Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại - Cử hành Giờ Kinh Chiều Thứ Hai

Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại - Cử hành Giờ Kinh Chiều Thứ Hai

Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại - Cử hành Giờ Kinh Chiều Thứ Hai

Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành

17:30

Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo lần thứ 54

Do cơn đau thần kinh tọa tái phát, thánh lễ sáng mai tại Bàn thờ Ngai tòa trong Vương cung Thánh đường Vatican sẽ không do Đức Thánh Cha chủ tế, nhưng bởi Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella. Cuộc gặp gỡ với Ngoại giao đoàn vào ngày 25 tháng Một đã được hoãn lại, trong khi những Giờ Kinh Chiều để bế mạc Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô sẽ được chủ tế bởi Đức Hồng y Kurt Koch. Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp tục giờ Kinh Truyền tin trong thư viện của Điện Tông tòa vào ngày mai lúc 12.00 trưa, như kế hoạch.


*****


CỬ HÀNH GIỜ KINH CHIỀU THỨ HAI

TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT KITÔ GIÁO LẦN THỨ 54

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành

Thứ Hai, 25 tháng Một, 2021






[Đức Hồng y Kurt Koch đọc bài giảng đã soạn của Đức Thánh Cha Phanxicô]

“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). Chúa Giêsu liên kết lời yêu cầu này với hình ảnh cây nho và cành nho, là hình ảnh cuối cùng Ngài cung cấp cho chúng ta trong các Tin mừng. Chính Chúa là cây nho, cây nho “thật” (câu 1), người không phụ lòng những mong đợi của chúng ta, nhưng luôn trung tín trong tình yêu, bất kể những tội lỗi và chia rẽ của chúng ta. Trên cây nho là chính Ngài, tất cả những người được rửa tội chúng ta được ghép lại như những cành cây. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ có thể phát triển và sinh hoa trái nếu chúng ta duy trì kết hiệp với Chúa Giêsu. Tối nay chúng ta hãy cân nhắc về sự kết hiệp không thể thiếu này, là sự kết hiệp có một số cấp độ. Với hình ảnh cây nho trong tâm trí, chúng ta có thể hình dung sự kết hiệp bao gồm ba vòng tròn đồng tâm, như những vòng tròn của một thân cây.

Vòng tròn đầu tiên, vòng trong cùng, là ở lại trong Chúa Giêsu. Đây là điểm khởi đầu trong hành trình của mỗi con người hướng tới sự hiệp nhất. Trong thế giới rất phức tạp và với nhịp độ rất nhanh ngày nay, chúng ta dễ dàng đánh mất la bàn, bị lôi kéo từ mọi phía. Nhiều người cảm thấy nội tâm bị phân tán, không thể tìm được điểm cố định, chỗ đứng vững vàng giữa những thay đổi của cuộc sống. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng bí mật cho sự vững vàng đó là hãy ở trong Ngài. Trong bài đọc tối nay, Ngài nói điều này bảy lần (xem câu 4-7,9-10). Vì Ngài biết rằng “không có Ngài, chúng ta không thể làm gì được” (xem câu 5). Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết cách ở trong ngài như thế nào. Ngài đã để lại cho chúng ta tấm gương của chính Ngài: mỗi ngày Ngài đều lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện, cũng như cần nước, để sống. Cầu nguyện riêng, dành thời gian với Chúa Giêsu, tôn thờ, đây là những điều trọng yếu nếu chúng ta muốn ở trong Ngài. Bằng cách này, chúng ta có thể đặt những sự lo lắng, hy vọng và sợ hãi, những niềm vui và nỗi buồn của mình vào lòng Chúa. Trên hết, tập trung vào Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện thì chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Ngài. Và bằng cách này, chúng ta đón nhận được sức sống mới, giống như những cành cây hút nhựa sống từ thân cây. Đây là sự hiệp nhất đầu tiên, sự nguyên tuyền của cá nhân chúng ta, là công việc của ân sủng mà chúng ta đón nhận khi ở trong Chúa Giêsu.

Vòng tròn thứ hai là sự hiệp nhất với các Kitô hữu. Chúng ta là những cành của cùng một cây nho, chúng ta là những “mạch truyền tải”, theo ý nghĩa rằng điều thiện hay điều ác mà mỗi chúng ta làm đều ảnh hưởng đến tất cả những người khác. Vì vậy, trong đời sống thiêng liêng, cũng có một loại “quy luật động lực”: khi chúng ta ở lại trong Chúa thì chúng ta tiến đến gần người khác, và khi chúng ta tiến đến gần người khác là chúng ta ở trong Chúa. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa trong thần khí và sự thật, thì chúng ta sẽ nhận ra sự cần thiết yêu thương người khác, mặt khác, “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1 Ga 4:12). Cầu nguyện luôn luôn dẫn đến yêu thương; nếu không, nó chỉ là nghi thức trống rỗng. Vì không thể gặp được Chúa Giêsu ngoài Thân thể của Người, gồm nhiều chi thể, là tất cả những người đã được rửa tội. Nếu sự thờ phượng của chúng ta là đích thực, chúng ta sẽ phát triển tình yêu thương với tất cả những người theo Chúa Giêsu, bất kể họ thuộc tông phái Kitô nào, vì họ có thể không phải là “người của chúng ta”, nhưng họ là của Ngài.

Dù vậy, chúng ta biết rằng yêu thương anh chị em của mình không phải là dễ dàng, bởi vì những khiếm khuyết và thiếu sót của họ ngay lập tức bày ra trước mắt, và những tổn thương trong quá khứ lại hiện lên trong tâm trí. Ở đây Chúa Cha đến trợ giúp chúng ta, vì cũng như một người nông dân dày kinh nghiệm (xem Ga 15: 1), Người biết chính xác phải làm gì: “Cành nào không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15: 2). Chúa Cha cắt tỉa. Tại sao? Bởi vì để yêu thương, chúng ta cần phải lột bỏ tất cả những gì khiến chúng ta lầm đường lạc lối và khiến chúng ta thu mình vào, và do đó không sinh hoa trái. Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa Cha cắt tỉa những định kiến của chúng ta về người khác, và những ràng buộc thế gian cản trở con đường hiệp nhất trọn vẹn với tất cả con cái của Người. Nhờ đó, được thanh tẩy trong tình yêu, chúng ta sẽ có thể bớt bận tâm đến những chướng ngại thuộc thế gian và những viên đá gây vấp ngã trong quá khứ, mà ngày nay chúng đang làm chúng ta xao lãng khỏi Tin Mừng.

Vòng hiệp nhất thứ ba, vòng lớn nhất, là toàn thể nhân loại. Ở đây, chúng ta có thể suy ngẫm về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong cây nho là Chúa Kitô, Thần Khí là nhựa sống lan tỏa đến tất cả các cành. Thần Khí thổi hơi đến nơi Người muốn, và ở mọi nơi Người muốn khôi phục sự hiệp nhất. Người thúc đẩy chúng ta không chỉ yêu những người yêu chúng ta và suy nghĩ như chúng ta, nhưng là yêu thương tất cả mọi người, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Người làm cho chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù và những điều sai trái mà chúng ta đã phải chịu đựng. Người truyền cảm hứng cho chúng ta trở nên năng động và sáng tạo trong tình yêu. Người nhắc nhở chúng ta rằng người lân cận của mình không chỉ là những người cùng chia sẻ các giá trị và ý tưởng riêng của chúng ta, và chúng ta được kêu gọi để trở thành người lân cận của tất cả mọi người, trở thành người Samari nhân hậu cho một nhân loại mong manh, nghèo khó, và đang phải chịu nhiều đau khổ trong thời đại của chúng ta. Một nhân loại đang nằm bên những lề đường của thế giới chúng ta, mà Chúa với lòng trắc ẩn muốn nâng dậy. Xin Chúa Thánh Thần là nguồn mạch ân sủng, giúp chúng ta sống trong tính nhưng không, yêu thương cả những người không yêu thương chúng ta, vì chính nhờ tình yêu thuần khiết và vô vị lợi mà Tin Mừng sinh hoa kết trái. Cây được biết đến nhờ hoa trái của nó: bởi tình yêu nhưng không của chúng ta, người ta sẽ biết chúng ta có phải là một phần của cây nho của Chúa Giêsu hay không.

Do đó, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta tính cụ thể của tình yêu dành cho tất cả những anh chị em mà chúng ta chia sẻ cùng một nhân tính, nhân tính mà Chúa Kitô đã kết hợp không thể tách rời với bản thân Ngài bằng cách nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ luôn tìm thấy Người trong người nghèo và những người túng thiếu nhất (xem Mt 25,31-45). Bằng cách phục vụ họ, một lần nữa chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta là anh chị em, và sẽ phát triển trong sự hiệp nhất. Thần Khí, Đấng đổi mới bộ mặt trái đất, cũng truyền cảm hứng cho chúng ta để chăm sóc cho ngôi nhà chung của mình, đưa ra những lựa chọn táo bạo về cách chúng ta sống và tiêu dùng, vì trái ngược với kết quả tốt đẹp là sự bóc lột, và thật đáng xấu hổ khi chúng ta lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá mà nhiều người khác bị tước đoạt mất.

