Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

PHỎNG VẤN: Covid-19: Đức ông Segundo Tejado nói giai đoạn lắng nghe các Giáo hội địa phương ‘không thể kết thúc’

PHỎNG VẤN: Covid-19: Đức ông Segundo Tejado nói giai đoạn lắng nghe các Giáo hội địa phương ‘không thể kết thúc’
Đức ông Segundo Tejada

PHỎNG VẤN: Covid-19: Đức ông Segundo Tejado nói rằng giai đoạn lắng nghe các Giáo hội địa phương ‘không thể kết thúc’

Phỏng vấn một thành viên của Ủy ban Đại dịch Vatican

03 tháng Bảy, 2020 07:29
 
Đức ông Segundo Tejado Munoz là một trong bốn Thứ trưởng của Bộ Phát triển Con người Toàn diện và ngài đứng đầu Nhóm 1 (nhóm hỗ trợ và lắng nghe các Giáo hội địa phương), của Ủy ban Vatican COVID-19, được Đức Thánh Cha Phanxico thành lập ngày 20 tháng Ba, 2020 vừa qua.

Trong phỏng vấn riêng với Zenit, Đức Giám mục người Tây Ban nha giải thích chi tiết sứ mệnh của nhóm ngài dẫn đầu, cách họ làm việc chung với những thực thể hội thánh khác, và đồng hành với các Giáo hội địa phương trong tiến trình lắng nghe “không thể kết thúc,” nhưng trở thành một việc “sống với nhau trong tình liên đới,” ngài nhấn mạnh.

Trong những thách đố mà Ủy ban COVID-19 Vatican phải đối mặt là yêu cầu của Đức Thánh Cha phải suy tư để “chuẩn bị cho tương lai,” một điều mà theo Đức ông Tejado, Giáo hội chỉ có thể thực hiện bằng cách “đặt mình dưới ánh sáng của Tin mừng” và “sống những vấn đề đang diễn ra dưới ánh sáng của đức tin.”

Đức ông hiện đang sống tại Roma cho Zenit biết rằng thời gian đại dịch này là “một thời khắc đặc biệt cho việc Rao giảng Phúc âm, để cho thấy Đức Kitô là nền móng thật,” khi “con người cần một tảng đá để xây dựng đời sống của mình trên đó.”

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) phỏng vấn riêng của Zenit với Đức ông Segundo Tejado, Thứ trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện, trưởng Nhóm 1 của Ủy ban COVID-19 Vatican.


* * *

H: Sứ mạng được trao phó cho Nhóm 1 là “hỗ trợ và lắng nghe các Giáo hội địa phương. Nhóm sử dụng lộ trình nào với mỗi Giáo hội địa phương?

Đức ông Tejado: Trách vụ của chúng tôi chủ yếu là lắng nghe các Giáo hội địa phương. Đó không phải là việc xây dựng những kế hoạch hay làm những đề án, nhưng là lắng nghe. Chúng tôi đã bắt đầu hoạt động để lắng nghe các vị tuyên úy bệnh viện, nhà tù … các Hội đồng Giám mục, bác sĩ, y tá, những người chịu trách nhiệm về sức khỏe trong các Hội đồng Giám mục … dĩ nhiên một phần theo vùng miền. Công việc chính của chúng tôi là: lắng nghe, và từ việc lắng nghe này rút ra những kết luận và hình dung ra cách toàn bộ Ủy ban phải hoạt động như thế nào, bất kể đó là Nhóm 2 chịu trách nhiệm phân tích, hay đó là Nhóm 3 chịu trách nhiệm những mối quan hệ với các Chính phủ. Nói cách khác là lắng nghe những Giáo hội địa phương và thu thập thông tin, sự hiệp lực và cộng tác về phía họ. Tôi phải nói rằng đó là công việc thú vị vì lắng nghe những Giáo hội địa phương luôn luôn là điều làm chúng ta trở nên phong phú.

