Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 19.02.2023: “Hãy giơ cả má bên kia và yêu thương ngay cả kẻ thù của mình”

“Hãy giơ cả má bên kia và yêu thương ngay cả kẻ thù của mình”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 19.02.2023: “Hãy giơ cả má bên kia và yêu thương ngay cả kẻ thù của mình”

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Truyền tin:

____________________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần này đòi hỏi rất khắt khe, và có vẻ nghịch lý: Chúa mời gọi chúng ta hãy giơ cả má bên kia ra và yêu thương ngay cả kẻ thù của mình (x. Mt 5:38-48). Thường thì chúng ta yêu mến những người yêu mến chúng ta, làm bạn với những người là bạn của chúng ta; thế nhưng Chúa Giêsu thách đố chúng ta bằng cách nói: nếu anh em hành động theo cách này, “thì anh em có làm gì lạ thường đâu?” (câu 47). Anh em phải làm điều gì hơn thế nữa? Đây là điểm mà tôi muốn anh chị em hôm nay hãy tập trung vào, về những điều anh chị em làm thể hiện sự phi thường.

“Hơn thế nữa”, “phi thường” là những gì vượt ra ngoài các giới hạn thông thường, những gì vượt quá những thói quen thông thường và những tính toán theo tiêu chuẩn được ấn định bởi sự thận trọng. Thay vào đó, nói chung, chúng ta cố gắng sắp xếp mọi thứ phần nào đó theo trật tự và trong tầm kiểm soát, sao cho phù hợp với những mong đợi của chúng ta, theo thước đo của chúng ta: lo sợ không được đền đáp hoặc bộc lộ bản thân quá nhiều để rồi thất vọng, chúng ta chọn yêu thương những người yêu thương chúng ta để tránh những thất vọng, chỉ làm điều tốt cho những người tốt với chúng ta, chỉ rộng rãi với những người có thể trả ơn; và với những người đối xử tệ bạc với chúng ta, chúng ta đáp lại cũng như vậy, để chúng ta được cân bằng. Nhưng Chúa cảnh cáo chúng ta: như thế không đủ! Chúng ta phải nói rằng: đây không phải là Kitô giáo! Nếu chúng ta vẫn theo cách thông thường, trong sự cân bằng giữa cho và nhận, mọi thứ sẽ không thay đổi. Nếu Thiên Chúa thực hiện theo luận lý này, chúng ta không có hy vọng được cứu rỗi! Nhưng, thật may mắn cho chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa luôn luôn “phi thường”, tình yêu đó vượt xa những tiêu chuẩn thông thường mà con người chúng ta sống các mối tương quan của mình.

Do đó lời của Chúa Giêsu thách đố chúng ta. Trong khi chúng ta cố gắng duy trì sự bình thường của lập luận vị lợi, Chúa yêu cầu chúng ta mở lòng ra với sự phi thường, sự phi thường của một tình yêu cho đi không mong đền đáp; trong khi chúng ta luôn cố gắng cân bằng sổ sách, thì Chúa Kitô khuyến khích chúng ta sống một tình yêu thiếu cân bằng. Chúa Giêsu không phải là người giữ sổ sách giỏi, không! Người luôn dẫn đưa chúng ta đến sự mất cân bằng của tình yêu. Chúng ta không ngạc nhiên về điều này. Nếu Thiên Chúa không tự mình “mất cân bằng”, thì chúng ta đã không bao giờ được cứu rỗi: chính sự mất cân bằng của thập giá đã giải thoát chúng ta! Chúa Giêsu đã chẳng đi tìm kiếm chúng ta khi chúng ta lạc lối và xa rời; Chúa đã chẳng yêu thương chúng ta đến cùng, Người đã chẳng ôm lấy thập giá vì chúng ta là những con người bất xứng trước tất cả những điều này và không thể có bất kỳ điều gì để đáp lại cho Chúa. Như Thánh Tông đồ Phaolô viết, “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:7-8). Vì vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong khi chúng ta là những tội nhân, không phải vì chúng ta tốt lành hay có thể đáp lại cho Ngài điều gì đó. Thưa anh chị em, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu luôn dư đầy, luôn vượt quá sự tính toán, luôn không cân xứng. Và hôm nay Người cũng yêu cầu chúng ta hãy sống theo cách như vậy, vì chỉ có như thế chúng ta mới thực sự làm chứng cho Người.

