Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 6.9.2023: Chuyến Tông du đến Mông Cổ

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Được kêu gọi mở rộng ranh giới trong cái nhìn của chúng ta”

Tiếp kiến chung: Bài Giáo lý. Chuyến Tông du đến Mông Cổ

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 6.9.2023: Chuyến Tông du đến Mông Cổ

Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy ngẫm về chuyến tông du mới đây của ngài tới Mông Cổ.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng những ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào riêng tới các tín hữu hiện diện.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa thánh.
______________________________________


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm thứ Hai cha từ Mông Cổ trở về. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với những anh chị em đã đồng hành cùng cha trong chuyến viếng thăm bằng lời cầu nguyện, và lặp lại lòng biết ơn đối với các giới chức chính quyền, những người đã chào đón tôi cách long trọng: đặc biệt là Ngài Tổng thống Khürelsükh, và cả ngài cựu Tổng thống Enkhbayer, người đã gửi cho tôi lời mời chính thức đến thăm đất nước. Tôi thật vui mừng khi nghĩ lại về Giáo hội địa phương và người dân Mông Cổ: một dân tộc cao quý và khôn ngoan, đã thể hiện sự ấm áp và tình cảm sâu sắc đối với tôi. Hôm nay cha muốn đưa anh chị em đến trung tâm của cuộc hành trình này.

Có thể có người đặt câu hỏi: tại sao Đức Giáo hoàng lại đến thăm một đoàn chiên nhỏ bé xa xôi? Bởi vì chính ở đó, cách xa ánh đèn sân khấu, chúng ta thường tìm thấy những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không nhìn vào những vẻ bề ngoài mà nhìn vào tâm hồn, như chúng ta đã nghe trong trích đoạn của tiên tri Samuel (x. 1 Sm 16:7). Chúa không tìm kiếm sân khấu trung tâm, nhưng tìm kiếm tâm hồn đơn sơ của những ai khao khát Ngài và yêu mến Ngài mà không phô trương, không muốn vượt lên trên những người khác. Và cha đã gặp được ở Mông Cổ một Giáo hội khiêm nhường và một Giáo hội vui tươi, ở trong trái tim của Thiên Chúa, và cha có thể làm chứng cho niềm vui của họ khi họ cũng ở trung tâm của Giáo hội trong ít ngày.

Cộng đồng đó có một lịch sử rất xúc động. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nó xảy ra từ lòng nhiệt thành tông đồ – vấn đề mà chúng ta đang suy ngẫm trong thời gian này – của một số nhà truyền giáo say mê Tin Mừng đã đến đất nước mà họ không hề biết tới cách đây khoảng ba mươi năm. Họ đã học ngôn ngữ – một điều không hề dễ dàng – và cho dù đến từ những quốc gia khác nhau, đã mang đến sức sống cho một cộng đoàn thật sự Công giáo và hiệp nhất. Thật vậy, đây chính là ý nghĩa của từ “công giáo” (catholic), có nghĩa là “phổ quát”. Nhưng tính phổ quát này không phải là đồng nhất hóa, mà là tính phổ quát hội nhập văn hóa, nó là tính phổ quát được hội nhập văn hóa. Đây là tính công giáo: một tính phổ quát hội nhập, “hội nhập văn hóa”, ôm lấy những điều tốt đẹp ở nơi nó đến và phục vụ những người mà nó cùng chung sống. Đây là cách Giáo hội sống: làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu một cách hiền lành, bằng đời sống hơn là bằng lời nói, hạnh phúc với sự phong phú đích thực của nó: phục vụ Chúa và anh em.

