Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 18.01.2023: “Chúa đau khổ khi chúng ta xa rời trái tim của Ngài”

“Chúa đau khổ khi chúng ta xa rời trái tim của Ngài”

Bài giáo lý thứ 2 về “Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng”

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 18.01.2023: “Chúa đau khổ khi chúng ta xa rời trái tim của Ngài”

© Vatican Media


*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:00 sáng trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý mới về sự Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề: “Chúa Giêsu, gương mẫu loan báo” (Bài đọc: Lc 15:4-7).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

___________________________________________


Bài Giáo lý. Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: Lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 2. Chúa Giêsu, gương mẫu rao giảng Tin Mừng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã bắt đầu loạt bài giáo lý về sự nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, về lòng nhiệt thành tông đồ làm sống động Giáo hội và mọi người Kitô hữu. Hôm nay, chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương loan báo Tin Mừng không ai có thể trổi vượt hơn: Chúa Giêsu. Tin Mừng Giáng Sinh khẳng định Ngài là “Ngôi Lời của Thiên Chúa” (x. Ga 1:1). Sự thật Chúa là Logos, tức là Ngôi Lời, làm nổi bật khía cạnh vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu: Người luôn luôn trong mối tương quan, hướng ngoại, không bao giờ cô lập, luôn trong mối tương quan, hướng ngoại. Thật vậy, Lời tồn tại để được truyền đi, được truyền đạt. Như vậy, Chúa Giêsu, Ngôi Lời Hằng Hữu của Chúa Cha, đang vươn tới chúng ta, thông truyền cho chúng ta. Đức Kitô không chỉ có lời sự sống, nhưng làm cho cuộc sống của Người trở thành Lời, một sứ điệp: nghĩa là Chúa sống luôn hướng về Chúa Cha và về chúng ta. Người luôn nhìn lên Cha của Người là Đấng đã sai Người, và nhìn đến chúng ta là những người mà Người đã được sai đến vì chúng ta.

Thật vậy, nếu nhìn vào những ngày tháng của Chúa như được mô tả trong các sách Tin Mừng, thì chúng ta thấy rằng sự mật thiết của Ngài với Chúa Cha – cầu nguyện – chiếm vị trí hàng đầu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu thức dậy sớm, khi trời còn tối, và đi vào những nơi vắng vẻ để cầu nguyện (x. Mc 1:35; Lc 4:42), để thưa chuyện với Chúa Cha. Ngài đưa ra tất cả các quyết định và những chọn lựa quan trọng nhất sau khi đã cầu nguyện (x. Lc 6:12; 9:18). Cụ thể, trong mối tương quan này, trong lời cầu nguyện kết nối Ngài với Chúa Cha trong Thần Khí, Chúa Giêsu khám phá ra ý nghĩa việc Chúa làm người, việc Chúa hiện hữu trong thế gian vì Ngài đang thi hành sứ mạng cho chúng ta, được Chúa Cha sai đến với chúng ta.

Do đó, thật thú vị khi lưu ý đến hoạt động công khai đầu tiên mà Chúa thực hiện sau nhiều năm sống ẩn dật ở Nazareth. Chúa Giêsu không thực hiện một kỳ công vĩ đại, Chúa không gửi đi một thông điệp hiệu quả, nhưng Ngài hòa lẫn vào những người đến chịu phép rửa của Gioan. Bằng cách này, Chúa cung cấp cho chúng ta biết chìa khóa để Người hành động trong thế gian: hiến mình cho những người tội lỗi, Chúa đặt bản thân Người trong sự liên đới với chúng ta không có một khoảng cách, trong sự chia sẻ trọn vẹn đời sống. Thực vậy, khi nói về sứ vụ của mình, Chúa nói rằng Ngài không đến “để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình” (x. Mc 10:45). Mỗi ngày sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu dành trọn ngày của Ngài để loan báo Nước Thiên Chúa và dành nó cho mọi người, nhất là cho những người nghèo nhất và yếu đuối nhất, cho những người tội lỗi và cho người bệnh (x. Mc 1:32-39). Như vậy, Chúa Giêsu tiếp xúc với Chúa Cha trong lời cầu nguyện, rồi Ngài tiếp xúc với mọi người qua sứ vụ của Người, qua việc dạy giáo lý, qua việc dạy con đường dẫn tới Nước Thiên Chúa.