Anh chị em thân mến, Chúa mời gọi chúng ta hãy bước ra khỏi luận lý của tính tư lợi và không đo lường tình yêu trên những thước đo của những toan tính và lợi ích vật chất. Chúa mời gọi chúng ta đừng lấy ác trả ác, hãy can đảm làm việc tốt, dám mạo hiểm trong ân huệ, ngay cả khi chúng ta nhận lại được rất ít hoặc chẳng nhận được gì. Bởi vì, chính tình yêu này dần dần biến đổi những xung đột, rút ngắn những khoảng cách, chiến thắng hận thù và chữa lành những vết thương của thù hận. Và vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình, mỗi người chúng ta: trong cuộc sống của tôi, tôi đi theo luận lý của sự đền đáp, hay theo luận lý của tính nhưng không, như Thiên Chúa làm? Tình yêu phi thường của Chúa Kitô không phải là điều dễ dàng, nhưng nó là có thể; điều đó là có thể bởi vì chính Chúa giúp chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài, tình yêu của Ngài vô hạn.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ là Đấng đã trả lời “xin vâng” với Thiên Chúa mà không cần tính toán, cho phép Ngài biến Mẹ thành kiệt tác Ân Sủng của Ngài.

________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tình yêu của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cho phép mình biết rung động trước hoàn cảnh của những người đang gặp khó khăn. Tôi đặc biệt nghĩ đến Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đến rất nhiều nạn nhân của trận động đất, nhưng cũng nghĩ đến những thảm kịch hàng ngày của người dân Ukraine thân yêu và nhiều dân tộc phải chịu hậu quả của chiến tranh hoặc vì nghèo đói, thiếu tự do hoặc sự tàn phá môi trường: nhiều dân tộc… Về vấn đề này, tôi gần gũi với người dân New Zealand, những ngày gần đây đã bị một cơn bão tàn phá tấn công. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên những người đau khổ, và hãy để cho đức ái của chúng ta biết quan tâm, hãy cho phép nó trở thành đức ái thực sự!

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em đến từ nước Ý và các nước khác. Cha xin chào anh chị em hành hương đến từ Oviedo, Tây Ban Nha, và các sinh viên của Vila Pouca de Aguair ở Bồ Đào Nha.

Cha xin chào các nhóm Công giáo Tiến hành đến từ Rimini và Saccolongo; các tín hữu của Lentiai, Turin và Bolzano; các ứng viên thêm sức đến từ Valvasone và Almenno San Salvatore; các thanh thiếu niên của Tricesimo, Leno, Chiuppano và Fino Mornasco; các Lễ sinh đến từ Arcene và các sinh viên của Trường Thánh Ambrôsiô ở Milan.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/2/2023]


Ở vùng đất thánh cổ xưa, những kỳ quan trong Kinh thánh vẫn đang được khám phá

Ở vùng đất thánh cổ xưa, những kỳ quan trong Kinh thánh vẫn đang được khám phá

Từ “thành phố trên đồi” của Đức Kitô đến “con đường hành hương” từ Hồ Silôê đến Núi Đền Thờ, những nỗ lực khảo cổ ở Israel mang đến sự hứa hẹn của lịch sử cho các tín hữu đương thời.

Ở vùng đất thánh cổ xưa, những kỳ quan trong Kinh thánh vẫn đang được khám phá

Du khách sẽ sớm có thể đi bộ xuôi theo con đường trung tâm của Hippos, ‘Thành phố trên đồi’ của Chúa Giêsu Kitô. Trong ảnh là người quản lý khu vực Nissim Mezzig và một nhà báo đến thăm đang đi rảo qua. (photo: Jonathan Liedl / National Catholic Register)

Jonathan Liedl

13 tháng Hai, 2023



GIÊRUSALEM — Người Kitô hữu đã thực hiện những cuộc hành hương đến Đất Thánh kể từ thời Thánh Helena vào thế kỷ thứ tư, và các địa điểm quan trọng nhất mà Kitô hữu quan tâm — từ Vương cung Thánh đường Truyền tin ở Nadarét đến Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem — đã trở nên nổi tiếng.

