Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

“Đại” Vương cung Thánh đường là gì?

“Đại” Vương cung Thánh đường là gì?

“Đại” Vương cung Thánh đường là gì?

TravelSH | Shutterstock

Philip Kosloski

05/08/21


Chữ “đại” không hàm ý chỉ về quy mô, nhưng về tầm quan trọng lịch sử của nhà thờ trong thành Rôma.

Trong lịch phụng vụ, có một số lễ cung hiến các “đại” vương cung thánh đường khác nhau.

Những vương cung thánh đường này ở trong Rôma và được Giáo hội cử hành trong nhiều thế kỷ.

Chữ “đại” không hàm ý phân biệt về quy mô diện tích hay nét đẹp kiến trúc, nhưng về tầm quan trọng lịch sử của nó.

Bách khoa toàn thư Công giáo đưa ra giải thích ngắn:

Đối với nhóm trước chủ yếu thuộc về bốn đại thánh đường của Rôma (Đền thờ Thánh Phêrô, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, Đền thờ Đức Bà Cả, và Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành), một trong các đặc điểm phân biệt của những đại thánh đường này là có một “cửa thánh” đặc biệt, và việc đến viếng những nhà thờ này luôn được coi là một trong những điều kiện để được hưởng Năm Thánh Rôma. Những nhà thờ này còn được gọi là các vương cung thánh đường thượng phụ, như là đại diện cho các đại giáo tỉnh trên thế giới, tượng trưng cho sự hiệp nhất ở trung tâm của thế giới Kitô giáo.

  • Đền thờ Thánh Gioan Lateran là vương cung thánh đường của giáo hoàng, Thượng phụ của phương Tây.
  • Đền thờ Thánh Phêrô thuộc về Thượng phụ Constantinople,
  • Đền thờ Thánh Phaolô thuộc về Thượng phụ Alexandria,
  • Đền thờ Đức Bà Cả thuộc về Thượng phụ Antioch.
Đền thờ Thánh Laurensô Ngoại thành cũng được xem là đại vương cung thánh đường vì nhà thờ thuộc về Thượng phụ Giêrusalem.

Ngoài ra, vì những đại thánh đường này liên quan chặt chẽ với giáo hoàng, nên “các đại thánh đường đều có ngai tòa của giáo hoàng và một bàn thờ mà không ai được phép dâng Lễ ở đó trừ khi được sự cho phép của giáo hoàng”.

Những đại vương cung thánh đường này cũng nằm trong số những nhà thờ lâu đời nhất ở Rôma, có niên đại từ thế kỷ thứ 4 và thứ 5.

Không có đại vương cung thánh đường nào khác bên ngoài Rôma, nhưng có nhiều “tiểu” vương cung thánh đường nằm rải rác trên hầu khắp mọi lục địa.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/8/2021]


Những vị thánh “bỏ cuộc”

Những vị thánh “bỏ cuộc”

Shutterstock

Meg Hunter-Kilmer

31/07/21


Trong những chặng đường của cuộc sống khi chúng ta thất vọng với chính bản thân mình và những người đã hy vọng nhìn thấy chúng ta chiến thắng, những vị thánh này có thể nhắc nhở về mục tiêu thực sự của chúng ta.

Tuần này ở Tokyo, chúng ta đã chứng kiến từ chiến thắng này đến chiến thắng khác khi các vận động viên lập thành tích trong bơi lội, chạy, cưỡi ngựa hoặc phấn đấu hết mình và mang về huy chương vàng. Chúng ta cũng đã chứng kiến hết thất bại cay đắng này đến thất bại khác, khi những người với cuộc sống xoay quanh một môn thể thao lại bị trượt khỏi bục vinh quang. Chúng ta đã chứng kiến những cú ngã thê thảm và những sự thua cuộc đáng kinh ngạc. Và (có lẽ là câu chuyện lớn nhất của các môn thi đấu) chúng ta đã nhìn thấy Simone Biles, vận động viên thể dục nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại, rút lui khỏi cuộc thi để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của chị.

Khi chúng ta cầu nguyện cho những vận động viên thất vọng này và suy ngẫm về những khoảnh khắc trong cuộc sống, khi chúng ta cũng thất vọng với chính bản thân và những người đã hy vọng nhìn thấy chúng ta chiến thắng, chúng ta hãy nhìn vào những vị thánh đã bỏ cuộc, những người đã bỏ lại phía sau các đích đến là danh tiếng, tài sản hoặc thành công (dù tự nguyện hay không tự nguyện) và thay vào đó đã tìm thấy vinh quang trong Đức Giêsu.

