Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Diễn Văn Của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Chuyên Đề “Đối Thoại Châu Mỹ: Ngôi Nhà Chung Của Chúng Ta”

Diễn Văn Của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Chuyên Đề “Đối Thoại Châu Mỹ: Ngôi Nhà Chung Của Chúng Ta”

“Thật đẹp biết bao nếu chúng ta để lại một thế giới tương lai tốt đẹp hơn những gì chúng ta đã có”
9 tháng 9, 2016
vatican
L'Osservatore Romano
Thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp các tham dự viên trong một Hội nghị chuyên đề được tổ chức bởi Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ và Viện Đối Thoại Liên Tôn Buenos Aires về chủ đề: “Đối thoại Châu Mỹ: Ngôi Nhà Chung Của Chúng Ta” (Augustinianum, Roma, 7-8 tháng 9).
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài diễn thuyết của Đức Thánh Cha:
* * *
Thưa quý vị:
Tôi rất vui được chào đón tất cả quý vị ở đây, đang tham dự buổi họp: “Đối thoại Châu Mỹ: Ngôi Nhà Chung Của Chúng Ta.” Tôi xin cảm ơn Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ và Viện Đối Thoại Liên Tôn, cùng với sự cộng tác của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn bằng các nỗ lực đã đưa sự kiện này thành hiện thực. Tôi biết quý vị đang cùng làm việc trong dự án nhằm thiết lập một Học viện Đối thoại để bao quát toàn Châu lục Mỹ. Làm việc chung là một sáng kiến đáng ca ngợi và tôi xin kêu gọi quý vị hãy tiến bước vì lợi ích chung của toàn thế giới, không chỉ riêng của Châu Mỹ.
Lần họp đầu tiên này tập trung vào việc nghiên cứu Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa). Trong Tông huấn này tôi mong ước kêu gọi sự chú ý vào tầm quan trọng của sự yêu thương, tôn trọng và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta phải biết chúc tụng ngợi khen vẻ đẹp và sự hài hòa tồn tại trong mọi tạo vật; đó là món quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta có thể tìm thấy Ngài ca khen Ngài vì kỳ công của Ngài. Điều quan trọng bây giờ là phải đặt cược vào một “nền sinh thái tích hợp,” qua đó biết tôn trọng giá trị tạo vật, sự phong phú tự bản chất tạo vật có trong nó và đặt con người trên đỉnh cao nhất của tạo vật.
Các tôn giáo có một vai trò rất lớn trong công cuộc thúc đẩy sự chăm sóc và tôn trọng môi trường, đặc biệt trong nền sinh thái tích hợp này. Đức tin vào Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta tìm biết Ngài trong mọi tạo vật của Ngài, đó là hoa trái tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, và nó kêu gọi chúng ta phải biết chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên. Để việc này có thể thực hiện được, điều quan trọng là các tôn giáo phải thúc đẩy nền giáo dục thực sự, ở mọi cấp độ, giúp lan truyền một thái độ có trách nhiệm và tập trung và những tính cấp bách của việc chăm sóc cho thế giới của chúng ta; và, bằng một cách đặc biệt, bảo vệ, đẩy mạnh và bênh vực cho nhân quyền (Tông huấn Laudato Si’). Chẳng hạn, thật thú vị nếu từng người trong quý vị tham dự ở đây tự đặt câu hỏi cho mình bằng cách nào để phối hợp việc này trong đất nước của quý vị, trong thành phố của quý vị, trong môi trường của quý vị, hay trong tôn giáo của quý vị, trong cộng đoàn tôn giáo, và trong các trường học. Tôi tin rằng chúng ta vẫn còn đang ở trình độ “mẫu giáo” trong lĩnh vực này. Nói cách khác, tính trách nhiệm phải được phối hợp không chỉ là một môn học nhưng là một sự nhận thức, trong giáo dục tích hợp.
Những truyền thống tôn giáo của chúng ta là một nguồn cảm hứng cần thiết để thúc đẩy một văn hóa gặp gỡ. Sự hợp tác liên tôn, đặt nền tảng trên việc cổ vũ sự đối thoại chân tình và tôn trọng, là vô cùng trọng yếu. Nếu không có sự tôn trọng lẫn nhau thì sẽ không có đối thoại tôn giáo. Tôi còn nhớ trong thành phố của tôi, khi tôi còn bé, có một linh mục coi xứ kia ra lệnh đốt các lều trại của bên Tin lành, tạ ơn Chúa, việc này đã được bỏ qua. Nếu không có sự tôn trọng lẫn nhau, sẽ không có đối thoại liên tôn; nó là nền tảng để có thể cùng đồng hành với nhau và giải quyết các thử thách. Sự đối thoại này được thành lập dựa trên căn tính của một người và sự tin tưởng lẫn nhau, nó được sinh ra khi một người có khả năng nhìn nhận người khác là một món qua của Thiên Chúa và thừa nhận rằng người đó có quyền để nói với người khác. Người này có điều gì đó để nói chuyện với người kia. Mọi cuộc gặp gỡ nhau là một hạt giống nhỏ được gieo xuống; nếu nó được chăm bón bằng cách đối xử cần mẫn và tôn trọng, đặt nền tảng trên chân lý, nó sẽ phát triển thành một cây sum suê, nơi tất cả mọi người có thể tìm chỗ ở cho mình và được nuôi dưỡng, không ai bị loại trừ và trong đó, tất cả sẽ là một phần của dự án chung, kết hợp những nỗ lực và khát vọng.
