Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 30 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 30 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 30 tháng Một, 2022

_________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong phụng vụ hôm nay, Tin mừng tường thuật bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu tại thị trấn quê hương của Ngài là Nadarét. Kết quả thật cay đắng: thay vì được tán thành, Chúa Giêsu lại tìm thấy điều khó hiểu và thậm chí là thù địch (x. Lc 4:21-30). Những người đồng hương của Ngài muốn phép lạ và những dấu chỉ phi thường hơn là lời của sự thật. Chúa không thực hiện các phép lạ và họ loại bỏ Ngài, vì họ nói rằng họ đã biết Ngài từ khi còn là một đứa bé: Ngài là con của ông Giuse (x. c. 22), và nhiều điều đại loại vậy. Vì thế Chúa Giêsu thốt lên một câu trở thành cách ngôn: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (c. 24).

Những lời này tiết lộ rằng sự thất bại của Chúa Giêsu không hoàn toàn bất ngờ. Ngài biết dân tộc của Ngài, Ngài biết tâm hồn của dân tộc Ngài, Ngài biết rủi ro mà Ngài đang phải đối mặt, Ngài đã tính đến việc bị chối bỏ. Và như vậy chúng ta có thể thắc mắc: nhưng nếu chuyện như vậy, nếu Ngài đã nhìn thấy trước sự thất bại, tại sao Ngài lại về quê hương? Tại sao lại phải làm điều tốt cho những người không sẵn lòng đón nhận bạn? Đây cũng là câu hỏi chúng ta thường đặt ra cho bản thân. Nhưng nó là câu hỏi giúp chúng ta hiểu Chúa hơn. Đứng trước sự khép kín của chúng ta, Người không rút lui: Người không dừng lại trong tình yêu của Người. Đứng trước sự khép kín của chúng ta, Người vẫn tiến tới. Chúng ta nhìn thấy điều này được phản chiếu nơi những người cha người mẹ ý thức về sự vô ơn bạc nghĩa của con cái, nhưng vẫn không ngừng yêu thương chúng và làm điều tốt lành cho chúng. Thiên Chúa cũng như vậy, nhưng ở mức độ cao hơn nhiều. Và hôm nay người mời gọi chúng ta tin tưởng và điều thiện hảo, đưa ra mọi nỗ lực để làm việc thiện.

Tuy nhiên, chúng ta cũng tìm thấy một điều khác trong câu chuyện xảy ra ở Nadarét. Sự thù địch đối với Chúa Giêsu từ phía dân của Ngài đánh động chúng ta: họ không chào đón – nhưng còn chúng ta thì sao? Để kiểm tra lại điều này, chúng ta hãy nhìn vào những mẫu gương đón nhận mà Chúa Giêsu đề ra hôm nay, cho chúng ta và cho những người đồng hương của Ngài. Họ là hai người ngoại kiều: một bà góa từ Xa-rép-ta miền Si-đôn và ông Na-a-man, người Xi-ri. Cả hai người đều chào đón các ngôn sứ: đầu tiên là ngôn sứ Êlia, và thứ hai là ngôn sứ Êlisa. Nhưng đó không phải là một sự chấp nhận dễ dàng, nó phải trải qua những thử thách. Bà góa đón nhận tiên tri Êlia, bất chấp nạn đói và dù cho ngôn sứ đang bị bắt bớ (x. 1 V 17:7-16), tiên tri bị bắt bớ vì lý do chính trị và tôn giáo. Ngược lại, ông Na-a-man, dù là một người ở cấp bậc cao nhất, đã chấp nhận lời yêu cầu của ngôn sứ Êlisa, người khiến ông hạ mình xuống, để tắm bảy lần trong dòng sông (x. 2 V 5:1-14), như thể ông là một đứa trẻ ngây ngô. Tóm lại, bà góa và ông Na-a-man đã chấp nhận với sự sẵn sàng và lòng khiêm nhường. Con đường đón nhận Chúa luôn luôn là sẵn sàng chào đón Người và khiêm nhường. Đức tin đến qua sự sẵn sàng và khiêm nhường. Người đàn bà góa và ông Na-a-man không chối bỏ con đường của Chúa và các ngôn sứ; họ ngoan ngoãn, không cứng nhắc và khép kín.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cũng đi con đường của các ngôn sứ: Ngài giới thiệu bản thân theo cách chúng ta không ngờ. Ngài không được tìm thấy bởi những người đi tìm các phép lạ – nếu chúng ta tìm kiếm phép lạ, chúng ta sẽ không tìm thấy Chúa Giêsu – bởi những người tìm kiếm những tin giật gân mới, những điều lạ lẫm; bởi những người tìm kiếm một đức tin kết hợp giữa sức mạnh và những dấu chỉ bề ngoài. Không, họ sẽ không tìm thấy Ngài. Thay vì vậy, Ngài sẽ được tìm thấy bởi những người chấp nhận con đường và những thách đố của Ngài, không phàn nàn, không nghi ngờ, không chỉ trích và mang khuôn mặt chảy dài thườn thượt. Nói cách khác, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta chấp nhận Ngài trong thực tại hằng ngày chúng ta sống; trong Giáo hội hôm nay, trong những người gần gũi với chúng ta hằng ngày; trong thực tại của những người thiếu thốn, trong các vấn đề của gia đình, trong cha mẹ, con cái, cháu chắt của chúng ta, để chào đón Thiên Chúa ở đó. Người ở đó, mời gọi chúng ta thanh tẩy mình trong dòng sông sẵn sàng và trong nhiều lần tắm khiêm nhường. Phải có lòng khiêm nhường để gặp gỡ Thiên Chúa, để cho phép bản thân được Chúa gặp gỡ.

