Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Tạo vật

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Tạo vật
Vatican Media Screenshot

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Tạo vật

‘Mỗi người nam nữ Ki-tô hữu, mọi thành viên của gia đình nhân loại, hoạt động như một sợi chỉ mảnh nhưng là độc nhất và không thể thiếu được trong việc đan dệt nên một mạng lưới sự sống ôm trọn lấy mọi người’

01 tháng Chín, 2019 14:15

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Tạo vật lần Thứ Năm được công bố sáng nay.


***

“Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1:25). Ánh mắt nhìn của Thiên Chúa ngay từ khởi đầu Kinh Thánh, đã tỏ lộ đầy sự yêu thương dành cho tạo vật của Người. Từ vùng đất sinh sống đến những dòng nước trao ban sự sống, từ những loại cây sinh hoa quả đến những loài động vật cùng chia sẻ ngôi nhà chung của chúng ta, mọi thứ đều rất thân thương trong con mắt của Thiên Chúa, Đấng trao tặng tạo vật cho con người như một món quà quý báu để gìn giữ.

Thật đáng buồn, sự đáp lời của con người trước món quà này được đánh dấu bởi tội, bởi tính ích kỷ và tham lam thèm muốn sở hữu và bóc lột. Tính ích kỷ và tư lợi đã biến tạo vật, là một nơi để gặp gỡ và chia sẻ, thành một đấu trường cho sự cạnh tranh và xung đột. Theo con đường này, môi trường đang ở trong tình trạng nguy hiểm: những điều là tốt đẹp trong con mắt của Thiên Chúa giờ đây trở thành những điều để bóc lột trong bàn tay con người. Sự suy thoái đã gia tăng trong những thập niên gần đây: ô nhiễm liên tục, tiếp tục sử dụng những loại nhiên liệu hóa thạch, khai thác nông nghiệp quá mức và sự phá rừng đang làm cho nhiệt độ tăng toàn cầu vượt trên những mức độ an toàn. Sự gia tăng về tần suất và cường độ của những hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng sa mạc hóa đất trồng đang tạo ra sự khổ cực rất lớn cho những anh chị em dễ bị xúc phạm nhất giữa chúng ta. Sự tan băng, sự khan hiếm nước, sự bỏ bê những lưu vực sông và việc xả thải tràn lan các loại nhựa và hạt nhựa trong các đại dương cũng gây ra những vấn đề tương tự, và cho thấy tính cấp bách phải có sự can thiệp và không thể trì hoãn. Chúng ta đã gây ra một tình trạng khẩn cấp về khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến thiên nhiên và chính sự sống, gồm cả sự sống của chúng ta.

Nói chung, chúng ta đã quên mình là ai: là những tạo vật được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1:27) và được kêu gọi sống như anh chị em của nhau trong một ngôi nhà chung. Chúng ta được tạo dựng không để trở thành những bạo chúa, nhưng để trở thành trung tâm của một mạng lưới sự sống được xây dựng bởi hàng triệu chủng loài đan kết đầy yêu thương với nhau cho chúng ta bởi Đấng Tạo hóa. Bây giờ là thời gian để tái khám phá ơn gọi làm con cái Thiên Chúa của chúng ta, là anh chị em, và là những người quản lý tạo vật. Bây giờ là thời gian để ăn năn, để hoán cải và để trở về nguồn cội của chúng ta. Chúng ta là những tạo vật được Thiên Chúa yêu thương, là Đấng trong sự toàn thiện của Người kêu gọi chúng ta yêu thương sự sống và sống đời sống trong sự hòa hợp với mọi loài tạo vật.

Vì lý do này, cha mạnh mẽ động viên các tín hữu trong những ngày này hãy cầu nguyện để cử hành như là một Mùa của Tạo vật, nhờ kết quả của sáng kiến đại kết kịp thời. Mùa của sự cầu nguyện và nỗ lực tăng cao cho ngôi nhà chung của chúng ta bắt đầu từ hôm nay ngày 1 tháng Chín, là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Tạo vật, và kết thúc vào ngày 4 tháng Mười, Lễ Thánh Phanxico Assisi. Nó là một cơ hội để đến gần hơn những anh chị em của chúng ta thuộc các nền tảng Ki-tô giáo khác nhau. Cha đặc biệt nghĩ đến các tín hữu Chính thống giáo, là những anh chị em đã cử hành Ngày này suốt ba mươi năm qua. Trong cuộc khủng hoảng môi sinh làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người, chúng ta cũng hãy tiến đến gần hơn tất cả những người nam và nữ thiện chí, được kêu gọi để thúc đẩy sự quản lý mạng lưới sự sống mà chúng ta là một phần trong đó.

