Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Đức Thánh Cha với Diễn đàn Kinh tế: Hãy cho mỗi người được sống đúng phẩm giá

Đức Thánh Cha với Diễn đàn Kinh tế: Hãy cho mỗi người được sống đúng phẩm giá

“tạo ra những cơ hội thật sự cho sự phát triển con người toàn diện của tất cả mọi người”

23 tháng Một, 2018
Đức Thánh Cha với Diễn đàn Kinh tế: Hãy cho mỗi người được sống đúng phẩm giá
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy những chính sách cho phép mỗi con người được sống đúng phẩm giá. Lời kêu gọi của ngài trong một tuyên bố của Vatican phát hành ngày 23 tháng Một, 2018, gửi đến chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, họp tại Davos từ 23-26 tháng Một, 2018.

Đức Thánh Cha nói, “Điều trọng yếu nhất là phải bảo vệ phẩm giá của nhân vị, đặc biệt bằng cách tạo ra những cơ hội thật sự cho sự phát triển con người toàn diện của tất cả mọi người và bằng cách áp dụng những chính sách kinh tế ủng hộ cho gia đình. Vì thế, những mô hình kinh tế cũng có trách nhiệm tuân thủ đạo đức đối với sự phát triển bền vững và toàn diện, đặt nền tảng trên những giá trị với trung tâm là nhân vị và quyền của của nhân vị.”

Đức Thánh Cha nói rằng thế giới đang chứng kiến sự phân mảnh ngày càng lớn giữa các chính phủ và các tổ chức, với sự nổi lên của “những vai diễn mới” và “sự cạnh tranh kinh tế mới và những hợp đồng thương mại khu vực.” Thêm vào đó là những công nghệ mới thay đổi các mô hình kinh tế và “một tham vọng tìm lợi nhuận bằng mọi giá,” dẫn đến “sự phân mảnh và chủ nghĩa cá nhân lớn hơn, chứ không tạo điều kiện cho những bước tiếp cận bao gồm hơn.”

Nhắc các nhà lãnh đạo thế giới nhớ đến sự đau khổ của hàng triệu người trên thế giới, Đức Phanxico nói rằng “chúng ta không thể giữ im lặng … và chúng ta cũng không thể tiếp tục tiến tới đồng thời nhìn sự lan rộng của tình trạng nghèo khổ và bất công là chuyện tự nhiên.”

“Nó là một mệnh lệnh đạo đức, một trách nhiệm bao gồm tất cả mọi người, để tạo ra những điều kiện phù hợp cho phép mỗi con người được sống đúng phẩm giá,” Đức Thánh Cha tiếp tục kêu gọi từ bỏ một văn hóa “loại bỏ” và tâm tính “thờ ơ.”

Phản ánh về tia hy vọng cho tương lai, Đức Thánh Cha nhắc các nhà lãnh đạo rằng, “thế giới doanh nghiệp có tiềm năng khổng lồ để thực hiện sự thay đổi quan trọng bằng cách nâng cao chất lượng năng suất, tôn trọng luật lao động, chống lại nạn tham nhũng công và tư và thúc đẩy sự công bằng xã hội, cùng với sự chia sẻ lợi nhuận công bằng và vô tư.

“Đây là lúc phải có những bước đi quan trọng và dũng cảm cho hành tinh yêu quý của chúng ta. Đây chính là thời điểm thích hợp để thi hành trách nhiệm của chúng ta, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.”



Tuyên bố của Đức Thánh Cha, do Tòa Thánh công bố



SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO GỬI ÔNG CHỦ TỊCH “DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI’ NHÂN DỊP PHIÊN HỌP THƯỜNG NIÊN Ở DAVOS-KLOSTERS

[23-26 THÁNG MỘT 2018]


Kính gửi Giáo sư Klaus Schwab

Chủ tịch Điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Tôi vô cùng biết ơn lời mời của ông đến tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 và lòng khát khao của ông muốn lồng ghép quan điểm của Giáo hội Công giáo và Tòa Thánh tại buổi họp ở Davos. Tôi cũng cảm ơn vì những nỗ lực của ông đã đưa quan điểm này vào trọng tâm chú ý của những quý vị tham dự trong Diễn đàn thường niên này, trong đó có những giới chức chính trị cấp cao và của các chính phủ hiện diện và tất cả những người hoạt động trong môi trường kinh doanh, kinh tế, việc làm và văn hóa, khi họ thảo luận về những thách đố, những quan tâm, những hy vọng, và những viễn cảnh của thế giới hôm nay và tương lai.

