Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

CẬP NHẬT: Ông Fidel Castro, nhà lãnh đạo cộng sản đã gặp gỡ ba Giáo hoàng, qua đời ở tuổi 90

CẬP NHẬT: Ông Fidel Castro, nhà lãnh đạo cộng sản đã gặp gỡ ba Giáo hoàng, qua đời ở tuổi 90



CẬP NHẬT: Ông Fidel Castro, nhà lãnh đạo cộng sản đã gặp gỡ ba Giáo hoàng, qua đời ở tuổi 90
Đức Thánh Cha Phanxico và ông Fidel Castro trong một lần gặp gỡ riêng ngày 20 tháng 9, 2015. Ảnh Alex Castro.
Vatican City, 26 tháng 11, 2016 / 03:30 sáng (CNA/EWTN News).- Sau khi nghe tin cái chết chết của ông Fidel Castro tối thứ Sáu, cựu chủ tịch và nhà lạnh đạo cách mạng cộng sản của Cuba, Đức Thánh Cha Phanxico gửi một điện tín dâng lời cầu nguyện cho người qua đời và toàn dân tộc.
“Nhận được tin buồn sự ra đi của người anh em của quý vị, Ngài Fidel Alejandro Castro Ruz, cựu chủ tịch của Hội đồng Nhà nước và Chính phủ Cộng hòa Cuba, tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương và tình thân ái,” bức điện tín ngày 26 tháng 11 viết, với chữ ký của Đức Thánh Cha Phanxico.
Gửi đến người em của ông Fidel và là đương kim chủ tịch của Cuba, Raul Castro, bức điện tín bày tỏ sự gần gũi của Đức Thánh Cha với các thành viên gia đình của Castro, chính phủ Cuba và toàn thể người dân “của dân tộc thân yêu này.”
“Đồng thời, tôi xin dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa cho sự an nghỉ của ông và tôi xin tín thác toàn dân tộc Cuba dưới sự bảo trợ mẫu tử của Đức Bà Cobre, bổn mạng của đất nước,” Đức Phanxico nói.
Trong một thông báo được truyền hình đột xuất tối ngày 25 tháng 11 giờ địa phương tại Havana, ông Raul Castro thông báo rằng người anh của ông đã qua đời đầu giờ tối hôm đó ở tuổi 90.
Ông Fidel, cai trị đảo quốc với chính phủ độc đảng trong gần 50 năm trước khi để lại quyền lãnh đạo cho người em vào năm 2008 vì những lý do sức khỏe, đã qua đời tối thứ Sáu giờ địa phương ở Havana, trở thành một nhà lãnh đạo lâu năm nhất của thế kỷ 20.
Theo tuyên bố của ông Raul Castro, ông Fidel sẽ được hỏa táng vào thứ Bảy, và tiếp theo là nhiều ngày chịu quốc tang trên đảo quốc này. Ông Raul kết thúc bài diễn thuyết bằng cách hô to khẩu hiệu cách mạng của người anh của ông “tiến đến vinh quang!” theo tường thuật của BBC News.
Sinh tại tỉnh Oriente ở đông nam Cuba năm 1926, Fidel Castro đứng lên lãnh đạo cuộc nổi dậy quy mô lớn trong nước và cuối cùng giành chiến thắng, kết quả ông được bầu vào ghế Thủ tướng và đi theo chủ nghĩa cộng sản Xô-viết trên khắp đảo quốc.
Sau nhiều năm ngồi tù vì kích động nổi dậy bất thành năm 1953, Castro được thả theo lệnh ân xá năm 1955, và năm 1956 bắt đầu chiến tranh du kích chống lại chính phủ và cuối cùng dẫn đến sự lật đổ nhà cựu độc tài Fulgencio Batista, và được bầu lên làm Thủ tướng, và trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất của Châu Mỹ La-tinh ở tuổi 32.
Trong gần 50 năm cầm quyền của Castro đã được đánh dấu bằng những thời điểm gây bão như  Sự kiện Vịnh con Lợn do Mỹ hậu thuẫn dẫn đến sự cắt đứt quan hệ giữa Hoa kỳ và Cuba, và Khủng hoảng Tên Lửa Cuba năm 1962 đến mức sắp nổ ra chiến tranh hạt nhân toàn cầu khi Castro đồng ý cho Liên-xô triển khai vũ khí nguyên tử ở Cuba.