Chúng ta bị cách ly trong cuộc khủng hoảng này, và dĩ nhiên, nhận thức về những gì đang diễn ra trong Giáo hội hoàn vũ cần phải truyền tải qua việc lắng nghe. Không thể rút ra kết luận từ Roma này, chúng ta bị cách ly như khóa cửa ở trong nhà — kể cả bây giờ, và chúng ta không thể đi lại dễ dàng. Chúng ta dễ rơi vào nguy cơ thực hiện điều gì đó mang tính lý thuyết nhiều hơn. Ít nhất bản thân tôi rất thích việc lắng nghe này. Nó là công việc khá vất vả; mỗi ngày chúng tôi có một hoặc hai hội nghị trực tuyến, lắng nghe tất cả mọi vấn đề — cứ hình dung — ở Châu Phi, ở Châu Mỹ Latinh, Ủy ban … Nó đang tiến hành, vì chúng tôi vẫn đang họp.

Vì vậy, điều Đức Thánh Cha yêu cầu đặc biệt đối với chúng tôi là lắng nghe. Nó không phải là việc thực hiện những dự án lớn; Đức Thánh Cha đã nói điều này với chúng tôi từ lúc đầu: chúng tôi không thể giải quyết vấn đề. Như tôi vẫn luôn nói nó là một tình trạng khẩn cấp không mang tính điển hình. Nó không phải tình trạng cục bộ. Chúng tôi đang nói đến toàn thế giới, mỗi nước theo nhịp độ riêng của mình, vì một số nơi chúng ta đã đi qua giai đoạn đầu, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe, và ở những nơi khác … chúng đang bắt đầu, chẳng hạn ở Mỹ Latinh, hoặc ở Châu Á. Vì vậy, không thể giúp cho tất cả.

H: Và ở đây có sự cộng tác với Caritas Quốc tế. Nhóm của Đức ông làm việc chung với họ như thế nào?

Đức ông Tejado: Những gì chúng tôi đã làm là liên lạc với một trong những chi nhánh của chúng tôi: Liên minh Caritas Quốc tế, và chúng tôi yêu cầu sự cộng tác của họ trong việc này. Chúng tôi yêu cầu họ thực hiện những dự án, tìm kiếm nguồn quỹ, vì đây là công việc hoàn toàn vượt quá khả năng của chúng tôi.

Caritas là một Liên minh toàn cầu; họ có mặt ở mọi quốc gia, trong mọi giáo phận, trong tất cả mọi giáo xứ, và họ có sự liên lạc thật sự rộng lớn hơn nhiều với thực thể.

Với Caritas, là tổ chức mà Bộ Phát triển Con người Toàn diện có một mối quan hệ đặc biệt, chúng tôi ngay lập tức yêu cầu sự cộng tác và chúng tôi giúp cấp tài chính cho một số dự án — chúng tôi đã giúp hơn 25 quốc gia –, những dự án không quá lớn về con số, phù hợp với khả năng của chúng tôi, và cùng với Caritas, chúng tôi đã phản ứng với một trong những tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đầu tiên.

Phản ứng của Giáo hội có nhiều hình thức. Rõ ràng, nó không chỉ là những gì Bộ hay Caritas Quốc tế làm. Có nhiều tổ chức đang giúp đỡ và huy động, với những nguyên tắc phân quyền, mỗi tổ chức trong những khu vực và quốc gia mà họ đã có mối quan hệ vững chắc. Có những Quỹ khác: chẳng hạn, Quỹ Khẩn cấp của Hội Giáo hoàng Truyền giáo, quỹ hiện đã mở, từ sự hợp nhất của những Cơ quan Cứu trợ cho các Giáo hội phương Đông (ROACO), vì thế, sự cứu trợ đang được thực hiện dưới nhiều hình thức.

H: Trong tiến trình lắng nghe này, những khía cạnh nào đang được hướng đến với các Giáo hội địa phương?

Đức ông Tejado: Có hai loại: giai đoạn liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe và gia đoạn liên quan đến nhân đạo (giai đoạn với những vấn đề do đại dịch mang đến). Chúng là hai giai đoạn khác nhau: giai đoạn liên quan đến sức khỏe là đầu tiên; tất cả những cuộc đối thoại đều đi vào hướng đó, và rồi tất cả bắt đầu huy động hướng đến sự khủng hoảng nhân đạo, vấn đề sẽ xảy ra trong nhiều quốc gia.

