Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Huấn từ Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 17 tháng Ba, 2021

Huấn từ Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô


Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 17 tháng Ba, 2021

 _____________________________________________________


Giáo lý về cầu nguyện: 26. Kinh nguyện và Chúa Ba Ngôi. 2

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta sẽ hoàn thành giáo lý về kinh nguyện như một mối tương quan với Chúa Ba Ngôi, đặc biệt là với Chúa Thánh Thần.

Ân tứ đầu tiên của mọi thực tại của người Kitô hữu là Chúa Thánh Thần. Đó không phải là một trong nhiều ân tứ, mà là một ân tứ cơ bản. Thần Khí là ân tứ mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta. Không có Thần Khí thì không có mối liên hệ nào với Chúa Kitô và với Chúa Cha, vì Thần Khí mở cửa tâm hồn chúng ta để đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và cuốn nó vào “vòng xoáy” của tình yêu là chính trái tim của Chúa. Chúng ta không chỉ đơn thuần là những vị khách và người lữ hành trên hành trình nơi dương thế này; chúng ta cũng là vị khách và những người lữ hành của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta giống như Abraham, một ngày nọ, khi đón tiếp ba người khách bộ hành trong căn lều của ông, đã gặp gỡ được Đức Chúa. Nếu chúng ta thực sự có thể khẩn cầu cùng Đức Chúa, gọi Ngài là “Abba - Cha ơi”, thì đó là vì Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta; Ngài là Đấng biến đổi chúng ta từ sâu thẳm bên trong và khiến chúng ta cảm nghiệm được niềm vui dạt dào khi được Chúa yêu thương như những đứa con đích thực của Người. Tất cả công việc thiêng liêng trong lòng chúng ta hướng về Thiên Chúa đều được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, ân tứ này. Ngài hoạt động trong chúng ta để dẫn đưa đời sống Kitô hữu hướng về Chúa Cha, với Chúa Giêsu.

Về phương diện này, Sách Giáo Lý nói: “Mỗi lần chúng ta muốn cầu nguyện với Chúa Giêsu, chính Chúa Thánh Thần dùng ơn tiền sủng đưa chúng ta vào kinh nguyện. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết cầu nguyện bằng cách nhắc ta nhớ đến Chúa Kitô, Vậy tại sao ta không cầu xin chính Chúa Thánh Thần ? Vì thế, Hội Thánh kêu gọi chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc mỗi việc quan trọng” (số 2670). Đây là công việc của Thần Khí trong chúng ta. Ngài “nhắc nhở” chúng ta về Chúa Giêsu và làm cho Ngài hiện diện với chúng ta - chúng ta có thể nói rằng ngài là sự ghi nhớ Ba Ngôi của chúng ta, Ngài là sự ghi nhớ về Thiên Chúa trong chúng ta - và Ngài làm cho nó hiện diện với Chúa Giêsu, để Ngài không bị hạ xuống chỉ còn là một nhân vật của quá khứ: nghĩa là Thần Khí đưa Chúa Giêsu đến hiện tại trong tâm thức của chúng ta. Nếu Chúa Giêsu trở nên xa cách về thời gian, chúng ta sẽ bị cô đơn và lạc lõng giữa thế giới. Vâng, chúng ta sẽ nhớ đến Chúa Giêsu, ở đó, rất xa, nhưng chính Thần Khí đã mang Người đến hôm nay, bây giờ, trong giây phút này, trong tâm hồn của chúng ta. Nhưng trong Thần Khí, mọi sự được đưa vào cuộc sống: khả năng gặp gỡ Đức Kitô được mở ra cho các Kitô hữu mọi lúc và mọi nơi. Khả năng gặp gỡ Chúa Kitô được mở ra, không chỉ như một nhân vật lịch sử. Không: Ngài thu hút Chúa Kitô vào tâm hồn chúng ta, chính Thánh Thần là Đấng làm cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Ngài không ở xa xôi, Thần Khí ở với chúng ta: Chúa Giêsu vẫn dạy bảo các môn đệ bằng cách biến đổi tâm hồn họ, như Người đã làm với Phêrô, với Phaolô, với Maria Mađalêna, với tất cả các tông đồ. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại hiện diện? Vì chính Thần Khí là Đấng mang Người đến với chúng ta.

