Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Người Công giáo trên khắp Miến điện tập trung về Yangon để đón Đức Thánh Cha đến

Người Công giáo trên khắp Miến điện tập trung về Yangon để đón Đức Thánh Cha đến

Pope Francis is greeted by cheering, flag waving crowds as he arrives in Yangon's city centre - AP
Những đám đông hoan hô, vẫy cờ chào đón Đức Thánh Cha khi ngài đến trung tâm thành phố Yangon - AP
27/11/2017 12:28
(Vatican Radio) Hôm thứ Hai Đức Thánh Cha Phanxico đến Yangon, tại đây ngài được chào đón bởi các giới chức chính trị và tôn giáo của Miến điện, cũng như những đám đông người dân xếp hàng hai bên đường dẫn đến tòa tổng giám mục nơi ngài sẽ lưu lại trong ba ngày của chuyến viếng thăm.
Philippa Hitchen ở Yangon tường thuật chuyến đi của đức giáo hoàng và đứng trong số đám đông người chờ đón Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng của ngài đến trung tâm thành phố.
Trời nóng ngột ngạt ở trung tâm Yangon, nhưng nó không ngăn được hàng ngàn người tập trung đông đúc trong thành phố đứng xếp hàng dọc theo lộ trình nơi chiếc xe chở Đức Thánh Cha đi qua hôm nay, trên đường từ sân bay đến tòa tổng giám mục. Trong khi tôi quên chưa thoa kem chống nắng, còn hầu hết mọi người ở đây đều sử dụng loại tinh chất màu vàng nhạt lấy từ một loại thực vật địa phương bôi trên má của họ để bảo vệ tránh ánh nắng mặt trời. Họ đến từ mọi miền trong nước, đặc biệt từ các tiểu bang miền đông nơi đa phần có người Ki-tô hữu sống, chủ yếu trong các ngôi làng vùng hẻo lánh, miền quê hoặc vùng núi.
Logo ‘Hòa bình và Yêu thương’
Sự phấn khởi của họ vô cùng mãnh liệt khi họ vẫy cờ của Vatican và của Miến điện, chờ đợi Đức Thánh Cha chạy qua. Nhiều người mặc áo thêu truyền thống và ‘longyis’, những tấm vải dài đa màu sặc sỡ mà mọi người – phụ nữ và đàn ông – quấn xung quanh người họ. Những người khác thì chưng diện với mũ lưỡi trai và áo thun có dòng chữ ‘Yêu thương và Hòa bình,’ logo của chuyến đi này, nằm phía trên một đường vẽ phác nhiều màu hình ảnh đất nước, tượng trưng cho 135 nhóm sắc tộc tạo thành đất nước Đông nam Á này.
Phía trong tòa Tổng giám mục
Bên trong khu vườn của tòa tổng giám mục, một nhóm người Công giáo đang náo nức (gồm một số nữ tu, những người trong áo dòng trắng và khăn lúp, đứng nổi bật ra khỏi đám đông đa màu) đang múa hát một cách phấn khởi. Khi chiếc xe xanh dương chở Đức Thánh Cha đi qua cổng, những tiếng hoan hô phấn khởi của họ vang dậy, khi ngài bước xuống xe và bắt đầu đi về phía tòa nhà màu kem theo phong cách thời thuộc địa.
Chương trình của Đức Thánh Cha trong ngày thứ Ba
Suốt thời gian còn lại trong ngày, ngài nghỉ ngơi sau chuyến bay kéo dài hơn 10 giờ từ Roma. Thứ Ba, ngài lại trở lại phi trường để đi chuyến bay ngắn đến thủ đô Nay Pyi Taw, tại đó ngài sẽ được tổng thống và nhà lãnh tụ Miến điện, Bà Aung San Suu Kyi, chào đón. Dĩ nhiên, những buổi gặp gỡ đó sẽ được tổ chức trong khu nhà khép kín và thậm chí bài diễn từ đầu tiên của ngài trước các viên chức và các nhà ngoại giao chính phủ tại một trung tâm hội nghị gần đó cũng sẽ chỉ mở cửa cho một vài khách mời được chọn.
Thánh Lễ ngoài trời thứ Tư
Vì vậy đám đông người Công giáo đứng dọc theo các phố hôm nay sẽ phải chờ đến sáng thứ Tư để có cơ hội được nghe và nhìn thấy trực tiếp Đức Thánh Cha. Đó là khi ngài dâng Thánh Lễ ngoài trời tại trường đua ngựa thời thuộc địa, và cũng là trung tâm giam giữ trong những năm đen tối dưới thời thống trị của quân đội.
Kiên nhẫn chờ đợi Đức Thánh Cha
Đầu tuần này, tôi gặp nhiều người hành hương đang trên đường đến Yangon từ nhiều thị trấn và làng mạc trên khắp đất nước, trong đó có hàng chục em thiếu nhi may mắn được chọn để thành lập đoàn chào đón tại phi trường hôm nay. Nhiều người Công giáo là những gia đình nghèo và hầu hết họ nói rằng họ không có nơi trú ngụ ở trong thành phố này. Họ đơn giản cắm trại trên các khu đất của khu sân thể thao, kiên nhẫn chờ đợi giây phút tuyệt vời đến với họ.


[Nguồn: radiovaticana]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/11/2017]

