Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Đức Thánh Cha nói với các nhà làm tóc: làm chứng cho các giá trị Ki-tô giáo

Đức Thánh Cha nói với các nhà làm tóc: làm chứng cho các giá trị Ki-tô giáo
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha nói với các nhà làm tóc: làm chứng cho các giá trị Ki-tô giáo

Gặp gỡ các nhà làm tóc của Ủy ban Thánh Martin de Porres trong chuyến hành hương của họ đến Roma

29 tháng Tư, 2019 13:59

Đức Thánh Cha Phanxico nói với các nhà làm tóc của Ý hãy làm chứng cho các giá trị Ki-tô giáo.

Đức Thánh Cha bày tỏ ý trên với các nhà làm tóc trong Vatican hôm nay, 25 tháng Tư, 2019, và nhấn mạnh: “Ước mong rằng hình ảnh khiêm nhường và vĩ đại của Thánh Martin de Porres, đấng mà Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã chọn làm bổn mạng cho các nghề nghiệp năm 1966, trợ giúp cho anh chị em kiên trì làm chứng cho các giá trị Ki-tô giáo.”

Đức Phanxico nói, “Trên hết, ước mong rằng ngài động viên anh chị em hãy thực hành công việc của mình theo phong cách Ki-tô giáo, đối xử với khách hàng bằng sự nhã nhặn và tử tế, và luôn trao tặng cho họ những lời nói tốt lành và khích lệ, tránh việc rơi vào cám dỗ chuyện ngồi lê đôi mách là vấn đề rất dễ len lỏi và trong môi trường làm việc của anh chị em, như tất cả chúng ta đều biết.”

Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng mỗi người họ, “khi thực hiện công việc chuyên môn đặc thù của mình, luôn luôn hành động với lòng chính trực, từ đó góp phần đóng góp tích cực cho ích chung của xã hội.”

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận, xin Chúa đồng hành với họ, ban phép lành cho họ và xin họ cầu nguyện cho ngài.

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) bài nói chuyện của Đức Thánh Cha với những người hiện diện do Vatican cung cấp:


***

Anh chị em thân mến,

Anh chị em đã tận dụng ngày nghỉ bình thường trong công việc để tổ chức một chuyến hành hương đến Roma để viếng mộ của các Thánh Tông đồ và gặp gỡ Đấng Kế nhiệm Phê-rô. Tôi xin gửi đến anh chị em những lời chào đón thân ái và tôi cảm ơn từng người anh chị em, đặc biệt là vị tổ chức, người đã giới thiệu buổi gặp gỡ. Anh chị em đại diện cho các nhà làm tóc và chuyên gia chăm sóc sắc đẹp của Ủy ban Thánh Martin de Porres, có mặt tại nhiều vùng trong nước Ý.

Chuyến hành hương này là một dấu chỉ quan trọng cho thấy sự gắn kết của anh chị em đối với đức tin Ki-tô giáo, cũng như chiều kích tâm linh là nét đặc trưng cho hiệp hội của anh chị em. Điều này có thể nhìn thấy qua cách hiệp hội được đặt tên theo một vị thánh, Thánh Martin de Porres người Peru. Mang dòng máu lai, ngài được nhận vào Dòng Đa minh như là người giúp việc rồi sau đó là một trợ sĩ. Ngài chấp nhận tình trạng này, sống vô cùng khiêm nhường, đắm mình trong tình yêu thương. Ngài đã hãm mình tận hiến cho người nghèo và bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cho họ, nhờ vào kiến thức ban đầu ngài đã được học tại một nhà thuốc và sau đó là môn sinh của một y sĩ, theo phong tục thời đó.

Ước mong rằng hình ảnh khiêm nhường và vĩ đại của Thánh Martin de Porres, đấng mà Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã chọn làm bổn mạng cho các nghề nghiệp năm 1966, trợ giúp cho anh chị em kiên trì làm chứng cho các giá trị Ki-tô giáo. Trên hết, ước mong rằng ngài động viên anh chị em hãy thực hành công việc của mình theo phong cách Ki-tô giáo, đối xử với khách hàng bằng sự nhã nhặn và tử tế, và luôn trao tặng cho họ những lời nói tốt lành và khích lệ, tránh việc rơi vào cám dỗ chuyện ngồi lê đôi mách là vấn đề rất dễ len lỏi và trong môi trường làm việc của anh chị em, như tất cả chúng ta đều biết. Ước mong rằng mỗi người anh chị em, khi thực hiện công việc chuyên môn đặc thù của mình, luôn luôn hành động với lòng chính trực, từ đó góp phần đóng góp tích cực cho ích chung của xã hội.

