Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

13 vị thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) Lisbon 2023

13 vị thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) Lisbon 2023

13 vị thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) Lisbon 2023

Public Domain | Fair Use

Philip Kosloski 

24/05/22


Danh sách bao gồm Thánh Gioan Phaolô II, Chân phước Pier Giorgio Frassati, Chân phước Chiara Badano và Chân phước Carlo Acutis.

Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo sẽ diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha từ ngày 1 - 6 tháng Tám năm 2023. Khi công tác chuẩn bị cho sự kiện khổng lồ này đang tiếp tục, các nhà tổ chức đã công bố vào ngày 18 tháng Năm 13 vị thánh bổn mạng của sự kiện.

Các vị thánh này được một ủy ban tổ chức địa phương chọn là những mẫu gương vô cùng thánh thiện cho các bạn trẻ sẽ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới.

Có nhiều thánh đến từ khắp Châu Âu, trong đó có một số vị đến từ Bồ Đào Nha, làm nổi bật đức tin của người dân địa phương.

1. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II

Là giáo hoàng chịu trách nhiệm về Ngày Giới trẻ Thế giới đầu tiên, Thánh Gioan Phaolô II đã phục vụ trong cương vị giáo hoàng trong 26 năm, luôn gần gũi với giới trẻ trong mọi việc ngài làm.

2. THÁNH GIOAN BOSCO

Là linh mục ở thế kỷ 19, Thánh Gioan Bosco là một vị thánh người Ý có tầm ảnh hưởng lớn, đã thành lập các trại trẻ mồ côi và xây dựng một hệ thống giáo dục tôn trọng học sinh, đồng hành với những người trẻ trong các phấn đấu cũng như niềm vui của họ.

3. THÁNH VINH SƠN SARAGOSSA

Thánh Vinh Sơn, một vị tử đạo người Tây Ban Nha thuộc thế kỷ thứ 4, là thánh bổn mạng của Giáo phận Lisbon, Bồ Đào Nha.

4. THÁNH ANTÔN LISBON

Sinh tại Lisbon, Thánh Antôn là vị thánh dòng Phanxicô qua đời vào thế kỷ 13 tại Padua, Ý. Ngài nổi tiếng với việc rao giảng và những lời chuyển cầu xin tìm những đồ vật bị mất.

5. THÁNH BATÔLÔMÊÔ CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO

Là một tu sĩ Dòng Đa Minh thế kỷ 16 và là Tổng Giám mục của Braga. Thánh Batôlômêô là người đóng vai trò quan trọng trong Công đồng Trent.

6. THÁNH GIOAN DE BRITO

Xuất thân từ Lisbon, Thánh Gioan de Brito là một tu sĩ Dòng Tên tử đạo ở Ấn độ năm 1693.

7. CHÂN PHƯỚC JOANA BỒ ĐÀO NHA

Chân phước Joana Bồ Đào Nha là con gái của Vua Alfonso V và qua đời năm 1490, sau khi từ bỏ những quyền thuộc quốc vương của mình và gia nhập dòng Đa Minh.

8. CHÂN PHƯỚC JOÃO FERNANDES

Chân phước João Fernandes là một tu sĩ Dòng Tên tử vì đạo ngoài khơi quần đảo Canary vào năm 1570 khi đang trên đường đi truyền giáo ở Brazil.

9. CHÂN PHƯỚC MARIA CLARA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Chân phước Maria Clara Hài đồng Giêsu là người sáng lập Dòng Các Bệnh viện Phanxicô Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chân phước làm việc giữa những người nghèo ở Lisbon, qua đời năm 1899.

10. CHÂN PHƯỚC PIER GIORGIO FRASSATI

Là “người của các Mối Phúc,” Chân phước Pier qua đời ở tuổi 24. Ngài thích đi bộ đường dài, leo núi và phục vụ những người nghèo ở Turin, Ý.

11. CHÂN PHƯỚC MARCEL CALLO

Là một hướng đạo sinh người Pháp và là thành viên của phong trào Thanh niên Công nhân Công giáo, Chân phước Marcel chết trong trại tập trung Mauthausen năm 1945 vì đức tin Kitô giáo của mình.

12. CHÂN PHƯỚC CHIARA BADANO

Qua đời năm 1990 khi còn trẻ, Chân phước Chiara Badano là một chứng nhân hân hoan cho đức tin Công giáo và là một tia sáng hy vọng cho nhiều người trẻ.

