Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng Mùa Vọng là Thời gian Trông đợi và Hy vọng

Đức Thánh Cha  nhắc nhở các tín hữu rằng Mùa Vọng là Thời gian Trông đợi và Hy vọng

© Vatican Media

Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng Mùa Vọng là Thời gian Trông đợi và Hy vọng

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền tin Chúa nhật

29 tháng Mười Một, 2020 14:16

JIM FAIR


Hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón Mùa Vọng với lời nhắc nhở cho các tín hữu trên toàn thế giới rằng đó là thời gian của “trông đợi và hy vọng”.

Những lời nhắc nhở của ngài được đưa ra trong huấn từ trước giờ đọc Kinh Truyền Tin buổi trưa với đám đông giới hạn số người hành hương do đại dịch trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta sống ‘Mùa quan trọng’ đầu tiên, đó là Mùa Vọng, mùa đầu tiên của năm phụng vụ, Mùa Vọng, là mùa chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, và do đó nó là thời gian trông đợihy vọng. Mong chờ và hy vọng. Mùa Vọng là một tiếng gọi tiếp tục hy vọng: nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử để đưa nó đến mục tiêu cuối cùng và dẫn chúng ta đến sự viên mãn của nó, đó là Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô.”

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, một năm phụng vụ mới bắt đầu. Trong đó, Giáo hội đánh dấu dòng thời gian bằng việc cử hành các biến cố chính trong cuộc đời của Chúa Giêsu và câu chuyện về ơn cứu độ. Khi làm như vậy, với vai trò là Mẹ, Giáo hội soi sáng con đường cuộc sống của chúng ta, hỗ trợ chúng ta trong những công việc hàng ngày, và hướng dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Đức Kitô. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta sống ‘Mùa quan trọng’ đầu tiên, đó là Mùa Vọng, mùa đầu tiên của năm phụng vụ, Mùa Vọng, là mùa chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, và do đó nó là thời gian trông đợi hy vọng. Mong chờ và hy vọng. 

Thánh Phaolô (xem 1 Cr 1: 3-9) cho biết mục tiêu mà chúng ta mong đợi. Nó là gì? “Sự mặc khải của Chúa” (c. 7). Thánh Tông đồ mời gọi Kitô hữu ở Côrinhtô và cả chúng ta nữa, hãy tập trung chú ý vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đối với một người Kitô hữu, điều quan trọng nhất là sự gặp gỡ liên tục với Chúa, ở với Chúa. Và bằng cách này, trở nên quen thuộc với việc ở lại với Thiên Chúa của sự sống, chúng ta chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, để được ở với Chúa trong cuộc sống đời đời. Và cuộc gặp gỡ quyết định này sẽ đến vào ngày tận thế. Nhưng Chúa đến mỗi ngày, để với ân sủng của Ngài, chúng ta có thể hoàn thành những điều tốt lành trong đời sống của chúng ta và trong đời sống của tha nhân. Chúa của chúng ta là Thiên Chúa tiến đến, xin đừng quên điều này: Chúa của chúng ta là Thiên Chúa tiến đến, là Đấng liên tục đến. Ngài sẽ không làm cho sự chờ đợi của chúng ta trở thành thất vọng! Chúa không bao giờ làm thất vọng. Có lẽ Ngài sẽ khiến chúng ta phải chờ đợi, Ngài sẽ khiến chúng ta phải chờ đợi một thời gian trong bóng tối để sự mong chờ của chúng ta chín muồi, nhưng Ngài không bao giờ làm thất vọng. Chúa luôn đến, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta. Nhiều khi Ngài không tỏ lộ chính Ngài để được nhìn thấy, nhưng Ngài luôn luôn đến. Ngài đã đến vào đúng thời điểm trong lịch sử và trở thành người phàm để gánh lấy tội lỗi của chúng ta – lễ Chúa giáng sinh kỷ niệm lần đến đầu tiên của Chúa Giêsu trong thời điểm lịch sử –; Ngài sẽ đến vào cuối thời đại như là vị thẩm phán chung; Ngài đến mỗi ngày để thăm dân Ngài, thăm mọi người nam và nữ đón nhận Ngài trong Lời Người, trong các Bí tích, trong anh chị em của họ. Kinh Thánh cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đang ở ngoài và gõ cửa. Hằng ngày. Ngài đang ở tại cánh cửa tâm hồn của chúng ta. Ngài gõ cửa. Anh chị em có biết cách lắng nghe Chúa là Đấng gõ cửa, Đấng đến thăm anh chị em hôm nay, Đấng miệt mài gõ cửa tâm hồn anh chị em, với một ý tưởng, với sự soi dẫn không? Ngài đã đến Bêlem, Ngài sẽ đến vào ngày tận thế, nhưng hằng ngày Ngài đến với chúng ta. Hãy cẩn trọng, hãy nhìn vào những gì bạn cảm nhận thấy trong lòng khi Chúa gõ cửa.