Đức Thánh Cha chỉ ra khoảng cách biệt ngày càng lớn trong việc chăm sóc sức khỏe

Đức Thánh Cha chỉ ra khoảng cách biệt ngày càng lớn trong việc chăm sóc sức khỏe

‘Giáo hội không thể giữ im lặng đối với vấn đề này’
18 tháng 11, 2017
Pope Francis during his encounter with meets sick
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Chỉ ra khoảng cách biệt trong sự tiếp cận với dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, ngày 18 tháng 11, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Giáo hội “không thể giữ im lặng” đối với vấn đề này. Ngài tiếp tục khẳng định một Hiến Chương Mới cho Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe, trong đó nói rằng “quyền căn bản cho việc duy trì sức khỏe gắn liền với giá trị của công bằng, tức là không có sự phân biệt giữa các dân tộc và các nhóm sắc tộc, xét đến những điều kiện sống khách quan của họ và những giai đoạn phát triển, trong khi theo đuổi thiện ích chung, đồng thời là sự tốt đẹp cho tất cả mọi người và cho từng cá nhân” (số 141).
Những bình luận của ngài trong một sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị Quốc tế lần thứ 32 về chủ đề: “Giải Quyết Những Bất Bình Đẳng về Chăm sóc Sức Khỏe Toàn Cầu,” được tổ chức trong Đại sảnh New Synod Hall, 16-18 tháng 11, 2017). Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện cùng hợp tác với Ủy ban Quốc tế các Viện Chăm sóc Sức khỏe Công giáo.
Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ của người Sa-ma-ri Tốt lành nhìn thấy một người đang cần giúp đỡ và “động lòng trắc ẩn” ở lại giúp đỡ: “Lòng trắc ẩn này vượt xa hơn lòng thương hại hay sự đau buồn; nó cho thấy sự sẵn sàng can dự vào hoàn cảnh của người khác.”
Đức Thánh Cha tiếp tục với chủ đề về lòng trắc ẩn: “Một tổ chức chăm sóc sức khỏe hoạt động hiệu quả và đủ khả năng giải quyết những bất bình đẳng không thể quên raison d’être của mình, đó là lòng trắc ẩn: lòng trắc ẩn của các bác sĩ, của các y tá, của ban nhân viên, của những thiện nguyện viên và tất cả những ai có thể giảm bớt được nỗi đau do sự cô đơn và lo lắng gây ra.
“Lòng trắc ẩn cũng là một cách đặc biệt để thúc đẩy tính công bằng, vì cảm thông với người khác giúp chúng ta không chỉ thấu hiểu được những khó khăn, những bấn loạn, những sự sợ hãi của họ, nhưng còn tìm thấy giá trị và phẩm giá duy nhất của người đó trong sự mỏng giòn của con người. Quả thật, nhân bản là nền tảng căn bản của công bình, đồng thời sự công nhận giá trị vô giá của mỗi con người là nguồn lực thúc đẩy chúng ta hoạt động, với sự hăng say và quên mình, để vượt qua mọi sự chênh lệch.”
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Gửi hiền huynh đáng kính
Đức hồng y Phê-rô Kodwo Appiah Turkson
Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện
Tôi xin gửi lời chào mừng thân ái đến tất cả anh chị em tham dự trong Hội nghị Quốc tế lần thứ 32 về chủ đề Giải Quyết Những Sự Bất Bình Đẳng Trong Chăm Sóc Sức Khỏe Toàn Cầu. Tôi xin cảm ơn tất cả những người đã chung sức làm việc để tổ chức sự kiện này, đặc biệt với Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện và Liên đoàn Quốc tế những viện Chăm sóc Sức khỏe Công giáo.
Hội nghị năm vừa qua đã lưu ý đến dữ liệu đáng khích lệ về tuổi thọ trung bình và về cuộc chiến toàn cầu chống lại những bùng phát bệnh, đồng thời chỉ ra khoảng cách ngày càng rộng hơn giữa những quốc gia giàu và nghèo liên quan đến sự tiếp cận được với các dược phẩm và việc điều trị chăm sóc sức khỏe.
Từ đó, hội nghị quyết định giải quyết vấn đề cụ thể là những sự bất bình đẳng và những yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường và văn hóa ẩn sau chúng. Giáo hội không thể giữ im lặng trước vấn đề này. Ý thức về trách nhiệm của mình là phục vụ con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, Giáo hội dấn thân phục vụ phẩm giá và những quyền căn bản của họ.
Để đạt mục tiêu này, một Hiến chương mới cho Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe nói rằng “quyền căn bản cho việc duy trì sức khỏe gắn liền với giá trị của công bằng, tức là không có sự phân biệt giữa các dân tộc và các nhóm sắc tộc, xét đến những điều kiện sống khách quan của họ và những giai đoạn phát triển, trong khi theo đuổi thiện ích chung, đồng thời là sự tốt đẹp cho tất cả mọi người và cho từng cá nhân”(s. 141). Giáo hội đề nghị rằng quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được hưởng sự công bằng phải được điều hòa bằng cách phân phối công bằng những phương tiện chăm sóc sức khỏe và những nguồn tài chính, phù hợp với những nguyên tắc đoàn kết và phân quyền. Như Hiến chương trình bày, “những người chịu trách nhiệm về các hoạt động chăm sóc sức khỏe phải can đảm đối mặt với thách đố của ý thức rằng ‘khi người nghèo trên thế giới còn tiếp tục gõ cửa nhà giàu, thì thế giới giàu có đó đi vào nguy cơ không còn nghe thấy những tiếng gõ cửa đó nữa, vì lương tâm không còn khả năng phân biệt con người là gì’” (s. 91; Caritas in Veritate, 75).