13. CHÂN PHƯỚC CARLO ACUTIS

Là “người mê máy tính”, Chân phước Carlo Acutis qua đời năm 2006 ở tuổi 15 và nổi tiếng vì lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể, xây dựng một cuộc triển lãm về tất cả các Phép lạ Thánh Thể.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2022]


Đức Thánh Cha Phanxicô: Trường học Công giáo không nên chỉ mang danh nghĩa Kitô giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô: Trường học Công giáo không nên chỉ mang danh nghĩa Kitô giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô: Trường học Công giáo không nên chỉ mang danh nghĩa Kitô giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Dòng De La Salle ngày 21 tháng Năm, 2022. Vatican Media

Courtney Mares

Vatican, 21 tháng Năm, 2022 / 07:00 am


Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các trường Công giáo không nên chỉ mang danh nghĩa Kitô giáo, nhưng phải là thực chất.

Nói với các Sư huynh dòng De La Salle, Đức giáo hoàng nhấn mạnh rằng các nhà giáo dục Kitô giáo trước hết phải là chứng nhân cho Tin Mừng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngày 21 tháng Năm, “Trong trường học của Đức Kitô, nhà giáo dục Kitô giáo trước hết là một chứng nhân, và người ấy là một giáo viên đến mức độ trở thành một nhân chứng.”

“Và trên hết, tôi cầu nguyện cho anh em, để anh em có thể là huynh đệ không chỉ trên danh nghĩa, mà trên thực tế. Và để các trường học của anh em không chỉ mang danh nghĩa Kitô giáo, mà phải là thực chất,” ngài nói.

Đức Thánh Cha gặp gỡ các Sư huynh trường Kitô khi dòng đang tham dự Tổng Tu nghị lần thứ 46 ở Roma với chủ đề: “Xây dựng những con đường mới để biến đổi cuộc sống”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Chúng ta biết rằng ‘đường’, con đường mới thật sự, là Chúa Giêsu Kitô.”

“Bằng cách đi theo Người, bằng cách cùng bước đi với Người, thì cuộc sống của chúng ta được biến đổi, và về phần chúng ta sẽ trở thành men, muối và ánh sáng.”

De La Salle Christian Brothers, chính thức được gọi là Dòng Anh em Trường Kitô (Brothers of the Christian Schools), được thành lập bởi Thánh John Baptist de La Salle cung cấp nền giáo dục Kitô giáo cho thanh thiếu niên, đặc biệt là người nghèo.

Các sư huynh sống trong cộng đoàn và tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời, và phục vụ người nghèo qua công cuộc giáo dục.

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc cho các sư huynh một trích đoạn trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, trong đó Thánh Phaolô nói rằng ngài đã phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi “Đức Kitô được hình thành nơi anh em”.

Ngài nói: “Giáo dục theo con đường này là hoạt động tông đồ của anh em, đóng góp cụ thể vào việc truyền giáo: làm cho nhân loại lớn lên theo Đức Kitô.”

“Theo nghĩa này, các trường học của anh em là ‘Kitô giáo’: không phải vì nhãn hiệu bên ngoài, mà vì đi theo con đường này.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các giáo viên Kitô giáo đang “đi tuyến đầu” trong việc “giáo dục để chuyển từ một thế giới khép kín sang một thế giới mở; từ văn hóa vứt bỏ sang văn hóa quan tâm; từ văn hóa loại bỏ thành văn hóa hội nhập; từ việc theo đuổi lợi ích riêng trở thành việc theo đuổi lợi ích chung”.

Ngài nói thêm, “Là những nhà giáo dục, anh em biết rất rõ rằng sự chuyển đổi này phải bắt đầu từ lương tâm, nếu không nó sẽ chỉ là một mặt tiền.”

Buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô với các sư huynh trường Kitô là một trong nhiều cuộc tiếp kiến mà ngài thực hiện ngày 21 tháng Năm. Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ các nhà xuất bản của tạp chí Famiglia Cristiana, những người tham dự một hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học, và các thiếu niên sẽ lãnh nhận bí tích Thêm sức ở Giáo phận Genoa năm nay.

Trong tất cả các buổi tiếp, Đức Thánh Cha ngồi xe lăn nói chuyện. Ngài thường phải ngồi xe lăn kể từ ngày 5 tháng Năm do chấn thương ở đầu gối phải, mặc dù đức giáo hoàng đã đứng lâu hơn khi dâng thánh lễ trong lễ phong thánh được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 15 tháng Năm.

Cuối bài phát biểu trước các sư huynh trường Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn họ đã phục vụ trong cương vị là những người thầy và nhắc nhở họ không quên cầu nguyện cho ngài.

Ngài nói: “Hãy ra đi với niềm vui của việc rao giảng Tin mừng qua việc giáo dục và niềm vui của giáo dục qua việc rao giảng Tin mừng.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/5/2022]