Với những hy vọng này tôi khẩn xin những ân tứ của Chúa Thánh Thần đổ xuống trên mỗi anh chị em và hiệp hội của anh chị em, cũng như những người cộng tác và các thành viên gia đình của anh chị em. Và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi, và bây giờ tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2019]


‘Christus Vivit’ — Văn kiện Hậu Thượng Hội đồng của Đức Thánh Cha Phanxico về Giới trẻ, phát hành ngày 2 tháng Tư, kỷ niệm ngày qua đời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II (Toàn văn) - Bài 2 (5-21)

‘Christus Vivit’ — Văn kiện Hậu Thượng Hội đồng của Đức Thánh Cha Phanxico về Giới trẻ, phát hành ngày 2 tháng Tư, kỷ niệm ngày qua đời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II (Toàn văn)
Copyright: Vatican Media

‘Christus Vivit’ — Văn kiện Hậu Thượng Hội đồng của Đức Thánh Cha Phanxico về Giới trẻ, phát hành ngày 2 tháng Tư, kỷ niệm ngày qua đời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II (Toàn văn)

Tông huấn theo sau Thượng Hội đồng 2018 về Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định Ơn gọi, được dâng lên Mẹ Maria trong ‘Nhà Thánh’ của Mẹ ở Loreto

02 tháng Hai, 2019 11:35

TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG


CHRISTUS VIVIT


CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO



GỬI GIỚI TRẺ VÀ TOÀN THỂ DÂN CHÚA


Bài 2: (5 - 21)

******

CHƯƠNG MỘT

Lời Chúa nói gì về người trẻ?

5. Chúng ta hãy rút ra một số điều trong kho tàng của các Kinh Thánh, vì các sách thường nói về những người trẻ và về cách Thiên Chúa tiếp cận để gặp gỡ họ.


Trong Cựu ước

6. Trong thời kỳ khi những người trẻ tuổi không được đánh giá cao, một số văn bản Kinh Thánh cho thấy rằng Thiên Chúa nhìn họ theo một cách khác. Chẳng hạn, Giu-se là người con út trong gia đình (x. St 37: 2-3), nhưng Thiên Chúa đã cho ông thấy những điều lớn lao trong các giấc mơ, và khi mới mười bảy tuổi ông đã nổi trội hơn tất cả anh em của mình trong các vấn đề quan trọng (x. St 37-47).

7. Ở Gít-rơ-en, chúng ta thấy sự thẳng thắn của những người trẻ tuổi, những người không quen với thực tại vỗ về giả tạo. Khi được cho biết rằng Đức Chúa ở cùng ông, ông đáp lại: “Nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao chúng tôi đến nông nỗi này?” (Tl 6:13). Đức Chúa không thấy bị xúc phạm bởi lời kêu trách đó, nhưng tiếp tục ra lệnh cho ông: “Hãy mạnh bạo lên đường cứu Israel!” (Tl 6:14).

8. Sa-mu-en vẫn còn là một cậu bé, nhưng Chúa đã nói chuyện với cậu. Nhờ lời chỉ dẫn của một người cao niên, cậu đã mở lòng để nghe tiếng Chúa gọi: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3:9-10). Nhờ đó, cậu đã trở thành một đại ngôn sứ can thiệp vào những thời khắc quyết định trong lịch sử của đất nước cậu. Vua Sa-un cũng là một thanh niên khi Đức Chúa gọi ông lãnh nhận sứ mạng của mình (x. 1 Sm 9:2).

9. Vua Đa-vít được chọn khi còn là một cậu bé. Khi tiên tri Sa-mu-en đi tìm kiếm vị vua tương lai cho Israel, một người đàn ông đã đề nghị những người con trai lớn tuổi hơn và nhiều kinh nghiệm hơn của ông như là những ứng cử viên. Tuy nhiên, tiên tri nói rằng người được chọn là Đa-vít trẻ tuổi, người đang chăm sóc đàn chiên (x. 1 Sm 16:6-13), vì “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (c. 7). Vinh quang của tuổi trẻ là ở tâm hồn, hơn là sức mạnh thể chất hay ấn tượng tạo ra với người khác.

10. Sa-lô-môn, khi ông phải kế vị cha mình, cảm thấy lạc lõng và nói với Đức Chúa: “Con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước” (1 V 3:7). Tuy nhiên, tính táo bạo của tuổi trẻ đã khiến ông cầu xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan và ông đã hiến dâng mình cho sứ mạng. Điều tương tự xảy ra với tiên tri Giê-rê-mi-a, được gọi để làm thức tỉnh dân tộc của mình mặc dù tuổi còn rất trẻ. Ông nói trong sự hãi sợ: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1:6). Nhưng Đức Chúa bảo ông đừng nói như vậy (x. Gr 1:7), và thêm rằng: “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1:8). Sự trung thành của tiên tri Giê-rê-mi-a đối với sứ mạng của ông cho thấy những gì có thể xảy ra khi lòng sốt mến của tuổi trẻ được kết hợp với quyền năng của Thiên Chúa.