Tôi rất vui khi biết rằng Hội nghị đã soạn thảo một dự án nhắm giải quyết những thách đố đó, cụ thể là thành lập một cương lĩnh hoạt động về sự chia sẻ và hợp tác giữa những viện chăm sóc sức khỏe Công giáo trong những môi trường địa lý và xã hội khác nhau. Tôi khuyến khích những anh chị em gắn kết với dự án này hãy kiên trì trong công việc, cùng với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhân viên chăm sóc sức khỏe và những tổ chức chuyên môn đặc biệt được kêu gọi tham gia vào nhiệm vụ này, vì họ cam kết nâng cao nhận thức trong các tổ chức, các cơ quan phúc lợi và toàn ngành chăm sóc sức khỏe nói chung, vì ích lợi của việc bảo đảm rằng mọi cá nhân đều thực sự được hưởng lợi đối với quyền được chăm sóc sức khỏe. Rõ ràng, điều này không chỉ tùy thuộc vào những cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhưng còn tùy thuộc vào những yếu tố phức tạp của kinh tế, xã hội, văn hóa và việc đưa ra quyết định. Trong cách thực hành, “điều cần thiết là phải giải quyết được những nguyên nhân nghèo khổ theo cấu trúc là không thể trì hoãn, không chỉ vì lý do thực tiễn của tính cấp thiết vì ích lợi của xã hội, nhưng vì xã hội cần phải được chữa lành một căn bệnh đang làm suy yếu và làm nản lòng nó, và điều đó chỉ dẫn đến những khủng hoảng mới. Chỉ nên xem các dự án phúc lợi đáp ứng được một số nhu cầu cấp thiết như là những cách giải quyết tạm thời. Chừng nào những vấn đề của người nghèo không được giải quyết tận gốc bằng cách loại bỏ tính tự chủ tuyệt đối của thị trường và sự đầu cơ tài chính, và bằng cách tấn công vào những nguyên nhân thuộc cấu trúc của sự bất bình đẳng, thì sẽ không thể tìm được giải pháp nào cho các vấn đề của thế giới, hoặc cho vấn đề đó, hoặc cho bất kỳ vấn đề nào. Bất bình đẳng là nguồn gốc của mọi căn bệnh của xã hội.” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 202).
Tôi muốn tập trung vào một khía cạnh nền tảng, đặc biệt đối với những người phục vụ Thiên Chúa qua cách chăm sóc sức khỏe cho những người anh chị em của họ. Trong khi một tổ chức có cấu trúc tốt là vô cùng quan trọng để có được những sự phục vụ cần thiết và sự chú ý tốt nhất đối với nhu cầu của con người, thì những nhân viên chăm sóc sức khỏe cũng phải thấu hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe, đồng hành và hỗ trợ những người họ chăm sóc.
Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri Tốt lành, Chúa Giê-su cho thấy bước tiếp cận thiết thực cần phải có khi chăm sóc cho người anh em đang đau khổ. Trước hết, người Sa-ma-ri “nhìn thấy.” Ông ta chăm chú nhìn và “động lòng trắc ẩn” trước cảnh một người bị bỏ lại bên vệ đường trần trụi và đầy thương tích. Lòng trắc ẩn này vượt xa hơn lòng thương hại hay lòng đau buồn; nó cho thấy sự sẵn sàng can dự vào hoàn cảnh của người khác. Cho dù chúng ta không bao giờ có thể so sánh ngang bằng được với lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, đó là lòng trắc ẩn làm đầy tràn và canh tân tâm hồn bằng chính sự hiện diện, tuy nhiên chúng ta có thể bắt chước lòng trắc ẩn đó bằng cách “lại gần,” “băng bó vết thương,” “nâng dậy” và “chăm sóc” người anh em (x. Lc 10:33-34).
Một tổ chức chăm sóc sức khỏe hoạt động hiệu quả và đủ khả năng giải quyết những bất bình đẳng không thể quên raison d’être của mình, đó là lòng trắc ẩn: lòng trắc ẩn của các bác sĩ, của các y tá, của ban nhân viên, của những thiện nguyện viên và tất cả những ai có thể giảm bớt được nỗi đau do sự cô đơn và lo lắng gây ra.
Lòng trắc ẩn cũng là một cách đặc biệt để thúc đẩy tính công bằng, vì cảm thông với người khác giúp chúng ta không chỉ thấu hiểu được những khó khăn, những bấn loạn, những sự sợ hãi của họ, nhưng còn tìm thấy giá trị và phẩm giá duy nhất của người đó trong sự mỏng giòn của mọi con người. Quả thật, nhân bản là nền tảng căn bản của công bình, đồng thời sự công nhận giá trị vô giá của mỗi con người là nguồn lực thúc đẩy chúng ta hoạt động, với sự hăng say và quên mình, để vượt qua mọi sự chênh lệch.
Cuối cùng, tôi muốn trình bày với các đại diện của nhiều công ty dược được mời đến Roma để giải quyết vấn đề cơ hội tiếp cận được với liệu pháp kháng vi-rút của các bệnh nhi. Tôi muốn gửi đến quý vị một đoạn trong Hiến chương Mới cho Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe để quý vị cân nhắc. Đoạn đó như sau: “Cho dù điều không thể phủ nhận rằng kiến thức khoa học và sự nghiên cứu của các công ty dược đều có luật riêng mà họ phải tuân theo – ví dụ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và một mức lợi nhuận xứng đáng để hỗ trợ sự phát triển mới – nhưng phải tìm ra những con đường để kết hợp một cách thỏa đáng với quyền được tiếp cận với những liệu pháp điều trị cơ bản hoặc cần thiết, hoặc cả hai, đặc biệt trong những quốc gia chậm phát triển, và trên hết là đối với những trường hợp được gọi là những bệnh hiếm gặp và không được quan tâm, những căn bệnh thường được hiểu là phải đi kèm với các loại thuốc orphan drugs (tạm dịch: thuốc mồ côi). Những chiến lược chăm sóc sức khỏe nhắm mục tiêu theo đuổi công bằng và thiện ích chung phải đi theo hướng bền vững về kinh tế và đạo đức. Quả thật, khi họ phải bảo đảm cho tính bền vững cho cả việc nghiên cứu và các hệ thống chăm sóc sức khỏe, thì đồng thời họ phải đưa ra được những loại thuốc thiết yếu với số lượng phù hợp, với chất lượng bảo đảm, cùng với thông tin chính xác, và giá bán có thể chấp nhận được đối với các cá nhân và cộng đồng” (s. 92).
Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị vì sự cam kết quảng đại mà quý vị cống hiến để thực hiện sứ mạng cao quý của mình. Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho quý vị, và tôi xin quý vị hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện.
© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/12/2017]


Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Đức Hồng y Charles Bo nói về những thách đố của chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Miến điện

Đức Hồng y Charles Bo nói về những thách đố của chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Miến điện

Cardinal Charles Bo, Archbishop of Yangon, will be welcoming Pope Francis to Myanmar on November 27th - OSS_ROM
Đức Hồng y Charles Bo, tổng Giám mục Yangon, sẽ đón Đức Thánh Cha Phanxico đến Miến điện ngày 27 tháng Mười Một - OSS_ROM
25/11/2017 10:00
(Vatican Radio) Hôm Chủ nhật theo lịch Đức Thánh Cha sẽ rời Roma, bay đến Miến điện và Bangladesh trong chuyến tông du ra nước ngoài thứ 21 của ngài.
Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường quốc tế Yangon thứ Hai 27 và lưu lại 3 ngày ở Miến điện, đến thủ đô mới, Nay Pyi Taw để có những cuộc nói chuyện với tổng thống và Cố vấn Chính phủ là bà Aung San Suu Kyi. Tại Yangon ngài sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo của quốc gia và các Giám mục Công giáo, cũng như dâng Lễ, trước khi khởi hành đi Bangladesh ngày 30 tháng Mười Một.
Đây là chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng đế một đất nước, trước đây được gọi là Burma, chịu đau khổ suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ dưới sự nắm quyền đàn áp của quân đội cho đến những cuộc bầu cử năm 2015, và chiến thắng thuộc về phe Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu.
Trước ngày khởi hành của Đức Thánh Cha, Philippa Hitchen trao đổi với Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Yangon, Hồng y Charles Bo và hỏi ngài về tiến trình tiến đến dân chủ trong quốc gia này …
Đức Hồng y Bo nói rằng trong quá khứ đảng nắm quyền quốc gia do độc quyền các Phật tử Miến điện, nhưng bây giờ đảng đã có thêm những nhóm sắc tộc khác, và “không chỉ có Phật tử, nhưng có cả Ki-tô hữu và những tôn giáo khác. Đó là một tiến bộ lớn,” ngài nói.
Nền dân chủ vẫn còn mong manh
Một sự thay đổi nổi bật nữa mà Hồng y cho biết là người dân bây giờ đã có điện thoại thông minh, báo chí và tập san vì thế họ có quyền tự do bày tỏ nhiều hơn. Dưới sự lãnh đạo của Bà Aung San Suu Kyi, ngài nói, đảng NLD đã có những tiến bộ trong việc quản lý dân sự, mặc dù quân đội còn rất mạnh và “chúng tôi có thể nhìn thấy rằng nền dân chủ của chúng tôi còn rất mong manh.”
Ngài tiếp tục, quân đội vẫn nắm giữ quốc phòng, các vấn đề về biên giới và nội vụ, vì vậy quyền hạn của bà Aung San Suu Kyi là “rất giới hạn và trong quốc hội bà không có tiếng nói phản đối lại quân đội.”
Sự gây hấn của quân đội ở tiểu bang Rakhine
Bình luận những chỉ trích về sự im lặng của bà trong những vụ tấn công vào các làng mạc thuộc tiểu bang Rakhine ở miền bắc, đã dẫn đến một sự khủng hoảng lớn về nhân quyền, Đức hHồng y nói rằng cộng đồng quốc tế đã “hơi thổi phồng” vì truyền thông nước ngoài “rất mạnh, đặc biệt là Al-Jazeera”, trong khi truyền thông địa phương “rất yếu và chúng tôi không có nhiều khả năng để tiếp cận được với cộng đồng quốc tế.”
Ngài không thích dùng các từ như diệt chủng hay thanh trừng sắc tộc, ngài nói rằng quân đội Miến điện “đáp trả theo một cách rất bạo lực” đối với những chiến binh Rohingya nhắm vào các tiền đồn của cảnh sát. Ngài nhấn mạnh rằng “không thể so sánh” giữa những vụ tấn công “nhỏ” của các chiến binh, và chính phủ với “những cuộc tấn công theo cách rất hung hãn bằng bom và bắn giết và đốt phá.”
Kêu gọi dừng những cách nói thù hận
Đức hồng y Bo nói rằng Bà Aung San Suu Kyi hiện đang cố gắng áp dụng những đều nghị theo báo cáo của ông Kofi Annan, với những người thiện nguyện trẻ tuổi hoạt động tại những khu vực người tị nạn trở về. Ngài nói rằng dư luận là “rất đa chiều và khá gay gắt,” với rất nhiều người chuyển đến Cox’s Bazar và muốn tiếp tục đi đến những quốc gia thứ ba.
Nhà lãnh đạo Công giáo cũng nói về những cách nói thù hận mà những nhà tu hành Phật giáo cực đoan lan truyền bằng loa phóng thanh bốn hay năm năm về trước. Ngài nói, trước những vụ tấn công của Hồi giáo vào tiểu bang Rakhine, hình thức đó đã trở lại, khi một vị cao tăng Phật giáo nói rằng việc giết những người không theo Phật giáo là chính đáng.
Tôn trọng các tôn giáo khác
Ngài lưu ý rằng người Miến điện nói chung có sự kính trọng rất lớn đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo, vì vậy làn sóng chống Hồi giáo của người Phật giáo đang lan rộng: “đa số đều có ác cảm với người Hồi giáo nói chung và đặc biệt là người Hồi giáo ở tiểu bang Rakhine”.
Ngài nói, để chống lại những quan điểm như vậy, “chúng tôi đang hết sức cố gắng có những cuộc họp nhóm liên tôn và thuyết phục các linh mục và tu sĩ, đặc biệt trong các bài giảng, phải thật tôn trọng và thấu hiểu các tôn giáo khác.”
Sự đón tiếp rất tích cực dành cho  Đức giáo hoàng
Đức Hồng y nói, trong một đất nước với dân số 51 triệu người, trong đó người Công giáo chiếm khoảng 1,4 phần trăm, hoặc con số là 700.000 người. Giáo hội có những mối quan hệ rất tốt với phái Baptist và các tông phái Ki-tô khác, và cả với các nhà tu hành Phật giáo và các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Ngài nói rằng không có những nhận định tiêu cực về chuyến đi của Đức Giáo hoàng, ngay cả đối với các nhà sư Phật giáo cực đoan là những người “rất muốn gặp gỡ” ngài, nhưng “ngài phải rất cẩn thận về những thuật ngữ khi ngài sử dụng” vì vậy “chúng tôi đề nghị ngài chỉ cố gắng kìm chế không sử dụng từ Rohingya”.
Nói về sự xung đột với các nhóm quân sự khác, Hồng y nói “nó đã hơi lắng xuống,” và Bà Aung San Suu Kyi đã kết thúc một hội nghị hòa bình thứ hai, nhưng một vài nhóm sắc tộc vũ trang “vẫn cảm thấy miễn cưỡng và nghi ngờ về quân đội.”
Những ưu tiên về giáo dục và việc làm
Cuối cùng đức hồng y nói về những nỗ lực của Giáo hội hỗ trợ giới trẻ đã phải chịu đau khổ vì thiếu học hành và việc làm. Ngài nói rằng có khoảng 3 triệu người Miến điện di cư đang làm việc tại Thái lan và nhiều người trong số đó rất có nguy cơ bị bán và bị bóc lột. Ngài nói ưu tiên hàng đầu của Giáo hội là giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, và cho dù “sự thay đổi không diễn ra ngay lập tức,” nhưng ngài hy vọng dần dần “sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho giới trẻ.”

