Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Đức Tổng Giám mục Auza: 108 triệu người đang đói

Đức Tổng Giám mục Auza: 108 triệu người đang đói

Thế giới không đi đúng trên con đường dẫn tới xóa bỏ nạn đói vào năm 2030
17 tháng Mười, 2017
Đức Tổng Giám mục Auza: 108 triệu người đang đói
Đức Tổng Giám mục Auza UN TV Screenshot2
“Con số người bị đói đã tăng lên nhanh chóng chỉ một năm lên đến 108 triệu người,” Đức Tổng Giám mục Auza nói, ngài là Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp quốc.
Bài trình bày của ngài ngày 16 tháng Mười, 2017, trong phiên tranh luận Ủy ban Thứ Hai về Chương trình Nghị sự Mục 25, nói về “Phát triển Nông nghiệp, An ninh Lương thực và Dinh dưỡng,” tại Liên Hợp quốc ở New York.
Ngài cảnh báo rằng thế giới không đi đúng trên con đường dẫn tới xóa bỏ nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030, như chính cộng đồng thế giới đã cam kết để đạt được trong Chương trình Phát triển Bền vững Mục 2. Ngài nói, như lời Đức Giáo hoàng, những gì cần có là sự đoàn kết thật sự để bảo đảm quyền của mỗi con người được thoát khỏi cảnh bần cùng và đói kém.
Dưới đây là phát biểu của Đức Tổng Giám mục Auza
Phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh
Phiên họp thứ Bảy mươi hai của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc,
Ủy ban thứ hai
Chương trình nghị sự Mục 25: Phát triển Nông nghiệp, an ninh lương thực và dinh dưỡng
New York, 16 tháng Mười 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Báo cáo của ngài Tổng Thư ký về sự phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực và dinh dưỡng mang trong đó một thông điệp rõ ràng nhưng rất thất vọng cho tất cả chúng ta: theo những phương hướng chung hiện nay, “thế giới không đi đúng trên con đường dẫn tới xóa bỏ nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030.” [1]
Báo cáo làm nổi bật lên tính nghiêm trọng của thách đố vẫn đang nằm ở phía trước: gần 800 triệu người, hay một người trong số chín người của dân số thế giới, thiếu sự tiếp cận được với lượng thực phẩm cơ bản cần thiết trong khi hơn 150 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Nó nhắc chúng ta nhớ đến tính vô cùng mong manh của những người đang sống trong vùng chiến tranh và xung đột, Con số người bị đói đã tăng lên nhanh chóng chỉ trong một năm: từ 80 triệu lên 108 triệu người. Báo cáo cảnh báo rằng, với “mức độ áp dụng hiện tại, những mục tiêu của Chương trình Phát triển Bền vững Mục tiêu 2 sẽ không trở thành hiện thực và các đích nhắm đến của nó sẽ không đạt được trong nhiều vùng trên thế giới;” [2] những khu vực rộng lớn của dân số thế giới, đặc biệt trong vùng Châu Phi hạ-Sahara và Nam Á vẫn sẽ trong tình trạng thiếu ăn hoặc suy dinh dưỡng vào năm 2030; và cho dù đã có nhiều tiến bộ trong việc làm giảm bớt nạn đói kém ở nhiều vùng trên thế giới, tình trạng đói và suy dinh dưỡng sẽ tiếp tục là những rào cản chính cho việc đạt được sự phát triển bền vững.
Thưa ông Chủ tịch,
Cần phải có cách gì để xoay chuyển lại sự dự đoán ảm đạm này? Trong thông điệp gần đây gửi đến Tổ chức Lương Nông Quốc tế, sau khi nhắc lại cam kết của Tòa Thánh hợp tác trong việc tiếp tục những nỗ lực toàn cầu nhằm loại trừ nạn đói và suy dinh dưỡng, Đức Giáo hoàng Phanxico đã chỉ ra vấn đề đó là sự thiếu vắng tình đoàn kết để đạt được mục tiêu này.