Ngoài những gì đã trở nên quen thuộc từ xa xưa ở vùng đất nơi Đức Kitô sống cuộc đời và thi hành sứ vụ trên trần gian của Ngài, các địa điểm mới mà người hành hương Kitô giáo quan tâm vẫn tiếp tục được khám phá ở Israel, với mục tiêu sớm mở cửa cho công chúng quan tâm.

Có lẽ trường hợp đáng chú ý nhất nằm bên dưới các đường phố của Giêrusalem hiện tại, nơi các nhà khảo cổ cùng với Cơ quan Cổ vật Israel đang dần dần khai quật một con đường đô thị cổ đại mà có thể chính Chúa Giêsu đã đi qua.

Con đường được đề cập, có từ thời người La Mã chiếm đóng Giêrusalem, dẫn từ Hồ Silôê đến Núi Đền Thờ. Vào thời cổ đại, người Do Thái đến Giêrusalem để dâng của lễ lên Thiên Chúa sẽ đi vào thành ở gần hồ, nơi họ sẽ thanh tẩy mình theo nghi thức trước khi lên đồi đến Đền thờ. Những cửa hàng nhỏ dọc theo con phố rộng, bậc thang, có thể là nơi bán động vật để hiến tế.

Hồ Silôê

Một trong những phép lạ của Chúa Kitô cũng liên quan đến Hồ Silôê. Như Thánh Gioan kể lại trong trình thuật Tin Mừng của ngài, Chúa Giêsu đã hoàn tất việc chữa lành cho người mù bẩm sinh bằng cách sai anh ta đến hồ nước để rửa sau khi Chúa nhổ nước bọt xuống đất trộn thành bùn và bôi lên mắt anh ta. Các nhà khảo cổ cũng đã khai quật một nhà thờ gần đó có nền móng từ thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên, được cho là có liên quan đến phép lạ của Chúa Kitô tại hồ.

Hồ Silôê, do vua Hezekiah xây dựng lần đầu tiên vào năm 2.700 trước Công nguyên, đã được phát hiện vào tháng Sáu năm 2004 trong quá trình khai quật để sửa chữa một đường ống nước thải. Trước khi khám phá ra hồ nước đó, một hồ nước nhỏ hơn với khoảng cách 70 mét (gần 230 feet) gần Đền thờ hơn đã bị lầm lẫn cho là hồ nước được nói đến trong Kinh thánh.

Ông Shlomo Greenberg, một trong những nhà khảo cổ làm việc tại địa điểm, một phần của khu phức hợp Thành David rộng lớn hơn, là trung tâm định cư ban đầu của Giêrusalem, cho biết: “Nó giống như khám phá ra ngay trước mắt bạn. Bạn không hề biết mình sẽ tìm thấy gì.”

Mặc dù các phần của Hồ Silôê đã được khai quật và mở lộ thiên, nhưng con đường hành hương lên Núi Đền thờ vẫn hoàn toàn nằm dưới lòng đất, chủ yếu chạy bên dưới một khu dân cư ngày nay nằm bên ngoài Thành Cổ có tường bao quanh của Giêrusalem về phía đông nam. Các cấu trúc kim loại gia cố chống đỡ, tạo ra một sự liền lạc hiện ra trước mắt giữa con đường bằng đá cổ xưa và sự đổi mới hiện đại đã khiến nó không được phát hiện.

Một phần của con đường hành hương tại điểm khởi đầu đã mở cửa cho khách du lịch, nhưng những cuộc khai quật vẫn đang được tiến hành. Trong con đường dài hơn 2.500 bộ (khoảng 762 m), khoảng 165 bộ (hơn 50 m) vẫn cần được mở ra, và việc này diễn ra chậm — và tốn kém —. Theo ông Greenberg, mỗi mét khai quật tiêu tốn 100.000 USD và có thể mất hơn một tuần để hoàn thành.

Ở vùng đất thánh cổ xưa, những kỳ quan trong Kinh thánh vẫn đang được khám phá 

Ông Shlomo Greenberg, giám đốc khai quật cùng với Cơ quan Cổ vật Israel, thảo luận về tiến độ mở cửa ‘con đường hành hương’ dài 800 mét dẫn từ Hồ Silôê đến Núi Đền thờ. (Photo: Jonathan Liedl)

“Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ cả những người dưới lòng đất và ở trên,” ông nói, giải thích bản chất cần rất thận trọng của công việc.

