Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Mùa Chay, Hành trình của Hy vọng

TIẾP KIẾN CHUNG: Mùa Chay, Hành trình của Hy vọng

‘Mùa Chay là dấu chỉ bí tích của hành trình của chúng ta từ tình trạng nô lệ thành tự do, được canh tân — một hành trình chắc chắn khó khăn, nhưng là một hành trình ngập tràn hy vọng.
1 tháng Ba, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Mùa Chay, Hành trình của Hy vọng
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến Chung được tổ chức lúc 9:30 sáng nay, Thứ Tư Lễ Tro, trong Quảng Trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và từ khắp nơi trên thế giới.
Tiếp tục loạt giáo lý về niềm hy vọng của người Ki-tô hữu, trong bài huấn giáo bằng tiếng Ý của ngài, Đức Thánh Cha tập trung suy tư vào chủ đề: “Mùa Chay, Hành trình của Hy vọng” (Xh 3:7-8.10).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi những lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo huấn của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay, Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta bước vào Phụng Vụ Mùa Chay. Và như vậy chúng ta đã đi theo một loạt bài giáo lý về sự cậy trông của người Ki-tô hữu, hôm nay tôi muốn trình bày Mùa Chay cho anh chị em như một hành trình của hy vọng.
Quả thật, viễn cảnh ngay lập tức trở nên hiển nhiên trước mắt nếu chúng ta nghĩ rằng Giáo hội chọn Mùa Chay như là một thời gian để chuẩn bị cho sự Phục Sinh, và vì thế, toàn bộ ý nghĩa của bốn mươi ngày này lấy ánh sáng từ mầu nhiệm vượt qua, mà nó hướng về. Chúng ta có thể hình dung ra Thiên Chúa Sống Lại, Người gọi chúng ta bước ra khỏi bóng đêm đen, và chúng ta khởi hành lên đường đến với Ngài, Đấng là Ánh sáng. Và Mùa Chay là một hành trình tiến đến với Chúa Giê-su Phục sinh, nó là một khoảng thời gian của sự sám hối, của sự tiết dục, nhưng không chỉ dừng lại ở việc đó, nó được hướng đến để làm cho chúng ta cùng sống lại với Đức Ki-tô, để canh tân giá trị bí tích rửa tội của chúng ta, cụ thể là, được tái sinh “bởi ơn trên,” bởi tình yêu của Thiên Chúa (x. Ga 3:3). Như vậy lý do của Mùa Chay, một thời gian của hy vọng.
Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc này, chúng ta phải xem lại trải nghiệm ban đầu của cuộc xuất hành của dân Israel khỏi Ai-cập, được Kinh Thánh tường thuật trong Quyển sách cùng tên: Sách Xuất Hành. Lý do của cuộc xuất hành này là tình trạng làm nô lệ ở Ai-cập, áp bức, lao động khổ sai. Tuy nhiên, Thiên Chúa không quên dân Người và lời hứa của Người: Người gọi ông Môi-sê, và với cánh tay uy quyền, Người đã đưa dân Israel ra khỏi Ai-cập về miền đất tự do. Trong suốt hành trình từ nô lệ đến tự do, Đức Chúa trao cho dân Israel Lề Luật, dạy họ biết yêu mến Ngài, chỉ mình Ngài, và yêu tha nhân như anh em của mình. Kinh Thánh cho biết chuyến xuất hành kéo rất dài và đầy trắc trở: nó kéo dài suốt 40 năm, tức là suốt một thế hệ. Một thế hệ khi gặp những thử thách trên hành trình, luôn bị cám dỗ tiếc nuối về Ai-cập và muốn quay trở lại. Chúng ta cũng biết cám dỗ muốn quay lại lối cũ, tất cả chúng ta. Nhưng Thiên Chúa luôn tín trung và dân tộc tội nghiệp đó, do Môi-sê dẫn dắt, đã đến được Đất Hứa, và theo ý nghĩa này nó đúng là một “cuộc xuất hành,” một cuộc thoát ly từ tình trạng nô lệ sang tự do. Và 40 ngày này, cũng là cho tất cả chúng ta, một sự thoát ly khỏi sự nô lệ, khỏi tội lỗi, đến với tự do, để gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh. Mỗi bước đi, mỗi cố gắng, mỗi thử thách, mỗi lần vấp ngã, và mỗi lần đứng lên, tất cả mang ý nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Người muốn sự sống cho dân Người chứ không phải cái chết, niềm vui mừng chứ không phải nỗi buồn.