Chúng ta hiểu rõ rằng cuộc sống được tạo nên bởi những lúc thăng hoa và những lúc chán nản, bởi ánh sáng và bóng tối che phủ. Mỗi người trong chúng ta đều trải qua những giây phút thất vọng, thất bại và lạc lõng. Ngoài ra, hoàn cảnh chúng ta đang sống bị đánh dấu bởi trận đại dịch gây ra sự lo lắng, sợ hãi và chán nản nơi nhiều người; chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng bi quan, nguy cơ rơi vào tình trạng khép kín và dửng dưng. Chúng ta nên phản ứng như thế nào trước tất cả những vấn đề này? Bài Thánh vịnh hôm nay đề nghị: “Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.” (Tv 33,20-21). Nghĩa là, linh hồn đang đợi trông, tin tưởng trông đợi Chúa, cho phép chúng ta tìm thấy sự an ủi và lòng can đảm trong những giờ phút tăm tối của cuộc đời. Và điều gì làm nảy sinh lòng dũng cảm và lời cam kết đầy tín thác này? Chúng từ đâu đến? Chúng được sinh ra từ niềm hy vọng. Và hy vọng không làm thất vọng, nhân đức đó dẫn đưa chúng ta tiến tới, hướng đến cuộc gặp gỡ với Chúa.

Mùa Vọng là một tiếng gọi tiếp tục hy vọng: nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử để đưa nó đến mục tiêu cuối cùng và dẫn chúng ta đến sự viên mãn của nó, đó là Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử nhân loại, Người là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Thiên Chúa không ở đâu xa, Người luôn ở với chúng ta, đến mức Người thường gõ cửa tâm hồn chúng ta. Chúa đồng hành bên cạnh chúng ta để nâng đỡ chúng ta. Chúa không bỏ rơi chúng ta; Người đồng hành với chúng ta qua những biến cố cuộc đời để giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa của hành trình, ý nghĩa của cuộc sống hàng ngày, để ban cho chúng ta lòng can đảm khi chúng ta phải chịu những sự giam cầm hoặc khi chúng ta đau khổ. Giữa những giông tố cuộc đời, Thiên Chúa luôn mở rộng vòng tay Ngài cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những mối đe dọa. Hình ảnh này thật đẹp! Trong sách Đệ Nhị Luật, có một trích đoạn rất đẹp, trong đó vị Ngôn sứ nói với dân chúng: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta?” Không dân tộc nào cả, chỉ có chúng ta mới được ân sủng này là có Chúa ở gần chúng ta. Chúng ta trông đợi Đức Chúa, chúng ta hy vọng rằng Người mặc khải Người, nhưng Người cũng hy vọng rằng chúng ta bày tỏ chính bản thân chúng ta cho Người!

Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Đức nữ của sự mong đợi, đồng hành với những bước đi của chúng ta vào đầu năm phụng vụ mới này và giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ của người môn đệ của Chúa Giêsu mà Thánh Tông đồ Phêrô đã nói rõ. Và nhiệm vụ này là gì? Đó là giải thích cho niềm hy vọng trong chúng ta (xem 1 Pr 3:15).

________________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha xin bày tỏ sự gần gũi với những người dân Trung Mỹ, bị ảnh hưởng bởi những cơn bão mạnh. Đặc biệt, cha nhớ đến Đảo San Andrés, Providencia, và Santa Catalina, cũng như vùng ven biển Thái Bình Dương thuộc bắc Colombia. Cha cầu nguyện cho tất cả các quốc gia đang gánh chịu hậu quả của những thảm họa này.

Cha xin gửi lời chào nồng ấm tới anh chị em, những tín hữu của Roma, và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, cha gửi lời chào đến những anh chị em đã đến nhân dịp Công nghị tấn phong các Tân Hồng y diễn ra chiều hôm qua, rất tiếc với số lượng rất hạn chế. Chúng ta hãy cầu nguyện cho 13 thành viên mới của Hồng Y Đoàn.

Xin chúc tất cả anh chị em Chúa Nhật phúc lành và một hành trình Mùa Vọng đầy ơn phúc. Chúng ta hãy cố gắng mang đến những điều tốt đẹp ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn mà đại dịch đang đổ xuống trên chúng ta: sự tỉnh thức hơn, chân thành và tôn trọng những người gặp khó khăn, cũng cần có lời cầu nguyện trong gia đình, với sự đơn sơ. Ba điều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều: tỉnh thức hơn, chân thành và tôn trọng những người gặp khó khăn, và rất quan trọng là cần có những thời gian cầu nguyện trong gia đình, với sự đơn sơ. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.

© Vatican Media


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/11/2020]


Thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới được trao cho giới trẻ Bồ Đào Nha trước đại hội quốc tế

Thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới được trao cho giới trẻ Bồ Đào Nha trước đại hội quốc tế

Thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới được trao cho giới trẻ Bồ Đào Nha trước đại hội quốc tế
Các bạn trẻ giữ thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới tại Panama tháng Một năm 2019. Credit: Vatican Media.

Hannah Brockhaus

Vatican City, 22 tháng Mười Một, 2020 / 04:27 am MT (CNA). - Đức Thánh Cha Phanxicô dâng thánh Lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa nhật, và sau đó chứng kiến việc chuyển giao theo truyền thống thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới và linh ảnh Đức Mẹ cho một phái đoàn đến từ Bồ Đào Nha.

