngôi vị của Ngài, là những con người bé nhỏ, những con người với tâm trí đơn sơ và rộng mở. Nhìn thấy tất cả chúng con ở đây như vầy, tập trung lại như một và cùng nhau cất tiếng ca, cha thêm lời của riêng cha hòa cùng với lời của Chúa Giê-su và cha ngạc nhiên thấy rằng, dù tất cả chúng ta đều thiếu sót việt làm chứng tá, nhưng chúng con tiếp tục tìm thấy Chúa Giê-su trong giữa những cộng đoàn. Vì chúng ta biết rằng nơi nào có Chúa Giê-su hiện diện, thì nơi đó luôn có sự canh tân; luôn có những cơ hội mới cho sự hoán cải và cho việc gạt lại sau lưng mọi điều chia cách chúng ta ra khỏi Người và ra khỏi anh em. Nơi nào có Chúa Giê-su hiện diện, sự sống luôn mang hương thơm ngát của Chúa Thánh Thần. Chúng con ở đây hôm nay phản ánh một sự kỳ diệu mà Chúa Giê-su cảm nhận.

Đúng vậy, chúng ta hãy lặp lại lời của Người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Nhưng chúng ta hãy lặp lại những lời đó với lòng vững tin rằng Chúa Giê-su vẫn là lý do để chúng ta đến đây với nhau, vượt qua mọi giới hạn và chia cách của chúng ta. Chúng ta biết rằng không có sự bình an tâm hồn nào lớn hơn là để cho Chúa Giê-su cất đi những gánh nặng của chúng ta. Chúng ta cũng biết rằng nhiều người vẫn chưa biết Người và sống trong nỗi buồn và sự mất mát. Một trong những ca sĩ nổi tiếng của chúng con, khoảng mười năm trước, đã nói trong một bài hát của cô: “Tình yêu đã chết, tình yêu đã vụt bay, tình yêu không còn sống ở đây” (Kerli Koiv, Tình yêu đã chết). Không, xin làm ơn, chúng ta hãy làm cho tình yêu vẫn luôn sống, và tất cả chúng ta phải làm điều này! Và có quá nhiều người có kinh nghiệm này: họ nhìn thấy rằng tình yêu của cha mẹ họ đã kết thúc, rằng tình yêu của những đôi vợ chồng mới cưới không còn; họ cảm thấy một sự đau đớn sâu thẳm khi không có một ai quan tâm chăm sóc đến mức họ phải ra đi để tìm việc làm, hoặc khi họ bị dò xét một cách ngờ vực vì họ là người nước ngoài. Dường như tình yêu đã chết, như Kerli Koiv nói, nhưng chúng ta biết rằng nó không chết và chúng ta có một lời để nói, một thông điệp để mang đến, với ít lời nhưng nhiều hành động, vì chúng con là thế hệ của hình ảnh, thế hệ của hành động, nhiều hơn là suy đoán và lý thuyết.

Và đó là lý do tại sao Chúa Giê-su yêu thích, vì Người ra đi để làm điều lành, và khi hy sinh Người gửi đến thông điệp làm chấn động của thập giá thay cho những lời nói. Chúng ta được kết hiệp bởi niềm tin vào Chúa Giê-su, và Người đang chờ đợi chúng ta mang Người đến với tất cả những bạn trẻ đang sống đời sống không còn ý nghĩa. Và sự nguy hiểm của nó là đánh mất ý nghĩa của cuộc sống, cả đối với chúng ta là những người tin. Và điều này xảy ra khi người tín hữu chúng ta trở nên mâu thuẫn. Chúng ta cùng nhau chấp nhận tính mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến cho cuộc sống của chúng ta, tính mới mẻ thúc giục chúng ta lên đường đến với những nơi mà nhân loại chịu thương tổn nhất. Bất kỳ nơi đâu con người, nam và nữ, ẩn sau cái vỏ bọc của sự bằng lòng hời hợt, sẽ tiếp tục đi tìm một câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng chúng ta không bao giờ cô đơn trên hành trình: Thiên Chúa cùng đi với chúng ta; “Người không e ngại những người bị gạt ra bên lề, chính Người trở thành một người bị gạt ra bên lề (x. Phl 2:6-8; Ga 1:14). Nếu chúng ta có can đảm thoát ra khỏi con người của mình, thoát khỏi tính tự cao tự đại của chúng ta, thoát khỏi những tư tưởng bó khuôn của chúng ta và đi đến với những người bị gạt ra bên lề, chúng ta sẽ tìm được Người ở đó, vì Chúa Giê-su đi trước chúng ta trong đời sống của một người anh em đau khổ và bị bỏ rơi. Người đã ở đó (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, 135).

Các chàng trai và các cô gái, tình yêu không chết. Nó lên tiếng kêu gọi chúng ta và thúc đẩy chúng ta lên đường. Nó chỉ yêu cầu chúng ta mở rộng tấm lòng. Chúng ta hãy cầu xin có sức mạnh tông đồ để mang Tin mừng đến cho anh em – nhưng là giới thiệu chứ không phải áp đặt — và chống lại khuynh hướng cho rằng đời sống của Ki-tô giáo chúng ta dường như chỉ là một nhà bảo tàng lưu giữ những ký ức. Đời sống người Ki-tô hữu là sự sống, là tương lai, là hy vọng! Nó không phải là một nhà bảo tàng. Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết chiêm ngắm lịch sử dưới ánh sáng của Chúa Giê-su sống lại, để Giáo hội, để các Giáo hội của chúng ta có thể tiếp tục tiến bước để đón chào những sự ngạc nhiên của Chúa (x. nt, 139), tái khôi phục lại sự trẻ trung của mình, niềm vui, và vẻ đẹp mà Mirko đã nói đến, của một Nàng dâu đến gặp Đức Chúa – những sự ngạc nhiên của Chúa. Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên vì cuộc sống luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta hãy lên đường, để gặp những sự ngạc nhiên này. Xin cảm ơn!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch chính thức (tiếng Anh)]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2018]


Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Trung quốc: Tòa Thánh, nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, đạt Thỏa thuận Tạm thời về việc Bổ nhiệm Giám mục

Trung quốc: Tòa Thánh, nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, đạt Thỏa thuận Tạm thời về việc Bổ nhiệm Giám mục
Nhà thờ Công giáo ở Bắc Kinh- Wikimedia Commons

Trung quốc: Tòa Thánh, nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, đạt Thỏa thuận Tạm thời về việc Bổ nhiệm Giám mục

‘Đây không phải là bước cuối cùng của tiến trình. Nó mới chỉ là bước khởi đầu.’

22 tháng Chín, 2018 16:12

Ngày 22 tháng Chín, 2018, Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa thông báo việc ký kết một Thỏa thuận Tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám mục.

Thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ của những liên lạc giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đã diễn ra trong một thời gian dài thảo luận về những vấn đề hai bên cùng quan tâm và thúc đẩy sự hiểu biết nhau hơn, một cuộc họp diễn ra ở Bắc Kinh giữa Đức ông An-tôn Camilleri, Thư ký Phân bộ Ngoại giao của Tòa Thánh, và ông Wang Chao, Thứ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, và những người đứng đầu của hai phái đoàn Vatican và Trung hoa.

Ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết, “Đây không phải là bước cuối cùng của tiến trình. Nó mới chỉ là bước khởi đầu. Việc này diễn ra qua sự đối thoại, kiên trì lắng nghe về cả hai phía ngay cả khi người ta đến từ những quan điểm rất khác nhau. Mục tiêu của thỏa thuận không liên quan đến chính trị nhưng liên quan đến mục vụ, cho phép người tín hữu có các giám mục là người hiệp nhất với Roma nhưng đồng thời được giới chức Trung quốc công nhận.”

Theo Vatican, Thỏa thuận Tạm thời, kết quả của việc nối lại quan hệ hữu nghị song phương và từng bước, đã được thông qua theo sau một tiến trình dài thận trọng trong thương thuyết và dự liệu khả năng áp dụng theo từng giai đoạn. Nó liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám mục, một vấn đề rất quan trọng cho đời sống của Giáo hội, và tạo ra những điều kiện cho sự hợp tác lớn hơn ở tầm mức song phương.

Hy vọng rằng hiệp định này có thể ưu ái cho một tiến trình đầy kết quả tốt đẹp và hướng đến sự đối thoại và có thể góp phần tích cực cho đời sống của Giáo hội Công giáo Trung hoa, cho ích chung của người dân Trung quốc và cho nền hòa bình trên toàn thế giới, Vatican nói.

