Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Đức Parolin cho biết những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại

Đức Parolin cho biết những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại

Chống nghèo đói, kiến tạo hòa bình, xây dựng những cầu nối
28 tháng Tám, 2017
Đức Parolin cho biết những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại
Đức HY Parolin, Moscow, 21 tháng Tám, 2017 @ Facebook.Com/Arhieparhia
Những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại là: chống nghèo đói, cả vật chất lẫn tinh thần; kiến tạo hòa bình và xây dựng những chiếc cầu nối, Đức Hồng y Quốc Vụ khanh Phê-rô Parolin nói, trong một bài đăng trên La Civilta Cattolica.
Ngài Quốc Vụ khanh có bài phát biểu ngày 10 tháng Năm, 2017, trong Đại sứ quán Ý tại Tòa Thánh, trong một Hội nghị Bàn tròn nhân dịp phát hành ấn bản thứ 4000 của tờ Jesuit Review, với chủ đề: “Cái nhìn của Magellan: Chính sách ngoại giao của những chiếc cầu nối trong một thế giới của các bức tường.”
Nhân vật “Số 2” của Vatican nói trước Chủ tịch của Hội đồng Ý, Paolo Gentiloni, và nhiều đại sứ, “La Civilta Cattolica là một công cụ giá trị để hiểu được và phản ánh sâu rộng hơn về những giáo huấn của Triều đại các Giáo hoàng, từ Chân phước Pi-ô IX đến Đức Phanxico. Nó được sinh ra từ một cộng đoàn suy tư và cầu nguyện, trong suốt 167 năm qua đã đồng hành trên con đường của Giáo hội Công giáo.”
“Cái nhìn của Magellan”
Nhắc lại “một thời đại bị đánh dấu bi thảm bởi bạo lực mù quáng của chủ nghĩa khủng bố theo trào lưu chính thống” và bởi “sự phát triển quyền lực của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy mới,” Hồng y Parolin mời gọi sự tập trung vào “sự thay đổi thời đại” này và tái khám phá “cái nhìn của Magellan.”
“Khởi nguồn của những cuộc thám hiểm phi thường của Ferdinand Magellan, và những nhà thám hiểm khác mà lịch sử ghi lại, về một mặt là thái độ xuất phát từ lòng vững tin và sự Quan phòng của Thiên Chúa, về mặt khác là vững tin và khả năng của con người. Nói chung, những con người phi thường này khao khát một điều gì đó vĩ đại hơn, cụ thể là, viết một trang mới trong ngành thám hiểm của nhân loại,” ngài Quốc vụ khanh nói.
Đức Hồng y làm nổi bật thái độ của các nhà thám hiểm gồm “ba chiều kích của tinh thần: một tâm hồn luôn thao thức, lòng khiêm nhường vì tính bất toàn và sự dũng cảm của trí tưởng tượng.” Ba thái độ tạo ra “sự tự do nội tâm” để có thể “đứng vững trên những con sóng, nghĩa là, sẵn sàng tiến đến một chân trời thay đổi hoàn toàn, không rút lui để quay trở lại các bến cảng an toàn bảo đảm sóng yên gió lặng, nhưng quả thật, nó lại một lần nữa cản trở bước tiến can đảm của hành trình lịch sử lâu dài.”
Những mối dây liên kết của Đức Thánh Cha
Chúng là “ba cộng tác viên quý giá, để hiểu được thái độ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay và đường lối ngoại giao của giáo hoàng trước những thách đố cấp bách của thời đại chúng ta.” Đức Hồng y phản ánh về “những yếu tố để tham khảo” về triều đại của Đức Giáo hoàng người Argentine, đáng chú ý là “mối dây kết nối của các chuyến Tông Du, “đặc biệt chú ý đến những tình hình thiếu thốn về vật chất và suy thoái đạo đức, đang gây tổn thương cho nhân loại trong thời đại của chúng ta.”