Trên con đường đối thoại này, chúng ta là những chứng tá của thiện tính của Thiên Chúa, Ngài đã cho ta sự sống; và sự sống là một điều thánh thiêng và phải được tôn trọng, không được khinh rẻ. Một tín hữu là một người bảo vệ cho tạo vật và cho sự sống; người tín hữu không thể giữ im lặng hay khoanh tay khi đối mặt với quá  nhiều những quyền bị tiêu diệt mà không hề bị xét xử trừng phạt. Những con người của đức tin được kêu gọi phải bảo vệ sự sống ở mọi giai đoạn, bảo vệ sự nguyên vẹn của thân xác và những sự tự do căn bản, chẳng hạn tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do bày tỏ, và tự do tôn giáo. Đó là một nghĩa vụ của chúng ta, vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa là kiến trúc sư của mọi tạo vật và chúng ta là những khí cụ trong tay Ngài để mọi con người được tôn trọng về phẩm giá và quyền con người, và có thể hoàn thiện bản thân theo nhân vị.
Thế giới liên tục quan sát chúng ta, những người có tín ngưỡng, để xem thái độ của chúng ta như thế nào đối với ngôi nhà chung và những quyền con người. Hơn nữa, thế giới còn đòi hỏi chúng ta cộng tác với nhau và với những người thiện chí, là những người không tuyên xưng theo một tôn giáo nào, để chúng ta đưa ra những câu trả lời hiệu quả cho nhiều căn bệnh truyền nhiễm trên thế giới của chúng ta, chẳng hạn chiến tranh và nạn thiếu đói, những cảnh nghèo khổ đang làm đau đớn hàng triệu người, khủng hoảng về môi trường, bạo lực, tham nhũng và tha hóa đạo đức, khủng hoảng gia đình, khủng hoảng kinh tế và, trên hết, mất sự hy vọng. Thế giới hôm nay đang chịu đau khổ và cần sự trợ giúp liên kết của chúng ta, và vì thế nó đang đòi hỏi điều đó. Quý vị có thấy rằng đây là những năm nhuần thoát ra khỏi tư tưởng truyền đạo?
Hơn nữa, đôi khi chúng ta đau đớn nhìn thấy rằng tên của tôn giáo được sử dụng để đưa vào hành động hung tàn, chẳng hạn khủng bố, và gieo rắc sự sợ hãi và bạo lực, và hậu quả là, các tôn giáo bị đưa ra chịu trách nhiệm cho tội ác xung quanh chúng ta. Thật quan trọng là chúng ta phải cùng nhau kết án và kết án một cách mạnh mẽ những hành động đáng ghê tởm đó và giữ cho mọi người tránh xa khỏi những cuộc tìm kiếm đầu độc trí não và chia rẽ cũng như phá hủy sự chung sống. Việc đưa ra những giá trị tích cực vốn có của các truyền thống tôn giáo của chúng ta để đóng góp vững chắc cho sự hy vọng là điều rất quan trọng. Vì vậy, những cuộc họp như hôm nay là vô cùng quan trọng. Chúng ta cùng phải chia sẻ những sự đau khổ cũng như những hy vọng, để có thể cùng nhau tiến bước, cùng quan tâm đến nhau và cả tạo vật, để bảo vệ và thúc đẩy những thiện ích chung. Thật đẹp biết bao nếu chúng ta để lại một thế giới tương lai tốt đẹp hơn những gì chúng ta đã có. Điều này thật dễ thương. Trong một lần đối thoại một vài năm trước, một người nhiệt thành quan tâm chăm sóc ngôi nhà chung có nói: chúng ta phải để lại cho con cháu một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng liệu có còn những đứa trẻ nào nữa không?
Cuối cùng, buổi họp này diễn ra trong Năm cung hiến cho Năm thánh Lòng thương xót, nó có một giá trị toàn cầu ôm trọn lấy không chỉ người tín hữu nhưng cả những người không tín ngưỡng, vì tình yêu thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn: không phải văn hóa, hay sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo: Năm Thánh ôm trọn lấy tất cả những ai đau khổ về thân xác và tinh thần. Hơn nữa, tình yêu của Thiên Chúa bảo bọc toàn thể mọi loài thụ tạo của Người và chúng ta, những người tín hữu, có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và chữa lành những ai cần đến. Nguyện xin cho dịp Năm Thánh này là một dịp để mở ra những khu vực đối thoại tiếp theo, để đi ra và gặp gỡ những anh em đang đau khổ, và cũng là để đấu tranh để căn nhà chung của chúng ta là một nơi tất cả chúng ta đều có một chỗ và không ai bị loại trừ hay bị tống khứ. Mỗi con người là một quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta.
Tôi xin kêu mời quý vị làm việc và khơi dậy những sáng tạo chung, để tất cả chúng ta trở nên ý thức với sự cần thiết phải chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, xây dựng một thế giới trở nên nhân bản hơn, nơi không ai trở nên thừa và là nơi tất cả mọi người đều quan trọng. Và tôi nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho toàn thể quý vị.
[Văn bản gốc: Tiếng Tây ban nha]  [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/09/2016]