Và còn chúng ta, chúng ta chào đón hay chúng ta cũng giống như những người đồng hương của Ngài tin rằng họ đã biết mọi điều về Ngài? “Tôi đã học thần học, tôi đã tham gia khóa giáo lý … Tôi biết mọi điều về Chúa Giêsu!” Vâng, giống như một người khờ dại! Đừng khờ dại, bạn không biết Chúa Giêsu. Có thể sau nhiều năm là người có lòng tin, chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết rõ Chúa, bằng những ý tưởng và những phán đoán của chúng ta, thường là vậy. Sự rủi ro đó là chúng ta trở nên quen với Chúa Giêsu. Và theo cách này, chúng ta phát triển sự quen thuộc như thế nào? Chúng ta khép kín, chúng ta khép kín trước sự mới mẻ của Ngài, trước thời điểm Ngài gõ cửa nhà chúng ta và yêu cầu chúng ta một điều gì đó mới mẻ, và muốn đi vào cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải ngừng bám chặt vào vị trí của mình. Và khi một người có tâm trí rộng mở, một tâm hồn đơn sơ, người đó có khả năng ngạc nhiên, kinh ngạc. Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên: đây là vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Thay vào đó, Chúa yêu cầu chúng ta có tâm trí rộng mở và tâm hồn đơn sơ. Xin Đức Mẹ là mẫu gương của sự khiêm nhường và sẵn sàng, chỉ cho chúng ta con đường chào đón Chúa Giêsu.

____________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh phong. Tôi bày tỏ sự gần gũi với những người chịu đựng căn bệnh này, và tôi hy vọng rằng sẽ không thiếu sự hỗ trợ tinh thần và sự hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Điều cần thiết là cùng nhau làm việc hướng tới sự hòa nhập trọn vẹn những người này, vượt qua mọi hình thức phân biệt đối xử liên quan đến căn bệnh vẫn đang làm khổ sở nhiều người, đặc biệt là trong những bối cảnh xã hội thiệt thòi nhất.

Hai ngày tới, ngày 1 tháng Hai, Năm Mới Âm lịch sẽ được mừng ở vùng Viễn Đông, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Tôi xin gửi lời chào thân ái, và bày tỏ mong ước rằng trong Năm Mới mọi người đều được hưởng nền hòa bình, sức khỏe và một đời sống bình an và an toàn. Thật đẹp biết bao khi gia đình tìm được cơ hội đoàn viên và tận hưởng những giây phút yêu thương và niềm vui! Thật đáng buồn, nhiều gia đình sẽ không thể đoàn tụ trong năm nay vì đại dịch. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm thoát ra khỏi thử thách này. Cuối cùng, tôi hy vọng rằng, nhờ thiện chí của các cá nhân và tình liên đới của các dân tộc, toàn gia đình nhân loại sẽ có thể đạt được những mục tiêu mới cho sự thịnh vượng về vật chất và tinh thần.

