Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 25.02.2024

Những người tìm kiếm ánh sáng: Hành trình Mùa Chay với Chúa Giêsu

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha  ngày 25.02.2024

Vatican Media

*******

Trưa hôm nay, Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cùng Chúa Giêsu lên Núi Tabo và chiêm ngưỡng vinh quang của Người khi suy niệm trích đoạn Tin Mừng về biến cố Hiển dung. Kinh nghiệm này nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả giữa những khó khăn, ánh sáng của Chúa Kitô vẫn luôn tỏa rạng.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

__________________________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Chúa nhật thứ hai Mùa Chay này trình bày cho chúng ta trích đoạn sự Biến hình của Chúa Giêsu (x. Mc 9:2-10).

Sau khi loan báo cuộc Khổ nạn của Người cho các môn đệ, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi cùng lên một ngọn núi cao, và ở đó Người tỏ lộ ánh sáng của Người. Bằng cách này, Người tiết lộ cho họ ý nghĩa của những gì họ đã cùng nhau trải qua cho đến thời điểm đó. Việc rao giảng Nước Trời, sự tha tội, chữa lành và thực hiện các dấu lạ thực sự là những tia sáng của một ánh sáng lớn lao hơn, tức là ánh sáng của Chúa Giêsu, ánh sáng là chính Chúa Giêsu. Và các môn đệ không bao giờ rời mắt khỏi ánh sáng này, nhất là trong những lúc thử thách, như những thời điểm trong Cuộc Khổ nạn cận kề với biến cố này.

Đây là thông điệp của hôm nay: không bao giờ rời mắt khỏi ánh sáng của Chúa Giêsu. Nó hơi giống với những việc mà người nông dân thường làm trước đây khi cày ruộng: họ tập trung nhìn vào một điểm cụ thể phía trước, và trong lúc vẫn không rời mắt khỏi điểm đích đó, họ vạch ra những luống cày thẳng tắp.

Đây là điều mà chúng ta được mời gọi thực hiện với tư cách là những Kitô hữu khi chúng ta hành trình trong cuộc sống: luôn giữ dung nhan rạng ngời của Chúa Giêsu trước mắt chúng ta.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy mở lòng đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu! Ngài là tình yêu, Ngài là sự sống bất tận. Trên những con đường của cuộc sống, đôi khi có thể quanh co khúc khuỷu, chúng ta hãy tìm kiếm dung nhan của Chúa, Đấng đầy lòng thương xót, trung tín và hy vọng. Chính việc Cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Hòa giải và Thánh Thể, giúp chúng ta làm được điều này: Cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và các Bí tích giúp chúng ta luôn hướng mắt về Chúa Giêsu.

Và đây là một cam kết tốt lành trong Mùa Chay: nuôi dưỡng một cái nhìn chào đón, trở thành “những người tìm kiếm ánh sáng”, những người tìm kiếm ánh sáng Chúa Giêsu, cả trong cầu nguyện lẫn nơi con người.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có luôn hướng mắt nhìn về Đức Kitô là Đấng đồng hành với tôi không? Và để làm được như vậy, tôi có dành không gian cho sự thinh lặng, cầu nguyện và tôn thờ không? Cuối cùng, tôi có tìm kiếm từng tia sáng nhỏ bé của Chúa Giêsu, những tia sáng phản chiếu nơi tôi và nơi mỗi anh chị em mà tôi gặp gỡ không? Và tôi có nhớ tạ ơn Chúa vì điều đó không?

Xin Mẹ Maria, Đấng tỏa sáng bằng ánh sáng của Thiên Chúa, giúp chúng ta luôn chăm chú ánh mắt nhìn vào Chúa Giêsu, và nhìn nhau với lòng tin tưởng và yêu thương.

_______________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Thật đau buồn khi ngày hôm qua chúng ta nhớ đến kỷ niệm lần thứ hai ngày khai mào cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Ukraine, ngày 24 tháng Hai. Không biết bao nạn nhân và người bị thương, không biết bao nhiêu sự tàn phá, thống khổ và nước mắt trong một thời gian trở nên quá dài và chưa thể nhìn thấy được hồi kết của nó! Đó là một cuộc chiến không chỉ tàn phá khu vực Châu Âu mà còn gây ra làn sóng sợ hãi và hận thù toàn cầu. Và một lần nữa tôi xin gửi tình cảm chân thành đến người dân Ukraine đang bị hành hạ, tôi cầu nguyện liên lỷ cho mọi người, đặc biệt là cho không biết bao nhiêu nạn nhân vô tội. Tôi tha thiết cầu xin có một chút nhân đạo để tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao trong việc tìm kiếm nền hòa bình công bằng và dài lâu. Thưa anh chị em, và chúng ta đừng quên cầu nguyện cho Palestine, cho Israel, và cho nhiều dân tộc bị chia cắt bởi chiến tranh, và giúp đỡ cách cụ thể cho những người đang đau khổ! Chúng ta hãy nghĩ đến không biết bao nhiêu đau khổ, chúng ta hãy nghĩ đến những *trẻ em vô tội, bị thương tích.

Tôi lo ngại khi theo dõi tình trạng bạo lực gia tăng ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi cùng hiệp chung lời kêu gọi của các giám mục để cầu nguyện cho hòa bình, hy vọng rằng những cuộc đụng độ chấm dứt và có thể tìm được một cuộc đối thoại chân thành và mang tính xây dựng.

Tình trạng bắt cóc ngày trở nên thường xuyên ở Nigeria là điều vô cùng đáng lo ngại. Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Nigeria trong lời cầu nguyện, hy vọng rằng ngày càng có nhiều nỗ lực được thực hiện để ngăn chặn sự lan rộng những vụ việc này.