Ngài cũng đề cập đến “một yếu tố đặc biệt khác của tính nhạy cảm của Đức Thánh Cha: thực tại luôn luôn vượt trên ý tưởng. Chúng ta tìm thấy chính mình trong thực tại, trong đời sống cụ thể, trước khi phải đối phó với những ý tưởng và những hệ thống tư tưởng khác nhau. Nói một cách khác, đó là việc phải bao dung tha nhân, với chính con người của họ và nơi vị trí của họ, để tôi có thể cùng với họ đảm nhận một hành trình huynh đệ hướng đến sự thật và hòa giải.”
Ngài Quốc Vụ khanh cũng phân tích “khoa địa chính trị của hành trình đi từ những vùng ngoại vi vào trung tâm.” “Chúng ta đang chứng kiến một hình thức của cuộc ‘cách mạng Copernic’ mới dưới ánh sáng của Tin mừng … tất cả chúng ta đều biết về sự chú ý của Đức Giáo hoàng đặt vào các vùng ngoại vi theo nghĩa hiện sinh và địa lý của thời đại của chúng ta. Ngài bắt đầu từ một sự thật đơn giản: sự nghèo đó, sự yếu đuối của con người ngày nay và nhược điểm của một xã hội muốn phá bỏ kết cấu và ‘phá bỏ trọng tâm’, đang làm tổn thương phẩm giá của nhân vị.”
Những con đường giao tiếp mới
Trên bình diện những mối quan hệ quốc tế, ngài nhấn mạnh ba thách đố được Đức Thánh Cha chú tâm: “cam kết cho hòa bình, giải trừ vũ khí nguyên tử, bảo vệ môi trường.” “Một loạt những viễn cảnh toàn cầu nổi lên ở những chân trời này: thúc đẩy một nền văn minh gặp gỡ, đồng hành hỗ trợ cho hiện tượng di cư, chia sẻ những tốt lành của trái đất và phẩm giá của công việc, đặc biệt cho các thế hệ trẻ.”
“Nghiên cứu kỹ chân trời với ‘tầm nhìn của Magellan,’ Đức Thánh Cha đang tìm cách mở ra những con đường giao tiếp và gặp gỡ mới, nổi bật lên qua việc xây dựng những chiếc cầu nối lý tưởng giữa lục địa này với lục địa khác, giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, giữa các hệ thống pháp luật và tư tưởng thường cách xa nhau,” ngài nói.
Với Đức Hồng y Parolin, “những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại là: chống lại nghèo đó, cả vật chất lẫn tinh thần; kiến tạo hòa bình; xây dựng những chiếc cầu nói.” Ba điểm này “dẫn lối cho đường đi của mỗi cá nhân, của xã hội và của toàn cầu. Là một con đường khó khăn, nếu chúng ta vẫn bị cầm giữ trong ngôi nhà tù của tính thờ ơ của chúng ta; là một con đường không thể thực hiện được, nếu chúng ta tin rằng hòa bình chỉ đơn giản là một kế hoạch không tưởng; là một con đường khả thi, nếu chúng ta chấp nhận thách đố đặt niềm vững tin vào Thiên Chúa và vào con người, và nếu chúng ta cam kết bản thân trong việc tái kiến thiết một tình huynh đệ đích thực, chăm sóc cho tạo vật.”
Ngài kết luận, điều cần thiết là phải “có rất nhiều can đảm và bỏ lại phía sau những sự tin tưởng ngây thơ mà chúng ta đã có, bằng cách quyết tâm hoán cải thực sự về tâm hồn, về những sự ưu tiên, và về cách sống.”