Chủ đề được chọn cho Diễn đàn năm nay rất hợp hoàn cảnh – Xây Dựng Một Tương Lai Chung trong một Thế Giới Rạn Nứt. Tôi tin rằng nó sẽ giúp hướng dẫn những thảo luận của quý vị khi quý vị tìm kiếm các nền tảng tốt hơn cho công cuộc xây dựng những xã hội bao gồm, công bằng và tương hỗ, đủ khả năng phục hồi lại phẩm giá cho những người sống trong tình trạng rất bấp bênh và những người không thể mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn.

Ở tầm mức quản lý toàn cầu, chúng ta ngày càng ý thức hơn rằng có một sự phân mảnh ngày càng lớn giữa các chính phủ và các tổ chức. Những vai diễn mới đang nổi lên, cũng như sự cạnh tranh kinh tế mới và những hợp đồng thương mại khu vực. Thậm chí những công nghệ mới nhất đang thay đổi các mô hình kinh tế và chính bản thân thế giới toàn cầu hóa bị đặt điều kiện bởi những lợi ích cá nhân và một tham vọng tìm lợi nhuận bằng mọi giá, tạo đà cho sự phân mảnh và chủ nghĩa cá nhân lớn hơn, chứ không tạo điều kiện cho những bước tiếp cận bao gồm hơn.

Những sự mất ổn định tài chính luôn tái diễn đã đem đến các vấn đề mới và những thách đố lớn mà các chính phủ phải đương đầu, chẳng hạn sự gia tăng tình trạng thất nghiệp, sự tăng mạnh nhiều hình thức nghèo túng, sự mở rộng khoảng cách kinh tế xã hội và những hình thức nô lệ mới, thường xuất phát trong những tình hình xung đột, di cư và những vấn đề xã hội khác. Cùng với vấn đề này, chúng ta vấp phải những lối sống ích kỷ, được thể hiện qua sự xa hoa không còn mang tính bền vững và trở nên dửng dưng với thế giới xung quanh, và đặc biệt đối với người nghèo nhất trong những người nghèo. Đứng trước sự hoang mang, chúng ta nhìn thấy các vấn đề kỹ thuật và kinh tế thống trị các cuộc tranh luận chính trị, làm phương hại đến những quan tâm thật sự cho con người. Con người có nguy cơ bị biến thành những bộ phận nhỏ trong một cỗ máy và xem như những hạng mục tiêu dùng để bóc lột, và kết quả dẫn đến là bất cứ khi nào sự sống con người không chứng tỏ được sự hữu dụng cho cỗ máy đó, nó liền bị loại bỏ – và điều đó trở nên quá rõ ràng” (Diễn từ trước Quốc hội Châu Âu, Strasbourg, 25 tháng Mười Một, 2014).

Trong bối cảnh này, điều trọng yếu nhất là phải bảo vệ phẩm giá của nhân vị, đặc biệt bằng cách tạo ra những cơ hội thật sự cho sự phát triển con người toàn diện của tất cả mọi người và bằng cách áp dụng những chính sách kinh tế ủng hộ cho gia đình. “Sự tự do kinh tế không được vượt trên sự tự do hành nghề của con người và quyền của con người, và thị trường không được trở nên độc đoán, nhưng phải tôn trọng tính cấp thiết của công bằng” (Diễn từ trước Liên đoàn Công nghiệp Ý, 27 tháng Hai, 2016). Vì thế, những mô hình kinh tế cũng có trách nhiệm tuân thủ đạo đức đối với sự phát triển bền vững và toàn diện, đặt nền tảng trên những giá trị với trung tâm là nhân vị và quyền của của nhân vị.