Giáo hội non trẻ đó đã được sinh ra theo cách như vậy: trong tinh thần bác ái là chứng tá tốt nhất cho đức tin. Cuối chuyến thăm, tôi thật vui khi làm phép khánh thành “Nhà của Lòng Thương xót”, công trình từ thiện đầu tiên được thành lập ở Mông Cổ như một biểu hiện cho tất cả các thành phần của Giáo hội địa phương. Một ngôi nhà là danh thiếp của người Kitô hữu ở đó, nhưng là ngôi nhà yêu cầu mỗi cộng đồng của chúng ta hãy trở thành một ngôi nhà của lòng thương xót: nghĩa là một nơi rộng mở, một nơi chào đón, nơi mà những đau khổ của mỗi người đều có thể bước vào mà không xấu hổ khi tiếp xúc với lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót nâng lên và chữa lành. Đây là chứng tá của Giáo hội Mông Cổ, với các nhà truyền giáo từ nhiều quốc gia khác nhau đến, những người trở nên một với người dân, vui vẻ phục vụ họ và khám phá vẻ đẹp vốn có ở đó. Vì những nhà truyền giáo này không đi chiêu mộ tín đồ; điều này không thuộc Tin mừng. Họ đến sống ở đó giống như người Mông Cổ, nói ngôn ngữ của người dân, ngôn ngữ của dân tộc đó, đón lấy những giá trị của dân tộc đó và rao giảng Tin Mừng theo phong cách người Mông Cổ, bằng những lời của tiếng Mông Cổ. Họ ra đi và được “hội nhập văn hóa”: họ tiếp nhận nền văn hóa Mông Cổ để loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa đó.

Tôi đã có thể khám phá nét đẹp này, bằng cách gặp gỡ một số người, lắng nghe những câu chuyện của họ, đánh giá cao việc tìm kiếm tôn giáo của họ. Về vấn đề này, tôi xin tri ân cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết vào Chúa nhật tuần trước. Mông Cổ có truyền thống Phật giáo rất lớn, với nhiều người sống tôn giáo của họ một cách chân thành và triệt để, trong lặng lẽ, qua lòng vị tha và làm chủ được đam mê của bản thân. Chúng ta hãy nghĩ đến biết bao hạt giống tốt lành âm thầm đã làm cho khu vườn thế giới nảy nở, trong khi chúng ta thường chỉ nghe thấy những tiếng cây đổ! Và đây là một… dân tộc, chúng ta cũng vậy, giống như một vụ tai tiếng: “Nhưng nhìn xem không thể chấp nhận được, một cái cây đã ngã, tiếng động của nó mới lớn làm sao!” “Nhưng bạn không thấy khu rừng đang phát triển mỗi ngày sao?” bởi vì sự phát triển thì âm thầm. Điều mang tính quyết định là khả năng phân định và nhận ra điều tốt. Tuy nhiên, thông thường chúng ta chỉ đánh giá người khác theo mức độ họ phù hợp với ý tưởng của chúng ta; và chúng ta phải nhìn thấy điều này là tốt. Và đây là lý do tại sao điều quan trọng là hướng cái nhìn của chúng ta lên trên, hướng về ánh sáng của sự thiện. Chỉ bằng cách này, bắt đầu từ việc nhìn nhận những điều tốt đẹp, chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai chung; chỉ bằng cách coi trọng người khác, chúng ta mới có thể giúp họ tiến bộ.

Cha đã đến trung tâm của Châu Á, và việc này giúp cha rất nhiều. Thật tốt khi bước vào cuộc đối thoại với lục địa rộng lớn này, góp nhặt những thông điệp của họ, tìm biết sự khôn ngoan của họ, cách nhìn sự vật, nắm lấy thời gian và không gian của họ. Thật tốt cho cha khi được gặp người dân Mông Cổ, những người trân quý cội nguồn và truyền thống của mình, tôn trọng người già và sống hòa hợp với môi trường: họ là một dân tộc chiêm ngưỡng bầu trời và cảm nhận hơi thở của tạo vật. Nghĩ đến sự rộng lớn vô tận và sự im lặng của Mông Cổ, xin chúng ta hãy để mình bị khuấy động bởi sự cần thiết phải mở rộng tầm nhìn của mình: mở rộng các chân trời, nhìn lên và nhìn xuống, hãy nhìn xem và đừng trở thành tù nhân của những điều tầm thường. Chúng ta hãy mở rộng ranh giới trong cái nhìn của mình, để chúng ta có thể nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người khác và có khả năng mở rộng các chân trời, và chúng ta cũng hãy mở rộng tâm hồn của mình; chúng ta cần làm cho tâm hồn chúng ta lớn lên và rộng mở để hiểu biết, để gần gũi với mọi người và mọi nền văn minh. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Malta, Senegal, Úc, Indonesia và Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả anh chị em!