Cũng chính Thần Khí đó, vị kiến ​​trúc sư của hành trình đại kết, tối nay đã dẫn dắt chúng ta đến cầu nguyện bên nhau. Khi chúng ta trải nghiệm sự hiệp nhất đến từ việc cùng dâng lên Chúa bằng một tiếng nói, tôi muốn cảm ơn tất cả những người trong tuần này đã cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô giáo. Tôi xin gửi lời chào huynh đệ tới các vị đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Hội thánh đang tụ họp ở đây, tới các bạn trẻ Chính thống giáo và Chính thống giáo Đông phương đang học ở Roma dưới sự bảo trợ của Hội đồng Thúc đẩy sự Hiệp nhất Kitô giáo, và tới các giáo sư và sinh viên của Viện Đại kết tại Bossey, những người đáng lẽ đã đến Roma như những năm trước, nhưng không thể đến vì đại dịch, và đang theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Anh chị em thân mến, xin cho chúng ta luôn được hiệp nhất trong Đức Kitô. Xin Chúa Thánh Thần rót đổ vào tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta cảm nhận là con cái của Chúa Cha, là anh chị em của nhau, là anh chị em trong một gia đình nhân loại của chúng ta. Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu hiệp thông, làm cho chúng ta phát triển trong sự hiệp nhất.


[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]


25 năm trước, một nữ tu Dòng Phan Sinh đã cài đặt mạng internet trong Vatican

25 năm trước, một nữ tu Dòng Phan Sinh đã cài đặt mạng internet trong Vatican

25 năm trước, một nữ tu Dòng Phan Sinh đã cài đặt mạng internet trong Vatican

ARTURO MARI | VATICAN POOL | AFP

I.Media for Aleteia

23/01/21

Vị nữ tu người Mỹ ban đầu chịu trách nhiệm “chăm sóc các máy vi tính.”

Vào đầu những năm 1990, một tu sĩ dòng Phan Sinh người Mỹ, Sơ Judith Zoebelein, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giao phó nhiệm vụ khó khăn là đưa Vatican bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số. 25 năm sau khi mở trang web đầu tiên của Vatican, trang web của Giáo hội Công giáo ở Đức katholisch.de đã phỏng vấn người tiên phong thầm lặng này, người đã thay đổi lịch sử của quốc gia nhỏ nhất thế giới.

Năm 1991, Sơ Judith đến Vatican để “chăm sóc các máy tính,” Sơ nói, do Hồng Y Rosalio Castillo Lara, tân Tổng Trưởng Phòng Quản Lý Tài sản Tông Tòa (APSA), đưa đến. Máy tính không giống như ngày nay — đặc biệt là ở Ý — và đức hồng y đã giao cho chị nữ tu người Mỹ nhiệm vụ thiết lập các quy chuẩn để tiêu chuẩn hóa việc sử dụng thiết bị máy tính ở Vatican.

Năm 1994, “Internet đã phát triển”, đặc biệt là email. Một số vị chức sắc Vatican bắt đầu quan tâm, Sơ nói. Ông Joaquín Navarro-Valls, giám đốc có uy tín của Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã đề xuất đưa Vatican lên “mạng trực tuyến”. Theo Sơ Zoebelein, ý tưởng đã được trình lên Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là “một người có tầm nhìn xa trông rộng”. Đức Giáo hoàng chấp nhận “ngay lập tức”, xem nó là cơ hội tuyệt vời để rao giảng phúc âm. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1995, trang đầu tiên của website chính thức của Vatican, vatican.va, đã lên mạng.

Sau đó, mọi thứ đều tăng tốc, các trang ngày càng “mọc lên như nấm”, mỗi bộ của Tòa thánh thêm vào viên đá của họ cho tòa nhà — theo sáng kiến của vị nữ tu. Sơ Zoebelein gần như làm việc một mình, với sự giúp đỡ của một kỹ thuật viên phụ trách máy chủ. Sơ phụ trách phần nội dung và phát triển bố cục dàn trang. Chúng ta mang một món nợ với Sơ về nền “giấy da” vẫn được website của Vatican sử dụng ngày nay. Sơ giải thích rằng Sơ chọn nó để tượng trưng cho “2.000 năm lịch sử của Giáo hội.”

Có thể tiếp cận ngay cả đức giáo hoàng

Sơ Zoebelein giải thích rằng chị đặc biệt quan tâm đến việc truyền đạt hai phần thiết yếu trong công việc của mình: kỹ thuật và con người. Tuy nhiên, chị đã gặp phải một số sự dè dặt trong Giáo triều Roma, chẳng hạn như một đức ông nói với chị rằng internet “là cửa ngõ cho ma quỷ.” Tuy nhiên, chị được sự ủng hộ của những vị đứng đầu chính của Giáo triều, và đặc biệt là của Đức Giáo hoàng, người vào năm 2001 đã quyết định ban hành tông huấn trực tiếp trên mạng, Ecclesia in Oceania.

Sơ Zoebelein cũng thiết lập địa chỉ email của Đấng Kế vị Thánh Phêrô, địa chỉ này đã gặt hái được nhiều thành công kể từ khi ra mắt. Khi ngài bị bệnh cúm vào ngày 24 tháng Mười Hai năm 1995, Đức Giáo hoàng thấy hộp thư của ngài tràn ngập những lời khuyên và phương thuốc điều trị để giúp ngài bình phục. Vị nữ tu người Mỹ giải thích, “Giáo hoàng luôn là một người bí ẩn, không thể tiếp cận và xa cách, sau khi có internet, thì đột nhiên ngài trở thành một người có vẻ dễ tiếp cận hơn nhiều”.

Ban đầu, đức giáo hoàng nhận tất cả các email. Tuy nhiên, số lượng trở nên quá lớn và ngài được gửi các thư chọn lọc, những thư khác được lưu trữ trên CD-ROM bởi cơ quan lưu trữ của Tòa thánh.

Tinh thần của công nghệ

Sơ Zoebelein không chấp nhận việc xem thế giới kỹ thuật số như ma quỷ: nó “cũng là một phần của Công trình Sáng tạo” thông qua công việc của con người, Sơ nhấn mạnh, chắc chắn rằng “Chúa cũng có một vị trí trong kế hoạch của Ngài cho công nghệ.” Hơn nữa, Sơ sẽ rất ủng hộ Carlo Acutis là người gần đây đã được phong chân phước, là vị thánh bổn mạng chính thức của internet. Sơ nói, chàng trai trẻ này đã “sống và hít thở internet” cả đời, và có sự hiểu biết thật sự về “tinh thần của công nghệ”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]


Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 27 tháng Một năm 2021





Bài Giáo lý về cầu nguyện - 22. Cầu nguyện với Kinh Thánh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay cha muốn tập trung vào việc cầu nguyện mà chúng ta có thể thực hiện bắt đầu bằng một trích đoạn Kinh Thánh. Những lời của Kinh Thánh không được viết ra để bị giam cầm trên giấy cói, giấy da, hoặc giấy, nhưng để được đón nhận bởi một người cầu nguyện, làm cho chúng trổ hoa trong tâm hồn họ. Lời Chúa đi vào tâm hồn. Sách Giáo lý khẳng định: “kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh” – không nên đọc Thánh Kinh như một quyển tiểu thuyết, nó phải đi đôi với việc cầu nguyện – “để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người” (số 2653). Đây là nơi mà lời cầu nguyện sẽ dẫn dắt anh chị em, vì nó là cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Câu Kinh Thánh đó cũng được viết cho tôi, cách đây hàng thế kỷ và hàng thế kỷ, để mang đến cho tôi lời của Chúa. Nó được viết cho mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm này xảy ra cho tất cả các tín hữu: một trích đoạn Thánh Kinh, đã nghe đi nghe lại nhiều lần, bất chợt nói với tôi vào một ngày nào đó, và soi sáng vào hoàn cảnh tôi đang sống. Nhưng điều cần thiết là tôi, ngày hôm đó, phải có mặt trong cuộc hẹn gặp với Lời. Tôi phải có mặt ở đó, lắng nghe Lời. Mỗi ngày Chúa đều đi ngang qua và gieo một hạt giống vào mảnh đất cuộc đời chúng ta. Chúng ta không biết hôm nay Ngài sẽ tìm thấy một mảnh đất khô cằn, đầy bụi gai, hay thửa đất tốt sẽ làm cho hạt giống mọc lên (xem Mc 4:3-9). Lời Chúa tùy thuộc vào chúng ta, vào việc cầu nguyện của chúng ta, vào tâm hồn rộng mở mà qua đó chúng ta tiến đến với Thánh Kinh. Chúa luôn luôn đi ngang qua và thông qua Thánh Kinh. Và đến đây cha trở lại với lời cha nói tuần trước về điều Thánh Augustinô đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi ngang qua.” Tại sao thánh nhân lại sợ? Sợ rằng thánh nhân sẽ không lắng nghe Ngài. Rằng tôi sẽ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa.

Qua lời cầu nguyện một sự nhập thể mới của Ngôi Lời diễn ra. Và chúng ta là “những nhà tạm” nơi Lời Chúa muốn được chào đón và lưu giữ, để những lời đó có thể đến với thế giới. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp cận với Thánh Kinh mà không có động cơ thầm kín, mà không khai thác nó. Người tin Chúa không hướng đến Kinh Thánh để ủng hộ quan điểm triết học và đạo đức của riêng mình, nhưng vì người đó trông đợi một cuộc gặp gỡ; người tin Chúa biết rằng những lời đó được viết trong Chúa Thánh Thần, và vì thế Lời phải được chào đón và hiểu trong cùng Thần Khí đó, để sự gặp gỡ có thể xảy ra.

Cha hơi khó chịu một chút khi nghe những người Kitô đọc các câu Kinh Thánh như con vẹt. “Ồ, vâng … Ồ, Chúa nói … Ngài muốn điều này …” Nhưng bạn có gặp được Chúa với câu Kinh Thánh đó chưa? Nó không phải là vấn đề bộ nhớ: nó là vấn đề ghi nhớ của tâm hồn, là điều mở ra cho bạn cuộc gặp gỡ với Chúa. Và lời đó, câu đó, đưa bạn tới gặp gỡ Chúa.