Vào tối trước lễ Thánh Gioan Bosco, tôi xin gửi lời chào các tu sĩ Dòng Salêdiêng Don Bosco, những người làm quá nhiều điều tốt đẹp trong Giáo hội. Tôi tham dự Thánh Lễ được cử hành tại Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu [ở Turin] bởi Bề Trên Cả Ángel Fernández Artime, tôi cùng với ngài cầu nguyện cho mọi người. Chúng ta hãy suy nghĩ về vị đại Thánh này, là người cha và người thầy của giới trẻ. Ngài không nhốt mình trong phòng áo lễ, ngài không khép kín trong những điều của riêng ngài. Ngài bước ra ngoài đường phố để tìm kiếm những thanh thiếu niên, với tính sáng tạo là đặc điểm riêng của ngài. Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các tu sĩ Salêdiêng!

Cha chào tất cả anh chị em tín hữu Roma và anh chị em hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, cha gửi lời chào các tín hữu của Torrejón de Ardoz, ở Tây Ban nha, và các sinh viên đến từ Murça, Bồ Đào nha.

Cha thân ái chào các thiếu niên nam nữ của hội Công giáo Tiến hành thuộc giáo phận Roma! Các con đang có mặt ở đây theo nhóm. Các con thân mến, năm nay cũng được đồng hành bởi cha mẹ, các nhà giáo và các linh mục hỗ trợ, các con đến đây – một nhóm nhỏ, do đại dịch – vào cuối cuộc Caravan for Peace. Khẩu hiệu của các con là “Hãy tu sửa hòa bình”. Đó là một khẩu hiệu hay! Nó quan trọng! Rất cần phải “tu sửa”, bắt đầu từ các mối tương quan cá nhân của chúng ta, cho đến mối tương quan giữa các quốc gia. Cảm ơn các con! Hãy tiếp tục tiến bước! Và bây giờ các con sẽ thả bóng bay như một dấu hiệu của hy vọng…! Đó là dấu hiệu hy vọng mà người trẻ của Roma mang đến cho chúng ta hôm nay, “caravan for peace”.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật phúc lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/1/2022]


Thánh Antôn Cả sửa lại câu chuyện những Dấu chân

Thánh Antôn Cả sửa lại câu chuyện Những Dấu chân

Thánh Antôn Cả sửa lại câu chuyện những Dấu chân

By Openfinal | Shutterstock

Tom Hoopes

17/01/22


Vị Ẩn tu Sa mạc vĩ đại đã có một ý tưởng khác về bài thơ nổi tiếng, từ thế kỷ thứ 3.

Thánh Antôn Cả không phải là Thánh Antôn mà chúng ta thường nghĩ đến. Ngài không phải là vị thánh người Ý được yêu mến, người tìm thấy những thứ bị mất và rao giảng cho các loài cá. Ngài là một ẩn sĩ Ai Cập vào thế kỷ thứ ba, người được coi là Cha đẻ của Đời sống Ẩn tu.

Nhưng có lẽ ngài có thể đưa ra một tuyên bố thậm chí còn được yêu mến hơn Thánh Antôn Padua. Có thể ngài là người đầu tiên truyền bá tình cảm mà chúng ta nghe thấy trong câu chuyện Những Dấu chân — phiên bản của ngài thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Bạn đã nhìn thấy những áp phích và thẻ ảnh Kitô giáo về “Những Dấu chân trên cát”.

Câu chuyện thay đổi theo các lần kể khác nhau, nhưng về cơ bản là như sau: Nếu bạn xem lại cuộc bộ hành của đời mình với Chúa Giêsu, được thể hiện bằng những dấu chân trên bãi biển, bạn sẽ rất vui khi thấy hai cặp dấu chân cạnh nhau: của Chúa Giêsu và của bạn. Nhưng rồi bạn có thể nhận thấy rằng vào những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời, chỉ có một căp dấu chân duy nhất.

Bạn có thể đặt câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra? Thưa Chúa Giêsu, Người đã bỏ rơi con rồi sao?”

Trong một phiên bản nổi tiếng của bài thơ, Chúa Giêsu trả lời như sau: “Trong những lúc thử thách và đau khổ, / khi con chỉ nhìn thấy một cặp dấu chân, / chính lúc đó Ta đang bồng ẵm con.”

Phiên bản mà chúng ta biết có thể bắt nguồn từ những nhà thơ tôn giáo của thế kỷ 20, chẳng hạn Mary Stephenson hoặc Burrell Webb. Nhưng chi tiết truyền cảm này lâu đời hơn nhiều. Có thể là từ thời Thánh Antôn Cả.

Mọi chuyện bắt đầu khi một ngày nọ Thánh Antôn đi Lễ và nghe thấy trong Tin Mừng tiếng gọi của Đức Kitô hãy bỏ mọi thứ và đi theo Ngài.