Cha thật vô cùng đau buồn khi nghe biết về vụ hỏa hoạn xảy ra tại một tòa nhà năm tầng ở trung tâm Johannesburg, Nam Phi, khiến hơn 70 người thiệt mạng, trong đó có một số trẻ em. Cha xin anh chị em cùng cha cầu nguyện cho những nạn nhân bất hạnh. Cha gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình họ và ban Phép lành đặc biệt cho họ cũng như tất cả những người đang làm việc để trợ giúp và hỗ trợ.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2023]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ – Nghi thức chào đón tại Quảng trường Sükhbaatar và thăm ngoại giao Tổng thống Mông Cổ, Gặp gỡ các nhà chức trách, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn, và Gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, 09.02.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ – Nghi thức chào đón tại Quảng trường Sükhbaatar và thăm ngoại giao Tổng thống Mông Cổ, Gặp gỡ các nhà chức trách, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn, và Gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, 09.02.2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ (31 tháng 8 đến 4 tháng 9 năm 2023) – Nghi thức chào đón tại Quảng trường Sükhbaatar và thăm ngoại giao Tổng thống Mông Cổ, Gặp gỡ các nhà chức trách, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn, và Gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, 02.09.2023

*******

Nghi thức chào đón tại Quảng trường Sükhbaatar và Thăm ngoại giao Tổng thống Mông Cổ tại Cung điện Chính phủ

Sáng nay, sau khi dâng Lễ riêng, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Sükhbaatar để tham dự nghi thức đón tiếp tại Mông Cổ.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được ông Ukhnaagiin Khürelsükh, Tổng thống Mông Cổ, tiếp đón.

Sau nghi thức duyệt đội danh dự, chào cờ và hát quốc ca là phần giới thiệu của các đoàn đại biểu.

Cuối cùng, sau khi di chuyển bằng xe hơi đến lối vào của Điện Chính phủ, Đức Thánh Cha và Tổng thống Mông Cổ tiến vào Cung điện, sau đó đến trước tượng Thành Cát Tư Hãn thể hiện sự kính trọng. Sau đó, hai vị đến Gran Ger, tại đây diễn ra cuộc thăm xã giao Tổng thống Mông Cổ lúc 9:30 (3:30 giờ Roma).

Sau khi ký Sổ danh dự và chụp ảnh chính thức là cuộc gặp gỡ riêng, tiếp theo là phần giới thiệu gia đình Tổng thống và tặng quà. Sau đó Đức Thánh Cha và Tổng thống đi đến Hội trường Ikh Mongol để gặp gỡ các giới chức chính quyền.


Gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Hội trường Ikh Mongol và với Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng tại Phòng họp A

Lúc 10:15 (4:15 Roma) diễn ra cuộc gặp gỡ với các nhà hữu trách chính quyền, xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn tại Hội trường Ikh Mongol. Cuộc họp có sự tham dự của khoảng 700 người, gồm các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, thành viên Ngoại giao đoàn, doanh nhân và đại diện xã hội dân sự và văn hóa.

Sau bài diễn văn khai mạc của ông Ukhnaagiin Khürelsükh, Tổng thống Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha tạm biệt Tổng thống và chuyển đến Phòng họp A, tại đây trên tầng ba, ngài gặp Chủ tịch Quốc hội, ông Gombojay Zandanshatar, và sau đó là Thủ tướng Luvsannamsrai Oyun-Erdene. Sau đó ngài lên xe trở về Phủ Tông tòa, nơi ngài dùng bữa trưa riêng.

Sau đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ với các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn:

__________________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa ngài Tổng thống,
Thưa ngài Chủ tịch Quốc hội,
Thưa ngài Thủ tướng,
Thưa các vị Thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Thưa các vị hữu trách Dân sự và Tôn giáo,
Thưa quý vị đại diện Thế giới văn hóa,
Thưa quý ông, quý bà,