Do đó, chúng ta đọc Thánh Kinh vì Kinh Thánh “đọc chúng ta.” Và đó là một ơn khi có thể nhận ra bản thân mình trong trích đoạn này hoặc nhân vật đó, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia. Thánh Kinh không được viết cho một nhân loại chung chung, nhưng là cho chúng ta, cho tôi, cho bạn, cho những người nam và nữ bằng xương bằng thịt, những người nam và nữ có tên và họ, như tôi, như anh chị em. Và Lời Chúa, được thấm đẫm bởi Chúa Thánh Thần, khi được đón nhận với một tâm hồn rộng mở, không để mọi thứ vẫn nguyên như lúc trước: không bao giờ. Một điều gì đó thay đổi. Và đây là ơn và là sức mạnh của Lời Chúa.

Truyền thống Kitô giáo rất phong phú về những kinh nghiệm và suy tư trong việc cầu nguyện với Thánh Kinh. Đặc biệt, phương pháp “Lectio divina” đã được thiết lập; nó bắt nguồn từ giới tu sĩ, nhưng hiện nay nó cũng được thực hành bởi những người Kitô hữu thường xuyên tới các nhà xứ. Vấn đề trước hết là đọc trích đoạn Thánh Kinh thật chăm chú, hoặc hơn thế: cha muốn nói là “vâng nghe” văn bản, để hiểu thấu đáo ý nghĩa. Sau đó, người ta đi vào cuộc đối thoại với Thánh Kinh, để những lời đó trở thành căn nguyên cho sự suy niệm và cầu nguyện: trong khi vẫn trung thành với văn bản, tôi bắt đầu tự hỏi mình rằng lời đó “nói gì với tôi.” Đây là bước tinh tế: chúng ta không được sa vào những cách giải thích chủ quan, nhưng chúng ta phải là một phần của con đường sống của Truyền thống, nó liên kết mỗi người chúng ta với Thánh Kinh. Bước cuối cùng của Lectio divina là chiêm niệm. Ở đây Lời và suy nghĩ nhường chỗ cho tình yêu, như những người yêu nhau đôi lúc nhìn nhau trong im lặng. Văn bản Thánh Kinh tồn tại, nhưng như một chiếc gương soi, như một một ảnh tượng để chiêm ngưỡng. Và bằng cách này sẽ có sự đối thoại.

Qua cầu nguyện, Lời Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong lời. Lời truyền cảm hứng cho những ý định tốt lành và duy trì hành động; nó đem lại cho chúng ta sức mạnh và sự thanh thản, và ngay cả khi lời thách đố chúng ta, nó vẫn mang lại cho chúng ta sự bình an. Vào những ngày “kỳ cục” và rắc rối, nó đảm bảo cho tâm hồn cốt lõi của sự vững tin và yêu thương bảo vệ tâm hồn khỏi sự tấn công của sự dữ.

Theo cách này, Lời Chúa được tạo thành xác thể – cho phép cha sử dụng cách diễn đạt này – nó được tạo thành xác thể nơi những người đón nhận nó trong lời cầu nguyện. Trực giác xuất hiện trong một số văn bản cổ xưa mà những người Kitô hữu hoàn toàn đồng nhất với Lời, đến nỗi, ngay cả khi tất cả các Thánh Kinh trên thế giới bị đốt cháy, thì “khuôn đúc” của nó vẫn được lưu lại vì dấu ấn mà nó đã ghi lại trong cuộc đời của các thánh. Đây là một cách diễn đạt đẹp.

Đồng thời đời sống người Kitô hữu là công việc của sự vâng phục và sáng tạo. Một người Kitô hữu tốt lành phải biết vâng phục, nhưng họ phải sáng tạo. Vâng phục, vì họ lắng nghe Lời Chúa; sáng tạo, bởi vì họ có Chúa Thánh Thần trong lòng, Đấng thúc đẩy họ trở thành như vậy, để dẫn dắt họ tiến bước. Ở đoạn cuối của một dụ ngôn, Chúa Giêsu đưa ra sự so sánh này – Ngài nói, “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình – tâm hồn – cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52). Sách Thánh là một kho tàng vô tận. Xin Chúa ban ơn cho tất cả chúng ta để có thể rút ra nhiều hơn nữa từ những lời đó, qua lời cầu nguyện.

____________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng biết trân quý sâu sắc hơn ánh sáng mà Thánh Kinh chiếu soi trên đời sống hàng ngày của chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

____________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm nay, kỷ niệm ngày giải phóng Trại Hủy diệt Auschwitz của Đức Quốc xã, chúng ta kỷ niệm Ngày tưởng niệm Holocaust Quốc tế. Chúng ta tưởng nhớ các nạn nhân của Holocaust và tất cả những người bị chế độ Đức Quốc xã đàn áp và trục xuất. Tưởng nhớ là một cách biểu đạt của lòng nhân. Tưởng nhớ là một dấu hiệu của văn minh. Ghi nhớ là điều kiện cho một tương lai hòa bình và huynh đệ tốt đẹp hơn. Tưởng niệm cũng có nghĩa là phải cẩn thận vì những điều này có thể xảy ra một lần nữa, bắt đầu từ những đề xuất thuộc ý thức hệ nhằm cứu một dân tộc và cuối cùng lại là tiêu diệt một dân tộc và nhân loại. Hãy chú ý đến cách thức con đường của sự chết, hủy diệt và tàn bạo này đã bắt đầu như thế nào.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2021]


Những vị thánh chống phá thai

Những vị thánh chống phá thai

Những vị thánh chống phá thai

Fondation Jérôme Lejeune/CC BY-SA 3.0 | José Luiz Bernardes Ribeiro/CC BY-SA 3.0 | Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

23/01/21

Những người nam và nữ (và 1 thiếu nữ) thánh thiện này của thế kỷ 20 là chứng ngôn toàn cầu cho vẻ đẹp của sự sống.

Khi Hoa Kỳ kỷ niệm 48 năm việc phá thai được hợp pháp hóa, nó khiến những người phò sinh dễ nản lòng. Nhưng trong công việc của chúng tôi cung cấp các nguồn tài nguyên cho các phụ nữ mang thai và bạn đời của họ (đồng thời đấu tranh cho luật tôn vinh phẩm giá của mỗi con người), chúng ta có rất nhiều đấng trung gian đã hoạt động để chống lại việc phá thai ở trần gian cũng như ở trên trời.

Chân phước Luis Belda Soriano de Montoya (1901-1936) là một người chồng Tây Ban Nha và là cha của sáu đứa con. Là một luật sư, Luis đã tham gia nhiều hoạt động tông đồ khác nhau, bao gồm Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, Hội Chầu Đêm khuya, và Hội đồng Giáo phận. Ngoài những nhiệm vụ đó, ngài còn viết bài và nói chuyện khuyến khích việc thực hành đức tin, đặc biệt lên án việc phá thai ngày càng được chấp nhận. Ngài đã chịu tử vì đạo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha.

Đấng Đáng kính Annie Zelikova (1924-1941) là một cô gái người Moravia rất sùng kính Thánh Thể, tham dự Thánh lễ hàng ngày sau kể từ sau rước lễ lần đầu. Năm 13 tuổi, Annie nghe thấy người mẹ đau khổ của mình khẩn cầu, “Đó là một tội phạm với trời và với trẻ thơ — chị không thể giết nó!” Annie không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng em biết rằng Chúa đang yêu cầu em đền bù cho tội ác này. Em đã dâng lên Chúa cuộc đời mình. Vị linh hướng của em giải thích rằng em đang đền tội cho những vụ phá thai. Em đã nằm liệt hấp hối trong bốn năm, hiến dâng đời mình cho Chúa để an ủi trái tim Người và đền bù cho những vụ phá thai được thực hiện trên khắp thế giới. Em chết vì bệnh lao năm 17 tuổi.

Chân phước Marianna Biernacka (1888-1943) là một người vợ nông dân người Ba Lan trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khi con trai của chân phước và người vợ đang mang thai của anh bị chọn đi hành hình, Marianna xin để được chết thay con người con dâu để đứa bé có thể chào đời. Nắm chặt tràng chuỗi mân côi trong tay, Marianna bị giết; con dâu của chân phước sống đến 98 tuổi.

Thánh Gianna Molla (1922-1962) nổi tiếng về cái chết anh dũng của ngài, hiến mạng sống vì đứa con gái chưa sinh của mình. Kết hôn trước sinh nhật thứ 33, Gianna hy vọng có một gia đình đông con trong khi tiếp tục công việc là một bác sĩ. Khi thánh nữ mang thai lần thứ sáu (ngay sau hai lần sảy thai nghiêm trọng), các bác sĩ tìm thấy một khối u trong tử cung. Gianna sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để cứu đứa con gái của mình, mặc dù bác sĩ khuyên nên phá thai. Nhưng Gianna đã chọn một cách để bảo vệ đứa con chưa chào đời, Pietro nhớ lại, “Nếu anh phải chọn giữa em và con, đừng chần chừ: hãy chọn con — em quyết định như vậy. Hãy cứu lấy con.” Đứa trẻ chào đời khỏe mạnh và Gianna qua đời một tuần sau đó.

Tôi tớ Chúa God Dorothy Day (1897-1980) là một người trở lại Công giáo và là người sáng lập phong trào Công nhân Công giáo, một phong trào quốc tế liên đới với người nghèo. Là người mẹ đơn thân, Dorothy đã mất đứa con đầu lòng trong một lần phá thai bất hợp pháp và ân hận về lựa chọn đó ngay cả trước khi trở thành người Công giáo. Mặc dù chị hầu như không bao giờ nói về lần phá thai (vì sợ rằng tấm gương của chị sẽ khuyến khích những phụ nữ khác đưa ra lựa chọn tương tự), chị xem đó là “thảm kịch lớn nhất trong đời chị.” Dorothy là một người đề xướng phi bạo lực rất trực tính, nhưng nói chung chị nói nhẹ nhàng hơn về vấn đề phá thai. Chị lo lắng rằng nếu việc chị đã từng phá thai bị lộ ra, công việc của chị là tiếng nói chống phá thai sẽ làm cho phong trào có vẻ như đạo đức giả. Có lẽ còn hơn thế, chị muốn trở thành tiếng nói của lòng thương xót cho những phụ nữ sau khi phá thai, trong khi vẫn hoàn toàn trung thành với giáo huấn của Giáo hội. Dorothy là một chứng tá đẹp của sự chữa lành mà các cha mẹ có thể tìm thấy sau khi phá thai và con đường Chúa có thể hoạt động trong họ để làm cho họ trở thành những vị thánh vĩ đại.

