Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Ăn năn là dấu chỉ của ơn cứu độ’

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Ăn năn là dấu chỉ của ơn cứu độ’

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Ăn năn là dấu chỉ của ơn cứu độ’
Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta hôm thứ Năm
28/09/2017 11:25
(Vatican Radio) Đừng e ngại phải “nói sự thật về cuộc đời của chúng ta,” qua cách thừa nhận tội lỗi của mình và kể lên với Chúa. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ sáng thứ Năm trong nhà nguyện Thánh Marta.
Phân tích trong phần giảng về bài Tin mừng trong ngày kể về thái độ đáp lời của vua Hê-rô-đê trước lời giảng dạy của Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng một số người nói rằng Chúa Giê-su là Gio-an Tẩy Giả, là Ê-li-a hay một ngôn sứ nào đó.
Ngài nói, Hê-rô-đê không biết phải nghĩ về Chúa Giê-su theo cách nào, nhưng “ông ta cảm nhận” một điều gì đó ở bên trong. Đây không đơn thuần là sự tò mò, Đức Thánh Cha nói, nhưng là “sự ăn năn trong linh hồn và trong tâm hồn.” Hê-rô-đê tìm cách gặp Chúa Giê-su “để làm tâm hồn lắng dịu.”
Đức Thánh Cha nói rằng Hê-rô-đê muốn xem Đức Ki-tô thực hiện một phép lạ, nhưng Chúa Giê-su từ chối biểu diễn “một màn xiếc trước mặt ông ta,” vì thế Hê-rô-đê chuyển Người sang cho Phi-la-tô. Và Chúa Giê-su đã phải trả giá cho sự từ chối của mình bằng cả mạng sống.
Đức Thánh Cha nói, bằng cách làm như vậy Hê-rô-đê che giấu “tội ác bằng một tội ác khác” và “sự ăn năn của lương tâm bằng một tội ác khác,” giống như một người “sát nhân để không còn cảm thấy sợ.”
Vì thế, ngài nói, sự ăn năn không “đơn thuần là nhớ lại một điều gì đó” nhưng là “một vết thương mở.”
“Nó là một vết thương mở, nó làm vấy bẩn chúng ta khi chúng ta làm một điều gì đó sai phạm trong đời. Nhưng nó lại là một vết thương giấu kín, ngay cả tôi cũng chẳng nhìn thấy, vì tôi đã quen với việc mang nó theo mình và mất cảm giác về nó. Nó vẫn ở đó và có người đụng chạm đến nó, nhưng nó vẫn ở trong mình. Khi nó bị tổn thương, chúng ta cảm thấy ăn năn. Tôi không chỉ ý thức vì mình đã phạm tội, nhưng còn cảm nhận nó trên thân xác tôi, trong linh hồn tôi, và trong cuộc sống của tôi. Và vì thế tôi cảm thấy một cám dỗ phải che đậy nó để không còn cảm nhận thấy nó nữa.”
Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục nói rằng thật là “một ơn sủng khi cảm thấy lương tâm tố cáo chúng ta.” Tuy nhiên, ngài nói rằng không ai trong chúng ta là một thánh nhân, vì vậy tất cả chúng ta đều bị cám dỗ chỉ chú ý đến tội của người khác, thay vì phải chú ý đến tội của chính mình.
“Chúng ta phải, nếu tôi có thể nói như vầy, ‘rửa tội’ cho vết thương mở này, nghĩa là, đặt cho nó một cái tên … Và nếu anh chị em hỏi, “Thưa cha, làm sao con có thể tống khứ nó được?’ Trước hết, hãy cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là một tội nhân.’ Và rồi kiểm tra lại cuộc sống của mình … Và nhờ một ai đó nhận dạng ra vết thương và đặt cho nó một cái tên, và nói rằng ‘tôi cảm thấy ăn năn vì tôi đã làm hành động này.’ Đây là sự khiêm nhường thật sự trước mặt Chúa.”
Đức Thánh Cha nói rằng hành động ăn năn thống hối cụ thể như vầy rất cần thiết để chữa lành.
“Chúng ta phải học khoa học và sự khôn ngoan biết tố cáo chính bản thân chúng ta … Tôi tự cáo mình, cảm thấy đau đớn vì vết thương, tìm biết xem nó từ đâu đến, và kết tội bản thân đã phạm vào tội đó. Đừng e ngại sự ăn năn, vì nó là một dấu chỉ của ơn cứu độ.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi tất cả cầu xin ơn sủng “có lòng can đảm biết cáo mình,” để bước trên hành trình tiến đến ơn cứu độ.