Tôi cũng gần gũi với người dân Mông Cổ đang bị ảnh hưởng bởi đợt rét hại đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt nhân đạo. Hiện tượng cực đoan này cũng là dấu hiệu của biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó. Khủng hoảng khí hậu là một vấn đề xã hội toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của nhiều anh chị em, đặc biệt là đời sống của những người dễ bị tổn thương nhất: chúng ta hãy cầu nguyện để có thể có được những lựa chọn khôn ngoan và can đảm để góp phần chăm sóc tạo vật.

Cha xin chào anh chị em tín hữu Rome và đến từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những anh chị em hành hương đến từ Jaén (Tây Ban Nha), giới trẻ Công giáo Hy Lạp đến từ Paris, các Cộng đoàn Tân Dự tòng đến từ Ba Lan, Romania và Ý.

Cha cũng gửi lời chào Chủng viện Giáo hoàng Liên vùng Posillipo, Ban Thư ký của Diễn đàn Quốc tế Công giáo Tiến hành, các Hướng đạo sinh Paliano, và các ứng viên Thêm sức thuộc vùng Lastra Signa, Torre Maina và Gorzano.

Cha cũng gửi lời chào Liên đoàn Bệnh hiếm của Ý, Nhóm Văn hóa “Reggio Ricama”, các thành viên của Phong trào Bất bạo động và các tình nguyện viên của Hiệp hội N.O.E.T.A.A. Và cha chào các bạn trẻ Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2024]


Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Sthullen | CC BY-SA 3.0

V. M. Traverso

05/02/24


Cây đàn organ của Vương cung thánh đường kiên cố Valère, Sion, Thụy Sĩ, có niên đại từ năm 1435, và nó đã được chơi lại vào những năm 1960.

Kể từ buổi bình minh của đạo Công giáo, âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo mối liên kết thiêng liêng với Thiên Chúa. Đàn organ — loại nhạc cụ tạo ra âm thanh bằng cách đẩy áp suất không khí qua các đường ống bằng cách nhấn các phím trên bàn phím — có lẽ đã trở thành biểu tượng cho thánh nhạc hơn bất kỳ loại nhạc cụ nào khác. Được sử dụng rộng rãi từ thế kỷ 14, đàn organ có nhiều hình thức và kiểu dáng, bao gồm loại organ thùng di động và đàn organ ban nhạc.

Có niên đại từ năm 1435, cây đàn organ còn sử dụng được lâu đời nhất thế giới được tìm thấy ở Thụy Sĩ, trong Vương cung thánh đường Valère kiên cố trên đỉnh đồi, một nhà thờ cao vút được xây dựng vào thế kỷ 13 phía trên thành phố Sion của Thụy Sĩ. Các ống của cây đàn, được sắp xếp để tái tạo lại đường nét của một nhà thờ – với hai bộ ống cao hơn nằm ở hai bên của bộ ống xếp hình tam giác – vẫn không thay đổi kể từ khi được đóng cách đây hơn 500 năm, ngoại trừ việc đưa vào sử dụng một loạt các ống đặc biệt được thiết kế để chơi nhạc Baroque vào thế kỷ 18.

Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Có niên đại từ năm 1435, cây đàn organ có thể chơi được lâu đời nhất thế giới hiện được bảo quản trong Vương cung thánh đường Valère thuộc thế kỷ 13 ở Thụy Sĩ. Christian David | CC BY-SA 4.0

Như được giải thích trong một blog về các loại nhạc cụ cổ, cây đàn organ có tuổi đời hàng thế kỷ này phù hợp nhất cho thể loại cổ nhạc sử dụng các hợp âm D, F hoặc G. Những tín đồ âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới đổ về góc dãy Alps này của Thụy Sĩ vào mùa hè, khi vương cung thánh đường tổ chức Đại hội đàn Organ cổ quốc tế hàng năm. Kéo dài 20 ngày từ giữa đến cuối tháng Bảy, lễ hội bao gồm các buổi trình diễn và nói chuyện về đàn organ cổ.

Cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới ở trong vương cung thánh đường Alps của Thụy Sĩ

Các ống của đàn organ được sắp xếp để tạo thành thiết kế của một nhà thờ, với hai bộ ống cao hơn đứng ở hai bên của một bộ ống hình tam giác. Frinck51 | CC BY 2.0

Maurice Wenger, người sáng lập Đại hội đàn organ cổ quốc tế, cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người đến xem buổi hòa nhạc đầu tiên được tổ chức để kỷ niệm cây đàn cổ xưa này”.

Ông Wenger đã biết đến cây đàn cổ này khi lớn lên ở vùng Valère. Khi biết rằng cây đàn organ di sản này không thể chơi được vì thiếu sự bảo trì, ông đã tìm đến các chuyên gia có thể biến cây đàn organ 600 năm tuổi này thành một nhạc cụ biểu diễn trực tiếp trở lại.

Nhờ nỗ lực của nhiều chuyên gia và các nhà tài trợ tham gia tài trợ cho việc phục hồi cây đàn, ông Wenger đã có thể thưởng thức lại bản nhạc trang trọng được chơi từ cây đàn organ cổ xưa nhất thế giới. Rất xúc động trước trải nghiệm này, ông quyết định chia sẻ nó với những người đam mê nhạc của đàn organ và khởi đầu Lễ hội đàn organ cổ quốc tế vào năm 1969.

Phiên bản tiếp theo của lễ hội sẽ diễn ra vào tháng Bảy năm 2024 và chương trình sẽ sẵn sàng vào đầu tháng Sáu.

Các bạn lắng nghe âm thanh của cây đàn organ cổ xưa nhất trên thế giới trong video dưới đây:




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2024]