Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Đức Thánh Cha nói với 200 nghệ sĩ: các bạn làm việc tốt lành để trở thành những người giữ gìn ý nghĩa tôn giáo đích thực, có những thời điểm bị hạ thấp và thương mại hóa

Đức Thánh Cha nói với 200 nghệ sĩ: các bạn làm việc tốt lành để trở thành những người giữ gìn ý nghĩa tôn giáo đích thực, có những thời điểm bị hạ thấp và thương mại hóa

Diễn từ trước các nghệ sĩ tham gia cuộc họp mặt được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm khánh thành bộ sưu tập Nghệ thuật Hiện đại của Bảo tàng Vatican.

23 THÁNG SÁU, 2023 05:58

ZENIT STAFF



(ZENIT News / Vatican City, 23.06.2023). - Sáng thứ Sáu, ngày 23 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp 200 nghệ sĩ, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, tại Nhà nguyện Sistine của Thành Vatican. Cuộc họp mặt diễn ra sau các cuộc gặp gỡ mà Đức Thánh Cha thực hiện với nhiều nhóm nghệ sĩ khác nhau. Nhân dịp đánh dấu kỷ niệm 50 năm khánh thành Bộ sưu tập Nghệ thuật Hiện đại và Nghệ thuật Đương đại của Bảo tàng Vatican.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha bằng tiếng Ý:

_____________________________________

Chào các bạn. Ở đây [trong Nhà nguyện Sistine], chúng ta được bao quanh bởi nghệ thuật. . . và bởi các nghệ sĩ: là chính các bạn. Xin chào mừng!

Cảm ơn các bạn vì đã chấp nhận lời mời của tôi; tôi rất vui khi được ở bên các bạn, vì Giáo hội luôn có mối tương quan với các nghệ sĩ có thể được mô tả là vừa tự nhiên vừa đặc biệt. Một tình bằng hữu tự nhiên, bởi vì các nghệ sĩ coi trọng sự phong phú của đời sống con người, của cuộc sống chúng ta và cuộc sống của thế giới, bao gồm cả những mâu thuẫn và khía cạnh bi thương của nó. Sự phong phú này có nguy cơ biến mất khỏi quan điểm của nhiều ngành chuyên môn chỉ chú ý đáp ứng cho những nhu cầu trước mắt, nhưng khó có thể nhìn thấy đời sống như một khối đa diện, một thực tại phức tạp và nhiều mặt.

Các nghệ sĩ nhắc nhở chúng ta rằng chiều kích mà chúng ta chuyển động, dù là vô thức, luôn là chiều kích của Thần Khí. Nghệ thuật của các bạn giống như một cánh buồm căng tràn sức gió của Thánh Linh và đẩy chúng ta tiến về phía trước. Do đó, tình bạn giữa Giáo hội với nghệ thuật là một điều gì đó khá tự nhiên. Tuy đồng thời, đó cũng là một tình bạn đặc biệt, nhất là khi chúng ta nghĩ đến nhiều giai đoạn lịch sử mà chúng ta đã cùng nhau trải qua và là một phần di sản của mọi người, dù là người có đức tin hay không. Ghi nhớ điều này, chúng ta hãy hướng tới một mùa hoa trái dồi dào mới trong thời đại của chúng ta, được sinh ra từ bầu không khí lắng nghe, tự do và tôn trọng. Người ta cần những loại hoa trái đó, những loại hoa trái đặc biệt đó.

Cha Romano Guardini từng viết rằng: “Trạng thái của một người nghệ sĩ không khác trạng thái của một trẻ nhỏ và thậm chí là trạng thái của một người nhìn xa trông rộng” (The Work of Art, Brescia, 1998, 25). Tôi thấy hai so sánh thật thú vị. Đối với Cha Guardini, “một tác phẩm nghệ thuật mở ra một không gian nơi chúng ta có thể bước vào, trong đó chúng ta có thể hít thở, di chuyển và gặp gỡ các đồ vật và con người khi chúng mở ra trước mắt chúng ta” (nt., 35). Đúng là khi gặp gỡ với nghệ thuật, các ranh giới trở nên linh hoạt hơn và các giới hạn trong trải nghiệm và sự hiểu biết của chúng ta rộng mở hơn. Mọi thứ dường như mở ra và dễ tiếp cận hơn. Chúng ta trải nghiệm tính tự nhiên của đứa trẻ giàu trí tưởng tượng và trực giác của người nhìn xa trông rộng nắm bắt được thực tế.

Đối với nghệ sĩ như một đứa trẻ — điều này tôi không có ý xúc phạm — là người cho phép tính độc đáo, tính mới lạ và sáng tạo được tự do hoạt động, và do đó mang đến cho thế giới những điều mới mẻ và chưa từng có. Khi làm việc đó, các nghệ sĩ đã vạch trần điều dối trá rằng con người là “sinh vật hướng tới cái chết”. Chúng ta chắc chắn phải chấp nhận cái chết của mình, tuy nhiên chúng ta là những hữu thể không hướng tới cái chết, mà hướng tới sự sống. Một nhà tư tưởng vĩ đại như Hannah Arendt khẳng định rằng dấu ấn của con người là khả năng mang lại sự mới mẻ cho thế giới. Đây là một phần trong sự phong phú của con người chúng ta: mang đến sự mới mẻ. Ngay cả trong tự nhiên, việc sinh sản mang đến sự mới mẻ với từng trẻ thơ chào đời. Sự rộng mở và mới mẻ.

Đó là những điều các bạn mang đến, trong cương vị là các nghệ sĩ, qua cách nuôi dưỡng sự độc đáo của riêng mình. Trong những sáng tạo của mình, các bạn luôn đặt một cái gì đó của bản thân, là hữu thể duy nhất như tất cả chúng ta, nhưng vì mục đích tạo ra điều gì đó thậm chí còn lớn lao hơn. Với tài năng của mình, các bạn phơi bày ra ánh sáng một điều gì đó rất đặc biệt; các bạn làm thế giới trở nên phong phú với một điều gì đó mới mẻ. Tôi nghĩ đến những lời trong sách Tiên tri Isaia, khi Đức Chúa phán: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43:19). Trong Sách Khải huyền, Thiên Chúa cũng nói như vậy: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (21:5). Do đó, sự sáng tạo của người nghệ sĩ có thể được cho là chia sẻ niềm say mê sáng tạo của chính Thiên Chúa, niềm đam mê mà Ngài đã tạo ra. Các bạn là những người chia sẻ giấc mơ của Chúa! Giấc mơ của các bạn là những đôi mắt được nhìn thấy, những đôi mắt mơ ước. Chỉ nhìn thôi thì chưa đủ; chúng ta cũng cần có khả năng ước mơ. Như một nhà văn Mỹ Latinh đã nói, con người chúng ta có hai con mắt: một để nhìn thấy những gì trước mắt chúng ta và con mắt kia để nhìn thấy những hy vọng và ước mơ của chúng ta. Khi một người thiếu đi hai con mắt này, hoặc chỉ nhìn thấy mọi thứ bằng con mắt này hay con mắt kia, thì một điều gì đó đã bị mất đi. Khả năng nhìn thấy những hy vọng và ước mơ của chúng ta... sáng tạo nghệ thuật ... Chỉ nhìn thôi thì chưa đủ; chúng ta cũng cần phải ước mơ. Là con người, chúng ta khao khát một thế giới mới mà chúng ta sẽ không nhìn thấy đầy đủ bằng đôi mắt của mình, nhưng chúng ta khao khát nó, chúng ta tìm kiếm nó, chúng ta mơ ước nó.