Đấng Đáng kính Jérôme Lejeune (1926-1994) là một nhà di truyền học nổi bật, là nhà khoa học đã khám phá ra rằng hội chứng Down là kết quả của nhiễm sắc thể 21. Ngài được tán dương bởi cộng đồng y khoa cho đến khi ngài nhận ra rằng công việc của ngài đang được sử dụng để khuyến khích cha mẹ phá bỏ những đứa con của họ. Khi đó, ngài lên tiếng, xin mọi người hãy bảo vệ những đứa trẻ chưa sinh. Làm như vậy là giết chết sự nghiệp và ngài biết điều đó. Vào đêm ngài giành được giải thưởng danh giá, ngài đặt cho khán thính giả của mình câu hỏi về đạo đức đối với việc phá thai. Về nhà, ngài nói với vợ của ngài, “Tối nay anh đã đánh mất giải Nobel.”

Tôi tớ Chúa Maurice Michael Otunga (1923-2003) là con trai của tù trưởng Bakhone ở Kenya. Thay vì đi theo bước chân của cha, Otunga trở lại Đạo Công giáo và vào chủng viện. Ngài được truyền chức linh mục, tấn phong giám mục năm 33 tuổi, và cuối cùng được chọn trở thành hồng y người Kenya đầu tiên. Trong suốt thời gian là Hồng y Tổng Giám mục của Nairobi, ngài Otunga và một người biện hộ trực tính chống lại việc phá thai và ngừa thai. Dù ngài không hợp tác quá nhiều với các nhà lãnh đạo Hồi giáo nói chung, nhưng ngài liên kết với họ trong việc động viên người dân chống lại luật hợp pháp hóa phá thai, nói rằng phá thai (cũng như ngừa thai) là một sự áp đặt của tây phương và người dân thuộc mọi tôn giáo phải chống lại nó. Nhờ một phần trong vai trò lãnh đạo của ngài, phá thai vẫn là bất hợp pháp ở Kenya cho đến khi ngài Otunga qua đời.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]


Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55, 23.01.2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55, 23.01.2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55, 23.01.2021

Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55, sẽ được tổ chức ngày 16 tháng Năm tại nhiều quốc gia trong năm nay, Lễ Chúa Lên Trời:

***** 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

“Đến mà xem” (Ga 1:46) Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người với chính con người và hoàn cảnh của họ

Anh chị em thân mến,

Lời mời gọi “đến mà xem,” là một phần của những cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy cảm xúc của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, cũng là một phương thức cho mọi truyền thông đích thực của con người. Để nói lên sự thật của cuộc sống trở thành lịch sử (xem Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 54, 24 tháng Một năm 2020), cần phải vượt qua thái độ thỏa mãn cho rằng chúng ta “đã biết” những điều đó. Thay vì vậy, chúng ta cần phải đến và xem cho chính bản thân, để dành thời gian với mọi người, để lắng nghe những câu chuyện của họ và đối mặt với thực tại, là những điều luôn làm chúng ta ngạc nhiên theo cách này hoặc cách khác. “Hãy mở rộng đôi mắt ngạc nhiên trước những gì bạn thấy, hãy để cho đôi bàn tay của bạn chạm đến sự tươi mới và sinh khí của mọi điều, để khi người khác đọc những gì bạn viết, họ cũng có thể trực tiếp chạm đến kỳ công đầy sức sống của cuộc sống”. Đây là lời khuyên mà Chân phước Manuel Lozano Garrido[1] gửi đến các ký giả đồng nghiệp của ngài. Vì vậy, năm nay, tôi muốn dành Sứ điệp này cho lời mời gọi “đến mà xem” như một động lực thúc đẩy cho toàn bộ ngành truyền thông cố gắng để trở nên rõ ràng và trung thực, trên báo chí, trên internet, trong việc rao giảng hàng ngày của Giáo hội và trong truyền thông chính trị hoặc xã hội. “Đến mà xem!” Đây luôn là con đường mà niềm tin Kitô giáo được thông truyền, từ thời điểm của những cuộc gặp gỡ đầu tiên trên bờ Sông Giođan và trên Biển hồ Galilê.

Lên đường

Trước hết, chúng ta hãy xét đến vấn đề lớn của việc tường thuật tin tức. Những tiếng nói sáng suốt từ lâu đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ khi phóng sự điều tra nguyên bản trên báo chí và truyền hình, đài phát thanh và bản tin trang web đang bị thay thế bởi một bài phóng sự tuân theo một câu chuyện tiêu chuẩn, thường là có dụng ý. Cách tiếp cận này ngày càng giảm bớt khả năng nắm bắt sự thật của mọi việc và cuộc sống cụ thể của con người, và càng giảm bớt nhiều hơn nữa đối với những hiện tượng xã hội nghiêm trọng hơn hoặc những chuyển động tích cực ở mức độ cơ sở. Cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp xuất bản có nguy cơ dẫn đến một bài phóng sự được tạo ra trong phòng biên tập, trước máy tính cá nhân hoặc công ty và trên các mạng xã hội, mà không bao giờ “ra đường”, gặp gỡ trực tiếp con người để nghiên cứu những câu chuyện hoặc để trực tiếp xác minh những hoàn cảnh thực tế. Nếu chúng ta không cởi mở đối với loại hình gặp gỡ này, chúng ta vẫn chỉ đơn thuần là những khán giả, vì tất cả những cải tiến kỹ thuật làm cho chúng ta cảm thấy bị nhấn chìm trong một thực tại rộng lớn và trực tiếp hơn. Bất kỳ một công cụ nào chỉ chứng minh là hữu ích và có giá trị khi nó đạt đến mức độ tạo động lực thúc đẩy chúng ta ra ngoài và nhìn xem những điều mà nếu không chúng ta sẽ không biết, để đăng những bản tin trên internet mà không có ở nơi khác, để cho phép những sự gặp gỡ mà nếu không sẽ không bao giờ xảy ra.

Các Tin mừng là những câu chuyện mới

“Đến mà xem” là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với các môn đệ, những người tò mò về Ngài sau khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giođan (Ga 1:39). Ngài mời họ đi vào mối tương quan với Ngài. Hơn nửa thế kỷ sau, khi Gioan viết Tin mừng của mình, lúc này đã là một ông cụ, ngài thuật lại những chi tiết “đáng tin” cho thấy rằng chính ngài đã có mặt tại các biến cố mà ngài tường thuật và chứng minh tác động của kinh nghiệm đó đối với cuộc đời ngài. Ngài nhấn mạnh, “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười ”, tức là khoảng bốn giờ chiều (xem câu 39). Ngày hôm sau – Thánh Gioan cũng kể cho chúng ta – Philipphê nói với Nathanaen về cuộc gặp gỡ của ngài với Đấng Mêsia. Người bạn của ngài hoài nghi và hỏi: “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được?” Philipphê không cố gắng chiến thắng người bạn bằng những lý lẽ thuyết phục, mà chỉ nói với người bạn: “Cứ đến mà xem ”(xem câu 45-46). Nathanaen đã đi và xem, và từ thời khắc đó cuộc sống của ông được thay đổi. Đó là cách đức tin Kitô giáo bắt đầu, và cách nó được thông truyền: như kiến ​​thức trực tiếp, sinh ra từ kinh nghiệm, chứ không phải là tin đồn. Những người trong thành nói với người phụ nữ Samari sau khi Chúa Giêsu ở lại trong làng của họ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin, vì chính chúng tôi đã nghe” (Ga 4: 39-42). “Đến mà xem” là phương pháp đơn giản nhất để nhận biết một tình huống. Nó là bài kiểm tra trung thực nhất cho mọi thông điệp, bởi vì, để biết rõ, chúng ta cần phải gặp gỡ, để cho người đứng trước mặt tôi nói, để lời chứng của họ đến được với tôi.

Nhờ sự can đảm của nhiều nhà báo

Báo chí cũng vậy, như một tường thuật thực tế, đòi hỏi khả năng đi đến những nơi mà không một ai khác nghĩ đến: sự sẵn sàng lên đường và mong muốn được nhìn thấy. Tò mò, cởi mở, đam mê. Chúng ta nợ một lời cảm ơn vì lòng can đảm và cam kết của tất cả những người chuyên môn – các nhà báo, những người điều khiển máy quay, biên tập viên, đạo diễn – những người thường liều mạng sống khi thực hiện công việc của họ. Chẳng hạn, nhờ những nỗ lực của họ, bây giờ chúng ta mới biết được những sự gian khổ mà các nhóm thiểu số bị ngược đãi đang phải chịu đựng ở nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều trường hợp áp bức và bất công gây ra cho người nghèo và môi trường, và nhiều cuộc chiến tranh mà nếu không sẽ bị bỏ qua. Sẽ là một tổn thất không chỉ cho việc đưa tin, mà cho cả xã hội và cho nền dân chủ nói chung, nếu những tiếng nói đó bị lu mờ dần. Toàn gia đình nhân loại của chúng ta sẽ bị bần cùng hóa.