Đây là kinh nghiệm của rất nhiều người cầu nguyện: những người nam và người nữ mà Chúa Thánh Thần đã hình thành theo “thước đo” của Chúa Kitô, trong lòng thương xót, trong phục vụ, trong kinh nguyện, trong giáo lý… Thật là một ân điển để có thể gặp gỡ những người như thế này: anh chị em nhận ra rằng một sự sống khác đang chảy trong họ, cách họ nhìn “vượt ra bên ngoài”. Chúng ta không chỉ nghĩ đến các tu sĩ và các vị ẩn sĩ; họ cũng được tìm thấy giữa những con người bình thường, những con người đã đan kết một lịch sử lâu dài về sự đối thoại với Thiên Chúa, đôi khi là đấu tranh nội tâm, để thanh luyện đức tin của họ. Những chứng nhân khiêm nhường này đã tìm kiếm Thiên Chúa trong Tin Mừng, trong Bí tích Thánh Thể được lãnh nhận và tôn thờ, khi đứng trước anh chị em đang gặp khó khăn, và họ bảo vệ sự hiện diện của Người như ngọn lửa bí mật.

Nhiệm vụ đầu tiên của người Kitô hữu chính là giữ cho ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang xuống trần gian này luôn bừng cháy (xem Lc 12,49), và ngọn lửa này là gì? Đó là tình yêu, Tình yêu của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần. Nếu không có ngọn lửa của Thánh Linh, những lời tiên tri của Ngài sẽ bị dập tắt, nỗi buồn thay cho niềm vui, thói quen thay thế cho tình yêu, và sự phục vụ biến thành tình trạng nô lệ. Hình ảnh ngọn đèn được thắp sáng bên cạnh Nhà Tạm, nơi đặt Mình Thánh, hiện lên trong tâm trí. Ngay cả khi nhà thờ trống vắng và màn đêm buông xuống, ngay cả khi nhà thờ đóng cửa, ngọn đèn đó vẫn cháy sáng, và tiếp tục cháy; không ai nhìn thấy nó, nhưng nó cháy sáng trước mặt Chúa. Đây là cách Thần Khí ở trong lòng chúng ta, luôn luôn hiện diện như ngọn đèn đó.

Một lần nữa chúng ta đọc trong Sách Giáo Lý: “Chúa Thánh Thần thấm nhập toàn thể con người ta, trở thành người Thầy nội tâm dạy cho ta biết cầu nguyện. Người là tác giả truyền thống kinh nguyện sống động của Hội Thánh. Có bao nhiêu người cầu nguyện thì cũng có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng tác động trong mọi người và cùng với mọi ngƣời. Được hiệp thông nhờ Chúa Thánh Thần, khi Kitô hữu cầu nguyện, họ cầu nguyện trong Hội Thánh” (số 2672). Rất thường xảy ra trường hợp chúng ta không cầu nguyện, không cảm thấy muốn cầu nguyện, hoặc nhiều lần chúng ta cầu nguyện như con vẹt, bằng miệng, nhưng tâm hồn của chúng ta không ở trong đó. Đây là thời điểm để thưa với Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin sưởi ấm tâm hồn con. Xin hãy đến dạy con cầu nguyện, dạy con nhìn lên Chúa Cha, nhìn lên Chúa Con. Xin dạy con con đường đức tin. Xin dạy con cách yêu thương và trên hết là dạy con có thái độ hy vọng”. Nó có nghĩa là liên tục kêu cầu Thánh Thần, để Ngài có thể hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Do đó, chính Thần Khí là Đấng viết nên lịch sử của Hội Thánh và của thế giới. Chúng ta là những quyển sách mở ra, sẵn sàng đón nhận những nét chữ của Ngài. Và trong mỗi chúng ta, Thần Khí sáng tác các tác phẩm độc đáo, bởi vì không bao giờ có một Kitô hữu nào giống hoàn toàn với Kitô hữu khác. Trong phạm vi nên thánh không thể kể hết, Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi Tình Yêu, cho phép các chứng nhân muôn màu muôn vẻ phát triển: tất cả đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng cũng là độc nhất về vẻ đẹp mà Thần Khí muốn tạo nên nơi mỗi người mà lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho trở thành những đứa con của Người. Chúng ta đừng quên, Thần Khí hiện hữu, Ngài hiện diện trong chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Thần Khí, chúng ta hãy kêu cầu Thần Khí - Ngài là ân tứ, là món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta - và thưa với Ngài: “Lạy Chúa Thánh Thần, con không biết dung nhan Người - chúng con không biết - nhưng con biết rằng Người là sức mạnh, Người là ánh sáng, Người có thể khiến con tiến bước, và dạy con cách cầu nguyện. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Đây là một lời cầu nguyện rất đẹp: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”.

