Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Toàn văn bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Đức Thánh Cha

© Vatican Media

Toàn văn bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Đức Thánh Cha

‘Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy.’

20 tháng Năm, 2018 14:56

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 20 tháng Năm, 2018, trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô.


Trong Bài đọc Một của Phụng vụ hôm nay, Chúa Thánh Thần đến trong ngày Lễ Ngũ tuần được so sánh như “tiếng gió mạnh” (Cv 2:2). Hình ảnh này nói lên cho chúng ta điều gì? Nó làm chúng ta nghĩ đến một nguồn sức mạnh liên tục không có điểm kết, nhưng những tác động của nó làm biến đổi. Thật vậy, gió mang đến sự thay đổi: mang đến hơi ấm khi trời lạnh, mang đến hơi mát khi trời nóng, mang đến mưa khi đất đang khô hạn … đây là lý do tại sao nó mang đến sự thay đổi. Chúa Thánh Thần làm điều tương tự, nhưng trên một mức độ rất khác. Người là sức mạnh của nước trời làm biến đổi trần gian. Bài ca Tiếp liên nhắc nhở chúng ta điều này: Thần Khí ở “trong sự lao nhọc, là sự an ủi ngọt ngào; là nguồn ủi an giữa những muộn phiền.” Và vì thế chúng hãy khẩn xin Người: “Xin chữa lành những vết thương của chúng con, xin đổi mới sức mạnh của chúng con; xin hãy đổ làn sương mát xuống trên sự khô cằn của chúng con; xin gội sạch những vết nhơ lỗi phạm của chúng con.” Thần Khí đi vào trong những hoàn cảnh và làm thay đổi chúng. Người biến đổi các tâm hồn và Người thay đổi những hoàn cảnh.

Chúa Thánh Thần làm biến đổi những tâm hồn. Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của Ngài: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1:8). Đó chính là những gì đã xảy ra. Những người môn đệ đó, ban đầu vô cùng run sợ, họp nhau sau những cánh cửa khóa kín ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, họ đã được biến đổi bởi Thần Khí và như Chúa Giê-su nói trong Tin mừng hôm nay, “họ làm chứng nhân cho Ngài” (x. Ga 15:27). Không còn chần chừ, lòng đầy can đảm và bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, họ đi đến mọi miền trên mặt đất. Khi Chúa Giê-su còn ở với họ thì họ rụt rè, nhưng họ trở nên mạnh mẽ khi Ngài về trời, vì Thần Khí đã biến đổi tâm hồn họ.

Toàn văn bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Đức Thánh Cha

Thần Khí giải phóng tâm hồn thoát khỏi những sự sợ hãi. Người vượt qua mọi trở ngại. Với những người còn lần khân lưỡng lự, Người khơi lên lòng quảng đại trọn vẹn. Người mở cửa những tâm hồn khép kín. Người thúc giục những người cuộn mình trong sự tiện nghi bước ra và phục vụ. Người khiến cho những người tự mãn biết tiến bước trên những con đường mới. Người làm cho những người hờ hững dám dấn bước theo những ước mơ mới. Đó là ý nghĩa của sự biến đổi tâm hồn. Rất nhiều người hứa hẹn những sự thay đổi, những khởi đầu mới, những thay đổi vĩ đại, nhưng kinh nghiệm dạy cho chúng ta rằng chẳng nỗ lực nào của trần gian muốn thay đổi thực tại có thể hoàn toàn làm thỏa mãn tâm hồn con người. Nhưng sự biến đổi mà Thần Khí đem lại thì hoàn toàn khác. Thần Khí không cách mạng hóa cuộc sống chung quanh chúng ta những làm biến đổi tâm hồn của chúng ta, Thần Khí không giải thoát chúng ta vượt ra khỏi gánh nặng của các vấn đề nhưng giải phóng trong tâm hồn để chúng ta có thể đương đầu với chúng. Thần Khí không trao tặng cho chúng ta mọi điều ngay lập tức nhưng làm cho chúng ta vững tâm gánh vác, không bao giờ chán ngán cuộc sống. Thần Khí giữ cho tâm hồn chúng ta trẻ trung – tuổi thanh xuân được canh tân. Dù chúng ta có mất bao nhiêu cố gắng để duy trì nó, thì tuổi thanh xuân vẫn tàn phai sớm hay muộn; nhưng Thần Khí ngăn chặn một điều duy nhất làm già nua, đó là sự già nua trong tâm hồn. Người thực hiện bằng cách nào? Bằng cách canh tân tâm hồn của chúng ta, bằng cách tha thứ cho những tội nhân. Đây là một sự biến đổi vĩ đại: từ tội nhân, Người làm cho chúng ta nên công chính và từ đó thay đổi mọi điều. Từ những nô lệ của tội, chúng ta trở nên tự do, từ những kẻ tôi tớ chúng ta trở thành những người con được yêu thương, từ tính thế gian hư ảo, tuyệt vọng trở nên tràn đầy hy vọng. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, niềm vui được tái sinh và bình an nở hoa trong tâm hồn chúng ta.

