Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 24.12.2023: Thiên Chúa tự hiến mình làm nơi nương náu và chở che cho chúng ta: “Hãy đến dưới bóng mát của Ta, ở lại với Ta”

Thiên Chúa tự hiến mình làm nơi nương náu và chở che cho chúng ta: “Hãy đến dưới bóng mát của Ta, ở lại với Ta”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 24.12.2023: Thiên Chúa tự hiến mình làm nơi nương náu và chở che cho chúng ta: “Hãy đến dưới bóng mát của Ta, ở lại với Ta”


Hôm nay, 24 tháng 12 năm 2023, Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng, Tin Mừng trình bày cho chúng ta khung cảnh Truyền Tin. Trong huấn từ trước giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha khẳng định rằng Thiên Chúa đến vì chúng ta, Người hiến thân cho chúng ta như nơi nương náu và chở che cho chúng ta. “Hãy đến dưới bóng mát của Ta, ở lại với Ta.”

Sau kinh kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đề nghị các tín hữu và khách hành hương: “Chúng ta đừng nhầm lẫn việc mừng lễ với chủ nghĩa tiêu thụ! “Chúng ta có thể – và với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta phải – mừng lễ cách đơn giản, không lãng phí và chia sẻ với những người thiếu những thứ cần thiết hoặc những người thiếu người đồng hành.”

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Kính Đức Mẹ:

*******

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng hôm nay, Tin Mừng trình bày khung cảnh Truyền Tin (x. Lc 1:26-39). Khi giải thích cho Đức Maria về việc Mẹ sẽ thụ thai Chúa Giêsu, Thiên sứ nói với Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (c. 35). Chúng ta hãy dừng lại một chút ở hình ảnh này, rợp bóng.

Ở một vùng đất luôn đầy nắng như vùng đất của Mẹ Maria, một đám mây bay qua, một cây xanh chống khô hạn và cung cấp nơi trú ẩn, hay một túp lều hiếu khách có thể mang đến sự dễ chịu và che chở. Bóng mát là một món quà mang lại sự tươi mới, và Thiên thần mô tả cách Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria, và đây là cách hành động của Thiên Chúa: Thiên Chúa luôn hành động như một tình yêu thương dịu dàng bao bọc, làm tươi tốt, bảo vệ, không thô bạo, không xâm phạm tự do. Đây là cách hành động của Chúa.

Ý tưởng về bóng mát bảo vệ là hình ảnh được lặp đi lặp lại trong Kinh thánh. Chúng ta nghĩ đến cột mây đồng hành cùng dân Chúa trong sa mạc (x. Xh 13:21-22). Nói ngắn gọn thì “bóng mát” mô tả lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Như thể Chúa đang nói với Đức Maria cũng như với tất cả chúng ta ngày nay: “Cha ở đây vì các con và Ta tự hiến mình làm nơi nương náu và che chở cho các con: hãy đến dưới bóng mát của Ta, ở lại với Ta”. Thưa anh chị em, tình yêu hữu hiệu của Thiên Chúa hoạt động như vậy. Và theo một cách nào đó, nó cũng là điều mà chúng ta có thể trải nghiệm với nhau; chẳng hạn như khi ở giữa bạn bè, người yêu, vợ chồng, cha mẹ và con cái, chúng ta dịu dàng, tôn trọng, quan tâm đến người khác với lòng nhân ái. Chúng ta hãy suy ngẫm về lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Đây là cách Thiên Chúa yêu thương và Ngài kêu gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy: chào đón, bảo vệ và tôn trọng người khác. Hãy nghĩ đến tất cả mọi người, hãy nghĩ đến những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người không có niềm vui Giáng Sinh trong những ngày này. Chúng ta hãy nghĩ đến mọi người với lòng nhân từ của Thiên Chúa. Anh chị em hãy ghi nhớ lời này: lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Và vì vậy, trong đêm Giáng Sinh, chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi có muốn cho phép bản thân được rợp bóng bởi Chúa Thánh Thần, bởi sự dịu dàng và hiền lành của Thiên Chúa, bởi lòng nhân hậu của Thiên Chúa, dành chỗ cho Ngài trong lòng tôi, đến gần sự tha thứ của Ngài, đến với Bí tích Thánh Thể?” Và: “Tôi có thể làm bóng mát, tình bạn an ủi cho những người cô đơn và thiếu thốn nào?”

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết mở lòng và đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đến giải thoát chúng ta với sự hiền lành.