Tôi xin cảm ơn Ngài Tổng thống vì sự chào đón nồng hậu và những lời chia sẻ chân tình của ngài, và tôi xin gửi lời chào thân ái nhất đến tất cả quý vị. Tôi thật vinh dự được có mặt ở đây, hạnh phúc vì được hành trình đến vùng đất rộng lớn và rất đáng chú ý này, và đến với một dân tộc ý thức trọn vẹn ý nghĩa và tầm quan trọng của “cuộc hành trình” là gì. Chúng tôi thấy điều này trong những ngôi nhà truyền thống của quý vị, “ger”, những ngôi nhà di động tuyệt vời. Tôi muốn hình dung lần đầu tiên tôi bước vào một trong những chiếc nhà hình tròn nằm rải rác trên vùng đất Mông Cổ hùng vĩ với lòng kính trọng và hồi hộp và háo hức, để gặp gỡ quý vị và trở nên quen thuộc với quý vị hơn nữa. Vì vậy, tôi đây, một người hành hương của tình bằng hữu đang đứng trước cửa, đến với quý vị một cách âm thầm, với tâm hồn hân hoan và mong muốn thấy mình được giàu có về mặt hiểu biết con người trước sự hiện diện của quý vị.

Khi chúng ta bước vào nhà của bạn bè, chúng ta có một phong tục đẹp là tặng quà và nhớ lại những cuộc gặp gỡ trước đó. Quan hệ ngoại giao hiện đại giữa Mông Cổ và Tòa thánh mới có gần đây; năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày ký Thư củng cố quan hệ song phương. Tuy nhiên, trước đây khá lâu, đúng 777 năm trước, đặc biệt là từ khoảng cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín năm 1246, Tu huynh Gioan xứ Pian del Carpine, với tư cách là phái viên của Giáo hoàng, đã đến thăm ngài Guyug, vị Hoàng đế thứ ba của Mông Cổ, và trình lên Đức Đại Hãn một công văn chính thức của Đức Giáo hoàng Innocent IV. Ngay sau đó, một lá thư phản hồi đóng ấn của Đại Hãn bằng chữ Mông Cổ truyền thống đã được viết và dịch ra nhiều thứ tiếng. Bức thư đó được lưu giữ trong Thư viện Vatican, và hôm nay tôi rất vinh dự được giới thiệu với quý vị một bản sao được chứng thực, được thực hiện bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất để đảm bảo chất lượng cao nhất có thể. Ước mong đó là dấu hiệu của một tình bằng hữu từ xa xưa đang phát triển và được đổi mới.

Tôi được kể rằng vào lúc bình minh, trẻ em ở các vùng miền quê của quý vị ra đứng trước cửa lều ger nhìn ra xa đếm số đầu gia súc rồi báo cáo cho cha mẹ. Chúng ta cũng được hưởng lợi từ việc nhìn về những chân trời rộng lớn ở khắp nơi xung quanh chúng ta, từ bỏ những cách nhìn thiển cận để có một tầm nhìn toàn cầu, rộng lớn hơn. Đó là bài học của các ngôi nhà ger: sinh ra từ đời sống du mục trên thảo nguyên, chúng trải rộng trên một lãnh thổ mênh mông và trở thành nét đặc trưng của nhiều nền văn hóa lân cận. Lãnh thổ rộng lớn của Mông Cổ trải dài từ sa mạc Gobi đến vùng thảo nguyên, từ những đồng bằng mênh mông đến các khu rừng thông và các dãy núi Altai và Khangai. Bị giao cắt bởi những dòng sông uốn lượn mà khi nhìn từ trên cao giống như cách trang trí phức tạp trên những loại vải dệt cổ quý giá, tất cả những điều này phản ánh sự hùng vĩ và vẻ đẹp của toàn trái đất, được coi là một khu vườn đầy cuốn hút và thú vị. Sự khôn ngoan của quý vị, của dân tộc quý vị, đã trưởng thành qua nhiều thế hệ các chủ trang trại và chủ đồn điền, tôn trọng sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái, nói lên một cách hùng hồn với những người từ chối theo đuổi những lợi ích riêng thiển cận trong thời đại chúng ta, và thay vào đó mong muốn truyền lại cho các thế hệ tương lai những miền đất chào đón và trổ sinh hoa trái. Quý vị giúp chúng tôi biết trân quý và vun trồng cách cẩn thận những gì mà người Kitô hữu chúng tôi coi là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thành quả của kế hoạch từ bi hải hà của Ngài, và chống lại những tác động tàn phá của con người bằng một văn hóa quan tâm và tầm nhìn xa được phản ánh trong các chính sách có trách nhiệm với hệ sinh thái. Nhà ger là nơi ở mà ngày nay có thể được coi là hiệu quả và thân thiện với môi trường vì chúng linh hoạt và đa chức năng, không gây tác động đến môi trường. Hơn nữa, tầm nhìn toàn diện về truyền thống shama của người Mông Cổ, kết hợp với sự tôn trọng mọi loài sinh vật được thừa hưởng từ triết lý Phật giáo, có thể góp phần đáng kể vào những nỗ lực cấp bách và không thể trì hoãn nhằm bảo vệ và bảo tồn hành tinh Trái đất.