Vậy thì hôm nay chúng ta hãy học cách phải làm gì khi chúng ta đang cần một sự thay đổi. Và có ai trong chúng ta lại không cần một sự thay đổi? Đặc biệt khi chúng ta đang ngã lòng, chán chường bởi những gánh nặng của cuộc sống, bị đè nặng bởi sự mỏng giòn của chúng ta, trong những khi thấy quá khó khăn để tiếp tục tiến bước và sự yêu thương dường như là không thể. Trong những lúc đó, chúng ta rất cần một “sức bật” mạnh mẽ: Chúa Thánh Thần, quyền năng của Thiên Chúa. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng Người là “Đấng trao ban sự sống.” Thật tuyệt vời biết bao khi mỗi người chúng ta hằng ngày đều cảm nhận được sức bật của sự sống này! Mỗi sáng khi thức giấc chúng ta hãy thưa: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy ngự vào tâm hồn con, xin hãy đi vào cuộc đời của con.”

Thần Khí không chỉ biến đổi tâm hồn chúng ta; Người biến đổi hoàn cảnh. Giống như cơn gió thổi đi khắp mọi nơi, Người len lỏi vào cả những hoàn cảnh khó tưởng tượng nhất. Trong sách Công vụ Tông đồ – một quyển sách chúng ta cần phải cầm lên và đọc, với vai chính trong đó là Chúa Thánh Thần – chúng ta sẽ bị hút vào một loạt những biến cố kinh ngạc nhất. Trong hoàn cảnh các môn đệ ít mong chờ nhất thì Thánh Thần lại gửi các ông đến với dân ngoại. Người mở ra những con đường mới, như trong chương nói về thầy phó tế Phi-líp-phê. Thánh Thần khiến Phi-líp-phê ra đi trên con đường sa mạc từ Giê-ru-sa-lem đến Ga-za … (Cái tên đó bây giờ chúng ta nghe thấy nhói tim biết dường nào! Ước mong Chúa Thánh Thần biến đổi những tâm hồn và những tình hình ở đó và đem lại hòa bình cho vùng Đất Thánh!) Trên đường, Phi-líp-phê giảng giải cho một viên quan cao cấp người Ê-ti-ô-pi-a và rửa tội cho ông ta. Rồi Thánh Thần đưa ông tới Át-đốt, và rồi đến Xê-da-rê, trong những tình huống liên tục mới lạ, để rao giảng sự mới lạ của Thiên Chúa. Rồi Phaolo “bị Thần Khí trói buộc” (Cv 20:22), ông đi thật xa và nhiều nơi, đem Tin mừng đến cho các dân tộc ông chưa bao giờ đến. Nơi nào có Thần Khí, nơi đó luôn luôn có biến cố diễn ra; Người thổi đến đâu, mọi việc không bao giờ đứng im.

