Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tiếng gọi hãy Vui lên, Chúa nhật “Hãy Vui Lên”

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tiếng gọi hãy Vui lên, Chúa nhật “Hãy Vui Lên”

Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3:16)

11 tháng Ba, 2018
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tiếng gọi hãy Vui lên, Chúa nhật “Hãy Vui Lên”
THÀNH PHỐ VATICAN, 11 THÁNG BA, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Chúa nhật thứ Tư Mùa Chay này, được gọi là Chúa nhật “Hãy Vui Lên”, nghĩa là “Hãy Hân Hoan,” vì Bài ca Nhập Lễ của Phụng vụ Thánh Thể đã nói lên như vậy, mời gọi chúng ta hãy vui lên: “Hãy vui lên, hỡi Giê-ru-sa-lem [...] — vì thế nó là một tiếng gọi hãy hân hoan — hãy mừng vui và hân hoan, người đang than khóc.” Thánh Lễ bắt đầu nhự vậy. Lý do của niềm vui này là gì? Vì đó là tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho nhân loại, như Tin mừng hôm nay nói lên: “Quả thật, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Những lời này, được chính Chúa Giê-su nói lên trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, tóm tắt điểm trung tâm lời tuyên xưng của người Ki-tô hữu: thậm chí khi hoàn cảnh dường như đã tuyệt vọng, Thiên Chúa can thiệp, ban tặng cho con người ơn cứu độ và niềm vui. Quả thật, Thiên Chúa không đứng xa cách, nhưng đi vào lịch sử của nhân loại, Người “dấn thân” vào cuộc sống của chúng ta; Người đi vào cuộc sống, để làm cho nó hồi sinh bằng ơn sủng của Người và giải thoát nó.

Chúng ta được kêu gọi để lắng nghe lời tuyên xưng này, từ bỏ cám dỗ cho rằng bản thân chúng ta được an toàn trong chính chúng ta, muốn tống khứ Thiên Chúa, khẳng định sự tự do tuyệt đối khi tách biệt ra khỏi Người và ra khỏi Lời của Người. Khi chúng ta tái khám phá được lòng can đảm để nhận biết chúng ta là ai — lòng can đảm rất cần cho điều này! — chúng ta nhận biết rằng chúng ta là những con người được kêu gọi phải biết suy xét đến tính mỏng giòn và những giới hạn của chúng ta. Rồi việc có thể xảy đến là chúng ta bị kìm kẹp bởi những sự đau khổ, bởi những lo âu về ngày mai, bởi sự sợ hãi về bệnh tật và cái chết. Điều này lý giải tại sao có quá nhiều người tìm đường thoát ra, đôi khi chọn vào những con đường tắt đầy nguy hiểm, chẳng hạn con đường hầm của ma túy hay của những điều mê tín hoặc những nghi lễ phép thuật phá hoại. Thật tốt đẹp nếu chúng ta biết được những giới hạn của mình, những sự mỏng giòn của mình, chúng ta phải biết rõ chúng, nhưng không để bị tuyệt vọng mà dâng lên cho Chúa, và Người giúp chúng ta trên con đường chữa lành, Người cầm lấy tay của chúng ta, và không bao giờ để chúng ta cô đơn – không bao giờ! Chúa luôn ở với chúng ta; vì vậy tôi “mừng vui,” hôm nay chúng ta “hãy vui lên”: “Hãy vui lên, hỡi Giê-ru-sa-lem,” vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Và chúng ta có một niềm hy vọng thật sự và lớn lao nơi Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, Đấng đã ban Con của Người để cứu thoát chúng ta, và đây là niềm vui của chúng ta. Chúng ta cũng gặp nhiều nỗi buồn, nhưng khi chúng ta là những Ki-tô hữu thật sự, thì có niềm hy vọng đó, nó là một niềm vui nhỏ nhưng phát triển và tặng ban cho chúng ta sự an toàn. Chúng ta không được ngã lòng khi nhìn thấy những giới hạn, những tội và những yếu đuối của mình: Thiên Chúa đang ở đó, rất gần, Chúa Giê-su trên cây thập tự để chữa lành chúng ta. Đây là tình yêu của Thiên Chúa. Hãy nhìn lên Thập giá và tự nhủ: “Chúa yêu tôi.” Đúng vậy, có những giới hạn, những sự yếu đuối, và tội, nhưng Người vĩ đại hơn những giới hạn, những yếu đuối và những tội lỗi. Đừng quên điều này. Thiên Chúa vĩ đại hơn những yếu đuối, hơn những sự bất trung, hơn tội của chúng ta. Và chúng ta được nắm tay của Thiên Chúa, chúng ta nhìn lên Thập giá và chúng ta tiến bước.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót, đặt vào trong tâm hồn chúng ta niềm tin vững rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta; xin Mẹ ở bên chúng ta trong những lúc chúng ta cảm thấy cô đơn khi chúng ta bị cám dỗ đầu hàng trước những khó khăn của cuộc sống. Xin Mẹ truyền tải cho chúng ta cảm thức của Chúa Giê-su Con của Mẹ để hành trình Mùa Chay của chúng ta trở nên một trải nghiệm của sự tha thứ, lòng hiếu khách, và bác ái.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến,

Cha xin chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác, đặc biệt các tín hữu Agropoli, Padua, Troina, Foggia và Caltanissetta, và cha chào các bạn trẻ từ giáo xứ Thánh An-tôn Padua, ở Serra di Pepe.