Đây là mùa cho phép lời cầu nguyện của chúng ta một lần nữa được khơi nguồn cảm hứng bởi việc gần gũi với thiên nhiên, đồng thời dẫn đưa chúng ta biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa. Thánh Bonaventure, là chứng nhân hùng hồn cho sự thông thái của Thánh Phanxico, nói rằng tạo vật là “quyển sách” đầu tiên mà Thiên Chúa mở ra trước mắt chúng ta, để biết ngạc nhiên trước trật tự của nó, sự đa dạng và vẻ đẹp của nó, chúng ta biết yêu mến và ngợi khen Đấng Tạo dựng nên chúng (x. Breviloquium, II, 5, 11). Trong quyển sách này, mỗi tạo vật trở thành “một lời của Thiên Chúa” cho chúng ta (x. Commentarius in Librum Ecclesiastes, I, 2). Trong sự thinh lặng cầu nguyện, chúng ta có thể nghe thấy bản hòa tấu của tạo vật kêu gọi chúng ta hãy từ bỏ thái độ xem mình là trung tâm để cảm nhận được sự bao dung của tình yêu dịu hiền của Chúa Cha và chia sẻ niềm vui của những ân ban mà chúng ta đã đón nhận. Chúng ta thậm chí có thể nói rằng tạo vật, một mạng lưới của sự sống, là nơi của sự gặp gỡ với Thiên Chúa và gặp gỡ nhau, là “‘mạng lưới xã hội’ của riêng Thiên Chúa” (Tiếp kiến dành cho các Hướng dẫn viên và Hướng đạo sinh của Châu Âu, 3 tháng Tám, 2019). Thiên nhiên truyền cảm hứng cho chúng ta cất bài ca ngợi khen vũ trụ dâng lên Đấng Tạo dựng bằng những lời của Sách Thánh: “Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn” (Dan 3:76 Vg).

Nó cũng là một mùa để suy tư về cách sống của chúng ta, và về cách thức những quyết định hàng ngày của chúng ta về thực phẩm, về sự tiêu dùng, việc đi lại, sử dụng nước, năng lượng và nhiều sản phẩm khác, có thể thường hay rất khinh suất và có hại. Rất nhiều người chúng ta hành động như những bạo chúa đối với tạo vật. Chúng ta hãy cố gắng để thay đổi và chấp nhận những cách sống đơn giản hơn và biết tôn trọng hơn! Bây giờ là thời gian để chúng ta từ bỏ sự lệ thuộc vào những nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng đến những loại năng lượng sạch và một nền kinh tế tuần hoàn và bền vững thật nhanh và dứt khoát. Chúng ta cũng hãy học cách lắng nghe các dân tộc thổ dân, mà sự thông thái cổ xưa của họ có thể dạy cho chúng ta cách sống một mối quan hệ tốt hơn với môi trường.

Và đây cũng là một mùa để thực hiện những hành động mang tính ngôn sứ. Nhiều người trẻ trên khắp thế giới đang làm cho tiếng nói của họ được nghe thấy và kêu gọi những quyết định can đảm. Họ cảm thấy thất vọng bởi quá nhiều lời hứa không được thực hiện, bởi những cam kết được đưa ra rồi lại bỏ qua vì những lợi lộc ích kỷ hoặc mang tính thủ đoạn. Người trẻ nhắc chúng ta nhớ rằng trái đất không phải là một nơi để chiếm hữu rồi lãng phí, nhưng là một sự thừa kế để truyền lại. Họ nhắc chúng ta nhớ rằng niềm hy vọng cho ngày mai không phải là một cảm xúc cao thượng, nhưng là một trách vụ đòi hỏi những hành động cụ thể ở đây và ngay bây giờ. Chúng ta nợ họ những câu trả lời thật, không phải là những lời trống rỗng, những hành động chứ không phải là những ảo tưởng.

Những lời cầu nguyện và thỉnh cầu của chúng ta trước hết hướng đến việc nâng cao ý thức của những nhà lãnh đạo chính trị và dân sự. Tôi đặc biệt nghĩ đến những chính phủ sẽ gặp gỡ trong những tháng sắp tới để làm mới lại cam kết quyết tâm dẫn đưa hành tinh của chúng ta đến với sự sống, không phải đến với cái chết. Những lời sau đây của ông Môi-sê công bố như là một chúc thư tinh thần cho dân tộc khi tiến vào Đất Hứa phải luôn ghi nhớ: “Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống” (Đnl 3:19). Chúng ta có thể áp dụng những lời ngôn sứ này cho bản thân mình và cho tình hình trái đất của chúng ta. Chúng ta hãy chọn sự sống! Chúng ta hãy nói “không” với chủ nghĩa hưởng thụ tham lam và với ảo tưởng về quyền năng vô hạn, vì đó là những con đường dẫn đến sự chết. Chúng ta hãy khởi động những tiến trình nhìn xa trông rộng cho sự sống ngày mai. Chúng ta đừng bảo thủ trong luận lý ngoan cố của tính lợi nhuận nhanh chóng, nhưng hãy nhìn đến tương lai chung của chúng ta!