Bất chấp sự thật đại đa số thế giới cuối cùng chấp nhận hình thức dân chủ theo kiểu Tây phương và những chính thể cộng sản khác như Trung quốc và Việt nam đã chuyển sang hướng tư bản, Castro vẫn giữ chủ nghĩa xã hội cứng ngắc.
Bị tố cáo vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, Castro bị lệnh cấm vận thương mại của Hoa kỳ làm suy yếu sau sự kiện Vịnh con Lợn, và nhiều lần bị âm mưu ám sát. Ông trao quyền lực lại cho người em là Raul năm 2006 vì những lý do sức khỏe, và chính thức từ chức chủ tịch năm 2008.
Tuy nhiên, cho dù có những căng thẳng dưới sự lãnh đạo của ông Castro, chính thể của ông vẫn luôn duy trì liên lạc và đối thoại cởi mở với Vatican, đây là một quốc gia cộng sản duy nhất Tòa Thánh không bao giờ cắt đứt liên lạc.
Thực ra, ông Fidel Castro đã gặp gỡ 3 Giáo hoàng trong suốt đời ông: Thánh Gioan Phaolo II, ngài Benedict XVI và Đức Thánh Cha Phanxico, ngài giữ một vai trò quan trọng trong việc làm trung gian lấy lại những quan hệ ngoại giao giữa Hoa kỳ và Cuba.
Năm 1996, Fidel Castro được Thánh Gioan Phaolo II đón tiếp tại Vatican, ký kết gia tăng đối thoại giữa hai nước. Sự gặp gỡ này cuối cùng đặt ra con đường cho chuyến viếng thăm lịch sử đến Cuba của Ngài Gioan Phaolo II năm 1998, đánh dấu lần đầu tiên một Giáo hoàng đặt chân lên đảo quốc này.
CẬP NHẬT: Ông Fidel Castro, nhà lãnh đạo cộng sản đã gặp gỡ ba Giáo hoàng, qua đời ở tuổi 90
Ngài Benedict XVI tiếp nối những bước đi của vị tiền nhiệm, đến Cuba năm 2012 trong một chuyển biến đưa ra tín hiệu một sự mở cửa mới ra thế giới của Cuba. Trong suốt chuyến thăm, Raul Castro thường xuyên ở bên cạnh Giáo hoàng với cách thể hiện sự mong muốn hiện đại hóa Cuba, và tăng thêm tầm quan trọng cho chuyến viếng thăm.
CẬP NHẬT: Ông Fidel Castro, nhà lãnh đạo cộng sản đã gặp gỡ ba Giáo hoàng, qua đời ở tuổi 90
Đức Thánh Cha tiếp nối bước đi này năm 2015, ngay sau khi Hoa kỳ và Cuba tuyên bố họ sẽ đặt những bước đi chính thức trong việc lấy lại quan hệ ngoại giao.
Ngày 17 tháng 12, 2014, Hoa kỳ và Cuba tuyên bố trao đổi tù nhân cũng như mong muốn hủy bỏ lệnh cấm vận du lịch và thương mại của Hoa kỳ.
Mặc dù chính quyền Obama trước đó đã có những thay đổi nhỏ trong chính sách lúcđó đã được áp dụng từ năm 2009, trong đó có việc người Mỹ gốc Cuba bị giới hạn tự do đi lại giữa hai nước và gửi tiền về Cuba, năm 2013 những cuộc đàm phán bí mật giữa các nhà ngoại giao bắt đầu mở ra những quan hệ, được sự hỗ trợ của Vatican.
Đức Thánh Cha Phanxico đã có cuộc điện đàm riêng với cả Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro để đi đến một sự thương thuyết, đặc biệt liên quan đến ngoại giao và những tù nhân lâu năm.
Sau đó những quan hệ ngoại giao chính thức được lập lại vào giữa đêm 20 tháng 7, 2015, và các đại sứ quán được tái thiết lập và hai quốc kỳ tung bay ngay ngày hôm sau như một dấu hiệu rõ ràng về thái độ ngoại giao mạnh dạn.