Nhiều quốc gia đang trong giai đoạn 1, những quốc gia khác đã qua giai đoạn khác. Nó phần nào đó giống như một sự chuyển động giữa hai thời khắc, và chúng tôi đang ở trong thời khắc này. Một số quốc gia vẫn đang trong giai đoạn liên quan đến sức khỏe, những quốc gia khác đã chuyển sang làm việc qua Caritas, và nhiều tổ chức khác đang giúp người dân gặp vấn đề về lương thực. Rồi chúng tôi có mặt ở đó, đi từ nơi này sang nơi khác, tùy theo người chúng tôi đang nói chuyện là ai.

H: Nhóm mà Đức ông dẫn đầu tận sức cho việc lắng nghe và hỗ trợ các Giáo hội địa phương, theo cách phục vụ để làm cho họ trở thành những vai chính của hoàn cảnh họ đang sống. Một Giáo hội địa phương phải gánh vác lấy hoàn cảnh như thế nào? Họ phải có những bước đi như thế nào?

Đức ông Tejado: Mỗi Giáo hội đều khác nhau. Điều quan trọng là mỗi Giáo hội cần phải tổ chức cho chính mình tùy theo những điểm mạnh và điểm đặc thù của họ. Các tình hình rất khác nhau trên quan điểm liên quan đến sức khỏe và quan điểm về nhân đạo. Tình hình của các Giáo hội rất khác nhau, như thể hiện trong phạm vi liên quan đến sức khỏe. Chẳng hạn, ở một số quốc gia, sự hiện diện của các Tu hội hoạt động liên quan đến sức khỏe phát triển rất nhiều, ở những nước khác thì ít hơn … Nó rất đa dạng. Không có tiêu chí duy nhất, và phần nào đó phải nhường nó cho tài năng của mỗi Giáo hội, và năng lực mà mỗi Giáo hội phải tự tổ chức. Không có kế hoạch định trước khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp rất bất ngờ này.

H: Tòa Thánh báo cáo rằng Ủy ban được thiết lập cho thời hạn 5 năm. Nhóm của Đức ông giải quyết những hạn cuối cùng như thế nào? Có phải nhóm sẽ hoạt động theo từng giai đoạn khác nhau?

Đức ông Tejado: Chúng tôi phải xem thực tại mở ra như thế nào. Điều Đức Thánh Cha yêu cầu chúng tôi là làm việc một phần về ý tưởng cho tương lai, vì tương lai đang đến. Chúng ta vừa mới bắt đầu cuộc khủng hoảng này. Bây giờ cuộc khủng hoảng nhân đạo đang đến, cuộc khủng hoảng kinh tế, cuộc khủng hoảng việc làm … Và chúng tôi cũng sẽ xem việc này mở ra như thế nào, mọi sự vẫn chưa được nhìn thấy. Giáo hội phải luôn luôn “kéo dài tầm nhìn (như được nói ở đây). Người ta phải chuyển động phần nào đó theo những gì đang diễn ra và đưa ra câu trả lời đức tin. Đức Thánh Cha yêu cầu chúng tôi xây dựng tương lai. Việc này không chỉ là đưa ra những ý tưởng; nó là vấn đề sống với mọi người, trao tặng cho họ một lời của niềm tin để nó có thể soi sáng cho những gì có thể xảy ra trong mỗi quốc gia vì mỗi nước sẽ có những hậu quả khác nhau.

Năm năm? À, cũng có thể là năm, cũng có thể là hai, cũng có thể là bảy … Nó phải được quyết định từng bước. Chúng tôi đã đưa ra cho mình bốn giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là lắng nghe; giai đoạn thứ hai là xây dựng một chiến lược cho tương lai; thứ ba là xây dựng những kế hoạch hành động, sau đó là hình thành một chiến lược được Giáo hội địa phương xây dựng, và sau đó phải tìm kiếm đề xuất cho những điều cụ thể. Tuy nhiên, tôi lặp lại rằng phần lớn sẽ tùy thuộc và các quốc gia, phần lớn sẽ tùy thuộc vào quá trình phát triển của chính cuộc khủng hoảng; tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị một loạt những giai đoạn có thể giúp cho các Giáo hội địa phương để có những nhân tố có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng.