Hội Cứu trợ ca ngợi tính mạnh mẽ của Ki-tô hữu Iraq

Hội Cứu trợ ca ngợi tính mạnh mẽ của Ki-tô hữu Iraq

“Nói chung tôi có thể nói rằng người ta không còn cảm thấy bị bỏ rơi và nóng nảy nữa…”
13 tháng 9, 2016
ACN Communications Trip Middle East, 17 – 25 May 2016Chaldean Catholic Mar Elia Refugee Camp, Fr Douglas Barzi and Fr. Dr. Andrzej Halemba, Erbil, Iraq
ACN Photo

Cha Andrzej Halemba là người điều phối các dự án Trung Đông cho Hội Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN), một Hội Bác ái Quốc tế. Hôm 9 tháng 9 cha nói về tình hình của Ki-tô hữu ở Iraq, hai năm sau chuyến bay của họ từ ISIS, theo sau vụ bắt giữ ở thành phố Mosul và Đồng bằng Ni-ni-vê. Lúc đó khoảng 120.000 người Ki-tô hữu lánh nạn sang Iraq của người Kurd.

H: Có những báo cáo cho biết một cố gắng giải phóng Mosul và những vùng lân cận bởi quân đội, nghĩa là chỉ còn vấn đề thời gian.
Cha Halemba: Đúng như vậy. Và người  dân đang hy vọng vào chuyện này. Tuy nhiên nó có thể dẫn đến những khó khăn mới. Chúng ta phải nhớ trong đầu rằng Mosul là một thành phố với cả triệu cư dân. Nếu một cuộc tấn công xảy ra, hàng trăm hàng ngàn người sẽ chạy lánh nạn các trận chiến. Và họ sẽ có thể đi đâu? Có thể là Kurdistan, mà vùng này đang bị xé nát rồi. Nhưng cũng có thể nhiều người Sunnis từ Mosul và những vùng lân cận sẽ đi và các ngôi làng Ki-tô giáo bỏ không trên Đồng bằng Ni-vi-vê và tìm chỗ trú ẩn ở đó. Việc này có thể dẫn đến những khó khăn mới và không lường trước được; họ có nên cần được chuẩn bị để bỏ các làng mạc ra đi một lần nữa để cho những Ki-tô hữu trở về quê cha đất tổ của họ và tài sản của họ? Viễn cảnh này làm cho các giám mục ở Iraq thực sự quan tâm.

