Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 16 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 16 tháng 10, 2022


Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 16 tháng Mười, 2022

*******

Lúc 12 giờ trưa nay, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin:

____________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay kết thúc bằng một câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra gây băn khoăn: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8) Gần như Ngài đang hỏi rằng: “Khi Ta đến vào ngày sau hết” – hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ rằng ngay cả bây giờ, vào lúc này của cuộc đời – “Ta có tìm được chút lòng tin nơi các con không, trong thế giới của các con hay không?” Đây là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng ngày hôm nay Chúa đến trên mặt đất. Thật đáng buồn, Ngài sẽ chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, nhiều sự nghèo đói và nhiều bất bình đẳng. Đồng thời, Ngài cũng nhìn thấy những cuộc chinh phục kỹ thuật to lớn, những phương tiện hiện đại, và những con người luôn phải chạy, không bao giờ dừng lại. Nhưng liệu Ngài có tìm được một ai đó dành thời gian và tình cảm cho Ngài không, một ai đó đặt Ngài ở vị trí đầu tiên không? Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi mình, “Người sẽ tìm thấy gì trong tôi, nếu Chúa đến ngày hôm nay, Người sẽ tìm thấy gì trong tôi, trong cuộc đời tôi, trong tâm hồn tôi? Người sẽ nhìn thấy những ưu tiên nào trong cuộc sống của tôi?”

Chúng ta thường tập trung vào quá nhiều việc cấp bách nhưng lại không cần thiết. Chúng ta để cho bản thân vô cùng bận rộn với quá nhiều thực tại thứ yếu. Và có lẽ thậm chí không nhận ra điều đó, chúng ta bỏ qua những gì là quan trọng nhất và để cho tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa trở nên nguội lạnh, nguội lạnh từng chút một. Hôm nay, Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta phương thuốc để làm bừng cháy lại một đức tin hờ hững. Và phương thuốc đó là gì? Cầu nguyện. Vâng, cầu nguyện là liều thuốc cho đức tin, nó là sự bổ dưỡng cho tâm hồn. Tuy nhiên, nó phải là sự cầu nguyện liên lỷ. Nếu chúng ta trải qua liệu pháp điều trị để được khỏi bệnh, điều quan trọng là phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, dùng thuốc đều đặn, đúng cách và đúng thời gian. Điều này là cần thiết trong suốt cuộc đời. Chúng ta hãy nghĩ đến một cây kiểng trồng trong nhà: chúng ta cần tưới nước liên tục mỗi ngày. Chúng ta không thể ngâm nó vào nước và sau đó không tưới nước cho nó trong một tuần! Việc cầu nguyện còn hơn thế. Chúng ta không thể chỉ sống trong những giây phút cầu nguyện tha thiết hoặc những cuộc gặp gỡ đôi khi mới xảy ra, và sau đó “đi vào giấc ngủ”. Niềm tin của chúng ta sẽ khô cạn. Chúng ta cần nước cầu nguyện hàng ngày, chúng ta cần thời gian dành riêng cho Thiên Chúa, để Ngài có thể đi vào thời gian của chúng ta, đi vào cuộc sống của chúng ta; chúng ta cần những khoảng thời gian nhất định, trong đó chúng ta mở lòng với Chúa để Người có thể tuôn đổ trên chúng ta tình yêu, sự bình an, niềm vui, sức mạnh, niềm hy vọng mỗi ngày, nhờ đó nuôi dưỡng đức tin của chúng ta.

