Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của chính trị phục vụ ích chung

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của chính trị phục vụ ích chung
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của chính trị phục vụ ích chung

Diễn từ trước Phái đoàn Hội đồng Quốc gia Thân vương quốc Monaco

05 tháng Hai, 2019 00:46

Ngày 2 tháng Hai, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi tiếp kiến — trong Đại sảnh Mật nghị của Điện Tông tòa Vatican — tiếp Phái đoàn Hội đồng Quốc gia Thân Vương quốc Monaco.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện.


* * *

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa quý vị đáng kính,

Tôi hân hạnh được chào đón quý vị nhân dịp chuyến đi nghiên cứu mà quý vị thực hiện, do Đức Tổng Giám mục của quý vị dẫn đầu, với mục đích tìm hiểu về công việc đang được thực hiện tại Tòa Thánh, đặc biệt qua những cuộc họp về các chủ đề mà quý vị quan tâm và là những vấn đề chúng ta cùng chia sẻ cam kết chung. Vì vậy, tôi cảm ơn quý vị với sáng kiến này và tôi hân hạnh có cơ hội được trình bày với quý vị.

Trong Sứ điệp ngày 1 tháng Một vừa qua nhân Ngày Hòa bình Thế giới, tôi hướng sự chú ý đến nhu cầu cần có nền chính trị tốt, đó là “sự phục vụ xã hội nói chung” tới mức trở thành một “phương tiện quan trọng để xây dựng trách nhiệm và nghĩa vụ công dân và công trình của con người” (s. 2) Đó là một sứ mạng cao quý mà tôi khuyến khích quý vị hãy cùng chung sức làm việc một cách miệt mài cho ích chung. Ước mong rằng quý vị luôn ghi khắc trong lòng việc thăng tiến tương lai cho mọi người công dân, trong sự tôn trọng các giá trị của phẩm giá con người và của tất cả mọi sự sống con người, cũng như tôn trọng các tổ chức của Thân Vương quốc. Các tổ chức này có một truyền thống rất đẹp cam kết phục vụ môi trường, đặc biệt với đối với Quỹ Albert II của Monaco. Ngày nay có thêm thách đố về khí hậu nóng dần lên và những hậu quả của nó, đang đe dọa những cư dân của các vùng duyên hải trên hành tinh chúng ta, thường trong hoàn cảnh rất bấp bênh. Về mức độ nhân đạo, quý vị đã làm rất nhiều để cứu trợ mọi hoàn cảnh khó khăn, cùng hợp tác với Giáo hội Công giáo và các Nền tảng Ki-tô giáo khác, cũng như với nhiều tổ chức NGOs. Khoản tiền trợ cấp phát triển công đã đóng góp vào nhiều công trình khác nhau trong những quốc gia thua thiệt, trong các phạm vi đặc biệt là hỗ trợ cho các gia đình, giáo dục, sức khỏe và trợ giúp kinh tế xã hội. Quý vị cũng đã áp dụng năm chương trình thử nghiệm, nó phản ánh được lòng quảng đại và khả năng can thiệp của quý vị trước những thách đố.

Tôi tha thiết hy vọng rằng, ngoài sự cứu trợ cụ thể và cần thiết đã có, mọi sáng kiến đều có thể trở thành men hy vọng, để xây dựng thái độ tin tưởng vào tương lai và nơi người khác, bất kể người đó là ai. Trách nhiệm của chúng ta rất lớn, đặc biệt đối với người trẻ; ước mong rằng họ có thể nhìn thấy nơi chúng ta là những người lớn trao tặng cho họ được niềm tin và động viên những tài năng của họ để giúp họ cùng nhau cam kết phục vụ ích chung của quốc gia và của toàn thế giới. Tại một thời kỳ khi sự ngờ vực và tính ích kỷ lớn lên, có lúc thậm chí biến thành sự chối bỏ, thì cần cấp bách đan kết những mối dây ràng buộc giữa những con người và các quốc gia, để cảm xúc mừng vui về tính trách nhiệm sẽ lớn lên trong mỗi con người, tới các cư dân của thế giới, là công dân và là vai chính của tương lai. Trong mối liên hệ này, sự tình nguyện quốc tế cho các nhà ngoại giao trẻ và quan hệ đối tác với các tổ chức đoàn kết là những công cụ quý giá. Hơn nữa, ước mong rằng người Monaco có thể dựa vào các giá trị sáng lập của Thân Vương quốc, được truyền cảm hứng từ Tin Mừng và thông điệp yêu thương. Những giá trị này mang đến cho họ cơ hội, hôm nay cũng như ngày hôm qua, để cho Tin Mừng được bén rễ và làm cho nó trổ sinh nhiều hoa trái trong đời sống của họ, ngoài ra, thể hiện được sức mạnh đoàn kết và tính mới mẻ của nó để phục vụ cho chính trị, sự đối thoại giữa các nền văn hóa, công bằng và tình huynh đệ.