Các nhà khảo cổ hy vọng cuộc khai quật sẽ tiếp tục trong ít nhất một năm nữa, nhưng hy vọng là cuối cùng người hành hương sẽ có thể đi bộ từ Hồ Silôê đến Núi Đền thờ, giống như người Do Thái đã làm cách đây 2.000 năm. Trải nghiệm này hứa hẹn sẽ là một cách thể hiện đức tin quan trọng đối với người Do Thái đương thời, cũng như người Kitô hữu quan tâm đến việc tìm lại những bước chân của Chúa và hiểu rõ hơn về Do Thái giáo mà từ đó tôn giáo của họ xuất hiện.

‘Thành trên đồi’ của Đức Kitô

Một địa điểm khác sắp được mở cửa cho công chúng không thể khẳng định rằng nó đã từng được Chúa Giêsu viếng thăm, nhưng nó có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong sứ vụ của Ngài trên bờ biển hồ Galilê.

Hippos, còn được gọi là Susita, là một thành cổ được xây dựng trên một ngọn núi hình yên ngựa, đó là lý do có thể dẫn đến tên gọi của khu định cư như vậy: Hippos có nghĩa là “ngựa” trong tiếng Hy Lạp. Nhìn ra Biển hồ Galilê từ phía đông, Hippos là một phần của Miền Thập tỉnh, một vùng bao gồm 10 thành phố chủ yếu là dân ngoại nói tiếng Hy Lạp được nhắc đến trong Kinh thánh.

Cho rằng đó là khu định cư duy nhất được biết đến xây dựng trên đỉnh một ngọn đồi trong khu vực vào thời Chúa Giêsu, các học giả cho rằng rất có thể Chúa Giêsu đã ám chỉ đến Hippos một cách cụ thể khi Chúa so sánh những môn đệ theo Ngài như một “thành xây trên đồi” không thể nào giấu kín được, được ghi trong trình thuật Tin Mừng của Thánh Matthêu.

Ngoài ra, Hippos cũng được cho là thị trấn nơi quỷ Ghêrasa, bị Chúa Kitô trục xuất ra khỏi người bị ám trên bờ biển Galilê, có thể đến từ đó. Sau khi chữa lành, Chúa Kitô nói với người đàn ông: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào” như Thánh Marcô tường thuật lại (5:1-20). Thánh Marcô tiếp tục mô tả cách thức người đàn ông “ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.”

Do đó, Hippos có thể là cộng đồng không phải người Do Thái đầu tiên được nghe Tin Mừng. Trong những thập kỷ sau đó, nó sẽ trở thành một thành lũy cho Kitô giáo trong khu vực. Tại một thời điểm, trong thời kỳ Byzantine sau khi Kitô giáo được chấp nhận hợp pháp tại Đế quốc La Mã, thị trấn trên đỉnh đồi có tám nhà thờ bên trong phạm vi các bức tường của nó, trong đó có một nhà thờ chánh tòa là nơi có tòa giám mục.

Ngày nay, Hippos chỉ còn là đống đổ nát, sau trận động đất vào thế kỷ thứ tám đã phá hủy thành phố và khiến nó bị bỏ hoang. Tuy nhiên, sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1883, công việc khai quật quan trọng đã được ưu tiên cho địa điểm này, đặc biệt là trong 20 năm qua.

Được dẫn dắt bởi Viện Khảo cổ học Zinman tại Đại học Haifa, nỗ lực khảo cổ của quốc tế đã phát hiện ra nhiều khám phá quan trọng giúp vẽ nên bức tranh về cách thức cư dân Kitô giáo cổ đại ở Hippos sống và giữ niềm tin như thế nào. Những khám phá bao gồm một hồ rửa tội khổng lồ, những dòng chữ khắc tiết lộ chi tiết tiểu sử của những cư dân thời cổ đại, và thậm chí là một bức tranh khảm cổ xưa về phép lạ Chúa Kitô cho 5.000 người ăn.