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ – với tất cả mọi người, không chỉ cho một số người! – “để họ phải cầu nguyện luôn và không nản chí” (câu 1). Bây giờ có thể có người phản đối: “Nhưng, làm sao tôi có thể làm việc đó? Tôi không sống trong tu viện. Tôi không có nhiều thời gian để cầu nguyện!” Có lẽ một cách thực hành tu đức đầy khôn ngoan dành cho tình trạng khó khăn thực sự này mà những người cao tuổi biết rõ, đặc biệt là ông bà của chúng ta, có thể trợ giúp chúng ta, điều đã bị lãng quên ngày nay. Cách này được gọi là những lời nguyện tắt. Tên gọi này hơi cổ, nhưng thực chất thì tốt. Những lời nguyện đó là gì? Chúng là những lời cầu nguyện rất ngắn, dễ nhớ, có thể được lặp đi lặp lại thường xuyên trong ngày, trong các hoạt động khác nhau, để luôn được “kết hiệp” với Chúa. Ví dụ, ngay khi thức dậy, chúng ta có thể thưa: “Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa và con xin dâng ngày này cho Chúa”. Đây là một lời cầu nguyện vắn tắt. Rồi trước một hoạt động, chúng ta có thể lặp lại, “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Giữa điều này và điều khác, chúng ta có thể cầu nguyện như sau, “Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”. Những lời cầu nguyện ngắn giúp chúng ta kết hiệp với Chúa. Chúng ta thường gửi tin nhắn liên tục cho người chúng ta yêu thương như thế nào! Thì chúng ta cũng hãy làm điều đó với Chúa để tâm hồn của chúng ta vẫn kết nối với Ngài. Và đừng quên đọc câu trả lời của Ngài. Chúa luôn trả lời. Chúng ta tìm câu trả lời đó ở đâu? Trong Tin Mừng mà chúng luôn giữ bên mình và nên được mở ra nhiều lần mỗi ngày, để đón nhận Lời sự sống gửi đến chúng ta.

Và hãy trở lại với lời khuyên mà cha đã nhiều lần đưa ra – hãy mang theo một quyển Tin mừng bỏ túi để trong túi hoặc trong ví của anh chị em. Và anh chị em có một phút rảnh tay, hãy mở ra và đọc, và Chúa sẽ đáp lời.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh, một người lắng nghe trung thành, dạy chúng ta nghệ thuật luôn cầu nguyện, không nản chí.

_____________________________________


Sau Kinh truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Ngày 10 tháng Mười năm ngoái đã khai mạc giai đoạn thứ nhất của Đại Hội đồng chung Thông thường của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI với chủ đề “Vì một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”. Từ đó, giai đoạn đầu của Thượng Hội đồng đang được thực hiện trong các Giáo hội địa phương thông qua việc lắng nghe và phân định. Hoa trái của tiến trình hiệp hành đang diễn ra thì rất nhiều, nhưng để chúng có thể đạt đến độ chín mùi, không cần thiết phải vội vàng. Vì vậy, để có thời gian phân định kỹ càng hơn, tôi đã chính thức thiết lập Đại hội đồng này sẽ diễn ra trong hai phiên họp. Phiên đầu tiên từ ngày 4 đến ngày 29 tháng Mười năm 2023, và phiên thứ hai vào tháng Mười năm 2024. Tôi tin rằng quyết định này sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về tính thượng hội đồng như một chiều kích cấu thành của Giáo hội, và giúp mọi người sống nó như cuộc hành trình của những anh chị em loan báo niềm vui của Tin Mừng.

Hôm nay, tại Boves (Cuneo), các Cha Giuseppe Bernardi và Mario Ghibaudo – cha sở và cha phó, bị giết vì thù ghét đức tin vào năm 1943 – sẽ được tuyên phong Chân phước. Trong cơn nguy biến tột cùng, các ngài đã không bỏ rơi người dân được giao phó mà còn trợ giúp họ đến mức đổ máu mình, chia sẻ thân phận bi thảm của những người dân trong thị trấn bị Đức Quốc xã giết hại. Xin cho gương sáng của các ngài khơi dậy trong các linh mục ước muốn trở thành những mục tử theo Thánh tâm Chúa Kitô, luôn ở bên cạnh người dân của mình. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô hai vị tân Chân phước!

Thứ Ba này, ngày 18 tháng Mười, Tổ chức “Aid to the Church in Need” tiến hành chiến dịch “Một triệu trẻ em cầu nguyện Kinh Mân Côi”. Cha cảm ơn tất cả các thiếu nhi tham gia! Chúng ta cùng hiệp thông với các thiếu nhi và phó thác những người dân đau khổ của Ukraine, và những người khác đang chịu đau khổ do chiến tranh và mọi hình thức bạo lực và khốn khó, cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ.