(Devin Sean Watkins)

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/09/2017]


Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Ủy ban Chống Mafia của Quốc hội Ý

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Ủy ban Chống Mafia của Quốc hội Ý

Bằng mọi cách chống lại bóng đen kinh hoàng của tham nhũng
21 tháng Chín, 2017
Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Ủy ban Chống Mafia của Quốc hội Ý
Đức Thánh Cha và Ủy ban Chống Mafia Quốc hội Ý © L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico nói “phải kiên quyết bằng mọi cách chống lại bóng đen kinh hoàng của tham nhũng, nó khinh miệt ích lợi chung, nó là mảnh đất màu mỡ cho mafia cắm rễ và phát triển.”
Những bình luận của ngài trong một diễn từ ngày 21 tháng Chín, 2017 trước các thành viên của Ủy ban Quốc hội Ý chống Mafia cùng gia đình của họ. Sự kiện diễn ra trong Đại sảnh Clementine của Điện Tông truyền.
Đức Thánh Cha giải thích, “Chiến đấu chống lại mafia không chỉ là ngăn chặn, nhưng nó còn là cải tạo, biến đổi, xây dựng.”
Đức Thánh Cha đề nghị rằng phải xử lý mafia theo hai hướng. Thứ nhất là mặt trận chính trị, “qua tính công bằng xã hội lớn hơn, vì mafia chơi một trò chơi dễ dàng đó là đưa ra một hệ thống thay thế theo phạm vi riêng của chúng, trong đó thiếu các quyền và cơ hội việc làm, nhà cửa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe.”
Ngài đề nghị hướng thứ hai là kinh tế, “qua việc sửa đổi và hủy bỏ những cơ cấu tạo ra sự bất bình đẳng và nghèo đói khắp nơi.”
Ngài kết luận bằng lưu ý đến sự cần thiết phải giúp đỡ những người muốn rời bỏ cuộc sống tham nhũng: “Phải tìm ra được một con đường để giúp cho một người trở nên trong sạch, nhưng đang thuộc về những gia đình hoặc bối cảnh mafia, được thoát ra mà không bị những sự thù hằn và báo thù.”
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người có mặt trong buổi tiếp kiến
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Kính thưa các Nghị sĩ và Thượng nghị sĩ,
Tôi rất hân hạnh được tiếp đón các vị và tôi xin cảm ơn ngài Chủ tịch Ủy ban, ngài Bindi đáng kính, về những lời chào tốt đẹp của ngài.
Trước hết, tôi xin dành phần đầu để tưởng nhớ đến những người ở nước Ý đã phải trả giá bằng mạng sống của họ cho cuộc chiến chống lại mafia. Đặc biệt, tôi tưởng nhớ đến ba vị Thẩm phán tòa sơ thẩm: Tôi tớ Chúa Rosario Livatino, bị giết ngày 21 tháng Chín, 1990; Giovanni Falcone và Paolo Borsellino, cùng bị giết 25 năm về trước với những người hộ tống họ.
Khi tôi đang chuẩn bị cho buổi họp mặt này, hiện lên trong trí óc của tôi là những cảnh rao giảng phúc âm, trong đó không khó cho chúng ta nhận thấy được những dấu chỉ của cuộc khủng hoảng luân lý mà con người và các cơ quan tổ chức đang trải qua hôm nay. Sự thật trong Lời của Chúa Giê-su luôn phù hợp mọi thời đại, “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7:20-23).
Mục đích của hành trình luôn luôn từ trái tim của con người, những mối quan hệ và những sự gắn kết của người đó. Chúng ta sẽ không bao giờ có sự cảnh giác đủ với vực sâu này, nơi mà con người đứng trước bao cám dỗ của chủ nghĩa cơ hội, của những mánh lới và sự lường gạt, chúng trở nên nguy hiểm hơn do việc chối bỏ sự tự vấn bản thân. Khi chúng ta khóa chặt cửa lòng mình trong sự tự thỏa mãn chúng ta sẽ dễ dàng bước đến với tính tự mãn và mang tham vọng biến mình thành quy phạm cho mọi sự và mọi người. Nó cũng là một dấu hiệu của một nền chính trị lệch lạc nghiêng về những lợi ích đảng phái và những thỏa thuận hoàn toàn không rõ ràng. Và người ta tiếp tục bóp nghẹt tiếng kêu thống thiết của lương tâm, tiếp tục làm cho cái ác trở thành bình thường, tiếp tục làm lẫn lộn giữa sự thật và sự giả dối và tiếp tục kiếm lợi từ vai trò lãnh đạo mà người ta có được.
Chính trị chân thực, mà chúng ta chân nhận là một hình thức cao của đức ái, của công cuộc bảo đảm một tương lai ngập tràn hy vọng và thăng tiến phẩm giá của mỗi người. Chính vì điều này, nó xem cuộc chiến chống lại mafia là ưu tiên hàng đầu, vì chúng cướp mất thiện ích chung, tước mất niềm hy vọng và phẩm giá con người.