Vì vậy, trong vai trò là người nghệ sĩ, các bạn có khả năng mơ về những phiên bản mới của thế giới, để đưa sự mới lạ vào lịch sử. Phiên bản mới của thế giới. Đó là lý do tại sao Cha Guardini cũng nói rằng các bạn giống như những người nhìn xa trông rộng. Các bạn phần nào đó giống các nhà tiên tri. Các bạn có thể nhìn thấy mọi thứ ở cả chiều sâu và từ xa, giống như những người lính canh căng mắt ra nhìn vào đường chân trời và phân định những thực tế sâu sắc hơn. Khi làm việc đó, các bạn được kêu gọi biết từ chối sự quyến rũ của vẻ đẹp nhân tạo, hời hợt rất phổ biến ngày nay và thường đồng lõa với các cơ chế kinh tế tạo ra sự bất bình đẳng. Đó không phải là một vẻ đẹp cuốn hút, mà là một thứ sinh ra cái chết, vô hồn. Một vẻ đẹp được tô điểm, giả tạo, một lớp phấn để che đậy hơn là bộc lộ. Trong tiếng Ý, từ “trang điểm” cũng có nghĩa là “lừa bịp”, vì luôn có một mưu gian rình rập. Các bạn cần tránh xa cái đẹp đó; thay vào đó, nghệ thuật của các bạn cố gắng hành động như một lương tâm phê phán của xã hội, bộc lộ những chân lý hiển nhiên. Các bạn muốn làm cho mọi người phải suy nghĩ, cảnh giác; các bạn muốn tỏ lộ thực tế cả trong những mâu thuẫn của nó và trong những điều mà việc che giấu sẽ dễ dàng và tiện lợi hơn. Giống như các nhà tiên tri trong Kinh thánh, các bạn đối mặt với những điều đôi khi không thoải mái; các bạn chỉ trích những chuyện hoang đường sai lầm và những thần tượng mới ngày nay, những lời sáo rỗng của nó, những mánh khóe của chủ nghĩa tiêu dùng, những âm mưu quyền lực.

Đây là một khía cạnh hấp dẫn trong tâm lý của các nghệ sĩ: khả năng tiến về phía trước và vượt xa hơn, trong sức căng giữa thực tại và ước mơ.

Các bạn thường thực hiện điều này với sự châm biếm, đó là một đức tính tuyệt vời. Hài hước và châm biếm là hai đức tính chúng ta cần trau dồi thêm. Kinh Thánh chứa đựng nhiều điều châm biếm, chế nhạo những sự kiêu căng tự phụ, sự bất lương, bất công và độc ác ẩn nấp dưới chiêu bài quyền lực và thậm chí đôi khi là thiêng liêng. Các bạn cũng có thể giúp phân định lòng thành kính mộ đạo, vốn thường được thể hiện theo những cách sáo rỗng hoặc hạ thấp giá trị. Như là những người nhìn xa trông rộng, những người có sự phân định, có lương tâm phê phán, tôi coi các bạn là đồng minh trong rất nhiều điều mà tôi yêu quý, như bảo vệ sự sống con người, công bằng xã hội, quan tâm đến người nghèo, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, tình huynh đệ nhân loại phổ quát. Nhân vị con người là điều tôi rất quan tâm, chiều kích nhân vị của con người. Vì đó cũng là niềm say mê lớn lao của Chúa. Một trong những điều đưa nghệ thuật lại gần với đức tin hơn là cả hai đều có khuynh hướng gây ưu tư. Cả nghệ thuật và đức tin đều không thể để mọi thứ đơn giản như hiện tại: chúng thay đổi, biến đổi, di chuyển và chuyển đổi. Nghệ thuật không bao giờ có thể đóng vai trò là thuốc mê; nó mang lại bình an, nhưng không làm u mê lương tâm, nó giúp lương tâm cảnh giác. Thông thường, trong cương vị là người nghệ sĩ, các bạn cố gắng khám phá chiều sâu của thân phận con người, những vực thẳm tối tăm của nó. Chúng ta không phải là ánh sáng trọn vẹn, và các bạn nhắc nhở chúng tôi về điều này. Đồng thời, cần phải thắp lên ánh sáng hy vọng trong bóng tối đó, giữa sự ích kỷ và thờ ơ của chúng ta. Giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng, vẻ đẹp giải thoát.

Nghệ thuật luôn gắn liền với kinh nghiệm về cái đẹp. Như triết gia Simone Weil viết: “Cái đẹp quyến rũ xác thịt để tìm được lối đi vào tâm hồn (L’ombra e la grazia, Bologna, 193). Nghệ thuật chạm đến các giác quan để làm phấn chấn tinh thần, và nó làm việc đó thông qua cái đẹp phản ánh những sự tốt lành, công bằng và chân thực. Cái đẹp là dấu hiệu của sự viên mãn; nó khiến chúng ta thốt lên một cách tự nhiên về điều gì đó: “Thật là đẹp!” Cái đẹp khiến ta cảm nhận cuộc sống hướng đến sự viên mãn, sự kiện toàn. Trong vẻ đẹp chân thực, chúng ta bắt đầu cảm nghiệm lòng khao khát Thiên Chúa. Ngày nay nhiều người hy vọng rằng nghệ thuật có thể ngày càng trở lại với việc gieo cấy cái đẹp. Chắc chắn, như tôi đã nói, cũng có một loại vẻ đẹp phù phiếm, giả tạo, hời hợt, thậm chí không thật. Vẻ đẹp hình thức.

Tôi tin rằng có một tiêu chí quan trọng để phân định sự khác biệt, đó là sự hài hòa. Vẻ đẹp đích thực phản ánh sự hài hòa. Các nhà thần học nói về phụ tính của Thiên Chúa và vai trò là con của Chúa Kitô, nhưng khi họ nói về Chúa Thánh Thần, họ nói về sự hài hòa: Ipse harmonia est. Thần Khí tạo sự hài hòa. Chiều kích con người của tinh thần. . . Vẻ đẹp đích thực luôn phản ánh sự hài hòa. Tôi có thể nói rằng sự hài hòa là đức tính hoạt động của cái đẹp, là tinh thần sâu sắc nhất của nó, nơi Thần Khí của Chúa, Đấng tạo sự hài hòa vĩ đại của thế giới, đang hoạt động. Sự hài hòa tồn tại khi các yếu tố tuy khác nhau nhưng tạo thành một thể hợp nhất, khác với từng bộ phận và khác với tổng thể của các bộ phận. Điều này không dễ dàng; chỉ có Thánh Linh mới có thể làm cho điều đó trở nên khả thi: những khác biệt không trở thành xung khắc, nhưng hòa nhập lẫn nhau với sự đa dạng, và sự hiệp nhất không phải là đồng nhất mà mở ra cho tính đa dạng. Như trong ngày Lễ Ngũ Tuần, sự hài hòa tạo nên những điều kỳ diệu này. Tôi thích suy nghĩ về Chúa Thánh Thần như là Đấng xử lý những xáo trộn lớn nhất — chúng ta có thể nghĩ đến buổi sáng Lễ Ngũ Tuần — và sau đó tạo ra sự hài hòa. Một sự hài hòa không cân bằng, bởi vì hài hòa được sinh ra từ sự mất cân bằng; sự hài hòa là một điều gì đó vượt hơn sự cân bằng. Chúng ta rất cần nghe được thông điệp này! Chúng ta đang sống trong thời đại của các hình thức thực dân hóa hệ tư tưởng và xung đột tàn phá do phương tiện truyền thông điều khiển; một sự toàn cầu chuẩn hóa mọi thứ tồn tại theo lợi ích nào đó khép kín và thu mình lại. Đây là mối nguy lớn của thời đại chúng ta. Giáo hội cũng cảm nhận những tác động của vấn đề này. Xung đột có thể xảy ra dưới hình thức hiệp nhất giả tạo, từ đó nảy sinh chia rẽ, bè phái và các hình thức tự kỷ ái mộ. Chúng ta càng cần phải làm cho nguyên tắc hài hòa ngự trị trong thế giới của chúng ta và loại bỏ sự đồng nhất.

Đức Thánh Cha nói với 200 nghệ sĩ: các bạn làm việc tốt lành để trở thành những người giữ gìn ý nghĩa tôn giáo đích thực, có những thời điểm bị hạ thấp và thương mại hóa

Là người nghệ sĩ, các bạn có thể giúp chúng tôi nhường không gian cho Thần Khí. Khi chúng ta nhìn thấy công việc của Thần Khí, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt mà không phá hủy hoặc tiêu chuẩn hóa chúng mà đưa chúng vào sự hài hòa, chúng ta sẽ hiểu được vẻ đẹp đích thực là gì. Cái đẹp là công việc của Thần Khí tạo ra sự hài hòa. Thưa anh chị em, hãy để tài năng nghệ thuật của anh chị em theo đuổi hướng đi này!