Theo một báo cáo được Vatican công bố, “Đức Thánh Cha Phanxico hy vọng rằng, với những quyết định này, có thể bắt đầu một tiến trình mới có thể vượt qua được những vết thương trong quá khứ, dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn với tất cả mọi người Công giáo Trung hoa. Cộng đoàn Công giáo Trung hoa được kêu gọi hãy sống tinh thần hợp tác huynh đệ hơn, để thúc đẩy một cam kết mới trong việc công bố Tin mừng. Quả thật, Giáo hội sống để làm chứng tá cho Đức Giê-su Ki-tô và cho tình yêu tha thứ và cứu độ của Chúa Cha.”

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha Phanxico đã quyết định chấp nhận sự hiệp nhất hội thánh trọn vẹn đối với những Giám mục “hợp pháp” còn lại, được tấn phong mà không có Quyết định của Tòa Thánh: Đức ông Giu-se Guo Jincai, Đức ông Giu-se Huang Bingzhang, Đức ông Phaolo Lei Shiyin, Đức ông Giu-se Liu Xinhong, Đức ông Giu-se Ma Yinglin, Đức ông Giu-se Yue Fusheng, Đức ông Vinh sơn Zhan Silu và Đức ông An-tôn Tu Shihua, OFM (người trước khi qua đời ngày 4 tháng Một năm 2017, đã bày tỏ khát khao được hòa giải với Tòa Thánh).


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/9/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico động viên giới trẻ Lithuanian

Đức Thánh Cha Phanxico động viên giới trẻ Lithuanian
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico động viên giới trẻ Lithuanian

‘Đừng bao giờ e sợ đặt niềm tín thác của chúng con vào Chúa Giê-su, để ôm lấy nguyên nhân tối thượng của Người, nguyên nhân tối thượng của Tin mừng.’

22 tháng Chín, 2018 20:06

Hàng ngàn bạn trẻ Lithuania tập trung trong quảng trường trước Nhà thờ Chính tòa Vilnius lắng nghe thông điệp hy vọng và động viên của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 22 tháng Chín, 2018. Sau khi nghe những chứng ngôn của hai bạn trẻ – Monica và Jonas – Đức Thánh Cha có một thông điệp rõ ràng và đơn giản cho đám đông:

“Đừng bao giờ e sợ đặt niềm tín thác của chúng con vào Chúa Giê-su, để ôm lấy nguyên nhân tối thượng của Người, nguyên nhân tối thượng của Tin mừng.”

Đức Thánh Cha cảnh báo những nguy cơ bị lôi vào vòng xoáy của các điều thuộc thế gian và nghĩ rằng tự mình có thể làm được mọi việc. Nhưng ngài nhắc nhớ rằng ngay cả khi mọi điều dường như khiến gục ngã, thì Thiên Chúa vẫn ở đó và có những con người sẵn sàng tái xây dựng.

Đức Thánh Cha Phanxico động viên giới trẻ Lithuanian

“Cũng như ngôi Nhà thờ Chính tòa này, có những lúc chúng con tưởng mình đang gục ngã, những đám cháy mà chúng con nghĩ rằng chúng con không bao giờ tái xây dựng lại được,” Đức Thánh Cha giải thích. “Hãy nghĩ đến những lần ngôi nhà thờ này chìm trong biển lửa và sụp đổ. Nhưng vẫn có những người luôn sẵn sàng bắt đầu việc tái xây dựng; họ không để cho bản thân bị hạ gục bởi sự gian khó: họ không bao giờ đầu hàng. Cũng như vậy, sự tự do của dân tộc chúng con đã giành được bởi những con người không hề chùn bước trước sự kinh hoàng và tai họa.”

Ngài tiếp tục nhắc nhở những bạn trẻ (và những người không còn trẻ trong đám đông) rằng điều quan trọng là phải giúp đỡ nhau và họ không phải e sợ bước theo Đức Ki-tô:

“Các bạn trẻ thân mến, bước theo Đức Ki-tô là một điều rất xứng đáng! Đừng e ngại tham gia vào cuộc cách mạng mà ngài mời gọi chúng ta: cuộc cách mạng lòng nhân hậu (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 88).”

Toàn văn Huấn từ của Đức Thánh Cha

Cảm ơn Monica và Jonas về chứng ngôn của chúng con. Cha đã lắng nghe như một người bạn, dường như chúng ta đang ngồi sát cạnh nhau trong một quán bar, kể cho nhau nghe về cuộc sống của chúng ta trong khi uống một ly bia hay một ly girá sau khi đến jaunimo teatras (nhà hát).

Nhưng đời sống của chúng con không phải là một vở kịch trên sân khấu; nó là thật và cụ thể, cũng giống như đời sống của mọi người khác hôm nay tập trung với nhau tại đây trong quảng trường xinh đẹp này nằm giữa hai con sông. Có thể tất cả những điều này giúp chúng ta nhớ lại những câu chuyện của chúng con và tìm thấy trong đó dấu chân của Thiên Chúa … vì Thiên Chúa luôn đi qua cuộc đời của chúng ta.

Cũng như ngôi Nhà thờ Chính tòa này, có những lúc chúng con tưởng mình đang gục ngã, những đám cháy mà chúng con nghĩ rằng chúng con không bao giờ tái xây dựng lại được. Hãy nghĩ đến những lần ngôi nhà thờ này chìm trong biển lửa và sụp đổ. Nhưng vẫn có những người luôn sẵn sàng bắt đầu việc tái xây dựng; họ không để cho bản thân bị hạ gục bởi sự gian khó: họ không bao giờ đầu hàng. Cũng như vậy, sự tự do của dân tộc chúng con đã giành được bởi những con người không hề chùn bước trước sự kinh hoàng và tai họa. Monica, cuộc sống của cha của con, tình trạng của ông, và cái chết của ông, và Jonas, căn bệnh của con có thể đã tàn phá con. Nhưng con vẫn có mặt ở đây, chia sẻ kinh nghiệm của con, nhìn nó bằng đôi mắt của đức tin, và giúp chúng ta nhìn thấy rằng Thiên Chúa đã ban cho con ơn sức mạnh, nâng con dậy và giữ vững bước đi của con trong đời.

Ơn của Chúa rót đổ trên chúng con bằng cách nào?

Đó là qua những người trong hành trình đi qua cuộc đời của chúng con, những con người tốt lành đã nuôi dưỡng chúng con bằng kinh nghiệm đức tin của họ. Với con Monica, đó là bà và mẹ của con, và giáo xứ Phanxico giống như điểm hợp dòng của hai con sông này; cũng như sông Vilna chảy vào Neris, con để cho bản thân được cuốn đi theo dòng chảy của ơn sủng. Vì Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng cách đặt chúng ta làm một phần của một dân tộc. Không ai có thể nói, “Một mình tôi được cứu thoát.” Tất cả chúng ta đều có tương quan, “liên kết mạng.” Thiên Chúa muốn đi vào trong mạng lưới của những mối quan hệ này và Người lôi kéo cộng đoàn chúng ta đến với Người; Người ban tặng cho cuộc sống chúng ta ý nghĩa bản sắc sâu đậm nhất và sự thuộc về (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, 6). Jonas, con cũng đã tìm thấy nơi người khác, nơi người vợ của con và trong lời thề hứa của ngày cưới, lý do để tiếp tục tiến bước, để chiến đấu, để sống.

Đức Thánh Cha Phanxico động viên giới trẻ Lithuanian

Vì thế đừng để thế gian thuyết phục chúng con tin rằng tốt hơn là một mình mình thực hiện mọi việc. Đừng đầu hàng trước cám dỗ co cụm vào bản thân, cuối cùng dẫn đến tính ích kỷ hoặc hời hợt trước những lo âu, khó khăn hay những thành công vụt qua. Một lần nữa chúng ta hãy nói, “Bất cứ điều gì xảy đến cho người khác cũng là xảy đến cho tôi.” Chúng ta hãy bơi ngược lại dòng chảy của chủ nghĩa cá nhân kia nó cô lập chúng ta, biến chúng ta thành người ích kỷ và hão huyền, chỉ quan tâm duy nhất đến hình ảnh của mình và sự sung sướng của riêng mình.

Hướng đến sự nên thánh qua những cuộc gặp gỡ và tình bạn bè với người khác; hãy quan tâm đến những thiếu thốn của họ (nt., 146). Con người thật của chúng ta là ai đều liên quan đến phần hiện hữu của chúng ta trong một dân tộc. Bản sắc riêng không phải là sản phẩm của phòng thí nghiệm; nó không được pha chế trong ống nghiệm. Mỗi người chúng ta đều biết rằng thật đẹp biết bao khi thuộc về một dân tộc, nhưng nó cũng đòi hỏi nhiều, và thậm chí có những lúc đau khổ. Nhưng đó là nền tảng của bản sắc riêng của chúng ta; chúng ta không thể không có cội rễ.