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/08/2017]


Tiếp Kiến Chung: “Tâm hồn anh chị em có mang hơi thở của niềm vui không?”

Tiếp Kiến Chung: “Tâm hồn anh chị em có mang hơi thở của niềm vui không?”

Giáo lý về về sự Ghi nhớ, niềm Hy vọng và Ơn gọi (bản dịch)
30 tháng Tám, 2017
Tiếp Kiến Chung: “Tâm hồn anh chị em có mang hơi thở của niềm vui không?”
Tiếp Kiến Chung 30/08/2017 © L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về niềm Hy vọng trong buổi Tiếp Kiến Chung, 30 tháng Tám, 2017, trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Đặt ra thử thách đặc biệt với giới trẻ, ngài nói rằng tất cả mọi người phải trả lời câu hỏi này: “Trong tôi, trong tâm hồn tôi, có mang hơi thở của sự vui mừng không?”
Ngài lấy ví dụ về tiếng gọi của Chúa Giê-su với các tông đồ đầu tiên và bằng cách nào mà tiếng gọi đó mang đến niềm hy vọng và ký ức. Ngài nhắc về một tông đồ – Gio-an – kể lại chính xác thời gian, thậm chí trong tuổi già của ngài, “một ký ức rõ ràng của tuổi trẻ, vẫn còn nguyên vẹn trong bộ nhớ của ngài khi về già.”
Đức Thánh Cha nhắc lại những câu hỏi mà Chúa Giê-su đặt ra cho các tông đồ đầu tiên: “Các anh, những người trẻ tuổi, các anh tìm gì? Trong tâm hồn các anh, các anh tìm gì?” Ngài nói rằng những người trẻ không đi tìm một điều gì đó “ không phải là người trẻ; họ đã về hưu, họ trở nên già trước tuổi.”
Theo Đức Thánh Cha, có nhiều cách để khám phá ơn gọi. Nhưng ngài nói rằng “mọi ơn gọi đều bắt đầu bằng sự gặp gỡ với Chúa Giê-su là Đấng ban cho chúng ta niềm vui và niềm hy vọng mới, trong đời sống hôn nhân, đời sống tận hiến, đời sống linh mục, và dẫn đưa chúng ta, nhưng cũng phải qua những thử thách và khó khăn, đến một “cuộc gặp gỡ trọn vẹn hơn, sự gặp gỡ đó trở nên lớn lao hơn; sự gặp gỡ với Người và đạt đến sự viên mãn của niềm vui.”
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) đầy đủ của ZENIT từ bài giáo lý bằng tiếng Ý của Đức Thánh Cha Phanxico.
JF
Bài giáo lý về niềm Hy vọng và Ký ức
Hôm nay tôi xin quay lại với một chủ đề rất quan trọng: sự liên hệ giữa niềm hy vọng và ký ức, và đặc biệt liên quan đến ký ức của ơn gọi. Và tôi lấy một ví dụ về tiếng gọi của Chúa Giê-su với các tông đồ đầu tiên. Kinh nghiệm này vẫn lưu dấu in lại trong ký ức của họ, đến mức một người trong các ông còn kể ra cả giờ gặp gỡ: “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Tác giả Tin mừng Gio-an kể lại trình thuật theo ký ức rõ ràng về tuổi trẻ, vì Gio-an viết điều này khi ông đã về già.
Cuộc gặp gỡ diễn ra gần sông Gio-đan, nơi Gio-an Tẩy giả làm phép rửa; và những người thanh niên Ga-li-lê đã chọn Gio-an Tẩy giả là người linh hướng cho họ. Một ngày kia Chúa Giê-su đến, và để ông làm phép rửa cho Ngài trong dòng sông. Ngày hôm sau Người lại đến nơi đó, và người làm Phép rửa, tức là Gio-an Tẩy giả nói với hai môn đệ của ông, “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (c. 36).
Đó là một “ánh sáng lóe lên” cho hai người. Họ rời bỏ người thầy đầu tiên của họ và đi theo Chúa Giê-su. Trên đường, Người quay sang các ông hỏi một câu hỏi dứt khoát: “Các anh tìm gì thế?” (c. 38). Chúa Giê-su xuất hiện trong các Tin mừng như một chuyên gia về tâm hồn con người. Lúc đó Người đã gặp hai thanh niên kia, họ đang đi tìm, một thao thức rất tốt lành. Quả thật, có người trẻ nào là người tự thỏa mãn và không có đặt ra cho mình một câu hỏi nào về ý nghĩa? Những người trẻ không đi tìm một điều gì đó không phải là người trẻ; họ đã về hưu, họ trở nên già trước tuổi. Thật đáng buồn khi thấy những người trẻ tuổi về hưu. Và Chúa Giê-su, xuyên suốt Tin mừng, trong tất cả các cuộc gặp gỡ xảy ra với Ngài trên đường, đều thể hiện là “người nhóm ngọn lửa” cho các tâm hồn. Vì thế câu hỏi của Người nhằm tìm kiếm khát khao vượt lên cuộc sống và khát khao hạnh phúc mà mỗi người trẻ mang trong mình: “Các bạn tìm gì thế?” Cha cũng muốn hỏi các bạn trẻ đang ở đây trong Quảng trường hôm nay, và những người đang lắng nghe qua các phương tiện truyền thông: “Chúng con, những người trẻ tuổi, chúng con đi tìm điều gì? Trong tâm hồn chúng con, chúng con tìm gì?”