Tuy vậy giai đoạn lắng nghe sẽ không bao giờ kết thúc. Lắng nghe không thể kết thúc. Nó là việc “lắng nghe” và “đồng hành” và “sống chung trong tình liên đới.” Đây là cách Giáo hội hoạt động; Giáo hội không có phương pháp khác.

H: Trong số những mục tiêu mà Ủy ban Vatican theo đuổi là “hành động bây giờ cho tương lai” và “nhìn vào tương lai với tính sáng tạo.” Giáo hội hoạt động cho tương lai như thế nào?

Đức ông Tejado: Bằng cách đặt mình dưới ánh sáng của Tin mừng. Tôi tin rằng không có cách khác, và bằng cách sống những vấn đề đang xảy ra dưới ánh sáng của đức tin. Chỉ có Tin mừng mới có thể đưa ra câu trả lời cho những gì sẽ diễn ra, những chương trình của chúng ta sẽ như thế nào, và việc đọc thực tại của chúng ta sẽ như thế nào. Tôi nghĩ Giáo hội luôn đặt mình dưới ánh sáng của Tin mừng để xây dựng tương lai; không có con đường nào khác. Dĩ nhiên là đối thoại với tất cả như chúng tôi luôn luôn làm, nhưng dưới ánh sáng của Tin mừng, là điều soi sáng cho tất cả những gì chúng tôi làm.

H: Người ta nói rằng cuộc khủng hoảng này làm lộ ra những gì tốt nhất và xấu nhất của con người. Ở mức độ nhân loại học và tâm linh, Đức ông nghĩ đại dịch này sẽ thay đổi con người như thế nào?

Đức ông Tejado: Còn quá sớm để tôi có thể đọc được điều này. Tôi sống và làm việc trong một giáo xứ. Khi tôi hoàn tất công việc trong Tòa thánh, tôi trở về giáo xứ để sống và làm việc. Mọi thứ đều có một chút ở đó. Sự hiện diện của Giáo hội, — ít nhất trong những điều tôi trải nghiệm (nó mang tính rất địa phương, tôi không thể nói cho mọi người) — quả thật đã tăng lên. Có rất nhiều người muốn nói chuyện với linh mục, chia sẻ một số những lo âu v.v.. Rõ ràng thời gian này đã đưa con người trở lại vị trí của mình. Trong con người có một khuynh hướng sự vững chắc cho tất cả mọi thứ; đó là con người. Công nghệ khoa học khiến chúng ta nghĩ rằng mọi điều là an toàn và rằng thế giới phải đi theo một hướng nào đó. Trận đại dịch này đã phá hủy tính vững chắc này phần nào đó đối với chúng ta. Vì vậy con người luôn tìm kiếm sự chắc chắn trong cuộc sống, vì con người không thể sống trong sự bấp bênh. Con người phải tìm kiếm sự vững chắc này. Họ có tìm nó trong Thiên Chúa không? Tôi không biết. Tôi tin là vậy; tôi có niềm tin. Đây là thời khắc quan trọng để rao giảng Phúc âm, để trao cho Đức Kitô một nền tảng thật sự. Con người cần một tảng đá để đặt cuộc đời mình trên đó. Tôi biết rằng tảng đá này là Đức Giêsu Kitô, tôi biết điều đó; chính cá nhân tôi đã có kinh nghiệm. Tôi biết rằng nhiều người đang đi tìm tảng đá để xây dựng trên đó.

Đây là những ý tưởng, nhưng tôi nghĩ còn hơi sớm. Chúng tôi còn phải đợi cho mọi việc lắng xuống, quay trở lại với tình trạng bình thường, để biết được phản ứng của con người và cách Thiên Chúa tìm kiếm con người vì Người luôn luôn tìm kiếm họ. Trên hết, chúng tôi phải suy tư.

H: Đức Thánh Cha yêu cầu Đức ông suy tư về “những thách đố thuộc kinh tế xã hội của tương lai,” và đề xuất “những tiêu chuẩn để giải quyết.” Đây có phải là thời gian để thay đổi mô hình kinh tế xã hội không?