Liên quan đến vấn đề này, Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về Khí hậu của Liên hợp quốc sắp tới mang tầm quan trọng rất lớn. Tại đó, các chính phủ sẽ có trách nhiệm thể hiện ý chí chính trị của mình để đưa ra những biện pháp quyết liệt để đạt được những mức độ khí thải nhà kính bằng “0” càng nhanh càng tốt và giới hạn sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức độ 1,5 độ C so với những mức độ trước cách mạng công nghiệp, phù hợp với những mục tiêu của Hiệp ước Paris. Tháng Mười sắp tới, vùng Amazon, một vùng lãnh thổ bị đe dọa nặng nề, sẽ là chủ đề của Đại hội đồng Đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục. Chúng ta hãy tận dụng những cơ hội này để trả lời cho tiếng khóc của người nghèo và của trái đất!

Mỗi người nam nữ Ki-tô hữu, mọi thành viên của gia đình nhân loại, hoạt động như một sợi chỉ mảnh nhưng là độc nhất và không thể thiếu được trong việc đan dệt nên một mạng lưới sự sống ôm trọn lấy mọi người. Ước mong rằng chúng ta cảm thấy bị thúc bách để mang lấy trách nhiệm chăm sóc tạo vật bằng lời cầu nguyện và cam kết của chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa, “là Đấng yêu sự sống” (Kn 11:26), ban cho chúng ta lòng can đảm để làm việc thiện mà không chờ đợi người khác bắt đầu, hoặc cho tới khi quá muộn.

Viết từ Vatican, 1 tháng Chín 2019

FRANCIS

© Copyright – Libreria Editrice Vaticana



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/9/2019]


Tại sao Đức Thánh Cha đeo một dải thắt lưng?

Tại sao Đức Thánh Cha đeo một dải thắt lưng?

Tại sao Đức Thánh Cha đeo một dải thắt lưng?

28 tháng Tám, 2019

Nó không đơn giản chỉ để giữ cho áo chùng của ngài được gọn ghẽ, nhưng thật ra có ý nghĩa rất sâu sắc

Khi đức giáo hoàng không dâng Lễ, ngài thường mặc một áo chùng trắng với một dải thắt lưng lớn màu trắng ngang thắt lưng của ngài. Tại sao?

Về thuật ngữ thì dải thắt lưng này được gọi là fascia, và được tất cả các thành viên giáo sĩ Công giáo theo Nghi Lễ Roma đeo từ năm 1624. Trong khi lúc đầu nó có mục đích thiết thực, rồi dải thắt lưng fascia này nhanh chóng được xem là biểu tượng tinh thần.

Theo tác giả James-Charles Noonan, Jr., trong quyển sách The Church Visible, “Đức Urban VIII chỉ thị việc sử dụng nó như một biểu tượng của cam kết sống đời tận hiến cho Đức Ki-tô.”

Cũng vậy, dải thắt lưng mang tính tượng trưng tương tự như dây thắt lưng (một dây thừng đơn sơ) được các linh mục thắt bên ngoài áo chùng trắng khi dâng Lễ.

Văn phòng cử hành các Nghi thức Phụng vụ của Đức Thánh Cha Phanxico giải thích về tính biểu tượng và lời nguyện được đọc trước khi đeo dây thắt lưng.

Dải dây lưng hoặc dây thắt lưng được thắt phía ngoài áo chùng và quanh thắt lưng, một dây được làm bằng len hoặc chất liệu phù hợp khác được sử dụng như một dây lưng … Theo ý nghĩa tượng trưng của các lễ phục phụng vụ thì dải thắt lưng tượng trưng cho đức tiết độ, đức tính mà Thánh Phaolo kể ra trong số những hoa trái của Thần Khí (x. Gl 5:22).

Lời nguyện đi theo, lấy ý trong thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô (1:13), nguyện rằng … “Lạy Chúa, xin thắt lưng con bằng dây thắt lưng của đức thanh sạch, và dập tắt trong tâm hồn con ngọn lửa của nhục dục, để đức khiết tịnh và trinh trong có thể ở lại trong con.”

Đức giáo hoàng và nhiều thành viên giáo sĩ khác đeo dải dây lưng fascia như là một sự nhắc nhở cam kết của các ngài với Đức Ki-tô và lời khấn đời độc thân.

Quả thật, mọi lễ phục mà giáo hoàng mặc đều có tính biểu tượng mạnh mẽ và không chỉ được chọn vì những lý do thực tế đơn giản, nhưng để nhắc nhở ngài và tín hữu về những trách vụ tinh thần của ngài.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/8/2019]