Các bạn thân mến, tôi rất vui vì chúng ta có thể gặp nhau. Trước khi chia tay các bạn, tôi có một điều nữa muốn nói với các bạn, một điều tôi rất quan tâm. Tôi muốn xin anh chị em đừng quên người nghèo, những người được Chúa Kitô quan tâm cách đặc biệt, những người bị ảnh hưởng bởi nhiều hình thức nghèo khổ của ngày nay. Người nghèo cũng cần nghệ thuật và cái đẹp. Một số người đang sống cuộc sống vô cùng khó khăn, và vì thế còn cần điều này hơn nữa. Thường họ không có tiếng nói để họ được nghe thấy. Các bạn có thể chọn cách trở thành người giải thích cho lời kêu xin thầm lặng của họ.

Tôi cảm ơn các bạn và một lần nữa tôi xin gửi đến các bạn sự quý trọng của tôi. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng những tác phẩm của các bạn sẽ cho thấy giá trị của những người nam và nữ trên trái đất này, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và là Đấng mà tất cả mọi người đều tìm kiếm, cũng thông qua chứng tá của các tác phẩm nghệ thuật. Và cuối cùng, xin anh chị em hãy hiệp ý cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/6/2023]


Vương cung Thánh đường xây dựng tại vị trí Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên

Vương cung Thánh đường xây dựng tại vị trí Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên

Vương cung Thánh đường xây dựng tại vị trí Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất

Shutterstock | LorenaCirstea

Daniel Esparza

13/06/23


Tòa nhà nguy nga này không chỉ lừng danh về tầm quan trọng của kiến trúc mà còn vì nó được cho là nơi Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên vào khoảng năm 40.

Vương cung Thánh đường Our Lady of the Pillar (Đức Mẹ Trụ cột), nằm ở Zaragoza (Tây Ban Nha), giữ một vị trí quan trọng trong trái tim của người Công giáo trên toàn thế giới. Tòa Thánh đường nguy nga này không chỉ lừng danh về tầm quan trọng của kiến trúc, mà còn bởi vì nó được cho là nơi Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên, vào khoảng năm 40 – khi Đức Mẹ vẫn còn sống ở Giêrusalem. Điều này ngụ ý rằng “sự hiện ra” trên thực tế là việc ở hai nơi cùng một lúc.

Câu chuyện đưa trở lại thế kỷ thứ nhất, khi Thánh Tông đồ Giacôbê Tiền đang rao giảng ở Bán đảo Iberia. Truyền thống cho rằng Thánh Tông đồ đang phải đối mặt với những thách đố to lớn, vì vậy ngài đi tìm sự an ủi qua việc cầu nguyện bên bờ sông Ebro. Trong lúc đang khẩn cầu, Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với thánh nhân, đứng trên một cây cột bằng ngọc thạch anh do các thiên thần khiêng. Sự kiện phi thường này đánh dấu lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ.

Vương cung Thánh đường là nơi có một thánh tích rất đặc biệt: cây cột mà chính Đức Maria đã đứng trên đó khi hiện ra. Cột tôn kính này, được làm bằng ngọc thạch anh và có đường kính khoảng 40cm, nổi bật trong Vương cung Thánh đường. Bức tượng Đức Mẹ Trụ cột, đứng trên đỉnh cột, là một bức tượng tuyệt mỹ Đức Maria với Chúa Giêsu Hài đồng trên tay Mẹ.

Vương cung Thánh đường xây dựng tại vị trí Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất

Vương cung Thánh đường là nơi có một thánh tích rất đặc biệt: cây cột mà chính Đức Maria đã đứng trên đó khi hiện ra. Cột tôn kính này, được làm bằng ngọc thạch anh và có đường kính khoảng 40cm, nổi bật trong Vương cung Thánh đường.

Qua nhiều thế kỷ, Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Trụ cột đã trải qua nhiều lần biến đổi – như hầu hết các nhà thờ lớn ở Châu Âu. Vương cung Thánh đường kiểu Baroque hiện tại được xây dựng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18 và là minh chứng cho khả năng kiến trúc của thời đại đó: Vào thời kỳ đỉnh điểm năm 1810, Đế quốc Tây Ban Nha (“đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”) bao phủ hơn 13 triệu km vuông – về cơ bản là 10% của thế giới.

Mặt tiền lộng lẫy, được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc phức tạp và đồ đá tinh xảo, khiến du khách phải kinh ngạc. Nhưng sự lộng lẫy vẫn tiếp tục bên trong vương cung thánh đường. Những bức họa trên tường sau bàn thờ, những bức bích họa tuyệt mỹ và những ô cửa sổ kính màu được làm thủ công tỉ mỉ tô điểm cho không gian linh thiêng, mang đến cảm giác trang trọng và tôn kính. Tuy nhiên, Nhà nguyện Chúa Ba Ngôi, nơi lưu giữ Trụ cột được tôn kính, vẫn là tâm điểm của việc sùng kính. Khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về đây để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ và xin Mẹ chuyển cầu.

Vương cung Thánh đường xây dựng tại vị trí Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất

Bức tượng Đức Mẹ Trụ cột, đứng trên đỉnh cột, là một bức tượng tuyệt mỹ của Đức Maria với Chúa Giêsu Hài đồng trên tay Mẹ.

Hàng năm, vào ngày 12 tháng Mười, Vương cung Thánh đường cử hành Lễ Đức Mẹ Trụ cột, một dịp trọng đại thu hút hàng ngàn tín hữu từ khắp nơi trên thế giới – và đặc biệt là từ các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha. cùng với Thánh Lễ là các cuộc rước kiệu, nghi thức phụng vụ và những lời cầu nguyện thành kính, tưởng nhớ việc Đức Mẹ hiện ra và bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ.

Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Trụ cột là biểu tượng của đức tin và lòng sùng kính Đức Mẹ, thu hút khách hành hương cũng như du khách. Nó là một minh chứng cho di sản lâu đời của lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ và là nơi không biết bao tín hữu tìm được sự chữa lành tâm hồn cũng như nguồn linh ứng.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2023]


Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 28.06.2023: Đừng quên rằng: sẽ không có sự nên thánh nếu không quan tâm đến người nghèo bằng cách này hay

Đừng quên rằng: sẽ không có sự nên thánh nếu không quan tâm đến người nghèo bằng cách này hay cách khác

Tiếp kiến chung: Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 28.06.2023: Đừng quên rằng: sẽ không có sự nên thánh nếu không quan tâm đến người nghèo bằng cách này hay

Vatican Media


*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Nhiệt tâm Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề “Các chứng nhân: Thánh Mary MacKillop” (Bài đọc: Mc 9:33.35-37).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

__________________________________________________

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Giáo lý. Nhiệt tâm Rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 17. Các Chứng nhân: Thánh Mary MacKillop

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta phải kiên nhẫn một chút, với cái nóng này – và cảm ơn anh chị em đã đến, trong cái nóng này, với cái nắng này: cảm ơn anh chị em rất nhiều vì đã đến thăm viếng.

Trong loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ – chúng ta đang nói về chủ đề này – chúng ta gặp được một số mẫu gương của những người nam nữ ở mọi thời đại và mọi nơi đã dâng hiến cuộc đời cho Tin Mừng. Hôm nay chúng ta sẽ đến Châu Đại dương – rất xa phải không? – một lục địa được tạo thành bởi nhiều hòn đảo lớn nhỏ. Niềm tin vào Chúa Kitô, mà rất nhiều di dân Châu Âu mang đến những vùng đất này, đã sớm bén rễ và sinh nhiều hoa trái (x. Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in Oceania, 6). Trong số đó có một nữ tu phi thường là chị Mary MacKillop (1842-1909), người sáng lập Dòng Nữ tu Thánh Giuse Thánh Tâm, đã cống hiến cuộc đời cho việc đào tạo kiến thức và tôn giáo cho người nghèo ở vùng nông thôn Úc.

Chị Mary MacKillop chào đời gần vùng Melbourne. Cha mẹ là người di cư đến Úc từ Scotland. Khi còn là thiếu nữ, chị cảm nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa phục vụ Người và làm chứng cho Người không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết bằng cuộc đời được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Tông huấn Evangelii gaudium, 259). Giống như bà Maria Mađalêna, người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu Phục sinh và được Ngài sai đi báo tin cho các môn đệ, chị Mary xác tín rằng mình cũng được sai đi để loan báo Tin Vui và thu hút người khác đến gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

Đọc các dấu chỉ của thời đại cách khôn ngoan, chị hiểu rằng đối với chị, cách tốt nhất để làm điều đó là thông qua việc giáo dục lớp người trẻ, hiểu rằng giáo dục Công giáo là một hình thức rao giảng Tin Mừng. Đó là một hình thức rao giảng Tin Mừng tuyệt vời. Theo cách này, nếu chúng ta có thể nói rằng “mỗi vị thánh là một sứ mệnh, được Chúa Cha hoạch định để phản ánh và thể hiện một khía cạnh nào đó của Tin Mừng vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 19) thì chị Mary McKillop làm đúng như vậy thông qua việc thành lập các trường học.