Cả hai chúng con cũng nói về kinh nghiệm ở trong một ca đoàn, cầu nguyện trong gia đình, Thánh Lễ, và dạy giáo lý, và giúp đỡ người thiếu thốn. Đây là những vũ khí vô cùng mạnh mẽ Thiên Chúa trao cho chúng ta. Cầu nguyện và ca hát giúp chúng ta không bị lôi vào vòng xoáy của thế gian này; với khát khao tìm biết Chúa chúng con thoát ra khỏi bản thân và có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra trong tâm hồn chúng con qua đôi mắt của Thiên Chúa (x. nt., 147). Khi hòa mình vào âm nhạc, chúng con mở lòng lắng nghe và hướng đến đời sống nội tâm; bằng cách này, chúng con phát triển tính nhạy cảm, và điều đó luôn mở con đường ra cho sự phân định (x. Instrumentum Laboris, Thượng Hội đồng về Giới trẻ, 162). Cầu nguyện chắc chắn có thể là một kinh nghiệm của “cuộc chiến đấu tinh thần,” nhưng chính trong sự cầu nguyện mà chúng ta học được cách lắng nghe Thần Khí, để phân định được những dấu chỉ thời đại và tìm ra được những sức mạnh đổi mới để loan báo Tin mừng mỗi ngày. Chúng ta có còn cách nào khác để chiến đấu chống lại cám dỗ làm chúng ta thoái chí trước những yếu đuối và khó khăn của chúng ta, và của người khác, và trước tất cả những điều kinh khủng đang xảy ra trên thế giới? Chúng ta sẽ làm được gì nếu cầu nguyện không dạy cho chúng ta tin rằng mọi việc đều tùy thuộc vào chúng ta, khi chúng ta cô đơn và phải vật lộn với nghịch cảnh? Như Thánh Alberto Hurtado đã từng nói, “Chúa Giê-su và tôi là một đại đa số tuyệt đối!” Sự gặp gỡ với Đức Ki-tô, với Lời của Người, với Thánh Thể, nhắc chúng ta nhớ rằng đối thủ có mạnh tới đâu đi nữa thì cũng chẳng có gì khác. Dù đội bóng rổ Žalgiris Kaunas hay đội Vilnius Rytas đứng ở vị trí đầu thì cũng chẳng có gì khác; điều đáng quan tâm không phải là kết quả, nhưng là sự thật rằng Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta.

Cả hai chúng con cũng tìm được sự hỗ trợ trong cuộc sống qua kinh nghiệm giúp đỡ người khác. Chúng con nhận ra rằng chung quanh chúng ta còn có những người đang phải trải qua những khó khăn còn nặng nề hơn chúng ta rất nhiều. Monica, con kể cho chúng ta nghe về công việc với trẻ em khuyết tật. Chứng kiến sự mong manh của người khác tạo cho chúng ta một cách nhìn: nó giúp chúng ta không đi qua cuộc đời bị những vết thương gặm nhấm. Không biết bao nhiêu bạn trẻ rời bỏ gia đình vì thiếu những cơ hội, và không biết bao nhiêu bạn trở thành nạn nhân của sự thất vọng, của rượu, và thuốc phiện! Không biết bao nhiêu người cao tuổi phải cô đơn, không có ai để chia sẻ hiện tại, và lo sợ rằng quá khứ sẽ tái diễn! Chúng con có thể trả lời cho những thách đố đó bằng sự hiện diện của mình, bằng sự gặp gỡ với người khác. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy thoát ra khỏi bản thân và dám mạo hiểm gặp gỡ người khác. Sự thật là tin theo Chúa Giê-su thường đòi buộc phải có một bước nhảy thoát khỏi đức tin mù quáng, và điều này có thể gây hãi hùng. Có những lúc, nó khiến chúng ta phải tự vấn bản thân, và buộc chúng ta phải từ bỏ những định kiến. Việc này cũng có thể làm khổ sở và chúng ta dễ sa vào cám dỗ làm nản chí. Nhưng hãy đứng vững! Theo chân Chúa Giê-su là một cuộc phiêu lưu đầy niềm đam mê và nó trao tặng ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta cảm nhận thấy mình là một phần của cộng đoàn đang động viên và đồng hành với chúng ta, và thúc đẩy chúng ta phục vụ tha nhân. Các bạn trẻ thân mến, bước theo Đức Ki-tô là một điều rất xứng đáng! Đừng e ngại tham gia vào cuộc cách mạng mà ngài mời gọi chúng ta: cuộc cách mạng lòng nhân hậu (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 88).

Nếu cuộc sống chỉ như một vở kịch trên sân khấu hay một trò chơi video, thì nó sẽ bị giới hạn theo một thời gian rõ ràng, và nó có khởi đầu và kết thúc, khi màn sân khấu buông xuống hay khi một bên thắng cuộc trong trò chơi. Nhưng cuộc sống đo thời gian theo cách hoàn toàn khác; nó đi theo nhịp đập trái tim của Chúa. Có lúc nó trôi qua thật nhanh, nhưng cũng có lúc nó đi chầm chậm. Chúng ta đứng trước thách đố đi theo những con đường mới; mọi sự thay đổi. Chúng ta trở nên do dự vì sợ rằng bức màn sân khấu kia sẽ buông xuống, hoặc đồng hồ đếm giờ sẽ loại chúng ta ra khỏi trò chơi hoặc chặn chúng ta không thể tiến tới. Nhưng cuộc sống luôn luôn là sự tiến tới, tìm kiếm con đường đúng nhưng không e sợ phải lần lại những bước đi đã qua nếu chúng ta phạm sai lầm. Điều nguy hiểm nhất đó là lẫn lộn giữa một hành trình và một mê cung bắt chúng ta phải luẩn quẩn theo các hình tròn mà không tạo ra được sự tiến bộ thật sự nào. Là những người trẻ tuổi, đừng để bản thân mình bị rơi vào một mê cung nhưng hãy hãy bắt đầu một hành trình dẫn về tương lai.

Đừng bao giờ e sợ đặt niềm tín thác của chúng con vào Chúa Giê-su, để ôm lấy nguyên nhân tối thượng của Người, nguyên nhân tối thượng của Tin mừng. Vì Người không bao giờ rời bỏ con tàu cuộc sống của chúng ta; Người luôn đứng đó tại những ngã rẽ của cuộc sống. Ngay cả khi cuộc sống của chúng ta như bị thiêu rụi trong ngọn lửa, thì Người vẫn luôn ở đó để xây dựng lại nó. Chúa Giê-su cho chúng ta rất nhiều thời gian, nhiều lần để vấp ngã. Chẳng ai phải di cư ra khỏi sự sống của Người; Người có chỗ cho tất cả. Ngoài kia có nhiều người đang muốn chiếm lấy trái tim của chúng con. Họ muốn gieo những hạt cỏ dại trong cánh đồng của chúng con, nhưng nếu cuối cùng chúng ta tín thác cuộc sống cho Chúa, thì hạt giống tốt sẽ luôn luôn chiến thắng.

[01432-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/9/2018]


Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico: Diễn từ tại Diễn đàn Liên tôn G20

Đức Thánh Cha Phanxico: Diễn từ tại Diễn đàn Liên tôn G20
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico: Diễn từ tại Diễn đàn Liên tôn G20

‘Tôi nghĩ rằng tôn giáo có một vai trò rất lớn, đặc biệt do quan điểm mới về con người, xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và vũ trụ.’

26 tháng Chín, 2018 16:50

Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi các tham dự viên trong Diễn đàn Liên tôn G20 (G20 Interfaith), diễn ra tại Buenos Aires, Argentina, 26-28 tháng Chín, 2018 về chủ đề “Xây Dựng Tính Thống Nhất Về Sự Phát Triển Bền Vững Và Công Bằng: Những Đóng Góp Của Tôn Giáo Cho Một Tương Lai Có Phẩm Giá”:


Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến quý vị tổ chức và tham dự trong Diễn đàn Liên tôn G20, năm nay diễn ra tại Buenos Aires. Những hội nghị liên tôn, diễn ra trong khuôn khổ của các cuộc họp Thượng đỉnh G20, mong muốn đưa ra sự đóng góp của những truyền thống và kinh nghiệm tôn giáo và triết học khác nhau cho cộng đồng quốc tế, để làm rõ những vấn đề xã hội mà chúng ta quan tâm một cách đặc biệt ngày nay.

