Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

LỄ TRỌNG MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ - Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 6, 2022

LỄ TRỌNG MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ - Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 6, 2022

LỄ TRỌNG MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 19 tháng Sáu, 2022

_________________________________

 

Anh chị em thân mến, buongiorno và chúc Chúa nhật phúc lành!

Hôm nay tại Ý và nhiều quốc gia khác cử hành đại lễ Mình và Máu Thánh cực trọng của Chúa Kitô. Được thiết lập trong bữa Tiệc Ly, bí tích Thánh Thể giống như đích đến của một cuộc hành trình mà Chúa Giêsu đã báo trước qua một số dấu chỉ, trên hết đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều được tường thuật trong Tin mừng của Phụng vụ hôm nay (x. Lc. 9:11b-17). Chúa Giêsu chăm sóc đám đông đã đi theo Ngài để lắng nghe Lời Ngài và để được giải thoát khỏi nhiều sự dữ. Tin mừng kể rằng Ngài chúc lành cho năm chiếc bánh và hai con cá, bẻ ra, các môn đệ đem phân phát, và “mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê” (Lc. 9:17). Trong Bí tích Thánh Thể mọi người đều cảm nhận được sự quan tâm cụ thể và đầy yêu thương này của Chúa. Những ai đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô với lòng tin thì không chỉ là ăn, mà còn được no nê. Ăn và no nê: đây là hai nhu cầu cơ bản được thỏa mãn trong Bí tích Thánh Thể.

Ăn. Thánh Luca viết “Mọi người đều ăn”. Khi chiều xuống, các môn đệ xin Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ có thể đi tìm thức ăn. Nhưng Chúa muốn cung cấp thức ăn cho cho họ – Ngài cũng muốn nuôi những người đã lắng nghe Ngài. Phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều không diễn ra theo cách choáng ngợp, nhưng gần như âm thầm, giống như tại tiệc cưới Cana – lượng bánh tăng lên khi nó được truyền từ tay sang tay. Và khi đám đông ăn, họ nhận ra rằng Chúa Giêsu lo liệu tất cả mọi điều. Đây là Chúa ngự trong Phép Thánh Thể. Ngài kêu gọi chúng ta hãy trở thành những công dân nước Trời, nhưng đồng thời Ngài cũng chú ý đến hành trình chúng ta phải đối mặt trên dương thế này. Nếu tôi khó có được miếng bánh trong túi của tôi thì Ngài biết và lo liệu việc đó.

Đôi khi có nguy cơ giam hãm Thánh Thể trong một chiều kích mơ hồ, xa xăm, có thể là sáng chói và nghi ngút hương trầm, nhưng lại xa xôi với những hoàn cảnh cuộc sống hàng ngày. Trong thực tế, Chúa lưu tâm đến mọi nhu cầu của chúng ta, bắt đầu từ những nhu cầu căn bản nhất. Và Ngài muốn nêu gương cho các môn đệ khi nói rằng: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (c. 13), cho những người mà ngài đã lắng nghe trong ngày. Chúng ta có thể đánh giá việc tôn thờ Thánh Thể của chúng ta như thế nào khi chúng ta chăm sóc cho người lân cận như Chúa Giêsu làm. Có sự đói khát lương thực ở quanh chúng ta, và cả cái khát của sự đồng hành; có cái đói an ủi, đói tình bạn, sự hài hước lành mạnh; có cái đói được chú ý, đói được rao giảng Tin mừng. Chúng ta tìm được điều này trong Bánh Thánh Thể – Đức Kitô chú ý đến những nhu cầu của chúng ta và mời gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy cho những người bên cạnh chúng ta. Chúng ta cần ăn và cho người khác ăn.