Nhiều tình hình trong thế giới của chúng ta, thậm chí còn hơn thế nữa trong thời kỳ đại dịch này, đang mời gọi các phương tiện truyền thông “đến mà xem”. Thật vậy, chúng ta có thể có nguy cơ tường thuật về đại dịch, và mọi cuộc khủng hoảng, chỉ qua lăng kính của các quốc gia giàu có hơn, qua cách “giữ hai bộ sổ sách”. Ví dụ, vấn đề về vaccine, và chăm sóc y tế nói chung, có nguy cơ loại trừ những dân tộc nghèo hơn. Ai thông tin cho chúng ta biết về thời gian chờ đợi quá lâu để được điều trị ở các ngôi làng nghèo đói ở Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi? Những chênh lệch về kinh tế và xã hội ở cấp độ toàn cầu có nguy cơ quyết định thứ tự phân phối vaccine chống Covid, trong đó người nghèo luôn ở cuối hàng và quyền được chăm sóc sức khỏe toàn dân được khẳng định về nguyên tắc, nhưng hiệu quả thực tế lại bị tước bỏ. Tuy nhiên, ngay cả trong thế giới của những nơi may mắn hơn, bi kịch xã hội của các gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo đói phần lớn vẫn còn bị che giấu; những người không còn thấy xấu hổ khi phải xếp hàng chờ đợi trước các tổ chức bác ái để nhận một gói đồ cứu trợ không còn được đưa tin.

Những cơ hội và nguy hiểm tiềm ẩn trên web

Internet, với vô vàn cách diễn đạt của truyền thông xã hội của nó, có thể tăng khả năng đưa tin và chia sẻ, với nhiều con mắt hơn trên thế giới và một dòng chảy ồ ạt liên tục của những hình ảnh và lời kể. Công nghệ kỹ thuật số cung cấp cho chúng ta khả năng thông tin trực tiếp kịp thời là điều thường rất hữu ích. Chúng ta có thể nghĩ đến một số tình huống khẩn cấp nào đó mà internet là nơi đầu tiên đưa tin và truyền tải thông báo chính thức. Nó là một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải là những người sử dụng và tiêu dùng có trách nhiệm. Có khả năng tất cả chúng ta đều trở thành chứng nhân cho các biến cố, mà nếu không, các phương tiện truyền thông truyền thống sẽ bỏ qua, đóng góp cho xã hội và làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, bao gồm cả những câu chuyện tích cực. Nhờ Internet chúng ta có cơ hội tường thuật những gì chúng ta xem thấy, những gì đang xảy ra trước mắt chúng ta, và chia sẻ nó với người khác.

Đồng thời, nguy cơ thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội đã trở nên rõ ràng với tất cả mọi người. Chúng ta đã biết rằng có lúc những tin tức và thậm chí hình ảnh có thể dễ dàng bị thao túng, vì bất kỳ lý do nào, đôi khi chỉ đơn giản là vì tính tự ái nhỏ nhặt. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là xem Internet là xấu xa, mà là một động cơ thúc đẩy sự phân định và tính trách nhiệm cao hơn đối với nội dung được gửi và nhận. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm với thông tin mà chúng ta tạo ra, với thông tin mà chúng ta chia sẻ, với sự kiểm soát mà chúng ta có thể áp dụng đối với những tin giả bằng cách bóc trần chúng. Tất cả chúng ta đều phải là những chứng nhân của sự thật: đi, xem và chia sẻ.

Không gì có thể thay thế cho cái nhìn trực tiếp mọi việc

Trong truyền thông, không gì có thể thay thế hoàn toàn cho việc trực tiếp xem mọi việc. Một số điều chỉ có thể biết được qua kinh nghiệp trực tiếp. Chúng ta không chỉ đơn thuần làm truyền thông bằng từ ngữ, nhưng bằng đôi mắt chúng ta, giọng nói chúng ta và hành vi của chúng ta. Sự cuốn hút của Chúa Giêsu đối với những người gặp Ngài phụ thuộc vào sự thật mà Ngài giảng dạy; tuy nhiên tính hiệu quả của những gì Ngài nói không thể tách rời khỏi cách Ngài nhìn vào người khác, cách Ngài cư xử với họ, và thậm chí cả cách im lặng của Ngài. Các môn đệ không chỉ lắng nghe những lời Ngài nói; họ nhìn Ngài nói. Quả thật trong Ngài – Logos nhập thể – Ngôi Lời mang lấy một khuôn mặt; Thiên Chúa vô hình đã để cho Người được nhìn thấy, được nghe thấy và được chạm đến, như chính Thánh Gioan kể cho chúng ta (xem 1 Ga 1:1-3). Lời nói chỉ hiệu quả khi nó được “nhìn thấy”, chỉ khi nó liên quan đến chúng ta qua kinh nghiệm, qua đối thoại. Vì lý do này, lời mời “đến mà xem” đã và vẫn tiếp tục là thiết yếu.

Chúng ta nghĩ đến không biết bao nhiêu lời hùng biện trống rỗng, ngay cả trong thời đại của chúng ta, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống công cộng, trong kinh doanh cũng như chính trị. Người này hay người kia “nói không dừng nhưng chẳng nói lên được điều gì ... Những lý lẽ của anh ta giống như hai hạt lúa mì được giấu trong hai giạ trấu: bạn sẽ mất cả ngày tìm kiếm trước khi tìm thấy chúng, và khi bạn có được chúng, chúng chẳng đáng để tìm. [2] Những lời sắc bén của nhà viết kịch người Anh cũng áp dụng cho chúng ta là những người làm truyền thông Kitô giáo. Tin vui của Phúc âm lan truyền trên khắp thế giới là kết quả của những cuộc gặp gỡ giữa người với người, giữa tâm hồn với tâm hồn với những người nam và nữ đã chấp nhận lời mời “đến mà xem”, và bị đánh động bởi “vô số” tình người thể hiện qua ánh mắt nhìn, lời nói và cử chỉ của những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Mọi công cụ đều có giá trị của nó, và người giao tiếp vĩ đại đó là Phaolô thành Tarso chắc chắn sẽ sử dụng email và nhắn tin xã hội. Tuy nhiên, chính đức tin, đức cậy, và đức ái của ngài đã gây ấn tượng cho những người cùng thời với ngài, những người đã nghe ngài giảng hoặc may mắn trải qua thời gian với ngài, để nhìn thấy ngài trong một buổi đối thoại cộng đoàn hoặc trong cuộc trò chuyện cá nhân. Quan sát ngài hành động ở bất cứ đâu, họ tự mình thấy được thông điệp của ơn cứu độ là thật và hiệu quả như thế nào đối với cuộc sống của họ, mà nhờ ơn Thiên Chúa, ngài đã đến rao giảng. Ngay cả nơi nào người tôi tớ của Chúa không thể gặp gỡ riêng, các môn đệ mà ngài sai đến đã làm chứng cho cách sống của ngài trong Đức Kitô (xem 1 Cr 4:17).

Thánh Augustinô nói [3], “Chúng ta có những quyển sách trong tay, nhưng sự thật ở trước mắt chúng ta,” khi ngài nói về sự ứng nghiệm những lời tiên tri trong Sách Thánh. Cũng như vậy, Tin mừng trở nên sống động trong thời đại của chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta chấp nhận chứng tá thuyết phục của những người có đời sống được biến đổi bởi sự gặp gỡ với Chúa Giêsu. Trong hai thiên niên kỷ, một chuỗi mắt xích những cuộc gặp gỡ như vậy đã truyền tải tính hấp dẫn của cuộc phiêu lưu Kitô giáo. Vì vậy, thách đố đang chờ đợi chúng ta là làm truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người, tại chính hoàn cảnh của họ và con người của họ.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con bước ra khỏi bản thân của mình,

và lên đường để tìm kiếm sự thật.

Xin dạy chúng con bước ra và nhìn xem,

xin dạy chúng con biết lắng nghe,

không chú ý đến những thành kiến,

hoặc đưa ra những kết luận vội vàng.

Xin dạy chúng con đi đến những nơi không ai sẽ tới,

dành thời gian cần thiết để thấu hiểu,

để chú ý đến những điều trọng yếu,

không bị phân tán bởi những gì không cần thiết,

để phân biệt những vẻ ngoài lừa dối với sự thật.

Xin ban cho chúng con ơn nhận biết nơi Người cư ngụ trong thế giới của chúng con

và lòng trung thực để kể cho người khác những gì chúng con đã xem thấy.

Roma, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, 23 tháng Một năm 2021, Vọng Lễ Nhớ Thánh Francis de Sales

PHANXICÔ

_____________________

[1] Nhà báo Tây Ban Nha (1920-1971), được phong chân phước năm 2010.

[2] WILLIAM SHAKESPEARE, The Merchant of Venice, Act 1, Scene 1.

[3] Sermo 360/B, 20.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/1/2021]


Li Băng: “Số người Kitô giáo trong nước đang giảm đi từng ngày”

Li Băng: “Số người Kitô giáo trong nước đang giảm đi từng ngày”

Li Băng: “Số người Kitô trong nước đang giảm đi từng ngày”

Aid to the Church in Need

Tobias Lehner - ACN News

15/01/21

Phỏng vấn linh mục xứ tại nhà thờ chính tòa Công giáo Maronite ở Beirut.