Như tôi đã nhắc nhở các vị Đại sứ có mặt trong buổi chúc mừng đầu năm mới ngày 7 tháng Một vừa qua, nói đến tầm nhìn xa của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong diễn từ của ngài tại Liên Hợp Quốc, “chúng ta phải làm quen với suy nghĩ về sự chung sống của nhân loại theo cách mới, những con đường của lịch sử và vận mệnh thế giới theo một cách mới [ . . . ] Chưa bao giờ như ngày nay, khi mà con người đạt quá nhiều tiến bộ, cần phải kêu gọi đến lương tâm đạo đức của con người! Sự nguy hiểm không đến từ tiến bộ hoặc khoa học … Sự nguy hiểm thật sự nằm trong con người, làm chủ những công cụ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, họ hành động để phá hại và để đạt được những thành tựu cao nhất!” (New York, 4 tháng Mười, 1965, s. 7). Vì thế, tái suy nghĩ lại vận mệnh chung của chúng ta để xây dựng nó, chúng ta phải ý thức được trách nhiệm của mình và cam kết con đường hòa bình với bản thân, hòa bình với người khác và hòa bình với tạo vật. Đây là nền chính trị hòa bình mà tôi mời gọi quý vị thúc đẩy, mỗi người trong quý vị và tất cả cùng nhau trong sứ mạng cao quý đã được trao phó cho quý vị.

Các bạn thân mến, tôi xin tri ân quý vị vì buổi gặp gỡ này và thông qua quý vị, tôi xin gửi lời chào nồng hậu đến Hoàng thân Albert II và gia đình của ngài. Tôi xin Chúa giúp duy trì cam kết của quý vị và để củng cố những mối dây ràng buộc liên kết quý vị trong việc phục vụ Thân Vương quốc và cộng đồng quốc tế. Xin Người ban ơn bội hậu cho quý vị, cho gia đình của quý vị và tất cả người dân Monaco. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn quý vị.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/2/2019]


Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha phân tích ‘Nước Cha trị đến’ (Toàn văn)

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha phân tích ‘Nước Cha trị đến’ (Toàn văn)
© Vatican Media

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha phân tích ‘Nước Cha trị đến’ (Toàn văn)

Tiếp tục loạt Giáo lý về ‘Kinh Lạy Cha’

06 tháng Ba, 2019 15:01

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục các bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về lời cầu “Nước Cha trị đến” (trích đoạn Kinh thánh: trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 13:31-32).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


***


Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha phân tích ‘Nước Cha trị đến’ (Toàn văn)

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha,” lời khẩn nguyện thứ hai chúng ta dâng lên Chúa là xin cho “Nước Cha trị đến” (Mt 6:10). Sau khi xin cho Danh Cha cả sáng, người tín hữu bày tỏ lòng khao khát rằng Vương quốc của Người mau đến. Có thể nói rằng lòng khao khát này bật ra từ chính trái tim của Đức Ki-tô, Đấng bắt đầu việc rao giảng của Ngài ở Ga-li-lê rằng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Những lời này không phải là một sự đe dọa; ngược lại, chúng là một sự loan báo về tin vui, một thông điệp của niềm vui. Chúa Giê-su không muốn ép buộc người ta hoán cải bằng cách gieo nỗi sợ hãi về sự phán xét đang gần đến của Chúa hoặc cảm giác tội lỗi vì những điều xấu đã phạm. Chúa Giê-su không chiêu dụ tín đồ: Người chỉ đơn thuần công bố. Ngược lại, những gì Ngài đem đến chính là Tin Vui về ơn cứu độ, và từ đó, Người kêu gọi sự hoán cải. Mỗi người được mời gọi hãy tin vào “Tin mừng”: chức vương đế của Chúa đã tự hạ mình để ở gần với con cái của Người. Và Chúa Giê-su công bố điều tuyệt vời này, ơn sủng này: Thiên Chúa, Chúa Cha, yêu thương chúng ta, Người ở gần bên chúng ta và Người dạy bảo chúng ta bước đi trên con đường nên thánh.

Có nhiều dấu chỉ của Vương quốc này ngự đến, và tất cả chúng đều xác thực. Chúa Giê-su bắt đầu sứ mạng của Người bằng việc chăm sóc người bệnh, bất kể là bệnh thể xác hay linh hồn, cho những người chịu đựng sự loại trừ của xã hội — chẳng hạn những người bị bệnh phong –, của những tội nhân bị mọi người khinh rẻ, kể cả những người mang tội còn lớn hơn những tội nhân kia nhưng lại ra vẻ là người công chính. Và Chúa Giê-su gọi những người này là gì? “Kẻ đạo đức giả.” Chính Chúa Giê-su chỉ ra những dấu chỉ này, những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11:5).