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/11/2017]


Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi chăm sóc cho Trái đất

Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi chăm sóc cho Trái đất

Phải chống lại những thái độ ngoan cố
16 tháng 11, 2017
Pope Francis speaks at a workshop on climate change in Rome, June 21, 2015. Credit: L'Osservatore Romano.
Đức Thánh Cha Phanxico trình bày tại hội thảo về biến đổi khí hậu ở Roma, 21 tháng Sáu, 2015. Credit: L'Osservatore Romano.

“Tôi muốn tái khẳng định lại lời kêu gọi khẩn thiết của tôi để tiếp tục đối thoại về cách chúng ta xây dựng tương lai cho trái đất,” Đức Thánh Cha Phanxico nói trong thông điệp được Vatican phát hành ngày 16 tháng Mười Một, 2017. “Chúng ta cần một sự thay đổi để liên kết tất cả chúng ta, vì thách đố về môi trường mà chúng ta đang trải qua, và những cội rễ về con người, liên quan đến tất cả chúng ta, và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.”
Lời kêu gọi hành động được lặp lại của Đức Thánh Cha trong một thông điệp gửi tới ông Frank Bainimarama, Thủ tướng của Đảo quốc Fiji, Chủ tịch của Phiên Hội nghị thứ 23 của các Chính phủ về Công ước Khung của LHQ về Biến đổi Khí hậu (COP-23), diễn ra tại Bonn từ 6-17 tháng Mười Một, 2017. Thông điệp được đọc trong phiên họp ngày 16 tháng Mười Một.
Đức Thánh Cha Phanxico liệt kê “bốn thái độ ngoan cố” “không giúp cho việc nghiên cứu một cách trung thực và đối thoại tích cực về việc xây dựng tương lai cho trái đất.”
  • Phủ nhận
  • Thờ ơ
  • Rút lui
  • Tin tưởng và các giải pháp không thỏa đáng
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng những sự tiếp cận về kinh tế và kỹ thuật là quan trọng, nhưng “vấn đề quan trọng và thỏa đáng là phải thận trọng cân nhắc đến những ảnh hưởng về đạo đức và xã hội và những ảnh hưởng đối với mô hình mới về phát triển và tiến bộ trong phạm vi ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn.” Và ngài tiếp tục: “... điều cần thiết là ngày càng phải chú ý hơn đến việc giáo dục và những lối sống đặt nền tảng trên sinh thái học toàn diện, có tầm nhìn xa trông rộng để thực hiện những nghiên cứu trung thực và đối thoại mở rộng đối với những vấn đề mang nhiều chiều kích đan xen nhau trong Hiệp định Paris.”
Thông điệp của Đức Thánh Cha
Gửi ngài Frank Bainimarama
Thủ tướng Đảo quốc Fiji
Chủ tịch của Phiên Hội nghị thứ 23 của các Chính phủ về Công ước Khung của LHQ về Biến đổi Khí hậu (COP-23)
Bonn, 6-17 tháng Mười Một, 2017
Thưa ngài,
Gần hai năm trước, cộng đồng quốc tế đã nhóm họp trong khuôn khổ diễn đàn UNFCCC này, với hầu hết đại diện cấp cao nhất của các chính phủ, và sau những tranh luận dài và phức tạp đã dẫn đến việc thông qua Hiệp định Paris lịch sử. Nó đã chứng kiến được thành tựu của sự đồng tâm nhất trí đối với nhu cầu phải đưa ra một chiến lược chung để chống lại một trong những hiện tượng đáng lo ngại nhất mà nhân loại chúng ta đang phải đối mặt: sự biến đổi khí hậu.
Sự quyết tâm thể hiện sau sự đồng lòng này được thấy rõ qua tốc độ Hiệp định Paris được đưa vào thi hành, không đầy một năm sau khi được thông qua. Hiệp định cho thấy một lộ trình chuyển đổi rõ ràng phải đạt đến mô hình phát triển kinh tế có lượng carbon thấp hoặc bằng không, thúc đẩy sự đoàn kết và tạo lực đẩy cho những mối liên kết mạnh mẽ giữa việc chống lại biến đổi khí hậu và sự nghèo đói. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi tình trạng cấp thiết của khí hậu đòi hỏi cam kết lớn hơn từ phía các quốc gia, trong đó một số quốc gia phải cố gắng nắm lấy vai trò dẫn đầu trong sự chuyển đổi này, phải luôn nhớ đến những nhu cầu của các dân tộc dễ bị tổn thương nhất.
Trong những ngày này quý vị nhóm họp ở Bonn để thực hiện một giai đoạn quan trọng khác của Hiệp định Paris: tiến trình vạch rõ và xây dựng những hướng dẫn, quy ước, và những cơ cấu thể chế để nó có thể trở nên hiệu quả thật sự và đủ khả năng đóng góp cho sự thành công của nhiều mục tiêu phức tạp mà nó đề xuất ra. Để theo đuổi được lộ trình như vậy, điều cần thiết là phải duy trì sự hợp tác ở mức độ cao.
Từ quan điểm này, tôi muốn tái khẳng định lại lời kêu gọi khẩn thiết của tôi để tiếp tục đối thoại về cách chúng ta xây dựng tương lai cho trái đất. Chúng ta cần một sự thay đổi để liên kết tất cả chúng ta, vì thách đố về môi trường mà chúng ta đang trải qua, và những cội rễ về con người, liên quan đến tất cả chúng ta, và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. [...] Thật không may, nhiều nỗ lực tìm kiếm những giải pháp cụ thể cho sự khủng hoảng môi trường thường bị thất bại vì nhiều lý do khác nhau từ việc phủ nhận vấn đề đến sự thờ ơ, rút lui không một chút băn khoăn, hoặc tin tưởng mù quáng vào những giải pháp kỹ thuật (x. Tông huấn Laudato si’, 14).
Chúng ta phải tránh rơi vào cái bẫy của bốn thái độ ngoan cố này, chúng hoàn toàn không giúp cho việc nghiên cứu một cách trung thực hoặc đối thoại chân thành và tích cực về việc xây dựng tương lai cho trái đất: phủ nhận, thờ ơ, rút lui và tin tưởng vào những giải pháp không thỏa đáng.
Ngoài ra, chúng ta không thể chỉ giới hạn trong chiều kích kinh tế và kỹ thuật: những giải pháp kỹ thuật là cần thiết như chưa đủ; vấn đề quan trọng và thỏa đáng là phải thận trọng cân nhắc đến những ảnh hưởng về đạo đức và xã hội và những ảnh hưởng đối với mô hình mới về phát triển và tiến bộ trong phạm vi ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn.
Trên quan điểm này, điều cần thiết là ngày càng phải chú ý hơn đến việc giáo dục và những lối sống đặt nền tảng trên sinh thái học toàn diện, có tầm nhìn xa trông rộng để thực hiện những nghiên cứu trung thực và đối thoại mở rộng đối với những vấn đề mang nhiều chiều kích đan xen nhau trong Hiệp định Paris. Chúng ta cần phải nhớ rằng Hiệp định kêu gọi “trách nhiệm luân lý và đạo đức để hành động ngay không trì hoãn, với tinh thần tự do thoát khỏi những sức ép về chính trị và kinh tế, gạt sang một bên những lợi ích và cách đối phó riêng tư” (x. Thông điệp gửi COP-22). Trong cách thực hành, điều này có nghĩa là truyền bá một “ý thức trách nhiệm” đối với ngôi nhà chung của chúng ta (x. Tông huấn Laudato si’, 202; 231) qua sự đóng góp của tất cả mọi người, trong cách giải thích những hình thức hoạt động khác nhau và sự hợp tác giữa những bên liên quan, trong đó có những người không thiếu sự khôn ngoan và khả năng về thiện ích chung.
Thưa ngài Chủ tịch, khi gửi những lời chúc mừng đến ngài và tất cả quý vị tham dự trong Hội nghị này, tôi hy vọng rằng, với sự hướng dẫn có thẩm quyền của quý vị và của Đảo quốc Fiji, công cuộc của những ngày này sẽ được khơi gợi cảm hứng bởi cùng một tinh thần hợp tác và dự báo được thể hiện trong COP-21. Việc này sẽ tạo ra một sức bật trong việc nâng cao ý thức và củng cố ý chí để đưa ra những quyết định hiệu quả đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, đồng thời chống lại nạn nghèo đói và thực sự thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện. Cam kết này được trợ giúp bởi sự quan phòng khôn ngoan của Đấng Tối Cao.
© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/11/2017]


Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Miến điện và Bangladesh: Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ người Rohingyas

Miến điện và Bangladesh: Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ người Rohingyas