Trong những ngày trao đổi và phản ánh vừa qua, diễn đàn nhằm mục tiêu khám phá sâu rộng hơn về vai trò của các tôn giáo và sự đóng góp cụ thể của tôn giáo trong việc xây dựng tính thống nhất cho sự phát triển bền vững và công bằng để bảo đảm một tương lai xứng đáng cho tất cả mọi người.

Chắc chắn, lúc này thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách đố, và vô cùng phức tạp. Chúng ta hiện đang đương đầu với những tình hình khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến nhiều anh em bị gạt bỏ và bị lãng quên của chúng ta, nhưng còn phải đương đầu với sự đe dọa tương lai của toàn nhân loại. Và những người có đức tin không thể giữ thái độ thờ ơ trước những đe dọa này.

Suy nghĩ về tôn giáo, tôi tin rằng ngoài những sự khác biệt và những quan điểm khác nhau, sự đóng góp mang tính nền tảng đầu tiên cho thế giới hôm nay là khả năng thể hiện tính hiệu quả của sự đối thoại mang tính xây dựng để cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất cho các vấn đề đang ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Một sự đối thoại không nhằm chối bỏ bản sắc của một tôn giáo (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 251), nhưng sẵn sàng bước ra để gặp gỡ người khác, để thấu hiểu những lý do của họ, để có thể xây dựng những mối quan hệ nhân văn đầy tính tôn trọng, với sự xác tín rõ ràng và dứt khoát rằng việc lắng nghe người có suy nghĩ khác biệt trước hết là một cơ hội để làm phong phú lẫn nhau và phát triển trong tình huynh đệ. Không thể xây dựng một ngôi nhà chung nếu gạt bỏ những người có suy nghĩ khác biệt, hoặc những gì họ cho là quan trọng và những gì thuộc bản sắc rất riêng của họ. Điều cần thiết là phải xây dựng một tình huynh đệ không như một “phòng thí nghiệm,” vì “tương lai lệ thuộc vào sự chung sống biết tôn trọng tính đa dạng, chứ không lệ thuộc vào việc thừa nhận một lối suy nghĩ trung lập thuần tính lý thuyết” (Diễn từ trước Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, 28 tháng Mười Một, 2013 ).

Đứng trước một thế giới trong đó mô hình phát triển theo kỹ trị được khẳng định và củng cố, với luận lý thống trị và điều khiển thực tại chỉ quan tâm đến lợi nhuận và kinh tế, Tôi nghĩ rằng tôn giáo có một vai trò rất lớn, đặc biệt do quan điểm mới về con người, xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và vũ trụ. Bất kỳ nỗ lực nào tìm kiếm sự phát triển kinh tế, xã hội hay kỹ thuật phải suy xét đến phẩm giá của con người; tầm quan trọng của việc nhìn đến con người qua đôi mắt của họ chứ không xem họ chỉ là một con số hay một sự thống kê lạnh lùng. Chúng ta cần có một sự vững tin rằng “con người là nguồn lực, là trung tâm, và là mục tiêu cho mọi đời sống kinh tế và xã hội” (Tông huấn Gaudium et Spes, 63). Vì thế, chúng ta hãy đưa ra một cách nhìn mới về con người và thực tại, không nhằm mục đích thao túng hay thống trị, nhưng với sự tôn trọng bản chất của riêng họ và ơn gọi của họ trong toàn thể tạo vật, vì “được mời gọi đi vào sự hiện hữu bởi một Chúa Cha, tất cả chúng ta được kết nối bởi những mối dây ràng buộc vô hình và cùng nhau tạo nên một gia đình hoàn vũ, một sự kết hiệp cao cả lấp đầy chúng ta bằng một lòng tôn trọng thánh thiêng, cảm mến và khiêm tốn” (Tông huấn Laudato si’, 89).

Các bạn thân mến, trước hội đồng vô cùng cao quý này, một lần nữa tôi tha thiết lặp lại lời kêu gọi bảo vệ cho ngôi nhà chung của chúng ta qua sự quan tâm đến toàn gia đình nhân loại. Một lời mời gọi khẩn thiết đến với một cuộc đối thoại mới về cách chúng ta xây dựng xã hội, trên con đường đi tìm sự phát triển bền vững với lòng vững tin rằng mọi việc đều có thể thay đổi.

Xin cho phép tôi kết luận bằng việc lặp lại một lần nữa rằng tất cả chúng ta đều là cần thiết trong nhiệm vụ này, và chúng ta có thể hợp tác với nhau như những khí cụ của Thiên Chúa để bảo vệ và chăm sóc cho tạo vật, mọi người đóng góp văn hóa và kinh nghiệm của họ, tài năng và niềm tin của họ.

Và thưa quý vị, xin cầu nguyện cho tôi.

Vatican, 6 tháng Chín, 2018

FRANCIS

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2018]


TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các quốc gia vùng Baltics (Toàn văn)

TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các quốc gia vùng Baltics (Toàn văn)
© Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các quốc gia vùng Baltics (Toàn văn)

‘Sứ mạng của cha là một lần nữa công bố niềm vui của Tin mừng cho các dân tộc này và cuộc cách mạng của lòng nhân hậu, của lòng thương xót, vì sự tự do là chưa đủ để mang đến ý nghĩa và sự trọn vẹn cho cuộc sống, nếu không có tình yêu, tình yêu luôn đến từ Thiên Chúa’

26 tháng Chín, 2018 14:23

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung về chuyến Tông du của ngài đến Lithuania, Latvia và Estonia, vừa mới kết thúc (Trích đoạn Sách thánh: Thánh vịnh 126, 1-6).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi nhân dịp ký kết Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, về việc bổ nhiệm giám mục ở Trung quốc, đã diễn ra tại Bắc Kinh ngày 22 tháng Chín vừa qua.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những ngày vừa qua, cha vừa hoàn thành chuyến Tông du đến Lithuania, Latvia và Estonia, nhân dịp kỷ niệm 100 năm độc lập của các quốc gia Baltic này. Một trăm năm, phân nửa thời gian đó họ phải sống dưới cái ách của những cuộc chiếm đóng, ban đầu là Đức Quốc xã và sau là đến Xô viết. Họ là những dân tộc đã chịu nhiều đau thương, và vì vậy, Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến họ. Cha chắc chắn về điều này. Tôi cảm ơn ba vị tổng thống của ba nước Cộng hòa và các Giới chức dân sự về những sự tiếp đón rất trang trọng dành cho tôi. Tôi cảm ơn các đức Giám mục và tất cả những người đã cộng tác trong việc chuẩn bị và tổ chức sự kiện hội thánh này.

Chuyến viếng thăm của cha diễn ra trong bối cảnh đã thay đổi so với bối cảnh khi Thánh Gioan Phaolo II đến. Sứ mạng của cha là một lần nữa công bố niềm vui của Tin mừng cho các dân tộc này và cuộc cách mạng của lòng nhân hậu, của lòng thương xót, vì sự tự do là chưa đủ để mang đến ý nghĩa và sự trọn vẹn cho cuộc sống, nếu không có tình yêu, tình yêu luôn đến từ Thiên Chúa. Tin mừng, trong thời gian thử thách đã trao sức mạnh và động viên sự đấu tranh cho giải phóng, trong thời gian tự do nó là ánh sáng cho hành trình từng ngày của con người, của gia đình, của xã hội, và là muối tạo hương vị cho cuộc sống thường nhật và bảo vệ nó thoát khỏi sự hủ hóa của tính tầm thường và tính tự cao tự đại.

Ở Lithuania, người Công giáo chiếm số đông, trong khi ở Latvia và Estonia, người Tin lành và Chính thống giáo chiếm đa số; tuy nhiên, nhiều người đã xa cách đời sống tôn giáo. Vì thế, thách đố ở đây là phải củng cố sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người Ki-tô hữu, đã được phát triển trong suốt thời gian bắt bớ gắt gao. Quả thật, bản chất của chuyến đi này là chiều kích đại kết, và đã được diễn đạt qua thời gian cầu nguyện trong Nhà thờ Chính tòa Riga và trong buổi gặp gỡ với giới trẻ ở Tallinn.