Thánh Antôn đã áp dụng những lời đó cho bản thân, trao tặng tất cả những gì thánh nhân có cho người nghèo, và đi vào sa mạc để bắt đầu những cuộc chiến đấu đầy tính hùng ca với ma quỷ, ngài đã chiến đấu bằng cầu nguyện, ăn chay và bố thí.

Trong quyển sách Cuộc đời Thánh Antôn, Thánh Athanasius đã mô tả về vị siêu anh hùng đức tin này:

Thánh Antôn giữ cảnh giác đến mức ngài thường tiếp tục cả đêm không ngủ; và điều này không phải một lần mà là thường xuyên, trước sự kinh ngạc của những người khác. Mỗi ngày ngài ăn một bữa sau mặt trời lặn. … Lương thực của ngài chỉ là bánh mì và muối, thức uống của ngài chỉ là nước. … Một chiếc chiếu cói là thứ để ngài nằm ngủ trên đó, nhưng phần lớn ngài nằm trên mặt đất trống.

Những con quỷ không cho ngài nghỉ ngơi. “Thay đổi hình thức của sự dữ là dễ dàng đối với quỷ, vì thế trong đêm chúng đã làm một trận kinh hoàng đến nỗi cả chỗ đó dường như bị rung chuyển vì một trận động đất, và những con quỷ như thể phá vỡ bốn bức tường của nơi cư ngụ, dường như tiến vào xuyên qua những bức tường, tiến đến như những con dã thú và những thứ kinh dị,” Thánh Athanasius viết.

Cơn Cám dỗ của Thánh Antôn đã trở thành một chủ đề phổ biến trong nghệ thuật thời trung cổ, với một số kết quả kinh hoàngkỳ lạ. Nhưng một điều mà Thánh Antôn luôn có thể cậy dựa vào là sự hiện diện của Chúa. Thánh Athanasius viết: “Thiên Chúa không quên cuộc chiến đấu của Thánh Antôn, nhưng luôn sẵn sàng trợ giúp ngài.”

Thánh Antôn thấy mình có thể trông cậy vào Chúa Giêsu. Cho đến khi thánh nhân phát hiện ra rằng ngài không thể.

Một đêm kia, Chúa Giêsu “vắng mặt” khi Thánh Antôn vật lộn với quỷ suốt đêm. Cuối cùng, sau nhiều giờ, Chúa Giêsu đã xuất hiện. “Những con quỷ đột nhiên biến mất và cơn đau trên thân thể thánh nhân ngay lập tức chấm dứt.”

Thánh Antôn hơi khó chịu. “Chúa đã ở đâu?” thánh nhân hỏi Chúa. “Tại sao Chúa không xuất hiện ngay từ đầu để làm cho cơn đau của con chấm dứt?”

Chúa Giêsu trả lời: “Antôn, Ta đã ở đây, nhưng Ta chờ xem cuộc chiến đấu của con. Ta sẽ luôn là một người trợ giúp cho con.”

Ở một khía cạnh nào đó, điều này ngược lại với câu chuyện Những Dấu chân.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói hãy nghĩ đến câu chuyện này của Thánh Antôn khi Chúa Giêsu dường như vắng mặt trong cuộc sống của bạn, và ghi nhớ.

Thiên Chúa luôn gần gũi. Có thể là khi đối mặt với sự buồn phiền hoặc một giai đoạn khó khăn, chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ có một mình, ngay cả sau tất cả thời gian chúng ta ở cùng Chúa. Nhưng trong những giây phút đó, khi Người có thể không can thiệp ngay lập tức, Người đi bên cạnh chúng ta.

Nói cách khác, có thể câu chuyện là sai. Không phải Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta, ngoại trừ trong những lúc khó khăn khi Ngài bồng ẵm chúng ta.

Trên thực tế, chỉ có một cặp dấu chân duy nhất trong suốt cuộc đời của chúng ta, vì Chúa Giêsu bồng ẵm chúng ta — qua các bí tích của Người, qua những người xung quanh chúng ta, và qua sự quan phòng mà Người phủ đầy trong cuộc sống của chúng ta.

Những lúc chúng ta nhìn thấy hai đôi dấu chân là những thời điểm khó khăn, khi Chúa Giêsu đặt chúng ta một mình trong một thời gian ngắn để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta rất cần Ngài.

Nhưng ngay cả trong những lúc đó, Ngài vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2022]