H: Tình hình của những người tị nạn bây giờ thế nào?
Cha Halemba: Nói chung tôi có thể nói rằng người ta không còn cảm thấy bị bỏ rơi và nóng nảy nữa. Giáo hội đang làm rất nhiều cho họ, cả về tinh thần và tâm lý. Các linh mục, và đặc biệt các nữ tu, rất gần gũi với mọi người. Người ta đang sống chung với hoàn cảnh. Tôi không có ý nói là họ muốn sống như vậy mãi mãi. Dĩ nhiên là không. Nhưng họ đã nhận ra rằng họ không bị bỏ rơi. Chúng tôi đã thiết lập các trường học. Chẳng bao lâu nữa các trường cấp 2 cũng sẽ được khánh thành.
Mục tiêu là tránh không để một thế hệ bị lãng quên lớn lên ở đây, như ở Syria.
Ngoài ra, hầu hết mọi người không còn sống trong các lều trại nhưng sống trong các căn nhà và căn hộ cho thuê. Việc này lấy lại phẩm giá cho họ và cảm giác có lại được căn nhà. Những khoản trợ cấp về lương thực của chúng tôi cũng như do lao động của riêng họ bảo đảm rằng họ được cung cấp đủ các nhu cầu thiết yếu. Nhưng theo lẽ tự nhiên không thể nào cứ tiếp tục như vậy mãi. Tình trạng lưu đày này càng kéo dài, sẽ càng có nhiều người bỏ đi hơn. Và rất nhiều người Ki-tô hữu đã rời bỏ Iraq.

H: Cha có những con số nào không?
Cha Halemba: Trong khoảng 120.000 người Ki-tô hữu ngay từ đầu đã lánh nạn, nhiều người bỏ đi. Từ đầu chúng tôi đã giúp khoảng 13.000 gia đình. Ngày nay con số giảm bớt 4.000 đến 5.000 gia đình. Họ bỏ đi. Điều đó thật đau xót. Nhưng nếu không có cứu trợ thì con số đó còn lớn hơn. Tôi lại rất ấn tượng với sức mạnh nội tâm của người dân. Khi được cho đủ sự hỗ trợ, rất nhiều gia đình đã trở lại với những ngôi làng đã được giải phóng của họ.

Từ mùa hè năm 2014, ACN đã đóng góp trên $20 triệu tiền cứu trợ cho Iraq. Song song đó là cung cấp trợ cấp nhân đạo, tổ chức cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ sứ mạng mục tử của Giáo hội trong vùng. Bên cạnh việc cấp quỹ để huấn luyện và duy trì số các linh mục và nữ tu, cũng sẽ có tài trợ cho những sáng kiến giáo lý, chẳng hạn như cắm trại hè cho giới trẻ.

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/09/2016]



Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Hãy cất điện thoại đi và Đi Gặp nhau thực sự

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Hãy cất điện thoại đi và Đi Gặp nhau thực sự

