Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Tông đồ Công vụ (Cv 5: 12,15-16)

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Tông đồ Công vụ (Cv 5: 12,15-16)
Vatican Media

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Tông đồ Công vụ (Cv 5: 12,15-16)

‘Chúng ta cũng hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho sức mạnh để không sợ hãi trước những kẻ bắt chúng ta phải im lặng, những kẻ phỉ báng chúng ta và thậm chí chống lại đời sống chúng ta’

28 tháng Tám, 2019 13:24

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “khi ông Phê-rô đi qua …” (Cv 5:15); Phê-rô là chứng nhân quan trọng của Đấng Phục sinh. (Trích đoạn: sách Tông đồ Công vụ, 5:12.15-16).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cộng đoàn hội thánh được mô tả trong sách Tông đồ Công vụ sống quá đỗi phong phú như vậy, theo sự sắp đặt của Thiên Chúa — Thiên Chúa vô cùng quảng đại! –, đến mức cộng đoàn phát triển rất lớn về con số và là một lớp men bột lớn, cho dù có những sự tấn công từ bên ngoài. Để cho chúng ta thấy được sức sống này, Thánh Lu-ca chỉ cho chúng ta thấy những nơi cụ thể, chẳng hạn như Đền Salomon (Portico) (x. Cv 5:12) là điểm họp mặt của các tín hữu. Portico (stoa) là một tòa nhà mở sử dụng như một nơi trú ngụ, nhưng cũng là một nơi hội họp và làm chứng nhân. Đó là nơi Chúa Giê-su đến trong các ngày lễ lớn (x. Ga 10:23); nơi người què được chữa lành bước đi bên cạnh Phê-rô và Gioan và là nơi Phê-rô rao giảng cho mọi người, giải thích rằng niềm tin vào danh Chúa Giê-su đã làm cho việc chữa lành đó được thực hiện (x. Cv 3:11). Vì vậy, Portico là nơi biến cố của Đức Ki-tô được thông truyền qua lời nói, làm lay động các tâm hồn và có thể chạm đến và chữa lành thân thể. Thật vậy, Lu-ca nhấn mạnh vào những dấu chỉ và những điều phi thường đi cùng với lời nói của các Tông đồ trong việc chăm sóc đặc biệt cho người bệnh mà các ông dành tâm sức cho họ.

Trong chương của Công vụ, Giáo hội mới khai sinh thể hiện mình như một “nhà thương di động”, đón nhận những con người yếu đuối nhất, cụ thể đó là bệnh nhân. Sự đau khổ của họ cuốn hút các Tông đồ, là những người “vàng bạc đều không có” (Cv 3:6) — Phê-rô nói như vậy với người què — nhưng các ông rất vững mạnh trong danh của Chúa Giê-su. Trước mắt các tông đồ, cũng như trước mắt người Ki-tô hữu của mọi thời đại, bệnh nhân là những người thụ hưởng đặc quyền của sự loan báo tin vui Nước Trời; họ là những người anh em mà qua đó Đức Ki-tô hiện diện theo một cách đặc biệt, chúng ta hãy đi tìm kiếm họ (x. Mt 25:36.40). Bệnh nhân là người được đặc ân của Giáo hội, của trái tim người tư tế, của tất cả mọi người tín hữu. Họ không phải là người bị chối bỏ; ngược lại, họ là người để được chăm sóc và bảo vệ. Họ là mục tiêu quan tâm của người Ki-tô hữu.

Giữa các Tông đồ, Phê-rô nổi lên, là người nổi bật từ trước trong nhóm các tông đồ như là người đứng đầu (x. Mt 16:18) và sứ mạng đón nhận từ Đấng Phục sinh (x. Ga 21:15-17). Chính ông là người mở ra con đường rao giảng lời Chúa trong ngày Lễ Ngũ tuần (x. Cv 2:14-41) và là người thực hiện vai trò hướng dẫn tại Công đồng Giê-ru-sa-lem (x. Cv 15 và Gl 2:1-10).