Một đặc điểm quan trọng trong lòng nhiệt thành của chị đối với Tin Mừng là quan tâm đến người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Và điều này rất quan trọng: trên con đường nên thánh, tức là con đường Kitô giáo, người nghèo và người bị gạt ra bên lề là những vai chính, và một người không thể tiến tới sự nên thánh nếu người ấy không hy sinh cho họ, bằng cách này hay cách khác. Họ là sự hiện diện của Chúa, những người đang cần sự trợ giúp của Chúa. Có lần cha đọc được một câu nói đánh động cha rất mạnh; câu đó nói: “Những vai chính của Lịch sử là người hành khất. Họ là những người thu hút chú ý đến sự bất công rất lớn, đó là sự nghèo đói quá nhiều trên thế giới”. Tiền được dùng để sản xuất vũ khí, không để cung cấp những bữa ăn. Và đừng quên: sẽ không có sự nên thánh nếu không quan tâm đến người nghèo, người túng thiếu, những người ở bên lề xã hội bằng cách này hay cách khác. Sự quan tâm đến người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội đã thúc đẩy chị Mary đi đến những nơi mà người khác không muốn hoặc không thể đến. Vào ngày 19 tháng Ba năm 1866, lễ Thánh Giuse, chị khánh thành trường học đầu tiên ở một vùng ngoại ô nhỏ thuộc miền Nam Úc. Chị và các nữ tu của chị tiếp tục thành lập nhiều trường khác tại các cộng đồng nông thôn trên khắp nước Úc và New Zealand. Và họ nhân lên gấp nhiều lần, lòng nhiệt thành tông đồ là như thế: nó nhân công việc lên gấp nhiều lần.

Chị Mary MacKillop vững tin rằng mục đích của giáo dục là sự phát triển toàn diện của con người trong vai trò là một cá nhân và là một thành viên của cộng đồng; và rằng điều này đòi hỏi sự khôn ngoan, kiên nhẫn và đức ái nơi mỗi người thầy.

Thật vậy, giáo dục không phải là việc đổ đầy đầu óc bằng những ý tưởng: không, không chỉ là việc đó, vậy: giáo dục là gì? Đồng hành và khích lệ các em trên con đường trưởng thành nhân bản và tinh thần, cho các em thấy tình bạn với Chúa Giêsu Phục sinh mở rộng tâm hồn và làm cho cuộc sống nhân bản hơn. Giáo dục và giúp suy nghĩ tốt, cảm nhận tốt (ngôn ngữ của trái tim) và làm điều tốt (ngôn ngữ của đôi tay). Tầm nhìn này hoàn toàn phù hợp với ngày nay, khi chúng ta cảm thấy cần có một “hiệp ước giáo dục” có khả năng đoàn kết gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho người nghèo của chị Mary MacKillop cũng dẫn chị đến việc đảm nhận một số công cuộc bác ái khác, bắt đầu với “Ngôi nhà Quan phòng” được mở ở Adelaide để tiếp nhận người già và trẻ em bị bỏ rơi. Chị Mary đặt niềm tin vững chắc vào sự Quan Phòng của Chúa: chị luôn vững tin trong bất cứ hoàn cảnh nào Chúa đưa đến. Nhưng điều đó cũng không miễn trừ chị khỏi những lo lắng và khó khăn phát sinh trong công việc tông đồ của mình, và chị Mary có lý do chính đáng cho điều này: chị phải trả các hóa đơn, thương lượng với các giám mục và linh mục địa phương, quản lý trường học và trông nom việc đào tạo nghề nghiệp và tinh thần cho các nữ tu của chị; và rồi chị gặp các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, trải qua tất cả những điều đó, chị vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn vác thập giá là một phần không thể thiếu của sứ vụ.

Có một lần, trong ngày Lễ Suy tôn Thánh Giá, chị Mary nói với một nữ tu của mình: “Con à, Mẹ đã học yêu mến Thánh Giá trong nhiều năm”. Mẹ đã học yêu mến Thánh Giá trong nhiều năm. Chị đã không bỏ cuộc trong những lúc thử thách và tăm tối, khi niềm vui của chị bị dập tắt bởi sự chống đối hoặc khước từ. Hãy chú ý điều này: tất cả các thánh đều phải đối mặt với sự chống đối, ngay cả trong Giáo hội. Điều này thật lạ lùng. Và chị cũng phải đối mặt với nó. Chị vẫn vững tin rằng ngay cả khi Chúa ban cho chị “bánh ăn trong lúc ngặt nghèo và nước uống trong cơn khốn quẫn” (Is 30:20), thì Chúa sẽ nhanh đáp lại tiếng kêu cầu của chị và bao phủ quanh chị bằng ân sủng của Người. Đây là bí mật của lòng nhiệt thành tông đồ: mối tương quan liên tục với Chúa.

Anh chị em thân mến, ước mong cương vị người môn đệ truyền giáo của Thánh Mary MacKillop, sự đáp lời đầy sáng tạo của chị trước những nhu cầu của Giáo hội vào thời của chị, và sự dấn thân của chị trong việc đào tạo toàn diện cho lớp người trẻ, truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta hôm nay, là những người được kêu gọi trở thành men của Tin Mừng trong xã hội thay đổi nhanh chóng của chúng ta. Xin gương sáng và lời chuyển cầu của chị nâng đỡ công việc hàng ngày của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, các giáo lý viên và tất cả những nhà giáo dục, vì lợi ích của người trẻ và vì một tương lai đầy nhân bản và nhiều hy vọng hơn. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Anh, Úc, Palestine, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/6/2023]


Sự rời bỏ của người Đức: Nửa triệu người Công giáo rời bỏ Giáo hội trong cuộc ra đi lịch sử

Sự rời bỏ của người Đức: nửa triệu người Công giáo rời bỏ Giáo hội trong cuộc ra đi lịch sử

Cho dù có sự ra đi này, số liệu thống kê của Giáo hội trong năm 2022 cho thấy gần 21 triệu người ở Đức vẫn chính thức là người Công giáo vào cuối năm, chiếm 24,8% trong dân số 84,4 triệu người của đất nước.

Sự rời bỏ của người Đức: Nửa triệu người Công giáo rời bỏ Giáo hội trong cuộc ra đi lịch sử

Nhà thờ Chánh tòa Công giáo Limburg ở Hessen, Đức. (photo: Mylius / Wikimedia/GFDL 1.2)

AC Wimmer/CNA

28 THÁNG SÁU, 2023



Giáo hội Công giáo ở Đức đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có, với hơn nửa triệu người Công giáo đã rửa tội rời bỏ Giáo hội vào năm 2022, theo số liệu thống kê được công bố bởi Hội đồng Giám mục Đức ngày 28 tháng Sáu.

Theo CNA Deutsch, hãng thông tấn tiếng Đức đối tác của CNA, việc này đánh dấu con số rời bỏ Giáo hội cao nhất từng được ghi nhận, với 522.821 người chọn ra khỏi Giáo hội.

Tổng số người bỏ đạo, kể cả số người chết, vượt quá 708.000 người, con số rất tương phản với 155.173 người chịu phép rửa và 1.447 tín hữu mới được ghi nhận trong cùng thời kỳ. Các số liệu cho thấy một xu hướng tiêu cực trong lịch sử, với số lượng rời bỏ tăng gấp đôi từ hơn 270.000 của năm 2020 lên mức kỷ lục hiện tại.

Cho dù có sự ra đi này, số liệu thống kê của Giáo hội trong năm 2022 cho thấy gần 21 triệu người ở Đức vẫn chính thức là người Công giáo vào cuối năm, chiếm 24,8% trong dân số 84,4 triệu người của đất nước.

Một số vị giám mục Đức bày tỏ sự thất vọng về các con số. Đức Giám mục Stefan Oster của Passau mô tả những con số này là “cao một cách đáng sợ”, trong khi Đức Giám mục Bertram Meier của Augsburg thừa nhận sự cần thiết của Giáo hội phải lấy lại niềm tin bằng “sự kiên nhẫn và tính đáng tin”.