Lều ger, hiện diện ở vùng nông thôn cũng như thành thị, cũng chứng thực cho sự kết hợp quý giá giữa truyền thống và hiện đại, vì chúng nối kết đời sống của người già và người trẻ, và do đó làm chứng cho sự tiếp nối của người dân Mông Cổ. Từ xa xưa đến nay, dân tộc này đã bảo tồn nguồn cội của mình trong khi sẵn sàng đón nhận những thách thức lớn mang tính toàn cầu về sự phát triển và nền dân chủ, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây. Mông Cổ ngày nay, với mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng rãi, tư cách thành viên tích cực tại Liên Hợp Quốc, các nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và hòa bình, đóng một vai trò quan trọng ở trung tâm lục địa Châu Á rộng lớn và trên trường quốc tế. Tôi cũng muốn đề cập đến quyết tâm của quý vị trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí nguyên tử và thể hiện mình trước thế giới là một quốc gia không có vũ khí nguyên tử. Mông Cổ là một quốc gia dân chủ theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, nhưng cũng đề xuất đóng một vai trò quan trọng vì hòa bình thế giới. Điều quan trọng nữa là hình phạt tử hình không còn xuất hiện trong hệ thống tư pháp của quý vị.

Nhờ khả năng thích ứng với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, lều ger giúp có thể sinh sống ở những môi trường rất đa dạng; đây là trường hợp đã xảy ra trong thời kỳ oai hùng của đế chế Mông Cổ, với sự mở rộng lãnh thổ mênh mông. Hơn nữa, tôi đến Mông Cổ khi quý vị đang đánh dấu một ngày kỷ niệm quan trọng đối với các quý vị, 860 năm ngày sinh của ngài Thành Cát Tư Hãn. Việc đế chế có khả năng bao trùm những vùng đất xa xôi và đa dạng như vậy qua nhiều thế kỷ chứng tỏ khả năng nổi bật của tổ tiên quý vị trong việc chân nhận những giá trị nổi bật của các dân tộc hiện diện trên lãnh thổ rộng lớn của đế quốc và đưa những giá trị đó phục vụ cho sự phát triển chung. Mô hình này cần được đánh giá cao và được đề xuất lại trong thời đại của chúng ta. Xin Thượng đế ban cho trái đất bị tàn phá bởi vô số xung đột ngày nay có một sự đổi mới, tôn trọng luật pháp quốc tế, các điều kiện của nơi từng là pax mongolica, tức là không có xung đột. Lấy lời của một câu tục ngữ của quý vị, “mây bay đi, nhưng bầu trời vẫn còn”. Ước mong những đám mây đen của chiến tranh được xua tan, bị cuốn đi bởi ước muốn vững chắc về một tình huynh đệ phổ quát, trong đó những căng thẳng được giải quyết thông qua sự gặp gỡ và đối thoại, và những quyền cơ bản của tất cả mọi người được bảo đảm! Ở đây, trên đất nước giàu lịch sử và rộng mở này, chúng ta hãy khẩn cầu món quà này từ Đấng Tối Cao, và cùng nhau nỗ lực xây dựng một tương lai hòa bình.