Trong bài diễn từ trước các Giới chức của ba quốc gia này, cha nhấn mạnh đến sự đóng góp của họ cho cộng đồng các dân tộc, và đặc biệt cho Châu Âu: đóng góp những giá trị nhân văn và xã hội, đã truyền qua thời gian thử thách gắt gao nhất. Cha đã khuyến khích sự đối thoại giữa các thế hệ của người cao tuổi và thế hệ người trẻ, để sự liên lạc với “những cội rễ” có thể tiếp tục làm phong phú cho hiện tại và tương lai. Cha kêu gọi phải luôn kết hợp sự tự do với tình đoàn kết và lòng hiếu khách, theo truyền thống của những vùng đất đó.

Hai buổi gặp gỡ dành riêng cho giới trẻ và người cao tuổi: ở Vilnius với giới trẻ, và ở Riga với giới cao niên. Tràn ngập trong quảng trường ở Vilnius là các chàng trai và cô gái, là khẩu hiệu của chuyến viếng thăm đến Lithuania: “Đức Giê-su Ki-tô Niềm Hy vọng của chúng ta.” Những chứng ngôn diễn tả nét đẹp của sự cầu nguyện và việc ca hát, nơi linh hồn mở rộng trước Thiên Chúa, niềm vui phục vụ người khác, thoát ra khỏi sự khép kín của cái “Tôi” để lên đường, có thể đứng dậy sau những lần vấp ngã. Ở Lativa với người cao tuổi cha đã nhấn mạnh đến mối dây ràng buộc rất chặt chẽ giữa sự kiên nhẫn và hy vọng. Những người đã đi qua các thử thách gian khổ là cội rễ cho một dân tộc, để bảo vệ bằng ơn sủng của Chúa, để những chồi non có thể hút lấy nhựa sống từ những cội rễ đó và trổ hoa sinh trái. Thách đố cho những người đến tuổi già không phải là sự cứng nhắc, nhưng là giữ tâm hồn mở rộng và nhân hậu trong lòng, và điều này là hoàn toàn có thể có được với “nhựa sống” của Chúa Thánh Thần, bằng sự cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.

Cùng với các linh mục, người sống đời tận hiến và các chủng sinh ở Lithuania, sự bền chí là vô cùng quan trọng cho niềm hy vọng: đặt trung tâm vào Thiên Chúa, bấu víu thật vững vào tình yêu của Người. Những chứng tá thật cao cả của rất nhiều linh mục cao tuổi, của nam nữ tu sĩ đã thể hiện và vẫn đang tiếp tục thể hiện! Họ đã chịu những phỉ báng, bị tống ngục, bị lưu đày …, nhưng họ vẫn giữ vững niềm tin. Cha đã kêu gọi đừng lãng quên và phải bảo vệ ký ức về các vị tử đạo, để noi gương của họ.

Và để kết nối với ký ức, ở Vilnius cha đã tôn kính các nạn nhân của cuộc diệt chủng người Do thái ở Lithuania, đúng 75 năm kể từ ngày đóng cửa Ghetto, đó là khu hành hình hàng chục ngàn người Do thái. Đồng thời cha đến thăm Viện Bảo tàng Occupations and the Struggles for Freedom (những cuộc chiếm đóng và những cuộc chiến vì tự do): cha đã dừng lại cầu nguyện trong các phòng nơi những người chống đối thể chế bị giam giữ, bị tra tấn và bị giết. Họ giết trên dưới 40 người một đêm. Thật kinh hoàng khi nhìn thấy mức độ tàn ác của con người. Chúng ta hãy nghĩ đến điều này.

Năm tháng trôi qua, các chính thể cũng đi qua, nhưng trên hết Cổng Bình Minh của Vilnius, Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương xót, vẫn tiếp tục canh giữ cho con cái của Mẹ, như là dấu hiệu của niềm hy vọng vững chắc và sự an ủi (x. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 68).

Bác ái bằng hành động cụ thể luôn là một dấu chỉ sống động của Tin mừng. Ngay cả ở những nơi tính thế tục mạnh mẽ nhất, thì Thiên Chúa vẫn nói bằng ngôn ngữ của tình yêu, của sự chữa lành, của sự phục vụ nhưng không cho những người thiếu thốn. Và rồi những tâm hồn mở ra, và phép lạ xảy đến: sự sống mới trổ sinh trong những sa mạc.

Trong ba Thánh Lễ — tại Kaunas, Lithuania; tại Aglona, Latvia và ở Tallinn, Estonia — Dân Thánh của Chúa đang trên hành trình trong những vùng đất đó làm mới lại lời thưa “xin vâng” trước Đức Ki-tô, niềm hy vọng của chúng ta. Họ làm mới lại lời thưa cùng với Mẹ Maria, Đấng luôn luôn tỏ tình hiền mẫu cho con cái của Mẹ, đặc biệt với những người đau khổ nhất; họ nhắc lại như là dân tộc được chọn, những con người thánh thiện mà Thiên Chúa làm thức tỉnh ơn sủng của Bí tích Rửa tội trong tâm hồn họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em của Lithuania, của Latvia và của Estonia. Cảm ơn anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Thứ Bảy trước, 22 tháng Chín, một Thỏa thuận Tạm thời được ký kết ở Bắc kinh giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung quốc. Thỏa thuận này là kết quả của một hành trình đối thoại lâu dài và cân nhắc thận trọng; hướng đến việc thúc đẩy một sự hợp tác tích cực hơn giữa Tòa Thánh và các Giới chức Trung quốc vì lợi ích của cộng đoàn Công giáo ở Trung quốc và vì sự hòa hợp của toàn xã hội.

Trong tinh thần này, cha quyết định gửi tới người Công giáo Trung quốc và Giáo hội toàn cầu một sứ điệp về sự động viên tình huynh đệ, sẽ được công bố hôm nay. Bằng cách này, cha hy vọng rằng một chương mới sẽ được mở ra ở Trung quốc, giúp chữa lành những vết thương trong quá khứ, tái thiết lập và duy trì sự hiệp nhất trọn vẹn của tất cả mọi người Công giáo Trung quốc và cam kết đổi mới sự loan truyền Tin mừng. Anh chị em thân mến, chúng ta có một trách nhiệm rất quan trọng! Chúng ta được kêu gọi để đồng hành cùng anh chị em của chúng ta ở Trung quốc bằng lời cầu nguyện liên lỷ và một tình bạn thân ái. Họ biết rằng họ không cô đơn. Toàn Giáo hội cùng cầu nguyện với họ và cho họ. Cha khẩn xin Đức Mẹ, Mẹ của Niềm Hy vọng và Cứu giúp người Ki-tô hữu ban ơn và bảo vệ tất cả người Công giáo ở Trung quốc, đồng thời chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa ban ơn thịnh vượng và bình an cho toàn thể người dân Trung quốc.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2018]


Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

PHỎNG VẤN TẠI TALLINN: Đức Tổng Giám mục Tin lành của Estonia: “Cuộc thăm viếng của Đức Giáo hoàng sẽ là sự thể hiện tình yêu thương cho nhau”

PHỎNG VẤN TẠI TALLINN: Đức Tổng Giám mục Tin lành của Estonia: “Cuộc thăm viếng của Đức Giáo hoàng sẽ là sự thể hiện tình yêu thương cho nhau”
Vatican Media Photo

PHỎNG VẤN TẠI TALLINN: Đức Tổng Giám mục Tin lành của Estonia: “Cuộc thăm viếng của Đức Giáo hoàng sẽ là sự thể hiện tình yêu thương cho nhau”

Đức Giám mục Urmas Viilma nói: Vì đại đa số là người vô thần, ‘Nếu chỉ một Giáo hội muốn rời khỏi liên minh đại kết, toàn thể tiếng nói của Ki-tô giáo trong xã hội Estonia sẽ bị tan tác’

25 tháng Chín, 2018 06:21

Thư mời Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm Estonia hôm nay, 25 tháng Chín, 2018, được ký chung bởi các vị giới chức cao nhất của Công giáo và Tin lành ở Estonia. Và dù rằng nhà thờ chính tòa Công giáo quá nhỏ không đủ để chào đón Đức Thánh Cha, và cũng không đủ cho đám đông giới trẻ họp mặt, Hội thánh Tin lành sẽ cho mượn một trong các nhà thờ của họ để tổ chức sự kiện. Đức Giám mục Urmas Viilma là Tổng Giám mục của Giáo hội Tin lành Phúc Âm Estonia, cộng đoàn Ki-tô hữu lớn nhất trong đất nước. Người Công giáo chỉ chiếm không đầy 1%. Trong cuộc phỏng vấn dưới đây với Zenit, Đức Giám mục Viilma nói về không khí tốt đẹp của sự đối thoại đại kết và hợp tác ở Estonia và về “khoảng trống tâm linh của xã hội Estonia, ngày nay lớn hơn 30 năm về trước, trước khi hệ thống Cộng sản sụp đổ, cho dù mức sống ngày nay đã cao hơn.