Tuy nhiên, ngoài việc ăn, chúng ta không được quên sự no nê. Đám đông no nê vì lượng thức ăn dồi dào và cũng vì niềm vui sướng và kinh ngạc khi được đón nhận nó từ Chúa Giêsu! Chắc chắn chúng ta cần phải nuôi dưỡng bản thân, nhưng chúng ta cũng cần được no thỏa, để biết rằng chúng ta được nuôi dưỡng vì tình yêu. Trong Mình và Máu Đức Kitô, chúng ta tìm thấy sự hiện diện của Ngài, sự sống của Ngài được trao tặng cho mỗi người chúng ta. Chúa không những trao cho chúng ta sự trợ giúp để tiến bước, nhưng Ngài còn trao chính mình Ngài cho chúng ta – Chúa trở thành người bạn đồng hành với chúng ta, Chúa tham gia vào các công việc của chúng ta, Ngài đến thăm chúng ta khi chúng ta cô đơn, lấy lại cho chúng ta ý thức nhiệt thành. Điều này làm chúng ta no thỏa, khi Chúa trao tặng ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, cho những sự tối tăm, những hoài nghi của chúng ta; Chúa nhìn thấy ý nghĩa, và qua ý nghĩa này Chúa ban cho chúng ta sự no thỏa. Việc này cho chúng ta “nhiều hơn nữa” điều mà mọi người đang tìm kiếm – tức là sự hiện diện của Chúa! Vì trong sự hiện diện đầy hơi ấm của Chúa, cuộc sống của chúng ta được biến đổi. Không có Chúa, mọi sự sẽ trở nên u ám. Khi tôn thờ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta hãy thành tâm xin với Ngài: “Lạy Chúa, xin ban cho con lương thực hàng ngày để tiến bước. Lạy Chúa, xin hãy làm con no thỏa bằng sự hiện diện của Người!”

Xin Đức Trinh nữ Maria dạy chúng ta cách tôn thờ Chúa Giêsu, sống trong Bí tích Thánh Thể và chia sẻ Người với những anh chị em của chúng ta.

__________________________________

Sau giờ Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, một số tu sĩ của gia đình Đa Minh đã được phong chân phước tại Seville: tu huynh Ángel Marina Álvarez và mười chín người bạn đồng hành; tu huynh Juan Aguilar Donis và bốn người bạn đồng hành, thuộc Dòng Thuyết giáo; Sơ Isabel Sánchez Romero, một nữ tu lớn tuổi của Dòng Thánh Đa Minh; và anh Fructuoso Pérez Marquez, giáo dân dòng Ba Đa Minh. Tất cả họ đều bị giết vì thù ghét đức tin trong cuộc đàn áp tôn giáo diễn ra ở Tây Ban Nha trong bối cảnh cuộc nội chiến của thế kỷ trước. Chứng tá của họ về sự trung thành với Đức Kitô và sự tha thứ cho những kẻ giết họ chỉ cho chúng ta con đường nên thánh và động viên chúng ta biến cuộc sống của họ trở thành của lễ tình yêu dâng lên Thiên Chúa và cho anh chị em của họ. Chúng ta vỗ tay hoan hô các tân Chân Phước!

Một lần nữa từ Myanmar lại vang lên tiếng kêu đau đớn của rất nhiều người dân thiếu sự trợ giúp nhân đạo cơ bản và những người buộc phải rời bỏ nhà cửa bị thiêu rụi và chạy trốn bạo lực. Tôi cùng hiệp chung lời kêu gọi của các giám mục của đất nước thân yêu đó, xin cộng đồng quốc tế không quên người dân Miến Điện, rằng phẩm giá con người và quyền sống phải được tôn trọng, cũng như những nơi thờ tự, bệnh viện và trường học. Và tôi ban phép lành cho cộng đồng người Miến Điện ở Ý, hiện diện ở đây hôm nay.

Thứ Tư tới, ngày 22 tháng Sáu, Đại hội Gia Đình Thế Giới Lần Thứ X sẽ khai mạc; đại hội sẽ diễn ra tại Roma và cùng lúc trên toàn thế giới. Tôi xin cảm ơn các đức giám mục, các linh mục quản xứ và những người làm công tác mục vụ gia đình đã kêu gọi các gia đình đến với những giây phút suy tư, cử hành và lễ hội. Trên hết, tôi cám ơn các đôi vợ chồng và các gia đình sẽ làm chứng cho tình yêu gia đình như một ơn gọi và con đường nên thánh. Chúc đại hội diễn ra tốt đẹp!

Và giờ đây cha xin gửi lời chào tất cả anh chị em người Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là các sinh viên của Trường London Oratory. Cha xin chào các học viên trong khóa học đầu tiên về chăm sóc mục vụ chào đón và chăm sóc sự sống mới; các tín hữu của Gragnano và hiệp hội những người đi xe đạp “Pedale Sestese” của Sesto San Giovanni. Và chúng ta đừng quên những đau khổ của người dân Ukraine trong thời điểm này, một dân tộc đang phải chịu đau khổ. Cha muốn tất cả anh chị em hãy luôn ghi trong đầu một câu hỏi: hôm nay tôi đang làm gì cho người dân Ukraine? Tôi có cầu nguyện không? Tôi đang làm điều gì đó không? Tôi có đang cố gắng thấu hiểu không? Hôm nay tôi đang làm gì cho người dân Ukraine? Mỗi anh chị em hãy tự trả lời trong lòng mình.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc.. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2022]