“Đứng trước nhiều rào cản của bất công, của sự cô đơn, của sự bất tín và ngờ vực mà chúng vẫn đang bị biến tướng ngày càng tinh vi trong thời đại của chúng ta, thế giới lao động có trách nhiệm đặt những bước đi can đảm để việc ‘sát cánh và làm việc với nhau’ không chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu nhưng là một chương trình cho hiện tại và tương lai” (Ibid.). Chỉ với sự quyết tâm vững chắc được tất cả các thành phần kinh tế chia sẻ thì chúng ta mới hy vọng đưa ra một hướng đi mới cho vận mệnh của thế giới chúng ta. Cũng vậy, bộ óc nhân tạo, người máy, và những cuộc cách mạng công nghệ khác phải được sử dụng để góp phần phục vụ nhân loại và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, chứ không phải ngược lại, như một số đánh giá đưa ra.

Chúng ta không thể giữ im lặng trước sự đau khổ của hàng triệu con người với phẩm giá bị thương tổn, và chúng ta cũng không thể tiếp tục tiến tới đồng thời nhìn sự lan rộng của tình trạng nghèo khổ và bất công là chuyện tự nhiên. Nó là một mệnh lệnh đạo đức, một trách nhiệm bao gồm tất cả mọi người, để tạo ra những điều kiện phù hợp cho phép mỗi con người được sống đúng phẩm giá. Bằng cách từ bỏ một văn hóa “loại bỏ” và tâm tính thờ ơ, thế giới doanh nghiệp có tiềm năng khổng lồ để thực hiện sự thay đổi quan trọng bằng cách nâng cao chất lượng sản suất, tạo ra thêm việc làm mới, tôn trọng luật lao động, chống lại nạn tham nhũng công và tư và thúc đẩy sự công bằng xã hội, cùng với sự chia sẻ lợi nhuận công bằng và vô tư.

Tìm kiếm sự nhận thức khôn ngoan là một trách nhiệm vô cùng lớn, vì những quyết định được đưa ra sẽ là chìa khóa để định hình cho thế giới ngày mai và thế giới của các thế hệ tương lai. Từ đó, nếu chúng ta muốn một tương lai chắc chắn hơn, một tương lai nhắm tới sự thịnh vượng cho tất cả, thì điều cần thiết là phải giữ cho la bàn liên tục chỉ về “đúng hướng Bắc,” đó là những giá trị đích thực. Đây là lúc phải có những bước đi quan trọng và dũng cảm cho hành tinh yêu quý của chúng ta. Đây chính là thời điểm thích hợp để thi hành trách nhiệm của chúng ta, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Vì vậy, tôi hy vọng rằng cuộc họp năm 2018 này của Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ cho phép một sự trao đổi cởi mở, tự do và tôn trọng, và trên hết được khơi gợi bởi khát khao muốn nâng cao thiện ích chung.

Cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho sự thành công của cuộc họp, tôi khẩn xin ơn lành sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa đổ xuống trên ông và tất cả những quý vị tham dự Diễn đàn.

Viết từ Vatican, 12 tháng Một, 2018

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/1/2018]


TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến tông du đến Peru và Chile

TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến tông du đến Peru và Chile

‘Chúng ta cầu nguyện cho hai dân tộc anh em này, Chile và Peru, xin Thiên Chúa ban ơn lành cho họ’

24 tháng Một, 2018
TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến tông du đến Peru và Chile
General Audience © Vatican Media
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay diễn ra lúc 9.25 sáng trong quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung vào chuyến đi vừa kết thúc của ngài đến Chile và Peru. Sau đó ngài lên tiếng kêu gọi cho tình hình ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh Dưới đây là văn bản huấn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:




***




Bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Buổi tiếp kiến hôm nay được kết nối ở hai nơi: với anh chị em ở đây trong quảng trường, và một nhóm thiếu nhi và bệnh nhân sức khỏe không tốt ở trong Đại sảnh. Các bé sẽ nhìn thấy anh chị em, và anh chị em cũng nhìn thấy chúng: và chúng ta được kết nối theo cách này. Chúng ta hãy chào các bé trong Đại sảnh; tốt nhất là các bé không nên ra ngoài trời lạnh, nên các bé mới ở trong đó.