Giờ đây, nếu chúng ta muốn miêu tả phong cách sống của Chúa bằng một hình ảnh, chúng ta sẽ không khó để tìm thấy nó: chính Chúa Giêsu đã cung cấp hình ảnh đó, chúng ta đã nghe về hình ảnh đó, Chúa nói Người là Mục Tử Nhân Lành, Chúa nói Người là Đấng “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10:11). Đây là Chúa Giêsu. Thật vậy, trở thành mục tử không chỉ là một công việc, mà nó đòi hỏi thời gian và rất nhiều sự cống hiến. Đó là một lối sống đích thực và đúng đắn: hai mươi bốn giờ một ngày, sống với đàn chiên, cùng chúng ra đồng cỏ, ngủ giữa đàn chiên, chăm sóc những con yếu ớt nhất. Nói cách khác, Chúa Giêsu không làm cho chúng ta một số điều, nhưng Ngài trao tặng tất cả, Ngài hiến mạng sống cho chúng ta. Chúa có một trái tim mục tử (x. Ed 34:15). Chúa là mục tử cho tất cả chúng ta.

Quả thật, để tóm tắt hoạt động của Giáo hội trong một từ thì thuật ngữ đặc trưng “mục vụ” được sử dụng. Và để đánh giá “tính mục vụ” của chúng ta, chúng ta cần đặt mình trước mẫu gương, đặt mình trước Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành. Trên hết, chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta có noi gương Chúa không, có uống nước từ suối nguồn cầu nguyện để trái tim chúng ta có thể hòa hợp với trái tim của Chúa không? Sự mật thiết với Chúa, như một quyển sách rất hay của Abate Chautard đã gợi ý là “linh hồn của mọi hoạt động tông đồ”. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với các môn đệ: “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15:5). Ở lại với Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng trái tim mục tử của Chúa luôn luôn đập vì người đang bối rối, lạc lõng, xa cách. Còn trái tim của chúng ta? Đã bao lần chúng ta bày tỏ thái độ với những người hơi khó khăn hoặc với những người mà chúng ta gặp một chút khó khăn: “Nhưng đó là chuyện của họ, cứ để họ giải quyết….” Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói điều này, không bao giờ. Chính Ngài luôn đi gặp gỡ tất cả những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người tội lỗi. Chúa đã bị tố cáo vì điều này – ở với những người tội lỗi để Ngài có thể mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho họ.

Chúng ta đã nghe dụ ngôn tìm con chiên lạc trong chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Luca (x. câu 4-7). Chúa Giêsu nói về đồng xu bị mất cũng như về đứa con hoang đàng ở đó. Nếu muốn rèn luyện lòng nhiệt thành tông đồ, chúng ta phải luôn có trước mắt mình chương 15 Tin Mừng theo Thánh Luca. Hãy đọc nó thường xuyên. Ở đó chúng ta có thể hiểu thế nào là lòng nhiệt thành tông đồ. Ở đó, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không ngồi yên ngắm chuồng chiên, cũng không đe dọa chúng để chúng không bỏ đi. Đúng hơn, nếu một con bỏ đi và bị lạc lối, Chúa không bỏ mặc con chiên đó, mà đi tìm nó. Chúa không nói, “Ngươi đứng dậy và bỏ đi – đó là lỗi của ngươi – đó là việc của ngươi!” Trái tim mục vụ của Chúa phản ứng theo cách khác: trái tim mục vụ đau khổ và trái tim mục vụ mạo hiểm. Nó đau khổ: đúng vậy, Thiên Chúa đau khổ vì những con chiên bỏ đi và trong khi thương tiếc chúng, Người thậm chí còn yêu thương nhiều hơn. Chúa đau khổ khi chúng ta xa rời trái tim của Người. Chúa đau khổ cho tất cả những ai không biết được vẻ đẹp tình yêu của Ngài và sự ấm áp của vòng tay của Ngài. Nhưng, để phản ứng lại trước sự đau khổ này, Chúa không rút lui, thay vào đó Ngài mạo hiểm. Người bỏ chín mươi chín con chiên đang an toàn để đi tìm con bị mất, làm một việc vừa mạo hiểm vừa phi lý, nhưng lại phù hợp với trái tim mục tử thương tiếc con chiên bỏ đi, nhớ mong con chiên đã đi xa – đây là điều nhất quán trong Chúa Giêsu. Và khi nghe tin có ai đó đã rời bỏ Giáo hội, chúng ta muốn nói điều gì? “Hãy để họ giải quyết nó?” Không. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tiếc thương những người đã ra đi. Chúa Giêsu không cảm thấy tức giận hay phẫn uất mà chỉ có một lòng mong mỏi đối với chúng ta. Chúa Giêsu cảm thấy luyến tiếc chúng ta và đây là lòng nhiệt thành của Thiên Chúa.