PHỎNG VẤN TẠI TALLINN: Đức Tổng Giám mục Tin lành của Estonia: “Cuộc thăm viếng của Đức Giáo hoàng sẽ là sự thể hiện tình yêu thương cho nhau”

Ngài cảnh báo, “về vấn đề tôn giáo, những thế hệ trẻ của Estonia hầu như không biết gì. Sự kết nối với Thiên Chúa đã bị gián đoạn, Giáo hội chỉ có thể liên lạc được với giới trẻ khi chúng tôi tương tác với họ theo từng cá nhân.”

Dưới đây là bài phỏng vấn của Deborah Castellano Lubov thuộc Zenit theo sau chuyến đi đến vùng Baltics theo chuyến bay giáo hoàng và hôm nay đang ở Tallinn.

***

ZENIT: Thưa Đức Giám mục, Giáo hội Tin lành sẽ cùng cộng tác trong chuyến đi của Đức Giáo hoàng qua việc cho mượn một trong những nhà thờ lớn nhất của mình cho buổi gặp gỡ giới trẻ … Tại sao điều này là cần thiết?

Vâng, buổi gặp gỡ Đức Giáo hoàng sẽ diễn ra trong Nhà thờ Thánh Charles, một trong những nhà thờ Tin lành lớn nhất ở Tallinn. Vì Nhà thờ Chính tòa Công giáo chỉ đủ chỗ cho vài ba trăm người, Tin lành chúng tôi được nhờ giúp tìm một nhà thờ phù hợp. Cũng trong nhà thờ đó, năm ngoái chúng tôi có buổi cầu nguyện chung Tin lành-Công giáo để kỷ niệm 500 năm Cải cách.

ZENIT: Đức Giám mục đánh giá không khí của những mối quan hệ đại kết ở Estonia như thế nào?

Ở Estonia, không Giáo hội nào chiếm được tỷ lệ cao trong dân số. Theo điều tra dân số năm 2011, chỉ có một phần ba, 29 phần trăm trong tổng số người dân trưởng thành của Estonia nói rằng họ là người có tín ngưỡng. Con số này bao gồm tất cả các thành viên của mọi tôn giáo. Số tín hữu đông nhất của Estonia là người Tin lành với 150.000 người và một nhóm đông tương đương như vậy là Chính Thống giáo với 160.000 người, những người này đa phần thuộc nhóm dân tộc thiểu số nói tiếng Nga. Có khoảng 8000 người Baptist và 6000 người Công giáo.

ZENIT: Thế còn những người khác?

Đại đa số, hay gần 70% dân số là không xác định tôn giáo, theo điều tra dân số năm 2011. Vì người Ki-tô hữu chỉ là một nhóm thiểu số, về phía các Giáo hội không có quyền điều chỉnh cách rao truyền cho phù hợp với những mong đợi của đại đa số người dân và của xã hội. Đồng thời, vị trí của nhóm thiểu số lớn nhất trong xã hội đóng góp cho sự hợp tác đại kết giữa các Giáo hội.

ZENIT: Bằng cách nào?

Các Giáo hội đang cố gắng liên kết để định hình một thông điệp cho xã hội. Điều này giải thích tại sao không có giáo hội hay giáo phái nào ở Estonia tách biệt khỏi các giáo hội khác về các vấn đề luân lý và đạo đức và là lý do tại sao các Giáo hội cố gắng cất lên tiếng nói chung bằng ngôn ngữ truyền thống. Nếu chỉ một Giáo hội muốn rời khỏi liên minh đại kết, toàn thể tiếng nói của Ki-tô giáo trong xã hội Estonia sẽ bị tan tác.

ZENIT: Đức Giáo hoàng và chuyến viếng thăm của ngài có ý nghĩa như thế nào đối với đức cha là một người Tin lành?

Tôi rất vui khi nói rằng thư mời Đức Giáo hoàng Phanxico được gửi đi từ Estonia với chữ ký – một là của Đức Tổng Giám mục Urmas Viilma của Hội thánh Tin lành Phúc âm của Estonia và một chữ ký của Đức Giám mục Philippe Jourdan thuộc Giáo hội Công giáo Roma. Trước đây tôi đã có cơ hội gặp trực tiếp Đức Giáo hoàng khi là Phó Chủ tịch của Liên đoàn Tin lành Thế giới hồi tháng Mười Hai. Trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng vào tuần tới, tôi sẽ chào đón ngài trong Nhà thờ Thánh Charles và cũng sẽ có cơ hội đưa ra thông điệp của riêng tôi. Sự hợp tác đại kết như vậy cho phép xã hội Estonia và cả thế giới nhìn thấy rằng người Ki-tô hữu đang tìm kiếm những cơ hội để hợp tác, đồng thời khi mà thế giới đang trở nên phân cực.

ZENIT: Trong suốt 30 năm qua, đã có những gì thay đổi trong đất nước? Đức Giám mục có ý kiến như thế nào về nhiều thay đổi đã diễn ra ở đây?

Estonia là một quốc gia rất sáng tạo và đang phát triển nhanh. Chúng tôi nhanh chóng đạt được mức sống khá cao và nền kinh tế của đất nước rất tốt. Nhưng ngoài việc này ra, sự khoảng trống về tinh thần và tâm linh của con người đã trở nên sâu rộng hơn. Estonia có lẽ là một quốc gia duy nhất ở Châu Âu có các môn học về tôn giáo trong một trường công. Điều này có nghĩa là trẻ em Estonia đạt được những kết quả cao nhất trong các bài thi PISA về khoa học, nhưng trong các vấn đề liên quan đến tôn giáo, các thế hệ trẻ của Estonia thì hầu như không biết gì.

ZENIT: Bây giờ nói về giới trẻ ngày nay … Khi họ còn là trẻ thơ, tôn giáo là vô cùng quý giá đối với cha mẹ và ông bà vì nó bị cấm đoán. Đó là sự thử thách sức chịu đựng. Ngày nay có tự do. Làm sao chúng ta làm cho giới trẻ hiểu được sự quan trọng của đức tin?

Estonia là một xã hội, nơi sự kết nối với Thiên Chúa đã bị gián đoạn trong các gia đình và là nơi không có sự giáo dục cho thiếu nhi về những vấn đề này ở trường. Giới trẻ chỉ đến nhà thờ khi họ vấp phải những vấn đề về cuộc sống riêng tư. Có một số ít giới trẻ như vậy, nhưng sự thúc đẩy trong tâm hồn sau đó thường sâu đậm hơn và họ đi sâu vào đức tin. Giáo hội chỉ có thể đến được với giới trẻ khi chúng tôi tương tác với họ theo từng cá nhân.

ZENIT: Những mong chờ của đức cha từ cuộc gặp gỡ giới trẻ này là gì?

Các Giáo hội Ki-tô giáo có chung cơ hội rất tốt trong một xã hội bị phân cực để thể hiện tình yêu thương cho nhau. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng sẽ là một cách thể hiện cho một tiếng nói chung và tình yêu thương lẫn nhau đó. Nó là một minh chứng tích cực của tính đại kết thật sự cho một lối sống tốt lành thay cho sự phân cực. Tôi hy vọng rằng giới trẻ sẽ chú ý đến điểm đó và muốn noi theo tấm gương đó trong cuộc sống của họ.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-25/9, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-25/9, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-25/9, 2018


16 tháng Chín: Chúng ta hãy đối phó với sự biến đổi khí hậu qua sự hợp tác quốc tế: những lựa chọn của mỗi người đều có ảnh hưởng đến đời sống của mọi người.

17 tháng Chín: Làm việc thiện luôn phải có sự cố gắng … Con đường nên thánh không dành cho người biếng lười!

18 tháng Chín: Nhân hậu và khiêm nhường trong lòng, gần gũi với con người, giàu lòng thương xót, với lòng nhân từ và dịu hiền. Đó là Chúa Giê-su. #SantaMarta

19 tháng Chín: Sự tốt lành đó là yêu thương và không bao giờ áp đặt cho chính nó. Nó là một sự lựa chọn.

20 tháng Chín: Chúng ta hãy xin Chúa Giê-su luôn bảo vệ Hội thánh, xin Người bảo vệ với lòng thương xót của Người, ban cho mỗi người chúng ta sự tha thứ của Người. #SantaMarta

21 tháng Chín: Nếu bạn muốn tiến đến được trái tim của Chúa, hãy đi theo con đường của lòng thương xót, và cho phép bản thân được đối xử với lòng thương xót. #SantaMarta

22 tháng Chín: Hòa bình là một lựa chọn: không thể áp đặt nó và cũng không thể ngẫu nhiên tìm được nó.