Chân phước Takayama Ukon (1552-1615) đã rút lui để bảo vệ người dân của mình. Sinh ra trong một gia đình samurai Kitô giáo ở Nhật Bản, Ukon là lãnh chúa phong kiến của một nhóm lớn nông nô, nhiều ngàn người trong đó đã trở lại Kitô giáo. Khi Kitô giáo bị coi là bất hợp pháp ở Nhật Bản, Ukon có thể đã chọn cách lãnh đạo hàng ngàn chiến binh của mình chống lại Mạc chúa; thay vào đó, ngài từ bỏ cương vị là một lãnh chúa samurai, chọn cách lãnh đạo người dân của mình vượt qua cuộc đàn áp. Ngài trở thành một nhà thơ và một bậc thầy về trà đạo hơn là một chiến binh, bất chấp tai tiếng về sự hèn nhát ập đến với ngài. Cuối cùng, ngài dẫn dắt người của ngài sang lưu vong ở Philippines, nhưng nhiễm phải một căn bệnh trong chuyến đi và đã giết chết ngài sáu tuần sau khi họ đến nơi. Ngài đã không cứu được mạng sống cũng như danh tiếng của ngài, nhưng đã bảo vệ được linh hồn.

Thánh Bernardo thành Corleone (1603-1667) bỏ cuộc không phải vì thua mà vì ngài đã thắng. Là con trai của một thợ sửa giày người Sicily, Bernardo nói chung là một Kitô hữu tốt — ngoại trừ khi tính khí dễ nổi nóng; chàng thanh niên được mệnh danh là tay kiếm giỏi nhất ở Sicily đã có phần trở nên quá mức. Trong một lúc bốc đồng như vậy, cậu đã đấu tay đôi và làm bị thương rất trầm trọng một đối thủ khiến người này sau đó bị mất cánh tay. Bernardo đã bị dằn vặt và bắt đầu hối cải, cuối cùng trở thành một tu sĩ Dòng Phanxicô cải cách. Tay kiếm sĩ điệu luyện đã bỏ lại sau lưng tính khí hung hãn và trở thành một con người giản dị, khiêm tốn, vâng phục dành thời gian trong ngày làm người nấu ăn và chăm sóc bệnh.

Thánh Anphongsô Liguori (1696-1787) đã rút lui sau một lần thua cho thấy rằng bản tính ganh đua của ngài là một mối nguy hiểm cho linh hồn của ngài. Thân phụ của Anphongsô là Giuseppe không hài lòng với đứa con trai nhỏ bé, yếu ớt, mắc bệnh hen suyễn, ông đã giễu cợt cậu suốt đời. Ông Giuseppe sắp đặt đế Anphongsô trở thành luật sư, một công việc mà Anphongsô đã thành công rực rỡ, không thua một vụ kiện nào trong tám năm đầu tiên của mình. Khi mắc phải một sai lầm nghiêm trọng và thua một vụ án, Anphongsô đã bị chấn động và đột nhiên nhận ra mối nguy hiểm mà linh hồn mình đang gặp phải, ngạo nghễ vì sự kiêu căng. Anphongsô quyết định bỏ việc hành nghề luật để theo đuổi chức tư tế trước sự chán ghét của cha mình. Phản ứng của Anphongsô như thế nào? “Tôi không có cha ngoài Thiên Chúa.” Ông Giuseppe sau đó đã cố gắng điều khiển sự nghiệp giáo hội của Anphongsô và tiếp tục bị thất vọng bởi mong muốn trở nên hiền lành và nghèo khó của đứa con trai, nhưng Anphongsô tìm kiếm sự nên thánh và đã tìm thấy điều đó, mặc dù cha của ngài vẫn phản đối.

Thánh Teresa thành Calcutta (1910-1997) rời bỏ dòng (sau khi khấn trọn) để theo tiếng gọi của Chúa. Sinh ra trong một gia đình gốc Albania ở Bắc Macedonia, Thánh Teresa gia nhập một dòng tu ở Ireland và được gửi đến Ấn Độ để phục vụ. Thánh nữ đã phục vụ cùng với các Nữ tu Loreto trong gần hai thập kỷ trước khi nhận được tiếng gọi của Chúa đi phục vụ những người nghèo nhất giữa những người nghèo trong một dòng tu mới. Bất chấp dị nghị vì đã rời bỏ một nhà dòng sau khi khấn trọn, Mẹ Teresa vẫn theo đuổi. Mẹ đã phải cố gắng thuyết phục dòng trong suốt một năm rưỡi để được phép rời đi. Cuối cùng Mẹ đã có thể rời khỏi Dòng Nữ tu Loreto (với sự chấp thuận của Giáo hội, mặc dù có thể có sự phản đối của nhiều cá nhân) và thành lập Dòng Thừa sai Bác ái, một dòng tu có hơn 4.000 Nữ tu vào thời điểm Mẹ Teresa qua đời.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/8/2021]