Khi bước vào một ngôi lều ger truyền thống, ánh mắt của chúng ta được hướng lên điểm trung tâm cao nhất, nơi có một cửa sổ tròn mở ra với bầu trời. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ căn bản này mà truyền thống của quý vị giúp chúng ta biết trân quý: khả năng luôn hướng mắt lên cao. Ngước mắt lên trời – bầu trời xanh thẳm vĩnh cửu mà quý vị luôn tôn kính – có nghĩa là kiên vững trong thái độ nhu mì rộng mở với các giáo huấn của tôn giáo. Sự nhạy cảm tinh thần sâu sắc nằm trong kết cấu bản sắc văn hóa của quý vị, và thật đúng khi Mông Cổ phải là biểu tượng của tự do tôn giáo. Khi chiêm ngưỡng những chân trời vô tận và ít thay đổi, dân tộc của quý vị đã phát triển một cảm quan tinh thần tinh tế, sinh ra từ việc nuôi dưỡng sự thinh lặng và nội tâm. Sự hùng vĩ uy nghi của không biết bao nhiêu hiện tượng tự nhiên xung quanh quý vị đã sinh ra một cảm giác ngạc nhiên, mang đến sự đơn giản và thanh đạm, cần những gì là thiết yếu và khả năng bỏ đi những gì không cần thiết. Ở đây, tôi nghĩ đến mối đe dọa do tinh thần của chủ nghĩa tiêu dùng mang lại, mà ngày nay, ngoài việc tạo ra những bất công lớn, còn dẫn đến một não trạng cá nhân chủ nghĩa, ít quan tâm đến người khác và những truyền thống đúng đắn đã được thiết lập. Khi các tôn giáo vẫn đặt nền tảng trên di sản tinh thần nguyên thủy của mình và không bị làm hỏng bởi những lệch lạc theo giáo phái, thì chúng tỏ ra là những chỗ dựa đáng tin cậy trong việc xây dựng các xã hội lành mạnh và thịnh vượng, trong đó các tín đồ nỗ lực bảo đảm rằng sự chung sống hòa bình và tầm nhìn xa về chính trị ngày càng được đặt vào việc phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, chúng cũng thể hiện sự bảo vệ chống lại mối đe dọa tham nhũng ngấm ngầm, thực tế là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển của bất kỳ cộng đồng nhân loại nào; tham nhũng là kết quả của một não trạng vị lợi và vô liêm sỉ làm nghèo đất nước. Đúng vậy, tham nhũng làm nghèo toàn bộ các quốc gia. Đó là dấu hiệu của một tầm nhìn không ngước lên bầu trời và chạy trốn khỏi những chân trời rộng lớn của tình huynh đệ, thay vào đó trở nên khép kín và chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình.

Ngược lại, nhiều nhà lãnh đạo trong quá khứ của quý vị đã dạy quý vị phải luôn ngước nhìn lên cao và nhìn vào bối cảnh rộng lớn. Họ đã chứng tỏ một khả năng phi thường trong việc hòa nhập những tiếng nói và kinh nghiệm khác nhau, kể cả quan điểm tôn giáo. Một thái độ tôn trọng và hòa giải đã được thể hiện đối với sự đa dạng của các truyền thống thiêng liêng, như được nhìn thấy ở các nơi thờ phượng khác nhau được bảo tồn ở cố đô Kharakhorum – bao gồm cả một địa điểm của Kitô giáo. Kết quả là, gần như quý vị tự nhiên đạt đến quyền tự do tư tưởng và tôn giáo hiện đã được ghi trong Hiến pháp của quý vị. Sau khi bị loại bỏ mà không có đổ máu, hệ tư tưởng vô thần vốn cho rằng nó có thể loại trừ tôn giáo, coi đó là một trở ngại cho sự phát triển, quý vị đã chân nhận và tôn trọng tầm quan trọng căn bản của sự hợp tác hài hòa giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, mỗi người với quan điểm cụ thể của mình góp phần vào sự tiến bộ về đạo đức và tinh thần.