Li Băng vẫn thường nổi bật lên như một mô hình của toàn Trung Đông, đặc biệt do tính ổn định của những mối quan hệ liên tôn trong nước. Tuy nhiên sự cân bằng đã bị nghiêng và ngày càng trở nên bất ổn sau khi có nhiều người Kitô hữu rời bỏ quê hương. Vào tháng Tám năm 2020 Beirut bị rung chuyển bởi một trong những vụ nổ kinh hoàng nhất trong thời bình của lịch sử con người. Hiện nay thủ đô Li Băng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về cuộc sống – và trên cả nước – vốn đã bị xấu đi bởi sự quản lý yếu kém về kinh tế và nạn tham nhũng, và cuộc khủng hoảng chính trị và ngân hàng. Cha Jad Chlouk, 38 tuổi, là linh mục xứ tại nhà thờ chính tòa Maronite Thánh George ở Beirut. Cha miêu tả việc Giáo hội hiện diện và giúp đỡ tất cả những người thiếu thốn như thế nào. Bản thân nhà thờ chính tòa cũng đã bị hư hại nghiêm trọng bởi vụ nổ. Tổ chức bác ái mục vụ Công giáo quốc tế và quỹ giáo hoàng Aid to the Church in Need (ACN International) (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn) đang cấp quỹ cho việc khôi phục lại nhà thờ chính tòa và 16 cơ sở khác của Giáo hội ở Beirut. Phỏng vấn của Tobias Lehner.

Cuộc sống ở Beirut đã không còn như trước kể từ khi vụ nổ bốn tháng trước. Tâm trạng trong thành phố hiện nay như thế nào?

Chúng tôi vẫn còn bị chấn động bởi những gì xảy ra hồi tháng Tám. Những ký ức của ngày kinh hoàng đó thường tái hiện, đặc biệt khi chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà, những nhà thờ, trường học và bệnh viện đổ nát, hoặc khi chúng tôi nghe thấy một tiếng động bất chợt chẳng hạn tiếng sấm. Chúng tôi không thể nào không nhớ lại biến cố đó!

Tâm trạng vẫn đau buồn và lo lắng, nhưng cho dù như thế nào chúng tôi vẫn đang hết sức chuẩn bị bản thân để sống ngày lễ sắp tới và canh tân lại đời sống thiêng liêng của mình.

Những khu vực thuộc Kitô giáo bị ảnh hưởng nặng bởi vụ nổ vào đầu tháng Tám, vì những khu đó gần bến cảng. Nhà thờ Chính tòa Maronite nơi cha là chủ chăn cũng bị thiệt hại nặng nề. ACN đang hỗ trợ việc tái xây dựng. Cho đến nay công việc sửa chữa đã tiến triển đến đâu, khi mùa đông đã bắt đầu vào đỉnh điểm?

Việc phục hồi Nhà thờ Maronite bắt đầu cách đây một tháng, khi chúng tôi thử một số biện pháp tạm thời để tránh thiệt hại thêm do nước mưa chảy qua mái nhà bị hư hại và cửa sổ và cửa ra vào bị vỡ. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa mái nhà trong vài tuần, trong khi đối với các lỗ hở khác việc sửa chữa các cửa sổ và cửa ra vào bị hư hỏng, công việc này vẫn đang được tiến hành.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến công tác khôi phục và viện trợ nhân đạo ở mức độ nào?

Đại dịch COVID-19 đã làm trì hoãn tiến trình khôi phục nhà thờ chính tòa, đặc biệt trong thời gian 2 tuần phong tỏa, chúng tôi đã phải xin giấy phép đặc biệt để tiến hành công việc, đồng thời luôn tôn trọng các biện pháp an toàn, như giãn cách xã hội, v.v.. Mặt khác, chúng tôi cố gắng duy trì viện trợ nhân đạo, vì với cuộc khủng hoảng kinh tế mà người dân Li Băng hiện đang trải qua, chúng tôi cần hiện diện và gần gũi nhiều hơn với những anh chị em đang gặp khó khăn. Nó khá mạo hiểm, nhưng qua cách áp dụng tất cả các biện pháp an toàn, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình để phục vụ họ tốt hơn.

Ngay sau thảm họa, nhiều người trẻ tuyên bố ý định rời khỏi Li Băng ngay lúc này, vì họ không còn nhìn thấy tương lai nào cho bản thân ở đất nước. Thực tế điều đó đã xảy ra, và nó có ý nghĩa gì cho cộng đoàn Kitô giáo ở Li Băng?

Các số liệu thống kê cho thấy hơn 380.000 đơn xin nhập cư đã được gửi đến các đại sứ quán của EU và các quốc gia Bắc Mỹ, và hầu hết trong số những đơn đó là của người Kitô giáo, những người không may bây giờ cảm thấy mình như người xa lạ chính tại quê nhà. Điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thể cộng đồng Kitô giáo, vì họ đang mất đi đa phần những gì tươi sáng nhất và tốt nhất, và đặc biệt là lớp người trẻ là tương lai của người Kitô hữu ở đây. Do đó, số lượng người Kitô hữu ở đất nước này đang giảm đi từng ngày, và nó đang ảnh hưởng xấu đến tình hình và gây thêm áp lực cho những người ở lại, trong tình hình họ có thể bị ngược đãi. Đây không phải là một thuyết âm mưu; đây là thực tế mà chúng tôi đã chứng kiến ở các nước láng giềng gần nhất, bao gồm Syria, Iraq, Palestine, Jordan … 

Khi cha hướng về năm mới, cha có lo lắng hơn, hay niềm hy vọng vượt qua sự lo lắng này?

Hy vọng luôn là lương thực hàng ngày của chúng tôi, đặc biệt trong những thời gian đen tối này. Bất chấp mọi thứ, chúng tôi nhìn về tương lai với niềm hy vọng, vì chúng tôi biết rằng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta là Chủ của lịch sử, và tất cả lịch sử và cuộc đời của chúng ta ở trong tay Ngài. Với Ngài và nhờ Ngài, chúng ta chắc chắn rằng “mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8:28).

***

Trong video này, Cha Jad Chlouk giải thích tầm quan trọng của Nhà thờ Chính tòa Beirut:


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/1/2021]


Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Thư viện Điện Tông tòa

Chúa nhật, 24 tháng Một, 2021



Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Trích đoạn Tin mừng Chúa nhật tuần này (xem Mc 1:14-20) trình bày cho chúng ta thấy, theo một cách nói là “sự chuyển giao trách nhiệm” từ Gioan Tẩy giả sang cho Chúa Giêsu. Gioan là người dọn đường của Ngài; ông dọn đất cho Ngài và dọn đường cho Ngài: bây giờ Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ vụ của mình và công bố ơn cứu độ đã đến; Ngài là ơn cứu độ. Lời giảng dạy của Ngài được tóm tắt trong những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (câu 15). Rất đơn giản. Chúa Giêsu không nói vòng vo. Đó là một thông điệp mời gọi chúng ta suy tư về hai chủ đề chính: thời kỳsám hối.

Trong văn bản của Thánh sử Máccô, thời kỳ được hiểu là một quãng thời gian của lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện; vì thế, thời kỳ “đã mãn” tức là trong đó hoạt động của ơn cứu độ đạt đến đỉnh điểm, được thực hiện trọn vẹn: nó là thời điểm lịch sử khi Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế và Vương quốc của Người trở nên “gần gũi” hơn bao giờ hết. Thời kỳ của ơn cứu độ đã mãn vì Chúa Giêsu đã đến. Tuy nhiên, ơn cứu độ không mang tính máy móc; ơn cứu độ là một món quà của tình yêu và do vậy được trao ban cho sự tự do của con người. Trong mọi lúc khi chúng ta nói về tình yêu là chúng ta nói về tự do: một tình yêu không có tự do không phải là tình yêu; nó có thể mang tính lợi ích, nó có thể là sự sợ hãi, nhiều thứ, nhưng tình yêu luôn luôn là tự do, và vì là tự do nên nó kêu gọi một sự đáp trả tự do: nó kêu gọi sự sám hối của chúng ta. Do vậy, nó có nghĩa là thay đổi não trạng – đây là sự sám hối, thay đổi não trạng – và thay đổi cuộc sống: không còn đi theo những mẫu gương của thế gian nhưng là mẫu gương của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu; noi gương Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu đã làm, và như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Nó là một sự thay đổi dứt khoát về cách nhìn và thái độ. Thật vậy, tội – trên hết tội lỗi của thế gian giống như không khí, nó thấm nhập vào mọi thứ – mang đến một não trạng hướng đến việc khẳng định bản thân chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Điều này thật lạ lùng … Căn tính của bạn là gì? Và thường khi chúng ta nghe nói rằng căn tính của con người được diễn đạt theo thuật ngữ “đối kháng”. Rất khó để diễn tả căn tính của con người theo não trạng thế gian bằng những thuật ngữ tích cực và ơn cứu chuộc: nó chống lại chính mình, chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Và vì lý do này nó không ngần ngại – não trạng của tội lỗi, não trạng của thế gian – sử dụng sự lừa dối và bạo lực. Lừa dối và bạo lực. Chúng ta nhìn thấy chuyện gì xảy ra đối với sự lừa dối và bạo lực: tham lam, khát khao quyền lực mà không phải là phục vụ, chiến tranh, bóc lột con người … Đây là não trạng của sự lừa dối chắc chắn bắt nguồn từ cha đẻ của sự lừa dối, kẻ lừa gạt vĩ đại, ma quỷ. Hắn là cha đẻ của sự lừa dối, như Chúa Giêsu đã định nghĩa về hắn.

Thông điệp của Chúa Giêsu chống lại tất cả điều này, Ngài mời gọi chúng ta nhìn nhận rằng mình cần đến Thiên Chúa và ân sủng của Người; có một thái độ công bằng đối với của cải trên mặt đất; chào đón và khiêm nhường đối với người khác; hiểu biết và hoàn thiện bản thân trong sự gặp gỡ và phục vụ người khác. Đối với mỗi người chúng ta, thời gian mà chúng ta có thể nhận được sự cứu độ là rất ngắn: đó là quãng thời gian của đời sống chúng ta trên thế gian này. Nó rất ngắn. Có thể nó có vẻ là lâu dài .... Cha nhớ một lần cha đi thực hiện các Bí tích, Xức Dầu Bệnh nhân cho một cụ già rất tốt, rất tốt lành, và trong giây phút đó, trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh nhân, cụ ông nói với cha câu này: “Cuộc sống của con trôi qua quá nhanh”. Đây là cách chúng tôi, những người cao tuổi, cảm nhận về cuộc sống đã qua đi. Nó đã trôi qua. Và sự sống là món quà tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nhưng cũng là thời gian để chúng ta chứng minh tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Vì lý do này, mỗi giây phút, mỗi giây phút sống của chúng ta là thời gian quý báu để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận, và nhờ đó bước vào cuộc sống đời đời.