Thông cáo của ông Greg Burke
22 tháng 11, 2017
Miến điện và Bangladesh: Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ người Rohingyas
Trại di tản của người Rohingyans WIKIMEDIA COMMONS - DFID - UK Department For International Development.
Ông Greg Burke nói chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxico đến Miến điện và Bangladesh, từ 26 tháng 11 đến 2 tháng 12, 2017, chuyến đi thứ ba như vậy của ngài, sẽ có hai sự kiện không có trong chương trình đưa ra ban đầu: một cuộc phỏng vấn với người đứng đầu Quân đội Miến điện và sự có mặt của người Rohingyas trong buổi gặp gỡ ở Dhaka. Trình bày về chuyến đi này ở Vatican hôm 22 tháng 11, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị liên tôn.
Đức Thánh Cha sẽ đem đến một thông điệp hòa giải, tha thứ, và hòa bình cho hai quốc gia này. Trên quan điểm này, sẽ có một buổi gặp gỡ riêng ngày 30 tháng 11 với Tướng Min Aung Hlaing. Chính Đức Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục Giáo phận Yangon, đã gặp Đức Thánh Cha ngày 18 tháng 11 vừa rồi, mong muốn có buổi phỏng vấn này. Ngài giải thích, mục tiêu “nói về những gì vị tướng đã làm, nhưng để có cuộc đối thoại với ông ta … Có thể nó sẽ làm mềm lòng ông ta lại và có thể đó sẽ là bước đầu tiên hướng đến hòa bình.”
Ông Greg Burke cũng cho biết rằng một nhóm người tị nạn Rohingya cũng sẽ tham dự buổi gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hòa bình, được lên kế hoạch ngày 1 tháng 12 tại Dhaka, Bangladesh. Một buổi gặp gỡ nhạy cảm vì cái tên của những người Hồi giáo Sunni theo ngôn ngữ Bengali sống ở vùng đông bắc của tiểu bang Rakhine của Miến điện, rất dễ gây tranh cãi. Chính quyền đã cấm không cho sử dụng thuật ngữ này và cũng đã kêu gọi cộng đồng ngoại giao không sử dụng nó.
Ở cả hai quốc gia, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển trong một chiếc xe giáo hoàng không chống đạn có mui. Ngài sẽ ở tại Tòa Tổng Giám mục Yangon và tại trụ sở của Tòa Khâm sứ ở Dhaka.
Ông Burke nói trên Đài phát thanh Vatican rằng chuyến đi thứ ba này đến Châu Á sau lần đến Hàn quốc (tháng Tám 2014) và Sri Lanka và Philippines (tháng Một 2015) là một chuyến đi “đến những vùng ngoại vi,” ở những quốc gia xa xôi nơi cộng đoàn Công giáo “rất nhỏ bé.” Ở Miến điện, người Công giáo chiếm 1,5% dân số với khoảng 700.000 tín hữu. Ở Bangladesh, 90% dân số là người Hồi giáo, 8% là người Ấn giáo Hindu, và số còn lại là người Ki-tô giáo, Phật giáo, và các tôn giáo truyền thống.
Người phát ngôn của Vatican nói, chiều kích “liên tôn” ở hai quốc gia này là “vô cùng quan trọng. Miến điện chủ yếu là một quốc gia Phật giáo, và Bangladesh chính thức là một quốc gia Hồi giáo. Ở đây lại một lần nữa Đức Thánh Cha mong muốn cho thấy tầm quan trọng của tôn giáo vì hòa bình và vì hòa giải.”
Thực hiện những chuyến đi này cũng là “một sự trợ giúp lớn” cho người Công giáo, “một cách củng cố niềm tin cho họ,” ông nói thêm. “Điều thú vị là Đức Thánh Cha sẽ kết thúc chuyến đi đến hai quốc gia bằng một buổi gặp gỡ với giới trẻ.” Từ chuyến thăm viếng của Đức Giáo hoàng, những cộng đồng Công giáo bé nhỏ “cũng có thể tìm thấy ‘niềm hy vọng lớn,’” ông nói thêm.
Nhắc lại rằng Bangladesh gần đây đã chuyển từ một quốc gia “chậm phát triển” thành một quốc gia “đang phát triển, ông Greg Burke làm nổi bật sự động viên của Đức Thánh Cha “cho những vùng đất nghèo như vậy.”
Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2017]


Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha, kêu gọi LHQ hành động

Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha, kêu gọi LHQ hành động

Người di cư và người tị nạn: những con người đi tìm hòa bình
24 tháng 11, 2017
Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha, kêu gọi LHQ hành động
Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về Di cư và Hòa bình © L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng hòa bình là một “khát vọng sâu thẳm cho mọi người,” trong sứ điệp cho ngày 1 tháng Một, 2018, kỷ niệm Ngày Hòa bình Thế giới. Vatican phát hành văn bản sứ điệp ngày 24 tháng 11, 2017.
Đức Thánh Cha nói, hòa bình được tìm kiếm “cho mỗi cá nhân và mọi dân tộc, và đặc biệt cho những người chịu đựng đau khổ vì thiếu vắng nó.” Và ngài nhấn mạnh: “Tôi luôn thao thức trong lòng và trong lời cầu nguyện, một lần nữa tôi lại phải nói đến 250 triệu người di cư trên khắp thế giới, trong số đó 22,5 triệu là người tị nạn.”
Ngài kêu gọi Liên Hợp quốc đưa ra hành động về vấn đề di cư trong năm 2018, bằng cách xây dựng hai Hiệp ước Toàn cầu: một hiệp ước về di cư an toàn, có trật tự và có lộ trình; và một hiệp ước về người tị nạn.
Đức Phanxico nói, “Là những thỏa thuận trên phạm vi toàn cầu, những hiệp ước này sẽ cung cấp một khuôn khổ cho những hoạch định chính sách và các biện pháp thi hành. Vì lý do này, chúng cần phải được khơi gọi bởi lòng trắc ẩn, sự nhìn xa trông rộng, và lòng can đảm, để tận dụng mọi cơ hội nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng hòa bình. Chỉ bằng cách này thì quan điểm hiện thực cần có cho đời sống chính trị quốc tế mới tránh rơi vào tính yếm thế và sự toàn cầu hóa tính thờ ơ.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những chủ điểm trong sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2018 của ngài về người Di cư và Tị nạn, bốn cột mốc hành động để giúp những người phải di tản:
  1. “Đón nhận” kêu gọi mở rộng những lộ trình pháp lý cho nhập cảnh và không đẩy người di cư và di tản sang những quốc gia nơi họ phải đối mặt với sự bắt bớ và bạo lực.
  2. “Bảo vệ” là trách nhiệm của chúng ta công nhận và bảo vệ cho phẩm giá bất khả xâm phạm của những người phải chạy trốn khỏi những nguy hiểm thật sự để đi tìm nơi nương náu và an ninh, và tránh cho họ không bị bóc lột.
  3. “Thúc đẩy” bao gồm việc hỗ trợ sự phát triển con người toàn diện cho người di cư và tị nạn.
  4. Cuối cùng “Hội nhập”, nghĩa là cho phép người tị nạn và di cư được tham gia trọn vẹn vào đời sống của xã hội đã đón nhận họ, như là một phần của tiến trình làm phong phú lẫn cho nhau và sự hợp tác đầy hiệu quả trong việc phục vụ cho sự phát triển con người toàn diện của cộng đồng địa phương.
Đức Thánh Cha viết, “Chúng ta biết rằng việc mở tấm lòng ra trước những đau khổ của người khác là chưa đủ. Còn rất nhiều việc phải được thực hiện trước khi những người anh em chị em của chúng ta có thể một lần nữa được sống bình an trong một ngôi nhà an toàn.”
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NHÂN KỶ NIỆM NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 51
1 THÁNG MỘT 2018
Người Di cư và Tị nạn: những con người đi tìm hòa bình
  1. 1.  Những lời cầu chúc chân thành cho hòa bình
Bình an cho mọi người và mọi dân tộc trên trái đất! Bình an, lời của thiên sứ loan báo cho các mục đồng trong đêm Giáng sinh, [1] là một khát vọng sâu thẳm cho mọi người, cho mỗi cá nhân và mọi dân tộc, và đặc biệt cho những người chịu đựng đau khổ vì thiếu vắng nó. Họ là những người mà tôi luôn thao thức trong lòng và trong lời cầu nguyện, một lần nữa tôi lại phải nói đến 250 triệu người di cư trên khắp thế giới, trong số đó 22,5 triệu là người tị nạn.” Đức Giáo hoàng Benedict XVI, Đấng Tiền nhiệm kính yêu của tôi, nói về họ như là “những người đàn ông, những phụ nữ và trẻ em, người trẻ và người già, những con người đi tìm một nơi sống trong an bình.”[2] Để tìm được sự bình an đó, họ sẵn sáng liều mạng sống dấn bước vào một hành trình thường là rất dài và đầy nguy hiểm, phải chịu đựng bao gian khó và đau khổ, và vấp phải những hàng rào và những bức tường ngăn bước họ cách xa mục tiêu họ muốn đến.
Với tấm lòng trắc ẩn, chúng ta hãy ôm lấy tất cả những con người phải chạy trốn chiến tranh và đói khát, hoặc bị cưỡng bức vì sự phân biệt đối xử, bắt bớ, đói nghèo và suy giảm môi trường mà phải rời bỏ quê nhà.
Chúng ta biết rằng mở tấm lòng ra trước những đau khổ của người khác là chưa đủ. Còn tất nhiều việc khác phải được thực hiện trước khi những người anh em chị em của chúng ta có thể một lần nữa được sống bình an trong một ngôi nhà an toàn. Đón nhận người khác đòi hỏi những cam kết cụ thể, một mạng lưới hỗ trợ và thiện chí, thận trọng và thấu hiểu, quản lý có trách nhiệm đối với những tình hình mới và phức tạp trong đó có những lúc phát sinh nhiều vấn đề, chưa kể đến những nguồn tài nguyên luôn luôn có giới hạn nhất định. Qua cách thực hành nhân đức khôn ngoan, các nhà lãnh đạo chính quyền nên áp dụng những biện pháp thực tế là đón nhận, thúc đẩy, bảo vệ, và hội nhập và, “trong những giới hạn được phép theo cách hiểu đúng về thiện ích chung, hãy cho phép họ trở thành một phần trong một xã hội mới.”[3] Các nhà lãnh đạo có trách nhiệm rõ ràng đối với cộng đồng của họ, trong đó họ phải bảo đảm được những quyền về pháp lý và sự phát triển hài hòa, nếu không họ lại trở thành người xây dựng hấp tấp có những bước tính toán sai lầm và thất bại không thể hoàn tất được tòa tháp người đó đã bắt đầu xây dựng.[4]
  1. 2.  Tại sao có quá nhiều người  tị nạn và di cư?
Khi hướng đến Đại Năm Thánh đánh dấu hành trình hai ngàn năm từ khi các thiên sứ loan báo sự bình an ở Bê-lem, Thánh Gio-an Phao-lô II chỉ ra những con số người di tản ngày càng gia tăng như là hậu quả của “những cuộc chiến, xung đột, diệt chủng và thanh trừng sắc tộc kinh hoàng kéo dài vô tận”[5], nó là đặc điểm nổi bật của thế kỷ hai mươi. Cho đến hôm nay, thế kỷ mới chưa thấy được sự thay đổi đột phá nào: những cuộc xung đột vũ trang và những hình thức bạo lực có tổ chức khác tiếp tục nhắm tấn công vào hoạt động của các dân tộc trong phạm vi biên giới các quốc gia và vượt ra ngoài biên giới.
Tuy nhiên con người cũng di cư vì những lý do khác, chủ yếu vì họ “khao khát có một đời sống tốt đẹp hơn, và thường là bỏ lại sau lưng ‘sự vô vọng’ về một tương lai không có gì hứa hẹn.”[6] Họ ra đi để đoàn tụ gia đình hoặc tìm những cơ hội nghề nghiệp hay học tập, với những người không được hưởng các quyền đều sống trong bất an. Ngoài ra, như tôi đã đề cập đến trong Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), đã có “một sự tăng mạnh làn sóng người di cư tìm cách thoát khỏi cảnh cùng khổ đang lan rộng vì sự suy thoái môi trường”.[7]
Hầu hết người ta di cư qua các kênh thông thường. Tuy nhiên, một số đi theo con đường khác, thường là rơi vào tuyệt vọng, khi đất nước của họ không đưa ra được những bảo đảm an toàn hoặc cơ hội, và mọi con đường pháp lý đều trở nên không thực tế, bị bế tắc hoặc quá chậm chạp.
Nhiều quốc gia đích đến đã cho thấy sự lan rộng của những thổi phồng quá mức về những sự nguy hiểm đối với an ninh quốc gia hoặc phí tổn quá nhiều cho việc đón nhận những người mới đến, và làm như vậy là tự hạ phẩm giá vì tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Với những người, có thể vì những lý do chính trị, khích động sự khiếp sợ người di cư; thay vì xây dựng hòa bình họ lại gieo rắc bạo lực, phân biệt sắc tộc, và bài ngoại, gây ra những điều đáng quan ngại cho tất cả những người quan tâm đến sự an toàn của mọi người.[8]
Tất cả các chỉ số hiện tại đối với cộng đồng quốc tế cho thấy sự di cư toàn cầu sẽ tiếp tục trong tương lai. Một số người cho rằng đây là một mối đe dọa. Đối với tôi, tôi xin các bạn hãy tự tin nhìn đến nó như là một cơ hội để xây dựng hòa bình.
  1. 3.  Với cái nhìn chiêm ngắm