Trong mối quan hệ này, bằng mọi cách phải kiên quyết chống lại bóng đen kinh hoàng của tham nhũng, nó khinh miệt ích lợi chung, nó là mảnh đất màu mỡ cho mafia cắm rễ và phát triển. Tham nhũng luôn tìm cách để biện minh cho nó, xem nó như một tình trạng “bình thường,” một giải pháp cho những kẻ “ranh mãnh,” là con đường phải đi theo để đạt được những mục tiêu của một người. Nó có bản chất dễ lây lan và sống ký sinh, vì nó không được nuôi dưỡng trên những sự tốt lành mà nó tạo ra, nhưng được nuôi dưỡng trên những cách ăn bớt và ăn cướp. Nó là một cái rễ độc hại làm biến đổi sự cạnh tranh lành mạnh và ngăn chặn những sự đầu tư. Trong thực tế, tham nhũng là một thói quen được xây dựng trên ngẫu thần đồng tiền và sự thương mại hóa nhân phẩm, vì vậy phải chiến đấu với nó bằng những biện pháp sắc bén không kém với những biện pháp trong cuộc chiến chống mafia.
Chiến đấu chống lại mafia không chỉ là ngăn chặn, nhưng nó còn là cải tạo, biến đổi, xây dựng, và điều này đòi buộc một cam kết ở hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là chính trị, qua tính công bằng xã hội lớn hơn, vì mafia chơi một trò chơi dễ dàng đó là đưa ra một hệ thống thay thế theo phạm vi riêng của chúng, trong đó thiếu các quyền và cơ hội việc làm, nhà cửa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe.
Cấp độ thứ hai của sự cam kết là kinh tế, qua việc sửa đổi và hủy bỏ những cơ cấu tạo ra sự bất bình đẳng và nghèo đói khắp nơi. Ngày nay chúng ta không có thể nói về cuộc chiến chống mafia mà không nêu bật lên vấn đề khổng lồ của tài chính, nhờ đó mà các tổ chức tội phạm đầu tư và nhân gấp lên nhiều lần những khoản lợi nhuận vốn đã khổng lồ thu được từ những vụ buôn lậu: ma túy, vũ khí, buôn người, xả chất thải độc hại, đặt điều khoản cho các hợp đồng công trình lớn, đánh bạc, kiếm tiền phi pháp.
Cấp độ hai chiều này, chính trị và kinh tế, cũng ngụ ý chỉ đến một phạm vi không kém phần quan trọng khác, đó là xây dựng một lương tâm công dân mới, con đường duy nhất có thể dẫn đến việc giải phóng thật sự khỏi mafia. Điều thật sự hữu ích là giáo dục và tự rèn luyện tính cảnh giác cao độ đối với chính bản thân và với bối cảnh mỗi người đang sống trong đó, nâng cao nhận thức nhạy bén về hiện tượng tham nhũng và hướng đến một con đường mới để trở thành những công dân biết quan tâm và có trách nhiệm với người khác và với thiện ích chung.
Nước Ý có thể tự hào vì đã đặt một pháp chế bao gồm cả Chính phủ và công dân, thế giới thế tục và thế giới Công giáo và các tôn giáo theo nghĩa rộng, trong lĩnh vực chống lại mafia. Trong mối tương quan này, những tài sản được tịch thu từ mafia và được chuyển sang sử dụng cho xã hội thể hiện những đường hướng tốt lành thật sự cho cuộc sống. Trong những thực tại này, người trẻ học hành, họ học tập kiến thức và trách nhiệm, tìm kiếm việc làm và sự hoàn thiện. Nhờ họ, rất nhiều người cao tuổi, người nghèo hoặc người chịu thua thiệt đã tìm được lòng mến khách, sự phục vụ và phẩm giá.
Cuối cùng, điều không thể quên là cuộc chiến chống mafia không thể bỏ qua việc bảo vệ và thúc đẩy những chứng nhân cho sự công bằng, những người đặt bản thân họ và trong những sự nguy hiểm rất lớn bằng việc tố cáo bạo lực mà họ đã chứng kiến. Phải tìm ra được một con đường để giúp cho một người trở nên trong sạch, nhưng đang thuộc về những gia đình hoặc bối cảnh mafia, được thoát ra mà không bị những sự thù hằn và báo thù. Có rất nhiều phụ nữ, đặc biệt những người mẹ, đang tìm cách làm điều này, bằng việc chối bỏ những luận điệu của tội phạm để mong bảo đảm cho con cái của họ một tương lai khác. Vì thế, chúng ta phải giúp đỡ họ, một cách thật sự chắc chắn, những đường đi của công bằng, và cả phẩm giá làm người mà vì nó họ đã chọn điều tốt lành và chọn sự sống.
Anh chị em thân mến, tôi khẩn thiết kêu gọi anh chị em hãy dấn bước trong sự cống hiến và ý thức về trách nhiệm và công việc được trao phó cho anh chị em vì sự tốt lành cho tất cả mọi người, tôi khẩn cầu ơn lành của Thiên Chúa cho anh chị em. Nguyện xin anh chị em được ủi an bởi niềm tin chắc chắn rằng anh chị em được Ngài đồng hành, Đấng giàu lòng thương xót, và bởi nhận thức rằng Ngài là Đấng không khoan dung cho bạo lực và ngược đãi sẽ làm cho anh chị em trở lành những người lao công không mệt mỏi cho công bằng. Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/09/2017]