Cha vừa trở về từ chuyến Tông du đến Chile và Peru hai ngày trước. Hãy vỗ tay mừng cho Chile và Peru! Hai dân tộc tốt lành … và cha tạ ơn Chúa vì mọi điều diễn ra tốt đẹp. Cha đã gặp gỡ được Dân Chúa lên đường trong những miền đất đó – và thậm chí với những người không lên đường, những người đứng im một chút … nhưng họ là những người tốt – và khuyến khích sự phát triển xã hội của hai đất nước đó. Một lần nữa, tôi gửi lời cảm ơn đến các giới chức dân sự và các Đức Giám mục, các vị đã chào đón tôi với sự quan tâm và lòng quảng đại lớn lao; cũng như tất cả những người cộng tác và thiện nguyện. Anh chị em cứ thử nghĩ trong mỗi quốc gia đó có trên 20 ngàn người thiện nguyện: hơn 20 ngàn ở Chile, 20 ngàn ở Peru. Những con người tốt lành: hầu hết là giới trẻ.

Trước khi cha đến Chile đã có một số cuộc diễu hành phản đối, vì nhiều lý do khác nhau, như anh chị em sẽ đọc thấy trên báo chí. Và việc này làm cho khẩu hiệu chuyến thăm viếng của cha trở nên đúng ý nghĩa và sống động hơn: “Mi paz os doy – Ta ban bình an cho các con.” Đây là những lời của Chúa Giê-su nói với các môn đệ mà chúng ta lặp lại trong mỗi Thánh Lễ: món quà bình an chỉ có Chúa Giê-su đã chết và sống lại mới có thể ban tặng cho những ai tín thác nơi Ngài. Không chỉ một số người chúng ta cần sự bình an; ngày nay cả thế giới trong cuộc chiến thế giới thứ ba theo từng vùng miền này … xin anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!

Trong cuộc họp với các giới chức chính trị và dân sự của quốc gia, cha khuyến khích con đường dân chủ của Chile, như là một không gian gặp gỡ cho tình đoàn kết và đủ khả năng ôm lấy sự đa dạng; vì mục đích này cha đã gợi ra một phương pháp đó là con đường lắng nghe: đặc biệt, lắng nghe người nghèo, thanh niên và người già, người di cư, và lắng nghe cả trái đất.

Trong Thánh Lễ đầu tiên, dâng cho hòa bình và công lý, các Mối phúc lại vang lên, đặc biệt là “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5: 9). Một mối phúc được thể hiện chứng tá qua sự gần gũi; chia sẻ và từ đó làm vững mạnh ân sủng của Thiên Chúa, kết cấu của cộng đoàn hội thánh và xã hội nói chung.

Trong cách sống gần gũi này, hành động quan trọng hơn lời nói, và một hành động quan trọng cha có thể làm đó là đến thăm nhà tù nữ ở Santiago: khuôn mặt của những phụ nữ ở đó, nhiều người là những người mẹ trẻ, với những đứa con thơ trong vòng tay, thể hiện rất nhiều hy vọng ở đó. Cha đã động viên họ đòi hỏi bản thân và tập thể một hành trình nghiêm túc chuẩn bị cho sự tái hòa nhập, như là một chân trời trao tặng ý nghĩa cho những đau khổ mỗi ngày của họ. Chúng ta không thể nghĩ về một nhà tù, bất kỳ nhà tù nào, nếu không nghĩ đến chiều kích tái hòa nhập, vì nếu không có hy vọng sự tái hòa nhập xã hội này thì nhà tù là một sự tra tấn không có hồi kết. Nhưng, khi bạn làm việc để tái hòa nhập – ngay cả với những người có án tù chung thân cũng có thể được tái hòa nhập – qua công việc của nhà tù và xã hội, sự đối thoại mở ra. Nhưng một nhà tù phải luôn có chiều kích tái hòa nhập này, luôn luôn.

Cùng với các linh mục và những anh chị em sống đời tận hiến và với các Đức Giám mục Chile, cha đã có kinh nghiệm trong hai buổi gặp gỡ rất thú vị, thậm chí trổ sinh nhiều hoa trái hơn bởi những sự đau khổ được chia sẻ bởi một số vết thương làm đau đớn Giáo hội ở đất nước đó. Đặc biệt, cha khẳng định với các anh em của cha quyết tâm gạt bỏ mọi thỏa hiệp đối với sự lạm dụng tính dục trên trẻ vị thành niên, đồng thời khẳng định sự tín thác vào Chúa, qua thử thách lớn này xin Người thanh tẩy và canh tân những thừa tác vụ của Người.