Đức Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, nói trên trang web của giáo phận rằng những con số “đáng báo động” này nhấn mạnh đến nhu cầu phải tiếp tục “thay đổi văn hóa” và thực hiện những quyết tâm Hiệp hành của Đức.

Một báo cáo năm 2021 của CNA Deutsch lưu ý rằng cứ 3 người Công giáo ở Đức thì có 1 người đang cân nhắc rời bỏ Giáo hội. Theo một nghiên cứu trước đó, những lý do rời bỏ rất khác nhau, người lớn tuổi thì viện dẫn cách Giáo hội xử lý khủng hoảng lạm dụng tính dục và người trẻ tuổi nói đến nghĩa vụ đóng thuế của nhà thờ.

Hội đồng Giám mục Đức hiện quy định rằng rời bỏ Giáo hội sẽ tự động bị vạ tuyệt thông, một quy định đã gây tranh cãi giữa các nhà thần học và giáo luật.

Dự báo năm 2019 thuộc một dự án của các nhà khoa học tại Đại học Freiburg tiên đoán rằng số lượng người Kitô hữu nộp thuế nhà thờ ở Đức sẽ giảm một nửa vào năm 2060.

Bất kể có khủng hoảng, Giáo hội chứng kiến sự gia tăng nhẹ số người tham dự Thánh lễ vào năm 2021, tăng từ 4,3% lên 5,7%, sau thời gian khủng hoảng coronavirus ngăn cản việc cử hành nhiều bí tích. Số lượng lễ cưới cử hành trong nhà thờ cũng tăng từ hơn 20.000 của năm trước lên 35.467 vào năm 2022.

Các số liệu không bao gồm dữ liệu về việc xưng tội, vì bí tích không được đưa vào thống kê của hội đồng giám mục.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/6/2023]


Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Đức Thánh Cha, Đức Đại Imam phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Đức Thánh Cha, Đức Đại Imam phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Đức Thánh Cha, Đức Đại Imam phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc


Kathleen N. Hattrup

19/06/23

Đức Thánh Cha đã gửi một bài phát biểu và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar đã gửi một bài phát biểu video, cả hai đều kêu gọi tình huynh đệ. “Thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã đưa tất cả chúng ta lại gần nhau hơn, nhưng nó đã không làm cho chúng ta trở nên huynh đệ hơn. Thật vậy, chúng ta đang phải chịu đựng nạn đói tình huynh đệ…”

Đức Sheikh Ahmed al-Tayeb, Đại Imam của Đại học Al-Azhar, và Đức Giáo hoàng Phanxicô có bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tuần trước.

Bài diễn từ của Đức Thánh Cha là một bản văn được đọc bởi Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, thư ký Phòng Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, và bài diễn văn của Đức Imam là một phát biểu video.

Cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo đều kêu gọi tình huynh đệ nhân loại, như hai vị đã làm từ khi lời kêu gọi chung được ký năm 2019.

Nêu ra Iraq, Afghanistan, Syria, Libya và Yemen, Al-Tayeb kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến vô nghĩa và ám chỉ đến cuộc xung đột Ukraine là mối đe dọa khiến loài người thoái trào “trở về thời nguyên thủy”.

Đức Imam nói rằng các nhà lãnh đạo chính trị phải thực hiện lời kêu gọi tình huynh đệ do tài liệu năm 2019 đưa ra.

Sau đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha:

___________________________________________________________

Thưa bà Chủ tịch Hội đồng Bảo an,
Thưa ông Tổng thư ký,
Thưa Hiền huynh Đại Imam của Đại học Al-Azhar,
Thưa quý ông quý bà,

Tôi xin cám ơn quý vị về nhã ý mời tôi phát biểu, và tôi sẵn sàng nhận lời vì chúng ta đang sống trong một thời điểm quan trọng đối với nhân loại, trong đó hòa bình dường như nhường chỗ cho chiến tranh. Những xung đột ngày càng gia tăng và sự ổn định ngày càng gặp nguy hiểm. Chúng ta đang trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng vùng, mà theo thời gian, dường như ngày càng lan rộng hơn. Hội đồng này, với nhiệm vụ bảo vệ an ninh và hòa bình của thế giới, đôi khi trong mắt mọi người dường như bất lực và tê liệt. Tuy nhiên, công việc của quý vị, được Tòa Thánh đánh giá cao, là rất cần thiết để thúc đẩy hòa bình. Chính vì lý do này, tôi muốn gửi đến quý vị lời mời gọi chân thành hãy đối mặt với những vấn đề chung của chúng ta, gạt bỏ những hệ tư tưởng và tầm nhìn hẹp hòi, những ý tưởng và lợi ích đảng phái, và nuôi dưỡng một mục đích duy nhất: làm việc vì lợi ích của toàn nhân loại. Thật vậy, Hội đồng này được chờ đợi sẽ tôn trọng và áp dụng “Hiến chương Liên hợp quốc một cách minh bạch và chân thành, không có động cơ thầm kín, như một điểm tham chiếu bắt buộc của công lý chứ không như một phương tiện để che đậy ý định sai trái”. [1]

Thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã đưa tất cả chúng ta lại gần nhau hơn, nhưng nó không làm cho chúng ta trở nên huynh đệ hơn. Thật vậy, chúng ta đang phải chịu đựng nạn đói tình huynh đệ, một tình trạng phát sinh từ nhiều hoàn cảnh bất công, nghèo đói và bất bình đẳng và cũng từ việc thiếu một văn hóa liên đới. “Các hệ tư tưởng mới, mang nét đặc trưng của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa hưởng thụ vật chất đang lan rộng, làm suy yếu các mối liên kết xã hội, thúc đẩy não trạng ‘vứt bỏ’, dẫn đến sự khinh miệt và bỏ rơi những người yếu thế nhất và những người bị coi là ‘vô dụng’. Theo cách này, sự chung sống của con người ngày càng có xu hướng giống như một điều đơn thuần chỉ là do ut des (có qua có lại), vừa thực dụng vừa ích kỷ”. [2] Tuy nhiên, hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng đói tình huynh đệ này là xung đột vũ trang và chiến tranh, khiến không chỉ các cá nhân mà cả các dân tộc trở thành kẻ thù của nhau, và những hậu quả tiêu cực của chúng tiếp tục kéo dài qua nhiều thế hệ. Với việc thành lập Liên Hợp Quốc, dường như thế giới đã học được, sau hai cuộc đại chiến thế giới kinh hoàng, cách để hướng tới một nền hòa bình ổn định hơn, cuối cùng để trở thành một đại gia đình các quốc gia. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang đi ngược dòng lịch sử, với sự trỗi dậy của các chủ nghĩa dân tộc thiển cận, cực đoan, hung hăng và hiếu chiến đã châm ngòi cho những xung đột không chỉ lỗi thời mà thậm chí còn bạo lực nhiều hơn. [3]

Là một người có đức tin, tôi tin rằng hòa bình là ước mơ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tuy nhiên, thật đáng buồn, tôi nhấn mạnh rằng vì chiến tranh, giấc mơ tuyệt vời này đang biến thành một cơn ác mộng. Theo quan điểm kinh tế, chắc chắn chiến tranh thường hấp dẫn hơn hòa bình, vì nó thúc đẩy lợi nhuận, nhưng chỉ lợi cho một số ít người và gây tổn hại đến hạnh phúc của toàn dân chúng. Do đó, tiền kiếm được từ việc buôn bán vũ khí là tiền vấy máu của những người vô tội. Cần nhiều can đảm hơn để từ bỏ lợi nhuận dễ dàng vì mục đích gìn giữ hòa bình hơn là buôn bán các loại vũ khí tinh vi và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cần nhiều can đảm hơn để tìm kiếm hòa bình hơn là tiến hành chiến tranh. Cần nhiều can đảm hơn để thúc đẩy sự gặp gỡ hơn là đối đầu, ngồi vào bàn đàm phán hơn là tiếp tục thù địch.

Để biến hòa bình thành hiện thực, chúng ta phải tránh xa luận lý về tính hợp pháp của chiến tranh: nếu điều này có giá trị trong những thời kỳ trước, khi các cuộc chiến tranh có phạm vi hạn chế hơn, thì trong thời đại của chúng ta, với vũ khí nguyên tử và những vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến trường trở nên không giới hạn và những ảnh hưởng có thể dẫn đến thảm họa. Đã đến lúc nói “không” một cách dứt khoát với chiến tranh, tuyên bố rằng chiến tranh không công bằng, mà chỉ có hòa bình mới công bằng: một nền hòa bình ổn định và dài lâu, được xây dựng trên tình huynh đệ đoàn kết chúng ta, không phải trên sự cân bằng mong manh của tính răn đe.