23 tháng Chín: Chứng tá của Thánh Padre Pio Pietrelcina động viên chúng ta sống Tám Mối Phúc qua sự cầu nguyện và những công việc thể hiện lòng thương xót.

24 tháng Chín: Chúng ta hãy cho phép Chúa Thánh Thần trang bị cho chúng ta những vũ khí là sự đối thoại, thấu hiểu, và tìm kiếm sự tôn trọng lẫn nhau và tình bạn!



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/9/2018]


Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Tại sao quá khó để chấm dứt chiến tranh ở Syria: Phỏng vấn tại hội thảo

Tại sao quá khó chấm dứt chiến tranh ở Syria: Phỏng vấn tại hội thảo

23 tháng Chín, 2018
Tại sao quá khó để chấm dứt chiến tranh ở Syria: Phỏng vấn tại hội thảo
Aaref WATAD | AFP


Và Vatican luôn cập nhật thông tin về những khủng hoảng nhân đạo quá phức tạp như thế nào.

Một hội nghị chuyên đề về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Iraq và Syria được tổ chức bởi Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện tại Đại học Giáo hoàng Urban ngày 13 và 14 tháng Chín. “Chúng ta không thể tách tương lai của một đất nước rời khỏi tương lai của người Ki-tô hữu, những người đang sống ở đó,” Đức Giám mục Pascal Gollnisch nói, ngài là tổng giám đốc của hiệp hội L’Œuvre d’Orient, “Công cuộc cho Phương Đông,” một hiệp hội Công giáo Pháp hoạt động giúp đỡ người Ki-tô hữu ở phương Đông.

I.Media for Aleteia trao đổi với Đức Giám mục.

Điều quan tâm của Vatican khi tổ chức hội nghị chuyên đề này là gì?

Điều quan trọng nhất là các giới chức của Tòa Thánh có thể gặp gỡ với các tổ chức đang hoạt động trực tiếp tại vùng này. Tây Phương không được biến người Ki-tô hữu ở Đông Phương trở thành trụ cột thứ năm của Tây Phương hoặc trở thành những người giám hộ cho họ. Đây là điều tổ chức Nhà nước Hồi giáo nói: Người Ki-tô giáo ở Iraq và Syria là những kẻ đồng lõa với Tây Phương, và đó là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta phải bảo đảm rằng những ích lợi của người Ki-tô hữu Đông Phương phải bao gồm việc có được toàn quyền công dân. Chúng ta phải đấu tranh vì quyền công dân trọn vẹn cho tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng cho những nhóm thiểu số được ưu ái nào đó. Khi sử dụng cụm từ “những nhóm thiểu số,” chúng ta phải nghĩ đến nhiều nhóm thiểu số khác nhau, nhưng cụm từ “nhóm thiểu số” cũng có hàm ý rằng tình trạng của họ không thuộc tầng lớp quan trọng.

Vị trí của Tòa Thánh như thế nào liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria và Iraq?

Phải hiểu rằng Tòa Thánh hoạt động đa dạng. Trước hết là hoạt động ngoại giao, với hoạt động của các khâm sứ, những vị với đường lối ngoại giao lâu đời nổi tiếng về tính thận trọng. Rồi có hoạt động liên tôn: Iraq và Syria là những quốc gia với đa phần là Hồi giáo, và rồi công cuộc đại kết và đối thoại liên tôn đang được thực hiện. Đó cũng là một con đường hoạt động khác. Và cuối cùng là hoạt động nhân đạo. Chúng ta không thể tách tương lai của một đất nước rời khỏi tương lai của những người Ki-tô hữu trong quốc gia đó. Ích lợi của việc duy trì người Ki-tô hữu trong một đất nước cũng là để cho đất nước đó phát triển. Đức Gioan Phaolo II khẳng định rằng tình hình của người Ki-tô hữu thể hiện tình hình của toàn thể đất nước. Tất cả đều ngang bằng nhau, và Đức Thánh Cha có thể đưa ra một quan điểm toàn cầu. Nhưng trong hoạt động cụ thể, mỗi bên đều bổ sung cho nhau.

Và Vatican cập nhật tình hình về những hoạt động trợ giúp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo quá phức tạp như thế nào?

Một cuộc nghiên cứu toàn diện đã được thực hiện trong suốt nhiều tháng bởi Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện. Điều này giúp chúng tôi có thể có được một hình ảnh rõ hơn về hoạt động của Giáo hội ở Syria và Iraq, và hiểu được những gì Giáo hội Công giáo mang đến cho những quốc gia này. Chẳng ai trong chúng ta biết được những người khác đang làm gì, vì vậy cuộc nghiên cứu này là cần thiết. Thậm chí ngay trong Caritas, hiệp hội “Secours Catholique” của Pháp có thể trợ giúp, nhưng không biết là chi nhánh Caritas của Úc đang làm gì. Cuộc nghiên cứu này là rất toàn diện.

Chúng ta có thể vạch ra một giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng của Syria không?

Trong cuộc nội chiến tàn khốc này, ngay cả với một vị tiên tri nào đó sẵn sàng đến với cuộc đối thoại, thì ngay trong trại của ông ta, ông ta sẽ được đáp lại thế này: “Cái gì? Anh muốn dừng tất cả mọi thứ trước một chiến thắng cuối cùng ư? Vậy thì tất cả những người anh em và họ hàng của chúng tôi chết vô ích hả? Anh phản bội họ.” Điều này thật phi lý, và hoàn toàn theo cảm tính. Đó là lý do tại sao rất khó dừng các cuộc nội chiến. Nếu hai quốc gia gây chiến với nhau, chúng ta có thể chắc chắn rằng các chính phủ sẽ thương thuyết với nhau. Nhưng khi mà sự xung đột xảy ra giữa các gia đình hoặc trong các gia đình, thì nó rất khó. Chúng ta phải hiểu rằng không phải một bên toàn người tốt và một bên toàn người xấu.

Tôi tiếc là đôi khi đường lối ngoại giao của Tây phương — sẵn sàng áp đảo Damascus bằng những sự lên án buộc tội tất cả những hành vi xấu — đang đưa ra những đề nghị không phù hợp: chẳng hạn ngày nay không ai có thể lôi Bashar al-Assad ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Chúng ta đang đứng trước một tình hình vô cùng phức tạp, nhưng muốn gom những con người tốt về một bên và đưa những tay hung hãn sang một bên là suy nghĩ rất trẻ con, vì thực tại hoàn toàn phức tạp hơn nhiều.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2018]

Đức Thánh Cha thăm Nhà Bảo tàng Occupations and Freedom Struggles ở Vilnius

Đức Thánh Cha thăm Nhà Bảo tàng Occupations and Freedom Struggles ở Vilnius
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha thăm Nhà Bảo tàng Occupations and Freedom Struggles ở Vilnius

‘Lạy Chúa, trong nơi tưởng nhớ này, chúng con khẩn cầu rằng tiếng kêu khóc của Người giữ chúng con biết cảnh tỉnh.’

23 tháng Chín, 2018 17:05

Ngày 23 tháng Chín, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm Nhà Bảo tàng Occupations and Freedom struggles (Sự chiếm đóng và những cuộc chiến vì tự do) ở Vilnius. Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp lời cầu nguyện ngài dâng lên tại đó mang một ý nghĩa rất lớn đối với người dân Lithuania.

******

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người lại bỏ rơi con?” (Mt 27:46)

Lạy Chúa, tiếng kêu của Người lại tiếp tục vang lên. Nó vang lên bên trong những bức tường này nhắc lại những đau khổ mà quá nhiều người con cái của dân tộc này phải chịu đựng. Người Lithuania và người của các dân tộc khác đã trả giá bằng sinh mạng của họ vì sự thèm khát quyền lực tối cao của những người đi tìm sự thống trị tuyệt đối.

Ôi lạy Chúa, tiếng kêu của Người vang vọng lên trong tiếng kêu của những người vô tội, họ cùng kết hiệp với người, kêu thấu lên trời cao. Đó là ngày Thứ Sáu Thương Khó của đau khổ và cay đắng, của sự bỏ mặc và bất lực, của sự hung tàn và vô nghĩa mà người dân Lithuania ở đây đã phải gánh chịu do hậu quả của lòng tham vô đáy đè nặng và làm mù con tim.