Và hai Thánh Lễ khác được dâng ở Chile, một ở miền nam và một ở miền bắc. Thánh Lễ ở miền nam, trong Araucanía, vùng đất nơi người Da đỏ Mapuche sống, biến những đau thương và khổ cực của dân tộc này thành niềm vui, đưa ra lời thỉnh cầu cho một nền hòa bình hòa hợp trong sự đa dạng, và cho sự từ bỏ bạo lực. Thánh Lễ ở miền bắc, ở Iquique, nằm giữa biển và sa mạc, là một bài thánh ca giữa các dân tộc, được thể hiện theo một cách khác thường của lòng sùng đạo bình dân.

Những cuộc gặp gỡ với giới trẻ và với Đại học Công giáo Chile trả lời cho thách đố lớn trong trong việc đưa ra ý nghĩa cho cuộc sống của những thế hệ trẻ. Cha đã để lại cho các bạn trẻ những lời của Thánh Albert Hurtado: “Đức Ki-tô sẽ làm gì nếu ở vị trí của mình?” Và tại đại học cha đề nghị một mô hình đào tạo toàn diện, chuyển giá trị Công giáo thành khả năng tham gia vào việc xây dựng những xã hội hiệp nhất và đa dạng, trong đó những xung khắc không bị che giấu đi nhưng được giải quyết qua đối thoại. Luôn luôn có những xung khắc: ngay cả ở gia đình; luôn luôn. Nhưng những cách xử trí xung khắc tệ hại thậm chí làm xấu thêm. Đừng quét những xung khắc vùi dưới gầm giường; xung khắc phải được đưa ra ánh sáng, phải đối mặt với chúng và giải quyết bằng đối thoại. Hãy nghĩ đến những sự đối chọi mà anh chị em chắc chắn sẽ gặp trong gia đình: đừng che giấu chúng, nhưng hãy đối mặt với chúng. Hãy tìm đúng thời điểm và nói: xung khắc phải được giải quyết bằng cách này, bằng đối thoại.

Ở Peru khẩu hiệu của chuyến viếng thăm là: “Unidos por la esperanza – “Hiệp nhất trong hy vọng.” Không phải hiệp nhất trong sự đồng nhất khô khan, mọi người đều như nhau, đây không phải là sự hiệp nhất; nhưng là hiệp nhất trong sự đa dạng của những khác biệt mà chúng ta thừa hưởng từ lịch sử và văn hóa. Buổi gặp gỡ với các dân tộc vùng Amazon Peru là điển hình cho điều này, và cũng gợi lên lịch trình của Thượng Hội đồng Liên Amazon được triệu tập tháng Mười 2019, và nó cũng là những thời khắc được chứng kiến và sống với với dân tộc ở Puerto Maldonado và các trẻ em của “Ngôi Nhà Hoàng tử nhỏ”. Chúng tôi đã cùng nhau nói “không” với sự thuộc địa hóa kinh tế và thuộc địa hóa tư tưởng.

Phát biểu trước các giới chức chính trị và dân sự của Peru, cha đánh giá rất cao di sản về môi trường, văn hóa và tinh thần của đất nước đó, và cha tập trung vào hai vấn đề lớn đang đe dọa đất nước đó: sự xuống cấp sinh thái học xã hội, và tham nhũng. Cha không biết anh chị em có nghe nói đến tham nhũng ở đây chưa … cha không biết nữa … không phải chỉ ở đó mới có: cả ở đây, và nó còn nguy hiểm hơn cả bệnh ‘cúm’! Nó đảo lộn tất cả mọi thứ lên và tàn phá tâm hồn. Xin làm ơn, hãy nói không với tham nhũng. Và cha có nhận xét rằng không một ai không có trách nhiệm đương đầu với hai tai họa này, và rằng sự cam kết chống lại chúng là của tất cả mọi người.