Thật vậy, tất cả chúng ta đều là anh chị em, cùng hành trình trên trái đất, cùng ở trong một ngôi nhà chung duy nhất, và chúng ta không thể che khuất bầu trời nơi chúng ta đang sống bằng những đám mây của chủ nghĩa dân tộc. Chúng ta sẽ kết thúc ở đâu nếu mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình? Vì vậy, những người nỗ lực xây dựng hòa bình phải cổ võ tình huynh đệ. Xây dựng hòa bình là một công việc thủ công đòi hỏi sự đam mê và kiên nhẫn, kinh nghiệm và tầm nhìn xa, sự kiên trì và cống hiến, đối thoại và ngoại giao. Và cả sự lắng nghe: lắng nghe tiếng khóc của những người đau khổ vì chiến tranh, đặc biệt là trẻ em. Đôi mắt đẫm lệ của họ phán xét chúng ta: tương lai mà chúng ta chuẩn bị cho họ sẽ là tòa án cho những lựa chọn hiện tại của chúng ta.

Hòa bình là có thể nếu con người thực sự mong muốn nó! Trong Hội đồng Bảo an này hòa bình phải tìm thấy “những đặc tính căn bản của nó, đó là mà một ý tưởng sai lầm về hòa bình dễ khiến người ta quên đi. Hòa bình phải đặt trên lý trí, không phải cảm tính; cao thượng, không phải ích kỷ. Hòa bình không mang tính trì trệ và thụ động, mà phải năng động, tích cực và tiến bộ theo những yêu cầu chính đáng của những quyền của con người về công bằng và đã được tuyên bố đòi hỏi những cách diễn đạt mới và tốt hơn của hòa bình. Hòa bình không được yếu ớt, kém hiệu quả và nô lệ, mà phải mạnh mẽ trong những lẽ phải của đạo đức giải thích cho nó và trong sự hỗ trợ vững chắc của các quốc gia phải bảo vệ nó”. [4]

Vẫn còn thời gian để viết một chương hòa bình mới trong lịch sử: chúng ta có thể làm việc đó theo cách chiến tranh sẽ thuộc về quá khứ, không thuộc tương lai. Các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an này hướng đến và phục vụ cho mục đích này. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh một từ mà tôi muốn nhắc lại, vì tôi coi đó là từ quyết định: tình huynh đệ. Tình huynh đệ không thể mãi là một ý tưởng trừu tượng, nhưng phải trở thành một điểm xuất phát thực sự: thật vậy, nó là “một chiều kích trọng yếu của con người, là một hữu thể tương quan. Ý thức sống động về mối tương quan này khiến chúng ta nhìn và đối xử với mỗi người như anh chị em thực sự; không có nó thì không thể xây dựng được một xã hội công bằng, một nền hòa bình vững chắc và lâu dài”. [5]

Tôi cam kết ủng hộ quý vị, dâng những lời cầu nguyện của tôi và lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu của Giáo hội Công giáo nhân danh hòa bình và mọi tiến trình và sáng kiến hòa bình. Tôi tha thiết mong muốn rằng không chỉ Hội đồng Bảo an này mà toàn bộ Tổ chức Liên Hợp Quốc, các Quốc gia Thành viên và mỗi vị hữu trách, luôn phục vụ con người cách hiệu quả, chịu trách nhiệm bảo vệ tương lai không chỉ của chính họ mà còn của tất cả mọi người, với sự can đảm mạnh mẽ ngay bây giờ, không sợ hãi, bảo vệ những gì cần thiết để thúc đẩy tình huynh đệ và hòa bình cho toàn hành tinh. “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5:9).

______________________________________________



[3] Cf. Francis, Fratelli tutti, 11.

[4] Paul VI, Message for the VI World Day of Peace, 1 January 1973.




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/6/2023]


Tại sao thời Trung cổ được gọi là “thời kỳ tăm tối”?

Tại sao thời Trung cổ được gọi là “thời kỳ tăm tối”?

Tại sao thời Trung cổ được gọi là “thời kỳ tăm tối”?

Shutterstock | David Herraez Calzada

Monasterio de Veruela

Daniel Esparza

25/06/23


Dán nhãn “tăm tối” cho 10 thế kỷ của lịch sử là một đánh giá không hiểu rõ tính phức tạp và đa dạng của xã hội thời trung cổ.

Thời Trung cổ, kéo dài từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15, thường được gọi là “Thời kỳ tăm tối” – một thuật ngữ khá xúc phạm. Nhãn hiệu này nổi lên trong thời kỳ Phục hưng và phần lớn chịu ảnh hưởng của các tác giả, nghệ sĩ và những nhà tư tưởng muốn làm nổi bật sự khác biệt giữa thời đại của họ – thời đại mà họ hiểu là sự hồi sinh của văn hóa Hy-La cổ điển – và các thế kỷ trước.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc dán nhãn “tăm tối” cho 10 thế kỷ lịch sử là một đánh giá chủ quan, chịu ảnh hưởng rất nặng bởi định kiến và thành kiến, đồng thời không đánh giá đúng mức độ phức tạp và đa dạng của xã hội thời trung cổ, đặc biệt là vì một khoảng thời gian dài như vậy không thể đơn giản gộp lại dưới một danh mục duy nhất.

Petrarch, học giả và nhà thơ nổi tiếng người Ý của thế kỷ 14, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức tiêu cực này về thời Trung cổ – liệu đó có phải là ý định của ông hay không lại là một câu hỏi khác. Trang Medievalists.net viết rằng một người sống trong “thời kỳ tăm tối” hoặc trong “thời đại ánh sáng” “là một phép ẩn dụ dễ dàng để giải thích rằng bạn đang sống trong thời kỳ tốt hay xấu.” Petrarch đã sử dụng phép ẩn dụ nói trên, so sánh thời Cổ đại và Hậu Cổ đại với thời đại của ông, “và nhận thấy rằng ông không hài lòng lắm với tình hình ngày nay.” Trong một tác phẩm của mình, ông viết:

“Số phận của tôi là sống giữa những cơn bão đầy những đổi thay và khó hiểu. Nhưng nếu như tôi hy vọng và mong muốn bạn sẽ sống lâu hơn tôi, có lẽ với bạn sẽ có một thời đại tốt đẹp hơn. Giấc ngủ quên này sẽ không kéo dài mãi mãi. Khi bóng tối bị xua tan, con cháu của chúng ta sẽ có thể trở lại trong ánh hào quang thuần khiết trước đây.”

Rõ ràng, sự hiểu biết của Petrarch về thời đại của ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lòng ngưỡng mộ đối với những thành tựu của Hy Lạp và La Mã cổ đại; do đó, ông coi thời đại của mình là thời kỳ suy tàn và thiếu hiểu biết, so sánh nó với những thành tựu trí tuệ của thế giới cổ đại một cách thiếu cảm tình.

Tuy nhiên, điều cần thiết là phải nhận ra rằng sự miêu tả có phần tiêu cực này về thời Trung cổ phần lớn là một sự phóng đại. Các nhà tư tưởng thời Phục hưng có xu hướng lý tưởng hóa quá khứ xa xưa, coi đó là thời kỳ hoàng kim của trí tuệ và sự tinh tế về văn hóa, điều này không nhất thiết phải như vậy. Ngược lại, họ coi thời Trung cổ là thời kỳ của sự trì trệ về trí tuệ, chủ nghĩa giáo điều tôn giáo và sự lạc hậu của xã hội, nhắm mắt làm ngơ trước sự thật (hiển nhiên) rằng thời Phục hưng không tự nhiên mà đến.