Theo người quản lý địa điểm Nissim Mezzig, kế hoạch là chính thức mở cửa Hippos cho công chúng vào giữa tháng Ba, cho dù công việc khai quật vẫn tiếp tục. Có những kế hoạch đang được thực hiện để chuyển đổi một tòa nhà quân sự cũ của Israel tại địa điểm này trở thành một trung tâm cho du khách và thành lập một nhà hát giáo dục trong bể chứa nước nằm bên dưới thành phố. Mặc dù Chúa Giêsu có thể chưa bao giờ đến Hippos, nhưng du khách có thể sẽ tò mò muốn đến thăm thành phố cổ mà Chúa đã đề cập đến và Tin mừng của Chúa cuối cùng đã được hình thành.

Quê hương của một vị đại Môn đệ

Từ Hippos sang phía bên kia Galilê là một địa điểm cổ xưa khác gần đây đã nhận được sự chú ý đáng kể về khảo cổ học: Magdala, được biết đến nhiều hơn là quê hương của Thánh Maria Magdalena.

Khởi đầu là dự án xây dựng một trung tâm tĩnh tâm bên bờ biển vào năm 2009 đã nhanh chóng trở thành nhiều hơn nữa, khi các công nhân khai quật được một hội đường Do Thái có từ thế kỷ thứ nhất và một thứ thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn ở bên trong: một phiến đá mô tả Ngôi đền thứ hai ở Giêrusalem, hoàn chỉnh với hình ảnh chạm khắc xa xưa nhất của cây đèn menorah bảy ngọn từng được phát hiện.

Sự thăm dò khảo cổ tại thị trấn chài lưới cổ xưa, được cho là một trong những thị trấn lớn nhất ở Galilê vào thời Chúa Giêsu thi hành sứ vụ, tiếp tục diễn ra nhanh chóng kể từ lần phát hiện đầu tiên đó, và các nhà khảo cổ đã phát hiện ra các cửa hàng, lâu đài, nhà kho và thậm chí thêm một hội đường cổ. Một khám phá quan trọng khác đối với những người quan tâm đến Do Thái giáo cổ đại là bốn mikavot, hay là bồn tắm theo nghi lễ, được phát hiện sớm nhất ở Thánh địa sử dụng nước ngầm.

Ngày nay, Magdala không chỉ là nơi có một địa điểm khảo cổ, mà còn có một khách sạn khá xa hoa, cũng như một trung tâm tĩnh tâm văn hóa và tâm linh. Được gọi là Trung tâm Magdala, khu phức hợp được quản lý bởi phong trào Regnum Christi, một phong trào liên kết với Dòng Legionaries of Christ.

Ở vùng đất thánh cổ xưa, những kỳ quan trong Kinh thánh vẫn đang được khám phá

Cha Eamon Kelly, giám đốc Trung tâm Magdala, Dòng Legion of Christ, giải thích: Một hội đường có từ thế kỷ thứ nhất ở quê hương của bà Maria Mácđala có ý nghĩa đặc biệt đối với cả người Do Thái và Kitô giáo. (Photo: Jonathan Liedl)

Mặc dù Magdala không được đề cập rõ ràng trong Kinh thánh là nơi Chúa Giêsu đã đến thăm, nhưng do sự nổi bật của nó, vị trí nằm trên một con đường lớn cổ xưa ở bờ biển phía tây Galilê, và gần với những nơi khác được nhắc đến trong Kinh thánh như Caphácnaum, nhưng vẫn có thể Chúa Giêsu đã đến thăm thành cổ này và thậm chí có thể cầu nguyện trong cùng một hội đường đã được khai quật ngày nay. Có khả năng là việc Chúa Giêsu Kitô đã trừ bảy quỷ khỏi bà Maria, được ghi lại trong Tin mừng theo Thánh Luca 8:2, đã xảy ra ở đây.

Bất kể đã có những khám phá đáng kinh ngạc mà Magdala mang đến, các nhà khảo cổ tin rằng có tới 90% thị trấn cổ vẫn chưa được khai quật. Một khám phá khả thi có thể đến trong tương lai gần đó là nhà thờ Kitô giáo cổ xưa cung hiến cho Thánh Maria Madalena, được nhắc đến trong văn học lịch sử, nhưng cuối cùng bị bỏ hoang và quên lãng qua nhiều thế kỷ.

Nếu vậy, nó sẽ là phát hiện mới nhất trong rất nhiều những phát hiện khảo cổ gần đây ở Thánh địa cổ xưa, nhưng luôn thú vị.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/2/2023]