Đức ông Tejado: Giáo hội luôn nói về điều đó. Một mô hình đặt nền móng thuần túy trên tài chính — Đức Thánh Cha liên tục nói về điều đó — sức mạnh của đồng tiền và sự đầu cơ không giúp ích nhân loại, và trên hết, cuối cùng những người phải trả giá luôn là những người nghèo nhất. Mô hình đó nên thay đổi; nó không dễ dàng … Những đầu cơ tích trữ đã bắt đầu, lợi dụng cả COVID-19. Luôn luôn có những người lợi dụng những hoàn cảnh như vậy … 

Vâng, nó phải thay đổi. Đức Thánh Cha đã nói nhiều về điều này. Ngài yêu cầu Nhóm 2 chịu trách nhiệm phân tích để phản ánh thật nghiêm túc về vấn đề này, đặc biệt về chủ điểm này. Nó cần thay đổi theo hướng đoàn kết giữa các quốc gia, một sự phân chia công bằng về của cải, công bằng xã hội, một hệ thống chăm sóc sức khỏe tiếp cận với tất cả mọi người … Nhân loại có quá nhiều thách đố! Tôi tin rằng những gì chúng ta đang trải qua sẽ giúp chúng tôi mang ra ánh sáng Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, để làm sáng tỏ trong tất cả vấn đề này. Người ta đang tìm kiếm trong Giáo hội một câu trả lời cho tất cả những điều này, một câu trả lời thuộc nhiều mặt, không chỉ về chiều kích công việc nhưng cả kinh tế, tài chính, sức khỏe, môi sinh toàn diện … tất cả những điều này.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/7/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter ngày 26-30/6/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter ngày 26-30/6/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter ngày 26-30/6/2020


26 tháng Sáu: Chỉ những ai có cái nhìn bằng con tim mới nhìn tỏ được mọi việc, vì họ biết cách “nhìn vào trong lòng” mọi người: để nhìn thấy một người anh em hoặc chị em vượt ra ngoài những lỗi lầm của người đó, nhìn thấy hy vọng giữa khó khăn. Họ nhìn thấy Chúa ở khắp nơi.

27 tháng Sáu: Nếu bạn đang tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống, nhưng không tìm được, bạn lãng phí bản thân cho những “kiểu bắt chước tình yêu,” chẳng hạn như của cải, sự nghiệp, lạc thú, hoặc nghiện ngập, hãy để Chúa Giêsu nhìn đến bạn, và bạn sẽ khám phá ra rằng bạn luôn được yêu thương.

28 tháng Sáu: Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38). Không có tình yêu đích thực nào không có thập giá, không có cái giá phải trả của cá nhân. Khi vác thập giá với Chúa Giêsu, nó không hề đáng sợ vì Ngài luôn ở cạnh chúng ta để giúp đỡ chúng ta.

28 tháng Sáu: Cha mời gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho người dân Yemen, đặc biệt là trẻ em, đang gánh chịu đau khổ vì hậu quả của sự khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, và cho những người bị ảnh hưởng bởi những trận lũ lụt nặng nề ở miền đông Ukraine.

29 tháng Sáu: Cũng như Chúa biến đổi Simon thành Phêrô, Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta, để biến chúng ta thành những viên đá sống động xây dựng một Hội thánh canh tân và nhân loại đổi mới.

30 tháng Sáu: Hôm nay Hội nghị thứ tư của Liên minh Châu Âu và Liên Hợp quốc nhằm “hỗ trợ cho tương lai của Syria và khu vực” diễn ra. Chúng ta cầu nguyện cho cuộc họp này, để nó có thể đặt trên tất cả là ích lợi của các dân tộc đang cần có lương thực, sự chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm.

30 tháng Sáu: Hôm nay chúng ta tưởng nhớ những vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội ở Roma. Họ để lại cho chúng ta một gia tài để bảo vệ và noi gương: Tin mừng của tình yêu và lòng thương xót. Những vị tử đạo Kitô giáo của mọi thời đại là những con người của hòa bình, cho dù bị bách hại.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 1/7/2020]