Cha dâng Thánh Lễ đầu tiên ở Peru bên cạnh biển, trong thành phố Trujillo, nơi năm ngoái trận bão có tên “Niño costiero” đã tấn công nặng nề người dân nơi đây. Vì vậy, cha động viên mọi người hãy đứng dậy, và còn có những trận bão khác như tội phạm, thiếu giáo dục, việc làm và nơi ở an toàn. Ở Trujillo cha cũng gặp gỡ các linh mục và anh chị em sống đời tận hiến thuộc miền bắc Peru, chia sẻ với họ tiếng gọi và sứ mạng, và trách nhiệm hiệp nhất trong Giáo hội. Cha thúc giục họ phải làm giàu ký ức của mình và trung thành với nguồn cội. Và trong số những nguồn cội này là lòng sùng kính Mẹ Maria Đồng Trinh. Cũng ở Trujillo có một Thánh Lễ tôn vinh Mẹ Maria và cha đã dâng triều thiên lên Mẹ Đồng Trinh Cổng Thiên Đàng, tuyên xưng Mẹ là “Mẹ của lòng Thương xót và Hy vọng.”

Chúa nhật vừa rồi, ngày cuối cùng của chuyến đi, diễn ra ở Lima, với trọng tâm nhấn mạnh vào tính thiêng liêng và giáo hội. Trong Đền thánh nổi tiếng nhất của Peru, nơi bức ảnh Chúa Đóng Đinh “Señor de los Milagros” được tôn thờ, cha gặp gỡ 500 nữ đan sĩ sống đời chiêm niệm: một “lá phổi” đích thực của đức tin và sự cầu nguyện cho Giáo hội và cho xã hội nói chung. Trong Nhà thờ Chính tòa cha đã dâng lời nguyện đặc biệt qua sự chuyển cầu của các Thánh người Peru, và tiếp sau đó là cuộc gặp gỡ với các giám mục trong nước, với các ngài cha đưa ra một hình ảnh gương mẫu của Thánh Turibius thành Mogrovejo. Cha cũng chỉ cho giới trẻ Peru các vị thánh là những người nam và nữ không phí thời gian “chỉnh sửa” lại ảnh chụp của họ, nhưng bước theo Đức Ki-tô, Đấng nhìn đến họ với niềm hy vọng. Lời của Chúa Giê-su luôn luôn trao tặng trọn vẹn ý nghĩa cho mọi việc, và Tin mừng trong Thánh Lễ cuối cùng tóm tắt thông điệp của Chúa cho dân Người ở Chile và ở Peru: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1:15 ). Từ đó – Thiên Chúa có thể nói rằng – các con sẽ đón nhận hòa bình mà Ta ban tặng và các con sẽ nên hiệp nhất trong niềm hy vọng của Ta. Đây là tóm tắt chuyến đi của cha. Chúng ta cầu nguyện cho hai dân tộc anh em này, Chile và Peru, xin Thiên Chúa ban ơn lành cho họ.




Lời chào bằng các ngôn ngữ

Pháp

Cha rất vui được chào đón anh chị em hành hương từ nước Pháp và những quốc gia nói tiếng Pháp. Chúng ta đang kết thúc Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất của người Ki-tô hữu, cha mời gọi anh chị em hãy là những người tiên phong cho hòa bình và hiệp nhất ở bất kỳ nơi nào anh chị em đang sinh sống. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Tiếng Anh

Cha xin chào tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Anh và các khách thăm viếng tham dự trong buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt anh chị em đến từ nước Anh, Bosnia và Herzegovina, Hàn quốc và Hoa kỳ. Trong bối cảnh của Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất người Ki-tô hữu này, cha gửi lời chào đặc biệt đến nhóm anh chị em đến từ Học viện Đại kết Bossey. Tôi cũng xin chào các linh mục của Học viện Thần học thuộc Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ. Cha khẩn cầu niềm vui và sự bình an của Chúa Giê-su Ki-tô đổ xuống trên tất cả anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Tiếng Đức

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương đến từ các quốc gia nói tiếng Đức. Được đầy ơn sủng và niềm hy vọng của Thiên Chúa, chúng ta có thể đền đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta mỗi ngày nơi anh em của chúng ta. Chúc anh chị em chuyến ở lại Roma vui, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tiếng Tây Ban nha

Cha chào thân ái anh chị em hành hương nói tiếng Tây Ban nha, đặc biệt những anh chị em đến từ Tây Ban nha và Mỹ La-tinh. Mong sao sức mạnh của lòng trung tín và tình yêu thương xót của Chúa Cha, ban cho chúng ta nơi Chúa Giê-su, thúc đẩy chúng ta tin vào Tin mừng và bắt đầu một con đường đối thoại, con đường sẽ mở ra cho chúng ta sự chào đón bình an mà Người ban tặng và trở thành những người được hiệp nhất trong niềm hy vọng của Người. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Tiếng Bồ Đào nha