Phê-rô tiến đến các băng cáng và đi qua các bệnh nhân như Chúa Giê-su đã làm, đón lấy cho bản thân ngài sự mỏng dòn và bệnh tật của họ (x. Mt 8:17; Is 53:4). Người ngư phủ của Galilê không còn chài lưới cá nữa nhưng được kêu gọi để chài lưới tâm hồn của những người đón nhận sự sống của Chúa Ki-tô: ông không là vai chính. Ông chỉ đi qua, nhưng ông để cho một Đấng khác tỏ lộ: Đức Ki-tô hằng sống và hoạt động! Thật vậy, một chứng nhân là người làm tỏ lộ Đức Ki-tô, bất kể đó là bằng lời nói, bằng sự hiện diện thể lý, để tường thuật về Người và là sự nối dài Lời trở nên nhục thể trong lịch sử. Phê-rô là người thực hiện những công trình của Thầy (x. Ga 14:12: nhìn đến ông bằng con mắt đức tin thì sẽ nhìn thấy chính Đức Ki-tô. Được đổ tràn đầy Thần Khí của Chúa, Phê-rô đi qua mà không làm bất cứ điều gì, bóng của ông trở thành sự “chăm sóc” chữa lành, trở thành sự thông truyền sức khỏe, sự tuôn đổ lòng nhân từ của Đấng Phục sinh, là Đấng cúi xuống trước người bệnh và phục hồi lại sự sống, ơn cứu độ, phẩm giá. Từ đó, Thiên Chúa thể hiện sự gần gũi của Người và làm cho những vết thương của con cái Người trở thành “nơi của lòng nhân hậu của Người theo thần học” (Tĩnh tâm sáng, nhà nguyện Thánh Martha, 14.12.2017). Trong những vết thương của người bệnh, trong những căn bệnh làm trở ngại để tiến bước trong cuộc sống, luôn có sự hiện diện của Chúa Giê-su, vết thương của Chúa Giê-su. Chính Chúa Giê-su kêu gọi từng người chúng ta chăm sóc họ, hỗ trợ họ, chữa lành họ. Hoạt động chữa lành của Thánh Phê-rô gây nên sự ganh ghét và đố kỵ nơi người Sa-đu-xê, họ tống ngục các Tông đồ, và bối rối trước sự giải phóng huyền nhiệm của các ngài, họ đã cấm các ngài giảng dạy. Những con người này nhìn thấy phép lạ các Tông đồ làm không phải là phép thuật, nhưng nhân danh Chúa Giê-su, nhưng họ không muốn chấp nhận điều đó và tống giam các ông; họ đánh đòn các ông. Rồi các ông được thoát khỏi ngục một cách kỳ diệu, nhưng tâm hồn của người Sa-đu-xê quá chai đá đến mức họ không muốn tin những gì họ chứng kiến. Và Phê-rô trả lời, đưa ra điểm then chốt của đời sống Ki-tô hữu: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5:29), vì họ — người Sa-đu-xê — nói: “Các anh không được phép tiếp tục làm những việc này; các anh không được chữa bệnh.” “Tôi vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người,” đây là câu trả lời tuyệt vời của người Ki-tô hữu. Điều này có nghĩa là nghe lời Thiên Chúa không lưỡng lự, không trì hoãn, không tính toán; gắn kết với Người để có thể trở nên bạn hữu với Người và với những người chúng ta gặp gỡ trên con đường của chúng ta.

Chúng ta cũng hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho sức mạnh để không sợ hãi trước những kẻ bắt chúng ta phải im lặng, những kẻ phỉ báng chúng ta và thậm chí chống lại đời sống chúng ta. Chúng ta hãy xin Người củng cố tinh thần cho chúng ta để vững tin về sự hiện diện đầy yêu thương và an ủi của Chúa bên chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Tiếng Ý

Cha gửi lời chào những người tham dự trong chuyến hành hương của Ukraine [các tín hữu đáp lại bằng lời chào bằng tiếng Ukraine].

Cha rất vui được chào đón các Nữ tu Dòng Thánh Anne; Dòng Tiểu muội Đức Nữ Đồng trinh Diễm phúc Vô nhiễm Nguyên tội và các tham dự viên trong cuộc họp mặt mùa hè cho các chủng sinh, do Opus Dei tổ chức.

Cha gửi lời chào các thiếu niên Thêm sức của Giáo phận Verona; các thiếu niên thêm sức của Giáo phận Chiavari cùng với Đức Giám mục, Đức ông Alberto Tanasino; và các thiếu niên Thêm sức của giáo phận Lucca cùng với Đức Giám mục, Đức ông Paolo Giulietti.

Cha xin chào tín hữu của các giáo xứ Ficulle và Dragonara di Potenza; và Hiệp hội Oncologic Hemopathic Child.

Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, ông bà cao tuổi, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới.

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Kính Thánh Augustine, Giám mục và Tiến sĩ Hội thánh. Cha mời gọi tất cả anh chị em hãy cho phép bản thân được truyền cảm hứng bởi sự thánh thiện và giáo lý của ngài. Cùng với ngài, tái khám phá con đường nội tâm dẫn về Thiên Chúa và đến với những anh em túng thiếu nhất của chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/8/2019]


Đạp dập đầu Satan trong đời sống của bạn bằng 10 câu nói đầy sức mạnh của Thánh Giáo hoàng Piô X

Đạp dập đầu Satan trong đời sống của bạn bằng 10 câu nói đầy sức mạnh của Thánh Giáo hoàng Piô X

21 tháng Tám, 2019
Đạp dập đầu Satan trong đời sống của bạn bằng 10 câu nói đầy sức mạnh của Thánh Giáo hoàng Piô XPublic Domain

Thánh Giáo hoàng Piô X là một nguồn cảm hứng quá lớn cho người Công giáo!