Lạy Chúa, trong nơi tưởng nhớ này, chúng con khẩn cầu rằng tiếng kêu khóc của Người giữ chúng con biết cảnh tỉnh. Lạy Chúa, để tiếng kêu của Người giải thoát chúng con khỏi căn bệnh tinh thần vẫn tồn tại như một sự cám dỗ không ngơi đối với dân tộc chúng con: lãng quên những kinh nghiệm và những đau thương của những người đã đi trước chúng con.

Trong tiếng kêu của Người, và trong cuộc sống của tất cả những người đã chịu đau khổ rất nhiều trong quá khứ, ước mong rằng chúng con tìm được lòng can đảm để cam kết một cách dứt khoát cho hiện tại và cho tương lai. Ước mong rằng tiếng kêu đó động viên chúng con không đầu hàng trước những trào lưu của ngày nay, trước những khẩu hiệu sáo rỗng, hay trước những cố gắng cắt xén hoặc tước mất phẩm giá mà Người đã tặng ban cho bất kỳ ai.

Lạy Chúa, nguyện xin cho Lithuania có thể trở thành một tia sáng hy vọng. Nguyện xin cho đất nước trở thành một vùng đất của ký ức và hành động, không ngừng cam kết chiến đấu chống lại mọi hình thức bất công. Nguyện xin cho Lithuania thúc đẩy những nỗ lực sáng tạo để bảo vệ quyền cho mọi người, đặc biệt những người cô thế nhất và mong manh nhất. Và nguyện xin cho Lithuania trở thành một người thầy trên con đường hòa giải và hòa hợp cho tất cả.

Lạy Chúa, xin ban ơn để chúng con không trở nên điếc trước tiếng khẩn nài của tất cả những người đang kêu khóc thấu lên đến trời cao trong thời đại của chúng con hôm nay.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2018]


Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Huấn từ của Đức Thánh Cha tại Đền thờ Đức Mẹ Thương xót, Vilnius, Lithuania

Huấn từ của Đức Thánh Cha tại Đền thờ Đức Mẹ hay Thương xót, Vilnius, Lithuania
© Vatican Media

Huấn từ của Đức Thánh Cha tại Đền thờ Đức Mẹ Thương xót, Vilnius, Lithuania

‘Đức Mẹ Thương xót, cũng như mọi hiền mẫu, luôn cố gắng hiệp nhất gia đình’
.
22 tháng Chín, 2018 17:37

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) do Vatican cung cấp huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 22 tháng Chín, 2018, tại Đền thờ Đức Mẹ Thương xót, Vilnius, Lithuania.

******

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang đứng trước Cổng Bình minh, di tích duy nhất còn lại của những tường thành bảo vệ của thành phố này, nó đã bảo vệ thành khỏi những mối nguy hiểm và đe dọa. Năm 1799, các lực lượng xâm lăng đã san phẳng bức tường đó, và chỉ còn lại duy nhất cổng thành này. Vì nó là nơi bảo vệ cho linh ảnh Mẹ Đồng Trinh “Đức Mẹ Thương xót,” Mẹ Thiên Chúa rất Thánh là Đấng luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta, luôn sẵn sàng hỗ trợ chúng ta.

Từ đó đến nay, Mẹ Maria qua nhiều cách khác nhau dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể bảo vệ nhưng không tấn công, rằng chúng ta có thể giữ sự an toàn nhưng không giữ thái độ ngờ vực không tốt đối với người khác. Ảnh Đức Mẹ không ẵm Chúa con, rực rỡ ánh vàng kim, là Mẹ của mọi người. Mẹ nhìn thấy trong mỗi con người đến nơi đây những gì chúng ta quá thường xuyên thất bại để tìm thấy: dung nhan Chúa Giê-su, Con của Mẹ, được in dấu trong tâm hồn của chúng ta.

Vì hình ảnh của Chúa Giê-su được đóng ấn trên tâm hồn của mỗi người, nên mỗi con người đều là một cơ hội cho chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Khi chúng ta khóa chặt tâm hồn vì e sợ người khác, khi chúng ta xây những bức tường và rào chắn, là chúng ta tước mất của chính chúng ta Tin mừng của Chúa Giê-su, Đấng chia sẻ lịch sử và cuộc sống với mọi người. Trong quá khứ, tất cả chúng ta đã xây dựng quá nhiều pháo đài, nhưng hôm nay chúng ta cần phải nhìn thẳng vào diện mạo của tha nhân và chấp nhận nhau như anh chị em của nhau, để cùng tiến bước song hành, và để khám phá và nếm trải giá trị của tình huynh đệ trong niềm vui và sự bình an (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 87).

Huấn từ của Đức Thánh Cha tại Đền thờ Đức Mẹ hay Thương xót, Vilnius, Lithuania

Mỗi ngày tại đây từng đoàn người từ nhiều quốc gia đến viếng Đức Mẹ Thương xót: người Lithuania, người Ba lan, người Belarus, người Nga; người Công giáo và Chính thống giáo. Ngày nay việc này đã trở nên hiện thực, nhờ vào những thông tin mọi lúc mọi nơi và sự tự do đi lại giữa các quốc gia của chúng ta. Thật đẹp biết bao nếu sự di chuyển dễ dàng từ nơi này sang nơi khác được kèm theo là sự dễ dàng trong việc thiết lập những điểm gặp gỡ và đoàn kết, để chúng ta có thể quảng đại chia sẻ những ân ban mà chúng ta đón nhận một cách nhưng không. Để chúng ta có thể bước ra ngoài và trao tặng bản thân cho nhau, đón nhận sự hiện diện và sự đa dạng của người khác như là một món quà và một nguồn mạch làm phong phú cho đời sống của chúng ta.

Có những lúc dường như việc mở ra với thế giới lại đưa chúng ta vào trong vòng tranh đua, nơi mà “con người là chó sói với nhau,” và chỉ có chỗ duy nhất cho sự xung khắc chia rẽ chúng ta, những căng thẳng làm chúng ta kiệt sức, lòng thù hận và đối đầu chẳng đưa chúng ta tới đâu (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, 71-72).

Đức Mẹ Thương xót, cũng như mọi hiền mẫu, luôn cố gắng hiệp nhất gia đình của Mẹ. Mẹ thì thầm vào tai chúng ta: “Hãy đi tìm kiếm người anh em của con, hãy đi tìm kiếm người chị em của con.” Bằng cách này, Mẹ mở ra cho chúng ta cánh cửa hướng về một buổi bình minh mới, một ngày mới. Mẹ đưa chúng ta ra ngoài ngưỡng cửa, giống như ngưỡng cửa của người đàn ông giàu có trong Tin mừng (x. Lc 16:19-31), nơi hôm nay những trẻ em và những gia đình với các vết thương đang rỉ máu chờ đợi chúng ta. Những vết thương của họ không phải là vết thương của Ladarô trong dụ ngôn; chúng là những vết thương của Chúa Giê-su, và tất cả những vết thương đó là thật. Trong sự đau đớn và bóng đêm, họ kêu xin chúng ta mang đến cho họ ánh sáng chữa lành của đức ái. Vì đức ái là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho chúng ta.

Anh chị em thân mến, khi bước qua ngưỡng cửa này, ước mong rằng chúng ta nếm trải được sức mạnh san phẳng con đường đối đầu với tha nhân. Xin Mẹ Maria Mẹ chúng ta ban ơn để chúng ta có thể xem những giới hạn và lỗi lầm của tha nhân với lòng thương xót và sự khiêm nhường, không xem mình hơn người khác (x. Phil 2:3). Khi chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chúng ta hãy khẩn xin Mẹ Maria để chúng ta có thể trở thành một cộng đoàn có đủ khả năng công bố Đức Giê-su Ki-tô là niềm hy vọng của chúng ta. Và từ đó, chúng ta có thể xây dựng một đất nước có khả năng đón nhận mọi người, đón nhận từ Mẹ Đồng Trinh những món quà của sự đối thoại, của sự kiên nhẫn, của sự gần gũi và chào đón, một quốc gia yêu thương, tha thứ và không kết án (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 165). Ước mong rằng chúng ta sẽ trở thành một quốc gia chọn cách xây dựng những chiếc cầu thay cho các bức tường, chọn lòng thương xót thay cho sự kết án.

Nguyện xin Mẹ Maria luôn là Cổng Bình minh cho đất nước được phúc lành này.

Hãy để Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta, bây giờ chúng ta cùng đọc một chục kinh Mân Côi, chiêm ngắm mầu nhiệm thứ ba mùa vui.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/9/2018]