___________________________________________

Lời kêu gọi

Tuần này tôi quan ngại về những tin tức đến từ Paraguay.

Qua sự cầu bầu của Đức Mẹ Phép Lạ Caacupé, tôi khẩn xin Chúa Giêsu là vị Hoàng Tử của Hòa Bình, rằng một con đường đối thoại chân thành có thể được tìm ra để tìm được những giải pháp thỏa đáng cho các khó khăn hiện tại, và nhờ đó cùng nhau xây dựng nền hòa bình được khao khát. Chúng ta hãy nhớ rằng bạo lực luôn là tự phá hủy. Chẳng đạt được điều gì qua nó, nhưng mất rất nhiều, đôi khi là mất tất cả.

Một lần nữa, và tôi vô cùng đau buồn cảm thấy cần phải đề cập khẩn thiết đến tình hình bi đát ở Myanmar, nơi mà nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, đang mất mạng sống để mang đến hy vọng cho đất nước của họ. Tôi cũng xin quỳ trên đường phố Myanmar và nói: Hãy chấm dứt bạo lực! Tôi cũng giang rộng đôi tay và nói: ước mong đối thoại sẽ chiến thắng!

___________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Ước mong hành trình Mùa Chay mang đến cho chúng ta niềm vui của Phục sinh với tâm hồn được thanh tẩy và canh tân nhờ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/3/2021]


Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cho Đồng bằng Ninivê quyển sách kinh lịch sử được cứu thoát khỏi Nhà nước Hồi giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cho Đồng bằng Ninivê quyển sách kinh lịch sử được cứu thoát khỏi Nhà nước Hồi giáo


Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại bản kinh viết tay lịch sử cho Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội ở Bakhdida, Iraq, 7 tháng Ba, 2021. Credit: Vatican Media.

Courtney Mares

Rome Newsroom, 8 tháng Ba , 2021 / 06:05 am MT (CNA). - Trong chuyến thăm Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lại một bản kinh viết tay lịch sử bằng tiếng Aram, đã được khôi phục sau khi Nhà nước Hồi giáo xúc phạm nhà thờ Công giáo nơi đã từng lưu giữ bản kinh.

Có niên đại khoảng giữa thế kỷ 14 và 15, quyển sách bao gồm các kinh theo phụng vụ bằng tiếng Aram cho mùa Phục sinh theo truyền thống Syria.

Bản kinh viết tay trước đây được lưu giữ trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (ảnh dưới) ở Bakhdida, cũng được gọi là Qaraqosh. Nhà thờ Công giáo Syria bị cướp phá và đốt cháy khi Nhà nước Hồi giáo nắm quyền kiểm soát thành phố từ năm 2014 đến 2016.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cho Đồng bằng Ninivê quyển sách kinh lịch sử được cứu thoát khỏi Nhà nước Hồi giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô đến viếng nhà thờ ngày 7 tháng Ba và đọc Kinh Truyền tin với người Kitô hữu địa phương từ các thành phố và làng mạc trên khắp Đồng bằng Ninivê. Nhà thờ đã được khôi phục hoàn toàn bởi tổ chức Aid to the Church in Need (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn).