Lịch sử cuộc sống của chúng ta có hai nhịp điệu: một, có thể đo lường, được xây dựng bằng giờ phút, ngày, năm tháng; nhịp điệu còn lại, bao gồm các thời kỳ phát triển của chúng ta: chào đời, thời thơ ấu, thời niên thiếu, trưởng thành, tuổi già, chết. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng của nó, và có thể là một khoảnh khắc đặc biệt để gặp gỡ Chúa. Đức tin giúp chúng ta khám phá ý nghĩa thiêng liêng của những giai đoạn này: mỗi giai đoạn đều có một lời kêu gọi cụ thể của Chúa, mà chúng ta có thể đáp lại bằng câu trả lời tích cực hoặc tiêu cực. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã trả lời như thế nào: các ông là những người trưởng thành; các ông có công việc của những người ngư phủ, các ông có cuộc sống gia đình của riêng .... Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi ngang qua và gọi họ, “ngay lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1:18).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn chú ý và đừng để Chúa Giêsu đi ngang qua mà không chào đón Ngài. Thánh Augustinô nói “Tôi sợ Chúa khi Người đi ngang qua”. Ngài sợ điều gì? Sợ là không nhận ra Người, không nhìn thấy Người, không chào đón Người.

Xin Đức Maria Trinh nữ giúp chúng ta sống mỗi ngày, mỗi giây phút như là thời gian của ơn cứu độ, trong đó Chúa đi ngang qua và kêu gọi chúng ta đi theo Người, mọi giây phút của cuộc sống chúng ta. Và xin Mẹ giúp chúng ta biến đổi não trạng của thế gian, là não trạng ảo tưởng của thế gian giống như pháo bông, chuyển thành tâm tình yêu thương và phục vụ.

______________________________________________


Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến, Chúa nhật này dành riêng cho Lời Chúa. Một trong những ân tứ lớn lao của thời đại chúng ta là việc tái khám phá Kinh Thánh trong đời sống của Giáo hội ở mọi cấp độ. Chưa bao giờ mọi người có thể tiếp cận được Kinh Thánh như ngày nay: bằng tất cả các ngôn ngữ và hiện giờ có cả những định dạng nghe nhìn và kỹ thuật số. Thánh Giêrônimô, thuộc thế kỷ thứ 16 và ngày qua đời của ngài gần đây tôi đã nhắc lại, nói rằng những người bỏ qua Kinh thánh là bỏ qua chính Chúa Kitô; những người bỏ qua Kinh thánh là bỏ qua chính Chúa Kitô (xem In Isaiam Prol.). Và ngược lại, chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời trở nên người phàm, đã chết và đã sống lại, là Đấng đã mở trí cho chúng ta để hiểu Kinh Thánh (xem Lc 24,45). Điều này xảy ra một cách đặc biệt trong Phụng vụ, nhưng cũng xảy ra khi chúng ta cầu nguyện một mình hoặc cầu nguyện theo nhóm, đặc biệt với Tin Mừng và với Thánh Vịnh. Cha cảm ơn và động viên các giáo xứ vì cam kết kiên trì của họ giáo dục sự lắng nghe và lắng nghe Lời Chúa. Xin cho chúng ta không bao giờ thiếu niềm vui gieo rắc Tin Mừng. Và cha xin nhắc lại một lần nữa: ước mong rằng chúng ta có thói quen, ước mong rằng chúng ta có thói quen luôn mang theo một quyển Tin Mừng nhỏ trong túi, trong cặp, để có thể đọc trong ngày, ít nhất là ba, bốn câu. Tin Mừng luôn đi theo chúng ta.

Ngày 20 tháng Một vừa qua, cách Quảng trường Thánh Phêrô vài mét, một người đàn ông Nigeria 46 tuổi vô gia cư tên là Edwin được tìm thấy đã chết do giá lạnh. Vụ việc của anh ấy được cộng thêm vào với quá nhiều trường hợp người vô gia cư khác gần đây đã chết ở Roma trong cùng một hoàn cảnh bi thảm. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh Edwin. Chúng ta hãy để cho mình bị đánh động bởi những điều Thánh Grêgôriô Cả đã nói, trước cái chết vì giá lạnh của một người hành khất ngài đã tuyên bố rằng ngày hôm đó sẽ không cử hành Thánh lễ vì nó giống như Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta hãy nghĩ về anh Edwin. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì người đàn ông 46 tuổi này cảm nhận, trong giá rét, bị mọi người làm ngơ, bị bỏ rơi, kể cả chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ấy.

Chiều mai, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, chúng ta sẽ cử hành giờ Kinh Chiều cho Lễ Thánh Phaolô Tông đồ Trở lại, để kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, cùng với đại diện của các Giáo hội và cộng đoàn hội thánh khác. Cha mời anh chị em cùng thông công cầu nguyện.

Hôm nay cũng là ngày kính nhớ Thánh Francis de Sales, Thánh Bổn mạng của các nhà báo. Hôm qua, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông, có tựa đề “Hãy đến và xem,” đã được phổ biến. Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người với chính con người và hoàn cảnh của họ”. Tôi động viên tất cả các ký giả và người làm truyền thông hãy “đi và xem”, ngay cả khi không ai muốn đến, và làm chứng cho sự thật.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em được kết nối qua phương tiện truyền thông. Xin hãy nhớ đến và dành lời cầu nguyện cho những gia đình đang phải chật vật nhiều hơn trong giai đoạn này. Hãy can đảm, chúng ta tiến bước! Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình này, và với mức độ nếu có thể chúng ta hãy trở thành người lân cận của họ. Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/1/2021]


Những vị thánh dùng sự tức giận chính đáng cho công việc của Thiên Chúa

Những vị thánh dùng sự tức giận chính đáng cho công việc của Thiên Chúa

Những vị thánh dùng sự tức giận chính đáng cho công việc của Thiên Chúa

Public Domain | Fair Use

Meg Hunter-Kilmer

16/01/21

Một tính cách nóng nảy được trui rèn trong nhân đức có thể mang đến những điều tuyệt vời cho vương quốc của Đức Kitô.

Mặc dù sự giận dữ có thể dễ dàng biến thành một nỗi đam mê điều khiển chúng ta, nhưng nó vốn dĩ không phải là sự dữ. Như Sách Giáo lý dạy chúng ta, “Các đam mê là thành phần tự nhiên của sinh hoạt tâm lý con người.” Thật vậy, Thánh Tôma Aquinô nói, “Thiếu tức giận cũng là một khuyết điểm,” và một trích dẫn trong tài liệu thường được cho là của Thánh John Chrysostom nói rằng, “Một người cũng mắc tội vì không tức giận khi người đó có lý do.”

Chắc chắn có nhiều điều đáng để chúng ta tức giận chính đáng trong thế giới của mình, và người Kitô hữu phải đáp trả điều ác và những bất công bằng sự tức giận thánh thiện thúc đẩy chúng ta cầu nguyện và hành động. Chúng ta phải chống lại cám dỗ trở nên quá quen thuộc với điều ác đến nỗi chúng ta không còn thấy bị sỉ nhục; ngược lại, chúng ta cũng đừng bao giờ cho phép sự tức giận điều khiển chúng ta.

Khi chúng ta tìm cách đáp trả trước cái ác một cách chính đáng, các thánh là những người không e ngại lớn tiếng bảo vệ cho công bằng có thể đồng hành và can thiệp cho chúng ta.

Thánh Eulalia of Mérida (292-304) là một trinh nữ thánh hiến 12 tuổi dịu dàng, đã giận dữ trước cuộc bách hại người Kitô hữu. Mặc dù thân phụ mẫu thánh nữ cố gắng ngăn cản thánh nữ đối đầu với các quan chức liên quan đến cuộc bách hại, Eulalia đã lẻn ra ngoài và chạy vào thành, nơi cô thiếu nữ mắng mỏ viên quan tòa và lính của ông ta vì sự sùng bái ngẫu thần của họ và cố gắng lèo lái người Kitô hữu đi lầm đường lạc lối, cuối cùng thánh nữ kêu lên: “Những con người khốn nạn! Ta sẽ chà đạp thần thánh của các người dưới chân ta! ” Cô tiếp tục nhổ nước bọt vào mặt quan tòa và đạp đổ ngẫu thần của ông ta và chịu tử đạo vì cơn bốc giận của mình.

Thánh Nicholas (270-343) không ngại thể hiện sự tức giận chính đáng, và không chỉ trong cuộc tấn công vào nhóm lạc giáo Arius tại công đồng Nicaea. Có một lần (sau một chuyến đi trở về) ngài nghe chuyện ba người đã bị kết án tử. Thánh Nicholas chạy vào thành, đến chỗ những người bị kết án vừa kịp lúc để giữ lại thanh gươm từ tay của đao phủ và giải thoát cho những người kia trước khi lao vào thành để chửi mắng quan trong thành là người đã kết án những người đàn ông để đổi lấy một cô dâu. Ngài hét lên, “Kẻ giết người phạm thượng! Ta sẽ không dung thứ hoặc tha thứ cho ngươi!” Khi viên quan hối lỗi và xin lỗi những người bị kết án, Đức Giám mục Nicholas hân hoan khi thấy rằng cơn tức giận công chính của ngài đã sinh hoa trái và tha thứ cho viên quan.

