Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 10 THÁNG MỘT

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 10 THÁNG MỘT

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 10 THÁNG MỘT

Chúa nhật, 10 tháng Một năm 2021



Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Hôm nay chúng ta đang cử hành phép Rửa của Chúa. Một vài ngày trước, chúng ta đã chiêm ngắm Hài nhi Giêsu được các đạo sĩ đến thăm; hôm nay chúng ta thấy Ngài là một người trưởng thành bên bờ sông Giođan. Phụng vụ cho chúng ta một bước nhảy rất dài khoảng 30 năm, 30 năm mà chúng ta biết được một điều: đó là những năm sống ẩn dật mà Chúa Giêsu đã trải qua cùng gia đình – đầu tiên là một ít năm ở Ai Cập, là một người di cư để trốn khỏi sự bách hại của Hêrôđê, những năm khác ở Nadarét, học cách buôn bán của Thánh Giuse – cùng với gia đình, vâng lời cha mẹ, học tập và làm việc. Điều đáng chú ý là phần lớn thời gian của Ngài trên trần gian Chúa đã trải qua theo cách này: sống một cuộc sống bình thường, không có gì nổi bật. Theo các Tin mừng, chúng ta nghĩ rằng có ba năm rao giảng, làm phép lạ và nhiều việc. Ba năm. Và những năm khác, tất cả những năm khác, là đời sống ẩn dật với gia đình Ngài. Đó là một thông điệp đẹp cho chúng ta: nó cho thấy sự vĩ đại của cuộc sống hàng ngày, tầm quan trọng của mọi cử chỉ và khoảnh khắc của cuộc sống, dù là đơn sơ nhất, thậm chí là âm thầm nhất trong mắt Thiên Chúa.

Sau 30 năm của đời sống ẩn dật, đời sống công khai của Chúa Giêsu bắt đầu. Và nó bắt đầu với phép rửa tại Sông Giođan. Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa: tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa tội? Phép rửa của Gioan bao gồm một nghi thức sám hối; nó là dấu chỉ cho thấy sự sẵn sàng hối cải của một người, để trở nên tốt hơn, xin sự tha thứ tội của mình. Chúa Giêsu chắc chắn là không cần điều đó. Thật vậy, Gioan Tẩy giả đã cố tránh làm việc đó, nhưng Chúa Giêsu vẫn khăng khăng. Tại sao? Vì Ngài muốn ở cùng với các tội nhân: vì lý do này Ngài xếp hàng vào với họ và làm cùng một điều họ làm. Ngài làm việc đó với thái độ của con người, với thái độ của những người đến, như bài ca phụng vụ kể rằng “với một tâm hồn và đôi chân trần”. Một tâm hồn trần trụi, nghĩa là không có gì che phủ, giống như vậy, một tội nhân. Đây là cử chỉ Chúa Giêsu làm, và Ngài đi xuống sông để dìm mình vào trong cùng một tình trạng như chúng ta. Thật vậy, phép rửa thật ra có nghĩa là “ngâm mình xuống.” Trong ngày đầu tiên của sứ vụ, Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta một “bản tuyên ngôn theo chương trình” (programmatic manifesto) của Ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài không giải thoát chúng ta từ trên cao, với một quyết định tối cao hoặc hành động của sức mạnh, một sắc lệnh, không: Ngài cứu chúng ta bằng cách đến gặp gỡ chúng ta và mang lấy tội lỗi của chúng ta trên mình Ngài. Đây là cách Chúa chiến thắng sự dữ của thế gian: bằng cách tự hạ mình, chịu trách nhiệm về nó. Đó cũng là cách chúng ta có thể nâng người khác dậy: không bằng cách xét đoán, không bằng cách đề nghị ra những điều phải làm, nhưng bằng cách trở thành người anh em, cảm thông, chia sẻ tình yêu của Chúa. Sự gần gũi là cách thức của Chúa đối với chúng ta; chính Người đã nói như vậy với Môisê: ‘Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta?'. Sự gần gũi là cách thức của Chúa đối với chúng ta.