Sự Phục sinh của Chúa Giê-su là cuộc xuất hành của Ngài, với nó Ngài mở ra cho chúng ta con đường đạt đến được sự sống viên mãn, vĩnh  cửu và đầy ơn phúc. Để mở ra được con đường này, hành trình này, Chúa Giê-su đã giũ bỏ mọi vinh quang của Người, tự hạ mình, vâng lời đến chết và chết trên thập giá. Để mở ra cho chúng ta con đường đến với cuộc sống vĩnh hằng, Người đã đổi bằng hết giá máu của Người, và nhờ Người, chúng ta được cứu thoát khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi. Nhưng điều này không có nghĩa là Người đã làm tất cả và chúng ta không phải làm gì nữa, không phải là Người đã đi qua thập giá và chúng ta “lên xe đi thẳng lên Thiên Đàng.” Không phải như vậy. Ơn cứu độ của chúng ta đúng là ân sủng của Người, nhưng vì đó là một câu truyện tình, nó đòi hỏi lời “xin vâng” của chúng ta và sự chung phần của chúng ta trong tình yêu của Người, như Mẹ Maria cho chúng ta thấy, và sau Mẹ là tất cả các Thánh.
Sống Mùa Chay theo dũng lực này: Đức Ki-tô đi trước chúng ta với cuộc xuất hành của Người, và chúng ta vượt qua sa mạc nhờ Người và theo sau Người. Người đã chịu cám dỗ cho chúng ta, và Người đã đánh bại Kẻ cám dỗ cho chúng ta, nhưng cùng với Người, chúng ta cũng phải đối mặt với những cám dỗ và vượt qua chúng. Người ban cho chúng ta nước hằng sống của Thần Khí của Người, và chính chúng ta phải lấy nguồn mạch nước nơi Người để uống, trong các Bí tích, trong cầu nguyện, trong sự tôn thờ. Người là ánh sáng chiến thắng bóng đêm đen, và chúng ta được kêu mời nhóm lên một ánh lửa nhỏ được trao cho chúng ta trong ngày chúng ta đón nhận Bí tích Rửa tội.
Theo ý nghĩa này, Mùa Chay là một “dấu chỉ bí tích của sự hoán cải của chúng ta” (Sách Lễ Roma, Chúa nhật thứ Nhất Mùa Chay); Mùa Chay là dấu chỉ bí tích của hành trình của chúng ta từ tình trạng nô lệ thành tự do, được canh tân — một hành trình chắc chắn khó khăn, nhưng nó phải như vậy vì tình yêu luôn phải có sự đòi buộc, nhưng nó là một hành trình ngập tràn hy vọng. Quả thế, tôi xin nói thêm rằng: cuộc xuất hành trong Mùa Chay là hành trình qua đó niềm hy vọng được trui luyện. Sự kiệt sức của chuyến vượt sa mạc – mọi thử thách, mọi cám dỗ, những ảo tưởng, những ảo vọng … – tất cả đều rất cần thiết để rèn đúc một sự hy vọng mạnh mẽ, vững chắc theo gương Mẹ Maria Đồng Trinh, Mẹ trong giữa bóng đen dày đặc của Cuộc Thương Khó và Cái Chết của Con, Mẹ vẫn tiếp tục tin cậy và hy vọng Sự Phục Sinh của Người, trong vinh quang của tình yêu của Thiên Chúa.
Hôm nay chúng ta hãy bước vào Mùa Chay bằng một tâm hồn rộng mở cho chân trời mới này. Cảm nhận chúng ta là một phần trong dân của Chúa, chúng ta bắt đầu hành trình hy vọng này trong sự hân hoan.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Tiếng Ý
Xin gửi lời chào nồng hậu đến các tín hữu nói tiếng Ý. Cha rất vui được đón chào các nhóm giáo xứ và các Hội đoàn, đặc biệt Hội Những Người Bạn của Trái Tim của Altamura, cảm ơn về món quà là chiếc máy khử rung tim. Cha xin chào các sinh viên Civitavecchia, Legnano, Cislago, Thiene và Celafu, cũng như Học viện Du lịch Kỹ thuật Livia Bottardi của Roma và Trường Công giáo Hà lan Meppel. Cha hy vọng rằng buổi gặp gỡ đầu Mùa Chay hôm nay gợi lên một sự canh tân tâm hồn với mỗi người, bằng sự tham dự vào các nghi thức Mùa Chay và trong các cuộc vận động hiệp nhất mà nhiều đoàn thể giáo hội, ở nhiều nơi trên thế giới, thực hiện để làm chứng tá cho sự gần gũi của họ với những anh em thiếu thốn.
Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Anh chị em thân mến, hôm nay, thứ Tư Lễ Tro, Thiên Chúa chỉ ra cho chúng ta con đường hy vọng để bước đi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt anh chị em chu toàn hành trình hoán cải thật sự, để tái khám phá ơn sủng của Lời Chúa, để được thanh tẩy khỏi tội và để phục vụ Đức Ki-tô hiện diện trong tha nhân.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/03/2017]



Bài giảng của Đức Thánh Cha Thứ Tư Lễ Tro trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina All’Aventino

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thứ Tư Lễ Tro trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina All’Aventino

‘Hãy hết lòng trở về với ta … trở về cùng Đức Chúa’
1 tháng Ba, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha Thứ Tư Lễ Tro trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina All’Aventino
CTV Screenshot
Chiều nay – Thứ Tư Lễ Tro, ngày bắt đầu mùa Chay – một đoàn cầu nguyện diễn ra theo hình thức “Các Chặng Đàng” của Roma, do Đức Thánh Cha Phanxico chủ sự.
Lúc 4:30 chiều, trong nhà thờ Thánh Anselm all”Aventino, một phút cầu nguyện được tổ chức và sau đó là đoàn sám hối đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina. Tham dự trong đoàn sám hối có các Đức Hồng y, các Đức Tổng Giám mục, các Giám mục, các thầy dòng Benedito Thánh Anselm, các cha Dòng Đa-minh Thánh Sabina và các tín hữu. Cuối chặng đường, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh Lễ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina, với nghi thức ban phép lành và xức tro.
Dưới đây là bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha sau bài Phúc Âm.
* * *
“Hãy hết lòng trở về với ta … trở về cùng Đức Chúa” (Ge 2:12, 13). Ngôn sứ Giô-en đưa ra lời yêu cầu khẩn thiết này nhân danh Đức Chúa. Đừng ai cảm thấy mình là người ngoài cuộc: “Triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê” (c. 16). Tất cả mọi tín hữu đều được hiệu triệu đến để tôn thờ Đức Chúa của họ, “vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (c. 13).
Chúng ta muốn bắt đầu ngay theo lời hiệu triệu này; chúng ta muốn trở về với lòng thương xót của Chúa Cha. Trong mùa ơn phúc này bắt đầu từ hôm, chúng ta một lần nữa hãy hướng mắt đến lòng thương xót của Người. Mùa Chay là một hành trình: nó dẫn đến ca khúc khải hoàn của lòng thương xót chiến thắng mọi điều có thể nghiền nát chúng ta hoặc nhận chìm chúng ta xuống những bậc bất xứng theo phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Mùa Chay là con đường dẫn đi từ sự nô lệ đến với tự do, từ đau khổ đến hân hoan, từ cái chết đến sự sống. Dấu của tro bụi mà chúng ta xức nhắc chúng ta nhớ đến tội nguyên tổ: chúng ta được tạo ra từ đất, chúng ta được tạo ra từ bụi tro. Đúng vậy, chúng ta là bụi tro trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, Người đã thổi hơi thần khí sự sống của Người trên mỗi chúng ta, và Người vẫn muốn làm như vậy. Người muốn mãi mãi tặng ban hơi thở sự sống cứu thoát chúng ta khỏi mọi hình thức của hơi thở khác: hơi thở ngột ngạt được tạo ra bởi tính ích kỷ của chúng ta, hơi thở ngột ngạt được tạo ra bởi tham vọng nhỏ nhen và sự thờ ơ câm lặng – một sự ngột ngạt bóp nghẹt thần khí, thu hẹp các chân trời của chúng ta và làm chậm nhịp đập của trái tim. Hơi thở của sự sống của Thiên Chúa cứu chúng khỏi sự ngột ngạt này, sự ngột ngạt làm nản chí đức tin của chúng ta, làm nguội lạnh lòng bác ái của chúng ta và bóp nghẹt mọi hy vọng. Trải nghiệm Mùa Chay là khát khao được hơi thở này của sự sống mà Chúa Cha không ngừng ban cho chúng ta giữa đống bùn nhơ của lịch sử của chúng ta.