____________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Rome và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, cha xin chào phái đoàn công dân Ý đang sống trong các vùng lãnh thổ được chính thức công nhận là bị ô nhiễm nặng và đã phải chờ đợi việc làm sạch từ rất lâu. Tôi xin bày tỏ tình liên đới với những nhóm dân cư này và hy vọng rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc và một đêm Giáng sinh trong lời cầu nguyện, trong sự ấm áp của tình thân ái và sự tiết độ. Cho phép cha đưa ra một đề nghị: chúng ta đừng nhầm lẫn việc mừng lễ với chủ nghĩa tiêu thụ! Chúng ta có thể – và với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta phải – mừng lễ cách đơn giản, không lãng phí và chia sẻ với những người thiếu những thứ cần thiết hoặc những người thiếu người đồng hành. Chúng ta hãy gần gũi với anh chị em đang đau khổ vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến Palestine, Israel, Ukraine. Chúng ta cũng nghĩ đến những người phải chịu cảnh khốn cùng, đói khát, nô lệ. Xin Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy trái tim con người, truyền nhân tính vào trái tim con người!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Và chúc tất cả anh chị em Giáng sinh an vui! Arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2023]


5 mảnh gỗ từ Máng cỏ của Chúa Giêsu ở trong nhà thờ Rome này

5 mảnh gỗ từ Máng cỏ của Chúa Giêsu ở trong nhà thờ Rome này

5 mảnh gỗ từ Máng cỏ của Chúa Giêsu ở trong nhà thờ Rome này

© Capitolo di Santa Maria Maggiore

Isabella H. de Carvalho

22/12/23


Vương cung thánh đường Đức Bà Cả có một thánh tích quan trọng: 5 miếng gỗ từ máng cỏ nơi Chúa Giêsu được đặt nằm sau khi Ngài sinh ra. Chúng là lời nhắc nhở về tiếng gọi của Đức Kitô Nghèo khó đối với Giáo hội.

Vương cung thánh đường Đức Bà Cả là một trong bốn vương cung thánh đường chính của giáo hoàng ở Rome và là một trong những đền thờ cổ kính nhất cung hiến cho Đức Mẹ. Nếu điều này chưa làm cho nhà thờ trở thành điểm dừng chân hành hương quan trọng, thì trong mùa Giáng sinh, người Công giáo và khách du lịch thậm chí còn muốn đến viếng nhà thờ hơn, vì bên dưới bàn thờ được trang trí công phu là một hòm đựng thánh tích có chứa năm mảnh gỗ của máng cỏ nơi Hài nhi Giêsu được đặt sau khi Người được sinh ra.

Từ Bêlem đến Rome, những mảnh gỗ này đã đi một chặng đường dài trong những thời kỳ khó khăn và đã có mặt trong Vương cung thánh đường từ giữa thế kỷ thứ 7. Aleteia trao đổi với Đức ông Piero Marini, Linh mục hạt trưởng của Đền thờ Đức Bà Cả và là người bảo vệ Máng cỏ Thánh, về sự khởi đầu rất khiêm nhường của thánh tích và thông điệp mà những mảnh gỗ vẫn mang đến cho ngày nay.

Thánh tích bao gồm những gì?

Đức ông Piero Marini: Thánh tích Máng cỏ Thánh bao gồm năm mảnh gỗ làm từ một loại cây sung sống ở Palestine và giống như cây mà ông Giakêu đã trèo lên. Bốn mảnh gỗ có lẽ tạo thành hai chữ “X” đứng ở hai bên máng cỏ và mảnh thứ năm được gắn ở giữa để giữ chúng lại với nhau. Các mảnh gỗ này cho thấy chúng tạo thành một đồ vật dùng để chứa rơm cỏ cho động vật.

Những mảnh gỗ này là những gì còn sót lại sau 14 thế kỷ ở đây. Các mảnh gỗ trước đây có lẽ dài hơn và to hơn nhưng đã trải qua rất nhiều thăng trầm.

5 mảnh gỗ từ Máng cỏ của Chúa Giêsu ở trong nhà thờ Rome này

Làm sao chúng ta biết những miếng gỗ này là từ máng cỏ của Chúa Giêsu?

Đức ông Piero Marini: Khi đề cập đến máng cỏ thánh, tôi mỉm cười vì nghĩ đó là một trong nhiều câu chuyện chúng ta được nghe. Nhưng không phải, qua nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy rằng các mảnh gỗ này thực sự có nguồn gốc từ Bêlem. Chúng tôi có hai bằng chứng quan trọng. Thứ nhất, lâu đời nhất, là của Origen, một nhà thần học đến từ Alexandria. Ngài viết rằng thánh tích máng cỏ thánh được bảo tồn ở Bêlem vào khoảng năm 210 hoặc 220. Đó là một dấu hiệu cực kỳ quan trọng.