11. Một cô gái Do Thái giúp việc của tướng chỉ huy nước ngoài Na-a-man đã can thiệp bằng đức tin và giúp ông ta được chữa lành khỏi bệnh (x. 2 V 5:2-6). Cô gái trẻ Rút là hình mẫu của sự quảng đại khi ở lại bên cạnh mẹ chồng, trong thời gian bà rơi vào thời kỳ khó khăn (x. R 1: 1-18), nhưng cô cũng thể hiện tính táo bạo trong việc tiến bước trong cuộc sống (x. Ru 4:1-17).


Trong Tân Ước

12. Một trong những dụ ngôn của Chúa Giê-su (x. Lc 15: 11-32) kể về một người con trai “thứ” muốn rời khỏi nhà của cha mình để đến một vùng đất xa (x. cc. 12-13). Tuy nhiên, những suy nghĩ về sự độc lập của anh ta đã trở thành cuộc ăn chơi phóng đãng và vượt quá giới hạn (x. c. 13), và anh đã trải nghiệm nỗi cay đắng của sự cô đơn và nghèo đói (x. cc. 14-16). Tuy nhiên, anh ta đã tìm được sức mạnh để thực hiện một sự khởi đầu mới (x. c. 17-19) và quyết tâm đứng dậy và trở về nhà (x. c. 20). Tâm hồn người trẻ theo tự nhiên luôn sẵn sàng thay đổi, quay trở về, đứng dậy và rút ra bài học từ cuộc sống. Làm sao người ta lại không ủng hộ người con trai đó trong sự quyết tâm mới này? Tuy nhiên, người anh trai của anh ta với một trái tim trở nên già nua; anh ta để mình bị chế ngự bởi sự tham lam, ích kỷ và đố kỵ (Lc 15:28-30). Chúa Giê-su ca ngợi tội nhân trẻ đã quay trở lại con đường đúng đắn hơn là người anh tự cho mình là trung tín, nhưng thiếu tinh thần thương yêu và thương xót.

13. Chúa Giê-su, chính Người muôn đời trẻ trung, muốn ban cho chúng ta những trái tim luôn mãi trẻ. Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1 Cr 5:7). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy cởi bỏ “con người cũ” và mặc lấy “con người mới” (Cl 3:9.10).[1] Để giải thích cho ý nghĩa của việc mặc vào sự trẻ trung đó “hằng được đổi mới” (c. 10), ngài nói đến “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia” (Cl 3:12-13). Nói tóm lại, tuổi trẻ thật sự có nghĩa là có một trái tim biết yêu thương, trong khi tất cả những điều chia cách chúng ta với tha nhân khiến tâm hồn già đi. Và vì thế ngài kết luận: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:14).

14. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giê-su không sử dụng những người trưởng thành khinh khi những người trẻ hoặc lên mặt với họ. Ngược lại, Người nhấn mạnh rằng “ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất” (Lc 22:26). Đối với Ngài tuổi tác không phải là đặc quyền, và là người trẻ không có nghĩa là ít giá trị hơn hoặc kém phẩm chất hơn.

15. Lời Chúa nói rằng những người trẻ phải được đối xử như “những người anh em” (1 Tm 5:1), và cảnh báo những người cha mẹ “đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3:21). Là người trẻ không có nghĩa là trở nên ngã lòng; người trẻ có nghĩa là mơ ước những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời bao la, hướng lên cao hơn, tiếp nhận thế giới, chấp nhận những thử thách và cống hiến những gì tốt đẹp nhất của bản thân để xây dựng một điều gì đó tốt hơn. Đó là lý do tại sao cha không ngừng thúc giục các bạn trẻ đừng để mình bị cướp mất hy vọng; với mỗi người trẻ cha nhắc lại: “đừng để ai coi thường anh vì anh còn trẻ” (1 Tm 4:12).