Ngài nói, “Tất cả chúng ta đều biết rằng nếu dự định cung cấp cho mọi người có lương thực hàng ngày là chưa đủ. Hơn thế nữa, điều cần thiết là phải thừa nhận rằng tất cả mọi người đều có quyền với lương thực và vì vậy phải được hưởng lợi từ nó. Nếu những mục tiêu chúng ta tiếp tục đề xuất vẫn còn xa vời, chủ yếu là vì thiếu một văn hóa đoàn kết, vì thế nó không tạo được sự tiến triển trong những hoạt động quốc tế, mà chúng thường chỉ dừng lại ở giới hạn của những số thống kê thuộc chủ nghĩa thực dụng hoặc khao khát đạt hiệu quả nhưng lại thiếu tư tưởng chia sẻ.” [3]
Sự đoàn kết như vậy vô cùng quan trọng, đặc biệt cho những quốc gia kém phát triển nhất. Đức Giáo hoàng nói: “Sự cam kết của mỗi quốc gia nhằm gia tăng mực độ dinh dưỡng trong nước để cải thiện hoạt động nông nghiệp và những điều kiện sống của người dân ở vùng nông thôn được thể hiện trong việc khuyến khích gia tăng sản lượng nông nghiệp hoặc trong sự thúc đẩy việc phân phối hiệu quả những nguồn cung cấp lương thực. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ. Về mặt thực hành, những điều mà các mục tiêu đó đòi hỏi là sự chân nhận dài lâu rằng quyền của mọi người được thoát khỏi sự cùng khổ và nghèo đói là trách nhiệm của toàn gia đình nhân loại biết cung cấp sự hỗ trợ thực tế cho những người đang cần.” [4]
Trong bài diễn từ sáng nay của ngài ở Roma trước Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp quốc, nhân dịp Ngày Lương Thực Thế Giới, Đức Giáo Hoàng Phanxico mang đến một khái niệm về sự đoàn kết lên một mức độ khác, một mức độ của sự yêu thương. Đề cập đến những cuộc xung đột bạo lực và sự lãng phí như là một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn đói, Đức Giáo hoàng đưa ra suy tư: Vì lý do này, tôi tự hỏi — và tôi cũng hỏi quý vị —: nó có quá lớn lao không khi chúng ta nghĩ đến việc giới thiệu vào ngôn ngữ của sự hợp tác quốc tế phạm trù yêu thương, được hiểu như sự cho không, sự bình đẳng trong đàm phán, sự đoàn kết, văn hóa cho đi, tình huynh đệ, lòng nhân hậu?” Thật ra, những cụm từ này miêu tả ý nghĩa thiết thực của thuật ngữ “nhân đạo”, được sử dụng rộng rãi ở cộng đồng quốc tế.
Đức Giáo hoàng nói thêm, đường lối ngoại giao và các tổ chức đa phương cần “nuôi dưỡng và xây dựng khả năng yêu thương này,” vì nó là con đường không chỉ bảo đảm an ninh lương thực nhưng bảo đảm cho cả an ninh con người. “Các nỗ lực ngoại giao đã cho chúng ta thấy, cả trong những sự kiện gần đây, rằng có thể chặn đứng được những cái cớ cho việc sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tất cả chúng ta đều ý thức được khả năng phá hủy của những loại vũ khí này. Nhưng liệu chúng ta đã có sự ý thức tương đồng với những hậu quả của sự nghèo đói và loại trừ chưa?” “Yêu thương phải dẫn đến những ý tưởng về các mô hình phát triển và tiêu dùng mới, và thông qua những chính sách không làm xấu thêm tình hình của những dân tộc kém phát triển, hoặc sự lệ thuộc của họ. Yêu thương là không tiếp tục phân chia gia đình nhân loại thành những nhóm người có nhiều hơn mức độ họ cần và những người thiếu cả những nhu cầu căn bản nhất.” [5]
Do đó, khi một quốc gia không đủ khả năng đáp ứng đủ cho những đòi hỏi về phát triển cấp thiết của đất nước – hoặc vì mức độ phát triển thấp, vì tình trạng nghèo khổ, vì chịu nhiều thiên tai, hoặc vì những tình hình mất an ninh – thì bắt buộc phải có sự hỗ trợ quốc tế để giúp những quốc gia này đáp ứng đủ cho những nhu cầu căn bản của người dân. Do vậy, chúng ta phải hết sức chú ý đến tình trạng của nạn đói và suy dinh dưỡng xem đó không chỉ là hiện tượng tự nhiên hay thuộc cấu trúc trong những vùng địa lý nhất định, nhưng cũng là hậu quả của một tổng hợp phức tạp những tình trạng do sự chậm phát triển gây ra, cùng những lý do khác, do sự thờ ơ của nhiều người và do sự ích kỷ của một số người.