Dấu hiệu lịch sử thứ hai mà chúng tôi có là từ Thánh Giêrônimô, ngài đã đến Palestine và ở đó 35 năm. Đó là vào khoảng năm 400. Người Kitô hữu vẫn đi về phương Đông và có một lượng lớn người hành hương đến Thánh địa. Thánh Giêrônimô nói rằng có những lúc ngài phải đồng hành với những người hành hương đến viếng hang thánh và máng cỏ thánh nơi Chúa được đặt nằm trong đó. Vì vậy, đây là bằng chứng thứ hai, cùng với bằng chứng của Origen, nhưng còn có những bằng chứng khác.

Trước thông tin này, tôi đã bớt hoài nghi hơn so với lúc đầu khi tôi được yêu cầu làm người bảo vệ máng cỏ thánh. Bây giờ tôi tôn kính thánh tích này và chiêm ngắm sự khiêm nhường mà từ đó Giáo hội và niềm tin vào Chúa của chúng ta đã bắt đầu.

Ngày nay thánh tích này mang lại chứng tá gì cho những người đến viếng?

Đức ông Piero Marini: Thánh tích này chỉ về sự nghèo khó mà Giáo hội đã bắt đầu, điều mà Giáo hội phải luôn đo lường trong lịch sử, cho dù không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Chúa được sinh ra và Người được đặt ở đó, trên đống rơm cỏ, nơi có các loài động vật, vì Người chẳng có gì cả. Rồi Đấng Nghèo khó kết thúc trên thập giá, và dù sự thật rằng Chúa đã phục sinh, nhưng nhân tính trong Chúa đã sống qua những kinh nghiệm vô cùng nghèo khó. Đó là lý do tại sao Thánh Phanxicô nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa; ngài nhấn mạnh đến sự nghèo khó này là cần thiết đối với Giáo hội.

Mọi người có thể đến đây chiêm ngắm và suy ngẫm về những mảnh gỗ khi biết lịch sử của chúng cũng như những gì chúng làm chứng.

5 mảnh gỗ từ Máng cỏ của Chúa Giêsu ở trong nhà thờ Rome này

Những mảnh gỗ đã đến Rome như thế nào?

Đức ông Piero Marini: Năm 636, Giêrusalem bị quân Saracens bao vây. Vì lý do này, đức Thượng Phụ Giêrusalem là Sophronius, không thể cử hành lễ tại Bêlem, nơi có máng cỏ thánh. Trước tình hình đó, ngài đã lấy những mảnh gỗ của máng cỏ thánh và gửi chúng về Rome với Đức Giáo hoàng Theodore I, gốc người Palestine. Họ muốn giữ lại những mảnh gỗ vì chúng là thánh tích quý báu đối với họ.

Sau đó chúng được bảo quản như thế nào?

Đức ông Piero Marini: Thánh tích đã đến Nhà thờ Đức Bà Cả và do đó nhà thờ được gọi là Thánh Mary “ad praesepe”, có nghĩa là Thánh Mary của máng cỏ. Nó còn được gọi là Bêlem của Rome hay Bêlem của phương Tây. Vương cung thánh đường này là nơi hoàn hảo để lưu giữ máng cỏ vì đây là đền thờ đầu tiên cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria.

Sau đó, trong những năm 700, vào thời Đức Giáo hoàng Adrian I, họ xây một nhà nguyện ở phía bên phải của vương cung thánh đường, nơi lưu giữ thánh tích máng cỏ thánh này. Trong nhiều thế kỷ, tất cả người hành hương đến Rome từ vùng Bắc Âu đều đến viếng thánh tích vì đây là một trong những di tích quan trọng nhất ở Rome.

Và sau đó?

Đức ông Piero Marini: Vào giữa những năm 1500, nhà nguyện này được sáp nhập vào một nhà nguyện bên trong Đền thờ Đức Bà Cả, và thánh tích được lưu giữ ở đó trong một hộp thánh tích được cho là rất đẹp. Bên cạnh đó còn có các cuộc rước kiệu và thánh tích được đặt trên bàn thờ chính vào dịp Giáng sinh.

Rồi vào cuối những năm 1700, quân đội Napoléon đến lấy đi hòm đựng thánh tích và để các mảnh gỗ lại. Ít năm sau, vào năm 1802, hòm đựng thánh tích bằng vàng và bạc mà chúng ta thấy ngày nay được ủy quyền làm bởi Đức Piô IX. Hòm đựng thánh tích được làm bởi nhà thiết kế Giuseppe Valadier, người xuất thân từ một gia đình thợ kim hoàn ở Rome. Đức Piô IX cũng cho xây dựng tầng hầm này, nơi vẫn còn đặt thánh tích, và làm một bức tượng ngài đang quỳ gối đặt trước thánh tích.

Cách đây vài năm, vào năm 2019, họ đã phục hồi lại những mảnh gỗ và gửi một mảnh nhỏ về Palestine làm thánh tích.

5 mảnh gỗ từ Máng cỏ của Chúa Giêsu ở trong nhà thờ Rome này


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2023]