16. Tuy nhiên, người trẻ cũng được thúc giục hãy “vâng phục những người lớn tuổi hơn” (1 Pr 5:5). Kinh thánh không bao giờ ngừng khẳng định rằng sự tôn trọng sâu sắc phải được thể hiện đối với người già, vì họ có một gia tài là những kinh nghiệm; họ đã hiểu biết sự thành công và thất bại, những niềm vui và phiền não của cuộc sống, những ước mơ và những thất vọng của nó. Trong sự thinh lặng của tâm hồn, họ có một kho kinh nghiệm có thể dạy cho chúng ta không phạm sai lầm hoặc bị dẫn dắt bởi những lời hứa giả tạo. Một nhà hiền triết cổ đại dạy chúng ta hãy tôn trọng những giới hạn nhất định và làm chủ những thôi thúc của mình: “hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự” (Tt 2.6). Thật vô ích khi ủng hộ sự sùng bái của tuổi trẻ hoặc dại dột gạt bỏ người khác chỉ vì họ lớn tuổi hoặc thuộc thế hệ khác. Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng những người khôn ngoan có thể đem đến những thứ cả mới và cũ từ kho tàng của họ (x. Mt 13:52). Một người trẻ khôn ngoan mở lòng với tương lai, nhưng vẫn có khả năng học hỏi điều gì đó từ kinh nghiệm của những người khác.

17. Trong Tin mừng Mác-cô, chúng ta tìm thấy một người thanh niên, sau khi nghe Chúa Giê-su nói về các giới răn, đã nói, “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (10:20). Tác giả Thánh vịnh cũng nói cùng một điều như vậy: “Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân … Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71:5.17). Chúng ta đừng bao giờ hối hận về việc dành tuổi trẻ của mình để làm người tốt, mở lòng ra với Chúa và sống theo cách khác. Không điều nào trong số những điều trên lấy mất đi tuổi trẻ của chúng ta mà thay vào đó nó củng cố và canh tân tuổi trẻ: “tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 103:5). Vì lý do này, Thánh Augustine đã kêu lên: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng, vẻ đẹp mãi cổ xưa, mãi mới mẻ! Con đã yêu Chúa quá muộn màng”[2] Tuy nhiên, con người giàu có đó, người đã trung thành với Chúa khi còn trẻ, đã để cho những năm tháng trôi qua cướp mất những giấc mơ của mình; anh thích duy trì sự gắn bó với của cải của mình hơn (x. Mc 10:22).

18. Mặt khác, trong Tin mừng Mát-thêu, chúng ta tìm thấy một người thanh niên (x. Mt 19:20.22) đến gần Chúa Giê-su và hỏi liệu còn điều gì anh ta có thể làm nữa không (c. 20); hàm ý trong câu này, anh cho thấy rằng sự cởi mở của tinh thần trẻ trung luôn tìm kiếm những chân trời mới và những thách đố lớn. Tuy nhiên, tinh thần của anh ta lại không thật sự trẻ, vì anh đã bị gắn chặt với của cải và sự tiện nghi. Anh nói anh ta muốn một điều gì đó nhiều hơn nữa, nhưng khi Chúa Giê-su yêu cầu anh ta quảng đại và đem phân chia của cải của mình, anh ta nhận ra rằng anh không thể buông bỏ mọi thứ mình có. Cuối cùng, “nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi” (c. 22). Anh ta đã từ bỏ tuổi trẻ của mình.

19. Tin Mừng cũng nói về một nhóm phụ nữ trẻ khôn ngoan, sẵn sàng và chờ đợi, trong khi những người khác lơ đãng và ngủ gật (x. Mt 25:1-13). Quả thật, chúng ta có thể dành cả tuổi trẻ của mình trong sự lơ đãng, lướt qua trên bề mặt của cuộc sống, nửa mê nửa tỉnh, không có khả năng nuôi dưỡng các mối quan hệ có ý nghĩa hoặc trải nghiệm những điều sâu sắc hơn trong cuộc sống. Theo cách này, chúng ta tìm kiếm cho mình một tương lai tầm thường và thiếu thực tế. Hoặc chúng ta có thể dành tuổi trẻ của mình để khao khát những điều đẹp đẽ và lớn lao, và từ đó xây dựng một tương lai đầy sức sống và sự giàu có cho tâm hồn.

20. Nếu các con đã đánh mất sức sống trong tâm hồn, những ước mơ, lòng nhiệt huyết, sự lạc quan và lòng quảng đại của mình, thì Chúa Giê-su đứng trước các con như xưa kia Người đứng trước đứa con trai đã chết của bà góa, và bằng tất cả quyền năng của sự phục sinh của Ngài, Người thôi thúc các con: “Này người thanh niên, tôi bảo anh, hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14).

21. Chắc chắn, nhiều trích đoạn khác của lời Chúa có thể làm sáng tỏ giai đoạn này trong cuộc đời của chúng con. Chúng ta sẽ bàn đến trong một số các chương tiếp theo.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/4/2019]