Thưa ông Chủ tịch,
Phái đoàn của tôi hiểu rằng tình hình thế giới hiện tại không phải là một môi trường thuận lợi cho sự hợp tác toàn cầu, nhưng chúng ta phải chống lại sức quyến rũ của sự buông xuôi trước tình hình như vậy. Do đó, Tòa Thánh lặp lại cam kết của mình đối với Chương trinh Phát triển Bền vững Mục tiêu 2 nhằm xóa đói và loại bỏ tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030. Để có thể đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải tiếp tục giám sát tiến trình thật sát sao, đặc biệt ở những quốc gia nơi tình trạng cứ tiếp diễn liên tục. Trong khi nhu cầu cần phải có chuyên môn kỹ thuật tốt nhất của thế giới để gia tăng sản lượng nông nghiệp và an ninh lương thực tốt hơn, chúng ta phải tìm ra những cách để kêu gọi các giá trị tốt đẹp nhất của con người đó là tình đoàn kết và lòng trắc ẩn, để chúng ta có thể có sự trả lời tốt hơn cho nhu cầu của những quốc gia đó – và của những anh chị em của chúng ta – những người đang trên bờ vực bị đói và suy dinh dưỡng.
Cảm ơn ông Chủ tịch.
1. A/72/303, 4.
2. A/72/303, 6.
3. Giáo hoàng Phanxico, Thông điệp gửi các tham dự viên trong Tổng Hội nghị lần 40 của, 3 tháng Bảy 2017.
4. nt.
5. Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ tại Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp Quốc nhân dịp ngày Lương Thực Thế Giới, Roma, 16 tháng Mười 2017.
Copyright © 2017 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/10/2017]


Đức Thánh Cha Phanxico cho biết lý do ngài đồng ý phỏng vấn

Đức Thánh Cha Phanxico cho biết lý do ngài đồng ý phỏng vấn

Pope Francis speaks to journalists aboard the flight from Rome to Bogota, Sept. 6, 2017. Credit: L'Osservatore Romano.
Đức Thánh Cha Phanxico nói chuyện với các nhà báo trên chuyến bay từ Roma đến Bogota, 6 tháng Chín, 2017. Credit: L'Osservatore Romano.
Vatican City, 17 tháng Mười, 2017 / 03:49 chiều (CNA/EWTN News). - Trong lời nói đầu cho một quyển sách phỏng vấn mới, Đức Thánh Cha Phanxico trình bày sơ lược bước tiếp cận của ngài khi nói chuyện với các phóng viên, ngài giải thích rằng các buổi phỏng vấn cũng giống như một cuộc đối thoại và đây là lý do tại sao ngài không chuẩn bị trước các câu trả lời.
Đức Thánh Cha viết, “Đối với tôi những cuộc phỏng vấn cũng là đối thoại, không phải một bài học.”
Ngài cho biết, “Tôi không chuẩn bị gì trước,” và nói rằng ngài thường từ chối đọc những câu hỏi mà người ta gửi tới trước cho ngài, thay vì chọn cách trả lời có hệ thống thì ngài lại muốn thực hiện như một cuộc nói chuyện thực sự.
“Đúng, tôi vẫn rất sợ bị tường thuật sai,” ngài nói, và cho biết thêm rằng đó là một sự phiêu lưu ngài sẽ sẵn sàng đón nhận với cương vị là một mục tử.
“Mọi điều tôi làm có một giá trị mục vụ, bằng cách này hay cách khác,” ngài nói. “Nếu tôi không tin tưởng điều này, tôi đã chẳng đồng ý phỏng vấn: đối với tôi nó rất rõ ràng. Đó là cách chuyển tải thừa tác vụ của tôi.”
Đức Thánh Cha Phanxico cho biết suy nghĩ của ngài về các buổi phỏng vấn, và lý do và cách thức ngài trả lời, trong lời nói đầu viết cho một quyển sách tiêu đề Hãy đặt câu hỏi của bạn.
Quyển sách là một tập hợp những lần phỏng vấn mới và cũ với Đức Thánh Cha Phanxico, được biên soạn bởi cha Antonio Spadaro, SJ, tổng biên tập của tờ La Civiltà Cattolica. Nó sẽ được giới thiệu vào ngày 21 tháng Mười.