Về vấn đề này, cộng đồng Công giáo Mông Cổ vui mừng tiếp tục có những đóng góp thích đáng. Trên thực tế, chính trong một lều ger mà cách đây hơn ba mươi năm, cộng đồng Công giáo đã bắt đầu cử hành đức tin của mình, và Nhà thờ Chánh tòa hiện nay, tọa lạc trong thành phố rộng lớn này, gợi nhớ đến hình dạng của một căn lều ger. Đây là những dấu hiệu cho thấy cộng đồng Công giáo mong muốn chia sẻ đời sống và công việc của mình, trên tinh thần phục vụ có trách nhiệm và huynh đệ, với người dân Mông Cổ, và cũng là dân tộc của mình. Vì lý do này, tôi hài lòng khi thấy cộng đồng này, dù còn nhỏ bé và giản dị, đã chia sẻ cách nhiệt tình và cam kết vào tiến trình phát triển của đất nước bằng cách truyền bá văn hóa đoàn kết, văn hóa tôn trọng phổ quát và văn hóa đối thoại liên tôn, và bằng cách làm việc vì công bằng, hoà bình và hoà hợp xã hội. Tôi hy vọng rằng, nhờ pháp luật có tầm nhìn xa và chú ý đến những nhu cầu cụ thể, người Công giáo địa phương nói chung được hỗ trợ bởi những người tận hiến, đến từ các quốc gia khác, sẽ luôn có thể đóng góp về mặt con người và tinh thần cho Mông Cổ mà không gặp khó khăn gì, vì lợi ích của dân tộc này. Các cuộc đàm phán hiện đang diễn ra để đặt ra những quy định cho một thỏa thuận song phương giữa Mông Cổ và Tòa thánh là một phương tiện quan trọng để đạt được những điều kiện cần thiết cho việc theo đuổi các hoạt động bình thường mà Giáo hội Công giáo tham gia. Ngoài khía cạnh thờ phượng của tôn giáo nói riêng, những điều này còn bao gồm nhiều sáng kiến nhằm phục vụ sự phát triển con người toàn diện, nhất là được thực hiện trong các lãnh vực giáo dục, y tế, hỗ trợ xã hội, nghiên cứu và phát triển văn hóa. Những sáng kiến này làm chứng cách rõ ràng cho tinh thần khiêm nhường, huynh đệ và liên đới của Tin Mừng của Chúa Giêsu, con đường duy nhất mà người Công giáo được kêu gọi đi theo trong hành trình mà họ chia sẻ với mọi dân tộc.

Phương châm được chọn cho chuyến Tông du này – Cùng nhau Hy Vọng – thể hiện rõ khả năng vốn có của hành trình chúng ta đang cùng nhau thực hiện trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác theo đuổi lợi ích chung. Giáo hội Công giáo, với tư cách là một tổ chức cổ xưa hiện diện ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, là hiện thân của một truyền thống tâm linh, một truyền thống cao quý và hiệu quả đã góp phần vào sự phát triển của toàn thể các quốc gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, từ khoa học đến văn học, từ nghệ thuật đến đời sống chính trị, xã hội. Tôi chắc chắn rằng người Công giáo Mông Cổ sẽ tiếp tục sẵn sàng cống hiến sự đóng góp thích đáng của họ cho công cuộc xây dựng một xã hội thịnh vượng và an toàn, trong việc đối thoại và hợp tác với tất cả những người khác đang cư ngụ trên vùng đất mênh mông tiếp giáp với chân trời này.

“Hãy như bầu trời”. Bằng những lời này, một thi hào nổi tiếng khuyến khích chúng ta hãy vượt qua tính phù du của các sự kiện trần gian và noi gương tính phóng khoáng của tinh thần được biểu tượng bằng bầu trời trong xanh bao la mà chúng ta được chiêm ngưỡng ở Mông Cổ. Ngày nay, với tư cách là những người hành hương và khách mời ở đất nước có quá nhiều điều để cống hiến cho thế giới này, chúng tôi cũng đón nhận lời mời gọi đó và biến nó thành những dấu chỉ cụ thể của lòng trắc ẩn, đối thoại và tầm nhìn chung cho tương lai. Ước gì các thành phần khác nhau của xã hội Mông Cổ, được đại diện đầy đủ ở đây, tiếp tục cống hiến cho thế giới vẻ đẹp và sự cao quý của dân tộc đặc biệt này. Bằng cách này, giống như lối viết chữ dọc theo truyền thống của quý vị, ước mong quý vị luôn “chính trực” trong những nỗ lực nhằm giảm bớt nỗi đau khổ rất lớn của những người xung quanh mình, nhắc nhở mọi người về phẩm giá của mỗi con người, được mời gọi cư ngụ trong ngôi trái đất của chúng ta bằng cách ôm lấy bầu trời. Bayarlalaa! [Cảm ơn quý vị!]


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/9/2023]