Và tôi tự hỏi – chúng ta, liệu chúng ta có những tình cảm như vậy không? Có lẽ chúng ta coi những người đã rời bỏ đoàn chiên là đối thủ hoặc kẻ thù. “Còn kẻ này? Không phải hắn đã sang bên kia rồi sao? Cô ta đã mất đức tin…. Họ sẽ xuống hỏa ngục…” và chúng ta thấy thanh thản. Khi chúng ta gặp họ ở trường học, nơi làm việc, trên những con đường của thành phố chúng ta, tại sao chúng ta không nghĩ rằng chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để làm chứng cho họ về niềm vui của một người Cha yêu thương họ và không bao giờ quên họ? Không phải để chiêu dụ tín đồ, không! Nhưng để Lời của Chúa Cha có thể đến với họ để chúng ta có thể cùng nhau bước đi. Rao giảng Tin Mừng không phải là chiêu dụ tín đồ. Chiêu dụ tín đồ là một điều thuộc ngoại giáo, nó không mang tính tôn giáo cũng không phải là rao giảng Tin Mừng. Có một lời tốt đẹp dành cho những người đã rời bỏ đàn chiên và chúng ta có vinh dự cũng như gánh nặng là những người nói ra lời đó. Bởi vì Ngôi Lời là Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta điều này – hãy luôn đến gần mọi người với một trái tim rộng mở vì Chúa là như vậy. Có lẽ chúng ta đã theo Chúa Giêsu và yêu mến Người một thời gian và chưa bao giờ tự hỏi liệu chúng ta có chia sẻ cảm xúc của Người không, liệu chúng ta có đau khổ và mạo hiểm trong sự hài hòa với trái tim của Chúa Giêsu, với trái tim mục vụ, gần gũi với trái tim mục vụ của Chúa Giêsu hay không! Như tôi đã nói, đây không phải là chủ nghĩa chiêu dụ tín đồ để người khác trở thành “một người của chúng ta” – không, đây không phải là Kitô giáo. Đó là sự yêu thương để họ có thể là những đứa con hạnh phúc của Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta hãy xin ơn có một trái tim mục tử, một tâm hồn rộng mở đến gần mọi người, để mang sứ điệp của Chúa cũng như cảm nhận được niềm mong mỏi của Chúa Kitô đối với họ. Vì không có tình yêu đau khổ và mạo hiểm này, cuộc sống của chúng ta không diễn ra tốt đẹp. Nếu người Kitô hữu chúng ta không có tình yêu chịu đau khổ và mạo hiểm này, thì nguy cơ là chúng ta chỉ mục vụ với bản thân mình mà thôi. Thay vì là mục tử của đoàn chiên, những người mục tử cho chính mình là người chải chuốt cho những con chiên “đẹp”. Chúng ta không cần làm mục tử cho chính mình, nhưng là mục tử cho mọi người.

______________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào nồng ấm đến anh chị em hành hương nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, Úc và Hoa Kỳ. Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm sinh viên hiện diện. Cha xin tất cả anh chị em hãy cùng cha cầu nguyện cho Cha Isaac Achi, thuộc Giáo phận Minna ở miền Bắc Nigeria đã bị giết hôm Chúa nhật tuần trước trong một cuộc tấn công vào nhà xứ của ngài. Rất nhiều Kitô hữu tiếp tục là mục tiêu của bạo lực: chúng ta hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện! Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ trên tất cả anh chị em và gia đình anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/1/2023]


Hồ Silôác sẽ mở cửa cho công chúng lần đầu tiên sau 2.000 năm

Hồ Silôác sẽ mở cửa cho công chúng lần đầu tiên sau 2.000 năm

Hồ Silôác sẽ mở cửa cho công chúng lần đầu tiên sau 2.000 năm

Robert Hoetink | Shutterstock

Daniel Esparza

17/01/23


Hồ Silôác là nơi Kinh thánh kể rằng Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người mù, ban đầu là một thánh địa cho những người hành hương Do Thái.