Khi đặt chân đến Havana ngày 19 tháng 9 năm 2015 trong một chuyến thăm ngắn đến Cuba trước khi sang Hoa kỳ, Đức Thánh Cha Phanxico nói với các nhà chức trách rằng sự bình thường hóa quan hệ gần đây giữa hai quốc gia là một dấu hiệu của hy vọng và chiến thắng.
“Trong những tháng qua, chúng ta đã chứng kiến một sự kiện làm chúng ta ngập tràn hy vọng: tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai dân tộc sau những năm xa cách,” ngài nói.
Lặp lại lời của một anh hùng và nhà đấu tranh kiên trì cho sự độc lập của dân tộc, José Martí, ngài Phanxico nói việc lập lại những quan hệ “là một dấu hiệu chiến thắng của văn hóa gặp gỡ và đối thoại, ‘hệ thống phát triển toàn cầu’ vượt trên ‘hệ thống phe nhóm và triều đại đã chết hoàn toàn.’”
Ngài thúc giục các nhà lãnh đạo tiếp tục đi theo con đường này để “phát triển tất cả những khả năng tiềm tàng của nó” như là một dấu chỉ của sự phục vụ họ được kêu gọi đại diện cho “nền hòa bình và thịnh vượng của các dân tộc của họ, của toàn Châu Mỹ, và như một mẫu gương hòa giải cho toàn thế giới.”
Trong suốt chuyến thăm, ngài Phanxico có chuyến thăm ngắn đến ông Fidel Castro để bàn về các vấn đề xã hội đương thời và trao đổi một số sách.
Ông Raul Castro đến thăm Vatican ngày 10 tháng 5, 2015, chỉ vài tháng trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxico để nói về chuyến thăm của Đức Thánh Cha cũng như vai trò của ngài trong việc phục hồi lại những quan hệ giữa Hoa kỳ và Cuba.
Sau lần gặp, ông Raul cảm ơn Đức Phanxico về vai trò chính của ngài trong việc giúp lấy lại mối quan hệ giữa hai nước, và gợi ý rằng ông sẽ trở lại với Giáo hội trong tương lai. “Tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và trở về với Giáo hội” nếu Đức Thánh Cha tiếp tục những gì ngài đã làm, ông nói.
Sự ngưỡng mộ và lòng khâm phục của ông chủ tịch đối với Đức Thánh Cha Phanxico trở nên rõ ràng hơn hồi đầu tháng này, khi đáp lại lời thỉnh cầu của Đức Thánh Cha đối với các chính phủ mở sự khoan hồng cho các tù nhân, ông đã trả tự do cho 787 tù nhân ở Cuba.
Sau khi dâng Lễ cho các tù nhân trong Vương cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ngày 6 tháng 11, trong diễn từ Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxico đã kêu gọi, như một phần của Năm Thánh Lòng Thương xót, những giới chức có thẩm quyền trên toàn thế giới cân nhắc việc khoan hồng cho các tù nhân bị giam giữ.
Theo luật, sự khoan hồng là một quyền được trao cho một viên chức công, chẳng hạn thị trưởng, thủ hiến hay tổng thống, được sửa lại hoặc giảm bớt hình phạt hoặc thời hạn tù có hiệu lực cho một tù nhân.
Đáp lại, ông Castro đã tha 787 tù nhân bị giam giữ trong đó có các tù nhân nữ, thanh niên và người bệnh phạm những tội nhẹ, và không có gì “quá nguy hiểm” như giết người hay hiếp dâm, một tuyên bố trên trang bìa của tờ Granma viết.
Tuyên bố nói rõ rằng Hội đồng Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Raul Castro, đã phát lệnh tha “để đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxico với những vị đứng đầu các nhà nước trong Năm Thánh Lòng Thương xót.” Khi chọn các tù nhân, chính phủ xét theo các loại tội phạm, thái độ tư cách của tù nhân và thời gian bị giam giữ.
[Nguồn:  catholicnewsagency]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/11/2016]


Thông điệp Video Đức Thánh Cha gửi Đại hội Giáo lý Xã hội của Hội thánh ở Verona

Thông điệp Video Đức Thánh Cha gửi Đại hội Giáo lý Xã hội của Hội thánh ở Verona

‘Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang đi vào những sự nguy hiểm lớn khi chúng ta tự cô lập mình khỏi những người khác hơn là mở lòng ra với họ: khả năng tự làm hại chúng ta không nằm ở việc gặp gỡ nhưng ở việc khép cửa lòng và từ chối.’