Sau hành động thương xót này của Chúa Giêsu, một điều phi thường xảy ra: các tầng trời mở ra và Ba Ngôi Thiên Chúa được mặc khải. Chúa Thánh Thần ngự xuống từ trời dưới hình chim bồ câu (Mc 1:10) và Chúa Cha nói với Chúa Giêsu: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (câu 11). Thiên Chúa tỏ lộ Người khi lòng thương xót xuất hiện. Anh chị em đừng quên điều này: Thiên Chúa tỏ lộ Người khi lòng thương xót xuất hiện, vì đó là dung nhan của Người. Chúa Giêsu trở thành người phục vụ các tội nhân và được công bố là Chúa Con; Ngài hạ mình xuống với chúng ta và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Tình yêu mời gọi tình yêu. Nó cũng áp dụng cho chúng ta: trong mỗi hành động phục vụ, trong mọi việc làm của lòng thương xót mà chúng ta thực hiện, Chúa tỏ lộ Người; Chúa ghé mắt nhìn xuống thế giới. Điều này cũng áp dụng với chúng ta.

Nhưng, dù trước khi chúng ta làm bất cứ điều gì, đời sống của chúng ta đã được đánh dấu bởi lòng thương xót và nó được trao ban cho chúng ta. Chúng ta được giải thoát một cách nhưng không. Chúng ta đã được giải thoát một cách nhưng không. Ơn cứu độ là ơn nhưng không. Ơn được trao ban một cách nhưng không bởi hành động của lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Điều này được thực hiện vào ngày Rửa tội của chúng ta; nhưng ngay cả những người không được rửa tội cũng luôn nhận được lòng thương xót của Chúa, vì Thiên Chúa ở đó, chờ đợi, chờ đợi họ mở cửa lòng của họ. Người đến gần, cho phép cha nói như vầy, Người âu yếm chúng ta bằng lòng thương xót của Người.

Xin Đức Mẹ, Đấng mà giờ đây chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện, giúp chúng ta biết nuôi dưỡng căn tính bí tích rửa tội của chúng ta, tức là căn tính của việc ‘được thương xót’ là nền tảng đức tin và đời sống.

_____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi lời chào thân ái đến người dân Hoa Kỳ, đang bị rúng động bởi cuộc bao vây vừa qua tại Quốc hội. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết – năm người – họ đã mất mạng sống trong những khoảnh khắc bi thương. Tôi nhắc lại rằng bạo lực luôn là tự phá hủy chính mình. Bạo lực chẳng mang lại điều gì nhưng lại mất mát quá nhiều. Tôi kêu gọi các nhà chức trách chính phủ và toàn thể người dân hãy duy trì tinh thần trách nhiệm sâu sắc, để giữ tâm hồn luôn bình tĩnh, thúc đẩy hòa giải dân tộc và bảo vệ các giá trị dân chủ đã bám rễ trong xã hội Mỹ. Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Bảo Trợ của Hoa Kỳ, giúp duy trì văn hóa gặp gỡ, văn hóa chăm sóc, là con đường cao cả để cùng nhau xây dựng ích chung; và tôi thực hiện điều đó với tất cả những người sống ở vùng đất đó.

Và bây giờ cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em, những người được kết nối qua các phương tiện truyền thông. Như anh chị em biết, do đại dịch, hôm nay cha không thể cử hành Bí tích Rửa tội trong Nhà nguyện Sistine theo thông lệ. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh như thế nào, cha luôn cầu nguyện cho những trẻ em đã ghi tên đăng ký và cho cha mẹ của các bé, những cha mẹ đỡ đầu; và cha cầu nguyện cho tất cả các trẻ cũng lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong dịp này, đón nhận căn tính Kitô hữu, đón nhận ơn tha thứ, ơn cứu độ. Xin Chúa chúc lành cho tất cả các trẻ!

Và thưa anh chị em, ngày mai là kết thúc Mùa Giáng Sinh, chúng ta sẽ tiếp tục hành trình phụng vụ Mùa Thường Niên. Chúng ta hãy kiên trì cầu xin ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để Người có thể giúp chúng ta trải nghiệm những điều bình thường bằng tình yêu thương và qua đó làm cho chúng trở nên phi thường. Chính tình yêu làm thay đổi: những điều bình thường dường như vẫn tiếp tục là bình thường, nhưng khi chúng được thực hiện với tình yêu, chúng sẽ trở nên phi thường. Nếu chúng ta luôn duy trì sự rộng mở tâm hồn, vâng nghe Thần Khí, thì Ngài sẽ soi dẫn những suy nghĩ và hành động hàng ngày của chúng ta.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/1/2021]


Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma


Antoine Mekary | ALETEIA | I.Media

Bret Thoman, OFS

06/01/21

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Ngoại thành là hai điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình này để trở về thời Trung cổ.