Hồ Silôác là nơi theo Tin mừng theo Thánh Gioan (9:1-12), Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người bị mù từ thuở mới sinh. Văn bản viết:

Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa” (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (Ga 9:1-7)

Theo bài báo được xuất bản bởi tờ Business Insider, hồ “sẽ được khai quật hoàn toàn và mở cửa cho công chúng lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại”. Mặc dù đã có thể tiếp cận một phần nhỏ của hồ trong nhiều năm trước, nhưng phần lớn hồ đã bị phá hủy và bị lấp sau cuộc chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ nhất (vào năm 70).

Tờ Insider giải thích rằng một cuộc khai quật sắp tới “sẽ phơi bày hoàn toàn hồ bơi cổ xưa, cho phép du khách quan sát nó như một phần của tuyến du lịch, Cơ quan Cổ vật Israel, Cơ quan Công viên Quốc gia Israel và Tổ chức Thành phố David cho biết trong một thông cáo cung cấp cho Insider.”

Vua Khít-ki-gia và Hồ Silôác

Hồ là một phần của hệ thống nước cổ đại của thành Giêrusalem, và sau đó trở thành địa điểm có ý nghĩa tôn giáo đối với người Do Thái cổ đại. Những người hành hương tôn giáo đã sử dụng nó như một mikveh (một nghi thức tắm) để thanh tẩy bản thân trước khi đến viếng Đền thờ.

Một mảnh nhỏ của một bản khắc đá gần đây được tìm thấy trong Đường hầm Silôác – một con kênh dẫn nước đến Hồ Silôác. Được chạm khắc từ thời cổ đại, đường hầm hiện nằm ở khu phố Ả Rập Silwan, phía đông Giêrusalem. Tên thường gọi của nó là “Đường hầm Khít-ki-gia”, là do giả thuyết được truyền tụng nhiều nhất cho rằng nó có từ thời cai trị của Vua Khít-ki-gia của Giuđa, giữa cuối thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên.

Người ta tin rằng đường hầm này tương ứng với một “đường dẫn” được đề cập trong Sách Các Vua 2 chương 20 câu 20:

“Những truyện còn lại của vua Khít-ki-gia, mọi chiến công của vua, cũng như việc xây hồ và kênh dẫn nước vào thành, những điều ấy đã chẳng được ghi chép trong sách Sử biên niên các vua Giuđa đó sao?”

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một phần bằng chứng (một mảnh đá vôi nhỏ) kết nối Vua Khít-ki-gia với đường hầm này.

Các câu chuyện trong Kinh thánh giải thích cách Vua Khít-ki-gia chuẩn bị Giêrusalem cho một cuộc vây hãm sắp của người Asiri sắp xảy ra. Sách Sử biên niên 32:30 giải thích cách nhà vua đã ngăn “đầu nguồn nước suối Ghi-khôn” và dẫn nước “xuôi xuống phía tây Thành Vua Đavít”, để ngăn lực lượng địch quân dưới sự chỉ huy của Xan-khê-ríp không tiếp cận được nguồn nước.

Mảnh đá vôi có niên đại thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Theo bản tin của NewsBreak, các nhà nghiên cứu tin rằng nó chỉ là phần nhỏ của một tượng đài lớn hơn nhiều.

Mảnh vỡ cho thấy sáu chữ cái trong hệ thống chữ viết Paleo-Hebrew được chia thành hai dòng, mỗi dòng có ba chữ cái. Dòng đầu tiên bao gồm các chữ cái qyh. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng toàn bộ từ này sẽ là Hizqyhw – nghĩa là Hizquiyahu, Hezekiah (Khít-ki-gia).

Dòng thứ hai cho thấy hai chữ cái, một dấu chấm, và một chữ cái thứ ba. Các học giả tin rằng điều này có nghĩa hai chữ cái đầu tiên là kết thúc một từ và chữ cái thứ ba bắt đầu một từ khác. Họ đã đưa ra giả thuyết rằng từ đầu tiên, kết thúc bằng kh, có thể là brkh berecha, hồ, theo câu chuyện trong Kinh thánh giải thích rằng nước chảy qua Đường hầm Khít-ki-gia đã chảy đến Hồ (berecha) Silôác.


[Nguồn: aleteia]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2023]