Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Các vị thánh đã sống như những người tị nạn

Các vị thánh đã sống như những người tị nạn

Các vị thánh đã sống như những người tị nạn

Public Domain | Fair Use | Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

24/08/21


Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người phải rời bỏ nhà cửa của họ, nhờ sự chuyển cầu của những người nam và nữ thánh thiện này.

Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan vẫn tiếp tục. Những người Afghanistan tuyệt vọng đã đu bám vào máy bay khi chúng cất cánh để cố gắng rời khỏi đất nước. Những người khác thì nhấc bổng những đứa con của họ đưa về phía trước, nói lời tạm biệt chúng (có thể là tạm biệt mãi mãi) với hy vọng rằng những đứa con bé bỏng của họ sẽ tìm thấy một ngôi nhà an toàn ở một nơi khác. Khi chúng ta cầu nguyện cho Afghanistan, chúng ta hãy đặc biệt cầu nguyện cho những người tị nạn, cả những người chạy phải trốn chạy khỏi căn nhà của họ ngày hôm nay, và những người đã tái định cư từ lâu nhưng vẫn sống với những đau thương và mất mát do việc rời bỏ nhà cửa và văn hóa của họ trong những hoàn cảnh khủng khiếp như vậy. Các vị thánh từng là người tị nạn có thể chuyển cầu cho họ (và cho chúng ta khi chúng ta tìm cách chào đón người khách lạ một cách quảng đại theo mệnh lệnh của Thiên Chúa).

Mẹ Maria và Thánh Giuse là tấm gương cụ thể của những vị thánh từng là người tị nạn. Mặc dù cuộc tháo chạy của các ngài đến Ai Cập vẫn nằm trong đế quốc La Mã (về mặt ngữ nghĩa thì các ngài là “người di tản trong nước” chứ không phải là người tị nạn), các ngài đến một vùng đất không nói tiếng mẹ đẻ, văn hóa của các ngài không được biết đến, và chẳng ai hiểu rõ tôn giáo của các ngài. Các ngài đã bỏ lại nhà cửa và cộng đồng và vội vã lên đường trong đêm, và có thể đã bị ám ảnh bởi ký ức của những đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã từng chơi cùng, giờ đây chúng được chôn cất bởi những người cha người mẹ đau khổ. Các ngài chắc chắn sẽ trải qua sự bấp bênh và bất ổn cũng như đau buồn, và cảm giác có tội của người còn sống sót, tất cả đều được cộng thêm vào cú sốc khi phải chạy trốn khỏi nhà của mình. Nếu có vị thánh nào có thể chuyển cầu cho những người tị nạn Afghanistan, thì đó chính là Gia đình Thánh.

Thánh Jeanne-Antide Thouret (1765-1826) là một nữ tu người Pháp khi cuộc Cách mạng nổ ra và nhà cầm quyền yêu cầu chị phải rời bỏ đời sống tu trì, đánh đập chị một cách dã man khi chị từ chối. Sơ Jeanne-Antide mất nhiều tháng để hồi phục, sau đó phải trở về nhà theo lệnh. Nhưng không lâu sau đó, chị bỏ trốn khỏi đất nước, thích sống đời sống tu trì với thân phận một người tị nạn hơn là sống đời thế tục ở Pháp. Chị di chuyển qua lại giữa Đức và Thụy Sĩ trong bốn năm (thường bị đuổi khỏi thị trấn vì thành kiến chống Công giáo) trước khi bí mật trở về Pháp. Ở đó, chị đã thành lập một cộng đoàn tu trì mới và còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Thánh Eugene de Mazenod (1782-1861) xuất thân trong một gia đình giàu có người Pháp, nhưng cuộc Cách mạng buộc họ phải tị nạn đến Ý, tại đây họ phải lang thang từ thành phố này sang thành phố khác khi người cha một thời giàu có của Thánh Eugene tìm việc làm. Quân đội Pháp đang tiến đánh truy đuổi những người lưu vong từ Venice đến Naples, sau đó đến Palermo. Hôn nhân của họ bị căng thẳng do khó khăn về tài chính, cha mẹ Thánh Eugene ly hôn, một điều rất bất thường vào thời điểm đó. Mẹ của Eugene coi vụ ly hôn như một cơ hội để chế nhạo người chồng cũ, lấy lại của hồi môn và viết cho ông, “Bây giờ anh không có gì cả.” Thánh Eugene có thể trở lại Pháp (và trở nên giàu có) vào năm 20 tuổi, nhưng nhận thấy rằng cuộc sống lạc thú và đặc quyền của mình trống rỗng. Anh trở thành một linh mục, thành lập Dòng Truyền giáo Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, và cuối cùng được tấn phong giám mục.