Thánh Columba Ki Hyo-im (1814-1839) là một trinh nữ người Triều Tiên. Bị bắt vì đức tin cùng với em gái là Thánh Agnes Kim Hyo-ju, thánh nữ bị lột trần truồng, bị tra tấn, và bị ném vào một ô nhà tù đầy những tù nhân nam tồi tệ nhất. Cuối cùng khi hai chị em bị đem đến trước mặt quan tòa và kết án tử, Columba đã miêu tả sự tấn công tình dục mà hai người đã phải chịu đựng với sự giận dữ khó có thể kìm nén. Thánh nữ nói: “Dù cô gái ấy là con của một nhà quý tộc hay một thường dân, thì trinh tiết của một cô gái trẻ có quyền được tôn trọng. Nếu ông muốn giết tôi theo luật của đất nước, tôi sẵn sàng chấp nhận hình phạt. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng phải chịu đựng những sự sỉ nhục không thuộc về luật là đúng đắn, và tôi phản đối lại chúng.” Viên quan tòa ra lệnh phạt những kẻ chịu trách nhiệm, nhưng Columba và Agnes cũng chịu tử vì đạo theo cách như vậy.

Chân phước Francisco de Paula Victor (1827-1905) là linh mục người Brazil da đen đầu tiên. Mặc dù ngài đáp lại sự phân biệt chủng tộc mà ngài phải chịu đựng trong suốt cuộc đời của mình một cách hiền lành, khi là một đứa trẻ nô lệ, một chủng sinh và thậm chí là một linh mục, nhưng việc ngài sẵn sàng chịu đựng sự ngược đãi là đối với riêng bản thân ngài chứ không phải người khác. Một lần, một đám đông có vũ trang đến thị trấn với ý định đốt nhà của một người theo chủ nghĩa bãi nô, người đó đang cho những nô lệ bỏ trốn chỗ trú ngụ. Cha Victor đứng tại cổng dẫn vào thị trấn, cầm một cây thánh giá để cho những người này nhìn thấy khuôn mặt đẫm máu của Đấng Cứu Độ đã trở thành nô lệ vì họ. Ngài hét lên, “Mời vào! Mời vào! Nhưng hãy bước qua xác linh mục của các anh đã.” Họ rút lui và nhiều người đã được cứu sống trong đêm đó.

Chân phước Emilian Kovch (1884-1944) là một linh mục Công giáo Ukraine, là người chồng và người cha, người đã nhiều lần liều mạng rao giảng chống lại thành kiến và chủ nghĩa bài Do Thái. Trong một lần, quân đội Đức Quốc xã đã dồn đuổi một số người Do Thái địa phương vào trong một giáo đường Do Thái và ném bom lửa vào bên trong. Không quan tâm đến sự an toàn của bản thân, Cha Kovch chạy đến hội đường, chặn các cửa ra vào, và giận dữ quát đuổi những người lính cút đi. Trước sự kinh ngạc của mọi người, những người lính đã làm theo! Sau khi trừng mắt nhìn vào đám lính Đức Quốc xã, Cha Kovch vội chạy vào hội đường Do Thái để cứu những người đang bị thiêu cháy bên trong. Những cố gắng để bảo vệ người Do Thái thoát khỏi Đức Quốc xã đã dẫn đến việc ngài bị bắt và chết trong trại tập trung.

Tôi tớ Chúa Dorothy Day (1897-1980) có một tính khí mạnh mẽ. Tuy nhiên, thay vì kìm nén nó, ngài lại chọn cách chuyển hướng tính nóng giận đó để chống lại sự bất công, nghèo đói và phổ biến vũ khí hạt nhân. Một người đàn ông có quen biết ngài có lần nói: “Chị ấy đã ở nhà tôi một đôi lần và chị luôn tức giận. Các vị thánh đâu có tức giận…” Ông ta dường như không hiểu được sức mạnh mà sự tức giận có thể tạo ra khi dùng để phục vụ Chúa. Và trong khi Day vẫn tiếp tục chiến đấu với sự nóng nảy của mình (nói với một người đã yêu cầu chị giữ bình tĩnh, “Tôi giữ bình tĩnh trong một phút còn nhiều hơn so với bạn sẽ làm trong cả đời”), chị nhận ra rằng Chúa sử dụng sự nóng nảy của mình để đạt kết quả lớn trong vai trò là người sáng lập Phong trào Công nhân Công giáo.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/1/2021]


Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Người vô gia cư được tiêm vaccine Covid tại Vatican

Người vô gia cư được tiêm vaccine Covid tại Vatican

Người vô gia cư được tiêm vaccine Covid tại Vatican

© Vatican Media

Kathleen N. Hattrup

20/01/21

Một nhóm đầu tiên khoảng 25 người được tiêm vaccine, thêm nhiều người khác được lên lịch tiêm trong những ngày sắp tới.

Khoảng 25 người vô gia cư được tiêm vaccine Covid-19 trong Khán phòng Phaolô VI ngày 20 tháng Một; họ là một nhóm người thường được hỗ trợ bởi Văn phòng Bác ái Giáo hoàng. Những người khác sẽ nhận được vaccine trong những ngày sắp tới.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo sáng kiến cùng với một thông cáo trong cùng ngày. Đức Thánh Cha Phanxico mong muốn rằng một phần của các đợt tiêm vaccine trong chiến dịch tiêm vaccine tại Vatican sẽ dành cho người thiếu thốn nhất.

Một trong những người nhận liều vaccine đầu tiên là Mario, ông nói với Michele Raviart của Vatican News rằng bây giờ ông cảm thấy có “sự an toàn ngoài mong đợi.”

“Chúng tôi cảm ơn Đức Thánh Cha về món quà này,” ông Mario nói thay mặt cho 24 người có mặt trong sáng thứ Tư.

Nhóm đầu tiên là những người nhận được nơi cư ngụ và hỗ trợ trong nhiều cơ sở do Giáo hội điều hành gần Vatican. Họ là những người đàn ông và đàn bà tuổi 60 hoặc cao hơn, là công dân Ý và người nước ngoài, nhiều người phải chiến đấu với những khó khăn về sức khỏe.

Người vô gia cư được tiêm vaccine Covid tại Vatican

© Vatican Media

“Không ai được cứu thoát một mình”

Cùng hợp tác với sáng kiến, ông Carlo Santoro thuộc Cộng đoàn Sant’Egidio giáo dân Công giáo nói nó phù hợp với niềm tin của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “không ai được cứu thoát một mình.”

Đức Thánh Cha lặp lại nhiều lần rằng vaccine cần phải được cung cấp sẵn sàng cho mọi người, kể cả những người trong các quốc gia nghèo. Ngài đặc biệt nhấn mạnh lời kêu gọi của ngài vào Ngày Lễ Giáng Sinh:

Trong lời chào truyền thống cùng với phép lành Giáng sinh urbi et orbi, ngài cảnh báo chống lại “virus chủ nghĩa cá nhân cấp tiến” khiến chúng ta trở nên thờ ơ trước sự đau khổ của những người anh chị em khác.”

“Tôi không thể đặt mình lên trước những người khác, để cho luật thị trường và bản quyền sáng chế vượt trên luật yêu thương và sức khỏe con người. Tôi kêu gọi mọi người – các nhà lãnh đạo chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế – thúc đẩy sự hợp tác mà không phải là sự cạnh tranh, và tìm ra giải pháp cho mọi người: vaccine cho tất cả mọi người, đặc biệt cho người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất trên mọi miền của hành tinh. Trước tất cả mọi người khác là người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất!”

Ngài cầu nguyện, “Vì vậy, xin Trẻ thơ Bêlem giúp chúng ta trở nên quảng đại, hỗ trợ và giúp đỡ.”

“Đứng trước thách thức vượt mọi biên giới, chúng ta không thể dựng lên những bức tường. Tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền. Mọi người khác là anh em của tôi hoặc chị em của tôi. Trong mọi người, tôi nhìn thấy phản ánh dung nhan của Chúa, và trong những người đau khổ, tôi nhìn thấy Chúa cầu xin tôi giúp đỡ. Tôi nhìn thấy Ngài trong người bệnh, người nghèo, người thất nghiệp, người bị gạt ra bên lề, người di cư và tị nạn: tất cả là anh chị em!”

Người vô gia cư được tiêm vaccine Covid tại Vatican
© Vatican Media

Bàn tay của Chúa Giêsu

Cộng đoàn Sant’Egidio có trụ sở tại Roma, tận hiến cho việc phục vụ người nghèo là một chứng tá cụ thể của khó khăn quá lớn mà người nghèo trải qua từ khi đại dịch bắt đầu.

Santoro nêu bật lên rằng Covid thậm chí đã ảnh hưởng đến cả những điều đơn giản nhất như “nhận quà bác ái hoặc một chiếc bánh sandwich đơn giản từ những cửa hàng đã đóng cửa.”

Văn phòng Bác ái Giáo hoàng, do Đức Hồng y Konrad Krajewski điều hành, có mặt tại chỗ để hỗ trợ những người được tiêm vaccine trong Vatican. Bản thân Đức Hồng y Krajewski đã phải nhập viện do nhiễm virus trước Giáng sinh.

Văn phòng đã và đang đem đến sự trợ giúp của giáo hoàng cho những người thiếu thốn nhất và dễ bị tổn thương nhất từ khi đại dịch bắt đầu. Vào ngày Giáng sinh, 4.000 trường hợp xét nghiệm Covid-19 đã được thực hiện cho người vô gia cư ở Roma, đồng thời thuốc, khẩu trang và máy thở được trao tặng trên toàn thế giới.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2021]