25 tháng 11, 2016
video message
Caritas Internationalis -YouTube
Dưới đây là bản dịch của Vatican thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxico hôm qua gửi đến Đại hội Giáo lý Xã hội của Hội Thánh lần thứ sáu tại Verona, Ý , 24-27 tháng 11, 2016, với chủ đề ‘In Mezzo alla Gente’ (‘Ở giữa mọi người’):
***
Xin gửi lời chào nồng hậu đến anh chị em tham dự Đại hội Giáo lý Xã hội của Hội thánh lần thứ sáu. Chủ đề của năm nay là: “Ở giữa mọi người.” Điều này mô tả một chân lý vĩ đại – chúng ta được sinh ra để chung sống với người khác – điều mà tôi đã nhắc lại sau khi được chọn làm giám mục Roma. Tính nhân loại của chúng ta sẽ được làm phong phú vô cùng to lớn nếu chúng ta cùng ở giữa những người khác, bất kể hoàn cảnh của họ như thế nào. Chính sự xa cách làm hại chúng ta, chứ không phải sự chia sẻ. Sự xa cách phát triển thành nỗi sợ hãi và ngờ vực, và ngăn cản chúng ta không tận hưởng được tình huynh đệ. Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đi vào những sự nguy hiểm lớn khi chúng ta tự cô lập mình khỏi những người khác hơn là mở lòng ra với họ: khả năng tự làm hại chúng ta không nằm ở việc gặp gỡ nhưng ở việc khép cửa lòng và từ chối.
Sự thật cũng như vậy khi chúng ta chịu trách nhiệm về một người khác: tôi đang nghĩ đến những bệnh nhân, người cao tuổi, người nghèo, người thất nghiệp. Khi chúng ta chăm sóc người khác, chúng ta làm cuộc sống của chúng ta bớt rắc rối hơn khi chúng ta chỉ tập trung vào bản thân.
Ở giữa mọi người không chỉ mang nghĩa mở lòng và gặp gỡ người khác, nhưng cũng là để cho người khác đến gặp gỡ chúng ta. Chúng ta cần được nhìn đến, được gọi tên, được chạm đến, được thử thách; chúng ta cần người khác để chúng ta có thể dự phần vào những điều mà chỉ có người khác mới có thể trao tặng cho chúng ta. Những mối quan hệ đòi hỏi sự trao đổi này giữa người với người: những trải nghiệm dạy chúng ta rằng thường thường chúng ta nhận từ người khác nhiều hơn là chúng ta cho đi. Ở giữa con người chúng ta có một sự phong phú nhân bản đích thực. Có vô vàn những câu chuyện về tình đoàn kết, về sự giúp đỡ, hỗ trợ, trải nghiệm trong gia đình và trong cộng đoàn của chúng ta. Thật vô cùng ấn tượng khi nhìn thấy cách một số người gánh chịu những khó khăn về kinh tế, đau khổ, công việc nặng nhọc và những khó khăn nhưng vẫn giữ phẩm giá. Gặp gỡ những người này, anh chị em đụng chạm được sự vĩ đại của họ bằng đôi tay của mình, và nhận được một ánh sáng mà nhờ đó nó sẽ trở nên sáng tỏ về một tương lai có thể được gieo trồng; chúng ta có thể vững tin rằng cái tốt sẽ mạnh hơn cái ác, vì chúng đang ở đó. Ở giữa mọi người, chúng ta có sự tiếp cận với giáo huấn bằng hành động. Lấy một ví dụ: tôi được kể một câu chuyện gần đây về cái chết của một cô gái, mới chỉ 19 tuổi. Thật là một đau thương quá lớn, và rất nhiều người đến dự lễ tang. Điều làm mọi người xúc động nhất không chỉ là vắng bóng của sự tuyệt vọng nhưng là một cảm nhận về sự bình an nào đó. Sau đám tang những người ở đó bày tỏ sự kinh ngạc của họ về một cảm nhận như được trút một gánh nặng. Mẹ của cô gái nói, “Tôi đã nhận được ân sủng bình an.” Cuộc sống hàng ngày được đan xen bằng những câu chuyện như vậy, nó đánh dấu sự hiện hữu của chúng ta: chúng không bao giờ đánh mất sự ấn tượng của chúng cho dù chúng không bao giờ được lên các tiêu đề báo. Chuyện xảy ra đều như vậy: chẳng có diễn văn hay giải thích người ta vẫn hiểu những gì có giá trị hoặc không có giá trị trong đời.