Hơi thở của sự sống của Thiên Chúa cứu chúng ta thoát khỏi sự ngột ngạt mà chúng ta rất thường khi không chú ý đến, hoặc trở nên quá quen đến mức dường như nó là bình thường, ngay cả khi những hậu quả của nó được cảm nhận thấy. Chúng ta nghĩ nó là bình thường vì chúng ta đã trở nên quá quen với sự hít thở không khí trong đó sự hy vọng đã hao mòn, không khí của sự u buồn và buông xuôi, không khí ngột ngạt của sự hoảng sợ và thù nghịch.
Mùa Chay là thời gian để nói KHÔNG. Nói không với sự ngột ngạt tinh thần được sinh ra bởi sự ô nhiễm do tính thờ ơ, bởi việc nghĩ rằng đời sống của người khác không là điều tôi quan tâm, và bởi cám dỗ tầm thường hóa sự sống, đặc biệt sự sống của những người mà xác thịt bị đè nặng bởi quá nhiều những sự thiển cận. Mùa Chay có nghĩa là nói không với sự ô nhiễm độc hại của những lời nói vô nghĩa và trống rỗng, của sự chỉ trích hấp tấp và cay nghiệt, của những sự phân tích nông cạn không nắm bắt được tính phức tạp của vấn đề, đặc biệt các vấn đề của những người chịu nhiều đau khổ nhất. Mùa Chay là thời gian nói không với sự ngột ngạt của sự cầu nguyện dỗ dành lương tâm của chúng ta, của một sự bố thí làm chúng ta tự mãn, của một sự ăn chay làm chúng ta cảm thấy dễ chịu. Mùa Chay là thời gian biết nói không với sự ngột ngạt sinh ra từ những mối quan hệ loại trừ, cố gắng đi tìm Thiên Chúa trong khi né tránh những vết thương của Đức Ki-tô nằm trong những vết thương của anh chị em của chúng ta: nói tắt lại, là tất cả những hình thức tinh thần hạ thấp đức tin xuống thành một văn hóa nghèo nàn, một văn hóa loại trừ.
Mùa Chay là thời gian để nhớ lại. Đó là thời gian để suy tư và tự hỏi chúng ta chúng ta sẽ ra sao nếu Thiên Chúa đóng những cánh cửa của Người trước chúng ta. Chúng ta sẽ ra sao nếu không có lòng thương xót của Người, lòng thương xót không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta và luôn luôn cho chúng ta cơ hội để bắt đầu lại một lần nữa? Mùa Chay là thời gian tự hỏi chúng ta rằng chúng ta sẽ ở đâu nếu không có sự giúp đỡ của quá nhiều người với hàng ngàn cách thầm lặng đã mở rộng vòng tay của họ và bằng những cách cụ thể trao cho chúng ta sự hy vọng và làm cho chúng ta có thể có một khởi đầu mới?
Mùa Chay là thời gian để bắt đầu hít thở trở lại. Đó là thời gian mở rộng lòng của chúng ta cho hơi thở của Đấng có khả năng biến bụi đất của chúng ta thành con người. Nó không phải thời gian để xé nát những chiếc áo trước mọi sự ác vây quanh chúng ta, nhưng là dành không gian trong đời sống của chúng ta cho mọi điều tốt lành mà chúng ta có thể làm. Nó là thời gian để gạt qua một bên mọi điều làm chúng ta cách ly, khóa chặt chúng ta và làm chúng ta tê liệt. Mùa Chay là thời gian của lòng thương xót, cùng với tác giả Thánh Vịnh, chúng ta có thể nói rằng: “Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con,” để bằng đời sống của chúng con con tung hô Ngài (x. Tv 51:12.15), và bụi tro của chúng con – bằng quyền năng của hơi thở ban sự sống của Ngài – có thể trở thành “bụi tro của tình yêu.”
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/03/2017]