Cha chào anh chị em hành hương nói tiếng Bồ Đào nha, đặc biệt các nhóm tín hữu từ Brangança Paulista và Maringá, hy vọng rằng anh chị em sẽ vững mạnh trong niềm tin nơi Đức Giê-su Ki-tô Đấng mời gọi chúng ta mở tâm hồn chúng ta ra với những anh chị em đang thiếu thốn. Bằng cách này chúng ta có thể thực sự trở thành những lao công của hòa bình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em. Cảm ơn những lời cầu nguyện của anh chị em!

Tiếng Ả-rập

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương nói tiếng Ả-rập, đặc biệt anh chị em từ Syria và Li-băng. Bình an là ân sủng vô cùng lớn lao mà Chúa Ki-tô để lại cho chúng ta trước khi Người về trời. Sống trong sự bình an mà chỉ có Người có thể ban tặng, khiến chúng ta nhìn thấy mọi người đều là anh em, biến đổi những sự khác biệt thành gia tài và làm cho chúng ta có thể kết hợp chúng lại với nhau để xây dựng một thế giới trong đó mỗi người đều có thể tìm được vị trí cho mình, chia sẻ với tha nhân những ân ban của Người và tận hưởng mọi quyền của mình. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và ban cho anh chị em sự bình an của Người!

Tiếng Ba lan

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em người Ba lan. Anh chị em thân mến, cha cảm ơn anh chị em đã đồng hành với cha với lời cầu nguyện trong suốt chuyến đi của cha đến Chile và Peru. Đó là một thời gian ân sủng làm cho chúng ta trải nghiệm được sự hiệp nhất và biết trân quý và thúc đẩy những giá trị tinh thần xuất phát từ Tin mừng và trong những truyền thống của người dân và những dân tộc của những miền đất đó. Cha chia sẻ niềm vui của cha với anh chị em và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho cha. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Tiếng Ý

Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Hôm nay kính nhớ Thánh Phanxico de Sales, giám mục và Tiến sĩ Hội thánh. Các bạn trẻ thân mến, mong sao thánh nhân là một mẫu gương hiền lành cho chúng con; với anh chị em bệnh nhân, thánh nhân là sự động viên anh chị em hãy dâng sự đau khổ của mình cầu cho sự hiệp nhất của Giáo hội của Đức Ki-tô; và chúng con những đôi uyên ương mới, ngài là một tấm gương nhận ra điều quan trọng nhất cho cuộc sống gia đình là Thiên Chúa và tình yêu của Người.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Những bản tin đáng lo ngại tiếp tục đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi lặp lại lời kêu gọi tất cả các bên có thể cam kết tránh mọi hình thức bạo lực. Về phần minh, Giáo hội chỉ mong muốn đóng góp cho hòa bình và thiện ích chung của xã hội.

Lời chào bệnh nhân và thiếu nhi trong Đại sảnh Phao-lô VI

Xin chào, cha chào tất cả mọi người, và cha cảm ơn anh chị em và các con đã đến.

Anh chị em và các con thiếu nhi ở đó thì tốt hơn vì trời lạnh. Tất cả đều có thể quan sát buổi tiếp kiến trên màn hình, và mọi người ở đây ngoài quảng trường cũng nhìn thấy chúng con. Ở đó anh chị em và các con thoải mái hơn, không bị lạnh, được ngồi … Và thêm nữa, những em nhỏ nhất vẫn có thể chơi đùa, thế là mọi thứ diễn ra tốt đẹp.

Bây giờ cha ban phép lành cho tất cả. Chúng ta đọc kinh Kính mừng. Ngồi xuống, tất cả ngồi xuống … 

[Kinh Kính mừng và Phép lành]

Chúc anh chị em một ngày tốt đẹp, và cầu nguyện cho cha. Chào tạm biệt anh chị em! À, các con thiếu nhi chào làm sao nhỉ? “Bye bye!”

[Bản dịch (tiếng Anh của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/1/2018]