Đấng Đáng kính Egidio Bullesi (1905-1929) là một người Ý sinh ra tại Croatia ngày nay. Đệ nhất Thế Chiến khiến quê hương của cậu trở thành vùng chiến sự và cậu bé Egidio 9 tuổi chạy sang Áo-Hungary cùng mẹ và các anh chị em của mình. Gia đình chuyển hết nơi này đến nơi khác, Egidio có rất ít cơ hội đến trường. Họ trở về nhà sau chiến tranh, và Egidio trở thành một công nhân bến tàu, tham gia vào hội Công giáo Tiến hành, và cuối cùng trở thành một giáo lý viên. Mặc dù đã gia nhập hải quân Ý và phục vụ trong hai năm, nhưng Egidio dành phần lớn cuộc đời mình là người phác thảo bản vẽ của xưởng đóng tàu trước khi chết vì bệnh lao ở tuổi 23.

Thánh Rafael Guízar y Valencia (1878-1938) là một linh mục người Mexico (và sau đó là giám mục), người đã trải qua phần lớn cuộc đời linh mục của mình trong cảnh lưu vong. Khi Cách mạng Mexico bùng nổ, ban đầu Cha Guízar đã cố gắng ở lại với người dân của mình, cải trang thành một người bán rong, một bác sĩ và một nhạc sĩ để đem các Bí tích đến cho người dân. Nhưng sau khi bị bắt và suýt bị bắn, Cha Guízar đã bỏ trốn khỏi đất nước. Cha sống tị nạn ở Hoa Kỳ, Guatemala và Cuba, luôn phục vụ mọi người tại bất cứ nơi nào ngài sống. Cuối cùng, ngài được tấn phong làm giám mục và cảm thấy mình phải trở về Mexico, bằng bất cứ giá nào. Cách mạng kết thúc ngay sau đó, nhưng các cuộc nổi dậy của Cristero lại tiếp nối. Đức Giám mục Guízar đã phải sống lưu vong thêm vài năm trước khi phải đối mặt với viên thống đốc, người đã ra giá cho cái đầu của ngài. Nhưng Thống đốc quá ấn tượng với lòng dũng cảm của Đức Giám mục Guízar đến mức ông ta chấp nhận sự có mặt của giám mục trong giáo phận và cuối cùng Đức Giám mục Guízar đã chết vì nguyên nhân tự nhiên.

Đấng Đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) được tấn phong Tổng giám mục Sài Gòn ở tuổi 47 — một tuần trước khi Sài Gòn thất thủ trước lực lượng cộng sản. Vài tháng sau, ngài bị bắt và bị đưa vào trại giam của cộng sản trong 13 năm, trong đó ngài bị biệt giam 9 năm. Trong thời gian đó, Đức Tổng Giám mục Văn Thuận rao giảng cho các cán bộ cai tù, cử hành Thánh Lễ với bàn tay thay cho chén thánh, và lén truyền đi những thông điệp hy vọng cho tín hữu của ngài. Cuối cùng ngài được trả tự do nhưng phải chịu lưu vong trong 11 năm cuối đời. Mặc dù nhiều mối liên hệ của ngài đã giúp ngài dễ dàng chuyển sang cuộc sống lưu vong, nhưng Đức Tổng Giám mục Văn Thuận không bao giờ có thể trở về quê hương của mình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/8/2021]


Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29 tháng Tám, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29 tháng Tám, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 29 tháng Tám, 2021

_______________________________


Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay cho thấy một số kinh sư và người Pharisêu ngạc nhiên trước thái độ của Chúa Giêsu. Họ thấy chướng mắt vì các môn đệ của Ngài dùng bữa mà không thực hiện các việc rửa tay theo nghi thức truyền thống. Họ thầm nghĩ rằng “Cách làm này là trái với việc thực hành tôn giáo” (xem Mc 7:2-5).