Trong lời nói đầu, Đức Phanxico giải thích rằng đối với ngài, trả lời phỏng vấn không giống như việc bước lên “bục giảng” để giảng, nhưng là một sự gặp gỡ giữa ngài và nhà báo: “Tôi cần phải gặp trực tiếp để được nhìn thẳng vào mắt họ,” ngài viết
Ngài nói ngài thích nói chuyện với cả những người từ các tờ báo nhỏ và phổ thông, vì ngài cảm thấy “thậm chí thoải mái hơn.”
“Thật ra, trong những trường hợp đó tôi thực sự lắng nghe được những câu hỏi và quan tâm của những con người bình thường,” cố gắng trả lời “một cách tự nhiên” và với “ngôn ngữ đơn giản, phổ thông,” ngài giải thích.
Ngài nói, ngài cũng có cùng một cách tiếp cận trong những lần họp báo trên máy bay giáo hoàng khi trở về từ các chuyến tông du, tuy nhiên thỉnh thoảng ngài cũng mường tượng trước những câu hỏi mà các nhà báo có thể hỏi.
Ngài nói ngài biết rằng phải hết sức thận trọng và ngài luôn cầu xin Chúa Thánh Thần trước khi lắng nghe câu hỏi và trả lời.
Tuy nhiên trước đây Đức Phanxico không thích trả lời phỏng vấn. Tôi có thể “cứng rắn,” Đức Thánh Cha nói, nhưng tôi cũng ngại, ngài nói rằng khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài hơi sợ các nhà báo, nhưng cuối cùng cũng có một người thuyết phục được ngài.
“Tôi lúc nào cũng lo lắng về việc bị tường thuật không đúng những gì tôi nói,” ngài viết. Ngài nói rằng ngài còn lưỡng lự chưa chấp nhận yêu cầu của cha Spadaro như những cuộc phỏng vấn trước đây, nhưng cuối cùng ngài nhận lời và đồng ý hai cuộc phỏng vấn dài, cả hai góp một phần trong quyển sách.
Quyển sách biên soạn này cũng có những cuộc đàm thoại với các cha dòng Tên, những cuộc đối thoại mà Đức Phanxico nói là những khoảng thời gian ngài cảm thấy thoải mái nhất để nói chuyện.
“Tôi rất vui vì họ cũng đưa những cuộc nói chuyện này vào quyển sưu tập,” ngài nói, vì ngài cảm thấy như đang nói chuyện trong gia đình, và vì thế không sợ bị hiểu lầm.
Cũng có trong sách “là hai cuộc đàm thoại với các bề trên tổng quyền của các dòng tu. Tôi luôn yêu cầu có cuộc nói chuyện thật sự với các ngài. Tôi không bao giờ muốn có những bài diễn văn diễn từ và rồi không được lắng nghe họ,” ngài nói.
“Đối với tôi, đối thoại luôn là cách tốt nhất cho chúng ta thực sự gặp gỡ nhau.”
Chẳng hạn, trong lần gặp gỡ của ngài với các cha Dòng Tên Ba lan, Đức Thánh Cha nói về sự nhận thức, nhấn rất mạnh vào sứ vụ đặc biệt của Dòng Tên ngày nay, “đó cũng là sứ vụ quan trọng của Giáo hội trong thời đại của chúng ta.
Ngài nói, “Tôi thấy thực sự cần phải có sự giao tiếp trực tiếp với mọi người.”
Những cuộc đối thoại này, diễn ra trong các lần gặp gỡ và phỏng vấn, được liên kết lại theo hình thức như cách ngài giảng các bài giảng Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta mỗi sáng, và đó là “giáo xứ” của ngài.
“Tôi cần có sự giao tiếp như vậy đối với mọi người. Ở đó, bốn ngày một tuần, họ đến tìm tôi, 25 người thuộc một giáo xứ ở Roma, cùng với những người khác.”
“Tôi muốn một Giáo hội biết cách can dự vào những cuộc đối thoại của con người, biết cách đối thoại,” ngài nói.
“Đó là Giáo hội của Ê-mau, trong đó Chúa ‘phỏng vấn’ các môn đệ đang bỏ đi, chán nản. Đối với tôi, một cuộc phỏng vấn là một phần của cuộc đối thoại này giữa Giáo hội và con người ngày nay.”

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/10/2017]