Trong đời sống của cộng đoàn chúng ta, khi chúng ta cảm thấy một “sự an nhàn” nào đó, khi chúng ta thích yên tĩnh và bình lặng hơn là tính mới lạ của Thiên Chúa, thì đó là một dấu hiệu xấu. Nó có nghĩa là chúng ta đang cố tìm một nơi trú ẩn tránh luồng gió của Thần Khí. Khi chúng ta sống trong sự an phận và chỉ quanh quẩn gần nhà thì đó không phải là một tín hiệu tốt. Thánh Thần nổi gió nhưng chúng ta lại hạ buồm xuống. Và chúng ta đã bao nhiêu lần nhìn thấy Người thực hiện những điều kỳ diệu! Rất thường xuyên, ngay cả trong những lúc u ám nhất, Thần Khí đã nâng dậy sự thánh thiện cao vời nhất! Vì Người là linh hồn của Giáo hội, Người là Đấng liên tục làm bừng lên niềm hy vọng canh tân trong Giáo hội, làm Giáo hội ngập tràn niềm vui, làm cho Giáo hội sinh hoa kết trái, và làm cho sự sống mới trổ hoa. Trong gia đình, khi một em bé chào đời, nó làm đảo lộn lịch sinh hoạt của gia đình, nó làm cho chúng ta mất ngủ, nhưng nó mang lại cho chúng ta một niềm vui đổi mới lại cuộc sống của chúng ta, khiến chúng ta phấn chấn, làm mở rộng tâm hồn chúng ta trong sự yêu thương. Và với Thần Khí cũng vậy: Người mang đến một “sự nếm trải tuổi thơ” cho Giáo hội. Liên tục lần này đến lần khác Người trao ban sự sống mới. Người làm hồi sinh tình yêu ban đầu của chúng ta. Trong suốt chiều dài nhiều thế kỷ của Giáo hội, Thánh Thần nhắc Giáo hội rằng Giáo hội luôn luôn là một hiền thê tươi trẻ mà Thiên Chúa yêu say đắm. Chúng ta đừng bao giờ uể oải không muốn chào đón Thần Khí vào trong cuộc đời của chúng ta, mà không khẩn xin Người trước khi chúng ta làm mọi việc: “Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến!”

Người sẽ mang đến quyền năng biến đổi của Người, một quyền năng duy nhất vừa hướng tâm (centripetal) và ly tâm (centrifugal). Quyền năng đó là hướng tâm, nó tìm đến trung tâm vì nó hoạt động sâu thẳm trong tâm hồn của chúng ta. Nó mang đến sự hiệp nhất giữa những chia rẽ, bình an giữa những ưu phiền, sức mạnh giữa những sự cám dỗ. Thánh Phaolo nhắc nhở cho chúng ta điều này trong Bài đọc Hai khi ngài viết rằng hoa quả của Thần Khí là hoan lạc, bình an, trung tín (x. Gl 5:22). Thần Khí thông ban sự mật thiết với Thiên Chúa, sức mạnh tâm hồn để vững bước trên hành trình. Đồng thời Người cũng là sức mạnh ly tâm, tức là một sức mạnh thúc đẩy bên ngoài. Đấng hướng chúng ta vào nội tâm cũng là Đấng thúc đẩy chúng ta tiến ra những vùng ngoại vi, đến với mọi khu vực ngoại vi của con người. Đấng mạc khải Thiên Chúa cũng là Đấng mở tâm hồn chúng ta ra với anh chị em của mình. Người sai chúng ta đi, Người biến chúng ta thành những chứng nhân, và rồi Người ban cho chúng ta – cũng là lời của Thánh Phaolo – yêu thương, nhân hậu, bác ái, và từ tâm. Chỉ trong Thần Khí Ủi An thì chúng ta mới nói được những lời sự sống và thật sự làm phấn chấn người khác. Những người sống bởi Thần Khí luôn sống trong sự thôi thúc tinh thần này: họ cảm thấy bị thúc đẩy vừa hướng về Thiên Chúa và hướng ra với nhân gian.