Tại nguyện đường Casa Santa Marta, thúc giục các tín hữu hãy vượt qua tính thờ ơ, xây dựng văn hóa gặp gỡ
13 tháng 9, 2016
Pope Francis celebrates Mass in Santa Marta
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Đức Thánh Cha Phanxico đã thúc giục các tín hữu hãy thôi không nhìn vào điện thoại, mà thay vào đó là thực sự gặp gỡ và lắng nghe nhau.
Theo đài phát thanh Vatican, Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khuyên này trong Thánh Lễ sáng nay tại nguyện đường Casa Santa Marta, khi ngài cảnh báo chống lại những thói quen xấu làm cản trở chúng ta, thậm chí ngay trong gia đình, không biết lắng nghe nhau một cách chân thành và thông cảm cho nhau.
Vượt qua tính thờ ơ
Đức Thánh Cha lấy cảm hứng từ bài Tin mừng hôm nay kể chuyện Chúa Giê-su đưa người con trai duy nhất của bà góa trở về từ cõi chết, ngài Phanxico nhấn mạnh rằng “một sự gặp gỡ với Đức Giê-su sẽ vượt qua được tính thờ ơ của chúng ta.”
Ngài cũng trách rằng khi người ta gặp nhau, “mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình, họ nhìn thấy người kia nhưng họ không nhìn vào người đó, họ có thể nghe thấy người kia nhưng họ không lắng nghe người đó.”
“Một sự gặp gỡ là một điều rất khác. Đó là điều Tin mừng hôm nay loan báo cho chúng ta: một sự gặp gỡ; một sự gặp gỡ giữa một người nam và một người nữ, giữa một người Con Duy Nhất đang sống và người con trai duy nhất đã chết; giữa một đám đông vui mừng vì họ đã được gặp Chúa Giê-su và đang đi theo Ngài và một nhóm người đang khóc lóc đi theo người đàn bà kia, họ vừa ra khỏi cổng thành; một sự gặp gỡ giữa cổng ra và cổng vào. Một sự gặp gỡ làm chúng ta phải suy tư về cách chúng ta giao tiếp với nhau.”
Trong Tin mừng, Đức Thánh Cha tiếp tục, chúng ta đọc thấy Chúa Giê-su “động lòng thương cảm.”
Khi Đức Ki-tô quan sát thấy điều gì đó bất hạnh, ngài Phanxico nói, Người đi gặp gỡ và có hành động phản ứng ngay, không bao giờ giữ thái độ thờ ơ.
“Trong khi nếu chúng ta nhìn thấy điều gì đó buồn, chúng ta nói ‘thật buồn quá!’ Chúa Giê-su không bỏ qua, ngài động lòng thương cảm. Ngài bước tới người đàn bà để gặp gỡ trực tiếp và làm phép lạ.”
Phục hồi lại phẩm giá
Suy tư về sự gặp gỡ trong Tin mừng, Đức Thánh Cha nói, chúng ta không chỉ nhìn thấy lòng nhân hậu của Ngài nhưng còn nhìn thấy kết quả tốt đẹp của sự gặp gỡ đó là đưa con người và mọi thứ trở lại vị trí đúng của nó.
“Chúng ta đã quen với một văn hóa thờ ơ và chúng ta phải cố gắng cầu xin ơn sủng để tạo ra một văn hóa gặp gỡ, một sự gặp gỡ có hậu, một sự gặp gỡ phục hồi lại phẩm giá của riêng mỗi người làm con cái Thiên Chúa, phẩm giá của một người sống.
“Chúng ta đã quen với tính thờ ơ này,” ngài nói tiếp, “khi chúng ta nhìn thấy  những thảm họa trên thế giới hay những vấn đề nhỏ nào đó: “Buồn quá, những con người tội nghiệp, nhìn xem họ đang đau khổ,’ và rồi chúng ta bỏ qua. Một sự gặp gỡ. Và nếu tôi không nhìn kỹ, bởi vì nhìn thấy  là chưa đủ, không, chúng ta phải nhìn kỹ – nếu tôi không dừng lại, nếu tôi không nhìn kỹ, nếu tôi không đụng chạm vào, nếu tôi không lên tiếng, tôi không thể có được sự gặp gỡ và tôi không thể giúp để xây dựng một văn hóa gặp gỡ.”
Thậm chí ngay trong gia đình của chúng ta
Đức Thánh Cha nói, thông điệp trong bài đọc hôm nay xuất phát từ sự gặp gỡ đó giữa Chúa Giê-su và dân  người và tất cả chúng ta đều cần đến Lời Người và cần sự gặp gỡ đó với Người.
“Trong gia đình của chúng ta, tại bàn ăn tối, đã bao nhiêu lần trong lúc ăn, người ta xem TV hay gửi tin nhắn trên điện thoại. Mỗi người đều thờ ơ với sự gặp gỡ đó. Ngay cả trong trái tim của xã hội, đó là gia đình, vẫn không có sự gặp gỡ nhau. Nguyện xin thông điệp này giúp chúng ta cố gắng vì nền văn hóa gặp gỡ này, rất đơn giản như Chúa Giê-su đã làm.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh  đến việc nhìn quan sát, lắng nghe và gặp gỡ, hơn là nhìn thấy, nghe thấy, và đi qua.
“Đừng chỉ nói ‘thật đáng buồn, những con người tội nghiệp,’ nhưng hãy để mình được động lòng thương cảm,” Đức Phanxico kết luận, nhấn mạnh, “Hãy lại gần, đụng chạm đến và nói bằng ngôn ngữ xuất phát từ mỗi người trong lúc đó, ngôn ngữ của con tim: ‘Xin đừng khóc,’ và đóng góp ở mức tối thiểu cho một giọt sự sống.”

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/09/2016]