Về sự khốn khó, ngày mai là Ngày Quốc tế Xóa nghèo. Mọi người đều có thể chung tay hướng tới một xã hội nơi không ai cảm thấy bị loại trừ vì họ nghèo.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em người Roma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hội đoàn. Đặc biệt, cha xin chào ban nhạc đến từ Freiburg mà cha đã được thưởng thức. Các bạn chơi rất hay! Ca đoàn “Comelico” đến từ Santo Stefano di Cadore và Hiệp hội Đạo binh Đức Mẹ, và đại diện của Liên đoàn các tổ chức kinh doanh Tây Ban Nha và Liên đoàn lao động tự do Tây Ban Nha. Cha cũng gửi lời chào đến anh chị em đang hiện diện đến từ Chajarí, tỉnh Entre Ríos (Argentina). Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2022]


Một tu viện được bao quanh bởi ba ngọn núi lửa

Một tu viện được bao quanh bởi ba ngọn núi lửa

Một tu viện được bao quanh bởi ba ngọn núi lửa

Shutterstock

Daniel Esparza 

09/10/22


Tu viện Santa Catalina ở thành phố Arequipa, Perú, nằm ở điểm giao của các ngọn núi lửa Misti, Pichu Pichu và Chachani.

Thành phố Arequipa của Peru còn được gọi là “Thành phố Trắng” vì những vỉa hè rải sỏi trắng. Từ thời thuộc địa, amalgam gọi là sillar hoặc ashlar, được làm chủ yếu từ đá núi lửa, đã được sử dụng như đá lát mặt đường. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Arequipa nằm dưới chân ba ngọn núi lửa (Misti, Pichu Pichu và Chachana) và hãnh diện sử dụng câu nói của nhà thi sĩ nổi tiếng của địa phương, Jorge Polar, làm một câu phương châm — “Người ta không sinh ra dưới chân một núi lửa cách tình cờ”.

Ngay tại trung tâm của thành phố thuộc địa tráng lệ này, người ta tìm thấy một trong những tu viện lớn nhất của lục địa: Tu viên Dòng Đa Minh Santa Catalina, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2000. Xây dựng từ thời thuộc địa vào năm 1579 (khi Perú là phó vương quốc, vẫn còn là một phần của Đế quốc Tây Ban Nha), phần lớn các bức tường của tu viện được xây bởi cùng một loại đá núi lửa trắng, và sau đó được sơn màu sáng.

Một tu viện được bao quanh bởi ba ngọn núi lửa

Xây dựng từ thời thuộc địa vào năm 1579, phần lớn các bức tường của tu viện được xây dựng bởi cùng một loại đá núi lửa trắng, và sau đó được sơn màu sáng

Lễ thánh hiến Tu viện Santa Catalina ở Arequipa diễn ra vào tháng Mười năm 1580, với một Thánh Lễ Hát. Tu viện đã nhận các tập sinh từ một số gia đình nổi tiếng nhất của thành phố, cả người Châu Âu và người bản địa – hồ sơ ghi lại một số người con gái của các curacas (Tù trưởng dân bản địa) địa phương cũng gia nhập tu viện trở thành các nữ tu. Tu viện cũng được sử dụng như một dưỡng trí viện, và như một trường học cho trẻ em quý tộc. Tu viện ngày nay vẫn là nơi lưu giữ những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc và các đồ phụng tự vô giá của thời thuộc địa.

Một phần nhánh cũ của tu viện (rộng như một thị trấn nhỏ) được mở cửa cho công chúng vào năm 1970, khi một cơ sở mới được xây dựng cho khoảng 20 nữ tu vẫn sống ở đó.


Chân phước Sor Ana de Los Ángeles

Chân phước Ana Monteagudo Ponce De León được gửi đến tu viện khi mới ba tuổi, để được huấn giáo về đạo đức và tôn giáo. Khi tròn 10 tuổi, chân phước được yêu cầu rời tu viện và trở về nhà để được giáo dục theo con đường khác, để cuối cùng có thể trở thành cô dâu thích hợp cho một nhà quý tộc địa phương. Đó là lúc Chân phước nhận được thị kiến về Thánh Catherine thành Siena.

Ana trở lại tu viện, trái với mong muốn của cha mẹ, và trở thành một tập sinh. Cuối cùng, chị trở thành mẹ bề trên của tu viện và được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1985.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/10/2022]