Đức Giáo hoàng Phanxicô: hãy noi theo sự khôn ngoan của Thánh Phaolô khi sử dụng công nghệ để truyền bá Tin mừng

Đức Giáo hoàng Phanxicô: hãy noi theo sự khôn ngoan của Thánh Phaolô khi sử dụng công nghệ để truyền bá Tin mừng

Đức Giáo hoàng Phanxicô: hãy noi theo sự khôn ngoan của Thánh Phaolô khi sử dụng công nghệ để truyền bá Tin mừng

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Dòng Thánh Phaolô ngày 18 tháng Sáu, 2022

Courtney Mares

Vatican City, 18 tháng Sáu, 2022 / 09:00 am


Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra Thánh Phaolô như một gương mẫu cho những người Công giáo muốn sử dụng những công nghệ mới để truyền đạt Tin Mừng.

Trong một thông điệp gửi tới Dòng Thánh Phaolô ngày 18 tháng Sáu, đức giáo hoàng khuyến khích dòng tiếp tục “sử dụng các phương tiện truyền thông hiệu quả nhất và mới nhất để mang Tin vui đến cho mọi người đến nơi và đến hoàn cảnh họ sống.”

Ngài nói với các linh mục làm công tác tông đồ truyền thông không quên thông điệp của Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Roma là không rập theo thời đại, nhưng phải được biến đổi bằng cách đổi mới tâm trí của họ.

Đức Thánh Cha nói: “Thánh Phaolô không nói rằng hãy biến đổi thế giới, nhưng… ‘hãy cải biến con người”, nghĩa là dành chỗ cho Đấng duy nhất có thể biến đổi bạn là Chúa Thánh Thần, Ân sủng của Thiên Chúa.”

“Do đó, trước hết tâm lý phải được thay đổi, được hoán cải và đồng hóa theo tâm lý của Chúa Giêsu, để giúp lan truyền trong xã hội một lối sống và suy nghĩ dựa trên Tin Mừng. Đây là một thách thức lớn đối với Giáo hội…” Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm.

Ngài nói, “Thật vậy, việc sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền bá sứ điệp Kitô giáo và Huấn quyền của Giáo hội là chưa đủ; cần phải hòa nhập chính sứ điệp đó vào trong môi trường văn hóa mới được truyền thông hiện đại tạo ra.”

Dòng Thánh Phaolô được thành lập ở Ý vào đầu thế kỷ 20 bởi Chân phước Giacomo Alberione, ngài cũng đã thành lập Dòng Nữ tử Thánh Phaolô, còn được gọi là các Nữ tu Truyền thông.

“Một lần nữa anh em học lại được niềm say mê đối với Tin Mừng và tinh thần truyền giáo từ Thánh Phaolô, được sinh ra từ ‘trái tim mục vụ’ của ngài, đã thúc đẩy ngài biến mình thành mọi điều cho mọi người,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong thông điệp gửi các linh mục dòng Thánh Phaolô.

Ngài nói, “Và hiện nay, sau những ngày đầu háo hức vì những đổi mới công nghệ, chúng ta nhận thức được rằng sống ‘trực tuyến’ hay ‘được kết nối’ là chưa đủ, chúng ta cần xem việc làm truyền thông của chúng ta, được làm phong phú bởi môi trường kỹ thuật số, đã thực sự tạo ra những cầu nối và góp phần cho việc xây dựng văn hóa gặp gỡ tới mức độ nào.”

Trong buổi tiếp kiến tại Vatican với những người tham dự tổng công nghị lần thứ 11 của Dòng Thánh Phaolô, đức giáo hoàng đã quyết định phát thông điệp soạn trước của ngài và nói ứng khẩu thay vì đọc bài phát biểu.

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo trong bài nói ứng khẩu của ngài rằng có nhiều “thông tin sai lệch” trên các phương tiện truyền thông ngày nay, “trong đó một điều được nói ra nhưng nhiều điều khác bị che giấu”.

Đức Giáo hoàng nói tiếp rằng “truyền thông xấu bóp méo thực tế.” Ngài kêu gọi các phương tiện truyền thông tông đồ không chỉ truyền thông một cách rõ ràng, mà còn giúp “cứu vãn truyền thông khỏi tình trạng của nó hiện nay” – đầy những sự phỉ báng và bê bối.

Ngài nói: “Chúng ta phải bảo đảm rằng điều này không xảy ra khi chúng ta truyền thông đức tin… rằng thông điệp đến chính từ ơn gọi của chúng ta, từ Tin Mừng, sắc bén, rõ ràng và được làm chứng bằng chính cuộc sống của chúng ta.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2022]