Thành phố Roma từ lâu đã trở thành một điểm đến hành hương quan trọng. Kể từ đầu thế kỷ thứ 4, người Kitô giáo đã đến thăm Thành phố Vĩnh cửu vì ý nghĩa tôn giáo vô cùng đặc biệt của nó. Chỉ có Roma mới cho cơ hội để viếng mộ của các Tông đồ Phêrô và Phaolô, những vị tử đạo Kitô giáo đầu tiên trong các Hang Toại đạo, và không biết bao nhiêu vị thánh được chôn cất trong các nhà thờ khắp thành phố. Vị trí của Roma là “Ngai tòa Phêrô” – nơi lãnh đạo của giáo hoàng – cũng mang đến cho người hành hương cơ hội được gặp gỡ Giáo hoàng, Vị Đại diện của Chúa Kitô.

Vào thời Trung cổ, các tuyến đường hành hương nối tiếp nhau dẫn đến Roma – chẳng hạn như Via Francigena – đầy ắp người hành hương cũng như người du lịch. Khi đến Roma, người hành hương lưu lại một lát để kính bái trong nhiều nhà thờ. Theo thời gian, một chuyến hành hương trong nội thành phụ thêm đã phát triển.

Được biết đến với cái tên “Bảy Nhà thờ của Roma”, lộ trình bao gồm bốn vương cung thánh đường chính là Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Thánh Phaolô Ngoại thành, Thánh Gioan Lateran, và Đức Bà Cả, cũng như ba tiểu vương cung thánh đường: Thánh Sebastian, Thánh giá ở Giêrusalem, và Thánh Lawrence Ngoại thành. Người hành hương đánh dấu đường bằng cách tìm kiếm những ngọn tháp cao trong các quảng trường phía trước nhà thờ.

Vào thế kỷ 16, Thánh Philip Neri ban đầu bắt đầu đi theo lộ trình để thể hiện lòng sùng kính cá nhân. Chẳng bao lâu sau ngài bắt đầu thu hút các đám đông, đặc biệt trong Mùa Chay. Tại mỗi nhà thờ, ngài xướng đọc kinh và hát, và dẫn suy niệm. Sau đó, những món ăn và thức uống đơn giản được phục vụ. Hành trình thiêng liêng cung cấp một sự thay thế cho những sự kiện ồn ào diễn ra phổ biến ở Roma trong Lễ hội.

Ngày nay con đường vẫn còn phổ biến trong Mùa Chay cũng như dịp Lễ Thánh Philip Neri. Tuyến đường – dài khoảng 20km (13 dặm) – cũng vẫn như trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, cảnh quan đô thị hiện đại của Roma đã thay đổi đáng kể sự sự tương phản. Những chiếc Vespa lao vun vút, những tài xế taxi Roma hối hả, và các ngã sáu dày đặc xe cộ không phải là những chướng ngại mà Thánh Philip Neri và những bạn đồng hành của ngài phải bận tâm. Các tòa tháp, từng là những công trình kiến trúc cao nhất trong thành phố, ngày nay bị các tòa chung cư thế kỷ 19 che khuất.

Do đó, mặc dù vẫn có thể hoàn thành toàn bộ chuyến bộ hành trong một ngày, nhưng hầu hết những người hành hương hiện đại chọn cách thay đổi chút ít. Nhiều người hành hương thích thực hiện chuyến đi trong hai ngày hoặc nhiều hơn. Những người khác thì đi bộ từng quãng đường và sử dụng taxi hoặc phương tiện giao thông công cộng cho quãng đường còn lại.

Bất kể có những khó khăn cho người hành hương ngày nay, hành trình qua Bảy Nhà thờ Roma có vô số điểm tham quan – về tâm linh, văn hóa và nghệ thuật.


1. Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Hành trình qua Bảy Nhà thờ Roma bắt đầu từ Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô lừng danh trong Kinh thành Vatican. 

Mặc dù không được nhắc đến trong kinh thánh, nhưng nhiều văn bản và truyền thống cổ xưa đề cập đến việc Thánh Phêrô bị hành quyết ở Roma trong cuộc bách hại của Hoàng đế Nero vào năm 64 sau Chúa Giáng sinh. Địa điểm là một rạp xiếc, hoặc đường đua, trên đồi Vatican bên ngoài thành phố. Cộng đoàn Kitô hữu địa phương đã chôn xác của ngài trong một nghĩa trang gần đó, và một đền thờ kín đáo đã được dựng lên để đánh dấu vị trí.

Khi Hoàng đế Constantine hợp pháp hóa Kitô giáo vào năm 313, ông đã ra lệnh xây dựng một vương cung thánh đường lớn hơn trên đền thờ hiện hữu. Trong kỷ nguyên Phục hưng, Vương cung Thánh đường của vua Constantine đã bị san phẳng và nhà thờ hiện tại được xây dựng. Những cuộc khai quật khảo cổ được tiến hành vào thế kỷ 20 đã khẳng định sự hiện diện của mộ Thánh Phêrô cũng như khả năng có những thánh tích của ngài.

Được xây dựng phía trên mộ và di cốt của Thánh Phêrô, nhà thờ là minh chứng cho những lời của Chúa Kitô nói với Thánh Phêrô trong Phúc âm: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16: 18).

Các tín hữu có thể dành bao nhiêu thời gian tùy thích ở Vatican mà vẫn không thể khám phá hết những gì ở đó để xem và trải nghiệm: các viện Bảo tàng và các khu Vườn, địa điểm khảo cổ Scavi, Mộ của các Giáo hoàng, leo lên đỉnh mái vòm, và đủ số kiệt tác nghệ thuật để lấp đầy các tập sách.

Các điểm nổi bật không thể bỏ qua ở Vatican bao gồm chuyến tham quan Scavi, các Bảo tàng Vatican và Vườn Vatican. Trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, du khách có thể nhìn thấy tượng Đức Mẹ Sầu bi Pietà của Michelangelo và mộ của các Thánh Gioan Phaolô II và Gioan XXIII. Khắp vương cung thánh đường là thánh tích và tượng các thánh.

Tâm điểm trong gian giữa cung thánh là bàn thờ chính phía dưới mái vòm đồ sộ của Bernini. Phía dưới là một khu cánh bên hông đặt hòm thánh tích có chứa dây Pallium của Thánh Phêrô. Bên dưới là mộ của Thánh Phêrô.


2. Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành

Điểm dừng thứ hai là mộ của người bạn đồng hành của Thánh Phêrô và là cùng là thánh bổn mạng của Roma: Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Chặng đường dài 6 cây số (4 dặm) xuôi theo con đường Via della Conciliazione, uốn khúc dọc theo Sông Tiber, đi xuyên qua khu Trastevere nổi tiếng của Roma, ngang qua cổng thành San Paolo sau đó qua kim tự tháp cổ Caius Cestius, và cuối cùng tiếp tục xuôi theo con đường Via Ostiense nhấp nhô của Roma từng dẫn đến cảng Ostia của La Mã cổ đại. Tại đó khách hành hương đến Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Thánh Phaolô là một nhà truyền giáo vĩ đại với những cuộc hành trình kéo dài, rao giảng và truyền giáo cho dân ngoại đã dẫn đến tước hiệu của ngài là “Tông đồ dân ngoại”. Theo Kinh thánh, Thánh Phaolô bị đeo xiềng xích đến Roma để trả lời những cáo buộc về tội xúi giục (Cv 28: 1-31). Mặc dù không được nêu rõ trong Kinh thánh, nhưng các truyền thống và văn bản cổ xưa đề cập đến phúc tử đạo của ngài ở Roma vào năm 66 sau Chúa Giáng sinh cũng dưới triều đại của Nero. Người ta tin ngài bị chặt đầu tại vị trí của Tu viện Tre Fontane hiện nay cách khoảng ba cây số (hai dặm).

Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô cũng đi theo một cách tương tự như Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Khi Thánh Phaolô bị hành quyết, các môn đệ của ngài dựng lên một phòng nhỏ tưởng nhớ rất đơn sơ (cella memoriae) bên trên vị trí mộ chôn ngài. Vào thế kỷ thứ 4, vua Constantine xây một vương cung thánh đường lớn hơn bên trên đền thờ chôn cất.

Nhà thờ hiện tại được xây dựng năm 1826 sau khi nhà thờ cũ bị trận hỏa hoạn phá hủy. Những cuộc khai quật khảo cổ gần đây thật sự khẳng định rằng mộ của ngài nằm bên dưới bàn thờ chính của vương cung thánh đường.

Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô là một trong những nhà thờ nguy nga nhất của Roma. Nằm bên ngoài trung tâm thành phố, nói chung lượng người đến nhà thờ ít hơn Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và cung cấp một không gian tâm linh nhiều hơn.

Khi đến, du khách bắt gặp một hàng hiên vô cùng ấn tượng (narthex). Bên phải là Cửa Thánh chỉ được mở trong Năm Thánh.

Bên trong hiện ra một chính điện huy hoàng và đồ sộ và bốn gian bên cánh. Đáng chú ý là ảnh chân dung của các giáo hoàng, tranh khảm, sân trong, và phòng triển lãm nghệ thuật.

80 cây cột và trần trang trí bằng gỗ và vữa stucco cũng ấn tượng không kém. Gian đầu cung thánh là bức tranh khảm Chúa Kitô và đứng bên cạnh là các Tông đồ Phêrô, Phaolô, Anrê và Thánh Luca.

Trong khu “confesso”, hay khu cánh lõm phía dưới bàn thờ chính, là mộ của Thánh Phaolô. Cũng có một dây xích được cho là đã xiềng giữ ngài trong ngục. Các nghiên cứu khảo cổ gần đây đã xác nhận việc tìm thấy ngôi mộ.

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma


Một bản đồ hành hương Bảy Nhà thờ cổ xưa

© CC0

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Quang cảnh gian chính điện Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Roma.

© daryl_mitchell | Flickr CC BY-SA 2.0

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Khu “confessio” là một khu cánh lõm vào phía dưới bàn thờ chính trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Nó nhắc lại giây phút Thánh Phêrô “tuyên xưng” Đức Kitô. Bên dưới là dây pallium và mộ Thánh Phêrô.

© Dnalor 01 | CC BY-SA 3.0

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Trong chuyến du lịch Scavi du khách có thể quan sát thấy các ngôi mộ La Mã dưới Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Đây là một ngôi mộ chỉ cách mộ Thánh Phêrô một vài mét.

© Blue 439 | CC BY-SA 3.0

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Những lời trích trong Phúc âm theo Thánh Mátthêu “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” được khắc bằng tiếng Latinh xung quanh phía trong của mái vòm trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

© SteO153 | CC BY-SA 2.5

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Mặt tiền và sân Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô.

© Berthold Werner | Public Domain

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Thánh Phaolô được miêu tả cầm một thanh gươm (vũ khí cho sự tử đạo của ngài) và một quyển sách (tượng trưng cho những bức thư ngài viết trong Tân Ước).

© Livioandronico2013 | CC BY-SA 4.0

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Cảnh quan gian chính điện, trần, và các hàng cột của Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô.

© Dnalor 01 | CC BY-SA 3.0

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Ảnh chân dung của các giáo hoàng từ Thánh Phêrô đến Đức Phanxicô được trưng bày dọc theo tường Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô.

© Antoine Taveneaux | CC BY-SA 3.0

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Trong gian đầu cung thánh là một bức bích họa khổng lồ mô tả Đức Kitô và bên cạnh là các Tông đồ Phêrô, Phaolô, Anrê và Thánh Luca.

© Alberto Fernandez Fernandez | CC BY 2.5

Chuyến hành hương qua Bảy Nhà thờ của Roma

Phía dưới khu “Confessio” trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô là mộ của Thánh Phaolô. Dây xích được tin là đã trói ngài cũng được trưng bày.

© Fczarnowski | CC BY-SA 3.0


Năm nhà thờ khác trên lộ trình sẽ là chủ đề của Phần II.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/1/2021]