Khi viếng nhà thờ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha trao lại bản kinh viết tay cho Đức Tổng Giám mục Công giáo Syria Yohanna Boutros Mouche của Mosul.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cho Đồng bằng Ninivê quyển sách kinh lịch sử được cứu thoát khỏi Nhà nước Hồi giáo

Cũng như chính Nhà thờ Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, bản viết tay gần đây trải qua tiến trình phục chế toàn diện.

Quyển sách được tìm thấy tại miền bắc Iraq vào tháng Giêng năm 2017 bởi các nhà báo - khi Mosul vẫn còn nằm trong tay của Nhà nước Hồi giáo - và chuyển đến cho giám mục địa phương là Đức Tổng Giám mục Mouche, ngài giao nó cho một liên minh Kitô giáo phi chính phủ để bảo quản an toàn.

Quyển sách được giấu dưới tầng hầm của nhà thờ cùng với những quyển sách quan trọng khác, nhưng cuối cùng lại ở Erbil trước khi được gửi ra nước ngoài để phục chế.

Viện Trung ương Bảo tồn Sách (ICPAL) ở Roma giám sát việc phục chế bản viết tay, công việc được tài trợ bởi Bộ Di sản Văn hóa Ý.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cho Đồng bằng Ninivê quyển sách kinh lịch sử được cứu thoát khỏi Nhà nước Hồi giáo

Quá trình phục chế kéo dài 10 tháng bao gồm việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia tại Thư viện Vatican, nơi có những quyển sách tiếng Syria cổ có cùng niên đại. Thành phần nguyên thủy duy nhất của quyển sách được thay thế là loại chỉ khâu kết nối các trang sách.

Đức Thánh Cha Phanxicô được một phái đoàn nhỏ trình lên văn bản phụng vụ đã được phục chế trong thư viện của Điện Tông tòa vài tuần trước chuyến đi Iraq.

Phái đoàn bao gồm người đứng đầu phòng phục chế của ICPAL là Đức cha Luigi Bressan, tổng giám mục hưu trí của Trento, và là nhà lãnh đạo của Liên đoàn các tổ chức Kitô giáo phục vụ tình nguyện quốc tế (FOCSIV), liên đoàn 87 tổ chức phi chính phủ của Ý đã giúp đảm bảo sự an toàn của quyển sách khi nó được tìm thấy ở miền bắc Iraq.

Bà Ivana Borsotto, chủ tịch FOCSIV, là một thành viên của phái đoàn. Bà nói rằng sự trở lại của quyển sách tượng trưng cho sự hồi hương của người Kitô giáo sau cuộc diệt chủng do Nhà nước Hồi giáo gây ra.

Bà Borsotto nói: “Để đưa nó trở về quê hương và bảo đảm rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể trả lại Sidra [quyển sách kinh] - trong chuyến đi lịch sử và quan trọng đến vùng đất này - cho các tín hữu và nhà thờ của nó có giá trị tượng trưng mạnh mẽ về sự hồi hương và phục hồi những cội nguồn chung ở các nơi mà chiến tranh không những phá hủy mà còn cố gắng xóa bỏ các truyền thống và… tẩy xóa mọi dấu vết ký ức… về lịch sử chung sống hòa bình của Kitô giáo hiện diện suốt nhiều thế kỷ ở những nơi này.”

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cho Đồng bằng Ninivê quyển sách kinh lịch sử được cứu thoát khỏi Nhà nước Hồi giáo

Bà nói thêm: “Công việc được cùng nhau thực hiện để bảo đảm rằng quyển Sidra trở về nhà cũng là sự thể hiện vai trò tích cực của sự hợp tác quốc tế ở các khu vực khác nhau trên thế giới: thúc đẩy sự phát triển của con người, nhưng cũng để thúc đẩy sự gắn kết và sự phát triển của các vùng lãnh thổ và các cộng đồng để làm cho người dân có thể tự lực và tự chủ.”

“Không có những quyển sách, không có cộng đồng và không có điều này, không thể có lịch sử của một dân tộc và văn hóa của nó.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/3/2021]