“Nước Cha trị đến!” là lời người Ki-tô hữu liên tục lặp đi lặp lại khi họ đọc “Kinh Lạy Cha.” Chúa Giê-su đã đến, nhưng thế gian vẫn còn mang dấu của tội, với không biết bao nhiêu người đau khổ, với những con người không chịu hòa giải với chính mình và không tha thứ, với những cuộc chiến tranh và với quá nhiều các hình thức bóc lột. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến việc buôn bán trẻ em. Những sự thật này là bằng chứng cho thấy rằng vinh quang của Đức Ki-tô vẫn chưa hoàn toàn được thực thi: còn quá nhiều người nam và nữ vẫn sống với tâm hồn khóa chặt. Chính vì những tình hình này mà lời cầu thứ hai của “Kinh Lạy Cha” phải phát lên rõ ràng từ môi miệng của người Ki-tô hữu: “Nước Cha trị đến!” Điều đó hàm ý như là thưa rằng: “Lạy Cha, chúng con cần Người! Lạy Chúa Giê-su, chúng con cần Người là Chúa ngự giữa chúng con đời đời và cho đến tận cùng trái đất!” “Nước Cha trị đến, Người ngự giữa chúng con.”

Có đôi lúc chúng ta tự hỏi mình: tại sao Vương quốc này trở thành hiện thực quá chậm chạp như vậy? Chúa Giê-su thích nói về cuộc chiến thắng của Người bằng ngôn ngữ của các dụ ngôn. Chẳng hạn, Người nói rằng Nước Chúa giống như một cánh đồng nơi hạt giống tốt và cỏ cùng mọc lên: sai lầm tệ hại nhất là ý muốn can thiệp ngay lập tức, loại trừ khỏi thế gian tất cả những người có vẻ là cỏ lùng đối với chúng ta. Thiên Chúa không như chúng ta; Chúa có lòng kiên nhẫn. Không phải nhờ bạo lực mà Nước Chúa được thiết lập trên trần gian: nhưng là cách lan truyền lòng nhân từ của Người (x. Mt 13:24-30).

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha phân tích ‘Nước Cha trị đến’ (Toàn văn)

Nước Thiên Chúa chắc chắn là một sức mạnh rất lớn, lớn nhất so với mọi sức mạnh, nhưng không theo những tiêu chuẩn của thế gian; đó là lý do tại sao dường như Vương quốc đó chẳng bao giờ chiếm con số tuyệt đối. Nó là lớp men trộn vào trong bột: nó dường như bị biến mất nhưng chính nó lại là thứ làm cho bột dậy men (x. Mt 13:33). Hoặc nó giống như một hạt cải, rất nhỏ bé, gần như không nhìn thấy, nhưng nó mang trong mình một sức mạnh bùng phát của thiên nhiên, và khi lớn lên, nó trở thành loại cây lớn nhất trong tất cả các loại cây rau trong vườn (x. M 13:31-32).

Theo “vận mệnh” này của Nước Chúa, mối liên hệ đó cũng có thể nhìn thấy qua đời sống của Chúa Giê-su: với những người cùng thời với Ngài, Ngài cũng là một dấu chỉ yếu ớt, một sự kiện hầu như chẳng được các nhà viết sử chính thức biết đến trong thời đại đó. Ngài miêu tả mình là “một hạt lúa mỳ,” chết đi trong lòng đất, nhưng chỉ bằng cách đó mới trổ sinh “nhiều hoa trái” (x. Ga 12:24). Biểu tượng của hạt lúa mỳ thể hiện thật hùng hồn: một ngày kia người nông dân gieo nó vào lòng đất (một hành động giống như việc chôn cất của một đám tang). Và rồi anh ta “đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4:27). Một hạt giống nảy mầm là công việc của Thiên Chúa chứ không phải người gieo nó (x. Mc 4:27). Thiên Chúa luôn luôn đi trước chúng ta; Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Nhờ Ngài, sau đêm Thứ Sáu Tuần Thánh liền có ánh bình minh của sự Phục sinh bao trùm niềm hy vọng trên toàn trái đất.

“Nước Cha trị đến!” Chúng ta gieo lời này giữa những tội lỗi và sa ngã của chúng ta. Chúng ta trao tặng nó cho những người bị đánh bại và gục ngã trong cuộc sống, cho những người phải nếm trải nhiều hận thù hơn yêu thương, cho những người đã sống những ngày vô ích mà chẳng hiểu tại sao. Chúng ta trao tặng nó cho những người đã chiến đấu cho công bằng, cho tất cả những người tử đạo trong lịch sử, và cho những người kết luận rằng họ đã chiến đấu vô ích và rằng cái ác đã thống trị thế giới này. Rồi chúng ta sẽ nghe thấy lời “Kinh Lạy Cha” trả lời. Những lời hy vọng đó sẽ lặp lại không biết bao nhiêu lần, cũng tương tự như Thần Khí đã đóng dấu ấn lên tất cả các Sách Thánh: “‘Chắc chắn Ta sẽ mau đến!’ Đây là câu trả lời của Chúa. “Ta sẽ mau đến.” Amen. Và Hội thánh của Chúa thưa: “Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến” (x. Kh 3:20). “Nước Cha trị đến” cũng tương tự như thưa rằng “Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến.” Và Chúa Giê-su nói: “Ta sẽ đến mau đến.” Và Chúa Giê-su đến, theo cách riêng của Ngài, nhưng là mọi ngày. Chúng ta tin tưởng vào điều này. Và khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha” chúng ta luôn đọc “Nước Cha trị đến,” để rồi nghe thấy trong lòng: “Chắc chắn, chắc chắn Ta sẽ mau đến.” Cảm ơn anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/3/2019]