Ở giữa mọi người cũng có nghĩa là biết ý thức rằng mỗi người chúng ta là một phần của một cộng đồng. Một đời sống thực sự là điều có thể vì nó không phải là một con số tổng gồm nhiều cá nhân, nhưng nó là sự ăn khớp của nhiều người cùng làm việc với nhau để xây dựng thiện ích chung. Hợp sức cùng nhau giúp chúng ta nhìn thấy tổng thể. Khi nhìn thấy tổng thể, tầm nhìn của chúng ta được phong phú lên và nó cho thấy bằng chứng rằng những vai trò mà mỗi người hoàn thành trong những phạm vi xã hội không bao giờ có thể bị xa cách hoặc bị mất tính tuyệt đối. Khi người dân bị tách biệt ra khỏi những người nắm quyền, khi những quyết định được thực hiện bằng quyền lực chứ không bằng sự chia sẻ ý kiến chung, khi những người nắm quyền quan trọng hơn người dân và khi những quyết định được thực hiện bởi một số ít, hoặc ẩn danh, hay luôn luôn bị sai khiến bởi những tình trạng khẩn cấp thực sự hoặc giả định, thì sự hòa hợp xã hội bị nguy hiểm, với những hậu quả nghiêm trọng cho người dân: gia tăng đói nghèo, hòa bình bị đe dọa, tiền nắm vai trò điều khiển và người dân phải gồng mình chịu đựng. Ở giữa mọi người không chỉ tốt cho đời sống của cá nhân mỗi người, nhưng nó tốt cho tất cả mọi người.
Ở giữa mọi người nhấn mạnh đến sự đa dạng về màu sắc, văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. Người dân làm cho anh chị em có thể đụng chạm đến được sự phong phú và nét đẹp của tính đa nguyên. Tính bạo lực biến sự đa dạng thành một thể duy nhất đơn điệu, tính đa dạng về tư tưởng và hành động bị biến thành một con đường hành động và suy nghĩ độc nhất. Khi anh chị em ở giữa mọi người anh chị em đụng chạm đến nhân loại: không bao giờ có thuần túy những trí óc, nhưng cũng có những trái tim; tính cụ thể sẽ nhiều hơn lên và hệ tư tưởng sẽ bớt đi. Để giải quyết những vấn đề của người dân, điều cần thiết là phải bắt đầu từ những nền tảng ban đầu, hãy để cho đôi tay chúng ta lấm bẩn, hãy can đảm, hãy lắng nghe mọi người. Tôi nghĩ theo cách tự nhiên chúng ta sẽ đặt ngay câu hỏi, làm sao một người có thể làm được điều này? Chúng ta có thể tìm được câu trả lời khi nhìn đến Mẹ Maria. Mẹ là một người phục vụ, khiêm nhường và thương xót, Mẹ đồng hành với chúng ta, Mẹ rất cụ thể. Mẹ chẳng bao giờ giữ vai chính của sân khấu nhưng Mẹ luôn hiện diện. Nếu chúng ta nhìn lên Mẹ, chúng ta tìm được cách tốt nhất để ở giữa mọi người. Trông lên Mẹ, tất cả chúng ta có thể bước theo những con đường nhân loại không hề sợ hãi hay mang thành kiến, và cùng với Mẹ chúng ta sẽ có thể có khả năng không biết loại trừ bất kỳ ai. Đây là hy vọng của tôi dành cho tất cả anh chị em.
Trước khi nói lời tạm biệt, tôi xin cảm ơn Đức Giám mục Giáo phận Verona về sự chào đón của ngài, cảm ơn tất cả các tình nguyện viên vì sự sẵn lòng và quảng đại của các vị, và Ngài Adriano Vincenzi vì công trình nghiên cứu và ứng dụng giáo lý xã hội của Hội thánh. Và tôi xin anh chị em, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]
***
Mời quý vị xem thông điệp video: https://www.youtube.com/watch?v=ip25O-9ifMY&feature=youtu.be
[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/11/2016]