Vào cuối Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ngày 22 tháng Mười Một, cây thánh giá của Ngày Giới trẻ Thế giới và linh ảnh Đức Maria Salus Populi Romani đã được các bạn trẻ Panama trao cho một nhóm các bạn trẻ đến từ Bồ Đào Nha.

Sự kiện này diễn ra trước Ngày Giới trẻ Thế giới quốc tế lần thứ 16, sẽ được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha vào tháng Tám năm 2023. Đại hội giới trẻ quốc tế gần đây nhất diễn ra tại Panama vào tháng Một năm 2019.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Đây là một bước quan trọng trong cuộc hành hương sẽ dẫn đưa chúng ta đến Lisbon vào năm 2023”.

Thánh giá đơn sơ bằng gỗ đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trao cho giới trẻ vào năm 1984 khi bế mạc Năm Thánh Cứu Độ.

Ngài nói với các bạn trẻ “hãy mang thập giá đi khắp thế giới như một biểu tượng tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại, và công bố với mọi người rằng chỉ trong Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại từ cõi chết, thì ơn cứu độ và sự cứu chuộc mới được tìm thấy.”

Trong 36 năm qua, thánh giá đã đi khắp thế giới, được các bạn trẻ vác theo trong các cuộc hành hương và rước kiệu, cũng như vào mỗi dịp Ngày Giới trẻ Thế giới cấp quốc tế.

Cây thánh giá cao 12 bộ (hơn 3,8 mét) được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, bao gồm Thánh giá Giới trẻ, Thánh giá Năm Thánh, và Thánh giá Hành hương.

Cây thánh giá và linh ảnh thường được trao cho các bạn trẻ của đất nước sẽ đăng cai Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo vào Chúa nhật Lễ Lá, cũng là Ngày Giới trẻ cấp Giáo phận, nhưng do đại dịch coronavirus, sự chuyển giao đã được hoãn lại đến Lễ Chúa Kitô Vua.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thông báo vào ngày 22 tháng Mười Một rằng ngài quyết định chuyển ngày lễ giới trẻ cấp giáo phận thường niên từ Chúa Nhật Lễ Lá sang Chúa Nhật Chúa Kitô Vua, bắt đầu từ năm sau.

Ngài nói: “Trung tâm của lễ cử hành vẫn là Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc Nhân loại, như Thánh Gioan Phaolô II, người khởi xướng và là bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới.”

Vào tháng Mười, Ngày Giới trẻ Thế giới Lisbon ra mắt website và logo.

Bản thiết kế mô tả Đức Trinh nữ Maria phía trước một thánh giá, được tạo ra bởi Beatriz Roque Antunes, người thanh niên 24 tuổi làm việc tại một công ty truyền thông ở Lisbon.

Logo Đức Mẹ được thiết kế để truyền tải chủ đề Ngày Giới trẻ Thế giới do Đức Thánh Cha Phanxicô lựa chọn: “Đức Maria đứng dậy và vội vã lên đường”, trích từ trình thuật của Thánh Luca về chuyến viếng thăm của Đức Trinh Nữ Maria với người chị họ là Êlisabét sau biến cố Truyền tin.

Trong bài giảng Thánh lễ ngày 22 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha Phanxicô động viên các bạn trẻ hãy làm những việc lớn lao cho Chúa, thực hiện các Mối Phúc Thương xót, và đưa ra những lựa chọn khôn ngoan.

Ngài nói: “Giới trẻ các con thân yêu, anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ lớn lao. Chúng ta đừng miễn cưỡng chấp nhận những gì cần thiết. Thiên Chúa không muốn chúng ta thu hẹp những chân trời của mình, hoặc tiếp tục dừng lại bên những lề đường cuộc sống. Người muốn chúng ta chạy đua một cách táo bạo và hân hoan hướng tới những mục tiêu cao cả.”

Ngài nói: “Chúng ta không được tạo dựng để mơ ước về những kỳ nghỉ hè hay nghỉ cuối tuần, mà là để làm cho những ước mơ của Thiên Chúa thành hiện thực trên thế giới này”.

Đức Phanxico tiếp tục, “Chúa làm cho chúng ta có khả năng mơ ước để chúng ta có thể ôm lấy vẻ đẹp của cuộc sống. Những mối phúc thương xót là những công việc đẹp nhất trong cuộc đời. Nếu các con đang mơ về vinh quang đích thực, không phải vinh quang của thế giới chóng qua này mà là vinh quang của Thiên Chúa, thì đây là con đường để đi theo. Vì những mối phúc thương xót đem lại vinh hiển cho Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác.”

Ngài nói, “Nếu chúng ta chọn Chúa, mỗi ngày chúng ta càng lớn lên trong tình yêu của Ngài, và nếu chúng ta chọn yêu thương tha nhân thì chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc thực sự. Vì vẻ đẹp của những lựa chọn của chúng ta phụ thuộc vào tình yêu.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/11/2020]