Sinh trong một gia đình người Ý nghèo có 10 người con, vị giáo hoàng đầu tiên của thế kỷ 20 này được biết đến nhiều nhất vì những cải tổ về phụng vụ và giáo luật. Trong suốt triều đại giáo hoàng 11 năm của ngài (1903-1914), ngài luôn giữ đúng câu khẩu hiệu, Instaurare Omnia in Christo, hoặc “Thiết lập lại mọi điều trong Đức Ki-tô.”

Thánh Giáo hoàng Piô X trước hết thay đổi việc Rước Lễ lần đầu được sớm hơn (bảy tuổi), khuyến khích thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể, và giữ một lòng sùng kính mạnh mẽ với Đức Mẹ.

Ngài cũng là một nhà biện hộ chống lại thần học duy tân, khuyến khích giáo dân đọc Kinh Thánh, khôi phục lại Bình ca, “sửa lại Kinh Nhật tụng, tái tổ chức giáo triều, và khởi động công việc soạn giáo luật.”

Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên phong thánh Thánh Giáo hoàng Piô X năm 1958.

Dưới đây là 10 câu trích dẫn của Thánh Giáo hoàng Piô X để giúp chúng ta đè bẹp đầu Satan trong đời sống của chúng ta:

1) “Đâu là con đường dẫn chúng ta đến với Đức Giê-su Ki-tô? Nó ở ngay trước mắt chúng ta: đó là Giáo hội. Trách nhiệm của chúng ta là nhắc nhở mọi người, người vĩ đại cũng như người nhỏ bé, về sự tuyệt đối cần thiết rằng chúng ta phải trông cậy vào Giáo hội này để tìm được ơn cứu độ đời đời.”

2) “Tôi sinh ra nghèo, tôi đã sống nghèo, và tôi ước mong được chết nghèo.”

3) “Tất cả sức mạnh của thế lực Satan đều tùy vào sự dễ dãi yếu đuối của người Công giáo.” 

4) “Kinh Mân côi là lời kinh đẹp nhất và giàu có ơn sủng nhất trong các lời kinh, đó là lời kinh chạm nhiều nhất đến Trái tim của Mẹ Thiên Chúa … và nếu anh chị em muốn có bình an ngự trị trong gia đình, hãy đọc Kinh Mân côi gia đình.”

5) “Rước Thánh Thể là con đường ngắn nhất và an toàn nhất để lên Thiên Đàng.”

6) “Rõ ràng trong tâm hồn của tất cả mọi người đều có khao khát bình an. Nhưng thật khờ dại biết bao khi con người tìm kiếm sự bình an ngoài Thiên Chúa; vì nếu Thiên Chúa bị gạt ra ngoài, thì công bình sẽ bị xóa bỏ, và khi công bình không có thì mọi hy vọng và sự bình an sẽ mất.”

7) “Điều cần thiết là mọi trẻ em phải được nuôi dưỡng bằng Đức Ki-tô trước khi chúng bị thống trị bởi những đam mê của chúng, để chúng có thể dũng cảm để chống lại với những sự tấn công của ma quỷ, của xác thịt, và của những kẻ thù khác, bất kể từ bên trong hay từ bên ngoài.”

8) “Chắc chắn chúng ta sẽ trải qua những thời gian bất hạnh khi mà chúng ta có thể thốt lên lời kêu ca của Ngôn sứ: ‘Chẳng có tín thành, chẳng có ân nghĩa, cũng chẳng có sự hiểu biết Thiên Chúa’ (Hs 4:1).

“Nhưng giữa cơn phong ba của sự ác, Đức Nữ Đồng Trinh đầy Lòng Thương xót hiện lên trước mắt chúng ta như một cầu vồng, như một trọng tài giữa Thiên Chúa và con người.”

9) “Chướng ngại lớn nhất trong chức vị tông đồ của Giáo hội là tính hay sợ hãi, hoặc là tính nhút nhát của người tín hữu.”

10) “Hãy để cho phong ba nổi cơn thịnh nộ và bầu trời tối đen – nhưng không để những điều đó làm chúng ta hoảng sợ. Nếu chúng ta tín thác nơi Mẹ Maria, chúng ta sẽ nhận ra Mẹ, Đức Nữ Đồng Trinh Quyền Thế nhất ‘là người với bàn chân tinh tuyền đã đạp dập đầu con rắn.’”

Xin Thánh Giáo hoàng Piô X cầu cho chúng con!



[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/8/2019]