Chúng ta hãy khẩn xin Người làm cho chúng ta được sống đúng theo con đường đó. Chúa Thánh Thần, luồng gió lớn của Thiên Chúa, thổi trên chúng ta, thổi vào trong tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta hít thở được sự nhân từ của Chúa Cha! Xin thổi trên Giáo hội và thúc đẩy Giáo hội đi đến tận cùng mặt đất, để Giáo hội có thể mang đến chính anh chị em, được mang đến bởi anh chị em. Xin thổi hơi ấm dịu dàng của bình an và luồng gió mát tươi mới của hy vọng. Xin Thánh Thần hãy đến, biến đổi tâm hồn chúng con và canh tân bộ mặt trái đất. Amen

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/5/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico giải thích từng cụm từ trong Kinh Kính Mừng

Đức Thánh Cha Phanxico giải thích từng cụm từ trong Kinh Kính Mừng

14 tháng Năm, 2018
Antoine Mekary | ALETEIA


Và ngài kể lại một người mẹ có được ơn chỉ dẫn đặc biệt.

Tất cả chúng ta đọc kinh Kính mừng, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu rõ được ý nghĩa của kinh? Lời Kinh thật sự nói về điều gì?

Trong quyển sách, “Mẹ Maria, Mẹ của mọi người” ("María, Mamma di tutti"), chính Đức Thánh Cha Phanxico dạy chúng ta ý nghĩa của lời kinh quan trọng này.

Đầy ơn phúc

Thiên Thần Gabriel ca khen Mẹ Maria là “đầy ơn phúc” (Lc 1:28); Đức Thánh Cha giải thích rằng nơi Mẹ “không có một không gian cho tội, vì từ muôn đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm mẹ Chúa Giê-su, và giữ cho Mẹ không mắc tội tổ tông.”

“Ngôi Lời trở nên nhục thể trong cung lòng Mẹ. Cả chúng ta nữa đều được kêu gọi hãy lắng nghe tiếng Chúa, Đấng nói với chúng ta, và đón nhận ý định của Người. Thiên Chúa luôn nói với chúng ta.”

Thiên Chúa ở cùng Bà

Đức Phanxico nói rằng những gì xảy ra theo một cách rất riêng nơi Mẹ Maria Đồng trinh “cũng sẽ xảy ra trong mức độ thiêng liêng nơi chúng ta khi chúng ta đón chào Ngôi lời Thiên Chúa bằng một tâm hồn tốt lành và chân thành, và đem ra thực hành. Khi đó dường như Thiên Chúa trở thành xác thịt trong chúng ta; Ngài đến để sống trong chúng ta, vì Ngài xây dựng nhà của Ngài trong những người yêu mến Ngài và tuân giữ lời Ngài. Không dễ hiểu được điều này, nhưng đúng là rất dễ cảm nhận nó trong tâm hồn.”

“Chúng ta có nghĩ rằng sự nhập thể của Chúa Giê-su chỉ là một biến cố trong quá khứ chẳng có tác động gì đến cá nhân chúng ta? Tin tưởng nơi Ngài có nghĩa là dâng hiến cho Ngài thân xác chúng ta, với sự khiêm hạ và can đảm như Mẹ Maria.”

Có phúc lạ hơn mọi người nữ

Mẹ Maria đã sống đức tin như thế nào? Đức Thánh Cha trả lời, “Mẹ đã sống đức tin trong sự đơn sơ của những công việc thường ngày làm mọi người mẹ phải lo lắng, chẳng hạn việc cung cấp của ăn và cái mặc, và chăm sóc nhà cửa … Chính cuộc sống bình thường này của Mẹ Đồng trinh là nền tảng trong đó phát triển sự giao tiếp và sự đối thoại sâu thẳm giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Con của Mẹ.”