Sự khôn ngoan của đức tin thúc đẩy một cái nhìn chiêm ngắm chân nhận rằng tất cả chúng ta đều “thuộc về một gia đình, cả người di cư và người dân địa phương đón nhận họ, và tất cả đều có chung quyền được hưởng những gia tài của trái đất, mà dụng đích của nó là phổ quát, như giáo huấn xã hội của Giáo hội đã dạy. Chính ở đây tình đoàn kết và sự sẻ chia được tìm thấy.”[9] Những lời này gợi lên hình ảnh trong kinh thánh của thành Giê-ru-sa-lem mới. Sách Ngôn sứ I-sai-a (chương 60) và sách Khải huyền (chương 21) mô tả thành mới này với những cánh cổng luôn luôn mở ra cho mọi dân tộc, những người kinh ngạc trước nó và làm đầy tràn nó bằng những sự giàu có. Bình an là tột đỉnh làm kim chỉ nam dẫn đường cho nó và công bằng là nguyên tắc điều hành cho sự chung sống trong đó.
Chúng ta cũng phải hướng cái nhìn chiêm ngắm này đến những thành phố nơi chúng ta đang sống, “một cái nhìn của đức tin thấy được Thiên Chúa đang ngụ cư trong gia đình của họ, trên những con phố và trong những quảng trường, […] thúc đẩy tình hiệp nhất, tình huynh đệ, và niềm khát khao sự thiện hảo, sự thật, và công bình”[10] – nói một cách khác là làm trọn vẹn lời hứa ban bình an.
Khi chúng ta hướng cái nhìn đó sang người di cư và người tị nạn, chúng ta khám phá ra rằng họ không đến bằng đôi bàn tay trắng. Họ mang đến lòng can đảm, những kỹ năng, năng lực, và những khát vọng, cũng như những gia tài của các nền văn hóa của họ; và bằng cách này, họ làm giàu có cho đời sống của các dân tộc cưu mang họ. Chúng ta cũng sẽ nhìn thấy tính sáng tạo, tính kiên trì, và tinh thần hy sinh của không biết bao nhiêu cá nhân, gia đình, và cộng đồng trên khắp thế giới mở cửa nhà và mở cửa trái tim của họ để đón những người di cư và tị nạn, ngay cả ở những nơi với nguồn tài nguyên khan hiếm.
Một cái nhìn chiêm ngắm cũng hướng dẫn cho sự nhận thức rõ của những người có trách nhiệm với thiện ích chung, và khuyến khích họ theo đuổi các chính sách đón nhận “trong những giới hạn được cho phép bởi một cách hiểu đúng về thiện ích chung” [11] – nghĩa là, luôn ghi nhớ trong tâm trí những nhu cầu của tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại và hạnh phúc của mỗi người.
Người nhìn thấy mọi việc theo cách này sẽ có thể nhận ra được những hạt giống hòa bình đang đâm chồi và ấp ủ sức phát triển. Các thành phố của chúng ta, thường bị chia rẽ và phân cực bởi những mâu thuẫn vì sự hiện diện của người di cư và người tị nạn, sẽ biến thành nơi xây dựng hòa bình.
  1. Bốn điểm mốc hành động
Cung cấp cho người tìm nơi trú ngụ, những người tị nạn, người di cư và các nạn nhân của tình trạng buôn người một cơ hội tìm được sự bình an mà họ khát khao đòi hỏi một chiến lược gồm bốn hoạt động: đón nhận, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập.[12]
“Đón nhận” kêu gọi mở rộng những lộ trình pháp lý cho nhập cảnh và không đẩy người di cư và di tản sang những quốc gia nơi họ phải đối mặt với sự bắt bớ và bạo lực. Nó cũng đòi hỏi sự cân bằng những lo lắng của chúng ta giữa vấn đề an ninh quốc gia với sự quan tâm đến nhân quyền căn bản. Kinh Thánh nhắc chúng ta rằng: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết..”[13]
“Bảo vệ” là trách nhiệm của chúng ta công nhận và bảo vệ cho phẩm giá bất khả xâm phạm của những người phải chạy trốn khỏi những nguy hiểm thật sự để đi tìm nơi nương náu và an ninh, và tránh cho họ không bị bóc lột. Tôi đặc biệt nghĩ đến các phụ nữ và trẻ em bị rơi vào những hoàn cảnh đối mặt với những nguy hiểm và sự lạm dụng thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nô lệ. Thiên Chúa không phân biệt đối xử: “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ.”[14]
“Thúc đẩy” bao gồm việc hỗ trợ sự phát triển con người toàn diện cho người di cư và tị nạn. Trong số nhiều phương cách khả thi để thực hiện điều này, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên ở mọi cấp độ. Việc này không những có thể giúp họ trau dồi và tìm ra được tiềm năng của mình, nhưng còn trang bị cho họ tốt hơn về khả năng gặp gỡ người khác và để thúc đẩy tinh thần đối thoại hơn là gạt bỏ hoặc kình địch. Tin mừng dạy rằng Thiên Chúa “yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập.”[15]
Cuối cùng “Hội nhập”, nghĩa là cho phép người tị nạn và di cư được tham gia trọn vẹn vào đời sống của xã hội đã đón nhận họ, như là một phần của tiến trình làm phong phú lẫn cho nhau và sự hợp tác đầy hiệu quả trong việc phục vụ cho sự phát triển con người toàn diện của cộng đồng địa phương. Thánh Phao-lô diễn tả điều này bằng những lời sau: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa.”[16]
  1. Một đề nghị cho hai hiệp ước quốc tế
Hy vọng chân thành của tôi là tinh thần này sẽ dẫn dắt tiến trình để trong năm 2018 Liên Hợp quốc sẽ soạn thảo và thông qua hai Hiệp ước Toàn cầu, một hiệp ước về di cư an toàn, có trật tự và có lộ trình; và một hiệp ước về người tị nạn. Là những thỏa thuận trên phạm vi toàn cầu, những hiệp ước này sẽ cung cấp một khuôn khổ cho những hoạch định chính sách và các biện pháp thi hành. Vì lý do này, chúng cần phải được khơi gợi bởi lòng trắc ẩn, sự nhìn xa trông rộng, và lòng can đảm, để tận dụng mọi cơ hội nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng hòa bình. Chỉ bằng cách này thì quan điểm hiện thực cần có cho đời sống chính trị quốc tế mới tránh rơi vào tính yếm thế và sự toàn cầu hóa tính thờ ơ.
Đối thoại và hợp tác là một sự cần thiết và là một trách nhiệm rõ ràng cho cộng đồng quốc tế. Vượt ra ngoài biên giới các quốc gia, sẽ có nhiều người tị nạn hơn có thể được đón nhận – hoặc được đón nhận tốt hơn – bởi cả những quốc gia ít thịnh vượng hơn, nếu sự hợp tác quốc tế bảo đảm cấp cho họ số vốn cần thiết.
Phòng Di trú và Tị nạn thuộc Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện đã phát hành một bộ hai mươi điểm hành động cung cấp những hướng dẫn cụ thể cho việc áp dụng bốn hoạt động này vào trong chính sách chung và trong các hoạt động của các cộng đoàn Ki-tô hữu.[17] Mục đích của việc này và những đóng góp khác là để bày tỏ sự quan tâm của Giáo hội Công giáo trong tiến trình dẫn đến việc thông qua các Hiệp ước Toàn cầu của LHQ. Sự quan tâm này là dấu chỉ của một mối bận tâm mục vụ tổng quát hơn hướng về những cội nguồn của Giáo hội và đã tiếp tục trong nhiều công cuộc của mình cho đến thời gian hiện tại.
  1. Đối với ngôi nhà chung của chúng ta
Chúng ta hãy lấy nguồn cảm hứng từ những lời của Thánh Gio-an Phao-lô II: “Nếu mọi người đều có chung ‘giấc mơ’ về một thế giới hòa bình, nếu sự đóng góp của người di cư và người tị nạn được đánh giá đúng, thì nhân loại có thể trở nên một gia đình càng ngày càng phổ quát hơn và trái đất của chúng ta là một ‘ngôi nhà chung’ thật sự.”[18] Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều người đã vững tin vào “giấc mơ” này, và những thành tựu của họ là một chứng thực rõ ràng cho thấy rằng giấc mơ đó không phải là điều không tưởng.
Trong số những vị này, chúng ta kính nhớ Thánh Frances Xavier Cabrini trong năm nay đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày qua đời của thánh nhân. Ngày 13 tháng 11, nhiều cộng đoàn hội thánh đã kính nhớ thánh nhân. Người phụ nữ kiệt xuất này, người đã cống hiến suốt cuộc đời phục vụ người di cư và trở thành thánh bổn mạng của họ, đã dạy chúng ta cách chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập cho những người anh chị em của chúng ta. Nhờ sự chuyển cầu của Thánh nhân, nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta có thể trải nghiệm được rằng “Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.”[19]
Viết từ Vatican, 13 tháng Mười Một, 2017
Kính nhớ Thánh Frances Xavier Cabrini, Thánh Bổn mạng của người Di cư
FRANCIS
[1 Lc 2:14.
[2] Kinh Truyền tin, 15 tháng Một, 2012.
[3] GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 106.
[4] Lc 14:28-30.
[7] No. 25.
[10] Tông huấn Evangelii Gaudium, 71.
[13] Dt 13:2.
[14] Tv 146:9.
[15] Đnl 10:18-19.
[16] Eph 2:19.
[17] “Hai mươi điểm hoạt động mục vụ” và “Hai mươi điểm hoạt động cho các Hiệp ước Toàn cầu” (2017); x. Tài liệu LHQ A/72/528.
[19] Gc 3:18.
© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/11/2017]