Ơn gọi của Gio-an và An-rê bắt đầu từ đó. Đó là sự khởi đầu của một tình bạn hữu mạnh mẽ với Chúa Giê-su về đời sống và những nhiệt huyết với Người. Hai vị tông đồ bắt đầu đi theo Chúa Giê-su và ngay lập tức được biến đổi thành những nhà rao giảng, vì khi kết thúc cuộc gặp gỡ họ trở về nhà và luôn thao thức: điều này cũng xảy ra như vậy với hai người anh em sau đó – Si-mon và Gia-cô-bê – ngay sau đó các ông cũng đã đi theo. Họ đến với các ông và nói: Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a; chúng tôi đã tìm được một tiên tri vĩ đại”: họ loan tin. Họ là những nhà loan báo cho cuộc gặp gỡ đó. Đó là một sự gặp gỡ quá xúc động và hạnh phúc đến mức các tông đồ nhớ mãi cái ngày đã khai mở trí và định hướng cho tuổi trẻ của họ.
Làm sao chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong thế giới hôm nay? Chúng ta có thể khám phá theo nhiều cách, nhưng trang Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng dấu chỉ đầu tiên là niềm vui của sự gặp gỡ với Chúa Giê-su. Đời sống hôn nhân, đời sống tận hiến, đời sống linh mục: mọi ơn gọi đều bắt đầu với sự gặp gỡ Chúa Giê-su là Đấng ban cho chúng ta niềm vui và niềm hy vọng mới và dẫn đưa chúng ta, cũng phải qua những thử thách và khó khăn, đến một cuộc gặp gỡ trọn vẹn hơn, sự gặp gỡ đó trở nên lớn lao hơn; cuộc gặp gỡ với Người và đạt đến sự viên mãn của niềm vui.
Chúa không muốn những con người miễn cưỡng bước theo sau Người, mà trong tâm hồn không mang hơi thở của niềm vui. Anh chị em, những người đang có mặt trong Quảng trường, tôi xin hỏi anh chị em – mỗi người hãy tự trả lời cho mình – tâm hồn anh chị em có mang hơi thở của niềm vui không? Mỗi người hãy tự hỏi mình: “Trong tôi, trong tâm hồn tôi, có mang hơi thở của niềm vui không?” Chúa Giê-su muốn những người đã trải nghiệm được điều đó cùng với Ngài cho đi niềm hạnh phúc vô biên, mà nó được canh tân mỗi ngày trong đời sống. Một môn đệ của Vương quốc Thiên Chúa mà không mang trong mình niềm vui là không rao giảng cho thế giới này; người ấy buồn bã. Chúng ta không trở thành những người rao giảng của Chúa Giê-su bằng cách mài giũa ngôn ngữ cho sắc bén: anh chị em có thể nói, nói, nói nhiều nhưng ngoài ra không có gì khác nữa thì làm sao chúng ta có thể trở thành những người rao giảng Chúa Giê-su? Bằng cách giữ cho đôi mắt long lanh niềm hạnh phúc. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều Ki-tô hữu, cả những người trong giữa chúng ta, chỉ bằng đôi mắt của mình đã chuyển tải niềm vui của đức tin: bằng đôi mắt của họ!
Vì vậy, là một người Ki-tô hữu, cũng như Mẹ Đồng trinh Maria, hãy bảo vệ ngọn lửa đức ái , ngọn lửa đức ái với Chúa Giê-su. Chắc chắn, có những thử thách trong đời; có những thời khắc mà chúng ta buộc phải tiếp tục tiến bước bất chấp những cơn gió lạnh và thổi ngược chiều, bất chấp những đắng cay. Nhưng người Ki-tô hữu biết con đường dẫn đến ngọn lửa thiêng liêng đó đã mãi mãi soi sáng trong họ.
Nhưng tôi đề nghị, xin đừng để chúng ta bị cuốn theo những con người chán nản và thất vọng, đừng để chúng ta lắng nghe những lời khuyên yếm thế không gieo cấy nguồn hy vọng trong đời; đừng tin vào những người ngay từ đầu dập tắt mọi nhiệt huyết bằng cách nói rằng chẳng có điều gì đáng để hy sinh cả đời. Chúng ta đừng lắng nghe những kẻ “già nua” tâm hồn muốn bóp nghẹt mọi hăng hái của tuổi trẻ. Chúng ta hãy đến với những người lớn tuổi với đôi mắt sáng ngời niềm hy vọng! Để rồi chúng ta gieo trồng những kế hoạch lành mạnh: Chúa muốn chúng ta có khả năng ước mơ giống như Người và cùng với Người, khi chúng ta chăm chú bước đi trong thực tại, ước mơ về một thế giới mới. Và nếu ước mơ đó bị dập tắt, hãy quay trở lại ước mơ từ đầu, vẽ nên niềm hy vọng từ ký ức của những nguồn cội, của những con người đã qua đi, có thể sau một cuộc đời không quá tốt lành, đang được ẩn giấu dưới lớp tro của lần gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giê-su.
Và đây là một chiều kích nền tảng của đời sống người Ki-tô hữu: hãy nhớ đến Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô nói với môn đệ của ngài: “Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô” (2 Tm 2:8); đây là lời khuyên của Thánh Phao-lô vĩ đại: “Hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô.” Nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, ngọn lửa của tình yêu mà sẽ đến một ngày với ngọn lửa đó hiểu được rằng đời sống của chúng ta là một dự án tốt lành, và làm hồi sinh lại niềm hy vọng của chúng ta bằng ngọn lửa này.
Bản dịch (tiếng Anh) của © ZENIT Virginia M. Forrester

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/08/2017]