Và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ.

Đức Phanxico giải thích rằng Mẹ Maria đón nhận, nhưng không thụ động.

“Cũng như việc Mẹ nhận lãnh quyền năng của Chúa Thánh Thần trên mức độ thể lý, và rồi trao tặng xác thịt và máu cho Con Thiên Chúa Đấng hình thành trong Mẹ, thì trên mức độ thiêng liêng cũng vậy, Mẹ đón nhận ơn sủng và đáp lời bằng đức tin. Vì vậy Thánh Augustine nói rằng Mẹ Đồng trinh ‘đã chịu thai trong tâm hồn trước khi chịu thai trong cung lòng.’ Mẹ đã chịu thai đức tin trước, và sau đó là Con Thiên Chúa.”

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời

Đức Thánh Cha tiếp tục, Mẹ Đấng Cứu thế “đi trước chúng ta và liên tục củng cố cho chúng ta trong đức tin, trong ơn gọi, và trong sứ mạng của chúng ta. Với mẫu gương khiêm hạ của Mẹ và sự sẵn sàng vâng nghe theo ý định của Thiên Chúa, Mẹ giúp chúng ta thể hiện đức tin qua việc hân hoan loan báo Tin mừng, không biên giới.”

Cầu cho chúng con là kẻ có tội

Để giải thích ý nghĩa của đoạn kinh này, Đức Phanxico kể lại một giai thoại:

“Cha nhớ có một lần tại Đền thờ Luján, cha đang ngồi trong tòa giải tội, phía sau là một hàng người dài. Có một thanh niên trông rất mô-đen, đeo bông tai, xăm mình, những thứ như vậy … Và chàng thanh niên đến kể cho cha nghe chuyện đang xảy ra với anh ta. Nó là một vấn đề lớn, rất khó khăn. Và anh ấy nói với cha, ‘Con kể hết mọi chuyện cho mẹ con, và mẹ con nói: Hãy đến với Mẹ Đồng trinh Đầy ơn phúc và Mẹ sẽ bảo con phải làm gì.’ Đấy là một người phụ nữ được ơn chỉ dẫn. Bà không biết cách giải quyết vấn đề của con trai, nhưng bà đã chỉ ra con đường đúng: đến với Mẹ Maria Đồng trinh, và Mẹ sẽ nói cho con. Đây là một ơn chỉ dẫn. Người phụ nữ đơn sơ, khiêm nhường đó đã cho người con trai lời khuyên tốt nhất. Thật vậy, người thanh niên nói với cha, ‘Con nhìn lên Mẹ Đồng trinh Đầy Ơn phúc và con cảm nhận con phải làm như vầy, như vầy, như vầy …’ Cha chẳng phải nói thêm gì; chính người thanh niên và mẹ anh ta đã nói lên tất cả. Đây là ơn chỉ dẫn. Những người mẹ của chúng ta được ơn này: hãy xin ơn để nó được trao tặng cho con cái của anh chị em. Ơn chỉ dẫn con cái của anh chị em là một ơn của Thiên Chúa.”

Khi nay, và trong giờ lâm tử

Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Đức Phanxico nói, “để Mẹ, là Mẹ của người anh Hai của chúng ta là Đức Giê-su, dạy chúng ta có cùng một tinh thần hiền mẫu đối với anh em của chúng ta, với tấm lòng chân thành biết chấp nhận, tha thứ, củng cố, và thông truyền sự vững tin và hy vọng. Và đây là điều một người mẹ làm.”

Con đường của Mẹ Maria hướng về trời bắt đầu bằng lời ‘xin vâng’ mà Mẹ đã thưa ở làng Na-da-rét, khi trả lời cho Thiên sứ loan tin ý định của Thiên Chúa cho Mẹ. Trong thực tế, đó chính là con đường: mọi lời ‘xin vâng’ với Thiên Chúa là một bước tiến về quê Trời, tiến về sự sống trường sinh.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/5/2018]