Cha chào Cộng đoàn Brazil ở Roma, những ứng sinh Thê sức của Tivoli cùng với Đức Giám mục, các bạn trẻ của Avigliano và các thiếu niên của Saronno. Cha gửi lời chào đặc biệt đến các sinh viên đại học ở nhiều nơi trên thế giới, tập trung cho cuộc thi “Vatican Hackathon” lần đầu tiên được tổ chức bởi Bộ Truyền thông. Các bạn trẻ thân mến, thật tốt đẹp khi đưa trí tuệ, điều mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, để phục vụ sự thật và những người thiếu thốn nhất.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/3/2018]


Vatican Hackathon: phỏng vấn với Đức ông Lucio Ruiz

Vatican Hackathon: phỏng vấn với Đức ông Lucio Ruiz

Cuộc thi Vatican Hackathon (thi phát triển phần mềm) tìm kiếm những giải pháp công nghệ cho các vấn đề toàn cầu (Vojtech Okenka)


Vatican Hackathon: phỏng vấn với Đức ông Lucio Ruiz

Ngài Thư ký của Ban Thư ký Truyền thông Vatican, Đức ông Lucio Adrian Ruiz, giải thích cách thức giới trẻ và công nghệ có thể đóng góp cho một số vấn đề quan tâm nhất của Đức Thánh Cha.

09 tháng Ba 2018, 10:39
Emanuela Campanile

Cuộc thi Vatican Hackathon là gì?

Vatican Hackathon là một sáng kiến tiếp tục, hoặc áp dụng, những điều đã được thực hiện trong nhiều đại học trên thế giới ngày nay: Ví dụ Hackathons là những cuộc thi về toán học, hoặc vật lý … Chúng là những sự kiện mang các bạn trẻ từ nhiều trường đại học đến với nhau và tại đó họ phải đối mặt với những thách đố và phải tìm ra những giải pháp. Vatican Hackathon đón lấy sự kiện văn hóa này, Hackathon, và đưa nó vào trong bối cảnh của Vatican với những thách đố riêng của mình, và tất cả đều là quan trọng đối với Tòa Thánh. Chúng tôi mời các bạn trẻ đến để xem họ có thể đưa ra những câu trả lời như thế nào về công nghệ để có một bước đi gần hơn tiến đến việc giải quyết những vấn đề này.

Những mục tiêu của Hackathon là gì?

Để đáp ứng được những điều Đức Thánh Cha xem là quan trọng, chúng tôi chọn vấn đề đối thoại văn hóa – một nét đặc trưng của môi trường trong đó những cuộc thi Hackathon diễn ra - và vấn đề ngài đang quan tâm nhất, đó là người di cư và tị nạn.

Đức Thánh Cha Phanxico có biết về sự kiện này không?

Chắc chắn như vậy. Đức Thánh Cha đã biết ngay từ đầu. Khi ý tưởng bắt đầu hình thành, chúng tôi ngay lập tức trình bày nó với ngài. Ngài rất vui vì ngài nhìn thấy cách thức sự kiện này cho phép những lĩnh vực văn hóa, khoa học, công nghệ, đức tin, và giới trẻ đến với nhau, để suy nghĩ và đưa ra những thách đố với nhau, để giải quyết những vấn đề cụ thể của văn hóa hiện thời, chẳng hạn sự đối thoại, người di cư và tị nạn … Đây là một điều đáng mừng. Chúng tôi hy vọng mọi việc diễn ra tốt đẹp và bằng cách này hay cách khác chúng tôi có thể góp phần với công nghệ để giải quyết những thách đố lớn ngày nay của thế giới đương đại.

Hackathon phản ánh thái độ và truyền thống của Giáo hội?

Chắc chắn là thế, tới mức độ Hackathon tạo ra sự đối thoại, nó “kiểm tra” những trí thông minh, để đưa ra được những giải pháp cho một thách đố, thách đố này được trình bày cho nhiều sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau. Tuy nhiên, nó cũng lồng ghép vào trên con đường đối thoại giữa khoa học và đức tin, công nghệ và đức tin, những điều luôn hiện hữu trong Giáo hội. Dĩ nhiên, đã có những khoảng thời gian khó khăn hơn và thanh bình hơn, nhưng đó là điều bình thường vì trong tất cả những mối quan hệ luôn có những thời gian tốt hơn hoặc xấu hơn. Cứ nghĩ đến mối quan hệ giữa một đôi bạn đang yêu, một cặp vợ chồng: có những lúc chúng ta gần nhau hơn, và những lúc khác chúng ta xa nhau hơn. Mối quan hệ giữa khoa học và đức tin là một mối quan hệ chúng tôi luôn cố gắng duy trì. Vì vậy, như chúng ta biết, sự kiện này là mới vì nó “mới về văn hóa,” nhưng thực tại của đối thoại luôn hiện hữu trong Giáo hội và nó không mới.


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/3/2018]