Chúng ta cũng có thể tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài lại không quan tâm những truyền thống đó? Xét cho cùng, chúng không phải là điều xấu, mà là những tập quá tốt theo nghi lễ, rửa tay trước khi ăn. Tại sao Chúa Giêsu không chú trọng đến nó? Vì đối với Ngài, điều quan trọng là phải đưa đức tin trở lại vị trí trung tâm của nó. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy lặp đi lặp lại điều này: đó là việc đưa đức tin trở lại vị trí trung tâm. Và để tránh một nguy cơ, điều này áp dụng cho những kinh sư cũng như cho chúng ta: tuân thủ các nghi thức bề ngoài, đặt tâm hồn và đức tin vào hậu cảnh. Nhiều khi chúng ta cũng “trang điểm” cho linh hồn của chúng ta. Nghi thức bề ngoài chứ không phải trọng tâm đức tin: đây là một nguy cơ. Nó là nguy cơ của tôn giáo theo hình thức: bề ngoài trông tốt đẹp, trong khi lại không thanh tẩy tâm hồn. Luôn luôn có sự cám dỗ “tổ chức cho Thiên Chúa” bằng một số việc sùng kính bề ngoài, nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận sự thờ phượng này. Chúa Giêsu không muốn những hình thức bề ngoài, Ngài muốn một đức tin chạm đến trái tim.

Thật vậy, ngay sau đó, Ngài gọi mọi người lại để nói một chân lý tuyệt vời: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (câu 15). Đúng hơn, chính là “từ bên trong, từ lòng người” (câu 21) mà sự dữ được sinh ra. Những lời này mang tính cách mạng, bởi vì trong quan niệm của thời đó, người ta cho rằng một số loại thực phẩm hoặc sự tiếp xúc bên ngoài sẽ làm cho con người trở nên ô uế. Chúa Giêsu đánh đổ quan điểm đó: những gì đến từ bên ngoài không gây hại, nhưng đúng hơn là những gì xuất phát từ bên trong.

Anh chị em thân mến, điều này cũng có liên quan đến chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng sự dữ chủ yếu đến từ bên ngoài: từ hành vi của người khác, từ những người nghĩ xấu về chúng ta, từ xã hội. Chúng ta thường đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho xã hội, cho thế giới, cho tất cả những gì xảy ra với chúng ta! Nó luôn luôn là lỗi của “người khác”: nó là lỗi của con người, của những người lãnh đạo, của sự rủi ro, v.v. Có vẻ như các vấn đề luôn đến từ bên ngoài. Và chúng ta dành thời gian để đổ lỗi; nhưng dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian. Chúng ta trở nên giận dữ, cay đắng và đẩy Chúa rời xa lòng mình. Giống như những người trong Tin Mừng, những con người kêu ca phàn nàn, làm cớ vấp phạm, họ tranh cãi và không chấp nhận Chúa Giêsu. Chúng ta không thể có tôn giáo trong việc than phiền: than phiền là chất độc, nó đưa anh chị em đến sự giận dữ, phẫn uất và buồn bã cho tâm hồn và đóng chặt cửa lòng đến với Chúa.

Hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa giải thoát chúng ta thoát khỏi việc đổ lỗi cho người khác – giống như những đứa trẻ: “Không, không phải là con! Là bạn khác, là bạn khác… ”. Chúng ta hãy cầu xin ơn không lãng phí thời gian để làm ô nhiễm thế giới với những lời than phiền, bởi vì đây không phải là Kitô hữu. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và thế giới khởi đầu từ tâm hồn của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ tìm thấy gần như có tất cả những gì chúng ta khinh miệt ở bên ngoài. Và nếu chúng ta thành tâm xin Chúa thanh tẩy tâm hồn mình, thì đó là lúc chúng ta bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Bởi vì có một cách chắc chắn để đánh bại sự dữ: bằng cách bắt đầu chinh phục nó trong chính chúng ta. Các Giáo Phụ tiên khởi của Giáo Hội, các đan sĩ, khi được hỏi: “Con đường nên thánh là gì?”, các ngài thường nói rằng bước đầu tiên là hãy tự trách mình: hãy tự trách mình. Tự trách mình. Có bao nhiêu người trong chúng ta trong ngày, vào một thời điểm nào đó trong ngày hoặc một thời điểm nào đó trong tuần, có thể tự trách mình? “Vâng, người này đã làm điều này đối với tôi, người kia… đó là sự độc ác…”. Nhưng còn tôi? Tôi làm điều tương tự, hoặc tôi làm nó theo cách này…. Đây là sự khôn ngoan: học cách tự trách mình. Hãy cố gắng làm điều đó, nó sẽ tốt cho anh chị em. Nó sẽ tốt cho tôi, khi tôi cố gắng làm được như vậy, nhưng nó sẽ tốt cho chúng ta, nó tốt cho tất cả mọi người.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh, Đấng đã thay đổi lịch sử qua sự thanh tẩy tâm hồn, giúp chúng ta biết thay tẩy tâm hồn mình, bằng cách trước hết vượt qua được tật xấu là đổ tội cho người khác và than phiền về mọi việc.

__________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến, tôi đang theo dõi tình hình ở Afghanistan với sự quan ngại rất lớn, và tôi chia sẻ với nỗi đau khổ của những người đau buồn vì những người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công tự sát xảy ra vào thứ Năm tuần trước, và những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ và bảo vệ. Tôi phó dâng những người đã khuất cho lòng thương xót của Thiên Chúa Toàn năng, và xin cảm ơn những người đang nỗ lực để giúp đỡ người dân bị thử thách nặng nề như vậy, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tôi xin mọi người tiếp tục giúp đỡ cho những người khó khăn và cầu xin rằng sự đối thoại và tình đoàn kết có thể dẫn đến việc thiết lập một sự chung sống trong hòa bình và huynh đệ, đồng thời mang lại hy vọng cho tương lai của đất nước. Trong những thời khắc lịch sử như lúc này, chúng ta không thể thờ ơ; lịch sử của Giáo hội dạy chúng ta điều đó. Là người Kitô hữu, hoàn cảnh này thúc bách chúng ta. Vì lý do đó, tôi ngỏ lời kêu gọi đến tất cả mọi người, xin hãy cầu nguyện thiết tha và ăn chay. Cầu nguyện và ăn chay, cầu nguyện và sám hối. Đây là thời điểm để làm việc này. Tôi đang nói một cách rất nghiêm túc: xin hãy cầu nguyện thiết tha và ăn chay, cầu xin lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.

Tôi gần gũi với người dân của bang Mérida, Venezuela, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và lở đất trong những ngày gần đây. Tôi dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất và các thành viên trong gia đình của họ, và cho những người đang đau khổ vì thảm họa này.

Tôi xin gửi lời chào thân ái tới các thành viên của Phong trào Laudato Si’. Cảm ơn vì sự cam kết của anh chị em đối với ngôi nhà chung của chúng ta, đặc biệt là vào Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Tạo vật. Tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo đang trở nên trầm trọng và đáng báo động hơn bao giờ hết, và họ kêu gọi một hành động dứt khoát và khẩn cấp để biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội.

Cha xin chào tất cả anh chị em, người Rôma và anh chị em hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, cha chào nhóm nhà tập Salêdiêng và cộng đoàn Chủng viện Giáo phận ở Caltanissetta. Cha chào các tín hữu đến từ Zagabria và từ Veneto; cha chào đoàn học sinh, cha mẹ và thầy cô giáo đến từ Litva; các thanh thiếu niên chuẩn bị Thêm sức từ Osio Sotto; các bạn trẻ từ Malta đang thực hiện hành trình ơn gọi, những bạn đã thực hiện chuyến đi bộ của dòng Phanxicô từ Gubbio đến Rôma, và những người đang bắt đầu Chặng đàng Phục sinh Via lucis với người nghèo trong các nhà ga xe lửa.

Cha gửi lời chào đặc biệt tới các tín hữu tập trung tại Thánh địa Oropa để tổ chức mừng Lễ Gia miện của Đức Bà Đen (Black Madonna). Xin Đức Mẹ đồng hành với hành trình của Dân Chúa trên con đường nên thánh.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng! Arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/8/2021]