Thành kiến chống lại thời Trung cổ có thể là do một số yếu tố. Ví dụ, các nhà tư tưởng thời Phục hưng có sự tiếp cận rất hạn chế vào các nguồn văn học và lịch sử của thời Trung cổ, điều này góp phần vào việc thiếu hiểu biết và không đánh giá đúng những thành tựu của 10 thế kỷ này. Ngoài ra, thời kỳ Phục hưng mang đậm dấu ấn của mong muốn đặt khoảng cách với kỷ nguyên trước đó, và việc làm mất thanh thế của thời Trung cổ nhằm mục đích nhấn mạnh sự vượt trội về văn hóa và trí tuệ được cho là của cuối thế kỷ 15 và 16. Nhưng chủ yếu, những xung đột và căng thẳng tôn giáo giữa Giáo hội Công giáo và các phong trào Tin lành mới nổi trong thời kỳ Phục hưng đã thúc đẩy việc chỉ trích về thời Trung cổ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác của lịch sử, việc thách thức nhận thức thành kiến này về thời Trung cổ là rất quan trọng. Mặc dù thời kỳ này đúng là có nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là thời kỳ của những thành tựu lớn về trí tuệ, nghệ thuật và văn hóa.

Thời Trung cổ chứng kiến sự phát triển của các trường đại học, việc bảo tồn và lưu truyền các văn bản cổ điển, những tiến bộ trong kiến trúc và kỹ thuật, và sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Gothic. Trên thực tế, nếu không có công việc cần mẫn của những người ghi chép và sao chép thời trung cổ, thì các học giả thời Phục hưng sẽ khó biết đến những nhà tư tưởng của La Mã và Hy Lạp.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2023]


Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha 25.06.2023: Tôi sợ không có được thứ mình thích hay không làm đẹp lòng Chúa

Tôi sợ không có được thứ mình thích hay không làm đẹp lòng Chúa?

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin

Huấn từ của Đức Thánh Cha 25.06.2023: Tôi sợ không có được thứ mình thích hay không làm đẹp lòng Chúa


Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Kính Đức Mẹ:

_____________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, Buongiorno. Chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lặp lại với các môn đệ ba lần khác nhau: “đừng sợ” (Mt 10:26, 28, 31). Trước đó không lâu, Chúa đã nói với các ông về sự bắt bớ mà các ông sẽ phải trải qua vì Tin Mừng, một sự thật hiện vẫn còn là thực tại. Thật vậy, kể từ khi thành lập, Giáo hội đã trải qua nhiều cuộc bách hại, cùng với những niềm vui – mà Giáo hội có rất nhiều. Nó có vẻ là một nghịch lý: lời loan báo Nước Thiên Chúa là một thông điệp hòa bình và công lý, được đặt nền tảng trên tình bác ái huynh đệ và sự tha thứ; nhưng lại gặp phải sự chống đối, bạo lực, bắt bớ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói đừng sợ, không phải vì mọi thứ sẽ ổn thỏa trên thế gian, không, nhưng vì chúng ta rất quý giá đối với Cha của Người và không có điều gì tốt đẹp sẽ bị mất đi. Vì vậy, Người bảo chúng ta đừng để nỗi sợ hãi chặn đứng chúng ta, mà hãy sợ một điều khác, chỉ một điều. Điều Chúa Giêsu nói với chúng ta phải sợ là gì?

Chúng ta khám phá ra điều đó qua một hình ảnh Chúa Giêsu sử dụng hôm nay: hình ảnh “Gehenna” (Hỏa ngục) (xem câu 28). Vực sâu “Gehenna” là nơi người dân Giêrusalem biết rõ. Đó là bãi rác lớn của thành phố. Chúa Giêsu nói về nó để cho biết rằng nỗi sợ hãi thật sự mà chúng ta phải có là đánh mất mạng sống của mình. Chúa Giêsu nói: “Đúng, hãy sợ điều đó”. Nó tương tự như nói rằng: bạn không cần phải quá lo sợ bị hiểu lầm và chỉ trích, sợ mất uy tín và lợi ích kinh tế khi trung thành với Tin Mừng, không, nhưng hãy sợ lãng phí cuộc sống của bạn chạy theo những thứ tầm thường không mang đến ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống.

Điều này rất quan trọng đối với chúng ta ngày nay. Thực tế ngày nay, một số người vẫn bị chế giễu hoặc phân biệt đối xử vì không chạy theo một mốt nhất thời nào đó, tuy nhiên, những mốt này đặt thực tế thứ yếu vào vị trí trung tâm – chẳng hạn như chạy theo vật chất hơn là con người, chạy theo thành tích hơn là các mối tương quan. Chúng ta đưa ra một ví dụ: cha đang nghĩ đến một số bậc cha mẹ cần phải làm việc để nuôi sống gia đình của họ, nhưng họ không thể sống chỉ vì công việc – họ cần có đủ thời gian để ở bên con cái. Cha cũng đang nghĩ đến một linh mục hay một nữ tu cần dấn thân phục vụ nhưng không quên dành thời gian cho Chúa Giêsu, nếu không, họ sẽ rơi vào tinh thần thế tục thiêng liêng và đánh mất ý thức họ là ai. Và một lần nữa, cha đang nghĩ đến một bạn trẻ nam hoặc nữ có hàng ngàn cam kết và đam mê – học đường, thể thao, nhiều sở thích khác nhau, điện thoại và mạng xã hội – nhưng họ cần gặp gỡ mọi người và đạt được những ước mơ lớn lao mà không lãng phí thời gian cho những thứ chóng qua chẳng để lại dấu ấn của họ.

Thưa anh chị em, tất cả những điều này đòi hỏi một sự từ bỏ nhất định liên quan đến những thần tượng của tính hiệu quả và chủ nghĩa tiêu dùng. Điều này là cần thiết để không bị lạc lối vào những thứ mà kết cục sẽ bị ném ra ngoài, như họ đã ném những thứ vào Gehenna ngày xưa. Nhưng ngày nay con người thường có kết cục ở Gehenna. Chúng ta hãy nghĩ về những người bé mọn nhất thường bị đối xử như phế phẩm và đồ vật bị loại bỏ. Có một cái giá phải trả để trung thành với những điều quan trọng. Cái giá phải trả là đi ngược dòng, cái giá phải trả là giải phóng bản thân thoát khỏi những tác động của dư luận, cái giá phải trả là thoát ra khỏi những người “chạy theo dòng chảy”. Nhưng Chúa Giêsu nói đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là không vứt bỏ điều tốt lành nhất: sự sống. Đây là điều duy nhất khiến chúng ta phải sợ.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: Tôi, tôi sợ điều gì? Không có được những gì tôi thích? Không đạt được các mục tiêu xã hội áp đặt? Sự phán xét của người khác? Hay là không đẹp lòng Chúa, không đặt Tin Mừng của Người lên hàng đầu? Xin Mẹ Maria Đồng Trinh, Mẹ Rất Khôn ngoan, giúp chúng ta biết khôn ngoan và can đảm trong những lựa chọn của chúng ta.

______________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tôi vô cùng đau buồn vì những gì đã xảy ra cách đây vài ngày trong Trung tâm Cải huấn Támara dành cho phụ nữ ở Honduras. Bạo lực khủng khiếp giữa các băng đảng đối thủ gây ra chết chóc và đau thương. Tôi dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất; Tôi cầu nguyện cho gia đình họ. Xin Đức Trinh Nữ Suyapa, Mẹ của Honduras, giúp các tâm hồn rộng mở để hòa giải và tạo ra không gian cho sự chung sống huynh đệ, ngay cả trong các nhà tù.

Trong những ngày này, diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm ngày mất tích của bé Emanuela Orlando. Tôi muốn nhân cơ hội để một lần nữa bày tỏ sự gần gũi với các thành viên trong gia đình bé, đặc biệt là người mẹ của bé, và liên tục dâng lời cầu nguyện cho họ. Tôi xin gửi lời an ủi đến tất cả các gia đình đang chịu đau buồn về một người thân yêu đã ra đi.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, những anh chị em hành hương từ Rome, từ nước Ý và nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là các tín hữu đến từ Bogotá, Colombia.

Cha xin chào Dòng Huynh đệ Phan Sinh Tại Thế đến từ Pisa; các thiếu nhi đến từ Gubbio, Perugia và Spoleto; nhóm anh chị em đến từ Limbadi đang mừng Leo trẻ; những người tham gia cuộc hành hương bằng xe máy từ Cesena và Longiano; và các tình nguyện viên của Đài phát thanh Maria, với biểu ngữ lớn mời gọi “tất cả mọi người nép dưới áo choàng” của Đức Trinh Nữ Maria, để cầu xin món quà hòa bình từ Thiên Chúa. Và chúng ta khẩn xin điều này cách đặc biệt cho người dân Ukraine đang đau khổ.

Chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2023]


Bạn có biết Vatican từng là đấu trường đua xe ngựa?

Bạn có biết Vatican từng là đấu trường đua xe ngựa?

Bạn có biết Vatican từng là đấu trường đua xe ngựa?

Vlas Telino studio | Shutterstock

Daniel Esparza

22/06/23


Đấu trường Caligula nằm trên đồi Vatican. Nó dần dần bị bỏ hoang cho đến khi rơi vào tình trạng hư hỏng sau cái chết của Hoàng đế Caligula.

Vatican đứng như một biểu tượng của sức mạnh tinh thần (và thế tục) trong lòng Rome. Nhưng bên dưới hàng cột, các viện bảo tàng và Vương cung thánh đường lộng lẫy, là một lịch sử tương đối xa lạ bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Kitô giáo. Người ta tin rằng Vatican được xây dựng bên trên Đấu trường Caligula, một sân vận động đua xe ngựa cổ đại của La Mã, và qua nhiều thế kỷ, các công trình xây dựng liên tiếp đã biến địa điểm này thành trung tâm hành chính và tôn giáo như ngày nay.

Đấu trường Caligula (hay còn gọi là Đấu trường Nero) được xây dựng dưới triều Hoàng đế khét tiếng Caligula vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh. Đó là một khu giải trí phức hợp lớn, có đấu trường hình bầu dục, nơi tổ chức các cuộc đua xe ngựa, các cuộc thi điền kinh và các màn trình diễn khác. Đấu trường nằm trên Đồi Vatican, một trong bảy ngọn đồi của Rome và bao phủ một khu vực rộng lớn.

Đấu trường nguyên thủy dần dần bị bỏ hoang cho đến khi nó rơi vào tình trạng hư hỏng sau cái chết của Hoàng đế Caligula. Mãi đến thế kỷ thứ 4, Hoàng đế Constantine quyết định xây dựng một Vương cung thánh đường lớn trên vị trí này.

Vương cung thánh đường đầu tiên, được gọi là Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô cổ, được xây dựng từ năm 319 đến 333. Nó nhanh chóng trở thành trung tâm của Kitô giáo và là nơi an nghỉ của Thánh Phêrô. Vương cung thánh đường đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ, chứng kiến nhiều biến cố lịch sử khác nhau, gồm có các lễ đăng quang của một số vị giáo hoàng và lễ đăng quang của Charlemagne là Hoàng đế La Mã Thần thánh.

Tuy nhiên, đến thế kỷ 15, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô Cổ không còn khả năng đáp ứng số lượng người hành hương đến thăm viếng Rome ngày càng tăng. Vào năm 1506, Đức Giáo hoàng Julius II đã khởi công xây dựng vương cung thánh đường mới – là Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tráng lệ mà chúng ta biết ngày nay.

Việc xây dựng vương cung thánh đường mới kéo dài vài thế kỷ và có sự tham gia của một số nghệ sĩ và kiến trúc sư vĩ đại nhất của thế kỷ 16: kiến trúc sư Donato Bramante, điêu khắc gia-kiến trúc sư Michelangelo Buonarotti và Lorenzo Bernini. Vương cung thánh đường cũ dần dần bị phá hủy để nhường chỗ cho kiến trúc mới, và phần còn lại của Đấu trường Nero nguyên thủy được chôn dưới nền móng của vương cung thánh đường mới.

Nhưng sự biến đổi của Vatican không kết thúc với việc xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Bảo tàng Vatican, nơi lưu giữ một bộ sưu tập lớn các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật lịch sử, được thành lập vào thế kỷ 16. Nhà nguyện Sistine, lừng danh với những bức bích họa đẹp mê hồn của Michelangelo, cũng trở thành một phần không thể thiếu của khu phức hợp Vatican. Trong nhiều thế kỷ, nhiều vị giáo hoàng đã đặt làm các dự án bổ sung, mở rộng và nâng cấp khu phức hợp Thành Vatican.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2023]


Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

Đức Thánh Cha đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 400 của Pascal bằng một tông thư

Đức Thánh Cha đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 400 của Pascal bằng một tông thư


Đức Thánh Cha đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 400 của Pascal bằng một tông thư

Natata / Shutterstock

Blaise Pascal.

Kathleen N. Hattrup - I.Media for Aleteia

19/06/23


Dưới đây là những suy nghĩ của Đức Thánh Cha Phanxicô về một trong những nhà tư tưởng được yêu thích …

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông thư về Blaise Pascal, với tên gọi là Sublimitas et miseria hominis – “Sự vĩ đại và khốn khổ của con người.”

Được xuất bản ngày 19 tháng Sáu năm 2023, tông thư đánh dấu bốn trăm năm ngày sinh của nhà tư tưởng người Pháp (19 tháng 6 năm 1623 – 19 tháng 8 năm 1662). Vị Giáo hoàng Dòng Tên bày tỏ lòng kính trọng riêng và cảm xúc đối với nhà triết gia, “người đồng hành trên đường” trong “việc tìm kiếm hạnh phúc đích thực của chúng ta”.

Văn bản dài 12 trang là tông thư thứ hai mà Đức Thánh Cha Phanxicô dành riêng để nói về một tác giả giáo dân. Năm 2021, ngài viết tông thư Candor Lucis Æterne nói về thi hào Dante Alighieri.

Giống như thi hào người Ý, Pascal là một trong những nguồn tham khảo về văn hóa và tinh thần thường xuyên của Đức Thánh Cha; Đức Phanxicô là một cựu giáo sư văn học và là người ham mê sách.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với Eugenio Scalfari, người sáng lập tờ báo Ý La Repubblica, Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí còn nói rằng “cá nhân” ngài thấy rằng ông Pascal “nên được phong chân phước”.

Dưới đây là năm điểm trong tài liệu:

Nếu Pascal đề nghị nói về con người và Thiên Chúa, đó là vì ông đã đi đến chỗ chắc chắn rằng “không những chúng ta chỉ có thể biết Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, mà chúng ta cũng chỉ biết chính mình qua Chúa Giêsu Kitô.

Một ngày nọ, cha của Blaise bắt gặp cậu đang học hình học và chợt nhận ra rằng, Blaise mười hai tuổi, hoàn toàn tự mình vẽ các hình trên mặt đất, đã chứng minh 32 mệnh đề đầu tiên của Euclid, mà không biết rằng những định lý tương tự có thể tìm thấy trong các quyển sách mang tên khác.

Sau khi dùng trí thông minh phi thường của mình để nghiên cứu thân phận con người, Kinh thánh và truyền thống của Giáo hội, Pascal giờ đây thể hiện mình trong sự đơn sơ của trẻ thơ như một chứng nhân khiêm nhường của Tin Mừng. Là một người Kitô hữu, ông muốn nói về Chúa Giêsu Kitô cho những người vội vàng kết luận rằng không có lý do vững chắc nào để tin vào những chân lý của Kitô giáo.

Vào ngày 23 tháng 11 năm 1654, Pascal đã có một trải nghiệm mạnh mẽ mà cho đến bây giờ vẫn được gọi là “đêm của lửa” của ông. … dường như đó là cuộc gặp gỡ mà chính ông thừa nhận tương tự như cuộc gặp gỡ mà ông Môsê đã có được trước bụi gai bốc cháy, là nền tảng cho toàn bộ lịch sử mặc khải và ơn cứu độ, … ngay sau khi ngọn lửa được tạo ra, [ông] nhắc lại danh xưng mà Chúa đã tự đặt cho Người trước mặt ông Môsê – “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6.15) – và rồi thêm: “không phải của các triết gia và các nhà thông thái. Sự chắc chắn. Sự chắc chắn. Cảm giác. Vui sướng. Bình an. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô.”

Khi lâm bệnh nặng và sắp chết, ông xin được rước lễ, nhưng điều đó không thể thực hiện ngay được. Vì vậy, ông yêu cầu chị gái mình: “vì em không thể hiệp thông trong tâm trí [Chúa Giêsu Kitô] nên em muốn hiệp thông bằng các chi thể”. Ông “rất muốn được chết cùng với những người nghèo.” Người ta nói về Pascal, ngay sau khi ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19 tháng 8 năm 1662, rằng “ông đã chết với sự đơn sơ của một đứa trẻ.” Sau khi lãnh nhận các bí tích, lời cuối cùng của ông là: “Xin Chúa đừng bao giờ bỏ rơi con”.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2023]